Bản án 05/2018/HSST ngày 03/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CÙ LAO DUNG, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 05/2018/HSST NGÀY 03/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 03 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự  thụ lý số: 29/2017/TLST-HS, ngày 24 tháng 11 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2018/QĐXXST-HS, ngày 21 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo:

- Họ và tên: Nguyễn Văn N (Tên gọi khác: V), sinh năm: 1967,  tại huyện L; Nơi cư trú: ấp T, xã T, huyện L, tỉnh S; nghề nghiệp: làm rẫy; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Châu K (chết) và bà Huỳnh Thị T (sống); có vợ và 02 con; tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06 tháng 10 năm 2017 cho đến nay “Có mặt”.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn N (V): Ông Võ Bá Đ  – Luật sư của Văn phòng luật sư Đ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng “Có mặt”.

- Bị hại: Trần Ngọc H, sinh năm 1974; Cư trú tại: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh S “Có mặt”.

-  Người tham gia tố tụng khác:

Người làm chứng:

+ Trần Thị Sa B (M), sinh năm: 1995; Cư trú tại: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh S “Vắng mặt”.

+ Lê Thị G sinh năm: 1982; Cư trú tại: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh S “Vắng mặt”.

+ Phạm Phi H, sinh năm: 1960; Cư trú tại: Ấp Đ, xã A, huyện C, tỉnh S “Vắng mặt”.

+ Trần Ngọc T, sinh năm: 1971; Cư trú tại: Ấp Đ, xã A, huyện C, tỉnh S “Vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Văn N (V) và Trần Ngọc H kết hôn vào năm 2009, có với nhau được 02 (Hai) đứa con. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, nên Nguyễn Văn N (V) bỏ về nhà mẹ ruột ở ấp T, xã T, huyện L, tỉnh S để sinh sống. Khoảng 19 giờ ngày 14 tháng 8 năm 2017, Nguyễn Văn N (V) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 83P2-251.93 đi về nhà (Nơi Trần Ngọc H và 02 con đang sinh sống cũng là nhà của N) thuộc ấp A, xã A, huyện C, tỉnh S, khi đến nhà thì N (V) không vào nhà mà N (V) đậu xe cách nhà khoảng 50-60 mét rồi đi bộ đến trước cửa nhà nhìn vào nhà thấy H đang nằm võng. Lúc này, N (V) đi qua nhà chị Lê Thị G ngồi nói chuyện khoảng 20-30 phút thì N trở về chổ đậu xe và ngồi dưới cầu ván một mình. Đến khoảng 00 giờ 30 phút ngày 15 tháng 8 năm 2017, N tiếp tục đi lại nhà H và đứng ở ngoài quan sát xem có ai ở trong nhà H không, lúc này N (V) nghe H nói chuyện với ai đó khoảng 01 giờ đồng hồ với những lời lẽ tình cảm, nên N (V) đi lại khu vực để phân bón bên hong nhà sau lấy một khúc kim loại (ống tuýp sắt) dài khoảng 0,5 mét một đầu có gắn khúc gỗ, sau đó N mở cửa sau và đi đến nơi chị H đang nằm trên võng thì Nguyễn Văn N (V) dùng tay phải cầm thanh kim loại đang cầm trên tay đánh mạnh một cái trúng vào môi trên bên phải của H làm tét môi, sau đó N (V) tiếp tục dùng thanh kim loại đánh trúng nhiều cái vào hai tay, hai chân và đùi của H gây bầm tím nhiều nơi trên cơ thể H làm khúc kim loại bị gãy. H đứng dậy thì N (V) nói “Mầy lột đồ ra không, cởi đồ ra không để tao đập vô bộ phận sinh dục của mày cho rồi”. H bỏ chạy ra nhà sau lẫn trốn vào sào quần áo gần nhà tắm. Lúc này, N (V) không rượt đuổi theo H mà đi vào phòng ngủ tìm cái điện thoại của H. Lợi dụng lúc N (V) đang tìm cái điện thoại của H trong phòng ngủ, nên H lấy chìa khóa mở cửa nhà trước chạy ra lộ và chạy vào nhà của chị Lê Thị G trốn, một lúc sau H đi vào nhà của chị Trần Thị Sa B (M). Đối với Nguyễn Văn N (V) sau khi gây thương tích cho H thì điện cho anh Phạm Phi H (H là anh rể của H), N (V) nói với H là: “Anh hai nói dùm ba với má là em đánh H bỏ chạy rồi vì H điện thoại nói chuyện với trai”. Sau đó, H được người nhà đưa đi Bệnh viện đa khoa (Trung tâm y tế) huyện Cù Lao Dung điều trị thương tích từ ngày 15/8/2017 đến ngày 22/8/2017 thì ra viện. Ngày 30/10/2017 N (V) và H đã chính thức ly hôn.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 161/TgT-PY ngày 30/8/2017 của Trung tâm pháp y Sóc Trăng kết luận: Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của Trần Ngọc H do thương tích gây nên là: 15% (Mười lăm phần trăm), thương tích gây ảnh hưởng thẩm mỹ vùng mặt.

