TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
BẢN ÁN 06/2018/DS-PT NGÀY 16/01/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 16 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số157/2017/TLPT-DS ngày 31 tháng 10 năm 2017 về “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DSST ngày 26 tháng 9 năm2017 của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 316/2017/QĐPT-DS ngày 08 tháng 12 năm 2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Bùi Văn T; Cư trú tại: Ấp X, xã P, huyện O, tỉnh Vĩnh Long.
- Bị đơn: Ông Trần Văn D; Sinh năm: 1950; Cư trú tại: Ấp X, xã P, huyện O, tỉnh Vĩnh Long.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thành Đ – Hội viên thuộc Hội Luật gia tỉnh Vĩnh Long.
- Người kháng cáo: Bị đơn Trần Văn D
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 25/01/2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn Bùi Văn T trình bày:
Khoảng 5 giờ 30 phút, ngày 13/12/2015 ông phát hiện phần đất của ông bị ngập nước nguyên nhân do ông D xả nước vào làm ngập đậu đỏ và ao cá tra của ông. Đậu đỏ diện tích 3.600m2 trồng được khoảng 1 tháng 20 ngày với điều kiện bình thường thì còn 10 ngày nữa ông sẽ thu hoạch với giá là 15.000.000 đồng. Ao cá tra diện tích ngang 2m, dài 10m (đo đạc thực tế chiều ngang ao 2,5m, dài 25m) ông thả nuôi khoảng 600 con giống, chi phí bỏ ra bao gồm tiền thức ăn 4.000.000 đồng và 2.000.000 đồng tiền con giống. Nay ông yêu cầu ông D phải bồi thường cho ông số tiền đậu đỏ là 15.000.000 đồng và tiền cá tra là 6.000.000 đồng, tổng cộng 21.000.000 đồng.
Tại bản tự khai ngày 04/4/2016 và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Trần Văn D trình bày:
Vào ngày 13/12/2015 đất của ông T bị ngập nước nguyên nhân là do cống của ông đậy không khít làm nước tràn vào đất trồng đậu đỏ của ông T và tràn qua ao nuôi cá tra nhưng số lượng cá bao nhiêu thì không xác định được. Nay theo khởi kiện của nguyên đơn thì ông không đồng ý, lý do nước tràn vào chỉ ngập một số chỗ trũng thấp, đậu của ông T vẫn thu hoạch bình thường, còn ao cá bị nước tràn thì ông và con của ông có kéo lại cá nên không bị thất thoát.
Tại bản án số 54/2017/DSST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã quyết định:
Áp dụng các Điều 604, Điều 605, Điều 607, Điều 608, Điều 617 của Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 4 Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 03/2006/NQ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Điều 12, Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bùi Văn T.Buộc bị đơn Trần Văn D có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn Bùi Văn T số tiền 16.326.000 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tàisản, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.
Ngày 09 tháng 10 năm 2017, bị đơn ông Trần Văn D có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn ông Trần Văn D vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Sự việc ruộng đậu đỏ và ao cá tra của ông T bị ngập nước là sự việc có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân ngập nước là do ống bọng của phần đất ông D bị vỡ nên nước tràn qua ruộng ông T vì vậy không phải lỗi của ông D. Ông T khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh có thiệt hại. Ngoài ra, khi phát hiện nước ngập ông T cũng không có biện pháp gì để khắc phục thiệt hại nên ông T cũng có lỗi. Đề nghị, bác yêu cầu khởi kiện của ông T và hủy bản án sơ thẩm, lý do án sơ thẩm không có chứng cứ chứng minh và vi phạm về thu thập chứng cứ đối với nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng: Tất cả đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án đến xét xử phúc thẩm.
