TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ T, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 06/2019/KDTM-ST NGÀY 24/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 24 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 43/2018/TLST-KDTM ngày 10 tháng 7 năm 2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2019/QĐXXST-KDTM ngày 23 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH T; địa chỉ: Thửa đất số 303, tờ bản đồ số 22, khu phố L, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Tạ Văn T, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Doãn H, sinh năm 1977; địa chỉ thường trú: Số 78 đường B2, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú: Số 467/7 đại lộ B, khu 1, phường P, thành phố Th, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 06-9-2018). Có mặt.
2. Bị đơn: Công ty TNHH S; địa chỉ: Thửa đất số 1010, tờ bản đồ số 29, phường Khánh Bình, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông C; chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Uyên H, sinh năm 1988 và bà Nguyễn Thị Hồng H1, sinh năm 1984; địa chỉ liên lạc: Khu phố T, phường T, thị xã D, tỉnh Bình Dương (Giấy ủy quyền ngày 24-5-2019). Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn Công ty TNHH T và ông Nguyễn Doãn H là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Xuất phát từ quan hệ mua bán hàng hóa, Công ty TNHH T (sau đây viết tắt là Công ty T) đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 1410/2016/CDM-TD ngày 14/10/2016 với thời hạn là 02 năm tính từ ngày 14/10/2016 đến ngày 14/10/2018 và Hợp đồng mua bán hàng hóa số 007-03/HĐMB-2017 ngày 02/01/2017 với Công ty TNHH S (sau đây viết tắt là Công ty S), mặt hàng mua bán là các loại sơn công nghiệp để phục vụ cho sản xuất như: Chất cứng lót PU:HD-5101; Dung môi: TN-2002; Lót PU xám: UC12-LGR-2014. Các loại hóa chất mà Công ty T cung cấp là hàng mới 100%, có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Sau khi hai bên ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 1410/2016/CDM-TD ngày 14/10/2016 và Hợp đồng mua bán hàng hóa số 007-03/HĐMB-2017 ngày 02/01/2017 thì Công ty S đã tiến hành đặt hàng và Công ty T đã giao hàng đầy đủ, đồng thời Công ty S đã thanh toán tiền theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, đối với 02 lần giao hàng hóa theo yêu cầu của Công ty S thể hiện tại Phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển số BH0118/370 ngày 23/01/2018; Phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển số BH0318/057 vào tháng 3/2018 và Công ty T cũng xuất Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000644 ngày 31/01/2018, Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000838 ngày 31/03/2018 và Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000960 ngày 28/04/2018 theo yêu cầu của Công ty S thì Công ty S không thanh toán tiền mua hàng hóa cho Công ty T mà cố tình tìm mọi cách trì hoãn kéo dài.
Căn cứ vào Điều 4 của Hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết ngày 02/01/2017 thì vào cuối tháng Công ty T lập bảng đối chiếu công nợ phát sinh của mỗi tháng kèm theo hóa đơn giá trị gia tăng và phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển gửi cho Công ty S để đối chiếu, xác nhận thanh toán công nợ.
Theo Bảng đối chiếu công nợ ngày 29/3/2018 và ngày 28/4/2018 do hai bên ký kết thì tính đến ngày 29/3/2018 Công ty S còn nợ và phải thanh toán cho Công ty T số tiền mua hàng là 357.799.200 đồng.
Theo quy định tại khoản b Điều 4 của Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 02/01/2017 thì Công ty S phải có nghĩa vụ thanh toán công nợ cho Công ty T trong vòng 25 ngày kể từ ngày đối chiếu công nợ. Tuy nhiên, kể từ ngày hai bên xác nhận số tiền công nợ đến nay đã được hơn 02 tháng nhưng Công ty S vẫn không thanh toán khoản nào cho Công ty T.
Để tránh làm mất thời gian, tiền bạc, công sức cũng như uy tín của hai Công ty, vào ngày 14/6/2018 Công ty T đã có Công văn số 01/LNV đề nghị Công ty S phải thanh toán công nợ cho Công ty T nhưng Công ty S vẫn không có bất cứ phản hồi gì về việc giải quyết số nợ này. Như vậy, Công ty S đã vi phạm cam kết thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.
