Bản án 06/2020/HS-PT ngày 10/01/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 06/2020/HS-PT NGÀY 10/01/2020 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Hôm nay, ngày 10 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 206/2019/TLPT – HS ngày 11 tháng 12 năm 2019 đối với các bị cáo Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L do có kháng cáo của các bị cáo C và L đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2019/HSST ngày 07 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1, Nguyễn Thị C, sinh năm 1963; nơi ĐKHKTT: thôn C, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 01/10; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn Đ và bà Nguyễn Thị N (đều đã chết); có chồng là Nguyễn Văn T, sinh năm 1960 và có 03 con, lớn nhất sinh năm 1983, nhỏ nhất sinh năm 1990. Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Tại Bản án phúc thẩm số: 72/HSPT ngày 09/12/2013 của TAND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Nguyễn Thị C 12 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”; chấp hành xong hình phạt tù ngày 13/5/2014. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019. Có mặt.

2, Nguyễn Sỹ L, sinh năm 1982; Sinh quán: Xóm 2, thôn Đ, xã X, huyện G, tỉnh Bắc Ninh; Nơi ĐKHKTT: Số 10, ngõ 192, đường L, phường K, quận T, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: lớp 12/12;

Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Sỹ Q và bà Lê Thị T, đều sinh năm 1960; có vợ là Nguyễn Thị H, sinh năm 1982 và có 02 con, lớn sinh năm 2009, nhỏ sinh năm 2012. Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 21/02/2018, L bị Công an thành phố Bắc Ninh xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo” về hành vi “Gây mất trật tự ở trụ sở cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ – CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/7/2019. Có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo C: Ông Nguyễn Minh Long và ông Nguyễn Hồng Đức - Luật sư thuộc Công ty luật DRAGON - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

Trong vụ án này còn có 02 người có quyền L, nghĩa vụ liên quan do không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 04/7/2019, Chủ tịch UBND huyện T, tỉnh Bắc Ninh ra quyết định số:

967/QĐ-UBND về việc thành lập tổ đối thoại để tiến hành đối thoại giải quyết đơn khiếu nại của Nguyễn Thị C. Buổi đối thoại được tổ chức vào ngày 05/7/2019 tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện T thuộc thị trấn Hồ, huyện T. Tổ công tác trực tiếp tham gia đối thoại có 11 người gồm: Ông Nguyễn Xuân Đương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện T, chủ trì buổi đối thoại. Các thành viên trong tổ gồm: ông Nguyễn Đức Diện - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện T; Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chánh văn phòng Huyện ủy - HĐND - UBND huyện T, ông Vương Đình Tuyền - Phó Chánh thanh tra huyện T, bà Nguyễn Thu Huyền - Chuyên viên thanh tra huyện T, ông Nguyễn Ngọc Phồn - Phó trưởng Công an huyện T, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa – cán bộ phòng TN&MT huyện T, ông Nguyễn Văn Hiến - Chủ tịch UNBD xã H, huyện T, ông Biện Văn Hoàn - Bí thư chi bộ thôn C, xã H, huyện T, ông Biện Văn Quyết - Trưởng thôn C, xã H, huyện T, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- cán bộ ban tiếp công dân huyện T.

