Bản án 05/2021/KDTM-PT ngày 21/05/2021 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 05/2021/KDTM-PT NGÀY 21/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong ngày 21 tháng 5 năm 2021 tại Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2021/TLPT-KDTM ngày 14 tháng 01 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2020/KDTM-ST ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện C bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 14/2021/QĐPT-KDTM ngày 30 tháng 3 năm 2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam T Trụ sở: Số 89 đường L, phường L1, quận Đ, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Chí D – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Ma Khắc K – sinh năm 1990 (có mặt).

Bị đơn: Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một thành Viên Chế biến Lương thực P.

Địa chỉ: Ấp T, xã Th, huyện C, thành phố Cần Thơ.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn P, chức vụ: Giám đốc Công ty. (có mặt) Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn P, sinh năm 1980.

(có mặt) Địa chỉ: Khu vực A, phường B, quận N, thành phố Cần Thơ.

Do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và bản tự khai cùng các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và tại phiên toà, nguyên đơn có đai diện theo uỷ quyền ông Bùi Phúc V trình bày: Công ty trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Chế biên Lương thực P (gọi tắt là Công ty P) có ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam T (gọi tắt Ngân hàng) theo hợp đồng tín dụng số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL ngày 23/3/2017 và giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng Quốc tế không có tài sản bảo đảm số: SME/CTO/17/08/01/HDMTTD ngày 01/8/2017, cụ thể có 7 khế ước bao gồm:

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-02 ngày 21/6/2017, Ngân hàng giải ngân số tiền 750.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-03 ngày 31/8/2017, Ngân hàng giải ngân số tiền 600.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 19%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-04 ngày 24/10/2017, Ngân hàng giải ngân số tiền 750.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,5%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-05 ngày 27/12/2017, Ngân hàng giải ngân số tiền 850.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,5%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-06 ngày 24/01/2018, Ngân hàng giải ngân số tiền 495.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,6%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Khế ước nhận nợ số SME/CTO/17/0035/HDHM-BIL-07 ngày 02/3/2018, Ngân hàng giải ngân số tiền 530.000.000đồng, thời hạn vay là 12 tháng, lãi suất 18,6%/năm, điều chỉnh định kỳ 03 tháng/lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh lúa gạo.

Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng Quốc Tế không có tài sản bảo đảm số SME/CTO/17/08/01/HDMT-TD ngày 01/8/2017 Ngân Hàng giải ngân số tiền 200.000.000đồng, thời hạn vay là 60 tháng.

Tổng số tiền mà Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty P theo các khế ước nêu trên là 4.175.000.000đồng. Khoản vay trên được ông Nguyễn P dùng toàn bộ tài sản của mình để bảo lãnh cho Công ty P theo hợp đồng bảo lãnh số SME/CTO/17/07/06/HĐBL ngày 02/8/2017.

Trong quá trình sử dụng vốn vay Công ty P đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngân Hàng nhiều lần nhắc nhở yêu cầu Công ty P phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng bị đơn không thực hiện. Tính đến ngày 25/8/2020 Công ty P còn nợ Ngân Hàng tổng số tiền 3.255.385.916đồng, trong đó vốn gốc theo hợp đồng tín dụng 1.747.900.000đồng, lãi quá hạn 1.127.045.316đồng; lãi chậm trả 140.767.945đồng; nợ thẻ 209.672.655đồng. Nay Ngân hàng yêu cầu Công ty P phải trả dứt số nợ trên và phải tiếp tục chịu lãi suất theo hợp đồng tín dụng đến khi thanh toán dứt số nợ kể từ ngày 26/8/2020. Yêu cầu ông Hcó trách nhiệm liên đới cùng Công ty P trả nợ cho Ngân Hàng với vai trò người bảo lãnh theo hợp đồng đã ký.

Bị đơn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Chế biến Lương thực P: Được Toà án triệu tập hợp lệ tham gia phiên hoà giải, phiên họp công khai chứng cứ và tham gia phiên toà sơ thẩm nhưng vắng mặt không có lý do.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn P: Được Toà án triệu tập hợp lệ tham gia phiên hoà giải, phiên họp công khai chứng cứ và tham gia phiên toà sơ thẩm nhưng vắng mặt không có lý do.

Do bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đến Tòa án dù đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần nên vụ việc không hòa giải được và Tòa án đã đưa ra xét xử, tại bản án sơ thẩm số: 04/2020/KDTM-ST ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Cđã tuyên như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam T về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Chế biến Lương thực P.

