Bản án 05/2018/HS-ST ngày 30/08/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NAM GIANG, TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 05/2018/HS-ST NGÀY 30/08/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 30 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân (sau đây viết tắt làTAND) huyện Nam Giang, tỉnh  Quảng Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 08/2018/TLST-HS ngày 20 tháng 7 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2018/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 8 năm 2018 đối với các bị cáo:

1. T, sinh ngày 07 tháng 7 năm 1981 tại thôn T, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn H, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đ và bà C; có vợ tên là D và 02 con,

lớn 6 tuổi và nhỏ 02 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 16 tháng 5 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

2. L, sinh ngày 01 tháng 12 năm 1990 tại thôn Đ, xã S, huyện L, tỉnh Quảng

Nam. Nơi cư trú tại thôn Đ, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Công giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông N và bà Q; có vợ tên là T và 01 con 03 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng

3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

3. M, tên gọi khác bị cáo tự khai là L, sinh năm 1985 tại thôn B, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn B, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính:

Nam; tôn giáo không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông T (đã chết) và bà A; có vợ tên là B và 03 con, lớn nhất 10 tuổi và nhỏ nhất 01 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

4. V, sinh ngày 03 tháng 10 năm 1983 tại thôn D, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn D, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông B và bà P; có vợ tên là X và 03 con, lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất 02 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

5. P, tên gọi khác bị cáo tự khai là L, sinh ngày 07 tháng 8 năm 1984 tại thôn B, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn B, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông C (đã chết) và bà K; có vợ tên là T và 01 con 04 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 24 tháng 4 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

6. N, sinh ngày 09 tháng 8 năm 1978 tại thôn Đ, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn Đ, xã S, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông G và bà L; có vợ tên là T và 03 con, lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất 08 tuổi; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 24 tháng 4 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

7. Đ, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1955 tại thôn T, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam. Nơi cư trú tại thôn T, xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp làm nông; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 4/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo không có; quốc tịch: Việt Nam; con ông P (đã chết) và bà S (đã chết); có vợ tên là

C và 05 con đều trưởng thành; tiền án không có; tiền sự không có; bị bắt tạm giữ từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 21 tháng 3 năm 2018 được thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Ngời bào chữa cho bị cáo:

Ông: Trương Ngọc Trung, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam, bào chữa cho bị cáo N. Có mặt.

Bà: Nguyễn Thị Thu Vy, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam, bào chữa cho bị cáo L. Có mặt.

-Nguyên đơn dân sự:

Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Trụ sở đặt tại thôn Vinh, xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông: H.

Chức vụ: Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (Quyết định số 64/QĐ-CCKL ngày 03/5/2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam). Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Trong năm 2017, bị cáo T, bị cáo M, bị cáo V, bị cáo N và bị cáo bị cáo L cùng các ông C, ông T và ông L trực tiếp khai thác cành, nhánh và bìa gỗ Lim tại khu vực khe B, giáp ranh xã T và xã Z, huyện N, tỉnh Quảng Nam; bị cáo Đ được phân công nấu ăn và theo dõi điện thoại báo cho các bị cáo nếu có lực lượng chức năng đi truy quét. Khoảng cuối năm 2017 âm lịch, kết thúc đợt khai thác gỗ này, các bị cáo và ông L tập trung tại nhà bị cáo T để chia tiền bán gỗ và thảo luận công việc khai thác gỗ sau khi nghỉ Tết nguyên đán. Ông T đã chết nên không có mặt. Bị cáo T chọn ngày 18 tháng 01 âm lịch (năm 2018) khởi hành nhưng cả nhóm thảo luận thống nhất lại ngày 20 tháng 01 âm lịch vì ngày 18 tháng 01 là ngày xấu; về kinh phí thì mỗi người góp 800.000 (tám trăm nghìn) đồng để chi phí; nhiệm vụ thì vẫn như cũ, ai biết cưa thì cưa, còn lại thì kéo gỗ; bị cáo Đ thì lo công việc nấu ăn và cảnh giới; chia đều lợi ích thu được. Ông L nói không tham gia. Ông T đã chết nên các bị cáo thỏa thuận rủ thêm người biết cưa gỗ. Bị cáo V nói có biết bị cáo P là người quen, biết cưa gỗ nên các bị cáo thống nhất bảo bị cáo V rủ thêm bị cáo P cùng tham gia. Bị cáo T hẹn giờ đi và địa điểm tập trung tại nhà bị cáo.

