Bản án 05/2017/HNGĐ-ST ngày 24/04/2017 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHÚ THỌ, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 05/2017/HNGĐ-ST NGÀY 24/04/2017 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Ngày 24 tháng 4 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 114/2016/TLST-HNGĐ ngày 07 tháng 10 năm 2016 về tranh chấp Hôn nhân và gia đình theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2017/QĐXX-ST ngày 15 tháng 3 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị A, sinh năm 1992, nơi ĐKNKTT: Phố L, phường M, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Chỗ ở hiện nay: Khu X, xã Y, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Có mặt. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà D - sinh năm 1983, trú tại: Số nhà 08, Tổ P, phường Q, quận T, thành phố Hà Nội. Có mặt.

2.  Bị đơn: Anh B - sinh năm 1990, địa chỉ: Phố L, phường N, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: ông E, Luật sư Công ty luật TNHH V - Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- C - sinh năm 1964

Trú tại: Phố L, phường M, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hải: ông E, Luật sư Công ty luật TNHH V - Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 22 tháng 09 năm 2016 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là chị A trình bày:

Chị và anh B có tìm hiểu tự nguyện và đăng ký kết hôn ngày 28/5/2010 tại UBND xã Y, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Sau khi kết hôn vợ chồng về chung sống tại nhà chồng ở phố L, phường M, thị xã N, tỉnh Phú Thọ. Quá trình chung sống hòa thuận hạnh phúc, sau đó đến năm 2014 phát sinh mâu thuẫn do anh B chơi bời cờ bạc, quan hệ trai gái không lành mạnh. Anh B cho rằng chị có quan hệ bất chính với người đàn ông khác là không đúng. Anh B và mẹ anh B cung cấp 02 bản ảnh cho rằng đó là của chị và con riêng của chị, 01 phiếu siêu âm 3D cho rằng chị đi khám thai, chị khẳng định người trong 02 bản ảnh và phiếu siêu âm này không phải là của chị. Nay chị xác định tình cảm vợ chồng không còn, chị xin được ly hôn với anh B. Về con chung: Vợ chồng chị có 01 con chung là T - sinh ngày 23/11/2010. Khi ly hôn, chị xin được nuôi con chung và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Về tài sản chung, công sức: Không có.

Về công nợ: Anh B có khai nợ của chị H, trú tại: phường Đ, quận T, Hà Nội số tiền là 188.000.000đ. Số tiền nợ này là do anh B nói với chị, do anh B chơi cá độ bóng đá dẫn đến thua lỗ và nợ của chị H. (Chị H yêu cầu chị phải viết giấy vay nợ nên chị đã viết giấy vay nợ 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) và ký tên chị vào khoảng tháng 8/2015.Vợ chồng đã trả được12.000.000 đ còn lại là188.000.000 đ). Đến nay, bà C đã đứng ra trả nợ thay hết toàn bộ số nợ 188.000.000đ (Một trăm tám mươi tám triệu đồng) trên. Đối với khoản nợ này chị nhất trí trả cho bà C là một nửa là 94.000.000đ (Chín mươi tư triệu đồng). 

Trong quá trình vợ chồng chung sống đến đầu tháng 8/2015 thì ly thân nhưng có một số chủ nợ của anh B vẫn đến tìm chị để hỏi nợ, chị nói là không biết nhưng chủ nợ vẫn cứ đòi chị nên chị có gọi điện cho bà C chuyển tiền để trả nợ. Chị có nói với bà C khi trả nợ cho ai thì chị sẽ ghi chép lại đầy đủ nên ngày 27/8/2015 bà C đã chuyển vào tài khoản của chị số tiền 50.000.000đ. Các lần tiếp theo chị đã mượn số tài khoản của anh U, trú tại: phường I, quận Đ, thành phố Hà Nội (là bạn chị) vì các thẻ của chị bị mất, chị chưa đi làm lại thẻ, bà C chuyển khoản vào tài khoản của anh U, gồm có 03 lần chuyển khoản như sau:

