Bản án 06/2015/KDTM-PT ngày 03/04/2015 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 06/2015/KDTM-PT NGÀY 03/04/2015 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 03 tháng 4 năm 2015, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2015/TLPT-KDTM ngày 12 tháng 01 năm 2015 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 26/2014/KDTM-ST ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Toà án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2015/QĐPT-KDTM ngày 12 tháng 3 năm 2015 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn:

Ông Khưu Văn X, sinh năm 1946;

Địa chỉ: Ấp G, xã T, huyện N, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Luật sư Đoàn Công T - Văn phòng luật sư Đoàn Công T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang.

* Bị đơn: Công ty cổ phần bảo hiểm P

Nay là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P (tên gọi tắt P)

Địa chỉ: Đường S, quận Đ, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đào Nam H- Chức vụ Tổng  Giám đốc. Địa chỉ: đường S, quận Đ, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

Ông Phạm Hữu S, sinh năm: 1977.

Địa chỉ: đường N, phường A, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Ông Bùi Quang H,

Địa chỉ: Ngõ V, phường C, quận H, Thành phố Hà Nội.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. NLQ1, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Ấp V, xã P, huyện Y, tỉnh Kiên Giang.

2. NLQ2, sinh năm 1957.

Địa chỉ: Đường N, phường B, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

3. NLQ3, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Ấp I, xã L, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

4. NLQ4, sinh năm: 1952; Chức vụ: Phó phòng kinh doanh - Chi nhánh Công ty cổ phần bảo hiểm P tại Kiên Giang.

Địa chỉ: Đường N, phường A, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

5. NLQ5, sinh năm: 1981

Địa chỉ: Đường N, phường A, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

6. NLQ6, sinh năm: 1981

Địa chỉ: Huyện V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do có kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần bảo hiểm P.

(Ông Khưu Văn X, ông Pham Hữu S, ông Bùi Quang H, NLQ4 và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có mặt tại phiên tòa; NLQ1, NLQ2, NLQ3, NLQ5, NLQ6 có đơn xin xét xử vắng mặt).

NHẬN THẤY

* Nguyên đơn ông Khưu Văn X trình bày:

Ông là chủ tàu cá H2 có mua bảo hiểm của Công ty cổ phần bảo hiểm P-Chi nhánh P Kiên Giang đã được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 04/KG1/NVU/1240/0421 ngày  9/12/2004, thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ ngày 9/12/2004 đến 24 giờ ngày 8/3/2005.

Vào ngày 13/12/2004, tàu cá của ông do NLQ3 thuê và làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại khu vực K, tỉnh Cà Mau thì bị sóng lớn làm chìm và mất tích.

Ông đã làm thủ tục yêu cầu chi nhánh bảo hiểm P tại Kiên Giang thực hiện trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng. Tại Công văn số 15/CV (PC16) ngày 8/9/2006 của Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh K gửi Công ty bảo hiểm P Kiên Giang xác nhận việc tàu của ông chìm là có thật. Đến ngày 18/10/2010, ông Phạm Hữu S - Giám đốc P mới có văn bản trả lời cho ông với nội dung hồ sơ yêu cầu bồi thường không trung thực, chưa đủ cơ sở bồi thường.

Ông yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm P có nghĩa vụ bồi thường cho ông theo hợp đồng bảo hiểm các khoản sau:

+ Bảo hiểm thân tàu: 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng);

+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng), bao gồm các khoản: chi phí trục vớt tàu 3.000 lít dầu (tương đương 8.000 đồng/lít), thuê trục vớt tàu là 30.000.000 đồng, tiền luật sư tham gia tư vấn khiếu kiện 50.000.000 đồng.

Tổng cộng hai khoản trên là 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng).

+Tiền lãi chậm bồi thường theo quy định của pháp luật kể từ ngày 8/9/2006.

Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm lần 1 (ngày 06 tháng 9 năm 2013), ông X rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc P bồi thường về trách nhiệm dân sự với số tiền 100.000.000 đồng; tại phiên tòa sơ thẩm ông vẫn giử nguyên yêu cầu về việc rút nội dung khởi kiện buộc P bồithường về trách nhiệm dân sự (số tiền 100.000.000 đồng) và ông có bổ sung thêm về việc thay đổi yêu cầu so với nội dung khởi kiện ban đầu, cụ thể là: Ông yêu cầu P có nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm thân tàu: 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng); ông tự nguyện trừ đi số tiền P đã ứng trước là 20.000.000 đồng để tìm kiếm trục vớt khi tàu bị nạn theo phiếu chi tạm ứng ngày 17/12/2004, đồng thời trừ 2% mức tổn thất theo thỏa thuận trong giấy chứng nhận bảo hiểm với số tiền là 8.000.000; còn lại 372.000.000 đồng, ông yêu cầu P phải có nghĩa vụ bồi thường cho ông. Ngoài số tiền bồi thường nêu trên, ông yêu cầu P phải trả tiền lãi theo quy định của pháp luật do P chậm bồi thường, thời điểm kể từ ngày 13/12/2005 trên số tiền 372.000.000 đồng mà P có nghĩa vụ phải thanh toán cho ông.