Ngày 07 tháng 3 năm 2018 (tức ngày 20 tháng giêng năm Mậu Tuất), các bị cáo tập trung tại nhà bị cáo T và có ông C để cùng đi. Bị cáo M giao cho bị cáo T số tiền 800.000 (tám trăm nghìn) đồng còn những bị cáo khác chưa có tiền nên bị cáo T và bị cáo M nói sau khi bán gỗ sẽ trừ chi phí. Bị cáo L có đem theo 01 (một) cái cưa lốc máy làm công cụ cưa gỗ. Trên đường đi, đến thôn P, xã C, huyện N, tỉnh Quảng Nam, bị cáo T vào tiệm máy cưa M H để mua thêm 01 (một) xác máy cưa lốc giá tiền 270.000 (hai trăm bảy chục nghìn) đồng, nhằm mục đích lấy linh kiện thay thế trong trường hợp máy cưa của bị cáo L bị hư hỏng. Đến thủy điện Sông Bung 4, bị cáo T bảo bị cáo Đ đang đánh cá tại đây điều khiển phà máy đưa các bị cáo sang lòng hồ để vào rừng khe B. Lúc này khoảng 13 giờ 00 cùng ngày, bị cáo T cử bị cáo Đ là người lớn tuổi đứng ra cúng rừng và cùng ăn trưa tại rừng. Buổi chiều các bị cáo ra lại phà máy và dùng phà máy của bị cáo T làm nơi ăn, nghỉ trong thời gian khai thác gỗ. Sáng ngày 08 tháng 3 năm 2018, các bị cáo ở lại phà máy vì có lực lượng Kiểm lâm đi tuần tra, một mình bị cáo T lên bờ để mua 04 (bốn) cái đinh móc và dây dù phục vụ cho việc kéo gỗ. Ngày 09 tháng 3 năm 2018, bị cáo Đ điều khiển phà máy đưa các bị cáo mang theo dụng cụ đi vào rừng khe B khai thác gỗ, sau đó bị cáo Đ điều khiển phà máy đi giấu và sử dụng ghe máy của cá nhân đi đánh cá và  nữa nên bị cáo T đưa ông C về quê. Các bị cáo còn lại tiếp tục công việc; bị cáo L và bị cáo P thay nhau cưa hạ gỗ. Đến ngày 11 tháng 3 năm 2018, bị cáo T vào rừng chỉ cây để các bị cáo khai thác và ngày 12 tháng 3 năm 2018 bị cáo T ra khỏi rừng để đi mua thực phẩm. Các bị cáo đã chặt hạ được 05 (năm) cây gỗ đứng, trong đó có 04 (bốn) cây gỗ Giỗi hương và 01 (một) cây gỗ Lim xanh. Các bị cáo đã cưa xẻ gỗ ra thành phách để bị cáo M, bị cáo N và bị cáo V dùng đá đóng đinh móc vào đầu phách gỗ rồi buộc dây dù kéo được 30 (ba mươi) phách gỗ ra tập kết tại bãi ven lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, là địa điểm mà trước khi vào rừng các bị cáo đã thống nhất chọn. Bị cáo Đ giao phà máy để các bị cáo điều khiển đem gỗ đi giấu dưới lòng hồ thủy điện, còn lại 17 (mười bảy) phách gỗ vẫn để tại hiện trường khai thác. Đến ngày 15 tháng 3 năm 2018, các bị cáo bị Công an huyện Nam Giang bắt giữ. Nghe tin các bị cáo đã bị bắt trong rừng, bị cáo T ra đầu thú.

Vật chứng thu giữ được gồm có 02 (hai) cái máy cưa lốc nhãn hiệu STILL; 01 (một) lưỡi cưa dài 81cm (tám mươi mốt centimét); 01 (một) chiếc phà bằng kim loại nhôm dài 10,9m (mười mét chín) chạy bằng động cơ; 39 (ba mươi chín) phách gỗ Giỗi hương (nhóm III) khối lượng 2,44m3 (hai phẩy bốn mươi bốn mét khối) và 08 (tám) phách gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 0,287m3 (không phẩy hai trăm tám mươi bảy mét khối). Ngoài ra, Cơ quan điều tra Công an huyện Nam Giang (sau đây viết tắt là Cơ quan điều tra) còn tạm giữ một số tài sản khác của các bị cáo nhưng qua điều tra xác định không liên quan đến việc phạm tội nên đã trả lại cho các bị cáo thể hiện tại Quyết định số 04 ngày 20 tháng 4 năm 2018. Cơ quan điều tra cũng tổ chức truy tìm dây dù các bị cáo dùng để kéo các phách gỗ nhưng không có kết quả.

