Bản án 06/2018/HSST ngày 26/01/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂY SƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 06/2018/HSST NGÀY 26/01/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, công khai xét sử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 44/2017/HSST ngày 28 tháng 11 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 65/2017/QĐXXST-HS ngày 14/12/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Huỳnh Văn Phúc S, sinh ngày 26/12/1990; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: thôn N, xã G, huyện T, tỉnh Bình Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông: Huỳnh Đ (sinh năm 1969), con bà: Nguyễn Thị Bích T (sinh năm 1969) hiện ở thôn N, xã G, huyện T, tỉnh Bình Định; Vợ con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị khởi tố vào ngày 28/9/2017, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam từ ngày 28/9/2017 cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

* Người bị hại: Văn Thế G, sinh năm 1990 (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn G1, xã G, huyện T, Bình Định.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ NLQ1, sinh năm 1977 (vắng mặt);

+ NLQ2, sinh năm 1975 (vắng mặt);

Đồng trú: Khối H, thị trấn P, huyện T, Bình Định.

+ NLQ3, sinh năm 1969 (có mặt);

Địa chỉ: Thôn G1, xã G, huyện T, Bình Định.

* Người làm chứng:

+ NLC1, sinh năm 1995 (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn G2, xã G, huyện T, Bình Định.

+ NLC2, sinh năm 1993 (vắng mặt);

+ NLC3, sinh năm 1992 (vắng mặt);

+ NLC4, sinh năm 1984 (vắng mặt);

+ NLC5, sinh năm 1980 (vắng mặt);

+ NLC6, sinh năm 1974 (có mặt);

Đồng trú: Thôn N, xã G, huyện T, Bình Định.

+ NLC7, sinh năm 1965 (vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn G2, xã G, huyện T, Bình Định.

+ NLC8, sinh năm 1966 (vắng mặt);

Địa chỉ: Tổ X, phường A, thị xã K, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 07 giờ ngày 23/6/2016 Huỳnh Văn Phúc S điều khiển xe mô tô Dream, màu đen, không gắn biển số đi đến trại rẫy ở thôn N, xã G, huyện T, tỉnh Bình Định của gia đình anh Văn Thế G chơi. Tại đây, S thấy xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, màu sơn đen trắng, biển số 77H1-123.22 của anh G nên nảy sinh ý định chiếm đoạt mang đi cầm cố lấy tiền trả nợ. Nên đến khoảng 08 giờ cùng ngày, S nói dối với anh G mượn xe đi Quy N có công việc, hẹn đến chiều cùng ngày sẽ trả. Anh G tưởng thật nên đồng ý cho S mượn xe cùng với giấy chứng nhận đăng ký xe. S bỏ lại xe mô tô của mình tại trại rồi điều khiển xe mô tô trên đến tiệm cầm đồ Tuấn K (ở Khối H, thị trấn P, huyện T, tỉnh Bình Định) gặp chị NLQ1, cầm cố chiếc xe được số tiền 10.000.000 đồng. S đã sử dụng số tiền trên để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Không thấy S trả xe nên anh G liên tục gọi điện thoại yêu cầu trả xe thì S hẹn, sau đó tắt máy và tránh mặt. Đến chiều ngày 24/6/2016, S gặp anh G và cho biết đã cầm cố chiếc xe, anh G không đồng ý và yêu cầu S phải chuộc xe trả lại. Do không có tiền nên S đã bỏ đi khỏi địa phương. Ngày 04/7/2016, anh G làm đơn báo cáo sự việc và giao nộp xe mô tô Dream, màu đen, không gắn biển số của S cho cơ quan công an. Ngày 07/7/2016, gia đình S đã đến tiệm cầm đồ Tuấn K chuộc lại xe mô tô biển số 77H1-123.22 rồi giao nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Sơn.

Ngày 03/3/2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tây Sơn kết luận: xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, màu sơn đen trắng, biển số 77H1-123.22 tại thời điểm bị chiếm đoạt có giá trị là 15.750.000 đồng. (BL: 15-32, 45-60, 74-116, 117-123).

Vật chứng Cơ quan CSĐT - Công an huyện Tây Sơn thu giữ được:

- 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, màu sơn đen trắng, biển số 77H1-123.22 và 01 giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô. Cơ quan điều tra đã giao trả cho anh Văn Thế G, anh G không yêu cầu bồi thường. (BL: 65, 68-71).

- 01 xe mô tô Dream, màu đen, số máy FMG3Y0389479, số khung MX100C0042345 và 01 biển số xe 81F7-2631 đã giao trả cho chủ sở hữu là gia đình Huỳnh Văn Phúc S. (BL: 63-64, 72-73).

- 01 hợp đồng cầm đồ lập ngày 23/6/2017 giữa dịch vụ cầm đồ Tuấn Kiệt và Huỳnh Văn Phúc S về việc cầm cố xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, biển số 77H1-123.22. (BL: 66-67).

Tại Bản cáo trạng số 46/QĐ - KSĐT ngày 27/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn đã truy tố bị cáo Huỳnh Văn Phúc S về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Huỳnh Văn Phúc S phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về hình phạt: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, h, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 33 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tuyên xử bị cáo Huỳnh Văn Phúc S mức án từ 04 đến 06 tháng tù.

