Bản án 05/2020/HSST ngày 16/01/2020 về tội chống người thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN V, TỈNH N

BẢN ÁN 05/2020/HSST NGÀY 16/01/2020 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 16/01/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh N, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 80/2019/HSST ngày 20/12/2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2020/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 01 năm 2020, đối với bị cáo:

* Phạm Ngọc S (Tên gọi khác không), sinh năm 1964; tại xã G, huyện V, tỉnh N; trú tại thôn Đ, xã G, huyện V, tỉnh N; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: Lớp 07/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn M (Liệt sỹ) và bà Nguyễn Thị B; vợ Nguyễn Thị C và có 05 con, lớn sinh năm 1984, nhỏ sinh năm 1999; tiền án; tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 17/10/2019 tới nay, tại Trại tạm giam Công an tỉnh N. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo:

Ông Phạm Văn S - Trợ gióp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh N. (Vắng mặt tại phiên tòa).

* Người có quyền, lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Ông Bùi Hồng A, sinh năm 1973; trú tại thôn T, xã G, huyện V, tỉnh N. (Vắng mặt tại phiên tòa).

Ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1984; trú tại phố T, thị trấn M, huyện V, tỉnh N. (Vắng mặt tại phiên tòa).

* Người làm chứng:

Ông Trần Xuân T1, sinh năm 1960. Vắng mặt tại phiên tòa.

Ông Nguyễn Xuân T2, sinh năm 1957. Vắng mặt tại phiên tòa.

Ông Vũ Cao T3, sinh năm 1968. Vắng mặt tại phiên tòa.

Ông Trương Công T4, sinh năm 1970. Vắng mặt tại phiên tòa.

Lê Thị Ngoan, sinh năm 1958. Vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 05/9/2019 Phạm Ngọc S có hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện V. Ngày 30/9/2019, được sự phân công của Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V, ông Nguyễn Mạnh T là cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện V phối hợp cùng với ông Bùi Hồng A là Trưởng công an xã G tiến hành bàn giao giấy triệu tập đối với Phạm Ngọc S để làm việc. Khoảng 09 giờ 20 phút cùng ngày, khi đến nhà S, ông T mặc trang phục Cảnh sát nhân dân, ông Hồng A mặc trang phục Công an xã. Sau khi thông báo các nội dung để bàn giao giấy triệu tập, Phạm Ngọc S đã thể hiện quan điểm từ chối nhận giấy triệu tập và sẽ không đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V để làm việc. Ông Bùi Hồng A đã mời ông Trần Xuân T1, sinh năm 1960, trú tại thôn Đ, xã G, huyện V là trưởng thôn Đ đến để chứng kiến việc S không nhận giấy triệu tập. Sau đó, ông T tiến hành lập biên bản, đọc và thông qua nội dung biên bản để mọi người nghe rồi đưa biên bản cho ông Hồng A ký xác nhận. Lúc này S đi đến chỗ ông Hồng A đang ngồi ở ghế để giật tờ biên bản nhưng không được, S dùng chân trái đạp 02 nhát trúng vào hông bên phải ông Hồng A. Sau đó, S chạy xuống bếp lấy 01 con dao dài khoảng 40 cm cả phần cán, cán dao bằng kim loại dài khoảng 10cm, bản dao rộng khoảng 8cm, mũi dao hình vuông, chạy đến giơ trước mặt ông Hồng A, chửi tục và nói “Chúng mày cút ra khỏi nhà tao”. Ông T nói: “ông S, ông không được làm như vậy, ông làm như vậy là chống người thi hành công vụ”, lúc này S cầm dao ở tay đi lại trong gian phòng khách nói to: “Chúng mày cút ra khỏi nhà tao, đây là nhà của tao chúng mày thích lập biên bản thì ra ủy ban mà lập”. Ông T tiếp tục nói với S “Yêu cầu ông dừng ngay, không chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản về việc ông chống người thi hành công vụ”, S đi đến chỗ ông T dùng tay túm vào áo ngực bên phải ông T, đẩy ông T ra ngoài và nói “Mày cút khỏi nhà tao”, làm rơi biển tên, số hiệu đeo ở ngực bên phải của ông T. Sau đó, một số người dân xung quanh đến can ngăn S nên S đem dao cất vào gian phòng ngủ.