Cơ quan điều tra xác định hiện trường các bị cáo khai thác gỗ trái phép thuộc Lô 3 và 5, khoảnh 8, Tiểu khu 265 là rừng tự nhiên phòng hộ thuộc địa bàn T 2, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (sau đây viết tắt là BQLRPH Nam Sông Bung) quản lý. Các cây gỗ bị chặt hạ gồm có:

Cây số 1, loại gỗ Giỗi hương (nhóm III) đường kính gốc 52cm (năm mươi hai centimet), chiều dài 18,5m (mười tám phẩy năm mét). Tổng khối lượng 3,928m3 (ba phẩy chín trăm hai mươi tám mét khối).

Cây số 2, loại gỗ Giỗi hương (nhóm III) đường kính gốc 50cm (năm mươi centimet), chiều dài 16,2m (mười sáu phẩy hai mét). Tổng khối lượng 3,180m3 (ba phẩy một trăm tám mươi mét khối).

Cây số 3, loại gỗ Lim xanh (nhóm IIA) đường kính gốc 42,5cm (bốn mươi hai phẩy năm centimet), chiều dài 21m (hai mươi mốt mét). Tổng khối lượng 2,979m3 (hai phẩy chín trăm bảy mươi chín mét khối).

Cây số 4, loại gỗ Giỗi hương (nhóm III) đường kính gốc 47,5cm (bốn mươi bảy phẩy năm centimet), chiều dài 17,2m (mười bảy phẩy hai mét). Tổng khối lượng 3,047m3 (ba phẩy không trăm bốn mươi bảy mét khối).

Cây số 5, loại gỗ Giỗi hương (nhóm III) đường kính gốc 95cm (chín mươilăm centimet), chiều dài 15,2m  (mười lăm phẩy hai mét). Tổng khối lượng 10,774m3 (mười phẩy bảy trăm bảy mươi bốn mét khối).

Theo kết luận định giá số 06/VBKL ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng định giá tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là HĐĐG) 01m3 (một mét khối) gỗ Giỗi hương (nhóm III) có giá trị là 7.000.000 (bảy triệu) đồng; 01m3 (một mét khối) gỗ Lim xanh (nhóm IIA) có giá trị là 10.500.000 (mười triệu năm trăm nghìn) đồng. Tổng giá trị các cây gỗ bị thiệt hại giá trị là 177.782.500 (một trăm bảy mươi bảy triệu bảy trăm tám mươi hai nghìn năm trăm) đồng và giá trị môi trường bị thiệt hại tương ứng cho từng loại cây gỗ bị chặt hạ là 711.130.000 (bảy trăm mười một triệu một trăm ba mươi nghìn) đồng. Đối với vật chứng là những phách gỗ thu giữ được, HĐĐG kết luận 39 (ba mươi chín) phách gỗ Giỗi hương (nhóm III) khối lượng 2,44m3 (hai phẩy bốn mươi bốn mét khối) có gía trị là 25.254.000 (hai mươi lăm triệu hai trăm năm mươi bốn nghìn) đồng; 08 (tám) phách gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 0,287m3 (không phẩy hai trăm tám mươi bảy mét khối) có giá trị là 4.362.400 (bốn triệu ba trăm sáu mươi hai nghìn bốn trăm) đồng.

Quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, mỗi bị cáo nộp được 2.000.000 (hai triệu) đồng, tổng cộng là 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng, đồng thời nguyên đơn dân sự cũng có đơn yêu cầu các bị cáo phải bồi thờng thiệt hại số tiền 888.912.500 (tám trăm tám mươi tám triệu chín trăm mười hai nghìn năm trăm) đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo T khai nhận cuối năm 2017 các bị cáo đã tập trung tại nhà bị cáo để chia tiền khai thác tận dụng gỗ trước đó và bị cáo thảo luận với các bị cáo về kế hoạch tiếp tục vào rừng khe B để khai thác gỗ trái phép vào đầu năm 2018. Theo kế hoạch thống nhất được, vào ngày 07 tháng 3 năm 2018, các bị cáo đã vào rừng khe B và chính thức tiến hành khai thác gỗ từ ngày 09 tháng 3 năm 2018 đến ngày 15 tháng 3 năm 2018 thì các bị cáo bị Công an huyện Nam Giang bắt giữ. Các bị cáo chặt hạ 04 (bốn) cây gỗ Giỗi hương và 01 (một) cây gỗ Lim xanh, cưa xẻ ra được 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại, vận chuyển ra giấu tại lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 được 30 (ba mươi) phách gỗ các loại và còn tại hiện trường khai thác 17 (mười bảy) phách gỗ Giỗi hương. Lời khai của bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P và bị cáo Đ đều phù hợp với lời khai của bị cáo T.