Khoảng 09 giờ 30 phút ngày 05/7/2019, tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện T, tổ đối thoại gồm những người có tên trên và Nguyễn Thị C, Nguyễn Sỹ L có mặt. Khi bắt đầu vào buổi đối thoại, ông Nguyễn Xuân Đương là người chủ trì buổi đối thoại đứng lên khai mạc, giới thiệu các thành phần tham gia tiến hành đối thoại, nội dung và mục đích buổi đối thoại. Sau đó , thấy Nguyễn Sỹ L là người không có danh sách trong thành phần buổi đối thoại đang ngồi cạnh Nguyễn Thị C thì ông Đương có mời L ra khỏi phòng tiếp công dân để tổ đối thoại làm việc. Lúc này, L lấy 01 giấy ủy quyền do Nguyễn Thị C ủy quyền cho L từ ngày 05/6/2019 với nội dung: “Tôi là Nguyễn Thị C, do hạn chế về pháp luật, sử dụng máy tính, thiết bị văn phòng nên không trực tiếp liên hệ, giải quyết đơn của tôi. Nay tôi tự nguyện ủy quyền toàn bộ cho anh Nguyễn Sỹ L được cùng tôi hoặc thay mặt tôi liên hệ đến các cơ quan để giải quyết đơn của tôi (nội dung vụ việc theo đơn của tôi anh L cầm theo hoặc đã gửi cơ quan liên quan). Anh L được quyền quyết định, được ký các văn bản có liên quan khi liên hệ, làm việc” và đưa giấy ủy quyền này cho C. C cầm giấy ủy quyền từ tay L đưa cho ông Đương. Ông Đương vẫn yêu cầu L đi ra ngoài và giải thích nếu có giấy ủy quyền thì phải đưa trước để mời tham gia vào buổi đối thoại. L không chấp hành yêu cầu của ông Đương. Ngay lập tức, C phản ứng yêu cầu của ông Đương và có lời nói thô tục, xúc phạm ông Đương là “mù chữ”. Lúc này, ông Đương và ông Phồn tiếp tục giải thích cho L và C về việc giấy ủy quyền phải đưa trước để xem xét đồng thời ông Phồn tiếp tục đề nghị L đi ra ngoài nhưng L vẫn không chấp hành theo yêu cầu của ông Phồn mà còn nói to tiếng với ông Phồn 04 lần với nội dung: “Theo quy định của pháp luật, tôi đề nghị anh Phồn đi ra ngoài”. C lăng mạ, xúc phạm ông Phồn 14 lần lặp đi lặp lại các câu: “Ông chỉ là thằng ăn cắp” và L tiếp tục nói hùa theo với C: “Không ăn cắp thì lấy đâu ra xe pháo, nhà cửa thế”. C còn nói to lăng mạ, xúc phạm ông Phồn: “Loại pháp luật như ông đổ cơm cho chó nó ăn”. Sau đó, L và C yêu cầu tổ đối thoại lập biên bản về việc tổ đối thoại không chấp nhận giấy ủy quyền giữa C và L. Trong quá trình này, C và L còn tự ý sử dụng điện thoại cá nhân để quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân. Do C và L vi phạm khoản 8 Điều 4 Mục II - Nội quy trụ sở tiếp công dân huyện T đã niêm yết tại trụ sở tiếp công dân nên ông Phồn yêu cầu C và L tắt máy điện thoại, không được ghi âm, chụp ảnh nhưng C và L không chấp hành mà vẫn tiếp tục sử dụng điện thoại quay phim, chụp ảnh. Lúc này, tổ đối thoại đã tiến hành lập biên bản về việc Nguyễn Sỹ L không chấp hành theo yêu cầu của chủ tọa và nội dung L, C có hành vi, lời nói xúc phạm cán bộ đang thực thi công vụ. Khi lập biên bản xong, bà Nguyễn Thu Huyền thay mặt tổ đối thoại đọc thông qua biên bản thì L yêu cầu được xem biên bản. Bà Huyền đưa biên bản cho L thì L cầm biên bản giơ lên và nói to: “Đây là biên bản vu khống tôi, tôi sẽ tịch thu lại”. Ông Phồn yêu cầu L trả lại biên bản cho tổ đối thoại nhưng L không chấp hành mà có hành động giữ biên bản né tránh rồi đưa cho C. C cầm biên bản từ tay L không trả lại cho tổ đối thoại mà cất biên bản vào cặp xách màu đen của C.

Đến 10 giờ cùng ngày thấy Nguyễn Thị C, Nguyễn Sỹ L liên tục có những lời nói lăng mạ, xúc phạm ông Đương và ông Phồn; gây ồn ào, náo loạn tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện T. Lực lượng Công an huyện T làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự buổi đối thoại đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” đối với C và L; tiến hành thu giữ, niêm phong các đồ vật, tài liệu, tài sản cá nhân của hai đối tượng theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T đã khám nghiệm hiện trường, thu giữ hình ảnh camera và máy ghi âm của Ban tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân về quá trình diễn biến vụ việc tại trụ sở tiếp công dân huyện T theo quy định đồng thời ghi nhận: Tại cửa phòng tiếp công dân trong trụ sở có treo bảng “Nội quy trụ sở tiếp công dân huyện T”.

Tại bản Kết luận giám định số: 4259/C09-P6 ngày 29/8/2019 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Tiếng nói của người phụ nữ được gọi “chị C” trong mẫu cần giám định và tiếng nói của Nguyễn Thị C trong mẫu so sánh là của cùng một người.