Lúc này, ông Bùi Hồng A gọi điện báo cáo sự việc với ông Dư Xuân T, Chủ tịch UBND xã G, ông T đã chỉ đạo ông Nguyễn Xuân T2, sinh năm 1957, trú tại thôn Đ, xã là Chủ tịch hội cựu chiến binh xã G và ông Trương Công T4, sinh năm 1970, trú tại thôn Đ, xã G là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã G đến nhà Phạm Ngọc S phối hợp làm việc với tổ công tác. Ông T, ông Hồng A và ông T1 tiến hành lập biên bản về hành vi chống người thi hành công vụ của Phạm Ngọc S. Ông T đưa chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 7 cho ông Hồng A để quay video lại buổi làm việc. Khi lập biên bản, ông T yêu cầu S mang con dao lúc trước ra giao nộp để phục vụ điều tra nhưng S không chấp hành mà sử dụng lời lẽ thô tục chửi ông Hồng A và nói “Thằng này xéo khỏi nhà tao”, rồi S cầm con dao chạy xuống bếp. Sau khi cất dao xong thì S lấy một chiếc gậy tre chạy đến chỗ ông Hồng A đang đứng ở hiên nhà vụt 01 nhát từ trên xuống dưới về phía ông Hồng A, ông Hồng A giơ tay trái lên đỡ thì bị vụt trúng vào mặt ngoài cẳng tay trái của ông Hồng A làm bầm tím cẳng tay trái. Chiếc đồng hồ đeo ở tay trái của ông Hồng A bị bung chốt rơi xuống hè, còn chiếc điện thoại di động Iphone 7 ông Hồng A đang cầm ở tay trái bị văng xuống sân nhà S. Sau đó ông Trương Công T4 đến giằng chiếc gậy ở tay của S ra, S bỏ đi ra ngoài qua lối cổng sau của gia đình.

Cơ quan CSĐT Công an huyện V đã thu giữ và niêm phong tại hiện trường 01 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Stainless Steel-S777 đã qua sử dụng, dây kim loại màu vàng, 01 đầu dây đeo đã bị bung chốt liên kết rời dây khỏi mặt đồng hồ; 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 7 màu đen, vỏ ốp bằng nhựa không màu, phần kính cường lực mặt điện thoại có nhiều vết rạn vỡ kính rải rác hình sao lan tỏa. Ngoài ra còn thu giữ 01 đoạn gậy bằng tre dài 1,43m, một đầu đường kính 2,5cm, một đầu đường kính 3,3cm.

Ngày 20/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 72 để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Bùi Hồng A. Tuy nhiên ông Bùi Hồng A đã có đơn từ chối giám định sức khỏe với lý do thương tích không nghiêm trọng, đến nay đã hoàn toàn bình phục.

Tại bản Cáo trạng số 01/CT-VKS-GV, ngày 18/12/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện V đã truy tố Phạm Ngọc S ra trước Tòa án nhân dân huyện V để xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ”, theo khoản 1 Điều 330 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Ngọc S khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, xác nhận nội dung bản cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Chống người thi hành công vụ” là đúng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện, bị cáo nhận thức hành vi phạm tội của mình và xin giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện V thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phát biểu luận tội đã giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như nội dung bản Cáo trạng. Sau khi phân tích đánh giá tính chất nguy hiểm do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, cùng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc S phạm tội “Chống người thi hành công vụ”; đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 330; điểm i, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc S từ 12 tháng đến 15 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/10/2019.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 đoạn gậy bằng tredài 1,43m, một đầu đường kính 2,5cm, một đầu đường kính 3,3cm, là công cụ dùng vào việc phạm tội và vật chứng không có giá trị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện V, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện V, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Tại phiên tòa bị cáo Phạm Ngọc S khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện V đã truy tố. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phù hợp với vật chứng của vụ án đã được thu hồi, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 09 giờ 20 phút ngày 30/9/2019, tại nhà của mình tại thôn Đ, xã G, huyện V, tỉnh N, bị cáo Phạm Ngọc S đã có hành vi chửi bới, dùng chân đạp vào hông, dùng dao đe dọa và dùng gậy vụt vào tay ông Bùi Hồng A là Trưởng công an xã G; dùng tay túm áo xô đẩy ông Nguyễn Mạnh T là cán bộ Công an huyện V, không cho ông T, ông Hồng A lập biên bản về việc giao giấy triệu tập cho Phạm Ngọc S, để làm rõ hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, xảy ra ngày 05/9/2019 tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện V của Phạm Ngọc S.