Đại diện nguyên đơn dân sự xác định lại khu vực các bị cáo tổ chức khai thác gỗ trái phép thuộc Tiểu khu 265 là rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ do BQLRPH Nam Sông Bung quản lý, các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại giá trị số cây gỗ bị chặt hạ trái phép và giá trị thiệt hại về môi trường theo định giá của HĐĐG để tái tạo rừng.

Bản cáo trạng số 06/Ctr-VKS ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Viện kiểm sát

nhân dân (sau đây viết tắt là VKSND) huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam truy tố bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P và bị cáo Đ về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm d, m khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là BLHS). Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Nam Giang giữ quyền công tố luận tội và tranh luận xác định lại hành vi phạm tội của các bị cáo. Vào cuối năm âm lịch 2017, các bị cáo gặp nhau tại nhà của bị cáo T để chia tiền khai thác gỗ trước đó và thảo luận kế hoạch tiếp tục khai thác gỗ sau khi nghỉ Tết nguyên đán. Các bị cáo thống nhất ngày 07 tháng 3 năm 2018 đi vào rừng. Đến ngày 09 tháng 3 năm 2018 tiến hành khai thác gỗ và đến ngày 15 tháng 3 năm 2018 thì bị Công an huyện Nam Giang bắt. Các bị cáo đã tổ chức chặt hạ 04 (bốn) cây gỗ Giỗi hương (nhóm III) có khối lượng là 20,929m3 (hai mươi phẩy chín trăm hai mươi chín mét khối) và 01 (một) cây gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 2,979m3 (hai phẩy chín trăm bảy mươi chín mét khối) tại Tiểu khu 265 thuộc địa bàn T 2, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam là rừng tự nhiên phòng hộ được BQLRPH Nam Sông Bung quản lý. Do đó, VKSND giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo về tội “ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, mỗi bị cáo nộp là 2.000.000 (hai triệu) đồng; các bị cáo có thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo Đ có công với cách mạng được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ; các bị cáo phạm tội lần đầu; các bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập bấp bênh, con còn nhỏ dại lại đau ốm thường xuyên, trong đó bị cáo L và bị cáo N thuộc hộ cận nghèo; gia đình các bị cáo có người thân thích có công với cách mạng; bị cáo T ra đầu thú. Đề nghị Hội đồng xét xử (sau đây viết tắt là HĐXX) áp dụng theo điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, riêng bị cáo Đ còn được áp dụng thêm điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS và áp dụng Điều 54 của BLHS cho tất cả các bị cáo; xử phạt bị cáo T từ 12 (mười hai) tháng tù đến 18 (mười tám) tháng tù; xử phạt bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P mỗi bị cáo từ 09 (chín) tháng tù đến 12 (mười hai) tháng tù và áp dụng Điều 36 của BLHS xử phạt bị cáo Đ từ 06 (sáu) tháng đến 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ và xét các bị cáo đều là dân lao động tự do, không có tài sản, thu nhập bấp bênh nên không cần phải áp dụng hình phạt bổ sung, riêng bị cáo Đ tuổi đã lớn, không có nguồn thu nhập nên đề nghị miễn khấu trừ thu nhập. Về trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại, đề nghị HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho BQLRPH Nam Sông Bung các khoản về giá trị các cây gỗ đã bị chặt hạ và giá trị thiệt hại về môi trường theo định giá của HĐĐG. Về xử lý vật chứng, đề nghị HĐXX giao cho BQLRPH Nam Sông Bung 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại đã thu giữ được và số tiền 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng mà các bị cáo nộp, để khấu trừ vào phần các bị cáo phải bồi thường, còn lại 01 (một) chiếc phà bằng kim loại nhôm, khung bằng gỗ dài 10,9 mét (mười mét chín) và 02 (hai) cái máy cưa lốc nhãn hiệu STILL (một máy cưa có lưỡi cưa và một máy cưa không có lỡi cưa) thì tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Luật sư Trương Ngọc Trung bào chữa cho bị cáo N và Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Vy bào chữa cho bị cáo L đều thừa nhận hai bị cáo thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và luận tội của Kiểm sát viên (sau đây viết tắt là KSV), đồng ý với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và Điều 54 của BLHS mà KSV đề nghị áp dụng đối với hai bị cáo mà mình bào chữa. Tuy nhiên, cả hai người bào chữa đều nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân và căn cứ vào Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để áp dụng Điều 65 của BLHS đối với hai bị cáo.

Bị cáo N và bị cáo L đồng ý với ý kiến của người bào chữa và không bào chữa thêm. Các bị cáo khác không có bào chữa chỉ thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Nguyên đơn dân sự đồng ý với ý kiến của KSV đề nghị về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bị cáo.

