TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 04/2018/HS-ST NGÀY 19/01/2018 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 19 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 39/2017/TLST-HS ngày 27/11/2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/QĐXXST-HS ngày 05/01/2018 đối với bị cáo: Võ Như N, tên gọi khác: Không, sinh ngày 17/3/1994; nơi cư trú: Thôn Đ, xã P, huyện L, tỉnh Quảng Bình; nghề nghiệp: Không nghề; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; không tôn giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Võ Như N2, sinh năm 1964 và bà Hồ Thị C, sinh năm 1965; tiền án: Ngày 30/3/2015 bị Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, ngày 17/6/2016 bị Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản; tiền sự: Không. Bị cáo bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Lệ Thủy từ ngày 25/10/2017 cho đến nay, có mặt.
- Người bị hại: Anh Nguyễn Tấn M, sinh năm 2001, địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện L, tỉnh Quảng Bình, có mặt
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chị Trần Thị N, sinh năm 1977, địa chỉ: Tổ dân phố P, thị trấn K, huyện L, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt
- Người làm chứng: Anh Phạm Hồng N, sinh năm 2001, địa chỉ: Thôn L, xãA, huyện L, tỉnh Quảng Bình, vắng mặt.
Anh Lê Bảo N, sinh năm 2000, địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện L, tỉnh Quảng Bình, có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 13 giờ 20 phút, ngày 23/10/2017, Võ Như N đang đứng ở quan tạp hóa gần trường THPT Kỹ thuật L thuộc địa phận xã P, huyện L, thấy Nguyễn Tấn M đang điều khiển xe đạp điện chạy về hướng trường THPT
Kỹ thuật. N vẫy xe và bảo M chở N đi một đoạn. Vì không có tiền mua ma túy để sử dụng, N nảy sinh ý định cưỡng ép M cầm cố điện thoại để đưa tiền cho N. N bảo M chở N đi theo đường G lên thị trấn K, trên đường đi, N rút điện thoại di động OPPO NEO7 từ trong túi quần của M ra và nói là mượn để gọi, tiếp theo N bảo M cầm cố điện thoại để đưa tiền cho N nhưng M không đồng ý. Khi đến khu vực công trường xây dựng Trường mầm non G, M dừng xe lại thì N giành tay lái điều khiển xe chở M. N cho xe dừng trước quán điện thoại di động X của chị Trần Thị N ở tổ dân phố P, thị trấn K, rồi bảo M vào cầm cố điện thoại nhưng M không nhất trí. N tiếp tục chở M đi ra hướng nhà hàng Q vòng ra đường thôn trước bờ sông K. Vừa đi N vừa yêu cầu M cầm cố điện thoại nhưng M vẫn không chịu, N tiếp tục điều khiển xe quay vòng lại theo đường trước Công ty B trở lại đường bờ sông đi về phía trụ sở H thì dừng lại rồi đe dọa đánh M, yêu cầu M cầm cố điện thoại. M sợ bị N đánh nên theo N đến quán bán điện thoại di động X của chị Trần Thị N. Tại đây, N đưa điện thoại OPPO NEO7 cho M và cùng đi với M vào quán. M đưa điện thoại cho chị N để cầm cố lấy 300.000đồng, chị N đưa tiền cho M thì N cầm tiền bỏ vào túi quần của mình sau đó mua ma túy sử dụng.
Về vật chứng: Ngày 23/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lệ Thủy đã tạm giữ điện thoại di động hiệu OPPO NEO7 màu đen. Ngày 26/10/2017 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng đã định giá và kết luận: Điện thoại di động OPPO NEO7 màu đen có giá trị 2.300.000 đồng. Ngày 28/10/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lệ Thủy đã trả lại điện thoại cho chủ sở hữu.
Về dân sự: Người bị hại Nguyễn Tấn M đã nhận lại tài sản; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Trần Thị N đã nhận lại tiền và không ai có yêu cầu bồi thường gì.
