TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 06/2020/DS-PT NGÀY 26/05/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI
Trong ngày 24 tháng 4 năm 2020 và ngày 26 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 28/2019/TLPT-DS ngày 25 tháng 12 năm 2019, về việc Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Nho Quan bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 05/2020/QĐ-PT ngày 25 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y (gọi tắt là Công ty Y); Địa chỉ: Bản P, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Người đại diện hợp pháp: Ông Phạm Xuân M - Tổng giám đốc Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y; Địa chỉ: Bản T, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 21/02/2019).
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Tiến T sinh năm 1956; Trú tại: Bản T, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Đinh Thị H sinh năm 1958; Trú tại: Bản T, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Người đại diện hợp pháp của bà H: Ông Nguyễn Tiến T sinh năm 1956; Trú tại: Bản T, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 29/5/2019) 4. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Tiến T là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 21/02/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Theo Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 30/8/2007, được điều chỉnh lại bằng Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 05/11/2007 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho phép Công ty TNHH Ph (Gọi tắt là Công ty Ph) khai thác đất trên diện tích 4,08ha tại đồi Dốc Bệu, xã K, huyên Nho Quan, thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 70 xã K, thời hạn khai thác 03 năm (từ tháng 9/2007 đến tháng 9/2010). Cũng tại các Quyết định nêu trên Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thu hồi 40.800m2 đất do Công ty Y quản lý để giao cho Công ty Ph thuê sử dụng vào mục đích khai thác. Trong diện tích đất thu hồi có 20.100m2 đất trước đó công ty giao cho gia đình ông T trực tiếp sản xuất. Công ty Ph đã thực hiện việc giải phóng mặt bằng và đền bù cho các hộ dân, gia đình ông T được bồi tH, hỗ trợ 215.406.000 đồng.
Ngày 19/7/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 1083/QĐ-UBND cho phép Công ty Ph chuyển nhượng quyền khai thác đất tại mỏ đất đồi Dốc Bệu, xã K, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho Công ty Y.
Ngày 27/8/2009 Công ty Ph và Công ty Y ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác mỏ đất đồi Dốc Bệu và đã tiến hành bàn giao tài sản chuyển nhượng. Do chưa có kế hoạch khai thác nên khi hết thời hạn Công ty vẫn chưa thực hiện việc khai thác. Theo Sổ mục kê đất đai xã K lập năm 2011, Tờ bản đồ số 70 Bản đồ địa chính xã K lập năm 2011 và Bản đồ rà soát tình hình sử dụng đất do Công ty Y quản lý, sử dụng lập ngày 30/11/2015 thì toàn bộ diện tích đất tại thửa số 1, tờ bản đồ 70 xã K thuộc quyền sử dụng, quản lý của Công ty Y. Đến năm 2017 Công ty Y được UBND tỉnh Ninh Bình xác nhận khu vực khai thác khoáng sản trên diện tích 1,7ha tại thửa đất số 01, tờ bản đồ 70 xã K với thời hạn 5 năm từ năm 2017 đến năm 2022. Khoảng năm 2012 gia đình ông T đã tự ý trồng cây trên diện tích đất Công ty Y đang quyền quản lý, sử dụng và đã được công nhận khu vực khai thác khoáng sản. Khi ông T trồng cây công ty không phát hiện kịp thời vì nhà, đất của ông T liền kề giáp với đất của công ty. Đến năm 2017 công ty đã thông báo cho ông T thu hoạch cây trồng để trả lại đất nhưng ông T không chấp hành. Ủy ban nhân dân xã K đã hòa giải hai lần nhưng không thành. Nay Công ty Y khởi kiện yêu cầu ông T thu hoạch toàn bộ cây cối ông T đã tự ý trồng để trả lại 1,7ha đất cho công ty.
Ngày 13/6/2019, sau khi xem xét lại hồ sơ và trên thực tế Công ty Y thấy ông T đang sử dụng trái phép 1,4ha đất của công ty, còn lại 0,3ha không phải ông T mà là ông Th1 đang sử dụng. Công ty và ông Th1 đã thỏa thuận giải quyết xong. Vì vậy, Công ty Y chỉ yêu cầu Tòa án buộc ông T phải trả lại cho 1,4ha đất tại Đồi Dốc Bệu, xã K, huyên Nho Quan, thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 70.
Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Nguyễn Tiến T, đồng thời là người đại diện hợp pháp của bà H trình bày: Ông T xác định diện tích đất gia đình ông đang sử dụng trồng cây Keo, Đào, Xoan là 1,4ha. Diện tích đất nêu trên nguồn gốc là của gia đình ông được Nông trường giống bò sữa Phùng Thượng giao sử dụng 50 năm (Giao năm 1997). Năm 2008 Công ty Ph có nhu cầu khai thác khoáng sản trên diện tích đất nêu trên nên gia đình ông nhất trí bàn giao lại cho phía Công ty Ph và nhận đền bù 215.406.000 đồng, số tiền này chưa có tiền hỗ trợ về đất. Sau đó 3 năm công ty không khai thác, đất bỏ hoang nên năm 2012 gia đình ông tự ý trồng cây trên đất để phủ xanh đất trống. Đến năm 2017 ông T biết Công ty Y đã xin cấp phép khai thác và đã được cấp phép khai thác diện tích đất nêu trên với thời hạn 5 năm. Qua nhiều lần làm việc với công ty tại Ủy ban nhân dân xã, giữa 2 bên đã thống nhất với nhau về việc giải quyết nhưng sau đó công ty lại không thực hiện. Nay Công ty Y khởi kiện yêu cầu gia đình ông phải trả lại 1,4ha đất, ông đồng ý trả lại với điều kiện công ty phải đền bù, hỗ trợ cho gia đình thỏa đáng theo quy định pháp luật.
Ngày 29/5/2019 Tòa án nhân dân huyện Nho Quan tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và thành lập Hội đồng định giá tài sản, kết quả: Diện tích đất tranh chấp là 1,4ha tại khu vực đồi Dốc Bệu, xã K, huyện Nho Quan, được phân định ranh giới với các hộ xung quanh là các cộc bê tông được Công ty Y đóng cố định khi công ty được giao khai thác khoáng sản. Trên 1,4ha diện tích đất tranh chấp gia đình ông T đã trồng cây lâu năm cụ thể gồm các loại cây: Keo, Bạch đàn, Xoan, Sóng vàng, Muồng, Tre gai, Nhãn, Bùi, Bưởi, Ổi, Cỏ cho bò, Bờ rào tạp có tổng giá trị các loại cây là 1.260.277.000 đồng. (Ông T trồng khoảng năm 2011 và đã đến thời kỳ thu hoạch) Tại Bản án số 12/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 Toà án nhân dân huyện Nho Quan đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Các Điều 501, 502, 507, 510, 511 Bộ luật dân sự 2005; Các Điều 164, 166, 274, 278, 357, 468, 500, 501, 503 Bộ luật dân sự 2015 Các Điều 5, 20, 56, 61, 62, 64, 152, 166 Luật đất đai 2013; Các Điều 51, 52, 53, 54, 55 Luật khoáng sản; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban tH vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Buộc gia đình ông Nguyễn Tiến T và bà Đinh Thị H phải trả lại cho Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y diện tích đất đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật trên thực tế là 1,4ha tại đồi Dốc Bệu, xã K, huyên Nho Quan thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 70 xã K (Diện tích hình thể theo như phụ lục kèm theo bản đồ khu vực khai thác khoáng sản mỏ đất dốc Bệu kèm theo Bản xác nhận số 385 ngày 23/10/2017. Diện tích thực tế được đánh dấu bởi các cột mốc bê tông được chôn cố định có các cạnh phía Đông giáp đất diện tích 0.3ha ông Th1 đã trả cho Công ty, Phía Tây giáp đất nhà ông Lưu, phía Nam và phía Bắc giáp đất nhà ông T) là loại đất mà Công ty Y được quyền khai thác khoáng sản theo Bản xác nhận số 385/XN-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc xác nhận khu vực khai thác khoáng sản cho Công ty Y với thời hạn 05 năm từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2022.
Buộc gia đình ông T và bà H phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên diện tích đất nêu trên gồm có: Keo, Bạch đàn là 4000 cây; Xoan, Sóng vàng, Muồng sắt tổng là 110 cây; Tre gai 300 cây; Nhãn là 130 cây, 01 cây Bùi, 01 cây Bưởi, 01 cây Ổi; Cỏ cho bò ăn là 10.000m2; Bờ rào tạp 40m. Thời hạn thu hoạch đến hết ngày 31/12/2019 (dương lịch).
2. Ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của Công ty cổ phần Giống bò thịt, sữa Y cho hộ gia đình ông T và bà H chi phí khai thác cây là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) khi hộ gia đình ông T bàn giao lại toàn bộ diện tích hiện đang sử dụng, chiếm hữu trái phép cho công ty.
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
3. Về án phí: Miễn án phí cho ông Nguyễn Tiến T và bà Đinh Thị H.
Trả lại cho Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y số tiền 300.000 đồng tạm ứng án sơ thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2018/0000088 ngày 03/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Nho Quan.