Đối đáp ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo N và ý kiến của Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo L, KSV phân tích tính chất nghiêm trọng hành vi của tất cả các bị cáo. Các bị cáo đều biết rõ hành vi khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện tại rừng phòng hộ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, cần phải xử lý nghiêm khắc để giáo dục chung. Tuy nhiên, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân và hoàn cảnh gia đình hiện nay của các bị cáo nên KSV đề nghị HĐXX áp dụng Điều 54 của BLHS để quyết định hình phạt dưới mức thấp của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 232 của BLHS đối với tất cả các bị cáo là đã thể hiện sự khoan hồng trong xử lý và không thể áp dụng Điều 65 của BLHS đối với bị cáo N và bị cáo L.

Lời nói sau cùng của các bị cáo nhận thấy được hành vi phạm tội của mình, do nhận thức không đầy đủ nên đã phạm tội và đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh bản thân và gia đình để giảm nhẹ hình phạt, tạo điều kiện cho các bị cáo hòa nhập cộng đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên (sau đây viết tắt là ĐTV), VKSND huyện Nam Giang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Luật sư bào chữa cho bị cáo N và Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo L thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 73 của BLTTHS; Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, các bị cáo và đương sự không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

[2] Cuối năm âm lịch 2017, bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo Đ và ông C đã gặp nhau tại nhà bị cáo T để chia tiền khai thác tận dụng gỗ tại khu rừng Khe Bưa, đồng thời thảo luận tiếp tục công việc khai thác gỗ trái phép sau khi nghỉ Tết âm lịch. Các bị cáo thảo luận thống nhất được thời gian đi khai thác gỗ; chi phí; phân công nhiệm vụ cho mỗi bị cáo; dùng phà máy làm địa điểm ăn, ngủ trong thời gian khai thác gỗ; địa điểm tập kết cất giấu gỗ; người chịu trách nhiệm lo lương thực, thực phẩm; người nấu ăn và cảnh giới; về nhân lực gọi thêm bị cáo P và chia đều lợi ích thu được. Theo kế hoạch đó, ngày 07 tháng 3 năm 2018 tức ngày 20 tháng giêng Âm lịch, bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P và ông C đi đến huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Bị cáo L mang theo 01 (một) cái cưa máy và bị cáo M giao cho bị cáo T số tiền 800.000 (tám trăm nghìn) đồng để chi phí. Trên đường đi, bị cáo T còn mua thêm 01 (một) cái cưa máy để đề phòng thay linh kiện. Đến đập thủy điện Sông Bung 4 đã có bị cáo Đ đang đánh cá tại đây có nhiệm vụ hàng ngày điều khiển phà máy đưa, đón các bị cáo, nấu ăn phục vụ và cảnh giới. Ngày 08 tháng 3 năm 2018, các bị cáo ở lại trên phà máy vì có Kiểm lâm truy quét và bị cáo T lên bờ mua thêm công cụ dùng để kéo gỗ. Ngày 09 tháng 3 năm 2018, các bị cáo vào rừng nhưng ông C bị đau nên bị cáo T đưa ông C về quê. Các bị cáo khác ở lại khai thác gỗ. Ngày 11 tháng 3 năm 2018, bị cáo T vào lại rừng để tham gia kéo gỗ. Ngày 12 tháng 3 năm 2018, bị cáo

T ra khỏi rừng để đi mua thực phẩm. Đến ngày 15 tháng 3 năm 2018, các bị cáo bị

Công an huyện Nam Giang bắt giữ. Bị cáo T đang ở ngoài rừng nghe tin các bị cáo bị bắt thì ra đầu thú. Các bị cáo đã chặt hạ 04 (bốn) cây gỗ Giổi hương (nhóm III) khối lượng 20,929m3 (hai mươi phẩy chín trăm hai mươi chín mét khối) và 01 (một) cây gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 2,979m3 (hai phẩy chín trăm bảy mươi chín mét khối) tại rừng khe B, nằm trong Lô 3 và 5, khoảnh 8, Tiểu khu 265 thuộc địa bàn T 2, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam là rừng tự nhiên phòng hộ do BQLRPH Nam Sông Bung quản lý (theo Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2013 và Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam). Do đó, các bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo về rừng và lâm sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d, m khoản 2 Điều 232 của BLHS.