Ngoài số tiền công nợ gốc còn phải thanh toán thì căn cứ vào khoản 6.1 Điều 6 của hợp đồng về nghĩa vụ của bên mua thì Công ty S phải thanh toán cho Công ty T số tiền phạt do chậm thanh toán là 65.217.372 đồng.
Mặc dù, hai bên đã có văn bản đối chiếu xác nhận công nợ đồng thời Công ty T đã nhắc nhở nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng Công ty S vẫn cố tình kéo dài, tìm nhiều lý do trì hoãn việc thanh toán và đã vi phạm cam kết thanh toán cho Công ty T, điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty T.
Vì vậy, nguyên đơn Công ty T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn Công ty S phải thanh toán tổng số tiền nợ là 423.016.572 đồng (Bốn trăm hai mươi ba triệu không trăm mười sáu nghìn năm trăm bảy mươi hai đồng), trong đó tiền nợ gốc là 357.799.200 đồng và tiền phạt chậm trả tạm tính đến ngày 20/6/2018 là 65.217.372 đồng.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện xác định nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả tiền phạt 0,05%/ngày mà chỉ yêu cầu thanh toán lãi suất chậm trả theo mức lãi suất 12,25%/năm (1,02%/tháng), cụ thể như sau:
Tiền gốc: 357.799.200 đồng; Tiền lãi:
+ Đối với khoản tiền 150.440.400 đồng, tính lãi từ ngày 25/4/2018 đến ngày 24/5/2019 là: 150.440.400 đồng x 13 tháng x 1,02%/tháng = 19.948.397 đồng.
+ Đối với khoản tiền 207.358.800 đồng, tính lãi từ ngày 24/5/2018 đến ngày 24/5/2019 là: 207.358.800 đồng x 12 tháng x 1,02%/tháng = 25.380.717 đồng
Tổng cộng tiền gốc là lãi chậm thanh toán là: 423.016.572 đồng + 19.948.397 đồng + 25.380.717 đồng = 403.128.314 đồng.
- Bị đơn Công ty TNHH S và người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Bị đơn xác nhận có ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 1410/2016/CDM-TD ngày 14/10/2016 với thời hạn là 02 năm tính từ ngày 14/10/2016 đến ngày 14/10/2018 và Hợp đồng mua bán hàng hóa số 007-03/HĐMB-2017 ngày 02/01/2017 với Công ty T với mặt hàng mua bán như nguyên đơn trình bày. Vào tháng 01 và tháng 3 năm 2018, Công ty S có yêu cầu Công ty T tiếp tục bán sơn công nghiệp cho Công ty S. Công ty T đã xuất Phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển số BH0318/057 vào tháng 03/2018 cùng với Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000838 ngày 31/03/2018, số 0000960 ngày 28/04/2018. Bị đơn thống nhất số nợ chưa thanh toán như nguyên đơn trình bày.
Tuy nhiên, Điều 6 của Hợp đồng nguyên tắc số 1410/2016/CDM-TD ký kết ngày 14/10/2016 quy định: “Bên mua có nghĩa vụ là kiểm tra, xác nhận số lượng và chất lượng hàng hóa đạt yêu cầu do bên bán cung cấp, đảm bảo thông báo kịp thời cho bên bán về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến việc giao hàng. Thanh toán cho bên bán đúng theo Điều 5 của Hợp đồng này. Trong trường hợp bên mua thanh toán chậm so với quy định của Hợp đồng này (trừ trường hợp nguyên nhân xuất phát từ lỗi của bên bán và trường hợp bất khả kháng) bên mua phải thanh toán cho bên bán 0,5% giá trị số tiền cần thanh toán cho mỗi ngày thanh toán chậm, tổng số tiền phạt không vượt quá 8% của mỗi đợt thanh toán chậm”, việc nguyên đơn yêu cầu thanh toán tiền phạt chậm thanh toán với số tiền trên là không đúng thỏa thuận trong hợp đồng cho nên bị đơn không đồng ý.