TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN LẠC, TỈNH HÒA BÌNH
BẢN ÁN 05/2018/DS-ST NGÀY 27/09/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC
Ngày 27 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 03/2018/TLST - DS ngày 19 tháng 3 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2018/QĐXXST-DS ngày 22 tháng 8 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 04/2018/QĐST-DS ngày 11/9/2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1970. Nơi cư trú: Xóm Đ, xã Q, huyện T, tỉnh Hòa Bình. Có mặt tại phiên tòa.
Người đại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Hải T – Luật sư Văn phòng Luật sư H T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình. Có mặt tại phiên tòa.
2. Bị đơn: Ông Trịnh Ngọc Q, sinh năm 1970. Nơi cư trú: Xóm V, xã P, huyện T, tỉnh Hòa Bình. Vắng mặt tại phiên tòa.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Tạ Thị Minh K, sinh năm 1975. Địa chỉ: Tiểu khu 1x, thị trấn L, huyện L, tỉnh Hòa Bình. Vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.
4. Người làm chứng:
Bà Kiều Thị P, sinh năm 1969. Nơi cư trú: Xóm V, xã P, huyện T, tỉnh Hòa Bình. Có mặt.
Bà Hoàng Thị Đ, sinh năm 1972. Nơi cư trú: Xóm T, xã Q, huyện T, tỉnh Hòa Bình. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, phía nguyên đơn trình bày: Do quen biết ông Trịnh Ngọc Q thông qua bà Kiều Thị P nên ngày 21/9/2017, bà Nguyễn Thị N có thỏa thuận với ông Trịnh Ngọc Q về việc gópvốn cùng khai thác mạt đá nghiền tại xóm V, xã P, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Theo đó, ông Q sẽ bán lại cho bà N 50% giá trị các tài sản của tổ hợp khai thác đá của ông Q, sau đó bà N và ông Q cùng khai thác và hưởng lợi tức chung. Tài sản của tổ hợp khai thác đá của ông Q gồm có 01 máy xúc 200 Sola, 01 máy xúc Comasu, 01 máy nghiền đá và 01 ngôi nhà. Hai bên thỏa thuận tự định giá trị các tài sản trên tổng cộng là 1.450.000.000 (Một tỷ, bốn trăm năm mươi triệu) đồng. Bà Nguyễn Thị N sẽ góp vốn với ông Q bằng cách mua lại 50% giá trị các tài sản nêu trên; tức là bà N sẽ trả cho ông Q số tiền bằng 725.000.000 (Bảy trăm hai mươi lăm triệu) đồng. Bà N đưa ngay cho ông Q ngày 21/9/2017 số tiền 300.000.000 (Ba trăm triệu) đồng, số tiền còn lại 425.000.000 đồng bà N sẽ đưa cho ông Q trong hạn 6 tháng. Ông Q bàn giao cho bà N toàn bộ các tài sản của tổ hợp và để bà N trực tiếp quản lý hoạt động của tổ hợp trong 6 tháng và trong thời hạn này nếu bà N không muốn tiếp tục làm ăn chung thì ông Q có trách nhiệm trả lại tiền đặt cọc và bồi thường do hai bên thỏa thuận. Thỏa thuận nêu trên được lập thành văn bản là “Giấy chuyển nhượng cổ phần” ngày 21/9/2017, có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Phương A và bà Kiều Thị P. Sau đó bà N còn đưa thêm cho ông Q hai lần tiền vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2017; một lần chuyển 14.000.000 (Mười bốn triệu) đồng vào tài khoản của bà Tạ Thị K là vợ ông Q, một lần bà N có nhờ bà P đưa cho ông Q là 11.000.000 (Mười một triệu) đồng. Tổng cộng bà N đã giao cho ông Trịnh Ngọc Q số tiền là 325.000.000 (Ba trăm hai mươi lăm triệu đồng). Bà N có đến tiếp quản và điều hành tổ hợp khai thác đá được hai lần, lần thứ nhất được khoảng 10 ngày, lần thứ hai được khoảng 01 tuần. Quá trình bà N điều hành, quản lý tổ hợp khai thác đá thì ông Q thường xuyên đến hỏi tiền và liên tục yêu cầu chia lãi theo ngày trong khi bà N muốn hạch toán và chia lãi theo tháng. Quá trình điều hành thì tổng số tiền lãi thu được khoảng 20.000.000 đồng thì bà N đã đưa cho ông Q 13.000.000 đồng, còn bà N chỉ được 7.000.000 đồng. Hai bên nảy sinh mâu thuẫn; ông Q đã thu chìa khóa máy móc và không cho bà N tham gia quản lý, điều hành tổ hợp khai thác đá nữa. Ông Q cũng không chia lợi nhuận và không thanh toán trả bà N các khoản tiền mà bà N đã đưa cho ông Q. Vì vậy, bà Nguyễn Thị N khởi kiện yêu cầu ông Trịnh Ngọc Q thanh toán trả cho bà N tổng các khoản tiền bà N đã đưa cho ông Q là 325.000.000 (Ba trăm hai mươi lăm triệu) đồng.
