TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 04/2018/HSPT NGÀY 12/01/2018 VỀ VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB
Ngày 12 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 135/2017/TLPT-HS ngày 20 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Phạm Minh B do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2017/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.
- Bị cáo có kháng cáo:
Phạm Minh B, sinh năm 1987.
Nơi cư trú: Ấp A, xã A1, huyện C, tỉnh Tiền Giang; Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Văn H và bà Nguyễn Thị C; có vợ và 01 con; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: tốt; Bị cáo được tại ngoại và có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa cho bị cáo : Ông Nguyễn Minh H – Luật sư văn phòng luật sư Nguyễn Minh H – Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:
- Bị hại:
Nguyễn Trung T, sinh năm 1992; nơi cư trú: ấp M, xã M1, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Lê Thị Oanh K, sinh năm 1990; nơi cư trú: ấp 6, xã P, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có mặt);
Phạm Văn H, sinh năm 1963; nơi cư trú: ấp A, xã A1, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có mặt);
Nguyễn Văn T1, sinh năm 1969, nơi cư trú: ấp M, xã M1, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có mặt).
- Người tham gia tố tụng khác:
Người làm chứng:
1. Nguyễn Văn C, sinh năm 1971; nơi cư trú: ấp M, xã M1, huyện C, tỉnh Tiền Giang (vắng mặt);
2. Lê Văn Đ, sinh năm 1969; nơi cư trú: ấp M, xã M1, huyện C, tỉnh Tiền Giang (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Minh B được cấp giấy phép lái xe hạng A1 giá trị không thời hạn. Sau khi đã có sử dụng rượu nồng độ cồn vượt mức quy định, khoảng 14 giờ ngày 09-10-2016 B điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 63M1-8590 lưu thông trên huyện lộ 72 hướng Cầu Cháy đi Chợ Giòng để về nhà thuộc ấp A, xã A1, huyện C là đoạn đường cong về hướng bên phải theo chiều lưu thông của B, B điều khiển xe không làm chủ tay lái để xe mô tô lấn sang trái đường. Lúc này, anh Nguyễn Trung T (sinh năm 1992, thường trú ấp M, xã M1, huyện C) đang điều khiển xe mô tô 63B9-074.82 theo hướng ngược lại, thấy vậy sợ xảy ra tai nạn nên anh T dừng xe vào lề đường nhưng vẫn bị xe mô tô do B điều khiển đụng vào gây tai nạn. Hậu quả, anh T, bị thương nặng được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 01-11-2016 anh T đến bệnh viện Răng hàm mặt Thành phố Hồ Chí Minh điều trị đến ngày 15-11-2016 thì xuất viện.
Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 09-10-2016 của Công an huyện Cái Bè xác định:
Nơi xảy ra tai nạn là đường trải nhựa, mặt đường phẳng, đường cong qua phải theo hướng Cầu Cháy- Chợ Giòng, đường có hai phần đường xe chạy ngược chiều nhau, mặt đường rộng 3,6m.
Chọn trụ cổng rào hộ ông Nguyễn Văn H phía phải hướng Cầu Cháy- Chợ Giòng làm mép chuẩn. Chọn hướng Cầu Cháy- Chợ Giòng làm hướng đi chính. Chọn mép đường bên trái hướng đi chính làm mép chuẩn.
Vị trí xe mô tô 63M1-8590 sau tai nạn xe ngã qua phải, đầu xe quay về hướng Cầu Cháy, đuôi xe quay về hướng Chợ Giòng, trục trước xe mô tô kéo vuông góc ra mép chuẩn là 1,6m và kéo đến móc chuẩn là 3,80m, trục sau xe mô tô kéo vuông góc ra mép chuẩn là 2,1m.
Vị trí xe mô tô 63B9-074.82 sau tai nạn, xe ngã qua trái, đầu xe quay về hướng Cầu Cháy, đuôi xe quay về hướng Chợ Giòng, trục trước xe mô tô nằm ngay trên mép chuẩn, trảng ba xe kéo vuông góc ra mép chuẩn là 0,55m và kéo đến trục trước xe 63M1-8590 là 2,2m, trục sau xe mô tô kéo vuông góc ra mép chuẩn là 1,55m.
