TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KỲ SƠN, TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 05/2021/DS-ST NGÀY 11/05/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN
Ngày 11 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Kỳ Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/TLST-DS ngày 18 tháng 11 năm 2020 về “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2021/QĐST-DS ngày 26 tháng 4 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Vừ Nềnh T, sinh năm 1964;
Địa chỉ: Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
- Bị đơn: Anh Vừ Bá K, sinh năm 1991;
Địa chỉ: Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Xồng Y P, sinh năm 1966;
Địa chỉ: Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).
2. Bà Hờ Y C, sinh năm 1992;
Địa chỉ: Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).
- Người làm chứng:
1. Ông Vừ Tồng P; sinh năm 1961; Địa chỉ: Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
2. Ông Lầu Pà C; sinh năm 1970; Địa chỉ: Bản M, xã M, huyện K, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.
- Người phiên dịch: Ông Vừ Bá Xừ; nơi công tác: Phòng Y tế - Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, các biên bản ghi lời khai và các biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn Vừ Nềnh T trình bày: Gia đình ông có 01 con bò đực được sinh trưởng vào khoảng tháng 8/2018 có màu lông màu vàng đốm đỏ pha trắng. Đến tháng 11/2019 ông bắt về chăm sóc cùng một con bò khác tại trang trại gần nhà thuộc khu vực Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An, khi đó Vừ Bá K và vợ của K là Hờ Y C và anh trai ông (bố đẻ của K) là ông Vừ Tồng P và vợ cũng biết, vì có những lúc bận việc ông cũng nhờ họ thả đi ăn cỏ. Ngoài ra, có ông Lầu Pà C là trú tại Bản M, xã M, huyện K có hỏi mua con bò đó nhưng ông không bán. Đến tháng 4/2020 ông thả bò lên trang trại để ăn cỏ tự nhiên. Đầu tháng 5/2020 thì vợ của Vừ Bá K là Hờ Y C đi xem bò và cho rằng đó là bò của họ và định bắt về nhưng ông nói đó là bò của gia đình ông nên họ thôi và đi tìm bò của họ. Tuy nhiên, vài ngày sau thì ông Vừ Tồng P và vợ chồng Vừ Bá K tự ý đi bắt bò, ông phát hiện ra và không đồng ý cho họ bắt nhưng họ vẫn bắt bò về nuôi ở nhà. Ngày 19/6/2020 Ban quản lý bản N đã tiến hành hòa giải, cho rằng đó là bò của gia đình ông Vừ Nềnh T nhưng Vừ Bá K không đồng ý. Đến ngày 04/8/2020, Ủy ban nhân dân xã H đã hòa giải nhưng không xác định được chủ sở hữu và thống nhất chia đôi con bò đó cho cả hai gia đình. Tuy nhiên, ông T không đồng ý với cách giải quyết của Ủy ban nhân dân xã H, huyện Kỳ Sơn vì cho rằng con bò đang tranh chấp đó là tài sản của gia đình ông. Nay ông Vừ Nềnh T yêu cầu gia đình Vừ Bá K trả lại con bò đực tranh chấp cho gia đình ông.
Theo biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, anh Vừ Bá K trình bày: Anh K không đồng ý với lời trình bày của ông Vừ Nềnh T. Anh cho rằng gia đình anh có 01 con bò đực đang nuôi không biết vì lý do gì mà ông Vừ Nềnh T cho rằng đó là con bò của ông T. Vào khoảng tháng 03/2020 anh phát hiện con bò của gia đình bị thất lạc thì gia đình đi tìm nhưng không thấy, nhưng đến khoảng tháng 6/2020 thì thấy con bò không biết từ đâu lại về ở trong rẫy của gia đình nên vợ chồng anh và bố anh là ông Vừ Tồng P cùng đi bắt bò về nuôi tại gia đình cho đến nay. Con bò của gia đình anh (con đang tranh chấp) là con bò đực được sinh trưởng từ con bò mạ của bố vợ (ông Hờ Chồng P, trú tại bản N, xã Đ, huyện K) cho vợ chồng anh. Ban quản lý bản N tiến hành hòa giải, đã cho rằng đó là bò của ông T nhưng anh không đồng ý vì đó là bò của gia đình anh. Ủy ban nhân dân xã H hòa giải cũng không xác định được chủ sở hữu và chia đôi con bò đó cho cả hai gia đình. Tại xã thì anh K có đồng ý chia đôi ai lấy bò thì trả tiền một nửa cho nhà còn lại, vì anh nghĩ là chú cháu với nhau nên anh mới đồng ý hòa giải. Tuy nhiên, hiện nay anh không đồng ý chia con bò tranh chấp đó vì anh cho rằng con bò đó là tài sản của gia đình anh nên anh không đồng ý trả lại bò cho ông Vừ Nềnh T.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Xồng Y P là vợ của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án khẳng định: Con bò đực đang tranh chấp trên là bò của gia đình bà nên bà yêu cầu gia đình anh Vừ Bá K trả lại bò cho gia đình bà.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Hờ Y C là vợ của bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án khẳng định: Con bò đực đang tranh chấp trên là bò của gia đình chị nên chị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vừ Nềnh T.