Về bồi thường thiệt hại: Bị cáo cùng gia đình đã khắc phục hậu quả xong cho bị hại, bị hại không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên đề nghị miễn xét

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị: lưu hồ sơ vụ án 01 hợp đồng cầm đồ lập ngày 23/6/2016 giữa dịch vụ cầm đồ Tuấn K và Huỳnh Văn Phúc S về việc cầm cố xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, biển số 77H1-123.22.

Đối với hành vi cầm cố xe mô tô không chính chủ của tiệm cầm đồ Tuấn K (khối H, thị trấn P) do NLQ2 làm chủ là vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định số 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ, nhưng Cơ quan Công an huyện Tây Sơn chưa xử lý hành chính, đề nghị Cơ quan Công an huyện Tây Sơn phải xử lý hành chính đối với hành vi trên theo quy định pháp luật.

Lời nói sau cùng của bị cáo: đồng ý với luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tây Sơn, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các tài liệu và chứng cứ phù hợp với quy định của pháp luật; bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Trên cơ sở lời khai nhận của bị cáo, lời khai của người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã xác định:

[2] Vào ngày 23/6/2016, tại chòi rẫy của gia đình anh Văn Thế G ở thôn N, xã G, huyện T, tỉnh Bình Định bị cáo Huỳnh Văn Phúc S (có mối quan hệ bạn bè quen biết với anh G) đã nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, màu sơn đen trắng, biển số 77H1-123.22 của anh G để mang đi cầm cố lấy tiền trả nợ. Bị cáo đã nói dối với anh G hỏi mượn xe đi Quy N có công việc, hẹn đến chiều cùng ngày sẽ trả. Vì tin tưởng S nên anh G đã đồng ý cho S mượn xe cùng với giấy chứng nhận đăng ký xe. Bị cáo S đã đem xe và giấy tờ xe đi cầm cố được 10.000.000đ và dùng số tiền này tiêu xài vào mục đích cá nhân.

[3] Xét thấy lời khai nhận của bị cáo là phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Tài sản bị cáo chiếm đoạt theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tây Sơn: 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, màu sơn đen trắng, biển số 77H1-123.22 tại thời điểm bị chiếm đoạt có giá trị là 15.750.000 đồng. Do vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Huỳnh Văn Phúc S phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có nội dung cụ thể:“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 - quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168,169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.”

Đối chiếu nội dung 2 Điều luật trên thì quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 có lợi hơn đối với bị cáo; Căn cứ các quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, nghị nên áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử bị cáo.

[4] Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương. Do vậy, cần phải xử phạt bị cáo mức hình phạt thật nghiêm khắc nhằm giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời làm gương cho người khác, góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

[5] Tuy nhiên cũng cần xem xét giảm nhẹ về phần hình phạt cho bị cáo về các tình tiết: sau khi phạm tội và trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã khắc phục hậu quả cho bị hại xong. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, h, p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nghị nên áp dụng Điều 47 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi quyết định hình phạt đối với bị cáo. Do đó, cần xem xét giảm nhẹ phần nào về hình phạt cho bị cáo; nhưng xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo thì phải có thời gian cải tạo cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian như mức đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn thì mới đủ tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[6] Về bồi thường thiệt hại: Bị cáo cùng gia đình đã bồi thường xong cho bị hại, bị hại không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên miễn xét.

[7] Về xử lý vật chứng: 02 chiếc xe mô tô đã trả lại cho chủ sở hữu nên miễn xét. Lưu hồ sơ vụ án: 01 hợp đồng cầm đồ lập ngày 23/6/2016 giữa dịch vụ cầm đồ Tuấn K và Huỳnh Văn Phúc S về việc cầm cố xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, biển số 77H1-123.22.

Kiến nghị Công an huyện Tây Sơn xử lý hành chính đối với hành vi cầm cố xe mô tô không chính chủ của tiệm cầm đồ Tuấn K (khối H, thị trấn P, huyện T, Bình Định), chủ tiệm là NLQ2.

[8] Về án phí hình sự: Bị cáo Huỳnh Văn Phúc S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) theo quy định tại Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; khoản 1 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Huỳnh Văn Phúc S phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

* Áp dụng khoản 1 Điều 139; các điểm b, h, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Văn Phúc S 04 (bốn) tháng 10 (mười) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 28/9/2017. Tiếp tục tạm giam bị cáo.

* Về bồi thường thiệt hại: Miễn xét.

* Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Lưu hồ sơ vụ án: 01 hợp đồng cầm đồ lập ngày23/6/2016 giữa dịch vụ cầm đồ Tuấn Kiệt và Huỳnh Văn Phúc S về việc cầm cố xe mô tô nhãn hiệu Yamaha - Sirius, biển số 77H1-123.22.

Kiến nghị Công an huyện Tây Sơn xử lý hành chính đối với hành vi cầm cố xe mô tô không chính chủ của tiệm cầm đồ Tuấn K (khối H, thị trấn P, huyện T, Bình Định), chủ tiệm là NLQ2.

* Án phí: Bị cáo Huỳnh Văn Phúc S phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

* Quyền kháng cáo: Báo cho các bên tham gia tố tụng biết có quyền kháng cáo lên Tòa án cấp trên trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Riêng người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

467
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2018/HSST ngày 26/01/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:06/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tây Sơn - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:26/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về