TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 04/2018/DS-PT NGÀY 24/05/2018 VỀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 24 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 23/2017/TLPT-DS ngày 27 tháng 12 năm 2017 về việc kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất.
Do bản án sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2018/QĐ-PT ngày 27 tháng 03 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2018/QĐ-PT ngày 27/4/2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Đỗ Văn T3, sinh năm 1957. Địa chỉ: Thôn C, xã Y1, huyện Y2, tỉnh Nam Định
2. Bị đơn: Bà Phạm Thị N2, sinh năm 1954. Địa chỉ: Xóm 8, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Đức H1, sinh năm 1958. Địa chỉ: SN 49, đường 2, phố P, phường P1, Thành phố N, tỉnh Ninh Bình.
Là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 20 tháng 4 năm 2016).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Đỗ Thị N3, sinh năm 1942.
Địa chỉ: Xóm 8, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.
3.2. Bà Đỗ Thị N4, sinh năm 1947.
Địa chỉ: Thôn T, xã Đ, huyện M, tỉnh Hòa Bình.
3.3. Ông Đỗ Trung T4, sinh năm 1950. Địa chỉ: Xóm 8, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình.
3.4. Bà Đỗ Thị N5 (đã chết năm 1985).
Người thừa kế thế vị là anh Phạm Mạnh H2, sinh năm 1984. Địa chỉ: Tổ 2, xóm 1, ấp T1, H 3, huyện T2, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà N3, bà N4, ông T4, anh H2:
Ông Đỗ Văn T3, sinh năm 1957.
Địa chỉ: Thôn C, xã Y1, huyện Y2, tỉnh Nam Định
(Theo biên bản họp gia đình về việc ủy quyền đòi lại đất thổ cư ngày 06/11/2014)
4. Người kháng cáo: Bị đơn - Bà Phạm Thị N2, sinh năm 1954.
Tại phiên tòa: Bà Phạm Thị N2, Ông Phạm Đức H1, ông Đỗ Văn T3 có mặt, vắng mặt bà N3, ông T4, bà N4, ông H2.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 13/4/2015 và trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, ông Đỗ Văn T3 trình bày:
Cụ Đỗ Xuân T5 và cụ Lê Thị Đ1 có quyền sử dụng 3.036 m2 đất, số thửa 342 tờ bản đồ số 01 xã K lập năm 1996. Cụ T5 chết năm 1966, cụ Đ1 chết năm 2010 không để lại di chúc. Năm 1980, cụ Đ1 có cho ông T3 950 m2 đất, sau đó vợ chồng ông Đỗ Văn T3 và bà Phạm Thị N2 đã xây dựng nhà ở trên phần đất của bà Đ1 cho và sinh sống ở đó. Năm 1986 ông T3 và bà N2 ly hôn. Tại Quyết định dân sự số 15 ngày 18/9/1986 Tòa án nhân dân huyện K1 đã công nhận sự thỏa thuận của ông T3 và bà N2 cụ thể: Giao toàn bộ khối tài sản của vợ chồng ông T3, bà N2 cho bà N2 sở hữu trong đó có 02 sào thổ (tức720 m2 đất thổ cư) mà bố mẹ ông T3 đã cho ở phía Tây của mảnh đất mà bà N2 đang sử dụng giáp đất bà N4, có khuôn viên rõ ràng, phía Tây giáp đất bà N4, phía Bắc giáp đường xóm, phía Nam giáp đường trục xã; số đất vườn còn lại về phía Đông của mảnh đất mà bà N2 đang sử dụng là của bố mẹ ông T3. Khi giao đất cho bà N2 theo bản án ly hôn không có mốc giới nhưng bà N2 vẫn ở trên chính mảnh đất đã được Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Trong thời gian ông T3 đi công tác xa, bà N2 đã sử dụng luôn phần đất vườn của bố mẹ ông T3 tại vị trí phía Đông của mảnh đất mà bà N2 đang sử dụng. Năm 1994 mẹ đẻ ông T3 là cụ Đ1 có làm đơn gửi Ủy ban nhân dân (UBND) xã K đề nghị giải quyết giao đất cho bà N2, xã đã hòa giải nhưng bà N2 cố tình không trả lại phần đất liền kề về phía Đông của diện tích 720 m2 đã giao cho bà N2. Ngày 18/6/1994 ông T3 tiếp tục có đơn gửi UBND xã K đề nghị giải quyết, xã tiếp tục hòa giải nhưng bà N2 vẫn cố tình chiếm đất không trả, trong thời gian này bà N2 còn đổ đất vào phần đất vườn và xây quán xây xát và quán sửa xe. Từ năm 2012 ông T3 tiếp tục có đơn gửi UBND xã K đề nghị giải quyết, xã đã hòa giải nhiều lần nhưng bà N2 vẫn cố tình không trả lại đất của cụ T5 và cụ Đ1 cho ông T3. Để đòi lại phần diện tích đất mà bà N2 đã chiếm đoạt tại cuộc họp gia đình ngày 06/11/2014 bà N3, bà N4, ông T4, ông Hà (chồng của bà Đỗ Thị N5 đã chết năm 1985) đã thống nhất ủy quyền cho ông Đỗ Văn T3 là người đại diện cho gia đình đòi lại diện tích đất 230 m2 mà bà N2 đã chiếm đoạt của ông T5, bà Đ1 .