* Đại diện hợp pháp của bị đơn - Công ty cổ phần bảo hiểm P là ông Phạm Hữu S trình bày:

Ngày 16/12/2004, đại diện chủ tàu là NLQ1 có gửi đơn cho Công ty bảo hiểm với nội dung tàu cá H2 bị tai nạn vào lúc 02 giờ ngày 13/12/2004, kèm theo là giấy yêu cầu giám định gồm các tài liệu: 01 bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá, 01 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, 01 bản sao kiểm tra kỹ thuật hàng năm, 01 bản sao giấy phép khai thác thủy sản, 01 sổ chứng nhận khả năng hoạt động của tàu cá, 01 bản sao sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, 01 tờ tường trình của NLQ3, 01 tờ tường trình của NLQ1, 01 bản sao biên bản sự việc tại Đồn biên phòng C ngày 15/12/2004. Sau đó, theo đề nghị của phía chủ tàu, Công ty bảo hiểm đã chi tạm ứng cho chủ tàu 20.000.000 đồng để thuê tìm kiếm trục vớt tàu.

Để giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật và quy trình của P, phía P đã yêu cầu chủ tàu phối hợp để làm việc với những người có mặt trên tàu và những người có liên quan đến vụ việc. Kể từ ngày 17/12/2004 đến ngày 17/8/2005P đã liên hệ và phỏng vấn được 14 thủy thủ, còn lại một số người không gặp được trong đó có máy trưởng là NLQ6. Đến ngày 05/9/2005, theo yêu cầu của P về việc tìm kiếm thêm thủy thủ có mặt trên tàu lúc xảy ra tai nạn, chủ tàu là ông Khưu Văn X đã có tường trình lại sự việc và đề nghị P xem xét bồi thường. Tuy nhiên căn cứ vào các biên bản làm việc có được, việc NLQ6 có vai trò là máy trưởng có mặt trên tàu nhưng lại không có lời khai nào.

Theo hồ sơ vụ việc hiện có, vào thời điểm tàu của ông X xảy ra tai nạn, NLQ6 với tư cách là máy trưởng nhưng không có bằng lái mà chỉ có chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng hạng tư, giấy chứng nhận  được Trường  đại  học N cấp  ngày  23/10/2004  (có  giá  trị  đến  ngày 30/02/2005). Đối chiếu với các khoản loại trừ bảo hiểm thân tàu được in mặt sau của Giấy chứng nhận bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm thân tàu được P ban hành năm2003 quy định: “P không nhận bảo hiểm và không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra do thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng theo quy định”. Mặt khác, căn cứ vào sổ danh bạ thuyền viên không có tên thuyền trưởng NLQ3 và máy trưởng NLQ6. Vì vậy, P không thể giải quyết bồi thường cho chủ tàu.

Đến ngày 25/02/2009, ông X có giấy đề nghị P xem xét bồi thường, tuy nhiên căn cứ vào hồ sơ hiện có thì P chưa đủ cơ sở để bồi thường cho ông X. Đến ngày 18/10/2010, theo yêu cầu của ông X thì  P đã hoàn trả tất cả chứng từ và không giải quyết bồi thường cho ông X do hồ sơ chưa đủ cơ sở xem xét bồi thường.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 27 tháng 10 năm 2014), ông S cho rằng phiên hòa giải ngày 10/7/2014 của TAND Tp. R, ông đại diện cho P chấp nhận bồi thường cho ông X số tiền bảo hiểm thân tàu 372.000.000 đồng do P chưa biết giấy phép khai thác thủy sản của ông X đã hết hạn và chưa biết được công văn trả lời của Trường đại học N về trường hợp giấy chứng nhận tạm thời của NLQ6 thay thế bằng máy trưởng. Sau khi Tòa án cho ông pho to hai văn bản này thì ông mới biết tại thời điểm tàu xảy ra tai nạn (ngày 13/12/2004) giấy phép khai thác thủy sản của ông X đã hết hạn và Giấy chứng nhận tạm thời của NLQ6 được thay thế bằng máy trưởng. Ông thừa nhận có sự kiện bảo hiểm do tàu cá H2 bị tai nạn chìm ngày 13/12/2004 và cho rằng hợp đồng bảo hiểm giữa P (bên bán bảo hiểm) và ông Khưu Văn X (người được bảo hiểm) đã phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, P không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông X với hai lý do:

Thứ nhất: Tại thời điểm tàu của ông X xảy ra tai nạn, Giấy phép khai thác thủy sản của ông X đã hết hạn, việc này thể hiện khi tai nạn xảy ra, tàu cá ông X hoạt động kinh doanh trái phép, tại Mục B điểm 1 được in ở mặt sau Giấy chứng nhận bảo hiểm quy định:“P không nhận bảo hiểm và không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra do những nguyên nhân sau:…Vi phạm lệnh cấm do nhà chức trách ban hành, cố ý vi phạm luật lệ giao thông, hoạt động kinh doanh trái phép…”.

