Bản án 05/2020/KDTM-ST ngày 16/07/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SÓC SƠN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 BẢN ÁN 05/2020/KDTM-ST NGÀY 16/07/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

Ngày 16 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 21/2019/TLST- KDTM ngày 12/12/2019, về tranh chấp: Hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2020/QĐXX-ST ngày 03 tháng 6 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 04/QĐST ngày 25/6/2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP V; Địa chỉ trụ sở chính: Số x L, phường L, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP V: Ông Ngô Chí D – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP V.

Đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TMCP V: Ông Phạm Tuấn A – Chức vụ: Phó Giám đốc Trung tâm pháp luật Ngân hàng, SME và cá nhân Ngân hàng TMCP V.

(Theo văn bản ủy quyền số 11/2018/UQ-HĐQT ngày 02/3/2018 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP V) Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng:

Ông Phan Văn N – Chức vụ: Trưởng bộ phận xử lý nợ Ngân hàng TMCP V.

Phạm Thị Kim O – Chức vụ: Cán bộ xử lý nợ Ngân hàng TMCP V (Theo văn bản ủy quyền số 6980/2019/UQ-VPB ngày 10/9/2019 của Phó Giám đốc Trung tâm pháp luật Ngân hàng, SME và cá nhân Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng).

2. Bị đơn: Công ty TNHH B; Địa chỉ: Thôn Đ, xã M, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T – Chức vụ: Giám đốc.

Nơi cư trú hiện nay: Tổ dân phố Đ, phường B, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

3. Ng ười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

Nguyễn Thị H, sinh năm 1982; Nơi cư trú: Thôn Đ, xã M, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Vắng mặt (Có đơn xin vắng mặt).

4. Ng ười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1982; Nơi cư trú hiện nay: Tổ dân phố Đ, phường B, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Có mặt: Ông N.

Vắng mặt: ông T, bà H (Bà H có đơn xin vắng mặt),

NỘI DUNG VỤ ÁN

I. Theo đơn khởi kiện đề và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện hợp pháp của nguyên đơn Ngân hàng Thương mại cổ phần V (Sau đây viết tắt là: Ngân hàng V) trình bày:

1. Về ký kết hợp đồng tín dụng:

Ngân hàng V, Chi nhánh T, Phòng giao dịch T và Công ty TNHH B (Sau đây gọi tắt là: Công ty B) có ký kết: Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117- 4170935-01-SME ngày 30/11/2017, cụ thể như sau: Hạn mức cho vay: 350.000.000 đồng.

Thời hạn duy trì hạn mức: 12 tháng, tính từ ngày 30/11/2017. Trong thời hạn này, bên vay có thể vay vốn, trả nợ nhiều lần, nhưng dư nợ gốc tại mọi thời điểm không được vượt quá hạn mức cho vay 350.000.000 đồng.

Mục đích sử dụng tiền vay: Bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại: các dịch vụ xử lý (sản xuất và lắp đặt cửa nhôm, vách nhôm, cửa kính, vách kính, tủ mẫu, cửa cuốn).

Lãi suất cho vay trong hạn và cơ chế điều chỉnh lãi suất: Được bên Ngân hàng và bên vay thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của bên vay và được quy định cụ thể trong (các) Khế ước nhận nợ và/hoặc các văn bản liên quan ký kết giữa bên vay và bên Ngân hàng.

Lãi suất cho vay áp dụng đối với dự nợ gốc quá hạn (lãi suất quá hạn): Bằng 150% mức lãi suất cho vay trong hạn áp dụng tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Lãi suất chậm trả áp dụng đối với tiền lãi chậm trả:Bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn áp dụng tại thời điểm chậm trả lãi nhưng tối đa không quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngân hàng đã giải ngân cho bên vay Công ty Bin-Kdoor theo các khế ước nhận nợ:

- Khế  ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017:

Số tiền nhận nợ: 200.000.000 đồng. Thời hạn vay: 12 tháng, tính từ ngày tiếp theo của ngày Ngân hàng giải ngân số tiền cho vay đến ngày 01/12/2018. Lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm giải ngân: 25.7%/năm. Lãi suất này sẽ được thay đổi theo phương thức như sau: lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh định kỳ 01 tháng/01 lần.Ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên là ngày 01/01/2018 với mức điều chỉnh lãi suất được xác định bằng lãi suất bán vốn của Bên ngân hàng do Hội sở chính của bên ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản giải ngân có kỳ giải ngân có kỳ hạn là 12 tháng và kỳ điều chỉnh lãi suất là 01 tháng (+) biên độ 19%/năm.