Trên cơ sở điều tra và những tài liệu chứng cứ thu thập được, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn N (V) về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Nguyễn Văn N (V) để chờ xét xử.

Vật chứng trong vụ án: Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C đã quyết định thu giữ :

- 01 (Một) thanh kim loại dài 32cm, đường kính 2,1cm, một đầu nham nhỡ, một đầu có gắn khúc gỗ.

- 01 (Một) cái áo nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phía trước áo dính chất dịch màu nâu đỏ;

- 01 (Một) cái quần nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phần hai ống quần có dính chất dịch màu nâu đỏ;

Tại bản cáo trạng số: 27/KSĐT-TA, ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng để xét xử đối với Nguyễn Văn N (V) về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận cáo trạng số: 27/QĐ - KSĐT, ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C và tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn N (V) phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Hành vi mà bị cáo đã thực hiện đã vi phạm vào các điểm a, i khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với 02 tình tiết định khung là dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ. Do đó, bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn N (V) phạm tội ”Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ sau: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại H số tiền là 2.500.000 đồng, nhưng bị hại không nhận, nên bị cáo đã nộp số tiền 2.500.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung để bồi thường cho bị hại. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn N (V) từ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng đến 03 (Ba) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo Nguyễn Văn N (V) phải bồi thường số tiền còn lại cho bị hại H theo quy định của pháp luật.

- Về xử lý vật chứng của vụ án: Vật chứng của vụ án là: 01 (Một) thanh kim loại dài 32cm, đường kính 2,1cm, một đầu nham nhỡ, một đầu có gắn khúc gỗ là phương tiện phạm tội; 01 (Một) cái áo nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phía trước áo dính chất dịch màu nâu đỏ; 01 (Một) cái quần nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phần hai ống quần có dính chất dịch màu nâu đỏ không còn giá trị sử dụng, nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu, tiêu hủy.

- Về án phí hình sự và án phí dân sự: Buộc bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

- Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn N (V): Thống nhất về tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung đã truy tố bị cáo N (V) về tội “Cố ý gây thương tích”.

Về trách nhiệm hình sự đại diện viện kiểm sát cho rằng bị cáo N (V) phạm tội với tình tiết định khung là có tính chất côn đồ là không chính xác, bởi vì nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại là xuất phát từ nguyên nhân vợ chồng có sự mâu thuẫn với nhau, khi bị cáo về nhà trong đêm khuya thì nghe được vợ (Bị hại) gọi điện thoại cho người khác với những lời lẽ tình cảm, bị cáo đã nảy sinh ghen tuông, không làm chủ được bản thân, nên bị cáo mới có hành động là dùng thanh kim loại đánh bị hại nhằm mục đích “dằn mặt” bị hại chứ không có ý tước đi mạng sống của bị hại, bản thân bị cáo còn có 01 người mẹ già đã trên 80 tuổi hiện nay không có người chăm sóc. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ là bị cáo không có tiền án, tiền sự, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện nộp bồi thường thiệt hại cho bị hại H số tiền là 2.500.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung để khắc phục một phần hậu quả do bị cáo gây ra. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ 01 phần hình phạt cho bị cáo, áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo từ 18 (Mười tám) đến 20 (Hai mươi) tháng tù giam, để bị cáo sớm trở về nhà phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc 02 đứa con còn nhỏ (Con chung của bị cáo và bị hại).

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại chi phí điều trị thương tích và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.