Buộc Công ty P và ông Nguyễn P có nghĩa vụ liên đới trả cho Ngân hàng tổng số tiền 3.255.385.916 đồng, trong đó vốn gốc theo hợp đồng tín dụng 1.747.900.000 đồng, lãi quá hạn 1.127.045.316 đồng, lãi chậm trả 140.767.945 đồng; nợ thẻ 209.672.655 đồng.

Lãi suất: Công ty P phải tiếp tục chịu lãi suất theo hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng kể từ ngày 26/8/2020 cho đến khi trả dứt số nợ cho Ngân hàng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 30/10/2020 Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ kháng nghị: đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với các lý do như sau: Cấp sơ thẩm không xác định bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1983, vợ của ông Nguyễn P tham gia giải quyết vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót nên dẫn tới việc giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm không triệt để và toàn diện; Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm các quy định về cấp tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự và Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án sự có mặt vắng mặt của bị đơn, không làm rõ Công ty P còn hoạt động, tạm ngừng hay phá sản để giải quyết là chưa phù hợp Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ: Vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng nghị.

Đại diện nguyên đơn trình bày: không đồng ý với Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ và cho rằng, trong quá trình sử dụng vốn vay bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng đã nhắc nhở nhiều lần yêu cầu thanh toán. Đối với việc cho vay đảm bảo tín chấp bằng toàn bộ tài sản của ông H, phía bà Kvợ của ông H không ký trong bất cứ hợp đồng thế chấp nào của Ngân hàng nên không cần thiết có sự có mặt của bà K; sau này đến giai đoạn thi hành án tài sản nào của ông Hcó được ngân hàng sẽ yêu cầu phát mãi thanh toán nợ sau.

Đại diện bị đơn trình bày: Ông xác định thống nhất với số tiền nợ gốc, còn phần tiền lãi là do cách tính của Ngân hàng. Thiếu nợ là phải trả nhưng Công ty P đã ngưng hoạt động từ năm 2017 và ngân hàng Đại chúng đã thu giữ tất cả tài sản Công ty nên nay ông đồng ý trả nợ cho ngân hàng khi nào có điều kiện. Tuy nhiên, do ông vẫn trực tiếp ở tại địa phương nhưng khi Tòa án sơ thẩm đưa ra xét xử nhưng không tống đạt cho ông các thủ tục tố tụng là vi phạm vì ông không được tham gia hòa giải, đối chiếu số nợ với Ngân hàng. Vì vậy, ông thống nhất với kháng nghị của Viện kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm.

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ:

Về thực hiện pháp luật: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý đến khi xét xử theo trình tự phúc thẩm. Các đương sự trong vụ án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự đối với người tham gia tố tụng.

Về nội dung kháng nghị:

Theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu số 2019081 ghi nhận mối quan hệ vợ chồng giữa ông Nguyễn P và bà Nguyễn Thị K nhưng cấp sơ thẩm không đưa bà Ktham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan là thiếu sót. Hơn nữa, Tòa án sơ thẩm vi phạm về các quy định về cấp tống đạt văn bản tố tụng cho ông Nguyễn P; vì ông Htham gia với tư cách đại diện bị đơn và là tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Hồ sơ kiểm sát ban đầu không thể hiện việc niêm yết tại nơi cư trú của ông H. Việc khắc phục của cấp sơ thẩm là sau đó và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã thực hiện xác minh tại UBND xã A, quận N cho thấy việc niêm yết của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa hợp lệ nên Tòa án đưa ra xét xử vắng mặt ông là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh sự có mặt vắng mặt của bị đơn, không làm rõ Công ty P còn hoạt động hay tạm ngừng hay phá sản để giải quyết là chưa phù hợp nên đề nghị dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Hủy bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa phúc thẩm; Căn cứ vào kết quả tranh luận trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên; những người tham gia tố tụng khác.

[1] Về quan hệ pháp luật: Công ty TNHH MTV Chế biến Lương thực P có ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam T theo hợp đồng tín dụng và giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế. Do Công ty P vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng khởi kiện. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” là phù hợp.

[2] Về thẩm quyền: Do Công ty P có trụ sở tại huyện Cnên Tòa án nhân dân huyện Cgiải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 30, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự không có kháng cáo; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã có Quyết định kháng nghị.

Để xét kháng nghị, trong trường hợp này cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để đánh giá.

