Bản án 05/2020/KDTM-PT ngày 03/07/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 05/2020/KDTM-PT NGÀY 03/07/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 02 tháng 7 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2020/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2019/KDTM - ST ngày 06 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 07/2020/QĐXXPT- KDTM ngày 16 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH B (viết tắt là Nguyên đơn) Địa chỉ: Lô A - H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

Đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị Thùy D - Giám đốc. Có mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn H, Chức vụ: Trưởng phòng kinh doanh; Địa chỉ tại: Lô A - H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh (theo Giấy ủy quyền số 20190410-Boyd ngày 10/04/2019). Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Thu T, sinh năm 1989 và ông Nguyễn Trọng N, sinh năm 1980; địa chỉ: Số T, quận H, TP Hà Nội. Có mặt.

Bị đơn: Công ty TNHH B1 (viết tắt là Bị đơn) Địa chỉ: Số H, KCN đô thị và dịch vụ V, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

Đại diện theo pháp luật: Ông Wong Chee Ming - Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn T, sinh năm 1957 và bà Lưu Thị H, sinh năm 1984; địa chỉ: Văn phòng luật sư M, số N, phường T, quận H, thành phố Hà Nội (theo văn bản ủy quyền số 0703/2020/UQ/NS-BIEL ngày 07/3/2020). Có mặt.

Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH B1

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nội dung vụ án như sau: Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn H và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là ông Nguyễn Trọng N trình bày: Công ty B là công ty chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm nhựa là linh kiện hoặc bộ phận của điện thoại di động và các thiết bị truyền thông khác, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính và các sản phẩm điện tử dân dụng.

Ngày 01/02/2018, Nguyên đơn có ký với Bị đơn Hợp đồng mua bán số BIEL- BOYD-20180201 (viết tắt là Hợp đồng mua bán). Theo đó, Nguyên đơn chịu trách nhiệm sản xuất và giao hàng với số lượng, chất lượng, mẫu mã, quy cách sản phẩm và thời gian giao hàng theo từng đơn hàng, tại từng thời điểm, theo yêu cầu từng đơn hàng của Bị đơn. Bị đơn sẽ kiểm tra số lượng, chất lượng, mẫu mã trước khi nhận hàng và ký xác nhận vào phiếu xuất hàng. Các bên thỏa thuận sau khi nhận đủ hàng đủ tiêu chuẩn trong tháng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chốt công nợ (ngày xuất hóa đơn của từng đơn hàng) Bị đơn thanh toán 100% tiền hàng cho Nguyên đơn.

Sau khi ký hợp đồng, Nguyên đơn tiến hành sản xuất và giao các sản phẩm đúng số lượng, chất lượng và thời hạn yêu cầu theo từng đơn hàng của Bị đơn. Bị đơn cũng đã thực hiện thanh toán theo đúng quy định của Hợp đồng mua bán đến hết kỳ thanh toán tháng 09/2018.

Tuy nhiên, bắt đầu từ kỳ thanh toán tháng 10/2018, Bị đơn đã liên tục vi phạm các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng mua bán đối với Nguyên đơn cụ thể:

1. Đơn hàng số BO18070058 ngày 10/07/2018 trị giá 1.794.000.000đ, giao hàng thành 05 đợt:

Ngày 18/07/2018 theo Phiếu giao hàng số DR1807180001; Ngày 19/07/2018 theo Phiếu giao hàng số DR1807190003; Ngày 23/07/2018 theo Phiếu giao hàng số DR1807230003; Ngày 24/07/2018 theo Phiếu giao hàng số DR1807240002 Ngày 25/07/2018 theo Phiếu giao hàng số DR1807270001.

Hóa đơn giá trị gia tăng số 000056 ngày 13/09/2018 cho đơn hàng này đã được Nguyên đơn xuất và gửi cho Bị đơn;

2. Đơn hàng số BO18070100 ngày 31/07/2018 trị giá 8.970.000.000đ, giao hàng thành 10 đợt :

Ngày 09/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004051; Ngày 14/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004052; Ngày 15/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004053; Ngày 16/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004054; Ngày 17/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004055; Ngày 22/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004057;

Ngày 23/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004058; Ngày 24/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004059; Ngày 25/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004061; Ngày 22/09/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004063.

Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000070 ngày 28/09/2018 và hóa đơn giá trị gia tăng số 0000048 ngày 31/08/2018 cho đơn hàng này đã được Nguyên đơn xuất và gửi cho Bị đơn;

3. Đơn hàng số BO18080194 ngày 21/08/2018 trị giá 15.240.000đ, giao hàng ngày 21/08/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004056.

Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000048 ngày 31/08/2018 cho đơn hàng này đã được Nguyên đơn xuất và gửi cho Bị đơn;

Tổng 3 đơn hàng chưa thanh toán trên là 10.779.240.000đ (đã có xác nhận công nợ về khoản này của Bị đơn tại thư xác nhận công nợ của Bị đơn ngày 07/01/2019) 4. Đơn hàng số BO18080231 ngày 23/08/2018 trị giá 8.700.000.000đ, giao hàng thành 3 đợt:

Ngày 08/10/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004066; Ngày 09/10/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004067; Ngày 10/10/2018 theo Phiếu giao hàng số 0004068.

Tổng 3 lần giao hàng trên có giá trị là 4.350.000.000đ, Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000092 ngày 31/10/2018 cho đơn hàng này đã được Nguyên đơn xuất và gửi cho Bị đơn (tương đương với 50% giá trị đơn hàng).

Còn lại 1/2 Đơn hàng số BO18080231 ngày 23/08/2018 trị giá 4.350.000.000đ mà Nguyên đơn đã thực hiện sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của Bị đơn. Tuy nhiên, đến thời điểm Nguyên đơn giao nốt hàng (khoảng đầu tháng 11/2018), Bị đơn không nhận số hàng còn lại vì họ cho rằng chất lượng hàng không đảm bảo yêu cầu của họ (thông tin này chỉ qua sự phản hồi khi trao đổi miệng chứ không có văn bản hay biên bản làm việc);

Khi nhận được thông tin phản hồi Nguyên đơn cũng có thông tin (trao đổi điện thoại và gửi gmail với Bị đơn để hai bên làm việc, Bị đơn cũng gửi thông tin qua gmail cho Nguyên đơn và chỉ nêu ra là chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn tuy nhiên Nguyên đơn khẳng định Nguyên đơn sản xuất toàn bộ đúng trên cơ sở yêu cầu đặt hàng của Bị đơn. Bị đơn nói hàng không đạt tiêu chuẩn nhưng lại không đưa ra chứng cứ chứng minh và không nhận nốt hàng đã đặt nên số hàng này đang được lưu tại kho của Nguyên đơn.

Ngày 31/1/2019, do không thỏa thuận được nên Nguyên đơn đã gửi công văn yêu cầu Bị đơn thanh toán khoản nợ của: hàng đã giao nhận và hàng đã đặt. Tuy nhiên Bị đơn không hề có phản hồi đối với công văn này nên ngày 22/04/2019, Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn yêu cầu thanh toán 19.479.240.000đ tiền gốc, 2.354.202.856đ tiền lãi, tổng cộng là 21.833.442.856đ.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Quốc T xác nhận toàn bộ nội dung trình bày của đại diện nguyên đơn về: Hợp đồng mua bán, số lượng các đơn hàng đã nhận, chưa nhận, chưa thanh là đúng.

Theo ông T: Lý do Bị đơn nhận hàng mà chưa thanh toán và không nhận nốt số hàng đã đặt là do chất lượng hàng hóa Nguyên đơn sản xuất không đảm bảo. Hàng hóa Bị đơn đặt mua của Nguyên đơn về không sử dụng hết luôn mà hàng hóa sẽ được lưu kho để có thể sử dụng ngay khi Bị đơn có đơn đặt hàng.

Với hàng hóa đã nhận khi đưa vào sử dụng, ngày 23/7/2018 Bị đơn nhận được phản hồi của khách hàng về việc các miếng dán không đạt chất lượng (cụ thể là: đáng ra các miếng dán giữ vai trò làm vật ngăn cách giữa các tấm kính điện thoại nhưng sau khi đưa vào sử dụng thì các miếng dán lại gây ra tràn keo từ các miếng dán đó làm các tấm kính bị dính lại với nhau bởi miếng dán) còn về khách hàng cụ thể là ai, công ty nào đã phản ánh thì Bị đơn từ chối cung cấp thông tin vì đây là bảo mật thông tin khách hàng trong kinh doanh.

