TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 05/2017/LĐ-PT NGÀY 03/08/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 03 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 02/2017/TLPT-LĐ ngày 06 tháng 6 năm 2017 về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2017/QĐ-PT ngày 29 tháng 6 năm 2017, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Bích H, sinh năm 1978; Địa chỉ: Ấp N, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An.
Bị đơn: Công ty TNHH một thành viên Y;
Địa chỉ trụ sở: Ấp Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Je I - Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền:
1. Chị Ngô Thanh T, sinh năm 1985;
Địa chỉ: Ấp Giồng Lớn, xã Mỹ H Nam, huyện Đ, tỉnh Long An.
2. Chị Nguyễn Thị Thanh T, sinh năm 1984;
Địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An.
Người kháng cáo: Nguyên đơn chị Nguyễn Thị Bích H.
(Các đương sự đều có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Bích H trình bày:
Từ ngày 19/6/2014, chị làm việc tại công ty TNHH một thành viên Y (gọi tắt là công ty) với công việc chuyên môn là kỹ thuật may chuyền 9 (tổ trưởng chuyền 9). Tuy nhiên, công việc thực tế của chị là tổ trưởng chuyền 9 và chuyền 10. Do công việc quản lý áp lực và trách nhiệm cao nhưng công ty không trả thêm phụ cấp trách nhiệm nên chị đã làm đơn xin nghỉ việc.
Ngày 19/6/2016, chị có làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 20/7/2016 vì không đủ năng lực làm việc nhưng Ban giám đốc công ty chưa duyệt cho chị nghỉ. Đến ngày 02/7/2016, chị tiếp tục làm đơn xin nghỉ việc với lý do không đủ năng lực làm việc, không đủ trách nhiệm quản lý công nhân. Ông Kim Ui K - Giám đốc điều hành công ty động viên chị tiếp tục làm việc và tăng phụ cấp trách nhiệm là 3.500.000đ/tháng. Do đó, ngày 19/7/2016, giữa công ty và chị có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với mức lương chính là 5.805.000đ.
Tuy nhiên, công ty chỉ trả phụ cấp trách nhiệm cho chị được một tháng, những tháng sau đó chị vẫn nhận mức lương 5.805.000đ.
Ngày 25/10/2016, chị có nộp đơn xin làm công nhân nhưng ông Kim Ui K chưa duyệt. Do áo tổ trưởng của chị bị rách nên ngày hôm đó chị lấy áo công nhân mặc để làm công nhân thì ông Kim Ui K đuổi chị về.
Ngày 26/10/2016, ông Kim Ui K có mời chị lên phòng họp và yêu cầu nhận lỗi nhưng chị không nói gì nên công ty cho chị nghỉ việc. Cùng ngày 26/10/2016, công ty giao cho chị Quyết định số 167-2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với lý do chị xin thôi việc.
Nay chị khởi kiện yêu cầu công ty Y có nghĩa vụ bồi thường cho chị các khoản tiền sau:
Tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 26/10/2016 đến 28/4/2017; hai tháng tiền lương theo quy định khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động;
Trong trường hợp công ty không đồng ý nhận chị trở lại làm việc thì phải bồi thường 02 tháng lương;
Tiền lương của 45 ngày không báo trước;
Trợ cấp thôi việc là ½ tháng lương/năm;
Trợ cấp chức vụ tổ trưởng tháng 10/2016 là 3.500.000đ; Lương tháng 13 năm 2016.
(Căn cứ tính bồi thường là mức lương chính 5.805.000 đồng).
Bị đơn Công ty TNHH một thành viên Y do chị Ngô Thanh T và Nguyễn Thị Thanh T đại diện theo ủy quyền trình bày: Hai chị thống nhất với lời trình bày của chị H về thời gian làm việc và công việc của chị H tại công ty. Chị H không muốn làm tổ trưởng mà muốn làm công nhân nên có nộp đơn xin làm công nhân vào ngày 25/10/2016. Giám đốc điều hành là ông Kim Ui K không đồng ý vì công ty chỉ thiếu tổ trưởng (kỹ thuật may), không thiếu công nhân. Hơn nữa, công việc của chị H theo hợp đồng lao động là kỹ thuật may, mức lương và phụ cấp cao hơn so với công nhân. Tuy nhiên, chị H vẫn tự ý lấy áo công nhân mặc và đi làm công nhân. Việc áo tổ trưởng của chị H bị rách, chị H phải báo công ty để đổi áo khác chứ không được tự ý lấy áo công nhân mặc. Ngày 26/10/2016, Giám đốc có mời chị H lên làm việc và đồng ý cho chị H tiếp tục làm tổ trưởng, không đồng ý cho chị H làm công nhân vì công ty đã đủ công nhân. Do đó, chị H tự ý bỏ về.
Ngày 26/10/2016, Giám đốc yêu cầu chị H xin lỗi sự việc ngày 25/10/2016 nhưng chị H nói: Muốn cho làm thì làm, muốn cho nghỉ thì nghỉ chứ không xin lỗi, cho chị nghỉ việc phải đưa cho chị quyết định. Do đó, giám đốc đồng ý cho chị nghỉ việc.