Căn cứ biên bản thẩm định ngày 11/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Y thì toàn bộ diện tích bà N2 đang sử dụng là 1.055,6 m2, trong đó chỉ có 720 m2 đất tại vị trí phía Tây của mảnh đất nơi có nhà mà trước đây vợ chồng ông T3 và bà N2 xây là đất của bà N2; diện tích đất còn lại về phía Đông tuy cụ Đ1 đã cho ông T3 nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nên vẫn là đất của cụ T5 và cụ Đ1. Nay cụ T5 và cụ Đ1 đều đã chết nên diện tích đất về phía Đông mà bà N2 đang sử dụng là di sản thừa kế của cụ T5 và cụ Đ1 sau khi chết để lại. Do vậy ông T3 yêu cầu bà N2 phải trả lại di sản thừa kế của cụ T5 và cụ Đ1 cho ông T3 quản lý với diện tích là 323,9 m2 đất có kích thước các chiều: phía Đông giáp đường dài 11,3m; phía Nam giáp đường dài 20m; phía Tây giáp đất bà N2 dài 20,2m; phía bắc giáp đường dài 16m; cạnh khuyết nối cạnh Đông và cạnh Bắc dài 4m. Về tài sản trên đất của bà N2 là quán xay xát và quán sửa xe, hai nhà quán này do bà N2 tự xây dựng trên đất vườn là sai và ông T3 không thể sử dụng được nên ông T3 yêu cầu bà N2 phải tháo rỡ để giao lại di sản là 323,9 m2 đất của bố mẹ ông T3 cho ông T3 quản lý.
Tại bản tự khai ngày 25/3/2016, biên bản làm việc ngày 08/7/2016, đơn trình bày ngày 21/8/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, bị đơn là bà N2 trình bày:
Năm 1974 bà N2 kết hôn với ông T3, đến năm 1980 (lúc đó cụ T5 đã chết) cụ Đ1 đã cắt ra một phần đất trong tổng diện tích đất của cụ T5 và cụ Đ1 để cho vợ chồng bà 720 m2 có chiều phía tây giáp đất còn lại của cụ T5 và cụ Đ1, phía nam giáp đường trục xã, phía bắc giáp rãnh thoát nước và đường xóm, phía đông giáp với đất kho thuốc sâu của Hợp tác xã (HTX), kho thuốc sâu của HTX giáp với đường vào xóm (diện tích đất của kho thuốc sâu là bao nhiêu thì bà N2 không biết), sau khi cụ Đ1 cho đất thì vợ chồng bà N2 đã làm nhà ở. Năm 1986 bà N2 và ông T3 đã ly hôn và thỏa thuận phân chia tài sản chung, ông T3 đồng ý cho bà N2 sử dụng tài sản là 720 m2 đất cùng 04 gian nhà lợp ngói, 01 nền móng nhà, bể nước. Ngay sau khi ly hôn, ông T3 đã lấy vợ và chuyển đi nơi khác ở, còn bà N2 vẫn ở đấy và sử dụng toàn bộ diện tích 720 m2 đất nêu trên. Lúc đó kho thuốc sâu của HTX (ở phía Đông giáp đất bà N2) đã tháo rỡ chuyển đi nơi khác, thấy đất bỏ không và sát liền với đất của bà N2 nên bà N2 đã dọn dẹp đất đá cũng như san lấp rãnh nước, các thùng vũng mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Sau đó bà N2 xây nhà máy xay xát, nhà ở trên diện tích đất đó, quá trình sử dụng diện tích đất đó từ năm 1986 cũng như tiến hành san lấp, bồi trúc, xây dựng các công trình, gia đình ông T3 và ông T3 không có ý kiến thắc mắc gì. Do vậy phần đất đang tranh chấp là kho thuốc sâu của HTX và khi bà N2 được chia đất 313 đã bị trừ đi tiêu chuẩn được chia ở ngoài đồng nên bà N2 đề nghị Tòa án xử bác đơn khởi kiện của ông T3.