Về việc giải quyết vụ án: Áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 604, Điều 605, Điều 607, Điều 608, Điều 617 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 2 của Luật người cao tuổi ; Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Trần Văn D; sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DSST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Vào ngày 13/12/2015 phần đất đậu đỏ và ao cá tra của ông Bùi Văn T bị ngập nước. Theo nguyên đơn cho rằng nguyên nhân làm ngập nước do phía ông D xả nước. Còn bị đơn Trần Văn D cho rằng nguyên nhân ngập nước do cống của ông đậy không khít nên nước chảy tràn sang phần đất của ông T. Tại biên bản xảy ra sự việc ngày 13/12/2015 của Công an xã P ghi nhận bọng của ông D bị vỡ và tràn vào vườn ông D sau đó tràn sang phần đất của ông T làm ngập đậu đỏ và ao cá của ông T. Đồng thời, theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Năm E – Đội dân phòng ấp X, xã P là người trực tiếp lập biên bản sự việc ngày 13/12/2013 xác nhận ruộng của ông T bị ngập nước là do nắp bọng của ông D bị bễ nên nước tràn vào đất của ông T dẫn đến toàn bộ diện tích trồng đậu đỏ của ông T bị ngập nước khoảng trên 1 tấc, ao cá ngập khoảng trên 5 tấc, cá trong ao có thể đi ra ngoài. Vì vậy, ông T yêu cầu ông D bồi thường thiệt hại là có căn cứ. Do đó, án sơ thẩm xử buộc ông D phải bồi thường là phù hợp với các quy định tại Điều 604, 605 của Bộ luật dân sự năm 2005.
[2] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại ruộng đậu đỏ: Ông T cho rằng đậu đỏ trồng được khoảng 1 tháng 20 ngày, việc ông D xả nước ngập ruộng đậu đỏ của ông đã gây thiệt hại khoảng 99%, ông chỉ thu hoạch được 270.000 đồng và yêu cầu ông D bồi thường số tiền 15.000.000 đồng. Các tài liệu ông cung cấp để yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm 01 xác nhận mua giống đậu đỏ 1.050.000 đồng, 01 xác nhận mua phân bón, thuốc trừ sâu 3.570.000 đồng, 01 xác nhận mướn nhân công dọn đất, tỉa đậu 3.600.000 đồng, tổng cộng 8.220.000 đồng. Còn ông D thì cho rằng do đậu đỏ chỉ bị ngập một phần sau đó nước rút nên ông T không có thiệt hại và ông đậu đỏ thu hoạch bình thường. Tại phiên tòa các đương sự thừa nhận phát hiện ruộng đậu đỏ ông T ngập nước khoảng 5 giờ 30 phút ngày 13/12/2015 đến 9 giờ cùng ngày công an xã đến lập biên bản thì nước vẫn còn ngập và theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Năm E – Đội dân phòng ấp X, xã P là người trực tiếp lập biên bản sự việc ngày 13/12/2013 xác nhận lúc lập biên bản ruộng của ông T bị ngập nước khoảng trên 1 tấc, ao cá ngập khoảng trên 5 tấc. Theo công văn số 125/CCTT&BVTV ngày 06/12/2017 của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long xác định ngập nước thời gian dưới 4 tiếng đồng hồ rồi tháo cạn thì cây sinh trưởng bình thường, ngập trên 1 ngày sẽ gây thiệt hại đến năng suất nặng hơn (phải thu hoạch thực tế ruộng ngập nước so với các ruộng đậu đỏ lân cận để biết con số chính xác) nhưng theo ông T, ông D đều thừa nhận tại khu vực ruộng của ông T không có ai trồng đậu đỏ nên không có cơ sở để so sánh. Như vậy, có đủ cơ sở xác định ruộng đậu đỏ của ông T ngập hơn 4 tiếng đồng hồ nên ảnh hưởng đến năng suất. Ông T thì cho rằng ruộng đậu đỏ thiệt hại 99%, ông D thì cho rằng ruộng đậu đỏ không thiệt hại nhưng cả hai đều không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Theo ông Nguyễn Văn Năm E – Đội dân phòng ấp X, xã P xác định sau khi thiệt hại ruộng đậu đỏ của ông T thu hoạch được 30%. Vì vậy, ông T xác định ruộng đậu đỏ của ông bị ảnh hưởng năng suất 99% và ông D cho rằng ruộng đậu đỏ của ông T hoàn tòan không thiệt hại là không có căn cứ. Do đó, đối chiếu với công văn số 125/CCTT&BVTV ngày 06/12/2017 của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long thì lời trình bày của ông Năm E xác định thiệt hại thực tế đối với ruộng đậu đỏ là 70% là có căn cứ.
