Bản án 04/2018/HNGĐ-PT ngày 14/03/2018 về tranh chấp ly hôn, nuôi con

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 04/2018/HNGĐ-PT NGÀY 14/03/2018 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON

Ngày 14 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2017/TLPT-DS ngày 07 tháng 3 năm 2017 về tranh chấp ly hôn, nuôi con.

Do bản án Ly hôn sơ thẩm số: 79/2017/LHST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố A, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 23/QĐPT-DS ngày 03 tháng 4 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh V, sinh năm 1970;

2. Bị đơn: Chị T, sinh năm 1969;

Đều trú tại: Số nhà 17, tổ 8, phường B, thành phố A, tỉnh Thái Nguyên.

(Các đương sự đều có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm nguyên đơn anh V trình bày: Anh kết hôn với chị T năm 1994, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường C, huyện D, tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở tự nguyện. Quá trình chung sống vợ chồng có hai con chung là E, sinh ngày 10/3/1995 và G, sinh ngày 28/02/1999. Tài sản chung và nợ chung anh và chị T đã tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lý do xin ly hôn: Sau khi cưới, vợ chồng sống không có hạnh phúc vì nhiều điểm không hợp nhau dẫn đến mâu thuẫn, vợ chồng không có sự quan tâm tới nhau, nguyên nhân là do bất đồng quan điểm sống khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng ngày càng căng thẳng, theo thời gian những mâu thuẫn đó không khắc phục được mà ngày càng trở lên bế tắc. Nay mâu thuẫn vợ chồng đã ở mức trầm trọng, tình cảm vợ chồng đã hết, mục đích hôn nhân không đạt được. Đến nay anh xác định tình cảm vợ chồng không còn, trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa hôm nay, anh xin được ly hôn để ổn định cuộc sống. Khi ly hôn anh có nguyện vọng được nuôi cháu E, sinh ngày 10/3/1995.

Bị đơn chị T trình bày: Chị công nhận về thời gian kết hôn, con chung, tài sản chung, nợ chung và mâu thuẫn vợ chồng đúng như anh V đã khai. Đến nay chị cũng xác định tình cảm vợ chồng không còn, anh V  xin ly hôn chị đồng ý. Khi ly hôn chị cũng có nguyện vọng được trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung là E, sinh ngày 10/3/1995 và G, sinh ngày 28/02/1999 và yêu cầu anh V có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cùng chị cho đến khi hai cháu trưởng thành đủ 18 tuổi, hoặc có sự thỏa thuận khác.

Với nội dung nêu trên tại bản án số 79/2017/LHST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố A, đã xét xử và quyết định: Áp dụng Điều 55, 58, 81, 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình; khoản 2 Điều 305 Bộ Luật dân sự; Điều 28, 35, 38, 39, 146 và Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về quan hệ hôn nhân: Cho anh V được ly hôn chị  T.

2. Về con chung: Có hai con chung là E, sinh ngày 10/3/1995 đã trưởng thành nên Tòa án không giải quyết; giao cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là G, sinh ngày 28/02/1999 đến khi cháu trưởng thành đủ 18 tuổi hoặc đến khi có sự thay đổi khác. Anh V có quyền đi lại thăm nom con chung.