Tại biên bản làm việc ngày 18/10/2016 và tại phiên tòa ông Hiền là đại diện cho bà N2 theo ủy quyền trình bày: Năm 1974 bà N2 và ông T3 kết hôn với nhau và được cụ Đ1 cho 720 m2 đất, ở liền kề với đất của bà N2 được cho có kho thuốc sâu của HTX, sau đó kho thuốc sâu của HTX chuyển đi chỗ khác. Năm 1986 vợ chồng bà N2 ly hôn và bà N2 được sử dụng toàn bộ diện tích là 720 m2 và các tài sản trên đất, quá trình sử dụng đất bà N2 đã san lấp bồi trúc diện tích đất của kho thuốc sâu của HTX và xây quán xay xát và làm nhà cho bà N2 ở. Quá trình bà N2 làm nhà và quán không có tranh chấp gì. Năm 1993 khi Nhà nước giao đất 313 thì diện tích đất kho thuốc sâu của HTX đã được trừ đi phần đất được giao ở ngoài đồng của bà N2. Phần đất tranh chấp hiện nay là đất kho thuốc sâu của HTX không phải đất của cụ T5 và cụ Đ1 nên đề nghị Tòa án xử bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà N3, bà N4, ông T4 và anh H2 (người thừa kế thế vị của bà N5) đều đã ủy quyền cho ông T3 thống nhất trình bày trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án:
Toàn bộ diện tích đất bà N2 đang sử dụng là 1.055,6 m2 nằm trong thửa đất 342 là đất của cụ T5 và cụ Đ1 . Năm 1980 cụ Đ1 cho ông T3 950 m2 đất để làm nhà ở nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Năm 1986 vợ chồng ông T3, bà N2 ly hôn, ông T3 đã thỏa thuận giao cho bà N2 720 m2 đất ở phía tây giáp đất bà N4, phần đất còn lại ở phía đông là của cụ T5 và cụ Đ1. Các đương sự đều yêu cầu bà N2 phải trả lại di sản của cụ T5 và cụ Đ1 để lại là 323,9 m2 đất vườn có kích thước phía Đông giáp đường dài 11,3m; phía Nam giáp đường trục xã dài 20m; phía Tây giáp đất bà N2 dài 20,2m; phía Bắc giáp đường xóm dài 16m; cạnh khuyết nối cạnh Đông và cạnh Bắc dài 4m và yêu cầu bà N2 phải tháo rỡ 02 quán để trả lại đất cho cụ T5 và cụ Đ1 và giao cho ông T3 quản lý.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Văn T3, buộc bà Phạm Thị N2 phải giao lại di sản thừa kế của cụ Đỗ Xuân T5 và cụ Lê Thị Đ1 sau khi chết để lại cho người thừa kế là ông Đỗ Văn T3 quản lý, di sản là 323,9 m2 đất vườn, tại thửa số 342, tờ bản đồ số 01 xã K, địa chỉ thửa đất tại xóm 8, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; có vị trí, kích thước các chiều như sau:
Phía Đông giáp đường xóm dài 11,3 m (tính theo đường thẳng); Phía Nam giáp đường trục xã dài 20m;
Phía Tây giáp đất bà N2 đang sử dụng dài 20,2m;
Phía Bắc giáp đường xóm dài 16m (tính theo đường thẳng); Cạnh khuyết nối cạnh phía Đông với cạnh phía Bắc dài 4m.
