Bản án 06/2020/DS-PT ngày 04/03/2020 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 06/2020/DS-PT NGÀY 04/03/2020 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 26/02/2020, 04/3/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 18/2020/TLPT-DS ngày 02 tháng 01 năm 2020 về “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 27/2020/QĐPT-DS ngày 14 tháng 02 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Phạm Thị D; sinh năm 1967; địa chỉ: số nhà 21, ngõ 186, đường Nguyễn Chí Thanh, xóm Trung Thành, xã HĐ, thành phố V, tỉnh NA; có mặt.

- Bị đơn: Ông Trần Văn D1; sinh năm 1973; địa chỉ: ngõ 186, đường Nguyễn Chí Thanh, xóm Trung Thành, xã HĐ, thành phố V, tỉnh Nghệ An; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Bà Phạm Thị D và bị đơn là ông Trần Văn D1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ghi ngày 12/11/2018, biên bản H1 giải và lời khai của nguyên đơn là bà Phạm Thị D trình bày: Ngày 22/6/2018, bà Phạm Thị D đi làm từ xã HĐ, huyện HN, tỉnh NA về nhà, khi đi đến đoạn đường Nguyễn Chí Thanh thuộc xóm Trung Thành, xã HĐ, thành phố V thì bị ông Trần Văn D1 chặn lại trước cổng nhà số 188, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố V để hỏi bà D về việc có nói xấu ông D1 hay không. Bà D nói: “Tau biết chi” thì ông D1 dùng 01 cây gậy dài khoảng 1,3m đánh vào tay trái cảu bà D. Lúc ông D1 đánh bà D thì do hoảng sợ nên bà D rút điện thoại Samsung Galaxy J3 ra để gọi điện báo cho Cảnh sát 113 thì bị ông D1 đánh trúng vào tay và trúng vào điện thoại của bà D nên điện thoại không gọi được nữa. Lúc đó có chị Trần Thị H (là chị dâu của ông D1) đi ngang qua thấy nên can ngăn và do gậy bị gãy nên ông D1 chạy qua đường lấy 01 đoạn gậy hàng rà bằng tre đánh bà D tiếp vào vai trái và cánh tay trái của bà D. Khi đó có ông Đào Quang H1 ra can ngăn và có 01 đồng chí Công an đi ngang qua nên ông D1 bỏ đi. Lúc này, đồng chí Công an hướng dẫn bà D đến Công an xã Hưng Đông trình báo sự việc nên chị Trần Thị H đưa bà D đi đến Công an xã Hưng Đông để trình báo. Khi lên Công an xã Hưng Đông thì được hướng dẫn bà D đến bệnh viện để điều trị nên chị H đưa bà D đến Bệnh viện giao thông vận tải Vinh để điều trị. Bà D điều trị 03 ngày tại Bệnh viện giao thông vân tải Vinh, sau đó ra viện về nhà điều trị tiếp 07 ngày. Sau khi sự việc xảy ra, bà D đã viết đơn yêu cầu Công an thành phố V giải quyết, khởi tố vụ án hình sự. Công an thành phố V đã tiến hành lấy lời khai, lập Biên bản sự việc và làm thủ tục cho bà D đi giám định và kết quả giám định xác định tỷ lệ mất sức khỏe của bà D là 0% nên Công an thành phố V không khởi tố vụ án hình sự mà hướng dẫn bà D khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án. Do đó bà D yêu cầu ông Trần Văn D1 phải bồi thường tổng số tiền 8.990.000 đồng, gồm các khoản như sau:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:

+ Tiền viện phí, thuốc điều trị (có hóa đơn, chứng từ): 1.000.000 đồng + Tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị tại bênh viện và tại nhà:

10 ngày x 2000.000 đồng/ngày = 2.000.000 đồng + Tiền tổn thất tinh thần: 3.000.000 đồng - Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là giá trị chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy J3: 2.990.000 đồng.