Ngoài ra, bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 29/11/2019 ông Nguyễn Tiến T kháng cáo phần quyết định của Bản án sơ thẩm số 12/2019/DS-PT ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan. Lý do không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm vì không thấu tình đạt lý. Năm 2007 – 2010 tỉnh thu hồi đất rừng của gia đình giao cho công ty Y để thực hiện khai thác khoáng sản nhưng công ty không thực hiện dự án. Sở tài nguyên đã thông báo hết hạn khai thác và giao cho xã quản lý diện tích đất trên. Do vậy từ năm 2010 – 2017 không còn thuộc quyền quản lý của Công ty Y nữa, công ty khởi kiện là không đúng, không có cơ sở.
Từ năm 2007 – 2019 Công ty Y để dự án treo, trong khi người dân không có đất sản xuất phát triển rừng, trong tình trạng đó gia đình đã tiếp tục trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Bản án sơ thẩm không buộc Công ty Y đền bù tiền cây cối hoa mầu cho gia đình, không nhất trí hỗ trợ 50.000.000đ tiền khai thác. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo quyền lợi cho gia đình.
Ngày 24/4/2020 Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ vì nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.
Theo Quyết định yêu cầu cung tài liệu chứng cứ của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, tại văn bản số 1043/STNMT-QLĐĐ ngày 12/5/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình xác định: Về chủ sử dụng đất: Thửa đất số 1 tờ bản đồ số 70 xã K, huyện Nho Quan lập năm 2011, tỷ lệ 1/5000, có tổng diện tích 415.957,8m2 (Trong đó có 1,7ha được giới hạn bởi 6 điểm khép góc khép góc từ điểm 1-6 có tọa độ nêu tại Phụ lục kèm theo Bản xác nhận số 385/XN-UBND ngày 23/10/2017). Theo như Sổ mục kê đất đai xã K lập năm 2011, Tờ bản đồ số 70 Bản đồ địa chính xã K lập năm 2011 thì thửa đất số 1 tờ bản đồ số 70 do công ty Y quản lý.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, nhất trí trả lại đất theo như yêu cầu khởi kiện của Công ty Y nhưng công ty phải hỗ trợ về kinh tế cho gia đình ông T.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử:
- Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban TH vụ Quốc hội.
- Đề nghị sửa Bản án sơ thẩm số 12/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan.
- Ông Nguyễn Tiến T không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Ông Nguyễn Tiến T là bị đơn, đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người kháng cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, đơn kháng cáo của ông T được xem xét theo trình tự, thủ tục phúc thẩm.
[2] Về thủ tục tố tụng: Tòa án nhân dân huyện Nho Quan thụ lý, giải quyết Đơn khởi kiện ngày 21/02/2019 của Công ty Y là đúng thẩm quyền được quy định tại các Điều 26, 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã ban hành, tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Xét về nội dung giải quyết tranh chấp và yêu cầu kháng cáo:
Xét về quyền quản lý, sử dụng diện tích đất có tranh chấp: Trên cơ sở lời khai của các bên đương sự, hồ sơ địa chính có trong hồ sơ vụ án, kết quả xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan xác định diện tích đất tranh chấp là 1,4ha, vị trí được đánh dấu bởi các cột mốc bê tông được chôn cố định có các cạnh phía Đông giáp đất diện tích 0.3ha ông Th1 đã trả cho công ty, Phía Tây giáp đất nhà ông Lưu, phía Nam và phía Bắc giáp đất nhà ông T, tại đồi Dốc Bệu, xã K, huyên Nho Quan, thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 70 xã K lập năm 2011.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án gồm: Quyết định số 26/QĐ- NT ngày 01/12/1997 của Giám đốc Nông trường giống bò sữa Phùng Thượng (chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y), Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 30/8/2007, Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 05/11/2007, Quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 19/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xác định 1,4ha đất tranh chấp có nguồn gốc là của Nông trường Phùng Thượng giao cho gia đình ông T sử dụng theo chương trình 327. Năm 2007 UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định thu hồi diện tích đất này và giao cho Công ty Ph thuê để khai thác đất. Năm 2009 UBND tỉnh Ninh Bình cho phép Công ty Ph chuyển nhượng quyền khai thác cho Công ty Y. Tại Sổ mục kê đất đai xã K lập năm 2011, Tờ bản đồ số 70 Bản đồ địa chính xã K lập năm 2011, Bản xác nhận khu vực khai thác số 385/XN-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình và Văn bản số 1043/STNMT-QLĐĐ ngày 12/5/2020 Sở Tài nguyên và Môi trương Ninh Bình thì sau khi hết hạn khai thác từ năm 2011 đến nay thửa đất vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty Y theo hình thức thuê đất hàng năm. Vì vậy, bản án sơ thẩm xác định gia đình ông T không có quyền sử dụng diện tích đất tranh chấp, buộc gia đình ông T phải thu hoạch toàn bộ tài sản là cây trồng trên đất và trả lại 1,4ha đất cho Công ty Y là có căn cứ.