Người làm chứng ông Vừ Tồng P tại biên bản ghi lời khai ngày 28/12/2020 trình bày: Nguồn gốc con bò đực đang tranh chấp giữa ông Vừ Nềnh T với anh Vừ Bá K là do con bò mẹ nhà anh K đẻ ra, vì gia đình anh Vừ Bá K và ông Vừ Nềnh T có chăn thả bò cùng một chỗ nên ông biết rõ con bò đang tranh chấp này. Con bò này chắc chắn là của con trai ông (bị đơn Vừ Bá K).
Người làm chứng ông Lầu Pà C tại biên bản ghi lời khai ngày 28/12/2020 trình bày: Ông công nhận gia đình ông Vừ Nềnh T có 01 con bò nhỏ lông màu vàng đốm trắng, ông đã hỏi mua nhưng ông Nềnh T không bán. Tuy nhiên ông không chắc chắn con bò đang tranh chấp là của ai, vì khi ông hỏi mua thì con bò có màu lông vàng đốm trắng, còn con đang tranh chấp lại có màu vàng đỏ nên ông không khẳng định được đây có phải là con bò mà ông đã hỏi mua với Vừ Nềnh T hay không.
Tại các buổi hòa giải, ông T và anh K đều khẳng định con bò đực đang tranh chấp thuộc sở hữu của mình, quá trình hòa giải hai đương sự không thống nhất được giá trị tài sản tranh chấp và có yêu cầu thẩm định tại chỗ và định giá tài sản đối với: 01 (Một) con bò đực, khoảng 2,5 năm tuổi (sinh trưởng vào khoảng tháng 8/2018), lông màu vàng đốm đỏ pha trắng (con bò tranh chấp đang do bị đơn Vừ Bá K chăm sóc, quản lý tại Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An).
Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 29/01/2021 kết luận:
- 01 con bò đực (con bò tranh chấp) có lông màu đen nâu, từ hai chân trước trở về phía đầu lông đen nâu nhiều hơn, sừng hai bên dài đều, khoảng 07cm, có 01 xoáy ở sống lưng, 01 xoáy ở sau gáy, hai xoáy ở trên hai tai, 01 xoáy ở trán (khoảng 2cm từ đỉnh đầu xuống), mõm có lông màu trắng, bốn chân lông màu đen, bò đã thay 06 răng, hiện này con bò khoảng 04 năm tuổi. Hình dáng giống với bò mẹ và bò em của bị đơn, màu lông giống với bò mẹ của nguyên đơn.
- Hội đồng định giá: 01 con bò đực (con bò tranh chấp) đã thay 06 (sáu) răng, khoảng 04 (bốn) năm tuổi, nặng khoảng 150kg (một trăm năm mươi ki lô gam) có giá trị 12.000.000 đồng (Mười hai triệu).
Quá trình hòa giải và xem xét thẩm định tại chỗ hai bên đương sự vẫn không thống nhất được ý kiến, ngày 23/03/2021, nguyên đơn Vừ Nềnh T có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định Gen của con bò đực đang tranh chấp và con bò mẹ mà nguyên đơn cung cấp, cho rằng đó là con bò đã đẻ ra con bò đang tranh chấp, con bò mẹ do bị đơn cung cấp cho rằng đó là con bò đã đẻ ra con bò đang tranh chấp.
Ngày 13/4/2021 Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định trưng cầu Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật - Viện chăn nuôi giám định đối với:
- Mẫu mô tai của cá thể con bò đực đang tranh chấp được cho vào ống nhựa chứa dung dịch cồn 900, được ký hiệu bên ngoài là M1.