2. Chấp nhận yêu cầu của ông Đỗ Văn T3, buộc bà Phạm Thị N2 phải tháo rỡ toàn bộ hai quán xay xát và quán sửa xe để giao lại 323,9m2 đất của cụ T5 và cụ Đ1 cho ông Đỗ Văn T3 quản lý.
Ngoài ra bản án còn quyết định về tiền án phí, lệ phí, quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 28/11/2017 bà Phạm Thị N2 làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xem xét lại toàn bộ vụ án và bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà N2 và người đại diện theo ủy quyền của bà N2 là ông Phạm Đức H1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì bản án sơ thẩm không có căn cứ và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Mặt khác, ông Hiền cũng nêu quan điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định đất tranh chấp là của ông T5, bà Đ1 và buộc bà N2 phải trả thì phải xem xét công bồi trúc, tôn tạo đất và các tài sản của bà N2 trên phần đất đó để đảm bảo quyền lợi cho bà N2. Án sơ thẩm tách ra để giải quyết bằng vụ án khác là không có căn cứ.
Ông T3 không nhất trí với yêu cầu kháng cáo của bà N2 và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tham gia phiên tòa sau khi phân tích các tình tiết của vụ án và những sai phạm của cấp sơ thẩm đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình hủy bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Thửa đất bà Phạm Thị N2 đang sử dụng có diện tích 1021,7 m2 là thửa số 46 tờ bản đồ số 31 lập năm 2015, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình (đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có nguồn gốc thuộc quyền sử dụng của ông Đỗ Xuân T5 và bà Lê Thị Đ1 được thể hiện trước đó là một phần diện tích của thửa đất số 342, tờ bản đồ số 01 lập năm 1996, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình mang tên ông T5 (đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Việc bà N2 sử dụng thửa đất số 46 tờ bản đồ số 31 lập năm 2015, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình được xác định như sau:
Bà Phạm Thị N2 kết hôn với ông Đỗ Văn T3 năm 1980. Sau khi kết hôn, bà N2 và ông T3 sống chung với bà Đ1 một khoảng thời gian, sau đó bà Đ1 có chia cho ông T3 và bà N2 một phần đất để làm nhà ở riêng, khi chia đất không xác định ranh giới cụ thể. Năm 1986 ông T3 và bà N2 ly hôn. Tại Quyết định dân sự số 15 ngày 18/9/1986 Tòa án nhân dân huyện K1 đã công nhận sự thỏa thuận của ông T3 và bà N2 cụ thể: Giao toàn bộ khối tài sản của vợ chồng ông T3, bà N2 cho bà N2 sở hữu trong đó có 02 sào thổ (tức 720 m2 đất thổ cư). Sau khi ly hôn, ông T3 không sinh sống ở xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình mà chuyển về thôn C, xã Y1, huyện Y2, tỉnh Nam Định sinh sống, bà N2 tiếp tục sinh sống trên thửa đất này. Năm 1994 bà Đ1, ông T3 có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình xác định diện tích đất để giao cho bà N2 theo Quyết định thuận tình ly hôn của ông T3 và bà N2 nhưng không thực hiện được vì bà N2 không đồng ý. Bà N2 cho rằng phần đất bà đang sử dụng có diện tích lớn hơn diện tích trong Quyết định thuận tình ly hôn là diện tích kho thuốc sâu của Hợp tác xã nông nghiệp trước đây bà vượt lập tạo thành và khi bà N2 được chia đất 313 đã bị trừ đi tiêu chuẩn được chia ở ngoài đồng. Từ năm 1994 đến năm 2014 tranh chấp đất đai giữa ông T3 và bà N2 vẫn không được giải quyết. Trong khoảng thời gian này bà N2 có đổ đất tôn tạo san lấp để xây nhà xát gạo và sửa xe đạp trên phần đất tranh chấp.
[2] Cụ Đỗ Xuân T5 và cụ Lê Thị Đ1 sử dụng ổn định lâu dài 3.036 m2 đất, số thửa 342 tờ bản đồ số 01 xã K lập năm 1996 (đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Cụ T5 chết năm 1966 không để lại di chúc, cụ Đ1 chết năm 2010 không để lại di chúc. Cụ T5 và cụ Đ1 có 5 người con là: ông Đỗ Trung T4, Đỗ Văn T3, bà Đỗ Thị N3, bà Đỗ Thị N4 và bà Đỗ Thị N5 (bà N5 chết năm 1985).