Điểm đụng giữa xe mô tô 63M1-8590 với xe mô tô 63B9-074.82, điểm đụng chiếu thẳng vuông góc xuống mặt đường, tâm điểm đụng kéo vuông góc vào mép chuẩn là 0,6m và kéo đến trục trước mô tô 63M1-8590 là 1,6m.
Theo biên bản khám xe mô tô biển số 63B9-074.82 ngày 09-10-2016 của Công an huyện C xác định:
Phuộc trước trái, phải bị gãy; Phuộc trước bên phải bị trầy xướt; Bánh trước rời khỏi vị trí thiết kế ban đầu; Mâm bánh trước gãy; Dây con tơ mét đứt; Mặt nạn nứt bể; Mặt ngoài kính chiếu hậu bên trái bể; Đầu tay ghi đông bên trái mòn; Mặt ngoài lóc máy bể; Bọc cao su gát chân trước bên trái văng mất, gát chân cong ra sau, đầu gát chân mòn; Cần số cong ra sau; Hệ thống đèn sau bể rơi khỏi vị trí thiết kế ban đầu; Mủ ốp sườn bên trái nứt.
Theo biên bản khám nghiệm xe mô tô biển số 63M1-8590 ngày 09-10-2016 của Công an huyện C xác định:
Kính chiếu hậu trái gãy văng mất; bửng chắn gió trái bể; đèn tín hiệu bên trái bể; ron kính đèn chiếu sáng rời khỏi vị trí thiết kế ban đầu; vè chắn bùn trước nứt, bể, trầy xướt và dính sơn đỏ, bên phải bể, nứt; trản ba cong; niền bánh trước gãy; phuộc trước bên trái sạch bụi; bu long bắt phuột trước bên trái mài mòn; yếm gát chân trước bên trái, phải hở; đầu tay ghi đông bên phải mài mòn; đầu tay thắng bên phải mài mòn; khung nâng xe bên phải mài mòn; mủ ốp sườn bên phải xướt mòn.
Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 123/2017/TgT ngày 28-3-2017 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Tiền Giang kết luận: anh Nguyễn Trung T tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 72%.
Kết quả xét nghiệm nồng độ trong máu của Phạm Minh B ngày 10-10-2016 của Bệnh viện đa khoa huyện C xác định nồng độ cồn còn trong máu là 84mg/dl.
Kết quả thẩm định giá giá trị tài sản xe mô tô 63B9-074.82 bị hư hỏng trị giá 2.625.000 đồng.
Vật chứng thu giữ trong vụ án gồm: 01 xe mô tô biển soát 63B9-074.82; 01 xe mô tô biển kiểm soát 63M1-8590; 01 giấy phép; lái xe hạng A1 tên Phạm Minh B. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C đã trao trả cho chủ sở hữu anh Nguyễn Trung T 01 xe mô tô biển kiểm soát 63B9-074.82; hiện còn tạm giữ 01 xe mô tô biển kiểm soát 63M1-8590; 01 giấy phép lái xe hạng A1 tên Phạm Minh B.
Về trách nhiệm dân sự: Anh T yêu cầu bị cáo B bồi thường tổng chi phí điều trị thương tích là 150.000.000 đồng, bị cáo không đồng ý và chưa bồi thường. Tuy nhiên, ông Phạm Văn H là cha của bị cáo đã bồi thường cho anh T số tiền 17.000.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 70/2017/HSST ngày 27-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Phạm Minh B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 202; khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Phạm Minh B 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 590, Điều 601 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Buộc bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường tiếp cho anh Nguyễn Trung T số tiền tổng chi phí điều trị thương tích 75.125.000 đồng.
Buộc bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-6-2016 mỗi tháng 800.000 đồng/tháng, thời gian cấp dưỡng là 02 năm tính từ ngày 09-6-2017 đến ngày 09-6-2019 với tổng số tiền là 19.200.000 đồng, hết thời hạn hai năm nếu anh T không lao động được có quyền khởi kiện yêu cầu bị cáo Phạm Minh B tiếp tục cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự trả lại cho bị cáo một giấy phép lái xe hạng A1 mang tên Phạm Minh B và một xe mô tô hiệu Mio biển số 63M1-8590 hiện tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C đang tạm giữ, tuy nhiên cần tiếp tục tạm giữ xe mô tô hiệu Mio biển số 63M1-8590 để đảm bảo thi hành án.
Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 4.716.200 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo theo qui định của pháp luật.
Ngày 09-10-2017, bị cáo Phạm Minh B có đơn kháng cáo với nội dung kêu oan, yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự.
* Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo rút lại yêu cầu kháng cáo kêu oan, bị cáo có tội nên bị cáo bổ sung yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo vì bị cáo có tội nên bị cáo nhận tội chứ không có ai tác động bị cáo. Do trước đây bị cáo không nhận tội là vì bị cáo suy nghĩ nông cạn thiếu hiểu biết về pháp luật, tự cho mình là không có tội, nhưng nay căn cứ vào các chứng cứ thu thập có tại hiện trường ngày xảy ra tai nạn và lời trình bày của các nhân chứng có mặt tại nơi xảy ra tai nạn thì đúng là bị cáo có tội nên bị cáo nhận tội. Tòa cấp sơ thẩm đã xét xử và quyết định:
- Tuyên bố bị cáo Phạm Minh B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
- Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 202; khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Minh B 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án, là đúng người đúng tội không oan sai.
- Về phần trách nhiệm dân sự: Phần quyết định của bản án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải có nghĩa vụ bồi thường tiếp về phần chi phí điều trị thương tích cho bị hại Nguyễn Trung T là 75.125.000 đồng bị cáo đồng ý với mức bồi thường này. Tuy nhiên về phần tiền cấp dưỡng nuôi con của anh T là cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-06-2016 là 800.000 đồng/ tháng, thời hạn cấp dưỡng là 02 năm tính từ ngày 09-6-2017 đến ngày 09-6-2019 với tổng số tiền là 19.200.000 đồng, nhưng không ghi cụ thể là cấp dưỡng như thế nào, do vậy bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được cấp dưỡng hàng tháng là 800.000 đồng/ tháng, bị cáo không có khả năng cấp dưỡng một lần mà bị cáo cấp dưỡng theo hàng tháng. Về phần tiền cấp dưỡng nuôi con phía bị hại là anh Nguyễn Trung T cũng đồng ý mức cấp dưỡng nuôi con của bị hại hàng tháng là 800.000 đồng, cấp dưỡng với thời hạn là 02 năm từ ngày 09-6-2017 đến ngày 09-6-2019, vì hiện bị hại không thể lao động được, bị hại cũng đồng ý cho bị cáo cấp dưỡng hàng tháng là 800.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo tự nguyện khắc phục tiếp một phần hậu quả cho bị hại với số tiền là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), bị hại Nguyễn Trung T đã nhận đầy đủ số tiền này.
* Tại phiên tòa trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
- Đơn kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, phù hợp với quy định của pháp luật. Bị cáo kháng cáo kêu oan đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã rút yêu cầu kháng cáo kêu oan mà bị cáo bổ sung yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã tự khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo, lời thừa nhận tội của bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với lời trình bày của các nhân chứng, phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ chứng cứ kết luận bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Vậy cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội. Khi quyết định mức hình phạt Tòa cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất mức độ phạm tội của bị cáo và xử phạt bị cáo với mức hình phạt là 03 (ba) năm tù giam là phù hợp. Tuy nhiên tại phiên Tòa phúc thẩm bị cáo đã thật thà khai báo nhận tội, ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, bị cáo cũng đã tự nguyện khắc phục thêm một phần hậu quả cho bị hại là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng). Do vậy tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c, d khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa bản án sơ thẩm :
- Về phần quyết định hình phạt, giảm cho bị cáo 06 (sáu) tháng tù, xử phạt bị cáo 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù.
- Về phần trách nhiệm dân sự ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo và bị hại về phần cấp dưỡng nuôi con và phần bồi thường thiệt hại.
- Về phần án phí căn cứ vào Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa phần án phí, bị cáo chỉ phải chịu 200.000 đồng án phí cấp dưỡng nuôi con và 3.756.250 đồng án phí dân sự.