Ngày 08/9/2015 chuyển số tiền 50.000.000đ  (trừ phí còn lại là 49.972.500đ). Ngày 09/9/2015 chuyển số tiền 80.000.000đ. Ngày 29/9/2015 chuyển số tiền 20.000.000đ. Tổng số là 150.000.000đ.. Tổng cộng 04 lần chuyển khoản chị A đã được nhận là: 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng). (Thực tế sau khi trừ đi phí chuyển khoản qua ngân hàng chị nhận được 199.901.000đ nhưng chị nhất trí tính tròn số tiền nhận được là 200.000.000 đ vì bà C đã chuyển đi số tiền là 200.000.000 đ). Sau khi nhận được số tiền của bà C chị đã trả nợ cho anh B, chị không ghi chép ra giấy mà chỉ ghi chú vào điện thoại của chị, chị bị mất điện thoại nên không nhớ được là đã trả nợ cho ai. Toàn bộ số tiền trên là do chị bảo bà C chuyển tiền để trả nợ cho những chủ nợ của anh B. Những lần bà C chuyển tiền vào tài khoản của anh U, anh U đã rút và đưa lại cho chị, chị đã nhận đủ để trả nợ cho anh B vì anh B có vay nợ của những người bạn buôn bán điện thoại. Chị không có giấy tờ chứng minh về việc trả nợ. Nay chị không cung cấp được chứng cứ gì về việc đã trả nợ số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) đã nhận của bà C. Đối với khoản nợ này chị nhận trách nhiệm trả nợ cho bà C là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng). Chị xin trả cho bà C tổng số tiền là 194.000.000đ (Một trăm chín mươi tư triệu đồng chẵn).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là bà D trình bày: Nhất trí ý kiến của chị A trình bày về quan hệ hôn nhân và con chung, tài sản chung. Về công nợ: Nhất trí như ý kiến của chị A trình bày ở trên, đối với khoản nợ chị H trước đây, bà C đã trả thay cho vợ chồng thì chị A có trách nhiệm trả cho bà C 94.000.000 đ. Đối với khoản tiền 200.000.000 đ chị A nhận của bà C để trả nợ cho các chủ nợ của anh B, chị A không nhớ đã trả nợ cho ai thì chị A có nghĩa vụ trả cho bà C 100.000.000 đ.

Bị đơn là anh B trình bày: Nhất trí như chị A trình bày về thời gian kết hôn và quá trình chung sống. Đến năm 2014 vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, chị A tự ý ra ngoài ở. Chị A cho rằng anh chơi bời gái gú, nhưng do quan hệ khách hàng làm ăn nên anh cũng có lần đi qua đêm, không về nhà chứ không chơi bời gái gú. Đầutháng 8/2015, chị A ra ngoài ở hẳn, vợ chồng sống ly thân từ đó đến  nay. Nguyên nhân mâu thuẫn là do vợ chồng bất đồng lối sống và quan điểm sống không hợp, chị A có quan hệ bất chính với người đàn ông khác và đã có con riêng. Nay thấy tình cảm không còn nên anh nhất trí ly hôn.

Về con chung: Có một con chung là cháu T sinh ngày 23/11/2010, hiện nay cháu đang ở trực tiếp với anh, cháu đang phát triển ổn định và học tập tốt. Kể từ ngày 25/11/2016, chị A đi khỏi nơi cư trú, không về thăm nom, chăm sóc con cũng không đóng góp về kinh tế để anh nuôi con. Nguyện vọn của cháu T cũng muốn ở với anh. Khi ly hôn, anh xin nuôi cháu T do anh có đầy đủ điều kiện vật chất, thời gian và sự hỗ trợ của gia đình để chăm sóc nuôi dưỡng cháu T và để đảm bảo cho cháu T sinh hoạt, học tập, phát triển ổn định. Anh không yêu cầu chị A phải cấp dưỡng nuôi con.

Về tài sản chung, công sức: Không có.

Về công nợ: Trong quá trình chung sống vợ chồng anh có vay nợ số tiền188.000.000đ của chị H để làm ăn. Do làm ăn thua lỗ nên mẹ anh phải  đứng ra trả hộ cho vợ chồng anh là 188.000.000đ. Nhất trí việc chị A phải trả cho bà C 94.000.000 đ.