Về số tiền thiệt hại: Căn cứ công văn số 125/CCTT&BVTV ngày 06/12/2017 của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long xác định chi phí sản xuất hợp lý đối với diện tích 1000m2 như sau:
1. Tiền làm đất (02 lao động): 300.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 1.080.000đồng.
2. Tiền công tỉa đậu (2 lao động): 300.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 1.080.000 đồng.
3. Chi phí tro trấu: 100.000 đồng/5 bao/1.000m2 x 3.600m2 = 360.000 đồng.
4. Chi phí giống: 90.000 đồng/03kg/1.000m2 x 3.600m2 = 324.000 đồng.
5. Tiền phân bón Urea, DAP, NPK: (40.000 đồng + 60.000 đồng + 280.000 đồng)/1.000m2 x 3.600m2 = 1.368.000 đồng.
6. Tiền phu thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm: 100.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 360.000 đồng.
7. Tiền phun thuốc trừ sâu: 400.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 1.440.000 đồng.
8. Tiền phun thuốc trừ bệnh: 500.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 1.800.000 đồnG
9. Tiền phun phân bón lá: 120.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 432.000 đồng. 10. Tiền công tưới nước: 1.500.000 đồng/1.000m2 x 3.600m2 = 5.400.000 đồng. Tổng cộng: 1.080.000 đồng+ 1.080.000 đồng + 360.000 đồng + 324.000 đồng
+ 1.368.000 đồng + 360.000 đồng + 1.440.000 đồng + 1.800.000 đồng + 432.000 đồng + 5.400.000 đồng = 13.644.000 đồng.Như vậy, ông D phải bồi thường thiệt hại 70% chi phí trên bằng: 13.644.000 đồng x 70% = 9.550.800 đồng.
Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông T chỉ có cơ sở chấp nhận một phần.
[3] Về phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cá tra: Ông T yêu cầu bồi thường tiền mua con giống là 2.000.000 đồng và tiền thức ăn cho cá là 4.000.000 đồng, tổng cộng 6.000.000 đồng.
[3.1] Về mật độ nuôi cá: Ông T cho rằng ông thả nuôi 600 con, còn ông D cho rằng ao cá của ông T nhỏ nên số lượng cá nuôi ít hơn nhưng cả hai đều không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Căn cứ công văn số 37/CCTS ngày 29/11/2017 của Chi cục thủy sản tỉnh Vĩnh Long xác định đối với quy mô nông hộ nhỏ lẻ và nuôi theO hình thức bán thâm canh, mật độ thả nuôi 15 – 20 con/m2. Đối với diện tích ao 62,5m2 (2,5m x 25m), số lượng cá khoảng 600 con, mật độ thả nuôi 9,6 con/m2 là thấp hơn so với mật độ thông thường nên ông T xác định thả nuôi 600 con cá giống là có cơ sở để chấp nhận.