Bộ luật Hình sự quy định:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

 “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”

[3]. Hành vi của bị cáo Phạm Ngọc S đã nêu trên là phạm tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự, như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện V truy tố đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4]. Hành vi của bị cáo Phạm Ngọc S là nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, trực tiếp xâm phạm đến hoạt đồng bình thường, đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước, mà còn làm mất trật tự, trị an xã hội, gây tâm lý bất bình cho quần chúng nhân dân trên địa bàn. Vì vậy, hành vi phạm tội của bị cáo cần phải được xử phạt nghiêm minh để giáo dục cải tạo bị cáo và là bài học răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Mức hình phạt áp dụng được căn cứ vào tính chất tội phạm, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo trong vụ án để quyết định cho phù hợp.

[5]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Phạm Ngọc S không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6]. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đưa ra tại phiên tòa, đó là: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; người phạm tội là con của liệt sỹ; hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai của bị cáo S bị khuyết tật bại não. Đây là các tình tiết được quy định tại các điểm i, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do vậy, Hội đồng xét xử cần áp dụng để giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo.

[7]. Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, mức độ tham gia vào việc thực hiện tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian, tương xứng với hành vi mà bị cáo đã gây ra, mới có tác dụng giáo dục, cải tạo và nâng cao công tác phòng ngừa chung, để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

[8]. Về trách nhiệm dân sự: Đối với thương tích trên cẳng tay trái và chiếc đồng hồ đeo tay bị hư hỏng của ông Bùi Hồng A, quá trình điều tra, ông Hồng A xác định thương tích không nghiêm trọng và đã có đơn từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể; chiếc đồng hồ bị hư hỏng không đáng kể, vẫn hoạt động bình thường nên ông Hồng A không đề nghị Phạm Ngọc S phải bồi thường cho mình.

Đối với chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 7 của ông Nguyễn Mạnh T bị hư hỏng kính cường lực, quá trình điều tra, ông T xác định hư hỏng không đáng kể, điện thoại vẫn hoạt động bình thường nên ông T không đề nghị Phạm Ngọc S phải bồi thường. Vì vậy, vấn đề trách nhiệm dân sự không đặt ra xem xét giải quyết.

[9]. Biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng:

Đối với 01 đoạn gậy bằng tre dài 1,43m, một đầu đường kính 2,5cm, một đầu đường kính 3,3cm, là công cụ dùng vào việc phạm tội và vật chứng không có giá trị, cần tịch thu tiêu huỷ.

Đối với 01 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Stainless Steel-S777 đã qua sử dụng, dây kim loại màu vàng, 01 đầu dây đeo đã bị bung chốt liên kết rời dây khỏi mặt đồng hồ; 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 7 màu đen, vỏ ốp bằng nhựa không màu, phần kính cường lực mặt điện thoại có nhiều vết rạn vỡ kính. Quá trình điều tra xác định chiếc đồng hồ là tài sản hợp pháp của ông Bùi Hồng A; chiếc điện thoại là tài sản hợp pháp của ông Nguyễn Mạnh T. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã trả lại cho ông Hồng A và ông T, là phù hợp.

Đối với 01 con dao bằng kim loại màu đen. Quá trình điều tra xác định là con dao mà Phạm Ngọc S đã sử dụng để đe dọa Tổ công tác. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã tiến hành các biện pháp để thu giữ con dao nhưng không thu giữ được. Do đó không có căn cứ để xử lý.

Về án phí: Bị cáo là thân nhân liệt sỹ cần miễn án phí cho bị cáo.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo luật định.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Ngọc S phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 330; điểm i, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự;

- Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc S 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam 17/10/2019.

2. Về xử lý vật chứng:

Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Tịch thu tiêu hủy 01 đoạn gậy bằng tre dài 1,43m, một đầu đường kính 2,5cm, một đầu đường kính 3,3cm, là công cụ dùng vào việc phạm tội và vật chứng không có giá trị. (Đặc điểm các vật chứng tịch thu tiêu hủy theo biên bản bàn giao vật chứng ngày 19/12/2019 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V và Chi cục Thi hành án dân sự huyện V).

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự”.

3. Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Miễn án phí Hình sự sơ thẩm cho bị cáo Phạm Ngọc S;

Án xử công khai sơ thẩm, có mặt bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

270
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2020/HSST ngày 16/01/2020 về tội chống người thi hành công vụ

Số hiệu:05/2020/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vụ Bản - Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về