Tiếng nói của người đàn ông được gọi “anh L” trong mẫu cần giám định và tiếng nói của Nguyễn Sỹ L trong mẫu so sánh là của cùng một người.

nh ảnh khuôn mặt của người phụ nữ (ký hiệu 2 ở Bản ảnh kèm theo) trong tệp video mẫu cần giám định và của Nguyễn Thị C trong mẫu so sánh là hình ảnh của cùng một người với tỉ lệ giống nhau là 99,2%.

nh ảnh khuôn mặt của người đàn ông (ký hiệu 3 ở Bản ảnh kèm theo) trong tệp video mẫu cần giám định và của Nguyễn Sỹ L trong mẫu so sánh là hình ảnh của cùng một người với tỉ lệ giống nhau là 99,2%.

Với nội dung trên, bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T đã tuyên xử các bị cáo Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Áp dụng khoản 1 Điều 318; khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt: Nguyễn Thị C 15 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt: Nguyễn Sỹ L 07 tháng tù.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 08/11/2019, bị cáo Nguyễn Thị C kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng bị cáo không phạm tội.

Ngày 12/11/2019, bị cáo Nguyễn Sỹ L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Sỹ L giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, thừa nhận hành vi giúp sức cho C để gây rối, bản án sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội. L đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Thị C tại phiên tòa phúc thẩm từ chối người bào chữa là các luật sư Nguyễn Minh Long và Nguyễn Hồng Đức do gia đình mời và cho rằng bị cáo bị các bộ phận tiếp dân kích động và do nhận thức pháp luật hạn chế nên đã phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của C và L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Hai bị cáo không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Đơn kháng cáo của bị cáo C và L nộp trong thời hạn luật định là hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[1] Tại phiên tòa hôm nay, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ được và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở kết luận:

Khoảng từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ ngày 05/7/2019, tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L đã có thái độ phản ứng không chấp hành mọi yêu cầu của chủ tọa cũng như thành viên tổ đối thoại. Bản thân C đã có lời nói thô tục, xúc phạm ông Nguyễn Xuân Đương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện T là “mù chữ”, xúc phạm ông Nguyễn Ngọc Phồn - Phó trưởng Công an huyện T nhiều lần với câu: “Ông chỉ là thằng ăn cắp”; “Loại pháp luật như ông đổ cơm cho chó nó ăn”. Còn L nói to tiếng với ông Phồn 04 lần với nội dung: “Theo quy định của pháp luật, tôi đề nghị anh Phồn đi ra ngoài”. Khi C xúc phạm ông Phồn thì Nguyễn Sỹ L nói hùa theo: “Không ăn cắp thì lấy đâu ra xe pháo, nhà cửa thế”. Hai bị cáo còn có thái độ coi thường quy định của pháp luật bằng hành động thu giữ và cất giữ biên bản làm việc của tổ đối thoại đang thi hành nhiệm vụ và không được sự đồng ý của tổ công tác nhưng vẫn tự ý thực hiện việc quay phim, chụp ảnh tại buổi làm đối thoại. Như vậy, hai bị cáo đã gây mất trật tự, trị an tại nơi công cộng nên bản án sơ thẩm đã xét xử Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo C và L đã làm mất trật tự tại trụ sở tiếp công dân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cũng như làm giảm uy tín của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân đồng thời thể hiện sự coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến kỷ cương, trật tự tại công sở.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo C và L đã thành khẩn nhận tội, cả hai bị cáo đều hối hận về hành vi phạm tội do vậy cần chấp nhận kháng cáo giảm hình phạt cho hai bị cáo.

Đối với bị cáo Nguyễn Sỹ L còn phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo chỉ là người giúp sức cho C nên chỉ cần xử bị cáo bằng thời hạn đã giam giữ cũng đủ để giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt.

Bị cáo C và L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L. Sửa án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự. Điều 347 Bộ luật tố tụng hình sự, xử phạt: Nguyễn Thị C 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày 05/7/2019.

Quyết định tạm giam bị cáo Nguyễn Thị C 45 ngày kể từ ngày tuyên án phúc thẩm để đảm bảo thi hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự. Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự.

Xử phạt: Nguyễn Sỹ L 06 tháng 05 ngày (sáu tháng, năm ngày) tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn tù tính từ ngày 05/7/2019.

Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh trả tự do ngay cho bị cáo Nguyễn Sỹ L nếu không bị giam giữ về một tội phạm khác.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bị cáo Nguyễn Thị C và Nguyễn Sỹ L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

333
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2020/HS-PT ngày 10/01/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:06/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:10/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về