Thứ hai: Tại thời điểm tàu xảy ra tai nạn, NLQ6 có mặt trên tàu với tư cách là máy trưởng nhưng NLQ6 chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng chứ chưa có bằng máy trưởng theo quy định.

* Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

1. NLQ1 trình bày:

Năm 2004, ông và NLQ3 hợp tác đánh bắt cá bằng hình thức cào đôi có 02 chiếc gồm tàu cá của ông và tàu cá H2 (NLQ3 thuê của ông Khưu Văn X). Cuối năm 2004 (ông không nhớ chính xác ngày tháng), sau khi ông và NLQ3 đánh bắt cá thì ông chở cá vào đất liền, tàu của ông đậu ở Vàm Sông ông Đ (do tàu không vào bờ nên không trình báo trạm biên phòng), sau đó ông thuê tàu khác chở cá vào bờ và cùng đi trên tàu thuê này để về Kiên Giang bán cá. Theo sự ủy quyền của ông Khưu Văn X (ủy quyền miệng), ông đến Công ty bảo hiểm B rút hợp đồng bảo hiểm mà ông X đã mua trước đó, lý do rút là vì tàu ông X trước đó bị hư chân vịt nhưng Công ty bảo hiểm B không chịu bồi thường.

2. NLQ2 trình bày:

Khoảng cuối năm 2004 (không nhớ chính xác ngày tháng), ông làm nghề chạy xe ôm, bà Huỳnh Thị M (vợ của NLQ1 là em họ NLQ2, bà Huỳnh Thị M đã chết ngày 16/7/2008, có xác nhận của chính quyền địa phương) có nhờ ông đến Bảo hiểm P Kiên Giang mua bảo hiểm cho tàu cá, tiền và bộ hồ sơ để mua bảo hiểm do vợ NLQ1 đem lại cho ông, sau khi mua xong ông đưa lại cho vợ NLQ1 để gửi cho NLQ1. Giấy bảo hiểm đứng tên tàu nào ông không nhớ vì đã quá lâu nhưng chiếc tàu ông mua bảo hiểm không phải tàu của NLQ1 mà là tàu của người khác đi đánh bắt chung với NLQ1 (nay ông mới được biết tàu mà NLQ1 nhờ ông mua dùm là tàu của ông Khưu Văn X). Ông xác nhận việc mua bảo hiểm cho tàu cá H2 vào cuối năm 2004 là do ông trực tiếp đến Bảo hiểm P mua do bà Huỳnh Thị M nhờ ông.

3. NLQ3 trình bày:

Vào ngày 13/12/2004, khi đang đánh bắt tại khu vực K tỉnh Cà Mau thì tàu cá của ông X do ông là thuyền trưởng bị sóng lớn làm chìm và mất tích. Ông có bằng thuyền trưởng số 31701 TS/TCCB-LĐ do Bộ Thủy Sản cấp ngày 18/12/2003. Con tàu trên đã ra khơi đánh bắt được khoảng 01 tháng, đến ngày 13/12/2004 thì gặp nạn bị sóng lớn đánh chìm, ông và 4 ngư phủ đã gọi tàu cá của NLQ1 (NLQ1 là chủ tàu và là tài công) đến cứu hộ nhưng khi tàu này đến thì tàu của ông đã bị sóng đánh chìm hoàn toàn, ông và 4 ngư phủ được tàu NLQ1 cứu và có làm dấu chỗ tàu chìm, sau này đội trục vớt do Công ty bảo hiểm P cử đến trục vớt nhưng không thấy tàu. Do thời gian quá lâu nên ông không nhớ rõ họ tên, địa chỉ của NLQ1 và 4 ngư phủ và cũng không có liên lạc với những người này.

4. NLQ4 trình bày

Vào năm 2004 P Kiên Giang số lượng nhân viên rất ít và công việc được phân công cho từng người không rõ ràng, có thể một người làm nhiều việc khác nhau. Cách thức ghi chép và cập nhật chứng từ hàng ngày không được hướng dẫn, dẫn đến các trường hợp sai sót có thể xảy ra như trong trường hợp này: Phiếu thu có thể ông lập ngày 10/12/2004 để NLQ1 nộp tiền. Nhưng vì lý do nào đó NLQ1 chưa đem qua bộ phận kế toán để nộp tiền và sau đó vài ngày NLQ1 mới đến nộp tiền cho bộ phận kế toán thì bộ phận kế toán sẽ xuất hóa đơn thu tiền mặt của NLQ1. Do vậy, phiếu thu mà ông lập chỉ có tính thông báo cho khách hàng (NLQ1) đến kế toán để nộp tiền chứ không phải là chứng từ đã thu tiền của NLQ1. Trên phiếu thu do nguyên đơn cung cấp cho Tòa ông là người lập phiếu nhưng kế toán thu ngân chưa ký nhận tiền và khách hàng cũng chưa ký nộp tiền, do đó ông không thu tiền của NLQ1 ngày 10/12/2004 và NLQ1 cũng không nộp tiền cho ông ngày 10/12/2004, tại tòa cũng không ai thừa nhận là người đã trực tiếp nộp tiền.