- Mẫu mô tai của cá thể ứng viên được cho là mẹ của con bò đang tranh chấp do nguyên đơn cung cấp được cho vào ống nhựa chứa dung dịch cồn 900, được ký hiệu bên ngoài là M2.
- Mẫu mô tai của cá thể ứng viên được cho là mẹ của con bò đang tranh chấp do bị đơn cung cấp được cho vào ống nhựa chứa dung dịch cồn 900, được ký hiệu bên ngoài là M3.
Kết luận giám định của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật - Viện chăn nuôi số: 15/PTNTĐ-KHCN ngày 22 tháng 4 năm 2021 kết luận về đối tượng giám định: “Mẫu bò có ký kiệu M1 (con bò đực đang tranh chấp) có quan hệ huyết thống mẹ - con với mẫu bò có ký hiệu M2 (con bò do nguyên đơn cung cấp); Mẫu bò có ký kiệu M1 (con bò đực đang tranh chấp) không có quan hệ huyết thống mẹ - con với mẫu bò có ký hiệu M3 (con bò do bị đơn cung cấp)”.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:
- Về thủ tục tố tụng: Việc Tòa án thụ lý giải quyết vụ án là đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng, các bên đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ cũng như chấp hành đúng pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158, khoản 2 Điều 161, Điều 162, Điều 165 và Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 158, Điều 163, Điều 164, Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm , đ khoản 1 Điều 12, khoản 2 điều 26 và điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí.
- Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vừ Nềnh T, buộc anh Vừ Bá K phải trả lại tài sản đang tranh chấp là một con bò đực (có đặc điểm như đã nêu trên) thuộc sở hữu hợp pháp của ông Vừ Nềnh T mà hiện nay anh Vừ Bá K đang quản lý.
- Về án phí: Đối với án phí dân sự sơ thẩm bị đơn Vừ Bá K phải chịu theo quy định. Tuy nhiên, anh Vừ Bá K là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí xét miễn án phí dân sự sơ thẩm cho anh Vừ Bá K. Trả lại tiền tạm ứng án phí mà ông Vừ Nềnh T đã nộp.
- Các chi phí khác: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 157, Điều 158, khoản 2 Điều 161, Điều 162, Điều 165, Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 buộc anh Vừ Bá K phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp và chi phí giám định Gen theo quy định pháp luật. Anh Vừ Bá K có trách nhiệm hoàn trả lại tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp và chi phí giám định Gen cho ông Vừ Nềnh T theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, ý kiến của các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và Kết luận giám định ADN Hội đồng xét xử có cơ sở nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Vừ Nềnh T yêu cầu đòi lại 01 (một) con bò đực đang tranh chấp, hiện nay anh Vừ Bá K đang tạm chăm sóc. Do đó căn cứ vào khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng Dân sự, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản”. Bị đơn Vừ Bá K có hộ khẩu thường trú tại Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An, vì vậy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
[2] Về yêu cầu khởi kiện của ông Vừ Nềnh T yêu cầu anh Vừ Bá K phải trả lại một con bò đực trị giá 12.000.000 đồng (theo kết luận định giá). Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án: Con bò đang tranh chấp là con bò đực được sinh trưởng vào tháng 8/2018 có màu lông màu vàng đốm đỏ pha trắng. Đến tháng 11/2019, ông Vừ Nềnh T bắt về chăm sóc cùng một con bò khác tại trang trại gần nhà thuộc khu vực Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An. Khi đó anh Vừ Bá K và vợ của K là chị Hờ Y C cùng anh trai ông Vừ Nềnh T (bố đẻ của K) là ông Vừ Tồng P và vợ cũng biết. Ngoài ra, có ông Lầu Pà C là trưởng Bản M, xã M, huyện K có hỏi mua con bò đó nhưng ông T không bán.