Trước đó vào ngày 19/6/2016 và ngày 02/7/2016, chị H có làm đơn xin nghỉ với lý do không đủ năng lực làm việc, không có khả năng quản lý công nhân. Giám đốc có động viên, tạo điều kiện cho chị H tiếp tục làm việc. Nhưng quá trình làm việc tiếp theo, chị H để xảy ra nhiều sai sót.
Công ty không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị H vì công ty cho chị H nghỉ việc là theo nguyện vọng của chị H. Công ty không có lỗi trong việc ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị H. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty đã thanh toán đầy đủ quyền lợi cho chị H. Đối với khoản phụ cấp trách nhiệm tổ trưởng: Chị H không hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 10/2016 nên không được nhận khoản tiền này.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 28/4/2017 của Toà án nhân dân huyện Đ đã áp dụng các Điều 35, 184, 186, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 36, Điều 41, Điều 42, Điều 48 Bộ luật lao động; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích H về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với công ty TNHH một thành viên Y;
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 15/5/2017, chị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Chị H trình bày bổ sung: Ngày 25/10/2016, chị có làm đơn gửi Giám đốc điều hành là ông Kim Ui K xin xuống làm công nhân. Ông Kim Ui K đã đồng ý cho chị làm công nhân nhưng Giám đốc nhân sự là ông Kim Sang K không đồng ý và đuổi chị về. Ngày 26/10/2016, Ban giám đốc mời chị lên làm việc và đồng ý cho chị tiếp tục làm công việc tổ trưởng. Tuy nhiên, ông Kim Ui K không đồng ý và ký quyết định cho chị nghỉ việc.
Chị Ngô Thanh T và chị Nguyễn Thị Thanh T trình bày: Chị H xin làm công nhân nhưng không được Ban giám đốc công ty chấp nhận. Chị H tự ý làm công nhân, sau đó tự ý bỏ về khi chưa được sự đồng ý của giám đốc là không đúng. Ông Kim Ui K cũng không ký xác nhận đồng ý cho chị H làm công nhân. Do đó, công ty không đồng ý yêu cầu kháng cáo của chị H.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến: Những người tiến hành và tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Chị H tự ý làm công nhân khi chưa được sự đồng ý của công ty là không đúng với công việc quy định tại Điều 1 của hợp đồng lao động. Tại phiên tòa, chị H trình bày: Chị tự thấy bản thân không đủ năng lực làm kỹ thuật chuyền may, không đủ trách nhiệm quản lý công nhân và không thể tiếp tục làm việc. Chị H cũng đã hai lần nộp đơn xin thôi việc. Do đó, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị H là phù hợp nguyện vọng của chị H và phù hợp với Điều 36 Bộ luật lao động. Bản án sơ thẩm tuyên là có căn cứ, kháng cáo của chị H không có cơ sở chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử giữ y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của chị H được thực hiện đúng quy định pháp luật nên vụ án được xét xử theo trình tự phúc thẩm.
[Về nội dung]: Căn cứ Điều 1 của Hợp đồng lao động ngày 19/7/2016 giữa công ty Y và chị H, chị H có chức danh chuyên môn là kỹ thuật chuyền 9; công việc phải làm là kỹ thuật chuyền 9 và theo sự phân công của cấp quản lý; mức lương chính là 5.805.000đ.
Chị H thừa nhận, ngày 19/6/2016, chị làm đơn xin nghỉ việc với lý do không đủ năng lực làm tổ trưởng nhưng được giám đốc động viên và trả thêm phụ cấp trách nhiệm là 3.500.000đ. Đến ngày 19/7/2016, chị H với công ty có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngày 25/10/2016, chị H không làm công việc kỹ thuật may (tổ trưởng) mà tự ý làm công nhân là không đúng công việc hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Giám đốc điều hành không đồng ý cho chị H làm công nhân và yêu cầu chị H trở lại công việc tổ trưởng. Chi H cho rằng chị không có năng lực làm tổ trưởng và tự ý bỏ về.
Như vậy, chị H không muốn làm tổ trưởng kỹ thuật nên tự ý thay đổi công việc từ tổ trưởng kỹ thuật sang làm công nhân là vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động năm 2012.
[2] Ngày 26/10/2016, giám đốc công ty yêu cầu chị H nhận lỗi thì sẽ nhận chị trở lại làm việc với vị trí tổ trưởng nhưng chị H không đồng ý. Công ty cũng không thể bố trí chị H sang làm công việc khác nên được xem là hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012. Do đó, ngày 26/10/2016, công ty Y ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị H là đúng quy định pháp luật. Kháng cáo của chị H không có căn cứ chấp nhận.
Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H là có căn cứ pháp luật.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị Bích H.
Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 28/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Long An.
Căn cứ các Điều 32, 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 36, Điều 41, Điều 42, Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích H về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với công ty TNHH một thành viên Y.
Về án phí: Chị Nguyễn Thị Bích H không phải chịu án phí sơ thẩm và phúc thẩm.
Án phúc thẩm xử công khai có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án 05/2017/LĐ-PT ngày 03/08/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 05/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 03/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về