[3] Xét tính chất vụ án thì trật tự quản lý kinh tế được Nhà nước bảo vệ và yêu cầu mọi người phải tôn trọng. Bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P và bị cáo Đ đã câu kết khai thác gỗ trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

[4] Xét hành vi của các bị cáo là liều lĩnh và nghiêm trọng. Các bị cáo biết rằng khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật và biết vị trí khai thác gỗ là rừng tự nhiên phòng hộ Nam Sông Bung nhưng vì mục đích kiếm tiền, các bị cáo vẫn cố ý tổ chức thực hiện. Bị cáo T cầm đầu, chịu trách nhiệm điều hành kế hoạch khai thác gỗ và cùng bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P trực tiếp thực hiện vào rừng khai thác gỗ; bị cáo Đ giúp sức, điều khiển phà máy đưa đón các bị cáo, nấu ăn phục vụ và chịu trách nhiệm cảnh giới và các bị cáo dự kiến cùng chia đều lợi ích thu được. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm điều cấm của nhà nước, trong lúc nhà nước có nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ rừng nhưng tình hình vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn phức tạp.

[5] Xét về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các bị cáo đều có nhân thân tốt, thể hiện các bị cáo đều không có tiền án, tiền sự và lần đầu phạm tội. Quá trình điều tra, các bị cáo đã có khắc phục một phần hậu quả; tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thấy hối hận về hành vi của mình gây ra; bị cáo Đ có công với cách mạng được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, HĐXX còn nhận thấy các bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó bị cáo N và bị cáo L thuộc hộ cận nghèo; vợ các bị cáo đều là lao động nông nghiệp bấp bênh; con các bị cáo đều còn nhỏ, bị cáo L có con nhỏ bị khuyết tật, bị cáo V có 01 con bị bệnh tim bẩm sinh, đau ốm thường xuyên, con bị cáo P cũng đau ốm thường xuyên; các bị cáo đều là lao động chính chủ yếu của gia đình; bị cáo M, bị cáo V, bị cáo N và bị cáo Đ đều chưa học hết phổ thông tiểu học, bị cáo T, bị cáo L và bị cáo P học dở dang chương trình phổ thông cơ sở nên các bị cáo nhận thức rất đơn giản, chỉ biết lao động trong lúc nhàn rỗi cốt để có tiền giải quyết cho cuộc sống khó khăn mà chưa thấy hết được hậu quả nguy hiểm hành vi của mình; bị cáo T có ông nội có công với cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, có cha, mẹ có công với cách mạng và mẹ được tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và có nhiều người thân thích khác có công với cách mạng, bị cáo Dịp ra đầu thú; bị cáo N có nhiều người thân thích có công với cách mạng, được tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sỹ; bị cáo Đ có cha có công với cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, có vợ có công với cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và có nhiều người thân thích khác có công với cách mạng; bị cáo V có ông ngoại có công với cách mạng được tặng nhiều Huân chương các loại, có mẹ có công với cách mạng được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ mà bị cáo đang trực tiếp phụng dưỡng và có nhiều người thân thích khác có công với cách mạng; bị cáo L có người thân thích là liệt sỹ. Do đó, cho các bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của BLHS và riêng bị cáo Đ còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS như đề nghị của KSV và phân tích thống nhất của người bào chữa.

Lời bào chữa của Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý đều đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 65 của BLHS đối với bị cáo N và bị cáo L. Tuy nhiên, HĐXX

nhận thấy rằng các bị cáo đã câu kết khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên phòng hộ thuộc lâm phần của BQLRPH Nam Sông Bung quản lý, vừa thách thức công tác quản lý đối với các cơ quan chức năng, vừa gây bất bình cho nhân dân và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đối với bị cáo cầm đầu và những bị cáo trực tiếp vào rừng khai thác gỗ trái phép, trong đó có bị cáo N và bị cáo L, đều không đủ điều kiện để áp dụng Điều 65 của BLHS như ý kiến đề nghị của người bào chữa.

[6] Xét tính chất, hậu quả hành vi, HĐXX nhận thấy phải áp dụng hình phạt để giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS nên HĐXX áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 54 của BLHS xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 232 của BLHS và theo vai trò của từng bị cáo, áp dụng loại hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V và bị cáo P mới không ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội; đối với bị cáo Đ có nơi cư trú rõ ràng, lớn tuổi, giữ vai trò giúp sức nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội mà áp dụng Điều 36 của BLHS là loại hình phạt nằm trong khung liền kề nhẹ hơn khoản 2 Điều 232 của BLHS như đề nghị của KSV là phù hợp, đồng thời xét bị cáo Đ tuổi đã lớn, không có nguồn thu nhập nên HĐXX miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo như ý kiến đề nghị của KSV.

[7] Xét về hình phạt bổ sung, theo quy định tại khoản 4 Điều 232 BLHS thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa thì tất cả các bị cáo đều là người dân lao động tự do, thu nhập không ổn định, không có tài sản, điều kiện kinh tế còn khó khăn, bị cáo L và bị cáo N còn là hộ cận nghèo. Vì vậy, HĐXX quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo.