Ngày 06/11/2014 tại gia đình ông Đỗ Trung T4 những người thừa kế của cụ Đỗ Xuân T5 và cụ Lê Thị Đ1 là: Ông Đỗ Trung T4, ông Đỗ Văn T3, bà Đỗ Thị N3, bà Đỗ Thị N4 và ông Nguyễn Thanh Hà (Chồng bà Đỗ Thị N5 chết năm 1985) đã họp và thống nhất chia di sản thừa kế của cụ T5, cụ Đ1 là 3036 m2 đất tại thửa đất số 342, tờ bản đồ số 01 lập năm 1996, xã K, huyện Y, tỉnh Ninh Bình mang tên ông T5 cho ông Đỗ Văn T3 là 950m2 trong đó có 720m2 để ông T3 giao cho bà N2 theo Quyết định dân sự số 15 ngày 18/9/1986 Tòa án nhân dân huyện K1. Tại cuộc họp này, những người thừa kế của cụ Đỗ Xuân T5 và cụ Lê Thị Đ1 là: Ông Đỗ Trung T4, bà Đỗ Thị N3, bà Đỗ Thị N4 và ông Nguyễn Thanh Hà (Chồng bà Đỗ Thị N5 chết năm 1985) đã thống nhất nội dung “…Để đòi lại số đất bà Phạm Thị N2 chiếm đoạt anh em chúng tôi trong gia đình nhất trí ủy quyền cho ông Đỗ Văn T3 là con trai cụ Lê Thị Đ1 có giấy chứng minh 160823752 là người đại diện trong gia đình để đòi lại diện tích 230 m2 mà bà N2 đã chiếm đoạt…”.
[3] Theo đơn khởi kiện ngày 13/4/2015, người khởi kiện gồm bà Đỗ Thị N3, Đỗ Thị N4, Đỗ Trung T4, Đỗ Văn T3, Nguyễn Thanh H3 nhưng ở phần cuối đơn chỉ có ông Đỗ Văn T3 ký tên là không đúng với điểm a khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án chỉ có ông Nguyễn Thanh H3 rút yêu cầu khởi kiện nhưng bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y lại chỉ xác định nguyên đơn là ông Đỗ Văn T3 là trái với khoản 1 Điều 5; khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[4] Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y chấp nhận nội dung ủy quyền tại biên bản họp gia đình ngày 06/11/2014 nhưng không xem xét việc chứng thực chữ ký của Ủy ban nhân dân xã K, huyện Y chỉ chứng thực chữ ký của Trưởng xóm dẫn đến thủ tục ủy quyền không đúng với quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ. Mặt khác, khi quyết định lại giao cho ông Đỗ Văn T3 quản lý 323,9m2 là vượt quá nội dung ủy quyền vi phạm khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[5] Diện tích đất tranh chấp cả nguyên đơn và bị đơn đều xác định có sự bồi trúc tôn tạo của bị đơn để xây dựng nhà xát gạo và sửa xe. Tại trang 08 Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y nhận định “Bà N2 không có yêu cầu, nên Tòa án không xem xét về phần đất mà bà N2 đã bồi trúc. Nếu sau này bà N2 có yêu cầu về phần bồi trúc Tòa án sẽ xem xét giải quyết thành một vụ án riêng”. Với nhận định này Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự dẫn đến việc khó khăn cho công tác thi hành án sau này.
[6] Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và người đại diện hợp pháp của người kháng cáo đều đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là có căn cứ và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận.
Do bản án sơ thẩm bị hủy nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Hủy bản án sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình về việc Yêu cầu giao lại di sản thừa kế giữa nguyên đơn ông Đỗ Văn T3, bị đơn bà Phạm Thị N2 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
2. Giao hồ sơ vụ án nêu trên cho Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Ninh Bình giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Bà Phạm Thị N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho bà Phạm Thị N2 số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số 0001692 ngày 14/12/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Ninh Bình.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 24 tháng 05 năm 2018.
Bản án 04/2018/DS-PT ngày 24/05/2018 về kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 04/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/05/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về