Phía Bị đơn là ông Trịnh Ngọc Q trình bày: Ông Trịnh Ngọc Q thừa nhận những nội dung thỏa thuận ngày 21/9/2017 là đúng. Tuy nhiên, trước khi quen biết bà Nguyễn Thị N, ông Trịnh Ngọc Q có chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Phương A. Năm 2017, ông Q và bà Phương A có mâu thuẫn và ông Q muốn chấm dứt quan hệ tình cảm với bà Phương A và cần một số tiền để chiacho bà Phương A. Lúc này ông Q quen biết bà N thông qua bà Kiều Thị P. Bà N hỏi ông Q là cần bao nhiêu tiền để đưa cho bà Phương A thì ông Q nói là cần khoảng 300.000.000 (Ba trăm triệu) đồng. Bà N liền đưa cho ông Q số tiền nêu trên để đưa cho bà Phương A trước sự chứng kiến của bà Kiều Thị P. Bà N yêu cầu bà Phương A viết “Giấy chuyển nhượng cổ phần” ngày 21/9/2017 và yêu cầu ông Q và bà Phương A giao lại toàn bộ việc khai thác mỏ đá, nhà ở cho bà N quản lý với tư cách là vợ ông Q. Bà N quản lý khai thác mỏ đá từ khâu thu – chi và toàn bộ các hoạt động khác của tổ hợp khai thác đá. Ông Q thừa nhận có nhận từ bà N 300.000.000 đồng nhưng nhận là với mục đích để ông Q đưa cho bà Phương A để chấm dứt quan hệ tình cảm với bà Phương A. Đối với số tiền 14.000.000 đồng thì theo thỏa thuận giữa ông Q và bà N là cuối tháng thì bà N phải chuyển cho vợ chính thức của ông Q là bà Tạ Thị K; đó là số tiền lợi tức từ việc khai thác mỏ đá. Đối với số tiền 11.000.000 đồng thì ông Q có được nhậnhay không ông cũng không nhớ. Nay bà N khởi kiện yêu cầu ông Q thanh toán trả các khoản tiền nêu trên, tổng cộng là 325.000.000 đồng thì ông Q không đồng ý vì cho rằng, thời gian bà N quản lý khai thác mỏ đá bà N đã mang toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác mỏ đá và một phần tiền của bà N đi cho bà Hoàng Thị Đ vay (tổng số tiền N cho bà Đ vay là 4.150.000.000 (Bốn tỷ, một trăm năm mươi triệu) đồng). Số tiền thu được trong quá trình bà N khai thác mỏ đá còn nhiều hơn số tiền 325.000.000 đồng. Mặt khác, khoảng thời gian gần tết Nguyên đán năm 2017, bà N có ủy quyền cho ông Q mang người đến nhà bà Đ đòi nợ; nếu đòi nợ bà Đ được thì bà N và ông Q chia đôi, nhưng đang đòi nợ bà N lại thay đổi không đi đòi nữa nên ông Q đã phải trả cho những người đi đòi nợ cùng 10% khoản nợ là 415.000.000 đồng.