Tuy nhiên án sơ thẩm còn nhiều thiếu sót cụ thể như:
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Biên bản nghị án ghi là 3.756.200 đồng trong khi bản án gốc lại ghi là 4.716.200 đồng
- Biên bản nghị án ghi “Vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 27-9-2017 tại phòng nghị án Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tiến hành nghị án”, phần cuối của Biên bản nghị án lại ghi án tuyên vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 27-9-2017. Như vậy về mặt thời gian như thế là không phù hợp.
-Về thời hạn cấp dưỡng Biên bản nghị án ghi “ …..Thời gian cấp dưỡng 02 năm tính từ ngày 09-7-2017 đến ngày 09-7-2019” nhưng bản án gốc lại ghi thời gian cấp dưỡng là 02 năm tính từ ngày 09-6-2017 đến ngày 09-6-2019.
Nhưng những thiếu sót nêu trên không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Do vậy chỉ cần nêu lên để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.
Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
* Ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo: Tại phiên Tòa phúc thẩm bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo. Lời thừa nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra lại tại phiên tòa phúc thẩm. Do vậy luật sư không tranh luận về tội danh, luật sư chỉ nêu ra 04 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo:
- Bị cáo thật thà khai báo nhận tội;
- Bị cáo đã tự nguyện khắc phục thêm một phần hậu quả cho bị hại;
- Bị cáo là công nhân lao động nghèo;
- Bị cáo là lao động chính trong gia đình.
Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo và bị hại tại phiên tòa.
Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, Luật sư không có ý kiến.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo B thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như án sơ thẩm đã nêu và bản án của cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là đúng người, đúng tội, không oan sai. Tuy nhiên án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo 03 (ba) năm tù giam là nặng đối với bị cáo, cho nên bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo để tiếp tục lao động khắc phục hậu quả cho bị hại và hàng tháng có điều kiện cấp dưỡng nuôi con cho bị hại.
[2] Xét về hành vi phạm tội của bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của bị cáo, lời thừa nhận tội của bị cáo tại phiên Tòa phúc thẩm phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với lời trình bày của nhân chứng có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với các chứng cứ khác mà trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu thập được. Hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Xét hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội của bị cáo đã T tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của bị hại. Do vậy Tòa cấp sơ thẩm đã xét xử và quyết định tuyên bố bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 là có căn cứ đúng người, đúng tội phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên cấp sơ thẩm có một số thiếu sót như :
- Về án phí dân sự sơ thẩm, Biên bản nghị án ghi là 3.756.200 đồng trong khi bản án gốc lại ghi là 4.716.200 đồng
- Biên bản nghị án ghi “Vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 27-9-2017 tại phòng nghị án Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tiến hành nghị án”, phần cuối của Biên bản nghị án lại ghi án tuyên vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 27-9-2017. Như vậy về mặt thời gian như thế là không phù hợp.
-Về thời hạn cấp dưỡng Biên bản nghị án ghi “ …..Thời gian cấp dưỡng 02 năm tính từ ngày 9/7/2017 đến ngày 09/7/2019” nhưng bản án gốc lại ghi thời gian cấp dưỡng là 02 năm tính từ ngày 09/6/2017 đến ngày 09/6/2019.
Nhưng những thiếu sót nêu trên không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Do vậy Tòa cấp phúc thẩm cần thiết phải nêu lên để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Hội đồng xét xử nhận thấy, khi quyết định hình phạt Tòa cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ và toàn diện tính chất mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo và đã xử phạt bị cáo 03 (ba) năm tù giam là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên tại phiên Tòa phúc thẩm bị cáo đã thật thà khai báo hành vi phạm tội của bị cáo và ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời bị cáo tự nguyện khắc phục thêm một phần hậu quả cho phía bị hại là 20.000.000đồng (hai mươi triệu đồng), phía bị hại đã nhận lại đầy đủ số tiền này. Do vậy tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có được 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là căn cứ để Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ phần hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Do bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 nên cần áp dụng Điều 47 Bộ 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Như đã nhận định ở phần trên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 202; Điều 33; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Căn cứ vào các Điều 590; Điều 601 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c, d khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Sửa bản án hình sự sơ thẩn số 70/2017/HSST ngày 27-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang. Về phần quyết định hình phạt, về phần trách nhiệm dân sự, về phần án phí
- Về phần quyết định hình phạt: Giảm cho bị cáo 01 (một) năm tù. Như vậy bị cáo phải chấp hành hình phạt là 02 (hai) năm tù, thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo thụ hình án. Xét tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo Hội đồng xét xử không chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo.