Ngày 31/10/2018, Bị đơn đã phản hồi về chất lượng sản phẩm với Nguyên đơn.

Ngày 15/11/2018, Nguyên đơn đã gửi Báo cáo về hàng lỗi cho Bị đơn (Báo cáo lỗi mẫu D809) và có đưa ra một số gợi ý sẽ khắc phục chất lượng hàng hóa tuy nhiên thời gian sau lỗi vẫn xảy ra. Như vậy, đủ căn cứ xác định Nguyên đơn đã “vi phạm hợp đồng” do sản phẩm của Nguyên đơn cung cấp “không phù hợp với hợp đồng, không đảm bảo chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua”; Đó chính là nguyên nhân mà Bị đơn không thanh toán các đơn hàng trong thời gian qua và không nhận nốt số hàng đã đặt;

Đến nay Bị đơn đồng ý thanh toán 6.665.100 miếng dán trong tổng số các miếng dán đã nhận hàng của Nguyên đơn. Việc Bị đơn đồng ý thanh toán số lượng miếng dán này là dựa trên tinh thần hợp tác, tình cảm giữa hai công ty chứ không phải là Bị đơn chấp nhận chất lượng của những miếng dán này.

Về giá trị của các miếng dán mà Bị đơn đồng ý thanh toán cụ thể:

Thanh toán 1.916.200 miếng dán tại đơn hàng BO18070058 (số lượng 2.000.000 miếng) ngày 09/7/2018 với đơn giá là 897đ/miếng = 1.718.831.400đ.

Thanh toán 3.949.500 miếng dán tại đơn hàng BO18070100 (số lượng 10.000.000 miếng) ngày 31/7/2018 với đơn giá là 897đ/miếng = 3.542.701.500đ.

Thanh toán 20.000 miếng dán tại đơn hàng BO18080194 (số lượng 20.000 miếng) ngày 21/8/2018 với đơn giá là 762đ/miếng = 15.240.000đ.

Thanh toán 779.300 miếng dán tại đơn hàng BO18080231 (số lượng 10.000.000 miếng) ngày 23/8/2018 với đơn giá là 870 VNĐ/miếng = 677.991.000đ.

Tổng cộng 6.665.100 miếng dán Bị đơn đồng ý thanh toán có giá trị là 5.954.763.900đ.

Lý do của việc thanh toán số lượng các miếng dán không cùng một lô hàng là do: Khi nhập hàng, việc giao nhận hàng từ các đơn đặt hàng có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau. Bị đơn sử dụng bất kỳ trong số hàng đã nhập đang lưu tại kho chứ không sử dụng lần lượt các miếng dán theo từng đơn đặt hàng và các hàng đã nhận cũng được xếp bất kỳ trong kho lưu trữ chứ không sắp xếp lần lượt thứ tự theo từng đơn hàng. Và trên thực tế đối với các miếng dán mà Nguyên đơn cung cấp, Bị đơn khó có thể phát hiện lỗi của sản phẩm chỉ thông qua quan sát bằng mắt thường, lỗi sản phẩm chỉ được phát hiện chính xác khi đưa sản phẩm vào sử dụng trong thực tế.

Với nội dung trên tại bản án sơ thẩm số 03/2019/KDTM-ST ngày 26/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T đã: Căn cứ vào Điều 50, Điều 297, Điều 306 Luật Thương mại; Căn cứ các Điều 147, 239, 243, 247, 254, 260, 264, 266 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH B, Buộc Công ty TNHH B1 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty TNHH B số tiền hàng đã nhận là: 15.129.240.000đồng và tiền lãi của các đơn hàng đã nhận tạm tính đến ngày 26/11/2019 là 2.354.202.856đ;

Buộc công ty TNHH B1 phải nhận và thanh toán nốt tiền hàng đã đặt là 4.350.000.000đ.

Tổng cộng tất cả các khoản tiền Công ty TNHH B1 phải thanh toán cho Công ty TNHH B là 21.833.442.856 đồng. (Hai mươi mốt tỉ, tám trăm ba mươi ba triệu, bốn trăm bốn hai nghìn tám trăm năm mươi sáu đồng).

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu lãi suất do chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 9/12/2019, đại diện công ty TNHH B1 kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Thư ký và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự xử: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đại diện Bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định.