Đến tháng 4/2020, ông T thả bò lên trang trại để ăn cỏ tự nhiên. Đầu tháng 5/2020 thì vợ của Vừ Bá K là chị Hờ Y C đi xem bò và cho rằng đó là bò của họ và định bắt về nhưng ông T nói đó là bò của gia đình nên họ thôi và đi tìm bò của họ. Tuy nhiên, vài ngày sau thì ông Vừ Tồng P và vợ chồng Vừ Bá K tự ý đi bắt bò, ông T phát hiện ra và không đồng ý cho họ bắt nhưng họ vẫn bắt bò về nuôi ở nhà. Ngày 19/6/2020, Ban quản lý Bản N, xã H, huyện K đã tiến hành hòa giải, cho rằng đó là bò của gia đình ông Vừ Nềnh T nhưng Vừ Bá K không đồng ý. Đến ngày 04/8/2020, Ủy ban nhân dân xã H đã hòa giải nhưng không xác định được chủ sở hữu và thống nhất chia đôi con bò đó cho cả hai gia đình. Tuy nhiên, ông Vừ Nềnh T không đồng ý với cách giải quyết của Ủy ban nhân dân xã H vì cho rằng con bò đang tranh chấp đó là tài sản của gia đình. Nên ông Vừ Nềnh T viết đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn yêu cầu giải quyết buộc anh Vừ Bá K trả lại 01 con bò đực cho gia đình ông.
Xét: Thực tế giữa ông Vừ Nềnh T và anh Vừ Bá K có điểm chung đó là trong đàn bò của cả hai gia đình đều có một con bò đực được sinh trưởng từ con bò mẹ của gia đình, màu lông vàng đen, và đều chăn thả bò theo hình thức thả rông vào vùng chăn nuôi, việc theo dõi chăm sóc vật nuôi của mình không được sát sao do đó không tránh được sự nhầm lẫn.
[3] Về đặc điểm dấu vết của con bò tranh chấp: Nguyên đơn Vừ Nềnh T khai khi mới sinh trưởng con bò có đặc điểm lông màu vàng đốm đỏ pha trắng, con bò được sinh vào khoảng tháng 8/2018; bị đơn Vừ Bá K cho rằng con bò đực tranh chấp có lông màu màu đỏ đen, có vài chùm lông màu trắng ở gần mắt, phần chân lông màu hơi đen, có sừng dài khoảng 05cm, bị đơn không nhớ cụ thể thời gian sinh trưởng. Hai bên đương sự mô tả đặc điểm không giống với kết quả xem xét thẩm tại chỗ ngày 29/01/2021 mà Tòa án đã tiến hành. Tại phiên tòa, ông Vừ Nềnh T không cung cấp thêm cho Tòa chứng cứ nào khác để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình. Vì vậy, chỉ căn cứ lời khai của các đương sự để đưa ra phán quyết là chưa có sức thuyết phục và không đảm bảo sự chính xác, khách quan.
[4] Quá trình giải quyết vụ án, việc tranh chấp quyền sở hữu đối với con bò đực chỉ phát sinh duy nhất từ phía hai hộ gia đình là ông Vừ Nềnh T và anh Vừ Bá K, ngoài ra không có ai khác. Như vậy, bằng phương pháp loại trừ có thể xác định con bò đực tranh chấp là tài sản thuộc quyền sở hữu của một trong hai hộ gia đình.
[5] Về kết luận giám định của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật - Viện chăn nuôi, đây là căn cứ pháp lý khoa học, chính xác và khách quan nhất để Hội đồng xét xử làm cơ sở xác định con bò đực - là tài sản đang tranh chấp có cùng huyết thống với cá thể ứng viên được cho là con bò mẹ đã đẻ ra con bò đực đang tranh chấp do nguyên đơn ông Vừ Nềnh T cung cấp và không cùng huyết thống với cá thể ứng viên được cho là con bò mẹ đẻ ra con bò đực đang tranh chấp do bị đơn anh Vừ Bá K cung cấp. Trên cơ sở phân tích đánh giá nêu trên và các chứng cứ tài liệu đã được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án, có đủ cơ sở khẳng định con bò đực đang tranh chấp là con bò của gia đình nguyên đơn Vừ Nềnh T. Vì vậy cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vừ Nềnh T để buộc anh Vừ Bá K trả lại con bò đực nói trên cho ông Vừ Nềnh T.