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ thời điểm tháng 8/2017 sau khi Công ty T giảm giá sơn 20% cho Công ty S thì chất lượng sơn bắt đầu kém đi. Cụ thể là khi sử dụng loại sơn được giảm giá thì khách hàng của Công ty S bắt đầu phản ánh về việc chất lượng sản phẩm kém, khiếu nại về độ bám dính của sơn (độ bám dính của sơn trên sản phẩm và độ bám dính giữa sơn lót với sơn phủ), trôi sơn, bong tróc sơn…. Công ty S phải mua sơn lót từ Mỹ để sửa chữa các hư hỏng do sơn của Công ty T gây ra trên sản phẩm. Sau khi nhận được các khiếu nại từ khách hàng về sản phẩm kém chất lượng thì Công ty S đã gửi các thư điện tử ngày 30/3/2018, 02/4/2018 và 06/4/2018 với nội dung yêu cầu Công ty T phản hồi về chất lượng của sơn do Công ty T cung cấp và yêu cầu Công ty T xác nhận không thay đổi công thức pha chế sơn đối với sản phẩm sơn bán cho Công ty S. Ngày 30/3/2018, Công ty Sơn T và Công ty S đã gặp trực tiếp để trao đổi về nội dung chất lượng của sản phẩm do sơn của Công ty T gây ra nhưng Công ty T không phản hồi gì. Ngày 31/5/2018, Công ty S có nhận được email phản hồi từ Công ty T với nội dung là không thừa nhận sản phẩm sơn kém chất lượng. Công ty T cho rằng lỗi trầy xước là do vận chuyển, lỗi tróc sơn là do phía sơn lót, vệ sinh bề mặt sản phẩm, chà bứt lớp sơn lót, không phải do nguyên liệu sơn. Ngày 08/6/2018, Công ty S đã phản hồi bằng mail với nội dung không chấp nhận phản hồi của Công ty T theo email ngày 31/5/2018 và Công ty S sẽ gửi Thư yêu cầu bồi thường cho Công ty T sau.
Vì vậy, ngày 12/6/2018 Công ty S đã gửi “Thư yêu cầu bồi thường” đối với Công ty T bằng email và bằng đường bưu điện cho Công ty T. Công ty T đã nhận được “Thư yêu cầu bồi thường” vào ngày 15/6/2018 nhưng không phản hồi cho Công ty S nên Công ty S đã gửi thư nhắc nhở vào ngày 20/6/2018 qua email yêu cầu Công ty T phản hồi “Thư yêu cầu bồi thường” cho Công ty S nhưng vẫn không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Công ty T.
Qua những lần Công ty S trao đổi bằng email cũng như thông qua thư yêu cầu bồi thường thì phía Công ty T không đưa ra bất cứ phản hồi nào về chất lượng của sơn do Công ty T cung cấp cho Công ty S mà đã nộp đơn khởi kiện Công ty S ra TAND thị xã T.
Bị đơn xác định nguyên đơn giao hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho bị đơn nên có đơn phản tố yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn Công ty TNHH T phải thanh toán số tiền thiệt hại cho Công ty TNHH S là 390.000.000 đồng (Ba trăm chín mươi triệu đồng).
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày ý kiến về yêu cầu phản tố của bị đơn:
Việc giảm giá của Công ty T là xét trên việc trước đây Công ty S mua nhỏ lẻ, sau này mua nhiều nên Công ty T giảm giá để giữ mối quan hệ hợp tác làm ăn chứ không thay đổi công thức, chất lượng sơn. Theo hợp đồng nguyên tắc đã ký kết thì Công ty T đã thực hiện đầy đủ các cam kết, chỉ có bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán, cụ thể là đã nhận hàng đầy đủ và có xác nhận kiểm tra chất lượng hàng, đã xác nhận công nợ.