Tại bản tự khai, biên bản H1 giải của bị đơn là ông Trần Văn D1 trình bày: Vào khoảng 12 giờ ngày 22/6/2018, ông Trần Văn D1 có gọi bà Phạm Thị D ra nhà ông Đào Quang H1 – bà Lê Thị C để nói chuyện. Tại trước cổng nhà số 188, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố V, ông D1 đã nói chuyện. Lúc đầu, ông D1 hỏi bà D về việc bà D nói xấu ông D1 thì bà D chôi, sau đó bà D nói: “Tao nói thế thì mày làm được gì tao”. Do bức xúc với việc bà D đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình nên ông D1 đã chạy đến bờ rào nhà ông H1 và lấy 01 cành rào đánh vào bà D nhưng vì cành rào đã mục nát bị gãy nên ông D1 đã dùng 01 cành rào khác để đánh vào người bà D. Sau đó được bà Trần Thị H2, ông Đào Quang H1, bà Lê Thị C can ngăn nên ông D1 không đánh nữa thì bà D báo công an xã đến lập văn bản sự việc và lấy lời khai. Khi công an xã mời lên làm việc thì ông D1 thừa nhận có đánh bà D nhưng không có việc ông D1 đánh trúng vào điện thoại của bà D làm hư hỏng điện thoại của bà D.

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA quyết định: Căn cứ vào khoản 6 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 165, Điều 166, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 586, 588, 589, 590 Bộ luật dân sự 2015; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Xử: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị D. Buộc ông Trần Văn D1 phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho bà Phạm Thị D với số tiền là 4.186.000 đồng (Bốn triệu, một trăm tám mươi sáu nghìn đồng).

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị D về việc yêu cầu ông Trần Văn D bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 4.804.000 đồng.

Về chi phí định giá tài sản: Ông Trần Văn D1 phải chịu chi phí định giá tài sản là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) để hoàn trả lại cho bà Phạm Thị D. Bà Phạm Thị D được nhận lại số tiền chi phí định giá tài sản là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng).” Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền, nghĩa vụ thi hành án dân sự; án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 09/9/2019, bà Phạm Thị D có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại chi phí điều trị trong các ngày nằm viện nội trú và ngoại trú; yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là 3.000.000 đồng; yêu cầu bồi thường chiếc điện thoại trị giá 2.990.000 đồng”.

Ngày 11/9/2019, ông Trần Văn D1 có đơn kháng cáo với nội dung: “Kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh NA buộc ông D1 phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho bà Phạm Thị D với số tiền 4.180.000 đồng là không đúng”. Ông D1 cho rằng ông không chặn đường đánh bà D, không đánh trúng điện thoại của bà D.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị D giữ nguyên nội dung kháng cáo và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận nội dung kháng cáo và yêu cầu khởi kiện; ông Trần Văn D1 giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của ông D1, không chấp nhận nội dung kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Mặc dù ông D1 không thừa nhận việc chặn đường đánh bà D nhưng quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, ông D1 thừa nhận có việc ông D1 đánh bà D vào trưa ngày 22/6/2018.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Tạm ngừng phiên tòa để xác minh làm rõ một số nội dung gồm xác minh làm rõ việc nguyên đơn điều trị nội trú tại Bệnh viện giao thông vận tải Vinh từ ngày 22/6/20188 đến ngày 25/6/2018 là điều trị vết thương do bị bị đơn đánh hay để điều trị bệnh rối loạn tiền đình, hay là điều trị hỗn hợp cả vết thương do bị đơn đánh và bị bệnh rối loạn tiền đình; chi phí nào điều trị vết thương do bị đơn đánh. Xác minh làm rõ việc trong quá trình ông D1 đánh bà D thì có đánh trúng vào điện thoại của bà D hay không.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và ý kiến của các đương sự có mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Đối với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An về việc tạm ngừng phiên tòa để xác minh một số nội dung đã nêu ở phần trên: Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa và đã tiến hành xác minh nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ gì khác, bởi vì toàn bộ hồ sơ giải quyết ban đầu đã được công an thành phố V chuyển cho Tòa án và hiện có tại hồ sơ vụ án.