[6] Về chi phí giám định: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống (Bò mẹ - bò con). Tòa án đã tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Ngày 29/01/2021 TAND huyện Kỳ Sơn đã xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản đối với tài sản tranh chấp. Tại biên bản định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản kết luận con bò đang tranh chấp có giá trị 12.000.000 đồng (Mười hai triệu). Chi phí tổ chức xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tại Bản N, xã H, huyện K, tỉnh Nghệ An là: 3.500.000đồng (Ba triệu năm trăm nghìn) và chi phí tổ chức lấy mẫu giám định, gửi mẫu và yêu cầu Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật - Viện chăn nuôi giám định theo quy định của pháp luật là: 9.500.000đồng (Chín triệu năm trăm nghìn). Ông Vừ Nềnh T đã nộp cho Tòa án số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và giám định ADN là: 13.000.000đồng (Mười ba triệu). Nay kết quả giám định xác định yêu cầu của ông Vừ Nềnh T là có căn cứ. Do vậy anh Vừ Bá K sẽ phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và giám định ADN, với số tiền là 13.000.000đồng (Mười ba triệu). Xác định nguyên đơn Vừ Nềnh T đã nộp đủ số tiền chi phí giám định nêu trên cho Tòa án. Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị đơn Vừ Bá K có trách nhiệm và nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và giám định ADN cho nguyên đơn ông Vừ Nềnh T với số tiền tương ứng là: 13.000.000đồng (Mười ba triệu), đây là số tiền mà nguyên đơn ông Vừ Nềnh T đã nộp chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và giám định ADN trước đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 161; khoản 1 Điều 162 Bộ luật tố tụng Dân sự.
[7] Các đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa về việc giải quyết toàn bộ vụ án là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên cần chấp nhận.
[8] Về án phí: Theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội: Ông Vừ Nềnh T yêu cầu đòi lại tài sản con bò đực trị giá 12.000.000đồng (Mười hai triệu) và được Tòa án chấp nhận; cho nên anh Vừ Bá K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy anh Vừ Bá K là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng xét xử miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị đơn Vừ Bá K theo quy định. Hoàn trả lại cho nguyên đơn Vừ Nềnh T số tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
[9] Về quyền kháng cáo: Đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 161; Điều 162, Điều 166, Điều 227, Điều 266, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 158, Điều 163, Điều 164, Điều 166, Điều 357 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vừ Nềnh T, buộc anh Vừ Bá K trả lại con bò đực đang tranh chấp cho gia đình ông Vừ Nềnh T, con bò hiện đang được anh Vừ Bá K tạm chăn dắt theo biên bản bàn giao tài sản, lập vào hồi 15 giờ 00 phút, ngày 27/11/2020.
Con bò đực tranh chấp có đặc điểm như sau: Có lông màu đen nâu, từ hai chân trước trở về phía đầu lông đen nâu nhiều hơn, sừng hai bên dài đều, khoảng 07cm, có 01 xoáy ở sống lưng, 01 xoáy ở sau gáy, hai xoáy ở trên hai tai, 01 xoáy ở trán (khoảng 2cm từ đỉnh đầu xuống), đã thay 06 răng, mõm có lông màu trắng, bốn chân lông màu đen (theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 29/01/2021). Hiện con bò khoảng 04 năm tuổi, có giá trị 12.000.000đồng (Mười hai triệu) theo kết luận định giá ngày 29/01/2021.
Trường hợp bị đơn Vừ Bá K để xảy ra thiệt hại đối với con bò nêu trên thì phải bồi thường cho nguyên đơn Vừ Nềnh T số tiền giá trị con bò là 12.000.000đồng (Mười hai triệu).
2. Về các chi phí khác: Áp dụng khoản 1 Điều 157; khoản 2 Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, anh Vừ Bá K phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 3.500.000đồng (Ba triệu năm trăm nghìn) và các chi phí cho việc giám định Gen là 9.500.000đồng (Chín triệu năm trăm nghìn).
Số tiền này nguyên đơn Vừ Nềnh T đã nộp 13.000.000đồng (Mười ba triệu) cho Tòa án. Do đó, bị đơn anh Vừ Bá K phải có trách nhiệm và nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Vừ Nềnh T số tiền 13.000.000đồng (Mười ba triệu).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm trả lại số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và chi phí giám định ADN mà ông Vừ Nềnh T đã nộp thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự; lãi suất phát sinh do chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho anh Vừ Bá K.
Trả lại cho ông Vừ Nềnh T số tiền tạm ứng án phí dân sự ông T đã nộp 300.000đồng (Ba trăm nghìn) theo biên lai thu tạm ứng án phí lệ Tòa án, ký hiệu AA/2015 số 0003901 ngày 18 tháng 11 năm 2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
4. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định.
Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 05/2021/DS-ST ngày 11/05/2021 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản
Số hiệu: | 05/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kỳ Sơn - Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 11/05/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về