Bản án 04/2018/HSST ngày 28/03/2018 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÙ MỸ, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 04/2018/HSST NGÀY 28/03/2018 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 01/2018/HSST ngày 08 tháng 02 năm 2018, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 526/2018/HSST-QĐ, ngày 23/02/2018, đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Ngọc N, sinh năm 1993 (Tên gọi khác: N K), tại: huyện P, tỉnh B. Nơi cư trú: Thôn D, thị trấn P, huyện P, tỉnh Bình Định; Nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 9/12; con ông Nguyễn Đình B, sinh năm: 1955 và bà Nguyễn Thị B, sinh năm: 1963; vợ, con: Chưa có; tiền án: 02 tiền án. Ngày 26/4/2012 bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 04 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, ngày 30/8/2013 được đặc xá. Ngày 23/01/2015, bị Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 18 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, chấp hành xong hình phạt tù ngày 29/01/2016; tiền sự: 01 tiền sự. Ngày 01/3/2017 bị Công an huyện Phù Mỹ xử phạt hành chính về hành vi cố ý gây thương tích; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 15/3/2017 cho đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện Phù Mỹ, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại:

1. Ông Trương Văn G, sinh năm 1971; nơi cư trú: thôn C, xã M, huyện P, Bình Định, vắng mặt.

2. Bà Trương Thị V, sinh năm 1961; nơi cư trú: thôn V, xã M, huyện P, Bình Định, có mặt.

3. Bà Đặng Thị Hồng P, sinh năm 1979; nơi cư trú: thôn C, xã M, huyện P, Bình Định, có mặt.

4. Bà Trương Thị N, sinh năm 1972; nơi cư trú: thôn V, xã M, huyện P, Bình Định, có mặt.

5. Bà Võ Thị Kim P, sinh năm 1972; nơi cư trú: thôn C, xã M, huyện P, Bình Định, có mặt.

6. Bà Trương Thị T, sinh năm 1964; nơi cư trú: thôn Ch, xã M, huyện P, Bình Định, vắng mặt.

Người làm chứng:

1. Anh Ngô Quốc D, sinh năm 1992; nơi cư trú: thôn D, thị trấn P, huyện Phù Mỹ, Bình Định, vắng mặt.

2. Anh Lê Thanh P, sinh năm 1980; nơi cư trú: thôn C, xã M, huyện P, Bình Định, có mặt.

3. Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1983; nơi cư trú: thôn T, xã Mỹ Trinh, huyện P, Bình Định, vắng mặt.

4. Anh Trần Công C, sinh năm 1983; nơi cư trú: thôn T, xã M, huyện P, Bình Định, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ thì khoảng tháng 3/2016, Nguyễn Ngọc N cùng một số đối tượng trú tại thôn D, thị trấn P, huyện P, Bình Định đến gặp các hộ kinh doanh nước giải khát ở khu vực Đ, địa bàn giáp ranh 02 xã M và xã M, huyện P, tỉnh Bình Định, đặt vấn đề thu tiền “bảo kê” hàng tháng. Nếu hộ nào không đồng ý đưa tiền thì N cho đàn em đến đe dọa, cản trở không cho khách vào quán, buộc các hộ dân kinh doanh phải nộp cho Nhiên từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/ tháng vào các ngày từ ngày 14 đến ngày 17 hàng tháng.

Cũng với phương thức, thủ đoạn nêu trên, từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017 Nguyễn Ngọc Nhiên đã cưỡng đoạt tiền của ông G: 13 lần, mỗi lần: 1.500.000 đồng, tổng cộng: 19.500.000 đồng; bà Trương Thị V:14 lần, mỗi lần: 500.000 đồng, tổng cộng:7.000.000 đồng; bà Đặng Thị Hồng P nhiều lần với số tiền: 7.500.000 đồng; bà Trương Thị N từ tháng 8/2016, với số tiền: 3.500.000 đồng; bà Võ Thị Kim P từ tháng 6/2016, với số tiền: 1.400.000 đồng; bà Trương Thị T: 01 lần vào ngày 02/11/2016 tại nhà bà T, với số tiền: 1.500.000 đồng.

