Bản án 05/2020/HNGĐ-PT ngày 20/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 05/2020/HNGĐ-PT NGÀY 20/08/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 20 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2020/TLPT-HNGĐ, ngày 20 tháng 7 năm 2020, về việc “tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

Do bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 31/2020/HNGĐ-ST, ngày 27-5-2020 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 101/2020/QĐ-PT ngày 03 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Văn Minh Hồng Đ, sinh năm 1992 (có mặt). Địa chỉ: số 1, ấp 1, xã P, huyện S, tỉnh Sóc Trăng.

2. Bị đơn: Anh Đoàn Văn T, sinh năm 1990 (có mặt). Địa chỉ: số 1, ấp 1, xã P, huyện S, tỉnh Sóc Trăng.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn chị Văn Minh Hồng Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện (không ghi ngày tháng) và các lời khai có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn là Văn Minh Hồng Đ trình bày:

Chị Đ và anh Đoàn Văn T có 02 con chung là Đoàn Hữu T, sinh ngày 29/11/2012 và Đoàn Nhã T, sinh ngày 07/12/2014. Sau khi ly hôn, 02 con chung do được giao cho anh T nuôi dưỡng và chăm sóc. Nhưng sau khi ly hôn, do anh T nhiều lần có hành vi không cho chị tiếp xúc và thăm nom các con, không cho chị đưa con về nhà cha mẹ ruột của chị chơi, không cho chị được dẫn 02 con đi đâu. Do sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của 02 con chung nên Chị Đ yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề sau:

Yêu cầu được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, giao lại 02 con chung là Đoàn Hữu T, sinh ngày 29/11/2012 và Đoàn Nhã T, sinh ngày 07/12/2014 cho chị trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc.

Hiện nay Chị Đ đang làm công nhân tại Công ty sản xuất giầy da tại quận R, thành phố Cần Thơ. Từ nơi làm đến nhà chị khoảng 35 phút đi xe ô tô. Một ngày chị đi làm 08 tiếng (làm theo ca), thời giờ làm việc là từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Thu nhập bình quân mỗi tháng 6.500.000 đồng. Ngoài thu nhập từ viêc làm công nhân, chị còn nguồn thu nhập khác là làm nhân viên pha chế cà phê trong khoảng thời gian nghỉ, mỗi tháng khoảng 2.000.000 đồng. Cộng chung thu nhập khoảng 8.500.000 đồng/tháng nên chị có đủ khả năng để nuôi 02 con chung mà không cần anh T phải cấp dưỡng.

Chị xác định từ sau khi ly hôn, chị cũng thường gặp mặt các con. Lần gần đây nhất là mùng 1 Tết âm lịch, khi đó chị thấy các con phát triển bình thường, không có dấu hiệu bị đánh đập hoặc hành hạ. Theo ý kiến của Chị Đ thì gia đình anh T không có bắt các con của chị làm việc thuê gì và có cho đi học bình thường.

Ngoài ra, vào ngày 02/3/2020 Chị Đ có đến nhà của anh Đoàn Văn T để thăm các con, khi đó anh T không có ở nhà do bận đi làm, chị đã gặp mẹ chồng là bà Lê Thị M thì vẫn được thăm nom các con chung, đồng thời, chị cũng thấy các con vẫn phát triển bình thường, không có bị ai đánh đập hay hành hạ. Khi Chị Đ đến thăm các con thì bà Lê Thị M không có ngăn cản gì và chị được gặp các con tại nhà của anh Đ trong thời gian khoảng 02 giờ.

Tại Bản tự khai ngày 22/01/2020 và các lời khai có trong hồ sơ vụ án, bị đơn là anh Đoàn Văn T trình bày:

Anh T và chị Văn Minh Hồng Đ có 02 con chung là Đoàn Hữu T, sinh ngày 29/11/2012 và Đoàn Nhã T, sinh ngày 07/12/2014. Sau khi ly hôn thì hai con chung được giao cho anh nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong quá trình nuôi dưỡng thì các cháu vẫn phát triển bình thường và được đi học đầy đủ.

Đối với việc Chị Đ cho rằng anh T nhiều lần có hành vi không cho Chị Đ tiếp xúc và thăm nom hai con chung, không cho dẫn hai con về nhà Chị Đ là không có. Tuy nhiên, anh thừa nhận sau khi ly hôn, anh T có đánh Chị Đ 01 lần với lý do Chị Đ dẫn hai con ra khỏi nhà nhưng không hỏi ý kiến và cũng chưa có sự đồng ý của anh T. Nay anh T cũng đồng ý cho Chị Đ đến thăm nom con bình thường, đồng ý cho Chị Đ dẫn hai con về nhà ông bà ngoại chơi nhưng phải thông báo cho anh hay trước một ngày, đồng thời việc dẫn hai con đi chơi không gây ảnh hưởng đến việc học của các con.