- Khế  ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018:

Số tiền nhận nợ: 150.000.000 đồng. Thời hạn vay: 12 tháng, tính từ ngày tiếp theo của ngày 10/01/2018 đến ngày 10/01/2019. Lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm giải ngân: 26%/năm. Lãi suất này sẽ được thay đổi theo phương thức như sau: lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh định kỳ 01 tháng/01 lần. Ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên là ngày 10/02/2018 với mức điều chỉnh lãi suất được xác định bằng lãi suất bán vốn của Bên ngân hàng do Hội sở chính của bên ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản giải ngân có kỳ giải ngân có kỳ hạn là 12 tháng và kỳ điều chỉnh lãi suất là 01 tháng (+) biên độ 19%/năm.

Công ty B đã trả được một phần tiền nợ gốc của hai khế ước nhận nợ trên, tổng dư nợ gốc tính đến ngày 26/3/2018 là 245.820.000 đồng, Công ty B tiếp tục vay thêm số tiền 100.000.000 đồng theo khế ước nhận nợ số 110418-4170935- 01-SME ngày 11/04/2018.

- Khế  ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018:

Số tiền nhận nợ: 100.000.000 đồng. Thời hạn vay: 12 tháng, tính từ ngày tiếp theo của ngày 11/04/2018 đến ngày 11/04/2019. Lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm giải ngân: 25.3%/năm. Lãi suất này sẽ được thay đổi theo phương thức như sau: lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh định kỳ 01 tháng/01 lần. Ngày điều chỉnh lãi suất đầu tiên là ngày 11/05/2018 với mức điều chỉnh lãi suất được xác định bằng lãi suất bán vốn của Bên ngân hàng do Hội sở chính của bên ngân hàng tại thời điểm điều chỉnh áp dụng đối với khoản giải ngân có kỳ giải ngân có kỳ hạn là 12 tháng và kỳ điều chỉnh lãi suất là 01 tháng (+) biên độ 19%/năm.

- Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018:

Ngân hàng cấp hạn mức thẻ tín dụng cho Công ty TNHH B là 50.000.000 đồng, thời hạn hạn mức tín dụng thẻ đề nghị 60 tháng. Lãi suất trong hạn:

25%/năm sẽ được cố định trong suốt thời hạn hạn mức tín dụng thẻ.

2. Biện pháp bảo đảm cho các khoản vay trên:

Để đảm bảo cho khoản vay nêu trên, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H đã ký với Ngân hàng V: Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-01- SME/HĐBL và Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL cùng ngày 30/11/2017, theo đó, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho Công ty B trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm: Trả nợ gốc, lãi, các khoản phí, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, các chi phí và tất cả các nghĩa vụ khác của Công ty B với Ngân hàng V phát sinh từ Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01-SME ngày 30/11/2017 và các hợp đồng, văn bản tín dụng khác ký giữa Công ty B và Ngân hàng V bao gồm cả các phụ lục, văn bản sửa đổi, bổ sung, các khế ước nhận nợ và văn bản liên quan.

3. Diễn biến quá trình trả nợ của Công ty B:

Công ty B đã trả cho Ngân hàng V các khoản tiền sau:

Đối với 03 khế ước nhận nợ, trả tiền gốc: 170.860.000 đồng; Trả tiền lãi:

34.776.236 đồng. Công ty B vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng V kể ngày 25/6/2018 và Ngân hàng đã chuyển khoản nợ này sang nợ quá hạn và bị tính lãi suất quá hạn bằng 150% của nợ lãi trong hạn từ ngày 25/6/2018.