Phía bà Nga khẳng định thỏa thuận giữa bà và ông Trịnh Ngọc Q chỉ thuần túy là quan hệ làm ăn, không có quan hệ tình cảm gì với ông Trịnh Ngọc Q. Bà N cũng không mang tiền thu được từ tổ hợp khai thác đá đi cho vay; tiền cho bà Hoàng Thị Đ vay là tiền của cá nhân bà và việc cho vay diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017. Việc đi đòi nợ bà Đ thì bà N có nhờ ông Q, sau đó lại hoãn đòi nợ nhưng không có thỏa thuận chia hay trả công cho ông Q.
Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Tạ Thị Minh K khai rằng: bản thân bà không hề biết quan hệ làm ăn giữa ông Q và bà N (vì bà K ở huyện L, tỉnh Hòa Bình), bà K chưa từng biết bà N. Bà K xác nhận là vợ chính thức của ông Q và trước đó có vay tiền cho ông Q mua máy móc khai thác đá và hàng tháng vẫn phải trả khoảng 30.000.000 đồng tiền lãi cho Ngân hàng. Hàng tháng ông Q vẫn chuyển tiền về hoặc bà lên Tân Lạc lấy tiền từ ông Q để trả nợ Ngân hàng. Việc bà N có gửi tiền vào tài khoản của bà vào ngày 02/10/2017 thì hiện bà không xác định được (không nhớ) nhưng bà K khẳng định không quen biết bà N; việc ai gửi tiền vào tài khoản của bà thì đều do ông Q phải chịu trách nhiệm (có thể do ông Q nhờ gửi). Mặt khác, tên thật của bà là Tạ Thị Minh K, chứ không phải Tạ Thị K, số tài khoản của bà cụ thể là 45510000125xxx và tài khoản thuộc Ngân hàng phát triển và đầu tư – Chi nhánh huyện L. Do vậy, yêu cầu của bà N về khoản tiền 14.000.000 đồng thì bà K không chịu trách nhiệm vì bà không liên quan gì đến việc hợp tác làm ăn giữa ông Q và bà N, không quen biết bà N.
Người làm chứng là bà Kiều Thị P xác nhận giữa bà và bà N có quan hệ khá thân thiết nên bà N có hay đến nhà bà P (gần nhà ông Q) để chơi. Đến tháng 9 năm 2017, lúc này ông Q và bà Phương A sống với nhau như vợ chồng, cómâu thuẫn do quá trình chung sống, bà Phương A tiêu nhiều tiền của ông Q và đang đòi bán máy xúc của ông Q vì bà Phương A cũng đã có đóng góp vào khối tài sản của ông Q (làm nhà). Ông Q muốn chia tay bà Phương A và cũng muốn giữ lại máy xúc để khai thác mạt đá vì tổ hợp khai thác mạt đá có lãi khoảng 20.000.000 đồng một tháng. Biết vậy, bà N muốn góp vốn với ông Q. Việc bàn bạc hai bên như thế nào bà P không biết rõ nhưng ngày 21/9/2017 bà P có được chứng kiến việc bà N đưa trực tiếp cho ông Q số tiền 300.000.000 đồng. Ông Q cầm tiền và đưa trả cho bà Phương A 270.000.000 đồng, cho thêm bà Phương A10.000.000 đồng, số tiền còn lại 20.000.000 đồng ông Q giữ. Khi giao tiền có lập “Giấy chuyển nhượng cổ phần”. Giấy này do bà Phương A lập và do ông Qlà người đọc cho bà Phương A viết. Thoả thuận là khai thác chung mỏ đá nhưng có ghi thêm tài sản là nhà ở vì ông Q nói kê thêm như vậy để sau này bà Phương
A không có cớ để quay lại vòi vĩnh tiền của ông Q nữa. Đối với khoản tiền 11.000.000 đồng, bà P khẳng định có được trực tiếp đưa cho ông Trịnh Ngọc Q theo ý bà N. Khoản tiền 14.000.000 bà N chuyển cho bà K thì bà P không được biết.