-Về phần trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo và bị hại Nguyễn Trung T đã thống nhất được với nhau là sau khi bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo B phải bồi thường tiền thuốc điều trị vết thương cho bị hại là 75.125.000 đồng, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo B có đưa cho bị hại 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), như vậy phần bồi thường tiền thuốc điều trị thương tích bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho bị hại chỉ còn lại là 55.125.000 đồng (năm mươi lăm triệu một trăm hai mươi lăm nghìn đồng).Vậy buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường tiền thuốc điều trị thương tích cho anh Nguyễn Trung T là 55.125.000 đồng (năm mươi lăm triệu một trăm hai mươi lăm nghìn đồng) khi án có hiệu lực pháp luật.
- Đối với phần tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-6- 2016 là con của bị hại Nguyễn Trung T, do bị hại bị tổn thương cơ thể là 72% hiện nay chưa thể lao động được. Bị cáo tự nguyện cấp dưỡng nuôi cháu T mỗi tháng là 800.000đồng/tháng, cấp dưỡng trong 02 năm, thời hạn cấp dưỡng tính từ ngày 09-6-2017 đến ngày 09-6-2019, cấp dưỡng hàng tháng. Phía bị hại anh Nguyễn Trung T cũng đồng ý mức cấp dưỡng, thời hạn cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng mà bị cáo tự nguyện. Do vậy Hội đồng xét xử xét nên ghi nhận sự tự nguyện này của bị cáo và bị hại. Buộc bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-6-2016 mỗi tháng là 800.000 đồng (tám trăm nghìn đồng), thời hạn bắt đầu cấp dưỡng được tính từ ngày 09-6-2017 cho đến ngày 09-6-2019 (tức cấp dưỡng trong 02 năm).
- Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 về án phí, lệ phí tòa án:
+ Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm;
+ Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
+ Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí cấp dưỡng nuôi con và 3.756.250 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
[4] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Xét đề nghị của đại diện Viên kiểm sát tham gia phiên tòa là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c, d khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 70/2017/HSST ngày 27-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang. Về phần quyết định hình phạt, về phần trách nhiệm dân sự, về phần án phí:
* Về phần quyết định hình phạt:
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 202; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật Hình sự.
- Xử phạt: Bị cáo Phạm Minh B 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
* Về trách nhiệm dân sự:
Áp dụng các Điều 590, Điều 601 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Buộc bị cáo B phải tiếp tục bồi thường tiền thuốc điều trị thương tích cho anh Nguyễn Trung T còn lại là 55.125.000 đồng (năm mươi lăm triệu một trăn hai mươi lăm nghìn đồng) khi án có hiệu lực pháp luật.
- Ghi nhận sự tự thỏa thuận giữa bị cáo B và bị hại Nguyễn Trung T về khoản tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-6-2016 là con của bị hại Nguyễn Trung T.
- Buộc bị cáo B phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Ngọc Yến T2 sinh ngày 06-6-2016 mỗi tháng là 800.000đồng (tám trăm nghìn đồng), thời hạn bắt đầu cấp dưỡng được tính từ ngày 09-6-2017 cho đến ngày 09-6-2019 (tức cấp dưỡng trong 02 năm).
*Về án phí:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí tòa án .
+ Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm
+ Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
+ Bị cáo phải chịu 200.000đồng án phí cấp dưỡng nuôi con và 3.756.250 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Trong trường hợp bị cáo chậm thựa hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng bị cáo sẽ phải trả thêm khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ theo mức lãi suất được qui định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.
Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 04/2018/HSPT ngày 12/01/2018 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB
Số hiệu: | 04/2018/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tiền Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về