5. NLQ5 trình bày

Sáng ngày 9/12/2004, NLQ4 điện thoại yêu cầu bà đến tiệm chú “H chân vịt” tại địa chỉ 717 đường  N, thành phố R, tỉnh Kiên Giang để cấp đơn bảo hiểm cho NLQ1. Sau khi gặp NLQ1 bà có hỏi là tàu đang đậu ở đâu? NLQ1 trả lời là tàu đang đánh bắt xa bờ không vào được. Bà và NLQ4 có tư vấn và thương lượng với NLQ1 nội dung: Khi nào tàu vào bờ thì báo cho bảo hiểm đến xem và định giá lại con tàu, NLQ1 đồng ý. Bà có cấp đơn bảo hiểm cho chủ tàu tên Khưu Văn X, biển số: H2 thời hạn 3 tháng (9/12/2004-8/3/2005) số tiền là 2.016.750 đồng, có sự chứng kiến của ông H. Sau khi cấp đơn xong, NLQ1 có hứa hôm sau đến nộp tiền, do không đủ tiền nộp ngay. Vì vậy, sáng ngày 10/12/2004 bà mới xuất hóa đơn sẵn chờ NLQ1 đến nộp tiền. Cho đến chiều cùng ngày bà không thấy NLQ1 đến nộp tiền, đến ngày 11,12,13 tháng 12/2004 bà vẫn không thấy NLQ1 đến nộp tiền. Ngày 14/12/2004, NLQ1 mang tiền đến gặp bà nộp phí bảo hiểm cho tàu cá H2, sau khi thu tiền và đưa hóa đơn cho NLQ1, bà mang tiền lên phòng kế toán để ra phiếu thu trong ngày.

Do mới làm và chưa hiểu rõ về quy trình kế toán là ngày nộp tiền phải cùng ngày xuất hóa đơn, nếu lỡ xuất trước thì phải hủy và xuất lại hóa đơn mới, do đó bà đã sơ xuất không hủy hóa đơn đã xuất ngày 10/12/2004 để xuất lại hóa đơn ngày 14/12/2004 mới đúng quy trình.

6. NLQ6 trình bày:

Ông xác nhận việc tàu biển có số đăng ký tàu cá H2 của ông Khưu Văn X bị chìm và mất tích ngày 13/12/2004 là đúng sự thật. Cụ thể là khoảng 5 đến 6 giờ chiều ngày 13/12/2004, tàu đang đánh bắt tại khu vực K, ngư phủ đang kéo cào lên tàu thì sóng mạnh ập đến làm tàu bị lật và chìm, lúc này ông đang trên bong phụ kéo cào cùng mọi người. Trong tàu lúc này có ông là máy trưởng, NLQ3 là thuyền trưởng và khoảng 4 đến 5 ngư phủ. Sau khi tàu chìm được khoảng 1 giờ thì có tàu khác đến cứu các ông đưa đến Đồn biên phòng C trình báo sự việc tàu bị chìm. Do sự việc xảy ra quá lâu nên ông không nhớ cụ thể từng chi tiết, riêng ngày giờ bị chìm ông nhớ rõ là do sự việc này đối với ông quá sâu sắc, sau khi tàu ông X bị chìm thì ông trở về và cũng không đi biển. Thời điểm ông đi tàu bị chìm nói trên, ông đã được Trường đại học N cấp giấy chứng nhận “Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng tàu cá hạng tư”.

* Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 23/2013/KDTM-ST ngày 6 tháng 9 năm 2013 Toà án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Khưu Văn X đối với bị đơn - Công ty cổ phần bảo hiểm P, nay là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P về việc yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự là 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Khưu Văn X về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” đối với bị đơn - Công ty cổ phần bảo hiểm P. Buộc bị đơn - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường cho nguyên đơn ông Khưu Văn X số tiền bảo hiểm thân tàu là 400.000.000 đồng, và ghi nhận sự tự nguyện của ông Khưu Văn X khấu trừ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) là chi phí trục vớt mà bảo hiểm P đã tạm ứng trước còn lại 380.000.000 đồng và  lãi  chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường là 516.898.800 đồng, tổng cộng: 896.898.800 đồng (tám trăm chín mươi sáu triệu tám trăm chín mươi tám ngàn tám trăm đồng).