Xét yêu cầu kháng cáo đòi các cơ quan chức năng đền bù giải phóng mặt bằng: Đây là vụ án dân sự giải quyết về tranh chấp đất đai, Tòa án đã xác định gia đình ông T sử dụng trái phép đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty Y và buộc gia đình ông T phải trả lại chứ không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nên yêu cầu được đền bù do giải phóng mặt bằng của ông T là không có căn cứ. Việc Công ty Y hỗ trợ cho gia đình ông T 50.000.000 đồng để chi phí khai thác đã được bản án sơ thẩm ghi nhận, đây là sự tự nguyện chứ không phải là nghĩa vụ của công ty do đó ông T không có quyền yêu cầu được hỗ trợ số tiền cao hơn.
Từ các căn cứ và nhận định nêu trên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy các nội dung nêu trong kháng cáo của ông T là không có căn cứ nên không chấp nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án và một số nội dung của bản án sơ thẩm có liên quan đến kháng cáo còn có thiếu sót, vi phạm như sau: Tại đơn khởi kiện ngày 21/02/2019 thể hiện “Người bị kiện” là ông Nguyễn Tiến T, Thông báo thụ lý vụ án số 03/2019/TB-TLVA ngày 04/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan cũng chỉ xác định có một bị đơn là ông T. Trong quá trình giải quyết, xét thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bà Đinh Thị H là vợ ông T nên Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa bà H vào tham gia tố tụng là có căn cứ, nhưng xác định bà H tham gia tố tụng với tư cách bị đơn là trái với quy định tại khoản 3 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, phải xác định bà H tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự. Xét vi phạm nêu trên của bản án sơ thẩm không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cần phải rút kinh nghiệm đối với vi phạm nêu trên. Thời điểm phát sinh tranh chấp khi Bộ luật dân sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật, bản án sơ thẩm lại áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết là không đúng quy định của Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Việc áp dụng các quy định của hợp đồng thuê khoán tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2005 và các quy định của hợp đồng về quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết là không phù hợp với quan hệ tranh chấp của vụ án.
Sau khi xét xử bản án sơ thẩm còn có thể bị kháng cáo, kháng nghị do đó tại mục 1 tại phần quyết định của bản án sơ thẩm ấn định “Thời gian thu hoạch đến hết ngày 31/12/2019 dương lịch” là không phù hợp với Điều 282 của Bộ luật tố tụng dân sự và các quy định của Luật thi hành án dân sự.
Để bảo đảm xác định đúng tư cách đương sự, áp dụng pháp luật theo đúng quy định, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và để thuận lợi cho việc thi hành án thì cần thiết phải sửa Bản án sơ thẩm số 12/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan theo hướng đã nhận định ở trên.
Những phần bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Tiến T không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 147, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ các Điều 5, 102, 166, 170, 203 của Luật đất đai năm 2013; Các Điều 163, 164, 166, 175, 688 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban TH vụ Quốc hội.
1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2019/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Nguyễn Tiến T và bà Đinh Thị H phải thu hoạch, di rời toàn bộ tài sản là cây trồng trên đất để trả lại cho Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y 1,4ha đất tại đồi Dốc Bệu, xã K, huyên Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 70 xã K lập năm 2011 (Vị trí đất nằm trong khu giới hạn bởi 6 điểm khép góc từ điểm 1-6 có tọa độ nêu tại Phụ lục kèm theo Bản xác nhận số 385/XN-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình, được đánh dấu bởi các cột mốc bê tông được chôn cố định có các cạnh phía Đông giáp diện tích 0.3ha đất ông Th1 đã trả cho công ty, phía Tây giáp đất nhà ông Lưu, phía Nam và phía Bắc giáp đất nhà ông T). Trong quá trình quản lý sử dụng đất Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y phải thực hiện đúng quy hoạch và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
3. Ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Y cho vợ chồng ông T, bà H tiền chi phí khai thác, di chuyển cây trồng trên đất là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) khi ông T và bà H bàn giao lại cho công ty toàn bộ diện tích đất hiện đang sử dụng, chiếm hữu trái phép.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
4. Về án phí sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Tiến T và bà Đinh Thị H.
Trả lại cho Công ty cổ phần Giống bò thịt, sữa Y 300.000 đồng tiền tạm ứng án sơ thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2018/0000088 ngày 03/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Nho Quan.
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Tiến T không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (26/5/2020).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 06/2020/DS-PT ngày 26/05/2020 về tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai
Số hiệu: | 06/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về