Hội đồng xét xử thấy rằng:

[4] Về nội dung và quá trình thực hiện hợp đồng: Công ty P đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn, được bảo lãnh bằng hợp đồng bảo lãnh tín chấp và được giải ngân các khoản tiền theo các khế ước đã ký. Do đó, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu thanh toán số nợ gốc và lãi là có căn cứ và cần được pháp luật bảo vệ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hxác định thống nhất với số tiền nợ gốc, còn phần tiền lãi là do cách tính của Ngân hàng. Ông chỉ đặt xem xét về vấn đề tố tụng.

[5] Do vậy về số tiền gốc lãi các bên không đặt ra tranh chấp nên bản án không phân tích đề cập đến nội dung số tiền gốc lãi. Vấn đề phát sinh là xét về quá trình tố tụng cần đánh giá xem cấp sơ thẩm có đưa đủ người tham gia tố tụng và quá trình tống đạt theo thủ tục tố tụng đối với ông Nguyễn P để xét các phân tích đã nêu trong kháng nghị.

[6] Thứ nhất, theo hồ sơ thể hiện trong hồ sơ có giấy đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu của ông Hcó ghi nhận mối quan hệ vợ chồng giữa ông Hvới bà Nguyễn Thị K nhưng cấp sơ thẩm không đưa bà K tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Kkhi tài sản của ông Hbị phát mãi.

Tuy nhiên, các tài liệu đảm bảo toàn bộ các khoản vay được đảm bảo bằng Hợp đồng bảo lãnh tín chấp, theo đó, tại Điều 1 của Hợp đồng bảo lãnh ngày 02/08/2017: chỉ nêu chung chung là “bảo lãnh bằng toàn bộ tài sản của mình, bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho bên được bảo lãnh trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ …”. Hồ sơ không nêu rõ cụ thể những tài sản nào của ông Hđược dùng để đảm bảo cho khoản vay và người bảo lãnh là cá nhân ông H.

Do vậy, khi thu hồi nợ nếu bị đơn là bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng có quyền yêu cầu phát mãi tài sản của người có tài sản để đảm bảo thi hành án. Trong trường hợp này, không cần thiết phải đưa bà Kvợ ông Hvào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan dù tồn tại hôn nhân với ông H. Vì bà K không ký tên vào Hợp đồng bảo lãnh và trong trường hợp này theo Hướng dẫn tại Công văn 64/TANDTC –PC ngày 03/4/2019 “V/v Thông báo kết quả giải quyết trực tuyến một số vướng mắc về dân sự…” theo đó, nếu trong quá trình thi hành án, bà Kcó căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án bán đấu giá đối với tài sản của bà để thi hành án trái pháp luật thì bà K có quyền khiếu nại theo trình tự thủ tục quy định tại Mục 1 chương VI của Luật Thi hành án dân sự. Vấn đề này, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà K khi có tài sản bị phát mãi tài sản và cũng chưa phát sinh nên không điều chỉnh đến quan hệ này. Vì vậy, không cần thiết đưa bà K tham gia tố tụng cũng như cũng chưa thấy ảnh hưởng đến tài sản của ông H như kháng nghị đã nêu nên Hội đồng xét xử không chấp nhận đối với phần phân tích thứ nhất của kháng nghị [7] Thứ hai, khi đưa vụ án ra xét xử, cấp sơ thẩm cho rằng đã triệu tập hợp lệ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn P nên xét xử vắng mặt ông H. Xét thấy, Công ty P có người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn P ký kết hợp đồng tín dụng và ông Nguyễn P dùng tài sản cá nhân để bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng bảo lãnh. Như vậy, ông H tham gia vụ án với tư cách vừa người đại diện theo pháp luật của bị đơn và vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan trong vụ án.

[8] Công ty P có trụ sở tại huyện C, còn địa chỉ cư trú của ông H ở quận N. Đối chiếu quá trình niêm yết, thể hiện việc cấp tống đạt rất nhiều lần tại UBND nơi Công ty P có trụ sở tại huyện C và UBND phường Thạnh Hòa, quận N nơi cư trú hộ khẩu của ông H. Tuy nhiên, các bút lục được đánh số bổ sung cụ thể trong 5 lần niêm yết đã thể hiện như sau:

[8.1] Bút lục bổ sung thể hiện niêm yết tại UBND phường B ngày 14/5/2020 (bút lục 128A, 128B; 128C) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Thông báo thụ lý cho ông H nhưng ông H không có mặt tại địa phương. Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký) [8.2] Bút lục bổ sung thể hiện niêm yết tại UBND phường B ngày 18/5/2020 (bút lục135A, 135B; 135C) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Thông báo phiên hợp kiểm tra và giao nộp, trực tiếp công khai chứng cứ và hòa giải cho ông H và Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký) [8.3] Bút lục bổ sung thể hiện niêm yết tại UBND phường B ngày 09/6/2020 (bút lục 142A, 142B; 142C) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Thông báo phiên hợp kiểm tra và giao nộp, trực tiếp công khai chứng cứ và hòa giải cho ông H và Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký).