- Ý kiến của bị hại Trần Ngọc H: Bị hại thừa nhận là trước khi bị cáo gây thương tích cho bị hại thì giữa bị cáo và bị hại có sự mâu thuẫn, cải vã nhau, nên bị cáo bỏ về nhà mẹ ruột ở ấp T, xã T, huyện L, tỉnh S để sinh sống.

+ Về trách nhiệm hình sự: Yêu cầu Hội đồng xét xử, xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật.

+ Về trách nhiệm dân sự: Yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền chi phí điều trị thương tích và các khoản chi phí khác cụ thể như sau: Tiền thuốc điều trị thương tích là 1.500.000 đồng, tiền tàu xe đi và về khi đi nằm bệnh viện và xuất viện là 400.000 đồng, tiền tàu xe đi Giám định tỷ lệ thương tích là 200.000 đồng (đi và về), tiền ngày công lao động của người bệnh 60 ngày x 300.000 đồng/01 ngày = 18.000.000 đồng, tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi xuất viện là 12.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 13.000.000 đồng, tổng cộng là 45.100.000 đồng, bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường tiền ngày công lao động của người nuôi bệnh.

- Ý kiến của bị cáo N (V): Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung đã truy tố, bị cáo rất ăn năn, hối hận về hành vi của mình đã gây ra, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về trách nhiệm dân sự bị cáo chấp nhận bồi thường chi phí điều trị thương tích và các khoản chi phí khác cho bị hại theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện C, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện C, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Đối với những người làm chứng Trần Thị Sa B (M), Lê Thị G, Phạm Phi H, Trần Ngọc T vắng mặt tại phiên tòa. Do trước đó những người làm chứng đã có lời khai tại Cơ quan điều tra, việc vắng mặt của họ tại phiên tòa hôm nay không ảnh hưởng đến việc xét xử, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 293 của Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành xét xử vắng mặt những người làm chứng Trần Thị Sa B (M), Lê Thị G, Phạm Phi H và Trần Ngọc T.

[3] Tại phiên Toà hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn N (V) thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình là Nguyễn Văn N (V) và Trần Ngọc H kết hôn vào năm 2009, có với nhau được 02 (Hai) đứa con. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, nên Nguyễn Văn N (V) bỏ về nhà mẹ ruột ở ấp T, xã T, huyện L, tỉnh S để sinh sống. Khoảng 19 giờ ngày 14 tháng 8 năm 2017, Nguyễn Văn N (V) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 83P2-251.93 đi về nhà (Nơi Trần Ngọc H và 02 con đang sinh sống cũng là nhà của N) thuộc ấp A, xã A, huyện C, tỉnh S, khi đến nhà thì N (V) không vào nhà mà N (V) đậu xe cách nhà khoảng 50-60 mét rồi đi bộ đến trước cửa nhà nhìn vào nhà thấy H đang nằm võng. Lúc này, N (V) đi qua nhà chị Lê Thị G ngồi nói chuyện khoảng 20-30 phút thì N trở về chổ đậu xe và ngồi dưới cầu ván một mình. Đến khoảng 00 giờ 30 phút ngày 15 tháng 8 năm 2017, N tiếp tục đi lại nhà H và đứng ở ngoài quan sát xem có ai ở trong nhà H không, lúc này N (V) nghe H nói chuyện với ai đó khoảng 01 giờ đồng hồ với những lời lẽ tình cảm, nên N (V) đi lại khu vực để phân bón bên hong nhà sau lấy một khúc kim loại (ống tuýp sắt) dài khoảng 0,5 mét một đầu có gắn khúc gỗ, sau đó N mở cửa sau và đi đến nơi chị H đang nằm trên võng thì Nguyễn Văn N (V) dùng tay phải cầm thanh kim loại đang cầm trên tay đánh mạnh một cái trúng vào môi trên bên phải của H làm tét môi, sau đó N (V) tiếp tục dùng thanh kim loại đánh trúng nhiều cái vào hai tay, hai chân và đùi của H gây thương tích cho bị hại H với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 15% (Mười lăm phần trăm), thương tích gây ảnh hưởng thẩm mỹ vùng mặt.