Vào lúc 14 giờ 45 phút ngày 15/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Mỹ bắt quả tang Nguyễn Ngọc N đang cưỡng đoạt số tiền: 1.500.000 đồng của ông Trương Văn G, tại nhà của ông G thuộc thôn C, xã Mỹ Trinh, huyện P, tỉnh Bình Định.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chỉ thừa nhận hành vi cưỡng đoạt số tiền: 1.500.000 đồng của ông Trương Văn G bị bắt quả tang ngày 15/3/2017. Ngoài ra, bị cáo thừa nhận đến nhà bà T đe dọa bảo bà T đưa tiền, nhưng bà T không đưa tiền cho bị cáo. Đoạn Video mà bà T cung cấp cho cơ quan Điều tra mà bị cáo đã được nghe, với nội dung bị cáo đến nhà bà T yêu cầu bà T nộp tiền, đó là giọng nói của bị cáo. Nhưng lúc đó, bà T không giao tiền cho bị cáo. Bị cáo cũng có nhờ Ngô Quốc D đến nhà ông G lấy tiền, nhưng không nhớ là bao nhiêu, đó là tiền ông G lì xì. Bị cáo khai nhận, trước khi bị bắt quả tang tại nhà ông G ngày 15/3/2017, bị cáo không có lần nào cưỡng đoạt tài sản của các bị hại và không quan hệ gì với các bị hại, vì cho rằng các bị hại đều làm nghề mua bán mại dâm. Chỉ có một lần, trước ngày bị bắt 3 tháng, ông G đặt vấn đề với bị cáo, nếu có ai gây rối quán thì nhờ bị cáo giúp đỡ. Việc ông G đưa tiền cho bị cáo là do ông G tự nguyện chứ bị cáo không cưỡng đoạt tài sản của ông G. Vì vậy, Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là không đúng. Đối với D, Phước L, K, V, Hiếu N, P bị cáo có quan hệ thân quen chứ không cùng bị cáo cưỡng đoạt tài sản của ai.

Theo đơn tố cáo và kêu cứu không đề ngày tháng do Công an tỉnh Bình Định nhận ngày 12/10/2016 (bút lục số 18) và đơn tố cáo và kêu cứu do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định nhận ngày 12/10/2016 (bút lục số 22) của bà Trương Thị T, tố cáo Lê Thanh P, P, K và các đối tượng khác bà T không biết tên đã có hành vi đe dọa cưỡng đoạt tài sản của bà và các hộ kinh doanh nước giải khát tại khu vực Đ, huyện P. Vào ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng, chúng tập trung tại nhà ông G, bà P để thu tiền bảo kê các hộ dân.

Lời khai ngày 10/11/2017 (bút lục 46, 48) tại Công an xã M bà Trương Thị T khai: Từ năm 2016 đến nay bà bị N và H ép đưa tiền một lần 01 triệu đồng vào ngày 03/11/2016, nhưng có khi khai là 1,5 triệu đồng vào ngày 02/11/2016. Bà T có quay lại Video về việc này. Theo bản khai ngày 03/11/2016 (bút lục 50) tại Công an huyện P bà T khai: Hàng tháng tôi đưa cho bọn chúng từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Các lời khai ngày 16/3/2017 và ngày 19/4/2017 (bút lục 108,110) tại Công an huyện P bà T khai: khoảng 12 giờ, ngày 02/11/2016 (tức 03/10/2016 âm lịch) N đi với một người bà T không biết tên, vào nhà bà T. N nói: “Cô B, giờ sao, mấy đứa lính con vào lấy tiền, sao cô chửi, cô la”. Giữa bà T và N có cãi qua lại. Sau đó, bà T sợ N đánh nên đã đưa cho N 1,5 triệu đồng. Khi cầm tiền Nhiên nói: “Sao ít, tháng sau phải đưa hai triệu”. Từ đó, không có người nào khác đến nhà bà T lấy tiền giống như trên.

Theo Đơn báo cáo ngày 17/10/2016 của ông Trương Văn G (bút lục số 38) thì trong thời gian qua (khoảng 2 năm), có nhóm thanh niên ở D gồm: B, N, K, B, C, N, Hiếu N, N, T, P và một số thanh niên khác ông G không biết tên, đến quán ông G đe dọa, yêu cầu ông G đóng tiền bảo kê hàng tháng. Ông G sợ, nên hàng tháng phải đóng cho bọn chúng từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Cụ thể: Năm 2014, mỗi tháng ông G đóng 1 triệu đồng; năm 2015, mỗi tháng ông G đóng 1,5 triệu đồng; đầu năm 2016 đến ngày 17/10/2016, mỗi tháng ông G đóng 2 triệu đồng. Ngoài ra, ngày 10/10/2016, chúng đến lấy tiền bảo kê, ông G không đưa, bọn chúng xịt bình hơi cay vào mặt ông G.