Bị đơn kháng cáo,

 Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số: 09/2014/KDTM-PTngày 02  tháng 4 năm 2014 Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Hủy bản án kinh doanh thương mại số 23/2013/KDTM-ST ngày 6 tháng 9 năm 2013 của Toà án nhân dân thành phố R với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án toàn diện.

* Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 26/2014/KDTM-ST ngày 27 tháng 10 năm 2014 Toà án nhân dân thành phố R đã quyết định:

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Khưu Văn X đối với bị đơn - Công ty cổ phần bảo hiểm P, nay là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P về việc

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Khưu Văn X về việc “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” đối với bị đơn - Công ty cổ phần bảo hiểm P. Buộc bị đơn - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường cho nguyên đơn ông Khưu Văn X số tiền bảo hiểm thân tàu là 372.000.000 đồng và lãi chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường là 445.423.500 đồng, tổng cộng: 817.423.500 đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí, chi phí giám định chữ ký và báo quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 06/11/2014, bị đơn - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P có đơn kháng cáo với nội dung:

Phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố R tại bản án số 26/2014/KDTM- ST, ngày 27/10/2014 đã tuyên buộc bị đơn phải bồi thường cho ông Khưu Văn X số tiền bảo hiểm là 372.000.000 đồng và tiền lãi 445.423.500 đồng, P không đồng ý với quyết định sơ thẩm và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang. Với các lý do sau

- Thứ nhất, P cho rằng phía nguyên đơn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình được quy định trong đơn bảo hiểm, cụ thể: “Nghĩa vụ của người được bảo hiểm: Khi xảy ra tai nạn người được bảo hiểm phải…trình báo ngay chính quyền địa phương nơi gần nhất và thông báo cho P hay đại diện của P nơi gần nhất để tiến hành giám định”. Như vậy, trong trường hợp này là chính quyền địa phương của tỉnh Cà Mau, nơi xảy ra tai nạn chìm tàu; nguyên đơn đã không thực hiện và đã vi phạm Điều 7 của Luật giao thông đường thủy nội địa đồng thời không hoàn thành nghĩa vụ mà mình đã cam kết.

- Thứ hai, tại thời điểm tàu ông X xảy ra tai nạn, Giấy phép khai thác thủy sản của ông X đã hết hạn, có nghĩa là tại thời điểm bị tai nạn tàu của ông X hoạt động kinh doanh trái phép, tại Mục B điểm 1 được in ở mặt sau Giấy chứng nhận bảo hiểm quy định:“P không nhận bảo hiểm và không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra do những nguyên nhân sau:…- Vi phạm lệnh cấm do nhà chức trách ban hành, cố ý vi phạm luật lệ giao thông, hoạt động  kinh doanh trái phép…”.

-Thứ ba, tại thời điểm tàu xảy ra tai nạn, NLQ6 có mặt trên tàu với tư cách là máy trưởng, nhưng NLQ6 chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng chứ chưa có bằng máy trưởng theo quy định. Theo công văn số 338/CV-ĐHNT ngày 10/6/2014 của Trường đại học N thì “ Giấy chứng nhận của NLQ6 có thể thay thế bằng máy trưởng”. Bằng máy trưởng và giấy chứng nhận là hai khái niệm khác nhau nên P không đồng ý công văn trả lời của Trường đại học N. Hơn nữa, P không thỏa thuận với nguyên đơn trong đơn bảo hiểm là nguyên đơn có thể được bồi thường nếu xuất trình được một tài liệu khác tương đương với bằng máy trưởng

- Thứ tư, Tòa án buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi đối với toàn bộ thời gian vụ án bị kéo dài do vi phạm tố tụng về thời hạn xét xử nên không phải là lỗi của bị đơn. Do đó, bị đơn không đồng ý phần tiền lãi cho thời gian sau khi tuyên bản án sơ thẩm lần một của Tòa án.

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Khưu Văn X yêu cầu Công ty cổ phần bảo hiểm P có nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm thân tàu là 372.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả bồi thường tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật kể từ ngày 13/12/2005 cho đến nay.

Đại diện hợp pháp của bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý bồi thường tiền bảo hiểm theo yêu cầu của nguyên đơn. Ngoài các lý do nêu trong đơn kháng cáo, bị đơn cho rằng không có sự kiện bảo hiểm xảy ra (chìm tàu không có thật) và đây là việc trục lợi bảo hiểm.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải bồi thường tiền bảo hiểm và tiền lãi cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định pháp luật. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn P, giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 26/2014/KDTM-ST ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Toà án nhân dân thành phố R.

Xét nội dung kháng cáo của P, đối chiếu các chứng cứ có trong hồ sơ, lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy:

Thứ nhất: Về sự kiện bảo hiểm.