Chị A cũng đã tự ý vay tiền của bố mẹ anh số tiền 210.000.000đ (Hai trăm mười triệu đồng) vào các lần như sau: Mẹ anh là bà C đã chuyển khoản cho chị A 50.000.000đ vào tài khoản của chị A và chuyển 160.000.000đ vào tài khoản của anh U theo ý của chị A với lý do để trả nợ. Nhưng số tiền này anh không được biết vì thời điểm này vợ chồng đã không còn chung sống với nhau. Khi anh biết được sự việc này đã yêu cầu chị A và anh U giải thích và hoàn trả lại số tiền trên cho mẹ anh. Anh U đã trả cho mẹ anh 10.000.000đ nhưng sau đó lại phủ nhận về số tiền vay nợ và có ý nói với anh là "không trả nữa, cứ ra Tòa mà kiện đi". Số tiền 50.000.000đ mẹ anh chuyển cho chị A và 160.000.000đ mẹ anh chuyển cho anh U, anh không được biết và không có trách nhiệm trả nợ. Nay chị A phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà C số tiền là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) vì đây là số nợ riêng của chị A với bà C.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà C trình bày: Trong quá trình vợ chồng A, B chung sống, vợ chồng hai cháu làm ăn thua lỗ nên bà có đứng ra trả nợ thay 188.000.000đ (Một trăm tám mươi tám triệu đồng) nợ của chị H. Bà yêu cầu chị A phải trả cho bà một nửa là 94.000.000đ. Anh B phải chịu một nửa là 94.000.000đ. Nhưng do anh B là con trai bà nên bà cho anh B phần nợ trên của anh B.

Đối với số tiền 200.000.000đ chị A vay bà qua hình thức chuyển khoản cho anh U và chuyển trực tiếp cho chị A. Bà đề nghị chị A phải trả lại toàn bộ cho bà số tiền 200.000.000đ. Khi chị A hỏi vay bà thì chị A nói là để trả nợ cho chị H, nhưng sau khi chị A nhận được tiền của bà mà không trả cho chị H, chị H lại lên đòi tiền tại nhà bà (hôm đó có mặt chị A). Bà không vay chị H nhưng chị A có dẫn chị H lên nhà bà nên sau đó bà lại tiếp tục giúp vợ chồng đã trả nợ cho vợ chồng khoản nợ của chị H là 188.000.000đ.

Tổng cộng, bà đề nghị Tòa án nhân dân thị xã Phú Thọ buộc chị A phải trả cho bà số tiền: 294.000.000đ (Hai trăm chín mươi tư triệu đồng).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và bà C - ông E trình bày: Về quan hệ hôn nhân: Chị A và anh B nhất trí ly hôn, ông không có ý kiến. Về con chung: Đề nghị giao cho anh B trực tiếp nuôi dưỡng cháu T để đảm bảo quyền lợi, ổn định cuộc sống sinh hoạt và học tập của cháu T.

Về công nợ: Bà C đã trả thay cho vợ chồng 188.000.000 đ đối với số nợ của chị H thì chị A phải trả cho bà C một nửa là 94.000.000đ. Thời gian vợ chồng sống ly thân, chị A thừa nhận đã nhận của bà C 200.000.000 đ nhưng không chứng minh được việc trả nợ thì phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà C toàn bộ số tiền 200.000.0000 đ.

Ý kiến của Viện kiểm sát:

Về tố tụng: Vụ án thụ lý đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Những người tham gia tố tụng dân sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử giải quyết xử công nhận thuận tình ly hôn giữa chị A và anh B. Đề nghị giao cho anh B được trực tiếp nuôi con chung, Chị A không phải đóng góp cấp dưỡng nuôi con vì anh B không yêu cầu.

Về công nợ: Đề nghị Hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận giữa vợ chồng chị A, anh B và bà C đối với số tiền bà C trả nợ thay 188.000.000 đ, chị A có nghĩa vụ trả cho bà C 94.000.000 đ. Xử buộc chị A có nghĩa vụ trả cho bà C số tiền đã nhận của bà C qua tài khoản là 200.000.000 đ. Tổng số chị A có nghĩa vụ trả cho bà C số tiền là 294.000.000 đ.

Chị A phải chịu án phí hôn nhân và gia đình và án phí dân sự có giá ngạch theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ hôn nhân giữa chị A và anh B được xác lập và có đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Trong quá trình chung sống ban đầu hòa thuận hạnh phúc nhưng sau đó có mâu thuẫn phát sinh do bất đồng ý kiến trong cuộc sống. Vợ chồng đã sống ly thân từ tháng đầu tháng 8/2015 đến nay, chị A cương quyết xin ly hôn với anh B vì tình cảm không còn, anh B cũng nhất trí ly hôn vì vậy cần xử công nhận thuận tình ly hôn giữa chị A và anh B là phù hợp với pháp luật.

[2] Về con chung: Tại phiên hòa giải ngày 01/12/2016 và quá trình giải quyết tiếp theo, chị A và anh B đã thỏa thuận anh B trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu T, chị A không phải đóng góp cấp dưỡng nuôi con chung. Tòa án tiếp tục mở phiên họp và hòa giải ngày 14/3/2017 về phần công nợ, chị A lại trình bày ý kiến thay đổi về con chung và xin được trực tiếp nuôi con chung, không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nhưng không trình bày lý do gì.