Qua xác minh và các đương sự thừa nhận tổ hợp khai thác đá nghiền đá của ông Trịnh Ngọc Q chỉ là tổ hợp sản xuất gia đình nhỏ lẻ, không thành lập doanh nghiệp và ông Q cũng không được cấp giấy phép kinh doanh, khai thác. Các máy móc, tài sản ghi trong văn bản thỏa thuận ngày 21/9/2017 hiện nay vẫn còn, chỉ đổi máy xúc 200 Sola bằng máy xúc 200 Comasu bánh xích có giá trị như nhau và hiện đang do ông Trịnh Ngọc Q quản lý, sử dụng.
Đối với bà Nguyễn Thị Phương A hiện không xác định được địa chỉ nơi cư trú, không lấy được ý kiến của bà Phương A. Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án để xem xét.
Tòa án đã tiến hành hòa giải những không thành, do vậy vụ án được đưa ra xét xử ngày hôm nay.
Diễn biến tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: thỏa thuận giữa bà N và ông Q và là thuận thuận hợp đồng hợp tác, theo đó bà N đã đưa cho ông Q tổng cộng 325.000.000 đồng trong tổng số725.000.000 đồng phải góp. Trong số 325.000.000 bà N đã đưa cho ông Q làm 3 lần; một lần đưa trực tiếp cho ông Q 300.000.000 đồng, một lần đưa 11.000.000 đồng qua bà Kiều Thị P và một lần chuyển vào tài khoản của bà Tạ Thị Minh K 14.000.000 đồng. Việc đưa tiền, và chuyển tiền có bà Kiều Thị P làm chứng vàngân hàng nơi gửi và nợi nhận xác nhận. Quá trình hợp tác các bên có thỏa thuận nếu bà N không muốn làm ăn chung thì có quyền yêu cầu rút vốn trong hạn 6 tháng. Do vậy, yêu cầu của bà N là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Trịnh Ngọc Q thanh toán trả lại cho bà Nguyễn Thị N số tiền325.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh. Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nhất trí với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Phía đại diện Viện kiểm sát nhận định về tố tụng: Thẩm phán, Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý, giải quyết vụ án đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với các đương sự thì nguyên đơn đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án xét xử vắng mặt họ là đúng quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án: thấy rằng thỏa thuận hợp tác giữa bà Nguyễn Thị N và ông Trịnh Ngọc Q ngày 21/9/2017 là hoàn toàn tự nguyện. Mục đích để chung nhau cùng làm ăn chia lợi nhuận. Bà N đã thực hiện bằng việc góp vốn với ông Trịnh Ngọc Q 325.000.000 đồng và trong 6 tháng nếu bà N không muốn tiếp tục làm ăn chung thì có quyền đòi lại khoản tiền đã góp. Do vậy, yêu cầu của bà N đòi lại khoản tiền 325.000.000 là phù hợp với thỏa thuận giữa ông Q và bà N ngày 21/9/2017 và quy định tại Điều 504, điểm a khoản 1 khoản 2 Điều 510 của Bộ luật dân sự nên đề Nghị Hội đồng xét xử cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Quan hệ pháp luật trong vụ án được xác định là tranh chấp hợp đồng. Các đương sự đều có nơi cư trú tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình nên Tòa án nhân dân huyện Tân Lạc thụ lý giải quyết là đúng quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với ông Trịnh Ngọc Q được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng vắng mặt tại phiên tòa mà không có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án đã hoãn phiên tòa là đúng quy định tại khoản 1 Điều 227 của Bộ luật Tố Tụng dân sự. Ông Trịnh Ngọc Q đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai những vẫn vắng mặt, bà Tạ Thị Minh K đã có đơn xem xét xử vắng mặt nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông Trịnh Ngọc Q và bà Tạ Thị Minh K theo quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung vụ án: Xét thỏa thuận giữa bà Nguyễn Thị N và ông Trịnh Ngọc Q