Lời khai ngày 01/12/2016 (bút lục 44) tại Công an xã M ông G khai: Từ năm 2016 đến nay, N và Ngô Quốc D đến nhà đe dọa ông, nếu không đóng tiền thì bị đánh và quậy phá. Cụ thể, đầu năm 2016 N đến nhà tôi bảo đóng tiền, ông G không đưa nên bị chúng đập phá tài sản (bàn ghế, khung cửa), buộc ông G hàng tháng phải đóng cho chúng 2 triệu đồng. Khi đến nhà lấy tiền chúng mang theo dao, rựa, mã tấu để đe dọa. Các lời khai ngày 17/8/2017 (bút lục 96), ngày 24/4/2017 (bút lục 98) và ngày 16/3/2017 (bút lục 100), ông G khai: Từ tháng 3/2016 đến ngày 15/3/2017, N cùng đồng bọn (Ngô Quốc D, K, P) đến nhà đe dọa ông, nếu không đóng tiền thì bị đánh và quậy phá, buộc ông phải đóng tiền hàng tháng. Tổng cộng là 13 lần, kể cả lần Công an phát hiện, mỗi lần 1,5 triệu đồng. Tổng số tiền mà ông G đã nộp cho chúng là: 19.500.000 đồng. Trong đó, D trực tiếp lấy 5 lần, mỗi lần 1,5 triệu đồng là 7,5 triệu đồng. Còn lại 8 lần do N trực tiếp đi cùng đồng bọn đến nhà ông G lấy, mỗi lần 1,5 triệu đồng là 12 triệu đồng. Nhưng có lúc ông G khai: “Từ trước đến nay tôi đưa cho N và đồng bọn tất cả 14 lần, trong đó, có 3 tháng 10, 11 và 12 năm 2016 mỗi tháng đưa 2 triệu đồng, 11 tháng khác, mỗi tháng đưa 1,5 triệu đồng, tổng cộng: 22,5 triệu đồng. Trong các lần nói trên hầu hết do N trực tiếp đến lấy. Chỉ có 1 lần trong năm 2017, D và K đến lấy tiền của ông 1,5 triệu đồng.

Theo Đơn báo cáo không ghi ngày tháng của bà Trương Thị N (bút lục số 39) nêu: Từ giữa năm 2016, Nguyễn Ngọc N cùng một số đối tượng khác đến nhà bà đe dọa, yêu cầu bà nộp tiền bảo kê, nếu không chúng không cho buôn bán nên bà N sợ đưa tiền cho chúng mỗi tháng 500.000.đồng.

Các lời khai ngày 24/4/2017 (bút lục 104) và ngày 07/8/2016 (bút lục 106) của bà Trương Thị N khai, từ trước đến nay, bà N đưa tiền cho N 7 lần, mỗi lần 500.000 đồng. N là người trực tiếp lấy tiền, có khi đi với hai, ba thanh niên khác, bà N không biết tên. Trước đó, b cũng đến lấy tiền của bà N.

Tại phiên tòa, bà N lại khai: Bà có quen biết với N, có vài lần bà cho tiền N uống nước, chứ N không cưỡng đoạt tiền của bà.

Theo Đơn báo cáo không ghi ngày tháng của bà Trương Thị V (bút lục số 40) nêu: Từ giữa năm 2016, Nguyễn Ngọc N cùng một số đối tượng khác đến nhà bà V đe dọa yêu cầu bà nộp tiền bảo kê, nếu không chúng không cho làm ăn. Vì sợ, nên bà Vân đưa tiền cho N 7 lần, mỗi lần 500.000 đồng.

Các lời khai ngày 09/12/2016 (bút lục 52), ngày 18/8/2017 (bút lục 112) và ngày 21/4/2017 (bút lục 113), bà Trương Thị V khai: Từ đầu năm 2016 đến nay, bà V đưa cho N cùng đồng bọn 4.500.000 đồng; có khi bà V khai, nộp cho Nhiên 13 lần, mỗi lần 500.000 đồng, tổng cộng 6,5 triệu đồng, có khi lại khai, từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, bà V nộp cho N 14 lần, mỗi lần 500.000 đồng, tổng cộng 7 triệu đồng.