Về cấp dưỡng nuôi con: Buộc anh V có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 1.000.000đ/tháng tới khi  con đủ 18 tuổi hoặc tới khi có sự thay đổi khác. Thời gian cấp dưỡng tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Về tài sản chung và nợ chung: Anh V, chị T tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Về án phí: Anh V phải chịu 200.000đ án phí ly hôn sơ thẩm, được chuyển từ tạm ứng án phí sang theo biên lai thu số 0001543 ngày 27/7/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố A. Anh V phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con 200.000đ.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 05/01/2017 chị T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị T kháng cáo 02 nội dung: Thứ nhất chị không nhất trí ly hôn; Thứ hai chị có nguyện vọng được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục cả hai con và yêu cầu anh V cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của chị T được làm trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Về nội dung: Anh V và chị T kết hôn năm 1994, có đăng ký kết hôn hợp pháp. Quá trình chung sống do bất đồng quan điểm sống nên không thể có tiếng nói chung, tình cảm vợ chồng không còn, nếu tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân cũng không mang lại hạnh phúc, vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm cho anh V được ly hôn chị T là có căn cứ. Chị T kháng cáo không đồng ý ly hôn nhưng lại không đưa ra được giải pháp nào nhằm cải thiện quan hệ vợ chồng vì vậy không chấp nhận kháng cáo xin đoàn tụ của chị T. Về con chung Tòa án cấp sơ thẩm giao cho chị T là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là cháu G sinh ngày 28/02/1999 đến khi cháu trưởng thành đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác là có căn cứ. Tuy nhiên đến phiên tòa phúc thẩm thì cháu G đã đủ 18 tuổi nên không đặt ra vấn đề cấp dưỡng nuôi con nữa. Còn cháu E sinh ngày 10/3/1995 Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng cháu E đã thành niên nên ở với ai là do cháu tự quyết định là chưa đủ căn cứ, bởi vì quá trình giải quyết vụ án chị T cho rằng cháu E bị thiểu năng trí tuệ, hạn chế nhận thức hành vi và đề nghị được giám định sức khỏe, nhưng cấp sơ thẩm đã không tiến hành giám định sức khỏe để làm căn cứ giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật. Tại cấp phúc thẩm chị T vẫn đề nghị giám định sức khỏe cho cháu E và căn cứ vào kết luận số 102/GĐSKTT ngày 27/12/2017 của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương thì cháu E bị tâm thần nhẹ, đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, vì vậy ai là người nuôi cháu E thì người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm chị T có nguyện vọng được nuôi cháu E và đề nghị anh V có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, tuy nhiên chị T không đưa ra con số cụ thể yêu cầu anh V phải đóng góp nuôi con chung là bao nhiêu tiền một tháng, còn anh V cho rằng anh chỉ có khả năng đóng góp 1.000.000đ/tháng để cùng chị T nuôi cháu E. Hội đồng xét xử thấy rằng về mức cấp dưỡng nuôi con phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của anh V thì mức đóng góp phí tổn nuôi con chung của anh V với số tiền 1.500.000đ/tháng (một triệu, năm trăm nghìn đồng) đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 hoặc tới khi có sự thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là phù hợp pháp luật. Về chi phí giám định chị T đã tự bỏ ra 12.358.000đ. Nay anh V và chị T đã tự thỏa thuận chia đôi số tiền chi phí giám định, mỗi người chịu ½. Như vậy anh V sẽ có trách nhiệm trả lại cho chị T 6.179.000đ (sáu triệu, một trăm bẩy mươi chín nghìn đồng). Đây là sự thỏa thuận của các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nên cần được ghi nhận.

[3]. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát chấp nhận một phần đơn kháng cáo của chị T sửa một phần bản án sơ thẩm về phần nuôi con và cấp dưỡng nuôi con, ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự về chi phí giám định là có căn cứ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 56, 58, 81, 82, 83, 84, 116, 117 và Điều 118 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 357 Bộ Luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức án phí, lệ phí Tòa án; Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của chị T, sửa một phần bản án Ly hôn sơ thẩm số 79/2017/DSST ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố A về phần nuôi con và cấp dưỡng nuôi con.

1. Về quan hệ hôn nhân: Anh V được ly hôn chị  T.

2. Về con chung: Giao cho chị T trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là E, sinh ngày 10/3/1995 đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 hoặc tới khi có sự thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Anh V có quyền đi lại thăm nom con chung.

Về cấp dưỡng nuôi con: Buộc anh V có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 1.500.000đ/tháng (một triệu, năm trăm nghìn đồng) đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 hoặc tới khi có sự thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Thời gian cấp dưỡng tính từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được thực hiện theo Điều 357 của Bộ Luật dân sự năm 2015.

3. Về tài sản chung và nợ chung: Anh V, chị T đã tự thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Tòa án không xem xét.

4. Về chi phí giám định: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về chi phí giám định. Anh V có trách nhiệm trả lại cho chị T 6.179.000đ (sáu triệu, một trăm bẩy mươi chín nghìn đồng).

5. Về án phí: Anh V phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí ly hôn sơ thẩm. Xác nhận anh V đã nộp đủ án phí ly hôn sơ thẩm theo biên lai thu tiền số 0001543 ngày 27/7/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố A. Anh V phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con 200.000đ (hai trăm nghìn đồng). Chị T không phải chịu án phí phúc thẩm. Được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004775 ngày 18/01/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố A.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

518
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/HNGĐ-PT ngày 14/03/2018 về tranh chấp ly hôn, nuôi con

Số hiệu:04/2018/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:14/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về