Bản án 05/2018/HSST ngày 31/01/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 05/2018/HSST NGÀY 31/01/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 31 tháng 01 năm 2017, tại phòng xét xử - Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 02/2018/HSST, ngày 10 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:

Trần Văn Đ, sinh năm 1957; tại: tỉnh Hà Tĩnh; nơi cư trú: thôn E, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 7/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn T (đã chết) và bà Ngô Thị T; vợ Nguyễn Thị Th; bị cáo có 05 người con, con lớn nhất sinh năm 1984 và con nhỏ nhất sinh năm 1995; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk -

Người đại diện theo pháp luật ông Trần Phú H - Giám đốc. Vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Những người có quyền, nghĩa vụ liên quan:

Anh Đặng Văn Đ, sinh năm 1980; Địa chỉ: Thôn E, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – vắng mặt.

Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1960; Địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – vắng mặt.

Ông Nguyễn Hoài L, sinh năm 1960; Địa chỉ: Thôn C, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – vắng mặt.

Ông Võ Quốc Tr, sinh năm 1958; Địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – có mặt.

Ông Phạm Đình T, sinh năm 1963; Địa chỉ: Thôn C, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – vắng mặt.

- Những người làm chứng:

Ông Đào Xuân M, sinh năm 1952; Địa chỉ: Thôn X, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk – có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trần Văn Đ nhập ngũ tháng 8 năm 1976, công tác tại Đại đội vận tải, Phòng hậu cần, Đoàn 7704 tại Campuchia. Tháng 9 năm 1982 phục viên.

Trong qúa trình tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, theo Trần Văn Đ thì có bị thương nhẹ và không được cấp giấy chứng nhận bị thương, còn Quyết định phục viên thì bị mất. Năm 2009 Đ đã đến gặp Nguyễn Văn S ở cùng thôn và nhờ S thiết lập hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ thương binh của nhà nước. S đồng ý. Khoảng một tháng sau, S đưa cho Đ một Quyết định phục viên do Đại tá Phan Thành H ký và một Giấy chứng nhận bị thương do Thiếu tá Nguyễn Văn H ký. Khi nhận Quyết định phục viên và Giấy chứng nhận bị thương Đ biết đó là giấy tờ giả vì khi ra quân Đ chỉ được cấp Giấy ra viện chứ không phải Giấy chứng nhận bị thương, đồng thời Quyết định phục viên ghi cấp bậc là Trung úy trong khi Đ chỉ là Thượng sỹ. Sau khi có các loại giấy tờ trên Đ đã thiết lập hồ sơ thương binh và nộp cho Ban chỉ huy quân sự huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Đến tháng 8 năm 2010, Trần Văn Đ được Hội đồng giám định Y Khoa Quân khu 5 xác định tỷ lệ thương tật là 25% vĩnh viện. Từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 02 năm 2015, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã chi trả chế độ cho Trần Văn Đ với tổng số tiền là 105.646.000 đồng.

Tại công văn số 32/ĐTHS-XM ngày 16/02/2017 của Cơ quan điều tra hình sự - Quân khu 7 khẳng định: Không tìm thấy thông tin của ông Trần Văn Đ trong hồ sơ lưu trữ của Đoàn 7704 do Phòng cán bộ quản lý. Đối với Quyết định phục viên số 062/QĐ ngày 15/9/1982 cấp cho ông Trần Văn Đ do đại tá Phan Thành H ký. Phòng cán bộ kiểm tra danh sách các thủ trưởng của Đoàn 7704 không có ai là Phan Thành H mà chỉ có Phạm Thành H.

Tại bản kết luận giám định số: 148/C54B ngày 15/12/2017 của Viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận: Chữ ký mang tên Nguyễn Văn Hiền trong Giấy chứng nhận bị thương và chữ ký mang tên Nguyễn Văn Hiền trên 05 tài liệu mẫu so sánh không phải do cùng một người ký ra.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ: 01 bộ hồ sơ thương binh giả mang tên Trần Văn Đ, 01 Giấy chứng nhận bị thương số 092/CNBT ngày 20/5/1981 của Trung đoàn 726 - Sư đoàn 309 do Thiếu tá Nguyễn Văn H ký cấp cho Trần Văn Đ.

Trong quá trình điều tra, Trần Văn Đ đã tự nguyện giao nộp số tiền 20.000.000 đồng cho Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 5, số tiền này Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 5 đã chuyển cho Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, Trần Văn Đ đã tự nguyện đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk giao nộp số tiền 85.464.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số 05/KSĐT-HS ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’Leo truy tố Trần Văn Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận hành vi đã thực hiện đúng như nội dung bản Cáo trạng.