Đối với Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018: Đã trả trong kỳ là 39.310.119 đồng. Công ty B vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng V kể ngày 06/6/2018 và Ngân hàng đã chuyển khoản nợ này sang nợ quá hạn và bị tính lãi suất quá hạn bằng 150% của nợ lãi trong hạn từ ngày 06/6/2018.

Tạm tính đến ngày 16/7/2020, Công ty B còn nợ Ngân hàng V tổng số tiền theo các hợp đồng trên là: 629.747.758 đồng, cụ thể: Nợ theo của 03 khế ước nhận nợ là: 537.903.297 đồng (nợ gốc: 279.140.000 đồng, nợ lãi trong hạn:

6.408.657 đồng, nợ lãi quá hạn: 226.950.873 đồng, phạt chậm trả lãi:

25.403.766 đồng); Nợ lãi của Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm là: 91.844.461 đồng (nợ gốc:

49.104.683 đồng, nợ lãi quá hạn: 42.739.778 đồng).

4. Nội dung yêu cầu Tòa án giải quyết:

Ngân hàng V đề nghị Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn giải quyết những vấn đề sau đối bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

4.1. Buộc Công ty B phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền nợ theo Hợp đồng tín dụng, các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm tổng số tiền nợ tạm tính đến ngày 16/7/2020 là: 629.747.758 đồng, trong đó: Nợ theo của 03 khế ước nhận nợ là: 537.903.297 đồng, gồm: Nợ gốc: 279.140.000 đồng, nợ lãi trong hạn: 6.408.657 đồng, nợ lãi quá hạn: 226.950.873 đồng, phạt chậm trả lãi:

25.403.766 đồng; Nợ lãi của Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm là: 91.844.461 đồng, gồm: Nợ gốc: 49.104.683 đồng, nợ lãi quá hạn: 42.739.778 đồng.

4.2. Công ty B phải tiếp tục chịu lãi theo đúng thỏa thuận trong Hợp đồng cho vay hạn mức, các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm nêu trên cho đến ngày Công ty B thực tế thanh toán hết nợ cho Ngân hàng.

4.3. Trong trường hợp Công ty B không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng V, đề nghị Tòa án buộc ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H có nghĩa vụ trả nợ thay Công ty B toàn bộ số tiền nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt chậm trả và các khoản phát sinh liên quan theo Hợp đồng cho vay hạn mức, các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm nêu trên.

4.4. Trong trường hợp Công ty B, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của Công ty B, ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị H để thu hồi khoản nợ vay theo các Hợp đồng bảo lãnh.

II. Bị đơn: Người đại diện theo pháp luật của Công ty B là ông Nguyễn Văn T có lời khai tại biên bản ghi lời khai ngày 13/5/2020 trước Tòa án như sau: Ngày 30/11/2017, Công ty B có ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng V, hạn mức vay 350.000.000 đồng; mục đích vay: Thanh toán tiền hàng. Sau đó, Công ty có ký các Khế ước nhận nợ:

Ngày 01/12/2017, ký Khế ước nhận nợ số 011217 nhận khoản tiền nay là 200.000.000 đồng; thời hạn vay: 12 tháng; mục đích vay: Thanh toán tiền mua hàng; phương thức giải ngân: Chuyển khoản vào bên thụ hưởng; lãi suất:

25,7%/năm và có điều chỉnh theo nội dung khế ước.

Ngày 10/01/2018, ký Khế ước nhận nợ số 100118 để vay số tiền 150.000.000 đồng; thời hạn vay: 12 tháng; mục đích vay: Thanh toán tiền hàng;

phương thức: Chuyển khoản cho bên thụ hưởng; lãi suất thỏa thuận.

Để đảm bảo cho khoản vay trên, ông và bà Nguyễn Thị H có ký hợp đồng bảo lãnh cho khoản vay trên.

Ngoài ra, giữa Công ty và Ngân hàng còn ký 01 thẻ quốc tế, hạn mức thẻ 50.000.000 đồng.

Nay, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty trả số tiền nợ của các hợp đồng trên. Do Công ty đang khó khăn nên đề nghị Ngân hàng xem xét giảm lãi và cho Công ty trả dần.

III. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Bà Nguyễn Thị H có lời khai và yêu cầu:

Bà và ông Nguyễn Văn T trước đây là vợ chồng nhưng đã ly hôn năm 2018. Bà không biết gì về việc Công ty B và ông Nguyễn Văn T ký kết các hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng bảo lãnh với Ngân hàng V. Đến khi Tòa án thông báo, bà mới được biết. Bà cũng không biết việc ông T đăng ký thành lập Công ty B trong có tên bà là thành viên công ty. Bà không yêu cầu Tòa án giải quyết về danh sách thành viên công ty của Công ty B.

Bà xác định chữ ký trong Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02- SME/HĐBL ngày 30/11/2017 giữa Ngân hàng V bà Nguyễn Thị H không phải là chữ ký của bà. Bà đã có yêu cầu giám định chữ ký chữ viết và đã có kết quá xác định chữ ký Nguyễn Thị H trong hợp đồng không phải chữ ký của bà. Nay, bà đề nghị Tòa án hủy Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017 giữa Ngân hàng V và bà Nguyễn Thị H, không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng. Ngân hàng phải chịu chi phí giám định theo quy định của pháp luật.

IV. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn T trình bày: Ông và bà Nguyễn Thị T trước đây là vợ chồng nhưng đã ly hôn, sau khi ly hôn, ông đã chuyển khẩu và về ở tại Tổ dân phố Đ, phường B, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ông có ký hợp đồng bảo lãnh để dùng toàn bộ tài sản của mình đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH B tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Việt Nam Thịnh Vượng.

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu đối với Bị đơn, cụ thể Nguyên đơn xin rút yêu cầu về việc buộc Bị đơn là Công ty B phải trả tiền phạt chậm trả lãi theo Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01-SME ngày 30/11/2017, khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418- 4170935-01-SME ngày 11/04/2018.

Nay, Nguyên đơn yêu cầu Công ty B phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng V toàn bộ khoản nợ của Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01- SME ngày 30/11/2017, khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018 và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018, tính đến ngày 16/7/2020 là 604.343.992 đồng, trong đó: Nợ của 03 khế ước nhận nợ là: 512.499.530 đồng, gồm: Nợ gốc:

279.140.000 đồng, nợ lãi trong hạn: 6.408.657 đồng, nợ lãi quá hạn:

226.950.873 đồng và Nợ của Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm là: 91.844.461 đồng, gồm: Nợ gốc: 49.104.683 đồng, nợ lãi quá hạn: 42.739.778 đồng. Công ty B phải tiếp tục chịu lãi quá hạn từ ngày 17/7/2020 đến khi trả hết nợ cho Ngân hàng. Nguyên đơn giữ nguyên các yêu cầu khác.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán thực hiện đúng quy định của pháp luật; tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thực hiện đúng theo trình tự tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã chấp hành đầy đủ theo Giấy triệu tập của Tòa án, có ý thức chấp hành pháp luật nên không phải nhắc nhở gì. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không chấp hành theo Giấy triệu tập của Tòa án, gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án.

Về nội dung vụ án:

Đề nghị Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu của Nguyên đơn.

Buộc Công ty B phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng V toàn bộ khoản nợ của các hơp đồn tín dung, khế ước nhận nợ tính đến ngày 16/7/2020 là 604.343.992 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của Nguyên đơn về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc bị đơn phải trả tiền phạt chậm trả lãi.

Bác yêu cầu của Nguyên đơn đối với Hợp đồng bảo lãnh số 171117- 4170935-02-SME/HĐBL ký kết ngày 30/11/2017.

Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị H về yêu cầu hủy Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ký kết ngày 30/11/2017.

Về chi phí tố tụng và án phí, các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Việc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa:

Tòa án đã tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vân vắng mặt tại phiên tòa không có lý do và không thuộc trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Đối với bà Nguyễn Thị H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng bà H có đơn xin vắng mặt. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người này theo quy định tại Đều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là phù hợp pháp luật.