Tại phiên tòa, bà V lại khai: N không đến nhà bà cưỡng đoạt tài sản mà chỉ có mấy đứa nhỏ nào đó (bà không biết tên) đến nhà bà lấy tiền.

Theo Đơn báo cáo không ghi ngày tháng của bà Võ Thị Kim P (bút lục số 41) nêu: Từ tháng 4, 5, 6 năm 2016, Nguyễn Ngọc N cùng một số đối tượng khác đến nhà bà đe dọa yêu cầu bà nộp tiền bảo kê, nếu không chúng không cho buôn bán, bà sợ nên đưa tiền cho chúng mỗi lần 300.000 đến 400.000 đồng.

Tại phiên tòa, bà P lại khai: Những người đến nhà bà lấy tiền là những người khác, không phải là N.

Lời khai ngày 21/4/2017 (bút lục 117) bà Võ Thị Kim P, khai: Tháng 5/2016, N cùng 2,3 thanh niên đến nhà bà Phước đe dọa lấy tiền, bà P sợ nên nộp tiền cho chúng 4 lần, mỗi lần từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Tại phiên tòa, bà P lại khai: Những người đến nhà bà lấy tiền là những người khác, không phải là N.

Theo Đơn báo cáo ngày 13/3/2017 (bút lục 43) của bà Đặng Thị Hồng P thì từ tháng 3/2016 đến nay, Nguyễn Ngọc N cùng một số đối tượng khác đến nhà bà đe dọa, yêu cầu bà nộp tiền bảo kê, nếu không chúng không cho buôn bán, bà P sợ nên đưa tiền cho chúng mỗi tháng 500.000 đến 900.000 đồng.

Lời khai ngày 16/3/2017 (bút lục 121) bà Đặng Thị Hồng P khai: Tháng 3/2016, N cùng 2,3 thanh niên đến nhà bà P đe dọa lấy tiền, bà P đưa tiền cho chúng nhiều lần, nhưng không nhớ cụ thể bao nhiêu tiền, có tháng 500.000 đồng, có tháng 700.000 đồng hoặc 900.000 đồng.

Về phần bồi thường thiệt hại: Các bị hại Võ Thị Kim P, Trương Thị T, Đặng Thị Hồng P, Trương Thị N và Trương Thị V không yêu cầu bị cáo bồi thường. Chỉ có ông Trương Văn G yêu cầu bị cáo bồi thường 19.500.000 đồng.

Tất cả các bị hại đều khai nhận tại cơ quan Điều tra là không có ghi lại sổ sách để theo dõi về việc N và đồng bọn đến nhà cưỡng đoạt tiền; từ chối tiến hành đối chất theo yêu cầu của Điều tra viên và không đến tham gia phiên tòa, vì sợ N và đồng bọn trả thù.

Người làm chứng là Ngô Quốc D khai: Khoảng 15, 16 giờ, một ngày tháng 3/2016, N điện thoại nhờ D ra nhà ông G lấy tiền. D hỏi tiền gì thì N nói: “Cứ ra nói ông G đưa tiền cho thằng K thì ổng đưa”. Sau đó, D rủ K cùng đi đến nhà ông G. Lúc đến nhà ông G, D nói với ông G là N nhờ D đến lấy tiền thì ông G đưa cho D khoảng 300.000 đồng đến 500.000 đồng, D không nhớ cụ thể. Khi giao tiền cho N, D hỏi lại tiền gì thì N nói:“Tao mới ra tù ông G cho tiêu, N vừa nói, vừa cười”. Có lúc N nói: “Tiền lì xì ấy mà” (bút lục 127, 132).

Người làm chứng là Lê Thanh P khai: P có quen biết với N. P biết và nghe N hàng tháng đều ra khu vực Đ cùng với D, Phước L, K, V, Hiếu N, P và một số thanh niên khác để thu tiền bảo kê của các hộ kinh doanh. Việc này, P nghe ông G và bà P nói. Còn N thu từng hộ mỗi tháng bao nhiêu P không biết.