[4]  Đối với lời khai nhận tội và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo N (V), xét thấy lời thừa nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, phù hợp với lời khai của những người làm chứng và các chứng cứ khác mà Cơ quan điều tra đã thu giữ trong hồ sơ vụ án. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thể hiện là người bình thường đủ năng lực hành vi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo là người trên 18 tuổi, bị cáo nhận thức được việc dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật, tại thời điểm bị cáo gây thương tích cho bị hại H là lúc hai người còn là vợ chồng với nhau, nhưng bị cáo vẫn thực hiện hành vi phạm tội, hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự trị an xã hội tại địa phương, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân. Hành vi này của bị cáo cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội (Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt từ 02 năm đến 06 năm tù). Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn N (V) phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vì vậy, cáo trạng số 27/QĐ - KSĐT, ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng đã truy tố bị cáo về tội danh và khung hình phạt nêu trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan cho bị cáo. Tuy nhiên, với mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo là từ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng đến 03 (Ba) năm tù là quá cao so với hành vi của bị cáo gây ra. Mặc dù bị cáo N (V) đã có hành vi gây thương tích cho bị hại H là 15%, nhưng cũng xuất phát từ nguyên nhân là do vợ chồng có sự mâu thuẫn, cải vã với nhau từ trước, tại phiên tòa bị hại cũng thừa nhận lời trình bày của bị cáo là đúng sự thật. Sau khi gây thương tích cho bị hại, bị hại bỏ chạy, bị cáo không rượt đuổi theo, điều đó cho thấy bị cáo không cố tình tước đi mạng sống của bị hại. Do đó, Hội đồng xét xử cũng sẽ áp dụng một mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo, để có tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung cho toàn xã hội, nhưng có phần giảm nhẹ cho bị cáo và sẽ thấp hơn mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị. Điều đó cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo N (V) thấy rằng, trước khi lượng hình cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại H số tiền là 2.500.000 đồng. Vì vậy, căn cứ vào điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo cũng là đúng pháp luật.

[6] Đối với ý kiến và lời đề nghị của người bào chữa cho bị cáo N (V) nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại là xuất phát từ nguyên nhân vợ chồng có sự mâu thuẫn với nhau, khi bị cáo về nhà trong đêm khuya thì nghe được vợ (Bị hại) gọi điện thoại cho người khác với những lời lẽ tình cảm, bị cáo đã nảy sinh ghen tuông, không làm chủ được bản thân, nên bị cáo mới có hành động là dùng thanh kim loại đánh bị hại nhằm mục đích “dằn mặt” bị hại chứ không có ý tước đi mạng sống của bị hại, bản thân bị cáo còn có 01 người mẹ già đã trên 80 tuổi hiện nay không có người chăm sóc. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ là bị cáo không có tiền án, tiền sự, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện nộp bồi thường thiệt hại cho bị hại H số tiền là 2.500.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung để khắc phục một phần hậu quả do bị cáo gây ra. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ 01 phần hình phạt cho bị cáo, áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo từ 18 (Mười tám) đến 20 (Hai mươi) tháng tù giam, để bị cáo sớm trở về nhà phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc 02 đứa con còn nhỏ (Con chung của bị cáo và bị hại).