[2] Về nội dung kháng cáo của nguyên đơn là bà Phạm Thị D và nội dung kháng cáo của bị đơn là ông Trần Văn D1, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Căn cứ vào lời khai của những người làm chứng là bà Trần Thị H, bà Trần Thị H2; lời khai của ông Trần Văn D1 và bà Phạm Thị D trong quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, có căn cứ để xác định: Vào khoàng 12 giờ ngày 22/6/2018, tại trước cổng nhà số 188 đường Nguyễn Chí Thanh, xóm Trung Thành, xã HĐ, thành phố V, tỉnh NA đã có việc cãi nhau và xảy ra xô xát đánh nhau giữa ông Trần Văn D1 và bà Phạm Thị D. Ông D1 có dùng cành rào đánh vào tay trái và người bà D, gây thương tích cho bà D và trong quá trình xô xát đánh nhau thì ông D1 có làm hư hỏng điện thoại của bà D. Do đó ông Trần Văn D1 phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Phạm Thị D theo yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị D là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 584, 586 Bộ luật dân sự 2015 nên cần được chấp nhận.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm, bà Phạm Thị D đã xuất trình các hóa đơn mua thuốc, kê khai chi phí điều trị từ ngày 22/6/2018 đến ngày 25/6/2018 tại Bệnh viện giao thông vận tải Vinh và được Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét chấp nhận chi phí điều trị tổng cộng là 896.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị D không xuất trình thêm các tài liệu chứng minh cho việc chi phí điều trị nội trú, ngoại trú sau khi xuất viện nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị D về việc buộc ông Trần Văn D1 phải chịu chi phí trong 07 ngày điều trị ngoại trú tại nhà cho bà Phạm Thị D.

Về yêu cầu bồi thường mất thu nhập thực tế bị mất: Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị D không chứng minh được thời gian điều trị ngoại trú tại nhà là 07 ngày để điều trị đối với vết thương do bị đơn gây ra nên Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị D về việc buộc ông Trần Văn D1 phải bồi thường tiền mất thu nhập của bà D trong 07 ngày điều trị ngoại trú. Căn cứ vào Tóm tắt bệnh án và giấy ra viện của Bệnh viện giao thông vận tải Vinh thể hiện bà Phạm Thị D có điều trị ngoại trú 03 ngày, từ ngày 22/6/2018 đến ngày 25/6/2018, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ buộc ông Trần Văn D1 phải bồi thường tiền mất thu nhập thực tế cho bà Phạm Thị D trong 03 ngày phải điều trị, xét bà D là lao động phổ thông, mức thu nhập bà D yêu cầu là 200.000 đồng/01 ngày là phù hợp với mức thu nhập trung bình của người lao động phổ thông tại địa phương nên cần chấp nhận và buộc ông Trần Văn D1 phải bồi thường tiền thu nhập thực tế bị mất là: 200.000 đồng/ ngày x 3 ngày = 600.000 đồng.

Về tiền tổn thất tinh thần: Xét thấy việc ông Trần Văn D1 có hành vi đánh bà Phạm Thị D là gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bà D, nhưng xét mức độ tổn thất tinh thần của bà D không nghiêm trọng nên yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần tương đương 3.000.000 đồng của bà Phạm Thị D là có phần cao, không phù hợp với thực tế, trong khi tỷ lệ thương tật của bà D qua giám định là 0%. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định mức bồi thường bằng 01 tháng lương cơ sở tương đương 1.490.000 đồng là hợp lý, vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo này của bà Phạm Thị D.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại chiếc điện thoại Sam Sung Galaxy J3, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Mặc dù quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn D1 đều không thừa nhận việc đánh trúng vào điện thoại của bà Phạm Thị D. Nhưng căn cứ vào Biên bản tạm giữ đồ vật do Công an thành phố V lập vào lúc 15 giờ ngày 22/6/2018 có nội dung: “Tạm giữ 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Samsung J3 màu vàng, máy đã qua sử dụng. Tình trạng máy: màn hình và camera bị vỡ”. Căn cứ vào lời khai của người làm chứng là bà Trần Thị H, bà Trần Thị H2 trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm thì bà H và bà H2 đều chứng kiến việc trưa ngày 22/6/2018 thì ông D1 có dùng cành rào đánh vào người bà D, không chứng kiến việc ông D1 đánh trúng điện thoại của bà D nhưng bà H có chứng kiến “Thấy bà D cầm trên tay chiếc điện thoại di động bị vỡ màn hình”; bà H2 khai “…ông D1 bỏ đi thì tôi thấy bà D vẫn sử dụng điện thoại để gọi được cho Công an…”, nhưng bà H2 không khẳng định được việc có thấy điện thoại của bà D có bị vỡ màn hình và camera hay không. Ngoài ra căn cứ vào Bản kết thúc xác minh tố giác tội phạm số 140/KTXM ngày 20/10/2018 của Công an thành phố V có nội dung: “…anh D1 nhặt một thanh gỗ (dài khoảng 110cm, rộng khoảng 3cm, dày khoảng 1,5cm) đánh vào tay trái chị D gây thương tích, đồng thời đánh trúng vào chiếc điện thoại Samsung J3 màu vàng của chị D đang cầm trên tay khiến chiếc điện thoại hỏng màn hình và camera”. Ông Trần Văn D1 đã được biết nội dung trong Bản kết thúc xác minh tố giác tội phạm số 140/KTXM ngày 20/10/2018 của Công an thành phố V nhưng không có khiếu nại gì. Quá trình Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án thì ông Trần Văn D1 có đơn khiếu nại đối với Bản kết thúc xác minh tố giác tội phạm số 140/KTXM ngày 20/10/2018 của Công an thành phố V nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố V đã có Công văn số 1621/CQĐT(ĐTTH) ngày 08/8/2019 trả lời cho ông Trần Văn D1 là đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại.

