TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỸ LỘC, TỈNH NAM ĐỊNH
BẢN ÁN 05/2021/HS-ST NGÀY 02/02/2021 VỀ TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
Ngày 02 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 38/2020/TLST-HS ngày 13 tháng 11 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2021/QĐXXST- HS ngày 19 tháng 01 năm 2021 đối với bị cáo:
Đặng Đức H, sinh năm 1992 tại xã T, huyện M, thành phố Hà Nội.
Nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Tự do; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Đức G và bà Nguyễn Thị N; vợ, con: Không; tiền án: Không; tiền sự: Không; nhân thân: Bản án số 347/2009/HSST ngày 19/9/2009 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 23 tháng 18 ngày về tội “Cướp giật tài sản”. Bản án số 476/2011/HSST ngày 23/11/2011 Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội xử phạt 12 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; tổng hợp với hình phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo tại bản án số 347 ngày 19/9/2009 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, buộc phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 24 tháng tù. Bản án số 135/2011/HSST ngày 29/11/2011 Toà án nhân dân huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội xử phạt 15 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Bản án số 66/2015/HSST ngày 23/4/2015 Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội xử phạt 42 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản”. Bản án số 136/2020/HSST ngày 01/12/2020 Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội xử phạt 06 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”; bị bắt giam giữ từ ngày 31 tháng 7 năm 2020; có mặt.
- Bị hại: Bà Đặng Thị Y, sinh năm 1968;
Nơi cư trú: Số nhà X, đường T, phường Q, thành phố Đ, tỉnh Nam Định; vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Chị Trần Thị G, sinh năm 1977;
Nơi cư trú: Khu N, thị trấn H, huyện H, tỉnh Thái Bình; vắng mặt.
- Người làm chứng:
Bà Nguyễn Thuý P.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Đặng Đức H là đối tượng trốn truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội từ tháng 10 năm 2018. Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 23/7/2020, H điều khiển xe mô tô đi từ Thái Bình sang Nam Định. Khi đến khu vực ngã 3 đê B hướng đi xã P, huyện L, tỉnh Nam Định thấy bà Đặng Thị Y, sinh năm 1968; trú tại Số nhà X, đường T, phường Q, thành phố Đ đang tắm dưới mương, trên cổ có đeo sợi dây chuyền nên H nảy ý chiếm đoạt. H điều khiển xe lên đê B tháo biển số bỏ vào cốp rồi quay lại theo dõi bà Y. Khoảng 18 giờ 15 phút cùng ngày, sau khi tắm xong bà Y điều khiển xe máy điện chở bà Nguyễn Thị Thuý P, sinh năm 1962; trú tại Số Y, thành phố Đ đi theo trục đường 38A về thành phố Đ. H theo sau bà Y đến khu vực thôn Đ, xã P, huyện L thì vượt lên áp sát bên phải bà Y và dùng tay trái giật sợi dây chuyền trên cổ bà Y rồi phóng xe tẩu thoát. Sau khi chiếm đoạt sợi dây chuyền của bà Y, H mang đến cửa hàng vàng bạc ở thị trấn H, tỉnh Thái Bình để kiểm tra và khảo sát giá. Ngày 24/7/2020, H mang sợi dây chuyền bán cho chị Trần Thị G, sinh năm 1977 là chủ cửa hàng vàng ở thị trấn H, tỉnh Thái Bình lấy 22.250.000đ (hai hai triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) để tiêu sài.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Y có đơn trình báo Công an xã P về việc bị giật mất tài sản. Ngày 30/7/2020, H bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mỹ Lộc triệu tập làm việc. Tại Cơ quan điều tra, H khai nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Y như trên.
Khám xét khẩn cấp nơi trú ẩn của H ở thôn Đ, xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình không thu giữ gì. Cơ quan điều tra đã thu hồi sợi dây chuyền của bà Y; thu giữ của H giao nộp 01 áo sơ mi màu trắng, 01 quần bò màu xanh, 01 đôi giầy giả da màu đen, 01 điện thoại di động; ngoài ra còn thu giữ chiếc xe mô tô H điều khiển để thực hiện hành vi giật tài sản của bà Y ngày 23/7/2020.
Bản kết luận giám định số 5122/C09-P4 ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Viện khoa học hình sự - Bộ công an kết luận: 01 (một) sợi dây chuyền kim loại màu vàng chế tác dạng các mắt xích hình bầu dục màu vàng và màu trắng đan xen nhau, mặt dây chuyền có gắn 01 viên đá màu xanh hình phật Di Lặc, có bọc viền bằng kim loại màu vàng khắc hoa văn xung quanh gửi giám định có tổng khối lượng 67,97 gam (tính cả khối lượng đá) gồm:
- Các mắt xích kim loại màu vàng là hợp kim của vàng (Au), bạc (Ag), đồng (Cu) và kẽm (Zn); hàm lượng trung bình Au: 75,66%, Ag: 6,16%, Cu: 14,86%, Zn: 3,32%.