Hội đồng xét xử thấy rằng trong vụ án này người bị hại là vợ của bị cáo, lẽ ra khi trở về nhà bị cáo cần bình tỉnh kêu vợ (Bị hại H) cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, trao đổi, giải quyết sự mâu thuẫn của hai vợ chồng, hàn gắn lại hạnh phúc gia đình, nhưng bị cáo không làm như thế mà lại có hành động đánh đập vợ của bị cáo (Bị hại). Do đó, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng một mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo, để có tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung cho toàn xã hội, nên lời đề nghị của người bào chữa cho bị cáo không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị hại H yêu cầu bị cáo phải bồi thường các khoản chi phí sau: Tiền thuốc điều trị thương tích là 1.500.000 đồng, tiền tàu xe đi và về khi đi nằm bệnh viện và xuất viện là 400.000 đồng, tiền tàu xe đi Giám định tỷ lệ thương tích là 200.000 đồng (đi và về), tiền ngày công lao động của người bệnh 60 ngày x 300.000 đồng/01 ngày = 18.000.000 đồng, tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi xuất viện là 12.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 13.000.000 đồng, tổng cộng là 45.100.000 đồng.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Đối với số tiền ngày công lao động của người bệnh, tại phiên tòa hôm nay bị hại H trình bày là bị hại nằm bệnh viện điều trị thương tích là 07 ngày (Từ ngày 15 tháng 8 năm 2017 đến ngày 22 tháng 8 năm 2017 thì xuất viện), nhưng bị hại lại yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền ngày công lao động của người bệnh là 60 ngày x 300.000 đồng/01 ngày = 18.000.000 đồng là không phù hợp với thực tế. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận cho bị hại H số tiền ngày công lao động của người bệnh là 07 ngày với số tiền cụ thể như sau: 07 ngày x 300.000 đồng/01 ngày = 2.100.000 đồng. Đối với số tiền bồi dưỡng sức khỏe bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền là 12.000.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy rằng yêu cầu này của bị hại là không phù hợp với chi phí thực tế mà bị hại đã kê khai giao nộp tại Cơ quan điều tra Công an huyện C ngày 18/10/2017 (Tại bảng kê ngày 18/10/2017 là 6.000.000 đồng). Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận cho bị hại là buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền bồi dưỡng sức khỏe là 6.000.000 đồng. Các chi phí khác được Hội đồng xét xử chấp nhận. Vì vậy, áp dụng các Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 xử buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại chi phí điều trị thương tích và các khoản chi phí khác cụ thể như sau: Tiền thuốc điều trị thương tích là 1.500.000 đồng, tiền tàu xe đi và về khi đi nằm bệnh viện và xuất viện là 400.000 đồng, tiền tàu xe đi giám định tỷ lệ thương tích là 200.000 đồng (đi và về), tiền ngày công lao động của người bệnh 07 ngày x 300.000 đồng/01 ngày = 2.100.000 đồng, tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi xuất viện là 6.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 13.000.000 đồng, tổng cộng là 23.200.000 đồng (Hai mươi ba triệu hai trăm ngàn đồng).

[8] Về xử lý vật chứng: Vật chứng của vụ án là: 01 (Một) thanh kim loại dài 32cm, đường kính 2,1cm, một đầu nham nhỡ, một đầu có gắn khúc gỗ là phương tiện phạm tội; 01 (Một) cái áo nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phía trước áo dính chất dịch màu nâu đỏ; 01 (Một) cái quần nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phần hai ống quần có dính chất dịch màu nâu đỏ không còn giá trị sử dụng, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu, tiêu hủy.

[9] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Văn N (V) là người bị kết án nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017),  điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

+ Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn N (Tên gọi khác: V) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

+ Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N (Tên gọi khác: V) 02 (Hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

- Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Nguyễn Văn N (V) bồi thường cho bị hại Trần Ngọc H số tiền chi phí điều trị thương tích và các khoản chi phí khác tổng cộng là 23.200.000 đồng (Hai mươi ba triệu hai trăm ngàn đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bị hại Trần Ngọc H có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo N (V) không bồi thường số tiền 23.200.000 đồng (Hai mươi ba triệu hai trăm ngàn đồng) thì hàng tháng bị cáo còn phải trả lãi cho bị hại theo mức lãi suất 10%/năm đối với số tiền chậm thi hành án. Trường hợp tại thời điểm trả tiền, mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự có thay đổi theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì lãi suất chậm trả tiền được thực hiện bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục quản lý số tiền 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm ngàn đồng) mà bị cáo Nguyễn Văn N (V) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung theo biên lai thu tiền số 005687 ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cù Lao Dung để đảm bảo thi hành án.

- Về xử lý vật chứng:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu, tiêu hủy 01 (Một) thanh kim loại dài 32cm, đường kính 2,1cm, một đầu nham nhỡ, một đầu có gắn khúc gỗ; 01 (Một) cái áo nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phía trước áo dính chất dịch màu nâu đỏ; 01 (Một) cái quần nữ có sọc carô màu xanh trắng, có hoa văn màu đỏ, xanh, vàng, phần hai ống quần có dính chất dịch màu nâu đỏ theo Quyết định chuyển vật chứng số: 27/QĐ – VKS ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

- Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a khoản 1 Điều 23, Điều 26 và Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

+ Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Văn N (V) phải nộp là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng).

+ Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Văn N (V) phải nộp án phí có giá ngạch là 1.160.000 đồng (Một triệu một trăm sáu mươi ngàn đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

- Về quyền kháng cáo bản án: Căn cứ vào Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

367
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2018/HSST ngày 03/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:05/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:03/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về