Hai người đại diện theo ủy quyền của P còn có ý kiến khác nhau, tại phiên hòa giải ngày 10/7/2014 ông Phạm Hữu S đồng ý bồi thường bảo hiểm thân tàu (BL 650), tại đơn kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm ông thừa nhận có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Tuy nhiên ông Bùi Quang H lại cho rằng không có sự kiện bảo hiểm xảy ra với lý do: Tàu ông X bị chìm ở khu vực K, tỉnh Cà Mau nhưng cơ quan kết luận có sự kiện tàu chìm lại từ nơi khác (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh K), mặt khác khi tàu bị chìm nguyên đơn không báo cho cơ quan Công an hoặc UBND nơi gần nhất (thuộc tỉnh Cà Mau), do đó đã vi phạm Điều 7 Luật giao thông đường thủy nội địa.

Về nội dung này, các lý do nêu trong đơn kháng cáo P không đề cặp, tuy nhiên xét thấy do P kháng cáo toàn bộ bản án nên Hội đồng xét xử xem xét và thấy rằng việc P từ chối có sự kiện bảo hiểm xảy ra với lý do nêu trên là không có cơ sở, vì rằng do nghi ngờ có sự lừa dối trong việc chìm tàu nên P có Công văn số 0083/ P ngày 14/10/2005 yêu cầu Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh K xác minh làm rõ vụ tai nạn tàu chìm, xuất phát từ yêu cầu này của P nên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh K đã xác minh và kết luận việc chìm tàu là có thật (BL 23), như vậy việc xác minh, kết luận của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh K là thực hiện theo yêu cầu của P để xác định sự thật việc chìm tàu. Mặt khác P cho rằng khi tàu bị chìm nguyên đơn không báo cho cơ quan Công an hoặc UBND nơi gần nhất (thuộc tỉnh Cà Mau) là vi phạm Điều 7 Luật giao thông đường thủy nội địa; việc viện dẫn lý do và áp dụng luật của P trong trường hợp này là chưa đúng vì rằng theo Điều 3 Luật giao thông đường thủy nội địa thì luật này chỉ điều chỉnh trong phạm vi nội thủy, trường hợp chìm tàu của ông X không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật giao thông đường thủy nội địa.

Thứ hai: Về trình báo chính quyền địa phương.

Theo ý kiến của đại diện P thì tại phần V - Quy tắc bảo hiểm tàu cá kèm theo Đơn bảo hiểm có quy định nghĩa vụ của bên được bảo hiểm khi xảy ra tai nạn là người được bảo hiểm phải trình báo với chính quyền địa phương nơi gần nhất, trong trường hợp này là chính quyền địa phương của tỉnh Cà Mau, nơi xảy ra tai nạn chìm tàu.

Hội đồng xét xử thấy rằng, khi sự việc xảy ra, theo lời khai của những người làm chứng là ngư phủ và thuyền trưởng, máy trưởng của tàu cá mang biển kiểm soát H2 là NLQ3 và NLQ6 đều thống nhất xác định: Khoảng 16 giờ ngày 13/12/2004 tàu mang biển kiểm soát H2 đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc khu vực K, tỉnh Cà Mau thì bị sóng lớn đánh chìm; các ông được tàu NLQ1 đến cứu và chạy vào trình báo Đồn biên phòng C, tỉnh Cà Mau (BL 247, 248, 622), đồng thời biên bản sự việc của Đồn biên phòng C, tỉnh Cà Mau cũng đã xác nhận: NLQ3 (thuyền trưởng) có đến trình báo Đồn biên phòng C vào lúc 17 giờ ngày 13/12/2004 (BL 13). Như vậy, khi sự kiện chìm tàu xảy ra nguyên đơn đã trình báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất, trong trường hợp này là Đồn biên phòng C, tỉnh Cà Mau. Như vậy, việc bị đơn cho rằng khi tàu chìm nguyên đơn đã không trình báo với chính quyền địa phương nơi gần nhất là không có cơ sở.

Thứ ba: Về giấy phép khai thác thủy sản hết hạn thuộc trường hợp kinh doanh trái phép.

Đối với Giấy phép khai thác thủy sản của ông Khưu Văn X được Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp ngày 18/8/2003 có giá trị đến ngày 28/7/2004, trong khi đó thời gian xảy ra tai nạn (sự kiện bảo hiểm) là ngày 13/12/2004 (BL 10). Đại diện P cho rằng, tàu của ông X hoạt động không có giấy phép tại thời điểm xảy ra tai nạn, thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, thuyền được in mặt sau của Giấy chứng nhận bảo hiểm tại Mục B - điểm 1 quy định: “P không nhận bảo hiểm và không chịu trách nhiệm bảo hiểm nếu tổn thất xảy ra do những nguyên nhân sau:…- Vi phạm lệnh cấm do nhà chức trách ban hành, cố ý vi phạm luật lệ giao thông, hoạt động kinh doanh trái phép…”.