[8] Xét về trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại, hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm thiệt hại 04 (bốn) cây gỗ Giỗi hương (nhóm III) và 01 (một) cây gỗ Lim xanh (nhóm IIA) có tổng khối lượng 23,908m3 (hai mươi ba phẩy chín trăm linh tám mét khối) gỗ tròn thương phẩm, HĐĐG kết luận giá trị là 177.782.500 (một trăm bảy mươi bảy triệu bảy trăm tám mươi hai nghìn năm trăm) đồng, đồng thời còn gây thiệt hại về môi trường do khai thác gỗ rừng phòng hộ, HĐĐG kết luận giá trị là 711.130.000 (bảy trăm mười một triệu một trăm ba mươi nghìn) đồng. Do đó, theo yêu cầu của BQLRPH Nam Sông Bung, HĐXX căn cứ Điều 48 của BLHS và Điều 584; Điều 589 của Bộ luật Dân sự (sau đây viết tắt là BLDS) buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại theo kết luận của HĐĐG, mỗi bị cáo bồi thường theo phần bằng nhau giữa các bị cáo. Khấu trừ 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại bị thu giữ có giá trị là 29.616.400 (hai mươi chín triệu sáu trăm mười sáu nghìn bốn trăm) đồng và số tiền 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng các bị cáo nộp khắc phục hậu quả, còn lại các bị cáo phải tiếp tục bồi thường. BQLRPH Nam Sông Bung sử dụng giá trị 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại và số tiền các bị cáo bồi thường vào việc tái tạo rừng.

[9] Xét về vật chứng đang tạm giữ, Cơ quan điều tra thu giữ 39 (ba mươi chín) phách gỗ Giỗi hương (nhóm III) khối lượng 2,44m3 (hai phẩy bốn mươi bốn mét khối) và 08 (tám) phách gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 0,287m3 (không phẩy hai trăm tám mươi bảy mét khối). Đây là số gỗ do các bị cáo cưa xẻ từ 04 (bốn) cây gỗ Giỗi hương và 01 (một) cây gỗ Lim xanh bị chặt hạ. Theo đề nghị của BQLRPH Nam Sông Bung, HĐXX căn cứ Điều 106 của BLTTHS giao cho BQLRPH Nam Sông Bung xử lý theo pháp luật 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại này và số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả là 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng.

Đối với các loại vật chứng khác là 01 (một) chiếc phà máy bằng kim loại nhôm, khung bằng gỗ dài 10,9m (mười phẩy chín mét) và 02 (hai) cái máy cưa lốc nhãn hiệu STILL (một máy cưa có lưỡi cưa và một máy cưa không có lưỡi cưa) là công cụ, phương tiện của các bị cáo dùng để phạm tội thì áp dụng khoản 2 Điều 106 của BLTTHS tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

[10] Xét về án phí, căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 của  Bộ Luật tố tụng hình sự thì người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Do đó, căn cứ Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (sau đây viết tắt là UBTVQH), Hội đồng xét xử buộc bị cáo T, bị cáo M, bị cáo V, bị cáo P và bị cáo Đ phải chịu các loại án phí sơ thẩm. Trường hợp bị cáo L và bị cáo N thuộc hộ cận nghèo được chính quyền nơi cư trú xác nhận và hai bị cáo có đơn đề nghị miễn nộp án phí; do đó, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 và Điều 14 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTVQH, HĐXX miễn nộp tiền các loại án phí sơ thẩm đối với hai bị cáo.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo T, bị cáo L, bị cáo M, bị cáo N, bị cáo V, bị cáo P và bị cáo Đ phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo T 01 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hánh án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 16 tháng 5 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo L 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hánh án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo M 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hánh án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo N 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 24 tháng 4 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo V 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 20 tháng 4 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54 của BLHS; phạt bị cáo P 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hánh án và được tính trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 24 tháng 4 năm 2018.

Căn cứ điểm d, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s, x khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 36 của BLHS; phạt bị cáo Đ 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ và được tính trừ thời gian đã tạm giữ từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến ngày 21 tháng 3 năm 2018, cứ 01 ngày tạm giữ bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

Giao bị cáo Đ cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện L, tỉnh Quảng Nam để giám sát, giáo dục.

Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản án.

2. Về dân sự:

Căn cứ Điều 48 của BLHS, Điều 589 của BLDS buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường theo phần bằng nhau các loại thiệt hại cho BQLRPH Nam Sông Bung:

+Thiệt hại về gỗ số tiền: 177.782.500 (một trăm bảy mươi bảy triệu bảy trăm tám mươi hai nghìn năm trăm) đồng;

+Thiệt hại về môi trường số tiền: 711.130.000 (bảy trăm mười một triệu một trăm ba mươi nghìn) đồng.