Anh T không đồng ý theo yêu cầu của chị Văn Minh Hồng Đ. Vì vậy, anh T không đồng ý giao lại hai con chung là Đoàn Hữu T và Đoàn Nhã T cho Chị Đ nuôi dưỡng theo yêu cầu của Chị Đ, anh có đủ khả năng và điều kiện để nuôi con.

Từ Tết âm lịch cho đến nay anh T đang đi làm tài xế xe tải để giao bia cho cửa hàng ở ấp P, thị trấn T, thu nhập mỗi tháng 7.000.000 đồng, mỗi ngày làm từ 06 giờ 30 phút sáng đến khoảng 17 giờ chiều, làm suốt tuần. Ngoài thu nhập này, anh T không có thu nhập nào khác.

Tại bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 31/2020/HNGĐ-ST, ngày 27-5- 2020 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Sóc Trăng, quyết định như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi bổ sung năm 2014; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Tuyên xử:

[1] Không chấp nhận yêu cầu của chị Văn Minh Hồng Đ về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

[2] Về án phí, chi phí tố tụng: Chị Văn Minh Hồng Đ phải chịu 300.000 đồng án phí hôn nhân sơ thẩm. Chị Đăng đã nộp 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002559 ngày 23/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện S không phải nộp tiếp.

Ngày 11-6-2020 nguyên đơn chị Văn Minh Hồng Đ làm đơn kháng cáo có nội dung: yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét cho chị được nuôi cháu Đoàn Nhã T với lý do: việc anh T cùng một lúc nuôi hai con nhỏ sẽ không đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho các con. Bởi anh T là người làm thuê buôn bán trái cây cho các chủ vựa, thu nhập bình quân của anh T là 6.000.000 đồng/tháng, nhưng việc làm của anh T cũng không có hợp đồng lao động, trong khi Chị Đ có thu nhập bình quân là 8.000.000 đồng/tháng, có ký kết hợp đồng dài hạn với Công ty THHH Tae Kwang Cần Thơ; Do công việc của anh T bắt đầu mỗi ngày từ 06 giờ 30 phút đến 17 giờ nên không đảm bảo thời gian đưa đón con đi học. Ngày 06-02-2020 Phòng Lao động –Thương binh xã hội huyện S có Công văn gởi đến Tòa án yêu cầu Tòa án xem xét giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án và quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Nhận xét trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân theo pháp luật tố tụng; Các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Sau khi phân tích đơn kháng cáo của nguyên đơn, sau cùng vị đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 31/2020/HNGĐ-ST, ngày 27-5-2020 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Sóc Trăng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của chị Văn Minh Hồng Đ làm trong thời hạn, về hình thức và nội dung đơn kháng cáo phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên kháng cáo được xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung, Hội đồng xét xử NHẬN THẤY

[2.1] Ngày 25-4-2019 Tòa án nhân dân huyện S ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, như sau: Về hôn nhân: anh Đoàn Văn T và chị Văn Minh Hồng Đ thuận tình ly hôn. Về con chung: Chị Văn Minh Hồng Đ với anh Đoàn Văn T có hai con chung là Đoàn Hữu T, sinh ngày 29/11/2012 và Đoàn Nhã T, sinh ngày 07/12/2014. Anh T và Chị Đ thỏa thuận là anh T được trực tiếp nuôi hai con đến khi đủ 18 tuổi; Về cấp dưỡng nuôi con: Anh T không yêu cầu Chị Đ cấp dưỡng nuôi con. Giành quyền thăm nom, chăm sóc con chung cho Chị Đ, không ai được quyền ngăn cản.

[2.2] Sau khi thuận tình ly hôn đến ngày 23-12-2019 Chị Đ khởi kiện yêu cầu thay đổi việc nuôi con, cụ thể Chị Đ xin được nuôi hai con chung là Đoàn Hữu T và Đoàn Nhã T. Vụ án đã được Toà án nhân dân huyện S giải quyết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Chị Đ về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Không đồng ý với bán án sơ thẩm, ngày 11-6-2020 Chị Đ kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét cho chị được trực tiếp nuôi hai đứa con, lý do anh T nhiều lần có hành vi không cho chị tiếp xúc và thăm nom các con, không cho chị đưa con về nhà cha mẹ ruột của chị chơi, không cho chị được dẫn 02 con đi đâu và công việc của anh T hiện nay cùng lúc nuôi dưỡng cả hai cháu nhỏ sẽ không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Đồng thời, hiện nay Chị Đ đang làm công nhân tại Công ty sản xuất giầy da tại quận R, thành phố Cần Thơ và nguồn thu nhập khác tổng cộng khoảng 8.500.000 đồng/tháng nên chị có đủ khả năng để nuôi 02 con chung mà không cần anh T phải cấp dưỡng.