[1.2]. Về điều kiện khởi kiện: Công ty B (Bên vay) vi phạm thời hạn trả nợ theo thỏa thuận. Vì vậy, Ngân hàng V có quyền khởi kiện để thu hồi nợ theo thỏa thuận quy định tại khoản 10 Điều 2 Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117- 4170935-01-SME ngày 30/11/2017, đã được các bên ký kết.

[1.3]. Về quan hệ tranh chấp: Xét Ngân hàng V và Công ty B đều là pháp nhân có đăng ký kinh doanh, Công ty B vay tín dụng với mục đích: Bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất. Hội đồng xét xử xét thấy đây là tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[1.4]. Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty B, đăng ký lần đầu ngày 18/01/2016 của Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội thể hiện thông tin doanh nghiệp như sau: Tên doanh nghiệp: CÔNG TY B; Mã số doanh nghiệp: xxxxxxxx; Địa chỉ trụ sở chính: Thôn Đ, xã M, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Việt Nam; Người đại diện theo pháp luật của Công ty: Nguyễn Văn T; Chức danh: Giám đốc.

Kể từ ngày 18/01/2016 đến nay, Công ty chưa có thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tổ chức lại hoặc giải thể. Như vậy, về tư cách pháp lý Công ty B vẫn đang tồn tại nên có đẩy đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Ngân hàng V khởi kiện Công ty B tại Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn là phù hợp và Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Về hợp đồng tín dụng:

Xem xét nội dung Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01- SME ngày 30/11/2017, khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018 và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Hợp đồng cho vay hạn mức, các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm được ký kết trên cơ sở tự nguyện của các bên (Ngân hàng V và Công ty B), nội dung thỏa thuận giữa các bên không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội; thỏa thuận về lãi luất (lãi trong hạn và lãi quá hạn); Lãi suất nợ lãi chậm trả và cách tính tiền lãi vay được ghi nhận trong hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể: Khoản 2, khoản 3 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng, quy định về lãi suất cho vay và cách tính tiền lãi vay; khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự và điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định về lãi suất nợ lãi chậm trả. Như vậy, Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117- 4170935-01-SME ngày 30/11/2017, các khế ước nhận nợ số 011217-4170935- 01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018 và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018 đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ngay sau khi ký kết hợp đồng, khế ước nhận nợ và giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty B đã vi phạm thời hạn trả nợ tiền vay, cụ thể: Ngày 25/6/2018, Công ty B đã vi phạm thời hạn trả nợ tiền vay đối với 03 khế ước nhận nợ; ngày 06/6/2018, Công ty B đã vi phạm thời hạn trả nợ tiền vay đối với Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Văn T là đại diện theo pháp luật của Công ty B thừa nhận ký Hợp đồng tín dụng ngày 30/11/2017; khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, nhận khoản tiền vay: 200.000.000 đồng; khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, nhận khoản tiền vay: 150.000.000 đồng và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018, nhận khoản tiền vay: 50.000.000 đồng. Số tiền vay theo các khế ước nhận nợ là 350.000.000 đồng và số tiền vay theo thẻ tín dụng quốc tế là 50.000.000 đồng. Không thừa nhận vay số tiền 100.000.000 đồng theo Khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018. Nhưng đại diện của Công ty B đã không cung cấp được tài liệu gì để chứng minh cho lời khai của mình là có căn cứ, không đến tham gia phiên hòa giải để làm rõ và hòa giải các tranh chấp có trong vụ án.

Vì vậy, căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự để buộc Công ty B phải trả cho Ngân hàng V toàn bộ số tiền nợ gốc và lãi còn thiếu của các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm nêu trên theo yêu cầu của N.

[2.2]. Xét việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn: Tại phiên tòa, Nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu về việc buộc Bị đơn phải trả tiền phạt chậm trả lãi theo Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01-SME ngày 30/11/2017, khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018 là tự nguyện, phù hợp với quy định tại Điều 71 và Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được ghi nhận.

[2.3]. Về hợp đồng bảo lãnh:

- Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ký kết ngày 30/11/2017 (Bên bảo lãnh: bà Nguyễn Thị H; Bên nhận bảo lãnh: Ngân hàng V;

Bên được bảo lãnh: Công ty B).