Tổng số tiền các loại thiệt hại phải bồi thường là 888.912.500 (tám trăm tám mươi tám triệu chín trăm mười hai nghìn năm trăm) đồng.

Khấu trừ giá trị 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại là 29.616.400 (hai mươi chín triệu sáu trăm mười sáu nghìn bốn trăm) đồng và số tiền 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng các bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả, còn lại các bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền là 845.296.100 (tám trăm bốn mươi lăm triệu hai trăm chín mươi sáu nghìn một trăm) đồng.

Phần liên đới bồi thường theo phần cụ thể của mỗi bị cáo là:

Bị cáo T: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo L: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo M: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo N: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo V: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo P: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Bị cáo Đ: 120.756.586 (một trăm hai mươi triệu bảy trăm năm mươi sáu nghìn năm trăm tám mươi sáu) đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, BQLRPH Nam Sông Bung có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án và đối với khoản tiền bồi thường thì kể từ ngày BQLRPH Nam Sông Bung có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền bồi thường, hàng tháng các bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Xử lý vật chứng:

Căn cứ Điều 47 của BLHS và Điều 106 của BLTTHS:

+Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước 01 (một) chiếc phà máy bằng kim loại nhôm, khung bằng gỗ dài 10,9m (mười phẩy chín mét), phà chạy bằng động cơ máy nổ và 02 (hai) cái máy cưa lốc nhãn hiệu STILL (một máy cưa có lưỡi cưa và một máy cưa không có lưỡi cưa).

+Giao cho BQLRPH Nam Sông Bung; gồm có: 

-39 (ba mươi chín) phách gỗ Giỗi hương (nhóm III) khối lượng 2,44m3 (hai phẩy bốn mươi bốn mét khối) và 08 (tám) phách gỗ Lim xanh (nhóm IIA) khối lượng 0,287m3 (không phẩy hai trăm tám mươi bảy mét khối). 

-Số tiền 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng.

(Phà máy; cưa lốc; 47 (bốn mươi bảy) phách gỗ các loại được Cơ quan điều tra giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tại biên bản lập ngày 20 tháng 7 năm 2018 và số tiền 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng đang tạm giữ tại Tòa án nhân dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam)

4. Án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 của BLTTHS; Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTVQH, bị cáo T, bị cáo M, bị cáo P, bị cáo V và bị cáo Đ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, mỗi bị cáo là 200.000 (hai trăm nghìn) đồng và phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, mỗi bị cáo là 6.037.829 (sáu triệu không trăm ba mươi bảy nghìn tám trăm hai mươi chín) đồng (120.756.586 x 5% = 6.037.829 đồng).

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 và Điều 14 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTVQH miễn nộp tiền các loại án phí sơ thẩm đối với bị cáo L và bị cáo N.

HĐXX lưu ý về thủ tục tố tụng, Điều tra viên không thực hiện thông báo cho gia đình và chính quyền xã nơi người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 116 BLTTHS; trong hồ sơ có văn bản Thông báo tạm giam bị cáo nhưng chưa thể hiện đã giao văn bản thông báo cho các thành phần theo Điều 119 BLTTHS, theo các phương thức giao nhận văn bản tố tụng quy định tại Điều 137 BLTTHS; chưa thể hiện giao quyết định bảo lĩnh bị cáo cho người nhận bảo lĩnh mặc dù trên biểu mẫu nơi nhận có ghi đối tượng được nhận quyết định; chưa thông báo cho người nhận bảo lĩnh về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc bảo lĩnh theo quy định tại Điều 121 BLTTHS, để họ biết trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 6 Điều 121 BLTTHS; một số văn bản phê chuẩn của VKS và Quyết định của VKS không có cấu tạo ghép phần biên bản giao nhận trong biểu mẫu nhưng lại cho bị can ký nhận vào văn bản phê chuẩn và quyết định, không đúng thủ tục giao nhận văn bản tố tụng theo Điều 137 của BLTTHS, mặt khác làm mất giá trị pháp lý của văn bản tố tụng; không kiểm tra kỹ thủ tục một số trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh trước khi chấp nhận áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Về trình tự chứng minh, chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh nhưng đã xác định nguyên đơn dân sự, đến giai đoạn kết thúc truy tố mới bổ sung đầy đủ.

Các bị cáo và đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

478
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2018/HS-ST ngày 30/08/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:05/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nam Giang - Quảng Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về