Mặt khác tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn D1 cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông D1 không đánh trúng và làm hư hỏng chiếc điện thoại của bà D trong quá trình xô xát, đánh nhau vào ngày 22/6/2018.

Như vậy có căn cứ xác định: Vào trưa ngày 22/6/2018, ông Trần Văn D1 và bà Phạm Thị D có cãi cọ, xô xát, đánh nhau; trong khi xô xát, đánh nhau thì ông Trần Văn D1 làm hư hỏng chiếc điện thoại Samsung Galaxy J3 màu vàng của bà Phạm Thị D. Do đó ông Trần Văn D1 phải bồi thường thiệt hại tài sản theo yêu cầu của bà Phạm Thị D là có căn cứ. Nhưng xét mức bồi thường mà bà Phạm Thị D đưa ra là toàn bộ giá trị chiếc điện thoại Samsung Galaxy J3 là 2.990.000 đồng là không phù hợp, bởi căn cứ vào Biên bản tạm giữ đồ vật thì chiếc điện thoại của bà D khi bị thu giữ bị vỡ màn hình, vỡ camera sau nên thuộc trường hợp tài sản bị hư hỏng. Căn cứ vào Biên bản định giá tài sản ngày 12/6/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự - UBND thành phố V xác định: Chi phí để sửa màn hình và camera sau bị vỡ là 1.200.000 đồng. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Trần Văn D1 bồi thường 1.200.000 đồng tiền thiệt hại về tài sản cho bà Phạm Thị D là có căn cứ. Cụ thể các khoản bà D yêu cầu được chấp nhận gồm:

+ Chi phí điều trị, thuốc: 896.000 đồng + Tiền thu nhập thực tế bị mất: 600.000 đồng + Tiền tổn thất tinh thần: 1.490.000 đồng + Tiền thiệt hại đối với chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy J3: 1.200.000 đồng.

 Tổng cộng số tiền ông Trần Văn D1 phải bồi thường cho bà Phạm Thị D là:

4.186.000 đồng Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Phạm Thị D và ông Trần Văn D1; cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: Bà Phạm Thị D kháng cáo không được chấp nhận nhưng nội dung khởi kiện của bà Phạm Thị D thuộc trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường về sức khỏe nên được miễn nạp án phí theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.

Ông Trần Văn D1 kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Phạm Thị D và không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Trần Văn D1; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ: khoản 6 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 165, Điều 166, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 586, 588, 589, 590 Bộ luật dân sự 2015; điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Xử: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị D. Buộc ông Trần Văn D1 phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho bà Phạm Thị D với số tiền là 4.186.000 đồng (Bốn triệu, một trăm tám mươi sáu nghìn đồng).

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị D về việc yêu cầu ông Trần Văn D1 bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 4.804.000 đồng (Bốn triệu, tám trăm linh bốn nghìn đồng).

Kể từ ngày bà Phạm Thị D có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, nếu ông Trần Văn D1 không chịu thi hành án thì hàng tháng ông Trần Văn D1 còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự: thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Ông Trần Văn D1 phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng đã nạp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0000608 ngày 13/9/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố V, tỉnh NA.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

276
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2020/DS-PT ngày 04/03/2020 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:06/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về