Do vậy, kháng cáo của đương sự là hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung: Ngày 01/02/2018, giữa Nguyên đơn và Bị đơn có ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, Nguyên đơn chịu trách nhiệm sản xuất và giao hàng với số lượng, chất lượng, mẫu mã, quy cách sản phẩm, thời gian giao hàng theo từng đơn hàng Bị đơn yêu cầu. Bị đơn sẽ kiểm tra số lượng, chất lượng, mẫu mã trước khi nhận hàng và ký xác nhận vào phiếu xuất hàng. Các bên thỏa thuận sau khi nhận đủ hàng đủ tiêu chuẩn trong tháng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chốt công nợ (ngày xuất hóa đơn của từng đơn hàng) Bị đơn thanh toán 100% tiền hàng cho Nguyên đơn.

Hai bên thực hiện hợp đồng đến hết tháng 9/2018 thì phát sinh tranh chấp. Bị đơn từ chối nhận hàng đã đặt và không thanh toán tiền hàng đã nhận cho Nguyên đơn từ tháng 10/2018. Nguyên nhân là do sản phẩm của Nguyên đơn cung cấp không phù hợp với hợp đồng, không đảm bảo chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà Nguyên đơn đã giao cho Bị đơn.

Ngày 31/10/2018, Bị đơn đã phản hồi về chất lượng sản phẩm với Nguyên đơn.

Ngày 15/11/2018, Nguyên đơn đã gửi báo cáo về hàng lỗi cho Bị đơn và có đưa ra một số gợi ý về việc khắc phục chất lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, sau đó cả hai bên đều không đạt được thỏa thuận về cách giải quyết tranh chấp nên Nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số 03/2019/KDTM-ST ngày 26/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T đã xử: Buộc Bị đơn phải nhận số hàng đã đặt và thanh toán cho Nguyên đơn số tiền hàng cùng tiền lãi là 21.833.442.856đ.

Song quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, hai bên đã hòa giải được với nhau về cách giải quyết vụ án, cụ thể:

Ngày 25/6/2020, hai bên thỏa thuận: Bị đơn trả Nguyên đơn tổng số tiền 13.700.000.000đ, thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày 25/6/2020. Ngoài ra, Bị đơn không phải trả lại hàng đã nhận cho Nguyên đơn và cũng không phải nhận số hàng hóa mà Nguyên đơn đã sản xuất theo đơn đặt hàng của Bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bên thỏa thuận mỗi bên chịu một nửa án phí dân sự sơ thẩm và đề nghị tòa án công nhận sự thỏa thuận ngày 25/6/2020.

Hội đồng xét xử thấy: Sự thỏa thuận của các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với các quy định của pháp luật nên cần chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ Điều 300, khoản 2 Điều 308, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 50 Luật Thương mại; khoản 7 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

Công ty TNHH B1 có nghĩa vụ thanh toán cho công ty TNHH B và công ty TNHH B đồng ý nhận số tiền do công ty TNHH B1 thanh toán là 13.700.000.000đ (mười ba tỷ bảy trăm triệu đồng).

Thời hạn thanh toán: Trong vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày công ty TNHH B1 và công ty TNHH B ký Biên bản hòa giải (ngày 25/6/2020).

Công ty TNHH B1 không trả lại cho công ty TNHH B số hàng hóa mà công ty TNHH B1 đã nhận từ công ty TNHH B.

Công ty TNHH B1 không phải nhận số hàng hóa mà công ty TNHH B đã sản xuất theo đơn đặt hàng của công ty TNHH B1.

Kể từ ngày 26/7/2020 cho đến khi thi hành án xong; bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Án phí: Công ty TNHH B phải chịu 29.925.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận công ty TNHH B đã nộp 64.206.000đ tạm ứng án phí theo biên lai số AA/2015/0000727 ngày 06/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Hoàn trả công ty TNHH B 34.281.000đ tạm ứng án phí theo biên lai số AA/2015/0000727 ngày 06/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

Công ty TNHH B1 phải chịu 29.925.000đ án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Xác nhận công ty TNHH B1 đã nộp 300.000đ tạm ứng án phí tại biên lai số AA/2018/0000004 ngày 12/12/2019 và 1.700.000đ tạm ứng án phí tại biên lai số AA/2018/0000075 ngày 14/2/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Công ty TNHH B1 còn phải nộp 27.925.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

368
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 05/2020/KDTM-PT ngày 03/07/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:05/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 03/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về