[8.4] Bút lục bổ sung thể hiện niêm yết tại UBND phường B ngày 26/6/2020 (bút lục 152A, 152B; 152C) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Thông báo phiên hợp kiểm tra và giao nộp, trực tiếp công khai chứng cứ và hòa giải cho ông H và Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký).

[8.5] Bút lục bổ sung thể hiện niêm yết tại UBND phường B ngày 14/7/2020 (bút lục 158A, 158B; 158C) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Giấy triệu tập và Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho ông H và Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký).

[8.6] Bút lục thể hiện niêm yết tại UBND phường B không ghi ngày (bút lục 171, 172, 173) có xác nhận cuả UBND phường B tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho ông H và Biên bản về việc không tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng ông H không có mặt tại địa phương. (Văn bản có xác nhận của Phó chủ tịch Võ Th ký).

Như vậy, Viện kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm chỉ thực hiện niêm yết các văn bản cho ông H tại địa chỉ trụ sở của Công ty P tại các bút lục 142, 152, 159, 165 và 167 là vi phạm quy định vế cấp tống đạt theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, hồ sơ đã có các bút lục bổ sung thể hiện có việc cấp tống đạt cho ông H tại nơi có hộ khẩu.

[9] Thứ ba, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã thực hiện việc xác minh bằng Biên bản làm việc ngày 25/3/2021 tại trụ sở UBND phường B với nội dung hỏi đồng chí Trưởng khu vực A, theo đó xác minh trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2020 cán bộ TAND huyện C có đến liên hệ công tác tống đạt các văn bản tố tụng, giấy triệu tập tham gia phiên tòa cho ông H tại địa chỉ hay không thì trưởng khu vực xác định là không có người đến xác minh và còn xác định thêm vợ chồng ông H vẫn sinh sống chứ không bỏ địa phương đi nơi khác xác nhận này người đại diện Phường xác nhận là phó chủ tịch phường B Võ Thị N. Cũng tương tự như biên bản làm việc trên cùng ngày có làm việc với ông H về nội dung trên và ông H cho rằng TAND huyện C không xuống địa phương và không gửi các giấy tờ liên quan nên ông không biết vụ kiện đã giải quyết.

[10] Việc niêm yết đã được thực hiện rất nhiều lần và các biên bản niêm yết trong suốt quá trình tố tụng khi được lập trong hồ sơ với các bút lục bổ sung. Đây là sai sót mà cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm nghiêm túc bởi có thể ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, là cơ sở để xác định khi Tòa án sơ thẩm xét xử vắng mặt có đầy đủ hay có đúng theo quy định tại Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay chưa. Qua đánh giá các hồ sơ đã thực hiện, cho thấy cấp sơ thẩm đã nỗ lực trong quá trình niêm yết, số lượng vụ kiện rất nhiều nên không tránh khỏi những sai sót bổ sung. Tuy vậy, việc xét xử về nội dung của vụ án vẫn được đảm bảo nếu phải hủy án vì thủ tục niêm yết này là hơi nặng mà thấy rằng chỉ cần nêu trong bản án để cấp sơ thẩm nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

[11] Hơn nữa, đến giai đoạn phúc thẩm, Tòa án vẫn dành thời gian cho ông H được kiểm tra đối chiếu lại các giấy tờ thanh toán để xác định con số nợ gốc, nợ lãi mà Ngân hàng yêu cầu có đúng với thực tế giao dịch hay không, có thỏa thuận giảm miễn lãi hay không nhưng ông H cũng không nêu ra được chứng cứ gì mới nên không có căn cứ đánh giá xem xét lại, việc hủy án sơ thẩm quay lại xét xử sơ thẩm từ đầu cũng không thay đổi bản chất của vụ việc nên không cần thiết hủy án như nội dung Viện Kiểm sát đã kháng nghị nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị.