Xét thấy, sau khi đối chiếu Điều 7 Chương IV Phần I của Quy tắc bảo hiểm tàu cá P 2003 quy định kèm theo giấy yêu cầu bảo hiểm thì Giấy khai thác thủy sản không phải là một trong các tài liệu mà P yêu cầu người mua bảo hiểm phải nộp kèm theo để P xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận ký hợp đồng bảo hiểm. Thực tế, Giấy phép khai thác thủy sản cấp cho ông Khưu Văn X hết hiệu lực ngày 28/7/2004 nhưng thời điểm P ký hợp đồng bảo hiểm với ông X có hiệu lực từ ngày 09/12/2004. Như vậy, thời điểm P và ông X ký hợp đồng bảo hiểm thì giấy phép khai thác thủy sản của ông X đã hết hiệu lực. Đồng thời, ông X cũng xác định tại thời điểm ông giao kết hợp đồng bảo hiểm với P do P không yêu cầu cung cấp Giấy phép khai thác thủy sản nên bản thân ông cũng không biết Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Tuy nhiên, qua xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ không có chứng cứ nào chứng minh trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm P đã giải thích cụ thể, rõ ràng cho người mua bảo hiểm các điều khoản nêu trong hợp đồng bảo hiểm và các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Mặt khác giấy phép khai thác thủy sản hết hạn không phải là trường hợp loại trừ bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm tàu cá P 2003 và Luật kinh doanh bảo hiểm quy định. Về thuật ngữ kinh doanh trái phép, theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự thì gồm 02 trường hợp: không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký, như vậy trường hợp giấy phép khai thác thủy sản hết hạn không thuộc trường hợp kinh doanh trái phép như P đã viện dẫn để loại trừ bảo hiểm.

Thứ tư: Về giấy chứng nhận (thay thế tạm thời bằng máy trưởng) của NLQ6.

Đại diện P cho rằng tại thời điểm tàu chìm, NLQ6 là máy trưởng trên tàu nhưng không có bằng máy trưởng mà chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi lấy bằng máy trưởng tàu cá hạng tư; với nội dung này, sau khi cấp phúc thẩm hủy án, cấp sơ thẩm đã có công văn số 88/2014 CV- TANDTP ngày 19/5/2014 gửi Trường đại học N để làm rõ nội dung này. Tại công văn số 338/CV- ĐHNT ngày 10/6/2014, Trường đại học N khẳng định: “Sau khi kết thúc khóa học, trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục cấp bằng thì nhà trường cấp cho học viên Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng (sau đây gọi là Giấy chứng nhận). Giấy chứng nhận sử dụng thay thế tạm thời bằng thuyền trưởng hoặc máy trưởng trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục cấp bằng. Về năng lực chuyên môn thì Giấy chứng nhận và Bằng thuyền trưởng và máy trưởng được coi là tương đồng…Vì vậy, chúng tôi xác nhận Giấy chứng nhận có thể thay thế Bằng thuyền trưởng, máy trưởng”. Tuy nhiên, ý kiến của đại diện P không đồng ý với nội dung công văn trả lời của Trường đại học N và cho rằng không thể xem Bằng máy trưởng và Giấy chứng nhận là một, vì đây là hai khái niệm khác nhau; P không thỏa thuận với nguyên đơn trong Đơn bảo hiểm về việc nguyên đơn có thể được bồi thường nếu xuất trình được một tài liệu khác tương đương với Bằng máy trưởng.

Xét nội dung kháng cáo này của P là không có căn cứ vì rằng: Theo trả lời của Trường đại học N (đơn vị có chức năng cấp Bằng máy trưởng) thì Giấy chứng nhận và Bằng máy trưởng là tương đồng. Mặt khác theo ông X xác định, thời điểm ông nộp các tài liệu để P xem xét ký kết hợp đồng bảo hiểm thì ông đã cung cấp cho P Giấy chứng nhận của NLQ6 về việc hoàn thành chương trình bồi dưỡng và thi  lấy bằng Máy trưởng tàu cá hạng tư được Trường đại học N cấp ngày 23/10/2004 (có giá trị đến ngày 30/2/2005). Thời điểm này, P không có ý kiến gì đối với trường hợp NLQ6 chỉ mới được cấp giấy chứng nhận, chưa có bằng máy trưởng. P đã mặc nhiên chấp nhận Giấy chứng nhận của NLQ6 thay thế Bằng máy trưởng, thể hiện qua việc P nhận hồ sơ và đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 04/KG1/NVU/1240/0421 ngày 09/12/2004 cho ông Khưu Văn  X; nội dung trong phần giá trị bảo hiểm đã thể hiện: Không áp dụng chế tài đối với thuyền trưởng + máy trưởng có bằng nhưng không đủ tiêu chuẩn (BL 11).

Thứ năm: Về lãi suất.

P kháng cáo không đồng ý trả tiền lãi chậm thanh toán cho ông Khưu Văn X với lý do vụ án kéo dài là do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng.