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H xác định bà không ký hợp đồng bảo lãnh trên và xác định chữ ký, chữ viết Nguyễn Thị H trong hợp đồng không phải của mình và đã có đơn yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết. Đồng thời có đơn yêu cầu độc lập về việc yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng bảo lãnh số 171117- 4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017.

Tại Kết luận giám định số 71/C09-P5 ngày 31/3/2020 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định: “Chữ ký “H”, các chữ “Nguyễn Thị H” trên mẫu cần giám định ký hiệu A so với chứ ký, chữ viết của Nguyễn Thị H trên các mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đếm M7 không phải do cùng một người ký, viết ra”. Căn cứ vào kết luận trên, đủ cơ sở xác định sự thỏa thuận trong Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017 là không đúng quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng nên căn cứ Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị H, tuyên bố Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017 là vô hiệu. Do hợp đồng vô hiệu nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

- Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-01-SME/HĐBL ngày 30/11/2017 được ký kết trên cơ sở tự nguyện của các bên (Bên bảo lãnh ông Nguyễn Văn T; Bên nhận bảo lãnh: Ngân hàng V, Bên được bảo lãnh: Công ty B); nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội nên phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Tại khoản 1 Điều 1 của hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-01- SME/HĐBL quy định: “Bên bảo lãnh đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình, bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho Bên được bảo lãnh trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ - được hiểu bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, các khoản phí, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, chi phí xử lý tài sản thế chấp (chi phí thu giữ, trông giữ, chi phí bán đấu giá, tiền phí thi hành án...) và tất cả các nghĩa vụ khác của Bên được bảo lãnh đối với Bên Ngân hàng phát sinh từ Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935-01-SME ngày 30/11/2017 và các hợp đồng, văn bản tín dụng khác ký giữa Bên được bảo lãnh và Bên Ngân hàng bao gồm cả các phụ lục, văn bản sửa đổi, bổ sung, các khế ước nhận nợ và văn bản liên quan (sau đây bọi chung là “Văn kiện tín dụng”)”.

Công ty B đã vi phạm thời hạn trả nợ tiền vay theo thỏa thuận tại Hợp đồng cho vay hạn mức, các khế ước nhận nợ và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm nêu trên nên ông Nguyễn Văn T phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thỏa thuận tại khoản 1 Điều 1 của Hợp đồng bảo lãnh như đã viện dẫn ở trên. Do đó, cần áp dụng Điều 335, Điều 336; Điều 339 và Điều 342 Bộ luật Dân sự để chấp nhận yêu cầu về nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng V đối với ông Nguyễn Văn T.

[3]. Về chi phí giám định: Bà Nguyễn Thị H đã nộp tạm ứng chi phí giám định số tiền 5.000.000 đồng. Do kết quả giám định đã chứng minh cho yêu cầu của bà Nguyễn Thị H là có căn cứ và yêu cầu của nguyên đơn về việc bà Nguyễn Thị H thực hiện hợp đồng bảo lãnh là không có căn cứ nên cần buộc nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần V phải chịu chi phí giám định và có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Nguyễn Thị H số tiền trên theo quy định tại Điều 161 và Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4]. Về án phí kinh doanh thương mại:

Công ty TNHH B phải chịu án phí trên yêu cầu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng được chấp nhận.

Ngân hàng Thương mại cổ phần V phải chịu án phí kinh doanh không có giá ngạch 3.000.000 đồng đối với yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị H được chấp nhận.

Bà Nguyễn Thị H được trả lại số tiền 3.000.000 đồng tạm ứng an phí kinh doanh thương mại đã nộp.

Ngân hàng Thương mại cổ phần V được trả lại một phần tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[5]. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[6]. Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn tại phiên tòa: Cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật và kết quả nghị án của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1 Điều 228; khoản 1 Điều 147; Điều 161; Điều 162; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ khoản 2 khoản 3 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng;

- Căn cứ Điều 335; khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 336; khoản 1 Điều 339; Điều 407; khoản 1 Điều 342; khoản 1, khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự;

- Căn cứ Điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 01/2029/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

- Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại cổ phần V.