Vật chứng hiện đang tạm giữ: 1.500.000 đồng.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra còn thu giữ từ bị cáo 01 chiếc xe mô tô, 02 giấy mượn tiền và 2.928.000 đồng. Đối với chiếc xe mô tô và 02 giấy mượn tiền Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã giao trả cho chủ sở hữu và giao 02 giấy mượn tiền cho bị cáo, còn số tiền 2.928.000 đồng của bị cáo vẫn còn tạm giữ.

Bản cáo trạng số: 44/QĐ- KSĐT ngày 10/10/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ đã truy tố bị cáo Nguyễn Ngọc N về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c Khoản 2 Điều 135, điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo từ 03 năm đến 3,5 năm tù.

Lời nói sau cùng của bị cáo là xin Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Phù Mỹ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ có tại hồ sơ, đã được thẩm tra tại phiên tòa với lời khai của bị cáo, các bị hại và những người làm chứng có mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy: Mặc dù bị cáo cho rằng, việc ông G đưa tiền cho bị cáo là do ông G tự nguyện; bị cáo đến nhà bà T yêu cầu bà T nộp tiền là do ghét bà T và nhờ Ngô Quốc D đến nhà ông G lấy tiền là tiền ông G lì xì, chứ bị cáo không cưỡng đoạt tài sản của ông G, bà T. Nhưng căn cứ vào lời khai của ông G, bà T, đơn tố cáo của các bị hại và lời khai những người làm chứng, có đủ cơ sở xác định, hành vi của bị cáo bị bắt quả tang tại nhà ông G, ngày 15/3/2017, khi nhận của ông G 1.500.000 đồng; đe dọa bà T lấy tiền tại nhà bà T ngày 02/11/2017 với số tiền 1.500.000 đồng và hành vi nhờ D đến nhà ông G lấy tiền vào tháng 3/2016 với với số tiền 1.500.000 đồng là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bởi vì, giữa bị cáo với ông G, bà T không có quan hệ bà con, thân thiết gì mà ông G lại xì xì tiền, tự nguyện giao tiền cho bị cáo và bị cáo ghét bà T là không có cơ sở, trong khi đó đơn tố cáo của ông G và các bị hại khác, tố cáo hành vi cưỡng đoạt của bị cáo từ tháng 10/2016, trước khi bị cáo bị bắt quả tang về hành vi cưỡng đoạt tại nhà ông.

[3]. Bị cáo đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cố ý nên trường hợp của bị cáo được coi là tái phạm nguy hiểm. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999. Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ đã truy tố bị cáo Nguyễn Ngọc N về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 là phù hợp quy định của pháp luật. Bản thân bị cáo đã hai lần được cải tạo trong trại giam, nhưng không biết sửa chữa, khắc phục mà tiếp tục cố ý phạm tội. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã gây ra.

[4]. Bị cáo có một tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 sự năm 1999.

[5]. Về nhân thân: bị cáo có nhân thân không tốt, có một tiền sự về hành vi đánh nhau bị Công an huyện Phù Mỹ xử phạt hành chính vào ngày 01/3/2017.

Từ những phân tích và đánh giá nêu trên, căn cứ vào tính chất và mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của bị cáo, căn cứ vào tình tiết tăng nặng và nhân thân bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải tách ly bị cáo ra ngoài xã hội để cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống. Đồng thời, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Đối với các hành vi cưỡng đoạt của bị cáo mà bản cáo trạng đã nêu, gồm: cưỡng đoạt tiền của ông G: 11 lần khác, mỗi lần: 1.500.000 đồng, tổng cộng: 16.500.000 đồng; của bà Trương Thị V: 14 lần, mỗi lần: 500.000 đồng, tổng cộng: 7.000.000 đồng; của bà Đặng Thị Hồng P nhiều lần với số tiền: 7.500.000 đồng; của bà Trương Thị N từ tháng 8/2016, với số tiền: 3.500.000 đồng và của bà Võ Thị Kim P từ tháng 6/2016, với số tiền: 1.400.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ vào đơn tố cáo và lời khai của các bị hại, còn thể hiện rất nhiều mâu thuẫn về mặt thời gian, số lần và số tiền mà các bị hại khai đã bị bị cáo và các đối tượng khác cưỡng đoạt; sự liên quan giữa bị cáo với các đối tượng khác là: P, H, V trong việc cưỡng đoạt cũng chưa được làm rõ; trong quá trình điều tra, truy tố các bị hại cũng không cung cấp được cho Cơ quan Điều tra bằng chứng xác thực về việc tố cáo của mình, từ chối đối chất với bị cáo và những người làm chứng khi Cơ quan Điều tra yêu cầu. Ngoài ra, tại phiên tòa các bị hại Thị Kim P, Đặng Thị Hồng P, Trương Thị N và Trương Thị V, thay đổi lời khai và đều cho rằng, bị cáo không cưỡng đoạt của mình. Vì vậy, chưa đủ chứng cứ vững chắc kết luận bị cáo có hành vi tiền ông G: 11 lần, mỗi lần: 1.500.000 đồng, tổng cộng: 16.500.000 đồng; của bà Trương Thị V: 14 lần, mỗi lần: 500.000 đồng, tổng cộng: 7.000.000 đồng; của bà Đặng Thị Hồng P nhiều lần với số tiền: 7.500.000 đồng; của bà Trương Thị N từ tháng 8/2016, với số tiền: 3.500.000 đồng và của bà Võ Thị Kim P từ tháng 6/2016, với số tiền: 1.400.000 đồng như bản cáo trạng đã nêu.