Nguyên đơn cho rằng sản phẩm sơn đảm bảo đúng chất lượng. Trong quá trình bị đơn quản lý, sử dụng, kỹ thuật (cách thức) sơn, vận chuyển sơn như thế nào thì nguyên đơn không thể biết được, hoàn toàn có thể do quá trình kỹ thuật của bị đơn gây ra như là kỹ thuật sơn, vận chuyển, bảo quản, sản phẩm của bị đơn…. Những hình ảnh do bị đơn cung cấp thì nguyên đơn không thừa nhận vì không thể chứng minh được những hình ảnh này có phải do sơn của nguyên đơn gây ra hay không (có thể là hình ảnh trên mạng internet, hình ảnh sản phẩm của công ty khác…). Sau khi mua bán thì Công ty S không hề có bất kỳ phản hồi nào về chất lượng sơn mà chỉ khi nguyên đơn đòi tiền hàng nhiều lần thì bị đơn mới phản hồi về việc chất lượng sơn kém. Công ty bị đơn muốn khiếu nại chất lượng sơn kém để chậm trả nợ cho nguyên đơn, nhằm mục đích kéo dài thời gian thanh toán. Bị đơn cho rằng chất lượng sơn của nguyên đơn kém nhưng đến tháng 3/2018 bị đơn vẫn còn mua sơn của nguyên đơn bình thường. Đến khi nguyên đơn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện ra Tòa án thì mới không mua sơn nữa. Bị đơn không có bất kỳ tài liệu chứng cứ nào chứng minh chất lượng sơn của nguyên đơn cung cấp cho bị đơn là kém chất lượng, không có chứng cứ trực tiếp nào, chỉ là suy đoán của phía bị đơn. Do đó, nguyên đơn không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã T tham gia phiên toà phát biểu quan điểm như sau:
- Về tố tụng: Xác định trong quá trình tiến hành tố tụng Thẩm phán đã tiến hành các trình tự thủ tục tố tụng đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về trình tự thủ tục phiên tòa.
- Về nội dung: Tại phiên tòa, đại diện bị đơn thừa nhận tiền nợ mua sơn còn thiếu, đây là tình tiết không cần phải chứng minh cho nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn phản tố yêu cầu phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm của nguyên đơn cung cấp kém chất lượng nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh, đề nghị không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Về thủ tục tố tụng: Đây là vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” mà bị đơn có trụ sở tại địa bàn thị xã T và nguyên đơn đề nghị TAND thị xã T giải quyết. Căn cứ vào Điều 30, 35 và 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Về nội dung:
[1] Nguyên đơn Công ty TNHH T (sau đây viết tắt là Công ty T) khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH S (sau đây viết tắt là Công ty S) phải thanh toán tổng số tiền nợ là 423.016.572 đồng (Bốn trăm hai mươi ba triệu không trăm mười sáu nghìn năm trăm bảy mươi hai đồng), trong đó tiền nợ gốc là 357.799.200 đồng và tiền chậm trả tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 45.329.114 đồng. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đại diện bị đơn thống nhất về nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa (sơn lót) và thừa nhận còn nợ tiền mua hàng với số tiền trên, lời thừa nhận của đại diện nguyên đơn là tình tiết không cần phải chứng minh theo qui định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, có căn cứ xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền mua hàng, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số nợ gốc 357.799.200 đồng là có cơ sở chấp nhận.
[2] Về tiền lãi chậm thanh toán: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bị đơn thanh toán lãi suất chậm trả theo mức lãi suất 12,25%/năm, gồm: Tiền gốc 357.799.200 đồng và tiền lãi 45.329.114 đồng. Xét thấy, tại Điều 6 của Hợp đồng nguyên tắc số 1410/2016/CDM-TD ký kết ngày 14/10/2016 giữa Công ty T với Công ty S các đương sự thỏa thuận:“ Trong trường hợp bên mua thanh toán chậm so với quy định của Hợp đồng này (trừ trường hợp nguyên nhân xuất phát từ lỗi của bên bán và trường hợp bất khả kháng) bên mua phải thanh toán cho bên bán 0,5% giá trị số tiền cần thanh toán cho mỗi ngày thanh toán chậm, tổng số tiền phạt không vượt quá 8% của mỗi đợt thanh toán chậm”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn không yêu cầu bị đơn thanh toán tiền phạt chậm thanh toán mà yêu cầu thanh toán tiền lãi suất chậm thanh toán theo qui định là 12,25%/năm. Xét, việc nguyên đơn yêu cầu lãi suất chậm thanh toán với mức lãi suất nêu trên là phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật thương mại năm 2005, cụ thể lãi suất nợ quá hạn của 03 Ngân hàng thương mại trên địa bàn thị xã T là 12,27%/năm (1,022%/tháng) tuy nhiên nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán lãi suất 12,25%/năm (1,02%/tháng), đây là ý chí tự nguyện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử ghi nhận. Như vậy, bị đơn có trách nhiệm thanh toán tiền mua hàng còn nợ cho nguyên đơn bao gồm nợ gốc là 357.799.200 đồng và tiền chậm trả tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 45.329.114 đồng; tổng số tiền nợ gốc và lãi là 403.128.314 đồng.
