Bản án 04/2019/DS-PT ngày 27/02/2019 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 04/2019/DS-PT NGÀY 27/02/2019 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 27 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử công khai phúc thẩm vụ án thụ lý số 07/2019/TLPT-DS ngày 03/01/2019 về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Do Bản án dân sự số 03/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 của Toà án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2019/QĐ-PT ngày 11/02/2019, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1981 (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Bùi Đức B, sinh năm 1979 (là chồng, có mặt).

2. Bị đơn: Bà Bùi Thị C, sinh năm 1971 (có mặt).

3. Người làm chứng: Ông Bùi Văn D, sinh năm 1970 (có mặt). Anh Bùi Văn E, sinh năm 1990 (có mặt).

4. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị A (là Nguyên đơn).

Các đương sự và những người làm chứng đều ở địa chỉ: Thôn G, xã H, huyện N, tỉnh Hải Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân (viết tắt: TAND) huyện N, tỉnh Hải Dương, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Theo bà Nguyễn Thị A (là Nguyên đơn) trình bày: Do mâu thuẫn về quyền sử dụng đất, chiều ngày 18/12/2016, giữa bà với ông Bùi Văn D (chồng bà C) và anh Bùi Văn E xảy ra mâu thuẫn (chửi nhau). Bà A xác định đã bị ông D, anh E và bà C dùng tay không đánh vào vào đầu, ngực, bụng làm bà bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, người mệt nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện N điều trị từ ngày 18 đến ngày 21/12/2016 (03 ngày), sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đến ngày 23/12/2016 ra viện. Khi về nhà, bà vẫn đau bụng, người mệt nên ngày 26/12/2016, bà tiếp tục được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa huyện N tái khám, được bác sỹ chuẩn đoán có thai bốn tuần tuổi, thai nhi có dấu hiệu suy thai, bị tổn thương. Theo khuyến cáo của bác sỹ, bà đã sử dụng biện pháp nạo, hút thai nhi; ngày 30/12/2016 ra viện. Theo yêu cầu của bà A, Viện khoa học hình sự - Bộ Công an giám định và xác định bà bị tổn hại 9% sức khỏe. Do bị thiệt hại về sức khỏe nên bà yêu cầu ba người là bà C, ông D và anh E là những người trực tiếp gây thiệt hại cho bà phải liên đới bồi thường các khoản: Điều trị thương tích, thiệt hại do thời gian điều trị tại bệnh viện; bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần… với số tiền 104.040.000 đồng.

Theo bà Bùi Thị C (bị đơn) trình bày: Chiều ngày 18/12/2016, ông Bùi Văn D (là chồng), anh Bùi Văn E (là cháu) và bà A xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân như bà A khai. Do bà A có hành vi không đúng mức nên bà và bà A đã xô xát, đánh lộn lẫn nhau bằng tay không. Thấy sự việc như vậy, ông D, anh E, bà Nguyễn Thị I và ông Nguyễn Văn K vào can ngăn. Bà C nhận thấy do không tự kiềm chế được bản thân nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Nay, bà xác định bà là người gây thiệt hại sức khỏe đối với bà A còn ông D và anh E chỉ là người can ngăn. Nhận trách nhiệm bồi thường theo yêu cầu của bà A còn ông D và anh E không liên quan đến bồi thường. Không đồng ý bồi thường 104.040.000 đồng như bà A khai, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Những người làm chứng:

Ông Bùi Văn D, anh Bùi Văn E đều xác định giữa ông D, anh E với bà A có xảy ra việc cãi, chửi nhau nhưng người gây thiệt hại sức khỏe cho bà A là bà C. Nên ông D và anh E không phải là bị đơn và cũng không có nghĩa vụ phải bồi thường theo yêu cầu của bà A.

Bà Nguyễn Thị I, ông Nguyễn Văn K xác định: Bà C và bà A trực tiếp dùng tay không đánh lộn lẫn nhau. Ông D, anh E là người can ngăn, không trực tiếp thực hiện hành vi đánh hay giúp sức cho bà C đánh bà A.

Quá trình giải quyết vụ án, bà A xác định ông D và anh E không phải là người trực tiếp gây hậu quả đối với bà nên họ không phải là bị đơn.