- Các mắt xích có màu trắng do được mạ lớp Rhodi bên ngoài, phần kim loại màu vàng bên trong là hợp kim của vàng (Au), bạc (Ag), đồng (Cu) và kẽm (Zn); hàm lượng trung bình Au: 75,86%, Ag: 5,61%, Cu: 15,39%, Zn: 3,14%.
- Viền kim loại màu vàng bọc viên đá gửi giám định có khối lượng 6,70 gam là hợp kim của vàng (Au), bạc (Ag), đồng (Cu) và kẽm (Zn); hàm lượng trung bình Au: 51,96%, Ag: 14,84%, Cu: 28,47%, Zn: 4,73%.
- Viên đá màu xanh hình phật Di Lặc gửi giám định có khối lượng 40,72 gam là ngọc Jadeit tự nhiên.
Bản kết luận định giá tài sản số 21/2020 ngày 10/9/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện Mỹ Lộc kết luận: 01 (một) sợi dây chuyền bằng kim loại được chế tác dạng các mắt xích hình bầu dục màu vàng và màu trắng đan xen nhau, mặt dây chuyền có gắn viên đá màu xanh hình phật Di Lặc, có bọc viền kim loại màu vàng khắc hoa văn xung quanh, tổng khối lượng 67,91g; có giá trị là: 34.000.000đ (ba tư triệu đồng).
Bà Đặng Thị Y đã được Cơ quan điều tra trả lại sợi dây chuyền bị mất đã thu hồi và không có yêu cầu gì.
Chiếc xe H điều khiển để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Y được xác định là xe mô tô Sirius biển số 17B4-051.xx của anh Đinh Văn V, sinh năm 1995; trú tại thôn M, xã N, huyện H, tỉnh Thái Bình. Anh V không biết H mượn xe để sử dụng làm phương tiện phạm tội nên Cơ quan điều tra đã trả lại chiếc xe này cho anh V.
Một bộ quần áo cùng đôi giầy giả da và chiếc điện thoại di động thu giữ được xác định là tài sản hợp pháp của H nên Cơ quan điều tra đã trả lại cho chị Đặng Thị H, sinh năm 1991; trú tại thôn S, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội là người được H uỷ quyền đứng ra nhận lại.
Đối với chị Trần Thị G người đã mua sợi dây chuyền của H, quá trình điều tra xác định chị G không biết nguồn gốc sợi dây chuyền là do H phạm tội mà có nên Cơ quan điều tra không xử lý đối với chị G. Bản thân chị G đã được H nhờ anh Dương Đình T, sinh năm 1988; trú tại thôn Q, xã M, huyện H, tỉnh Thái Bình trả lại một phần số tiền bỏ ra mua sợi dây chuyền là 12.750.000đ. Số tiền này anh T tự nguyện bồi thường thay cho H và không yêu cầu được hoàn trả.
Bản cáo trạng số 37/CT- VKSML ngày 11/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã truy tố bị cáo Đặng Đức H về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự; xác định bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng và được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại” và “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Tại phiên toà: Bị cáo Đặng Đức H thành khẩn khai nhận rõ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố; xác nhận kết luận giám định và định giá tài sản đã chiếm đoạt là đúng; Viện kiểm sát truy tố là không oan và xin nhận trách nhiệm về hậu quả do bản thân đã gây ra. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm luận tội, giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Đặng Đức H phạm tội “Cướp giật tài sản”; căn cứ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171; các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo từ 05 năm đến 05 năm 06 tháng tù. Bị cáo không bào chữa và có lời nói sau cùng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Mỹ Lộc cũng như Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc cũng như Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà bị cáo, bị hại cũng như những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Xét thấy lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án như: Đơn trình báo và lời khai của bị hại; biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu; kết luận giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ công an; kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự cũng như toàn bộ lời khai bị cáo tại Cơ quan điều tra. Từ các tình tiết chứng cứ này đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 18 giờ 15 phút, ngày 23/7/2020 trên trục đường thuộc khu vực thôn Đ, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định, Đặng Đức H điều khiển xe mô tô biển số 17B4-051.xx đi áp sát xe máy điện của bà Đặng Thị Y, sinh năm 1968; trú tại phường Q, thành phố Đ, tỉnh Nam Định đang di chuyển cùng chiều rồi thực hiện hành vi giật chiếm đoạt sợi dây chuyền của bà Y đang đeo trên cổ có giá trị 34.000.000đ (ba tư triệu đồng) sau đó phóng xe tẩu thoát. Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định xác định hành vi sử dụng xe mô tô để giật tài sản người đi đường là thủ đoạn nguy hiểm nên truy tố bị cáo về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3] Về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo Đặng Đức H là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, là khách thể được pháp luật Nhà nước bảo hộ. Mặt khác, hành vi đó không những gây bất bình, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân mà còn ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Việc bị cáo sử dụng xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ để thực hiện hành vi cướp giật tài sản người đi đường là thủ đoạn hết sức táo bạo và nguy hiểm. Hành vi đó không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn là nguy cơ gây tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân nói riêng và những người tham gia giao thông khác nói chung. Bản thân bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi, lịch sử nhân thân đã nhiều lần bị Toà án kết án phạt tù về tội chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, bị cáo đã không lấy đó làm những bài học thức tỉnh để hoàn lương mà trái lại, vẫn lối sống buông thả, không chịu lao động và tu dưỡng nhưng lại muốn hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác nên một lần nữa lại dấn thân vào con đường phạm tội. Điều đó chứng tỏ bị cáo thực sự là khó cải tạo, luôn có tâm lý coi thường và thách thức pháp luật. Vì vậy, bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của mình.
[4] Về trách nhiệm hình sự: Xét tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, khách thể được pháp luật Nhà nước bảo hộ bị xâm phạm, động cơ mục đích phạm tội của bị cáo, hậu quả nguy hại cho xã hội và lịch sử nhân thân bị cáo thì việc cần thiết phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội một thời gian nhất định để cải tạo giáo dục là thoả đáng; đồng thời cũng mới đáp ứng được yêu cầu răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Tuy nhiên, xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo ngoài tình tiết là yếu tố định khung thì không có tình tiết nào bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; quá trình khai báo bị cáo thành khẩn, ăn năn hối cải; bị cáo đã tác động nhờ người thân bồi thường một phần thiệt hại khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết được Hội đồng xét xử xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Nhà nước. Xét mức án Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo là nghiêm khắc, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc để ấn định một mức án cụ thể, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời cũng đủ để cải tạo bị cáo thành người có ích. Tuy nhiên, hiện bị cáo đang phải chịu hình phạt 06 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo Bản án hình sự sơ thẩm số 136/2020/HSST ngày 01/12/2020 của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Do đó, mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo tại bản án này sẽ được Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định của pháp luật để tổng hợp với hình phạt tại bản án nêu trên và buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị hại bà Đặng Thị Y đã nhận lại tài sản bị chiếm đoạt, không có yêu cầu bồi thường gì khác; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Thị G bỏ ra số tiền 22. 250.000đ mua sợi dây chuyền, đã nhận lại 12.750.000đ, còn thiếu 9.500.000đ yêu cầu bị cáo phải hoàn trả. Xét yêu cầu của chị G là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và buộc bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả chị G số tiền này.
[6] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo hiện đang phải chấp hành án phạt tù, hoàn cảnh kinh tế gia đình có phần khó khăn nên Hội đồng xét xử miễn áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo.
[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Đặng Đức H phạm tội “Cướp giật tài sản”.
Căn cứ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 171; các điểm b, s khoản 1 Điều 51 và Điều 56 Bộ luật hình sự;
Xử phạt bị cáo H 45 (bốn lăm) tháng tù, tổng hợp hình phạt với 06 năm tù tại Bản án hình sự sơ thẩm số 136/2020/HSST ngày 01/12/2020 của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Buộc bị cáo H phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 09 (chín) năm 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 31 tháng 7 năm 2020.
2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự;
Buộc bị cáo H phải trả lại chị Trần Thị G; trú tại Khu N, thị trấn H, huyện H, tỉnh Thái Bình số tiền 9.500.000đ (chín triệu năm trăm nghìn đồng).
3. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng);
Án phí dân sự trong vụ án hình sự: Bị cáo phải chịu 475.000đ (bốn trăm bảy lăm nghìn đồng).
4. Về quyền kháng cáo:
Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;
Bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi của mình trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án.
Đối với khoản tiền phải thi hành án trên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành mà bị cáo không nộp thì hàng tháng phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian và số tiền phải thi hành.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án. Thời hạn thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 05/2021/HS-ST ngày 02/02/2021 về tội cướp giật tài sản
Số hiệu: | 05/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Lộc - Nam Định |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 02/02/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về