ngày 21/9/2017 là thỏa thuận cùng đóng góp tài sản, công sức để khai thác, kinh doanh mỏ đá, cùng thỏa thuận chia lợi nhuận một cách tự nguyện. Như vậy, thỏa thuận giữa bà N và ông Q phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng hợp tác. Theo đó, bà N đóng góp bằng 50% giá trị tài sản tổ hợp khai thác đá với số tiền là 725.000.000 đồng và đóng góp ngay số tiền300.000.000 đồng, số tiền còn lại 425.000.000 đồng các bên thỏa thuận bà N sẽ đóng góp trong hạn 6 tháng sau. Trong hạn 6 tháng này nếu bà N không thích thì ông Q phải trả lại số tiền bà N đã giao. Xét thỏa thuận nêu trên đáp ứng đầy đủ điều kiện của một giao dịch dân sự là hợp đồng hợp tác, đã được lập thành văn bản, phù hợp các quy định tại Điều 117 và Điều 504, 505 của Bộ luật dân sự 2015. Do vậy, thỏa thuận giữa bà Nguyễn Thị N và ông Trịnh Ngọc Q ngày21/9/2017 là hợp pháp. Việc bà Nguyễn Thị N rút khỏi hợp đồng hợp tác và đòi lại số tiền đã đưa là có trong thỏa thuận hợp đồng và phù hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 510 của Bộ luật dân sự 2015.
[3] Về các khoản tiền bà Nguyễn Thị N đã đưa cho ông Trịnh Ngọc Q: Đối với khoản tiền 300.000.000 đồng bà N đưa cho ông Q ngày 21/9/2017 đã được lập trong “Giấy chuyển nhượng cổ phần”, có sự chứng kiến của bà Kiều Thị P, đã được ông Q ký nhận. Tuy nhiên, ông Q cho rằng số tiền này bà N đưa cho ông Q để ông Q đưa cho bà Phương A để chấm dứt quan hệ tình cảm giữa ông Q và bà Phương A nhưng hợp đồng lại ghi rõ là tiền đặt trước trong tổng số tiền bà N phải góp để mua 50% giá trị tổ hợp khai thác đá. Do vậy, việc ông Q nhận tiền và đưa cho bà Phương A hay sử dụng vào việc khác là việc riêng của ông Q. Ông Q vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện đúng thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết; có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà Nguyễn Thị N khoản tiền bà N đã đưa cho ông Q là 300.000.000 đồng. Việc ông Q cho rằng quá trình bà N quản lý tổ hợp khai thác đá đã mang tiền thu được từ việc khai thác (còn nhiều hơn số tiền 325.000.000 đồng) và một phần tiền của bà N đi cho bà Hoàng Thị Đ vay là không có căn cứ vì: việc vay tiền giữa bà Hoàng Thị Đ và bà Nguyễn Thị N được thực hiện vào các ngày 15/4/2017, 21/4/2017 và ngày 01/6/2017 (tổng số tiền là 4.150.000.000 (Bốn tỷ, một trăm năm mươi triệu) đồng theo các giấy vay tiền) trong khi giao dịch giữa ông Q và bà N đến ngày 21/9/2017 mới được xác lập và thực hiện. Đối với khoản tiền 11.000.000 bà Nđưa cho ông Q thông qua bà Kiều Thị P; bà P xác nhận là có thật và ông Q khai rằng không nhớ nhưng cũng không khẳng định chưa nhận. Do vậy, khoản tiền này được coi như việc bà N thực hiện góp vốn phần còn lại theo thỏa thuận. Đối với khoản tiền 14.000.000 đồng bà N chuyển khoản cho bà Tạ Thị Minh K; Phía bà K xác nhận mình không còn nhớ có được nhận khoản tiền 14.000.000 từ bà N hay không. Bà K khai mình tên đúng là Tạ Thị Minh K chứ không phải là Tạ Thị K và cho Số tài khoản không trùng với số tài khoản ghi trên giấy nộp tiền nhưng có cung cấp giấy chứng minh nhân dân. Qua xác minh, các ngân hàng nơi gửi là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Hòa Bình và ngân hàng nơi nhận là Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Hòa Bình đều xác nhận giao dịch chuyển tiền ngày 02/10/2017 của bà Nguyễn Thị N đã thành công. Bên nhận tiền là Tạ Thị K có số chứng minh nhân dân là 113695xxx. Số chứng minh này trùng với số chứng minh nhân dân hiện tại của bà Tạ Thị Minh K mới được làm lại từ tháng 5 năm 2018. Như vậy, có cơ sở khẳng định bà Tạ Thị Minh K đã nhận