[2.3] Qua xem xét nội dung kháng cáo của Chị Đ, thì thấy rằng tại biên bản hoà giải giải ngày 19/02/2020, ngày 11/3/2020, cùng các lời khai trình bày tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm, Chị Đ thừa nhận vẫn được gặp con, cụ thể trong các ngày mùng một tết âm lịch, ngày 02/3/2020, ngày 24/5/2020 chị vẫn được anh T và gia đình anh T cho gặp con bình thường, không bị ai có hành vi ngăn cấm hay cản trở gì. Anh T thừa nhận chỉ duy nhất một lần sau khi ly hôn, anh T có đánh Chị Đ một lần với lý do Chị Đ dẫn hai đứa con ra khỏi nhà nhưng không hỏi ý kiến của anh, nhưng khi được gia đình và chính quyền địa phương mời làm việc thì anh cũng không có hành vi ngăn cản không cho Chị Đ thăm nom con chung. Trong quá trình thăm nom con, Chị Đ cũng thấy hai đứa con phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý ổn định, không hề có dấu hiệu nào anh T không làm tròn nghĩa vụ khi được giao nuôi dưỡng hai đứa con và Chị Đ cũng không cung cấp được chứng cứ gì chứng minh việc anh T liên tục có hành vi cản trở chị thăm nom con. Tại phiên toà phúc thẩm, anh T cũng cam kết sẽ cho Chị Đ thăm nom con một cách thuận lợi nhất, Chị Đ có thể thăm con khi nào, dẫn con đi đâu cũng được, miễn sao thông báo cho anh biết. Vì vậy, việc Chị Đ cho rằng anh T và gia đình anh T có hành vi ngăn cản chị thăm nom con là không có căn cứ.

[2.4] Theo như anh T khai, anh làm nghề mua bán trái cây gần nhà đã được chủ vựa mua bán trái cây xác nhận là thu nhập bình quân là 6.000.000 đồng/tháng, các con có nhờ ông bà nội trông nom giúp. Như vậy, có thể chứng minh anh T có thu nhập ổn định để có thể để lo được đầy đủ cho hai đứa con cả về vật chất, lẫn tinh thần. Do đó, Chị Đ cho rằng công việc của anh T hiện nay cùng lúc nuôi dưỡng cả hai cháu nhỏ sẽ không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con là không có cơ sở.

[2.5] Tại phiên toà phúc thẩm, Chị Đ mong muốn Hội đồng xét xử giao cháu Đoàn Nhã T, sinh ngày 07/12/2014 cho chị nuôi, vì chị cho rằng, cháu T là con gái, chỉ có người mẹ mới hiểu biết được tâm sinh lý của của con và có thể dạy bảo cho con những định hướng sau này trong tương lai. Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã tạo điều kiện cho Chị Đ được tiếp xúc với cháu T, để biết nguyện vọng, mong muốn của cháu T như thế nào, thì cháu T vẫn muốn ở với anh hai là cháu Đoàn Hữu T. Như vậy, việc chia tách hai cháu để cháu Tr theo cha, cháu T theo mẹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phát triển bình thường của các cháu.

[2.6] Mặt khác, từ thời điểm Chị Đ và anh T ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn ngày 25-4-2019 đến ngày Chị Đ làm đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi việc nuôi con ngày 23-12-2019 (là 8 tháng) là khoảng thời gian ngắn chưa thể khẳng định anh T nuôi con không đảm bảo mọi mặt, ảnh hưởng đến tâm sinh lý các con.

[2.7] Từ những phân tích tại mục [2.3], [2.4], [2.5] và [2.6], có thể thấy rằng không có căn cứ nào để chứng minh anh T vi phạm nghĩa vụ người trực tiếp nuôi con, để Hội đồng xét xử có thể xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con cho Chị Đ theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “ 2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của chị Văn Minh Hồng Đ là không có cơ sở, nên không được chấp nhận.

[3] Do bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên bà Văn Minh Hồng Đ phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[4] Đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ nêu trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 6 Điều 313 và khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Không chấp nhận kháng cáo của chị Văn Minh Hồng Đ. Giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 31/2020/HNGĐ-ST, ngày 27-5-2020 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Sóc Trăng.

Tuyên xử:

Căn cứ khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014; Nghị quyết  326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Văn Minh Hồng Đ về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

2. Về án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm: Chị Văn Minh Hồng Đ phải chịu là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0002559 ngày 23-12-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.

3. Về án phí hôn nhân và gia đình phúc thẩm: Chị Văn Minh Hồng Đ phải chịu là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0004211, ngày 17-6-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

328
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2020/HNGĐ-PT ngày 20/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:05/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 20/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về