Theo đơn xin xác nhận của anh B có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ phố L, phường M, thị xã N thì chị A đã bỏ đi khỏi nơi cư trú từ 25/11/2016. Chị A khai về ở nhà mẹ đẻ ở tại khu X, xã Y, thị xã N và đi làm tại cửa hàng thức ăn chăn nuôi gia súc TT tại khu S xã Y, thu nhập 3.000.000đ/tháng, nhưng thực tế Công an xã Y xác nhận chị A không về ở, không đăng ký tạm trú tại khu X xã Y, chỉ thỉnh thoảng về thăm anh em họ hàng, không đi làm ở bất cứ cơ sở nào tại xã Y mà kể từ khi lấy chồng, chuyển khẩu về nhà chồng, địa phương không biết chị A đi đâu làm gì. Mẹ đẻ chị A là bà O hiện nay cũng đi làm ăn, thỉnh thoảng mới về địa phương. Ông Đ và chị K là chủ cửa hàng TT, ông Đ cung cấp thông tin cho biết:

Ông và bà K là chú dì của chị A, do có mối quan hệ gia đình, mẹ đẻ chị A có nhờ ông bà giúp để chị A làm ở cửa hàng của ông bà nhưng thực tế chị A không đi làm tại cơ sở của ông bà, ông biết tin vợ chồng đang giải quyết ly hôn tại tòa án thì ông có ý kiến góp ý, nếu vợ chồng không ở với nhau, con chung là cháu T đang ở với anh B thì nên tiếp tục giao cháu T cho anh B trực tiếp nuôi dưỡng, chị A đi làm ăn ở đâu thỉnh thoảng nhớ con thì về thăm nom, để đảm bảo sự ổn định cuộc sống và học tập cho cháu T. Ông Q là trưởng khu S, xã Y cũng xác nhận ý kiến của ông Đ như trên và nhất trí với ý kiến của ông Đ.

Theo đơn xin xác nhận của anh B thì cháu T từ năm học 2015-2016 thì học Trường mầm non LĐ, hiện nay đang học lớp 1A Trường tiểu học LĐ. Trường Tiểu học LĐ đóng trên địa bàn phường M, thị xã N, gần với chỗ ở của anh B, thuận tiện cho việc anh B đưa đón cháu T đi học. Vì cháu chưa đủ 07 tuổi nên không phải lấy ý kiến của cháu. Tuy nhiên cháu cũng đã tự biết viết giấy trình bày nguyện vọng của cháu là muốn được ở với bố vì hơn một năm mẹ cháu không về thăm cháu. Cháu buồn mỗi khi có người hỏi đến mẹ. Cháu mong quý tòa giúp đỡ để cháu ở với bố và ông bà nội.

Đến nay chị A không cung cấp được chứng cứ về chỗ ở ổn định và thu nhập ổn định để chứng minh việc nuôi con sẽ đảm bảo quyền lợi của con tốt hơn so với việc anh B trực tiếp nuôi dưỡng.

Hội đồng xét xử xét thấy, cháu T hiện đang ở trực tiếp với anh A, được chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập và phát triển ổn định, căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con thì giao cho anh B trực tiếp nuôi dưỡng cháu T là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của hai vợ chồng. Chị A không phải đóng góp cấp dưỡng nuôi con vì anh B không yêu cầu. Quá trình về sau, nếu anh A không đảm bảo quyền lợi của cháu T thì chị có quyền làm đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con, tòa án sẽ giải quyết trong một vụ việc khác.

[3] Về tài sản chung, công sức: Anh A và chị B đều khai không có, nên không phải giải quyết.

[4] Về công nợ:

Đối với khoản tiền 188.000.000 đ bà C đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay: Chị A, anh B và bà C thỏa thuận chị A có nghĩa vụ trả nợ cho bà C 94.000.000 đ, anh B không phải trả cho bà C 94.000.000 đ do bà C cho anh B, là phù hợp với pháp luật cần được công nhận.