[3] Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Bị đơn cho rằng hàng hóa là sơn lót các loại mà bị đơn mua của nguyên đơn không đủ chất lượng như độ bám dính của sơn (độ bám dính của sơn trên sản phẩm và độ bám dính giữa sơn lót với sơn phủ), trôi sơn, bong tróc sơn…, bị đơn có yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại là 390.000.000 đồng. Theo nội dung hợp đồng mua bán thì hàng hóa được giao thành từng đợt, bị đơn thừa nhận đã nhận hàng của nguyên đơn giao và đưa vào sử dụng để sơn lót các mặt hàng của bị đơn. Tuy nhiên, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hàng hóa bị đơn hoàn toàn không có khiếu nại gì về chất lượng sản phẩm theo qui định tại Điều 319 Luật thương mại. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, đại diện bị đơn xác định toàn bộ sản phẩm sơn đã mua của nguyên đơn đã sử dụng hết và xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài cho nên không còn sản phẩm nào của Công ty S dùng sơn lót hiệu “T” còn lưu giữ tại Công ty S nên không thể tiến hành giám định để xác định chất lượng sản phẩm cho nên bị đơn không có yêu cầu giám định. Xét thấy, các đương sự thống nhất việc mua bán hàng hóa dựa trên thỏa thuận theo Hợp đồng nguyên tắc ký ngày 14/10/2016, trong đó xác định hàng mới 100% và hai bên thống nhất theo từng đơn hàng cụ thể. Thực tế, bị đơn đã nhận hàng hóa và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất nhưng hoàn toàn không có ý kiến gì về chất lượng sơn. Tại phiên tòa, đại diện bị đơn xác định khi mua hàng đợt 1 phát hiện hàng kém chất lượng đã gửi email phản ánh đối với nguyên đơn nhưng sau đó vẫn tiếp tục mua hàng đợt 2, việc này là không phù hợp với thực tế. Bị đơn còn cung cấp chứng cứ là các hình ảnh chụp các chậu hoa kiểng xác định nước sơn trên những sản phẩm này là sơn của Công ty T nhưng đại diện nguyên đơn không thừa nhận, bị đơn cũng không cung cấp được chứng cứ nào khác xác định hàng hóa kém chất lượng. Do đó, yêu cầu phản tố của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.
[4] Xét ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp.
[5] Từ sự phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
[6] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Đương sự phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 30; Điều 35; Điều 36; Điều 92; Điều 147, Điều 227; Điều 228; Điều 243; Điều 244; Điều 266, Điều 269, Điều 271, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Áp dụng Điều 301, 306, 319 Luật Thương mại;
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH T đối với bị đơn Công ty TNHH S về việc: Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
sau:
2. Công ty TNHH S phải trả cho Công ty TNHH T số tiền mua hàng như
+ Tiền gốc: 357.799.200 đồng;
+ Tiền lãi: 45.329.114 đồng;
Tổng cộng là: 403.128.314 đồng (Bốn trăm lẻ ba triệu một trăm hai mươi tám nghìn ba trăm mười bốn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán số tiền phải thi hành thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thi hành.
3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH S về việc yêu cầu nguyên đơn Công ty TNHH T phải bồi thường thiệt hại số tiền 390.000.000 đồng do hàng hóa kém chất lượng.
4. Về án phí:
4.1. Nguyên đơn Công ty TNHH T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả cho Công ty TNHH T số tiền 10.460.000 đồng đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0014153 ngày 05-7-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T.
4.2. Bị đơn Công ty TNHH S phải chịu 19.500.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, khấu trừ vào số tiền 9.750.000 đồng đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0014312 ngày 20-8-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T. Bị đơn Công ty TNHH S phải nộp thêm số tiền 9.750.000 đồng (Chín triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng).
Về quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 06/2019/KDTM-ST ngày 24/05/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 06/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Dầu Một - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 24/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về