Việc bồi thường thiệt hại: Ông Trương Văn G yêu cầu bị cáo bồi thường của 13 lần cưỡng đoạt với số tiền là: 19.500.000 đồng. Nhưng căn cứ vào nhận định nêu trên, chỉ chấp nhận yêu cầu của ông G là 2 lần bị bị cáo cưỡng đoạt với số tiền 3.000.000 đồng. Tuy nhiên, bị cáo chỉ phải bồi thường cho ông G 1.500.000 đồng đối với lần nhờ Ngô Quốc D đến nhà ông Trương Văn G lấy tiền. Còn lần bị cáo bị bắt quả tang thì số tiền 1.500.000 đồng là tang vật của vụ án, được Cơ quan Điều tra tạm giữ, sẽ được trả lại cho ông G khi xử lý vật chứng.

Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của ông G đòi bị cáo bồi thường số tiền là: 19.500.000 đồng.

Các bị hại Võ Thị Kim P, Trương Thị T, Đặng Thị Hồng P, Trương Thị N và Trương Thị V không yêu cầu bị cáo bồi thường, nên Hội đồng xét xử không xét.

Việc xử lý vật chứng: số tiền: 1.500.000 đồng được thu giữ là tài sản của ông G nên căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trả lại cho ông G số tiền: 1.500.000 đồng.

Đối với số tiền 2.928.000 đồng của bị cáo bị thu giữ, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, buộc bị cáo phải chịu án phí HSST và án phí DSST.

Trong quá trình điều tra, Lê Thanh P và Ngô Quốc D không có cơ sở chứng minh P, D cùng tham gia cưỡng đoạt tài sản với N, nên Cơ quan Điều tra không xử lý trách nhiệm của P và D là phù hợp. Đối với các đối tượng Nguyễn Tuấn K, Nguyễn Đình H và Nguyễn Đình V, trong quá trình điều tra cố tình lẫn tránh nên Cơ quan Điều tra tiếp tục làm rõ, xử lý sau là phù hợp.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị hại luôn thay đổi lời khai,với lý do cho rằng sợ bị cáo đe dọa, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, vì vậy Hội đồng xét xử nghiêm khắc phê phán các bị hại về việc này để rút kinh nghiệm trong cuộc sống.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Ngọc N phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm c, khoản 2, Điều 135, điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc N 36 (ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 15/3/2017. Tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

Việc bồi thường thiệt hại: Áp dụng các Điều 584 và 589 của Bộ luật dân sự, Buộc bị cáo Nguyễn Ngọc N bồi thường cho ông Trương Văn G 1.500.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của ông Trương Văn G đòi bị cáo Nguyễn Ngọc N bồi thường 19.500.000 đồng.

Việc xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trả lại cho ông G số tiền: 1.500.000 đồng, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 20/11/2017 giữa đại diện Cơ quan điều tra Công an huyện Phù Mỹ với đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Mỹ.

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tiếp tục tạm giữ số tiền 2.928.000 đồng của bị cáo, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 27/03/2018 giữa đại diện Cơ quan điều tra Công an huyện Phù Mỹ với đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Mỹ để đảm bảo thi hành án.

Về án phí: Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí HSST và 300.000 đồng án phí DSST.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo và các bị hại có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hoặc niêm yết hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/HSST ngày 28/03/2018 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:04/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phù Mỹ - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về