Đối với khoản tiền 200.000.000 đ: Trong đơn khởi kiện ngày 22/9/2016 và bản tự khai ngày 14/10/2016 chị A không khai nợ ai. Ngày 17/10/2016 bà C đưa ra yêu cầu và xuất trình các chứng cứ là các giấy tờ chi tiết giao dịch chuyển khoản qua Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, Chi nhánh N, Phòng giao dịch LLQ, thị xã N nên ngày 21/10/2016 chị A làm bản tự khai trình bày thừa nhận đã nhận được của bà C số tiền 200.000.000 đ và đã dùng số tiền trên để trả nợ cho anh B, vì anh B có vay của những người buôn bán điện thoại và chơi bời. Nhưng chị A không khai đã trả nợ cho ai, địa chỉ ở đâu, vào thời gian nào, không cung cấp chứng cứ gì cho tòa án và khai sẽ trình bày sau, nhưng đến nay vẫn không cung cấp được chứng cứ gì về việc trả nợ. Chị A chỉ chấp nhận trả cho bà C 100.000.000 đ là chưa phù hợp. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị A là chị D cũng không cung cấp chứng cứ gì về việc chi dùng số tiền trên của chị A. Khi chị A điện thoại về bảo bà C chuyển tiền để trả nợ, thì lúc đó vợ chồng đã ly thân, bà C tin chị A nói có người đến đòi nợ vợ chồng, và chi A có nói khi trả nợ cho ai sẽ ghi chép đầy đủ nên bà đã chuyển tiền để chị Linh trả nợ. Tháng 8/2015 thì vợ chồng vẫn còn nợ của chị H, bà C trình bày chuyển tiền để chị A vay và trả nợ cho chị H, số tiền chuyển tương đương với số nợ của chị H tại thời điểm đó. Sau đó chị A không trả nợ cho chị H cũng như không cung cấp chứng cứ trả nợ cho ai khác.

Vì vậy cần chấp nhận yêu cầu của bà C và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà C buộc chị A phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà C số tiền đã nhận của bà C là 200.000.000 đ. Nếu về sau chị A cung cấp được chứng cứ chứng minh việc trả nợ chung của vợ chồng hoặc trả nợ riêng của anh B thì có quyền yêu cầu anh B hoàn trả hoặc khởi kiện anh Thành trong một vụ án khác. Tổng số hai khoản trên chị A phải có nghĩa vụ trả cho bà C là 294.000.000đ (Hai trăm chín mươi tư triệu đồng).

[5]Về án phí 

Căn cứ Khoản 4 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chị A phải chịu án phí hôn nhân và gia đình sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có gián gạch đối với phần nghĩa vụ phải trả tiền cho bà C theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 1 6 Nghị quyết 01/201/HĐTP ngày 13/ 6/ 2012 Hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 463, khoản 1 Điều 469, Điều 574, Điều 576, điểm b khoản 1 Điều 688, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; khoản 6, 8 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Khoản 5 điều 16 Nghị quyết 01/2012/HĐTP ngày 13/6/20112 hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án

Về quan hệ hôn nhân: Xử công nhận nhận thuận tình ly hôn giữa chị A và anh B.

Về con chung: Xử giao cho anh B được trực tiếp nuôi con chung là: T sinh ngày 23/11/2010.

Chị A không phải đóng góp cấp dưỡng nuôi con chung.

Chị A có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung, không ai được cản trở. Về tài sản chung, công sức: Không có, không đề nghị tòa án giải quyết.

Về công nợ: Xử công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chị A, anh B và bà C đối với khoản tiền 188.000.000 đ bà C đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho vợ chồng: Chị A có nghĩa vụ trả cho bà C 94.000.000 đ.

Chấp nhận yêu cầu của bà C đối với số tiền chị A đã nhận của bà C. Buộc chịA có nghĩa vụ hoàn trả cho bà C số tiền đã nhận của bà C là 200.000.000 đ.

Tổng số hai khoản trên buộc chị A có nghĩa vụ trả cho bà C số tiền là 294.000.000 đ (hai trăm chín tư triệu đồng)

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà C có đơn đề nghị thi hành án nếu chị A chậm trả tiền thì chị A phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo lãi xuất bằng 50% mức lãi xuất giới hạn tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.

Về án phí: Chị A phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí Hôn nhân gia đình sơ thẩm và 14.700.000 đ(mười bốn triệu bảy trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Xác nhận chị A đã nộp số tiền tạm ứng án phí là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) theo biên lai số 0001918 ngày 07/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phú Thọ. Chị A còn phải nộp số tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 14.700.000 đ(mười bốn triệu bảy trăm nghìn đồng).

Đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm để đề nghị toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

212
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2017/HNGĐ-ST ngày 24/04/2017 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

Số hiệu:05/2017/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Phú Thọ - Phú Thọ
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 24/04/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về