Tại phần tranh luận, Kiểm sát viên đưa ra các chứng cứ buộc tội; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Kiểm sát viên giữ quyết định truy tố đối với bị cáo như bản Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139, các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; các điểm v, x khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Trần Văn Đ từ  02 (hai) năm đến 02 năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách bằng hai lần mức án đã tuyên.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Chấp nhận việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển số tiền 20.000.000 đồng mà Trần Văn Đ đã nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 589 Bộ luật dân sự. Chấp nhận việc Trần Văn Đ đã tự nguyện giao nộp tổng số tiền 105.464.000 đồng (trong đó: 20.000.000 đồng cho Cơ quan Điều tra Quân khu 5 và 85.464.000 đồng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk).

Bị cáo không có ý kiến tranh luận với Kiểm sát viên.

Bị cáo nói sau cùng: Bị cáo nhận thấy hành vi của mình là phạm tội, bị cáo rất ân hận, xin Hội đồng xét xử giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’Leo, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa bị cáo Trần Văn Đ khai nhận: Vì động cơ tư lợi cá nhân, muốn chiếm đoạt trái phép tài sản của Nhà nước nên vào năm 2009, Trần Văn Đ đã có hành vi gian dối làm giả hồ sơ thương binh để hưởng trợ cấp của nhà nước mà biết rõ mình không thuộc diện được công nhận là thương binh. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 02 năm 2015, trên cơ sở hồ sơ thương binh giả, Trần Văn Đ đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện E chi trả các khoản trợ cấp với tổng số tiền là 105.464.000 đồng. Vì vậy, có đủ căn cứ pháp lý để kết luận, hành vi của bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, như Cáo trạng và luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ.

Tại điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tại không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

e, Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

Hành vi, của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đủ nhận thức biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ tư lợi cá nhân, bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối làm giả hồ sơ thương binh để hưởng chế độ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện được hưởng, đã chiếm đoạt tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ của nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Vì vậy, cần có hình phạt tương xứng nhằm trừng trị, giáo dục bị cáo đồng thời phát huy tác dụng răn đe phòng ngừa chung trong xã hội. Bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Xâm phạm tài sản nhà nước” được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đã bãi bỏ tình tiết tăng nặng nói trên. Do vậy, Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tự nguyện hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 105.464.000 đồng; bị cáo từng tham gia phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam đóng góp một phần công sức trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ Quốc tế; trong quá trình chiến đấu đã được tặng “Huy hiệu dũng sỹ giữ nước”, “Huy hiệu vì nghĩa vụ Quốc tế” đồng thời trong công tác có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen; cha mẹ đẻ của bị cáo là người có công cách mạng được tặng thưởng “Huy chương kháng chiến hạng nhì”. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 và các điểm v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Xét thấy bị cáo là người có nhân thân tốt có nơi cư trú ổn định rõ ràng và được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, mà cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo tự rèn luyện mình dưới sự giám sát của gia đình và chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng trừng trị, răn đe đối với bị cáo.

Xét mức hình phạt mà Kiểm sát viên đề nghị áp dụng đối với bị cáo là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên chấp nhận.

Đối với Nguyễn Văn S là người đã làm giúp Giấy chứng nhận bị thương và Quyết định phục viên giả cho bị cáo, nhưng hiện nay Sơn đã chết, nên không có căn cứ để xử lý.

[3]. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 589 Bộ luật dân sự. Chấp nhận việc Trần Văn Đ đã tự nguyện giao nộp tổng số tiền đã chiếm đoạt là 105.464.000 đồng (trong đó: nộp 20.000.000 đồng tại Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 5 và nộp 85.464.000 đồng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk).

[4]. Về xử lý vật chứng: Xét thấy, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển số tiền 20.000.000 đồng do Trần Văn Đ giao nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk là đúng pháp luật, nên áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, chấp nhận.

[5] Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Trần Văn Đ, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1 khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999; các điểm v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội khóa 14 quy định về án phí, lệ phí tòa án.

Xử phạt: Bị cáo Trần Văn Đ 02 (hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Trần Văn Đ cho UBND xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 589 Bộ luật dân sự. Chấp nhận việc bị cáo Trần Văn Đ đã tự nguyện giao nộp tổng số tiền đã chiếm đoạt cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk là 105.464.000 đồng (trong đó: nộp 20.000.000 đồng tại Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 5 và nộp 85.464.000 đồng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk).

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Chấp nhận việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển số tiền 20.000.000 đồng cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk.

- Về án phí: Buộc bị cáo Trần Văn Đ phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; Nguyên đơn dân sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo phần bản án liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án hợp lệ. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo phần bản án liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

427
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2018/HSST ngày 31/01/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:05/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea H'leo - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:31/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về