Xét kháng cáo này của P thấy rằng không có căn cứ để chấp nhận bởi lẽ: Sau khi tàu ông X bị chìm, ngày 16/12/2004 ông X gửi đơn yêu cầu bồi thường nhưng P không trả lời và cũng không yêu cầu bổ sung về thủ tục khi ông X đề nghị P bồi thường bảo hiểm (BL 642). Đến ngày 18/10/2010 (sau hơn 05 năm kể từ khi ông X gửi đơn) P mới có công văn trả lời trường hợp ông X chưa đủ cơ sở để bồi thường. Xét thấy, trong trường hợp này P đã vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp khi kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm, thuộc các trường hợp: Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng (điểm c, khoản 2, Điều 17), giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường (điểm d, khoản 2, Điều 17).

Mặt khác Hợp đồng Bảo hiểm giữa P và ông Khưu Văn X được ký kết ngày 09/12/2004, căn cứ vào điểm b khoản 2 Nghị quyết 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về việc thi hành Bộ luật dân sự quy định: “…giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 1995…”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 580 Bộ luật dân sự 1995 quy định về trả tiền bảo hiểm thì “Trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm, thì phải trả cả phần lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả”. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm và Quyết định 1627/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 quy định mức lãi suất quá hạn là không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã tính lãi suất mà P phải trả cho ông Khưu Văn X với số tiền 445.423.500 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, không có cơ sở để HĐXX xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của P về việc không chấp nhận bồi thường tiền bảo hiểm cho ông Khưu Văn X.

* Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

+ Buộc bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí với số tiền 817.423.500 đồng là: 36.000.000 đồng + {(817.423.500 đồng – 800.000.000 đồng) x 3%} = 36.522.705đ (Ba mươi sáu triệu năm trăm hai mươi hai nghìn bảy trăm lẽ năm đồng).

+ Nguyên đơn ông Khưu Văn X không phải chịu án phí, hoàn trả cho ông X số tiền tạm ứng án phí là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng) mà ông X đã nộp theo biên lai thu tiền số 00124 ngày 06/12/2010 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

- Án phí phúc thẩm: Bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng), khấu trừ số tiền tạm ứng án phí 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) mà Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P (Chi nhánh Kiên Giang) đã nộp theo biên lai thu tiền số 06668 ngày 10/11/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

* Về chi phí giám định chữ ký: Theo biên nhận ngày 26/12/2012 của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh K thì số tiền giám định chữ ký là 780.000 đồng, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu (đã nộp xong).

Vì vậy, qua thảo luận, nghị án Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang; không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST, ngày 27/10/2014 của Tòa án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1  Điều 275 - Bộ luật tố tụng dân sự;

- Không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P.

- Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 26/2014/KDTM-ST, ngày 27/10/2014 của Tòa án nhân dân thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

* Áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 192; khoản 3, Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 567, 568, 569, 570, 575, 576, 579 - Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 580 BLDS 1995; Các Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 40, 41, 46, 47 - Luật kinh doanh bảo hiểm. Xử:

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Khưu Văn X đối với bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P về việc yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự với số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng).

 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của của nguyên đơn ông Khưu Văn X đối với bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

- Buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải bồi thường cho ông Khưu Văn X số tiền bảo hiểm thân tàu là 372.000.000đ (Ba trăm bảy mươi hai triệu đồng) và tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ là: 445.423.500đ (Bốn trăm bốn mươi lăm triệu bốn trăm hai mươi ba nghìn năm trăm đồng). Tổng cộng: 817.423.500đ (Tám trăm mười bảy triệu bốn trăm hai mươi ba nghìn năm trăm đồng).

Kể từ ngày ông Khưu Văn X có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P không trả đủ số tiền nêu trên cho ông X thì Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

* Về án phí: Căn cứ các Điều 131, 132 - Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh 10/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

- Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

+ Buộc bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí với số tiền 817.423.500 đồng là: 36.000.000 đồng + {(817.423.500 đồng – 800.000.000 đồng) x 3%} = 36.522.705đ (Ba mươi sáu triệu năm trăm hai mươi hai nghìn bảy trăm lẻ năm đồng).

+ Nguyên đơn ông Khưu Văn X không phải chịu án phí, hoàn trả cho ông X số tiền tạm ứng án phí là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng) mà ông X đã nộp theo biên lai thu tiền số 00124 ngày 06/12/2010 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

- Án phí phúc thẩm: Bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng), khấu trừ số tiền tạm ứng án phí 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) mà Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P (Chi nhánh Kiên Giang) đã nộp theo biên lai thu tiền số 06668 ngày 10/11/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố R, Kiên Giang.

* Về chi phí giám định chữ ký: Theo biên nhận ngày 26/12/2012 của PhòngGiám định kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh K thì số tiền giám định chữ ký là 780.000 đồng, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu (đã nộp xong).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1173
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2015/KDTM-PT ngày 03/04/2015 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:06/2015/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 03/04/2015
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về