được số tiền bà Nguyễn Thị N gửi ngày 02/10/2017. Tuy nhiên, xét bà K không tham gia vào hợp đồng hợp tác giữa ông Q và bà N; bà K chỉ đứng ra vay tiền cho ông Q đầu tư làm ăn và hàng tháng ông Q có nghĩa vụ gửi tiền về cho bà K trả nợ lãi ngân hàng. Mặt khác, bà K và bà N chưa từng biết nhau, việc gửi tiền là trách nhiệm của ông Q và ông Q thừanhận có thỏa thuận với bà N hàng tháng trích lợi nhuận gửi cho bà K 14.000.000 đồng để trả lãi ngân hàng. Về nguồn gốc số tiền: phía ông Q cho rằng đó là trách nhiệm của bà N hàng tháng trích lợi nhuận để gửi cho bà K. Phía bà N khẳng định đó là tiền của cá nhân bà. Xét, theo Giấy nộp tiền thì việc chuyển tiền diễn ra vào ngày 02/10/2017; diễn ra sau 11 ngày xác lập hợp đồng nên lợi nhuận không thể đủ khoản 14.000.000 đồng để chuyển cho bà K (trong khi các bên thừa nhận lợi nhuận 01 tháng khoảng 20.000.000 đồng và bà N quản lý tổ hợp không ổn định). Do đó, khoản tiền 14.000.000 đồng bà N đã chuyển vào tài khoản của bà Tạ Thị K cũng được coi là khoản góp vốn còn lại của bà N theo thỏa thuận. Như vậy, ông Trịnh Ngọc Q phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà Nguyễn Thị N khoản tiền 325.000.000 (Ba trăm hai mươi lăm triệu) đồng. Yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị N là có căn cứ chấp nhận. Đối với khoản tiền lãi phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán xét thấy rằng thỏa thuận giữa các bên là thỏa thuận hợp tác, không phải thỏa thuận vay tiền, không có thỏa thuận lãi; trong quá trình hợp tác một trong các bên có quyền rút vốn theo thỏa thuận. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn không có yêu cầu tính lãi; yêu tính lãi chỉ đưa ra khi phát biểu tranh luận nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét.
[4] Về ý kiến của ông Trịnh Ngọc Q cho rằng bà Nguyễn Thị N nhờ ông đi đòi nợ bà Hoàng Thị Đ và có thỏa thuận chia khoản tiền đòi nợ được theo tỷ lệ50/50. Việc đang đòi nợ thì bà N hoãn lại nên ông đã phải trả cho những người đi đòi nợ cùng ông số tiền 415.000.000 đồng (bằng 10% giá trị khoản nợ). Quá trình Tòa án giải quyết vụ án, ông Q không đưa ra chứng cứ nào chứng minh, không có yêu cầu phản tố nên Hội đồng xét xử không xem xét. Trường hợp có tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng vụ án khác.
[5] Về án phí: Yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTDS; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 504; điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 510; Điều 280, 357,khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015;
Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; Điều 271, 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; khoản 2, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị N; buộc ông Trịnh Ngọc Q có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà Nguyễn Thị N số tiền 325.000.000 (Ba trăm hai mươi lăm triệu) đã góp vốn với ông Trịnh Ngọc Qtheo hợp đồng hợp tác được ký kết ngày 21/9/2017.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Án phí: Ông Trịnh Ngọc Q phải chịu 16.250.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị N được nhận lại 8.125.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0004662 ngày 19/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Lạc.
3.Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Nguyên đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 05/2018/DS-ST ngày 27/09/2018 về tranh chấp hợp đồng hợp tác
Số hiệu: | 05/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tân Lạc - Hoà Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về