[3.2] Về thời gian nuôi: Ông T cho rằng ông bắt đầu thả nuôi cá từ tháng 02/2013 đến tháng 12/2015 , đến thời điểm xảy ra thiệt hại là 34 tháng nhưng ông T không cung cấp được chứng cứ chứng minh ngày thả cá. Theo ông Nguyễn Văn Năm E – Đội dân phòng ấp X, xã P xác định trọng lượng cá nuôi ao của ông T mỗi con khoảng 300g. Còn ông D thì cho rằng ngày xảy ra thiệt hại ông và con của ông có kéo cá tràn ao và thu hồi lại toàn bộ cá cho ông T nhưng số lượng cá thì không nhớ và trọng lượng cá mỗi con khoảng 300g. Tuy nhiên, ông T và ông Nguyễn Văn L là người do ông T thuê kéo cá thả ao, đều xác nhận vào khoảng tháng 10/2015 ông T có thuê ông L và một số người khác kéo cá tra thả ao. Do đó, Hội đồng xét xử xác định thời điểm thả cá là tháng 10/2015 đến ngày xảy ra thiệt hại là 3 tháng để làm cơ sở tính chi phí thiệt hại. Theo công văn số 37/CCTS ngày 29/11/2017 của Chi cục thủy sản tỉnh Vĩnh Long xác định chi phí đã đầu tư cho 3 tháng nuôi (90 ngày) là: 1.933.000 đồng. Cụ thể:Tiền mua cá giống được tính như sau: 600 con x 25gram x 35.000 đồng/kg = 525.000 đồng.
Chi phí sản xuất: 1.008.000 đồng (Chi phí thức ăn) + 100.000 đồng (chi phí thuốc, hóa chất) + 300.000 đồng (chi phí khác: lưới, tiền công, cải tạo ao…) = 1.408.000 đồng.Tổng cộng: 525.000 đồng + 1.408.000 đồng = 1.933.000 đồng.
Tuy nhiên, theo ông T khi phát hiện nước tràn ao cá bơi ra ruộng rồi theo ống bọng thoát nước ra ngoài ông không làm gì để nhằm hạn chế thiệt hại mà chỉ kêu ông D lấy lưới chặn và kéo cá vào ao nhưng sau đó nhiều giờ ông D mới kéo cá dẫn đến cá bơi ra sông hết. Xét việc ông T chậm trễ không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình trong điều kiện ông có thể làm giảm thiệt hại về cá đã xảy ra. Vì vậy ông cũng có lỗi nên ông phải chịu một phần thiệt hại tương đương 30% thiệt hại. Cụ thể 1.933.000 đồng x 30% = 579.900 đồng. Do đó, ông D phải bồi thường thiệt hại về cá cho ông T tương đương 70% thiệt hại. Cụ thể 1.933.000 đồng x 70% = 1.353.100 đồng. Vì vậy, yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông T chỉ có cơ sở chấp nhận một phần nên buộc ông D phải bồi thường thiệt hại cho ông T chi phí tiền đậu đỏ và cá tra tổng cộng: 9.550.800 đồng + 1.353.100 đồng = 10.903.900 đồng.
[4] Án phí:
Ông Bùi Văn T phải chịu án phí trên phần yêu cầu không được chấp nhận: (21.000.000 đồng – 10.903.900 đồng) x 5% = 504.805 đồng. Ông Trần Văn D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên phần yêu cầu nguyên đơn được chấp nhận: 10.903.900 đồng x 5% = 545.195 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Do ông D là người cao tuổi vì đã trên 60 tuổi (ông D sinh năm 1950) theo quy định tại Điều 2 của Luật người cao tuổi. Và tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì ông D thuộc đối tượng được miễn nộp án phí, do đó ông D được miễn nộp số tiền án phí 545.195 đồng.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 604, Điều 605, Điều 607, Điều 608, Điều 617 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 2 của Luật người cao tuổi ; Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Trần Văn D; sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DSST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bùi Văn T.
2. Buộc bị đơn ông Trần Văn D phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn ôngBùi Văn T số tiền 10.903.900 đồng (Mười triệu chín trăm lẻ ba ngàn chín trăm đồng).
3. Án phí:
Ông Bùi Văn T phải chịu 504.800 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm được khấu trừ số tiền tạm ứng 526.000 đồng theo biên lai thu số 12932 ngày 04/4/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Trà Ôn, sau khi khấu trừ hoàn trả cho ông T số tiền 21.200 đồng (Hai mươi mốt ngàn hai trăm đồng). Ông Trần Văn D được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm và dân sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khỏan 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 06/2018/DS-PT ngày 16/01/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 06/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Long |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 16/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về