Tại bản cáo trạng số: 41/THQCT-KSĐT-XPSH ngày 27/11/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thuỷ đã truy tố bị cáo Võ Như N về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999. Qua tranh luận tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 135, các điểm g, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Võ Như N từ 12 đến 18 tháng tù; về dân sự, người bị hại và người có quyền lợi liên quan nhận lại tài sản và không ai có yêu cầu bồi thường nên không đề nghị xem xét.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Chứng cứ xác định có tội và điều luật áp dụng:
Tại phiên tòa, bị cáo Võ Như N khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình như đã khai tại Cơ quan điều tra và nội dung bản cáo trạng. Bị cáo khai do bị cáo có nghiện ma túy nên đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực làm cho anh Nguyễn Tấn M lo sợ và đã dùng điện thoại của mình cầm cố để đưa tiền cho bị cáo, sau khi lấy tiền cầm cố điện thoại của M, bị cáo đã dùng tiền đó mua ma túy sử dụng. Lời khai của bị cáo Võ Như N phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra đã thu thập, đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Võ Như N đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản là điện thoại di dộng OPPO NEO7 của anh Nguyễn Tấn M có giá trị 2.300.000 đồng. Hành vi đó đã cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 135 của Bộ luật hình sự 1999 Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
"Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm" ....
Do đó việc truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lệ Thuỷ là có căn cứ và đúng pháp luật. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sở hữu của người khác, gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang lo lắng cho nhân dân. Bị cáo hiểu rõ điều đó, song do hám lợi bất chính, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác để sử dụng mục đích tiêu xài cá nhân. Bị cáo là thanh niên mới lớn đã nhiều lần bị Tòa án xét xử, vừa mới chấp hành xong hình phạt trở về địa phương, lẽ ra bị cáo phải lấy đó làm bài học kinh nghiệm để tu dưỡng, rèn luyện bản thân trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội, song do lối sống buông thả, lười lao động, muốn hưởng lợi ích từ công sức của người khác nên bị cáo tiếp tục phạm tội. Ngày 30/3/2015 bị Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy xử phạt 06 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản". Ngày 17/6/2016, bị Tòa án nhân dân huyện Lệ Thủy xử phạt 06 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản", với trị giá tài sản bị cáo trộm cắp 750.000đồng nhưng do bị cáo "đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" nên đây được xem là dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản mà không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm. Ngày 22/10/2016 chấp hành xong hình phạt trở về địa phương đến ngày 23/10/2017 bị cáo lại thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản khi chưa được xóa án tích nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "tái phạm" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999. Vì vậy, cần có một mức án tương xứng với tính chất và mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra mới có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án cũng như xét hỏi công khai tại phiên toà, bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm g, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ngoài ra mẹ của bị cáo đã trả số tiền 300.000đồng cho chị Trần Thị N thay bị cáo nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhất trí áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên để giảm một phần hình phạt trong khung hình phạt mà bị cáo bị xét xử, thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật.
[2].Về vật chứng: Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại tài sản cho chủ sở hữu
[3]. Phần dân sự: Tại phiên tòa, bị hại anh Nguyễn Tấn M không có yêu cầu bồi thường gì; người có quyền lợi liên quan chị Trần Thị N vắng mặt nhưng lời khai tại cơ quan Điều tra chị không có yêu cầu bồi thường gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4].Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo luật định.
[5].Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại và người có quyền lợi liên quan có quyền kháng cáo theo luật định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Võ Như N phạm "Tội cưỡng đoạt tài sản";
Căn cứ vào khoản 1 Điều 135; các điểm g, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Võ Như N 15(mười lăm) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (25/10/2017). Bị cáo Võ Như N phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 LuậtThi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hànhán hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thihành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (đã giải thích về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu thi hành án theo các Điều 6, 7, 9 và 30 của Luật Thi hành án dân sự).
Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (19/01/2018); người có quyền lợi liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm.
Bản án 04/2018/HS-ST ngày 19/01/2018 về tội cưỡng đoạt tài sản
Số hiệu: | 04/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lệ Thủy - Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về