[12] Ngoài ra, khi cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn vì cho rằng đã niêm yết hợp lệ. Tuy Tòa án chưa xác minh làm rõ Công ty P còn hoạt động hay ngừng hoạt động, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay chính ông H cũng xác định Công ty P đã ngừng hoạt động từ năm 2017 vì khi cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và nếu bị đơn không có khả năng thanh toán sẽ phải phát mãi tài sản cá nhân của ông H, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như tài sản trong quan hệ vợ chồng của bà K.

[13] Trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, tuy chưa đề cập đến tài sản nào sẽ bị phát mãi nếu Công ty P không thanh toán cho Ngân hàng. Và chính ngân hàng cũng trình bày khoản vay tín chấp không liệt kê tài sản bảo đảm cho khoản vay của bị đơn. Và như vậy, khi Ngân hàng chấp nhận cho đảm bảo bằng tín chấp ngân hàng sẽ phải chấp nhận những rủi ro khi thi hành án và Tòa án cũng không điều tiết được tài sản nào sẽ được phát mãi thu hồi nợ vì không được ghi cụ thể tài sản đảm bảo là tài sản nào. Do vậy, việc thi hành án được hay không bằng loại tài sản nào là do sự thỏa thuận của các bên nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết tài sản đảm bảo sau này.

[14] Tuy nhiên, đối với số tiền tuyên buộc Công ty P và ông Nguyễn P có nghĩa vụ liên đới trả cho Ngân hàng tổng số tiền 3.255.385.916đồng, trong đó vốn gốc theo hợp đồng tín dụng 1.747.900.000đồng, lãi quá hạn 1.127.045.316đồng, lãi chậm trả 140.767.945đồng; nợ thẻ 209.672.655đồng; cấp sơ thẩm đã cộng tổng số tiền khi kiểm tra lại là có sai số. Do vậy, cần nêu rõ trong phần tuyên buộc số tổng phải trả là 3.225.385.916đồng mới chính xác, pháp luật cho phép việc điều chỉnh sai số trong bản án.

[15] Ngoài ra, do số tiền buộc thanh toán tổng thay đổi nhỏ hơn số đã tuyên nên cần điều chỉnh lại tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm cho phù hợp, số tổng phải trả là 3.225.385.916đồng tương ứng án phí phải chịu là 96.507.718đồng [16] Từ những phân tích cụ thể nêu trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ. Cần giữ Y bản án sơ thẩm về phần nội dung và có sửa lại tổng số tiền mà bị đơn và ông Nguyễn P cùng liên đới chịu trách nhiệm và sửa lại phần án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[17] Về án phí phúc thẩm: Không ai phải chịu án phí phúc thẩm [18] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát như đã nêu trên chưa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên đề nghị của Viện kiểm sát không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

Khoản 1, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Tuyên án : Không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung, có điều chỉnh số tiền và án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam T về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Chế biến Lương thực P.

2/ Buộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành Viên Chế biến Lương thực P và ông Nguyễn P có nghĩa vụ liên đới trả cho Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Việt Nam T tổng số tiền 3.225.385.916đồng (Ba tỷ, hai trăm hai mươi lăm triệu, ba trăm tám mươi lăm nghìn, chín trăm mười sáu đồng) trong đó vốn gốc theo hợp đồng tín dụng 1.747.900.000đồng, lãi quá hạn 1.127.045.316đồng, lãi chậm trả 140.767.945đồng; nợ thẻ 209.672.655đồng.

3/ Lãi suất: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên chế biến Lương thực P phải tiếp tục chịu lãi suất theo hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng kể từ ngày 26/8/2020 cho đến khi trả dứt số nợ cho Ngân hàng.

4/ Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên chế biến Lương thực P nộp số tiền 96.507.718đồng (chín mươi sáu triệu, năm trăm lẻ bảy nghìn, bảy trăm mười tám đồng) án phí nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự huyện C.

Ngân Hàng Thương Mại Cổ phần Việt Nam T được nhận tại tiền tạm ứng án phí số tiền 43.652.000đồng ( Bốn mươi ba triệu, sáu trăm năm mươi hai nghìn đồng) theo biên lai thu số 013109 ngày 12/5/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, thành phố Cần Thơ.

5/ Về án phí phúc thẩm: Không ai phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Ngày 21/5/2021) Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

321
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 05/2021/KDTM-PT ngày 21/05/2021 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:05/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:21/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về