Tại Bản án số 03/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 của TAND huyện N đã áp dụng khoản 6 Điều 26; Điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 147; Điểm b khoản 2 Điều 227; Khoản 3 Điều 228 và các Điều 271, 273 BLTTDS. Điều 604, 605, 609 của BLDS năm 2005. Các Điều 357, 468 của Bộ luật dân sự năm 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà A. Buộc bà C phải bồi thường cho bà A, các khoản gồm: Tiền thuốc (có hóa đơn) là 7.390.000 đồng; Chi phí bồi dưỡng phục hồi sức khỏe là 3.000.000 đồng; Tiền mất thu nhập thực tế là 3.000.000 đồng; Tiền công người đi nuôi dưỡng là 2.200.000 đồng; Tiền thuê ô tô đi bệnh viện (đi và về) 1.150.000 đồng; Tiền tổn thất về tinh thần là 9.680.000 đồng. Tổng 26.420.000 đồng trừ đi 20% lỗi của bà A bằng 5.284.000 đồng. Buộc bà C phải bồi thường cho bà A 21.136.000 đồng. Bác yêu cầu của bà A đối với số tiền bồi thường còn lại 82.904.000 đồng. Bản án còn tuyên nghĩa vụ chậm trả; án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm: Ngày 29/11/2018, bà A kháng cáo yêu cầu tăng bồi thường do thu nhập bị mất là 3 tháng bằng 18.000.000 đồng vì thương tích 9% bao gồm cả chấn thương vùng đầu, vùng bụng, sảy thai. Nên sau thời gian điều trị tại bệnh viện 11 ngày về nhà không thể đi làm ngay và bác sỹ yêu cầu điều trị tại nhà và nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, ổn định lại đời sống tinh thần. Tăng bồi thường tổn thất về tinh thần lên 20 tháng lương cơ bản x 1.390.000 đồng/tháng chứ không phải 1.210.000 đồng. Không đồng ý tính lỗi 20%.

Tại phiên tòa: Phía Nguyên đơn trình bày về hành vi của bà C đã túm tóc dập đầu làm bà ngã. Bà C, ông D và anh E đã kéo bà vào trong sân để bà C tiếp tục đánh bà cho đến khi ông B chồng bà sang mới thôi. Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bà C phải bồi thường và giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị đơn khai do lâu ngày nên không nhớ diễn biến vụ việc xảy ra nhưng xác định lời khai tại cơ quan công an là đúng. Bản thân đã nhận được bản án sơ thẩm nhưng không kháng cáo và cũng không bồi thường. Việc bà A sảy thai do bị cúm chứ không phải do bà gây lên. Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử (viết tắt: HĐXX); sự chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Về nội dung: Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự tại phiên tòa, xét thấy nội dung kháng cáo của bà A có căn cứ chấp nhận nên đề nghị HĐXX áp dụng Điều 147, khoản 2 Điều 308 BLTTDS năm 2015; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14: Chấp nhận một phần kháng cáo của bà A, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Nâng số ngày nghỉ mất thu nhập lao động của bà A lên thành 20 ngày; Nâng mức lương tối thiểu tại thời điểm bồi thường là 1.390.000 đồng/tháng; Xác định lỗi của bà A trong tổng số tiền bồi thường là 10%.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng, ý kiến của kiểm sát viên, lời trình bày của các đương sự, HĐXX nhận định:

[1]. Về tố tụng: Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Viết tắt: BLTTDS).

[2]. Xét kháng cáo của Nguyên đơn, HĐXX thấy:

Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, bà Bùi Thị C có hành vi dùng tay đánh vào vùng đầu, ngực, bụng bà Nguyễn Thị A làm cho bà A thương với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, phải đi điều trị tại cơ sở y tế. Theo kết luận giám định pháp y số 1699/C54-TT1 ngày 25/4/2017 của Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, bà A bị tổn hại 09% sức khỏe. Bà A bị chấn thương trong tình trạng đã có thai 04 tuần tuổi. Tại bản kết luận giám định pháp y cũng xác định “Có nhiều nguyên nhân gây dọa sảy thai. Trong trường hợp này, việc bà Nguyễn Thị A bị chấn thương gây chấn động não, đau đầu, cổ, ngực, bụng gây được tình trạng dọa sảy thai và sảy thai”. Đó là căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về sức khỏe của bà C đối với bà A theo quy định tại Điều 604 Bộ Luật dân sự năm 2005 (Viết tắt: BLDS). Bản án sơ thẩm đã nhận định và áp dụng mức bồi thường. Tuy nhiên, việc phân tích đánh giá các căn cứ bồi thường không được rõ ràng và khó hiểu. Nên khi xét kháng cáo, cấp phúc thẩm cần nhận định lại để áp dụng đảm bảo quyền lợi cho các đương sự, cụ thể: Về nguyên tắc bồi thường, xác định thiệt hại cần căn cứ theo các quy định tại Điều 605, 609 BLDS năm 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao  hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (gọi tắt là: Nghị quyết HĐTP số 03/2006). Trong vụ án này, số ngày bà A phải điều trị tại bệnh viện là 11 ngày, trong những ngày điều trị nội viện chấp nhận có một người chăm sóc (ông B), tổng số 22 ngày. Đây là khoảng thời gian hai người bị mất thu nhập hoàn toàn (thu nhập bị mất hẳn). Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện giá trị công lao động phổ thông tại địa bàn xã H, huyện N là 200.000 đồng/ngày x 22 ngày = 4.400.000 đồng. Trong những ngày nằm viện, người bệnh cần phải được chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe nên cần chấp nhận tiền bỗi dưỡng sức khỏe mức 100.000 đồng/ngày x 11 ngày = 1.100.000 đồng. Sau khi ra viện trong tình trạng sức khỏe của bà A, Tòa án chấp nhận 30 ngày nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng phục hồi sức khỏe đó là khoản thu nhập bị giảm sút và chấp nhận mức bồi thường bằng ½ giá trị ngày công lao động bình thường (30 ngày x 100.000đ/ngày) bằng 3.000.000 đồng. Về tổn thất tinh thần: Bà A bị tổn hại 9% sức khỏe, theo kết luận giám định thương tích thì nguyên nhân dẫn đến việc bà A phải nạo hút thai do có dấu hiệu suy thai là do bà C gây nên. Về khoản bồi thường này, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức bồi thường trị giá bằng 08 tháng lương cơ sở là không đảm bảo quyền lợi cho bà A. Nên cấp phúc thẩm tăng bồi thường tổn thất tinh thần lên 12 tháng. Và chấp nhận mức lương cơ sở tại thời điểm xét xử giải quyết vụ án là 1.390.000đ x 12 tháng = 16.680.000 đồng. Như vậy, tổng mức bồi thường bà C phải bồi thường cho bà A bao gồm: Tiền thuốc mua có hóa đơn = 7.390.000 đồng; Tiền xe đi lại theo phân tích của bản án sơ thẩm = 1.150.000 đồng; Thu nhập mất hẳn đối với người bệnh và người nuôi dưỡng = 4.400.000 đồng; Bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian điều trị tại Bệnh viện = 1.100.000 đồng; Thu nhập bị giảm sút = 3.000.000 đồng và bồi thường tổn thất tinh thần = 16.680.000 đồng. Tổng là 33.720.000 đồng.

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ, trình bày của các đương sự, lời khai của người làm chứng thấy việc bà C gây thương tích cho bà A có một phần lỗi của bà A vì bà A cũng có hành vi chửi bới, xúc phạm phía bà C và gia đình. Nên xác định mức độ lỗi như bản án sơ thẩm đã nhận định là có căn cứ. Do vậy, trong tổng số tiền bồi thường thiệt hại như đã nêu trên cần trừ đi 20% lỗi của bà A, tương đương số tiền  là 6.744.000 đồng, số tiền còn lại là 26.976.000 đồng, buộc bà C phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà A.

[3]. Về án phí: Bản án sơ thẩm bị sửa do chấp nhận một phần kháng cáo bà A nên bà A không phải chịu án phí phúc thẩm. Đồng thời tính lại án phí dân sự có giá ngạch liên quan đến nghĩa vụ bồi thường của bị đơn theo quy định của pháp luật. Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS;

Chấp nhận một phần kháng cáo của Nguyên đơn; sửa Bản án sơ thẩm số 03/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 của TAND huyện N, tỉnh Hải Dương.

Áp dụng khoản 6 Điều 26; Điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 147 BLTTDS. Điều 604, 605, 609 BLDS năm 2005. Điều 357, 468 BLDS năm 2015. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị A:

Buộc bà Bùi Thị C phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị A, các khoản gồm: Tiền thuốc mua có hóa đơn = 7.390.000 đồng; Tiền xe đi lại = 1.150.000 đồng; Thu nhập mất hẳn đối với người bệnh và người nuôi dưỡng = 4.400.000 đồng; Bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian điều trị tại Bệnh viện = 1.100.000 đồng; Thu nhập bị giảm sút = 3.000.000 đồng và bồi thường tổn thất tinh thần = 16.680.000 đồng. Tổng là 33.720.000 đồng trừ đi 20% lỗi của bà Nguyễn Thị A bằng 6.744.000 đồng. Số tiền còn lại 26.976.000 đồng buộc bà Bùi Thị C phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị A.

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành, nếu người phải thi hành án chưa thi hành khoản trên thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

2. Về án phí: Bà Bùi Thị C phải chịu 1.349.000 đồng (làm tròn) án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả bà Nguyễn Thị A 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu số AB/2014/0004899 ngày 04/12/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Hải Dương.

Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (ngày 27/2/2019)./.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo các quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

996
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2019/DS-PT ngày 27/02/2019 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:04/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về