- Buộc Công ty B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần V tổng số tiền nợ gốc và lãi của Hợp đồng cho vay hạn mức số 171117-4170935- 01-SME ngày 30/11/2017, khế ước nhận nợ số 011217-4170935-01-SME ngày 01/12/2017, khế ước nhận nợ số 100118-4170935-01-SME ngày 10/01/2018, khế ước nhận nợ số 110418-4170935-01-SME ngày 11/04/2018 và Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm ký ngày 12/02/2018 tính đến ngày 16/7/2020 là 604.343.992 đồng (Sáu trăm linh tư triệu, ba trăm bốn mươi ba nghìn, chín trăm chín mươi hai đồng), trong đó:

Số tiền nợ của 03 khế ước nhận nợ là: 512.499.530 đồng, gồm: Nợ gốc:279.140.000 đồng, nợ lãi trong hạn: 6.408.657 đồng, nợ lãi quá hạn:226.950.873 đồng.

Số tiền nợ của Giấy đề nghị kiêm hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế không có tài sản bảo đảm là: 91.844.461 đồng, gồm: Nợ gốc:49.104.683 đồng, nợ lãi quá hạn: 42.739.778 đồng.

Kể từ ngày 17/7/2020, Công ty TNHH B còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Trường hợp, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.

- Trường hợp Công ty B không trả hoặc không trả đầy đủ số tiền nêu trên thì ông Nguyễn Văn T (là người bảo lãnh) phải thực hiện nghĩa vụ (bảo lãnh) trả nợ thay cho Công ty B đối với số tiền còn lại cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh V theo Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-01-SME/HĐBL ngày 30/11/2017.

- Trường hợp Công ty B và ông Nguyễn Văn T không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên, thì Ngân hàng Thương mại cổ phần V có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty B và ông Nguyễn Văn T để thu hồi khoản nợ vay theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-01-SME/HĐBL ngày 30/11/2017.

2. Ghi nhận sự tự nguyện của Ngân hàng Thương mại cổ phần V về việc không yêu cầu Công ty B phải trả tiền phạt chậm trả lãi của các hợp đồng tín dụng hai bên đã ký kết.

3. Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị H về yêu cầu hủy Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017.

- Tuyên bố Hợp đồng bảo lãnh số 171117-4170935-02-SME/HĐBL ngày 30/11/2017 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần V và bà Nguyễn Thị H vô hiệu.

4. Bác các yêu cầu còn lại của các đương sự.

5. Tiền chi phí giám định:

- Buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần V phải hoàn trả cho bà Nguyễn Thị H số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) là tiền bà Nguyễn Thị H đã nộp tạm ứng chi phí giám định.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

6. Về án phí sơ thẩm:

- Buộc Công ty B phải chịu 28.174.000 đồng (Hai mươi tám triệu, một trăm bảy mươi tư nghìn đồng) án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm để sung ngân sách nhà nước.

- Buộc Ngân hàng Thương mại cổ phần V phải chịu 3.000.000 đồng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm để sung ngân sách nhà nước nhưng được đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí 12.222.000 đồng (Mười hai triệu, hai trăm hai mươi hai nghìn đồng) mà Ngân hàng Thương mại cổ phần V đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0018285 ngày 12/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sóc Sơn. Trả lại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần V số tiền 9.222.000 đồng (Chín triệu, hai trăm hai mươi hai nghìn đồng) trong số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Ngân hàng Thương mại cổ phần V đã nộp đủ tiền án phí sơ thẩm.

- Trả lại bà Nguyễn Thị H số tiền tạm ứng án phí 3.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0018628 ngày 11/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sóc Sơn.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Án xử công khai, sơ thẩm. Ngân hàng Thương mại cổ phần V có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Công ty B, bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn T có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án vắng mặt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

436
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2020/KDTM-ST ngày 16/07/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh

Số hiệu:05/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sóc Sơn - Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 16/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về