Bản án 04/2018/DS-PT ngày 15/01/2018 về đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 04/2018/DS-PT NGÀY 15/01/2018 VỀ ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 116/2017/DS-PT ngày 24 tháng 10 năm 2017 về việc “tranh chấp dân sự đòi tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2014/DS-PT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 302/2017/QĐ-PT ngày 30 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần Tổng công ty D; địa chỉ trụ sở chính tại đường QT, Phường A, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đặng Vĩnh T; chức vụ Phó Tổng giám đốc là người đại diện theo ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty D (văn bản ủy quyền số 133/DTT-UQ ngày 26/12/2017 của Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty D).

- Bị đơn: Công ty cổ phần T; địa chỉ trụ sở chính tại thôn PT, xã HT, huyện ĐT, tỉnh Lâm Đồng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Trọng Đ; chức vụ Giám đốc Công ty là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần T.

- Người kháng cáo: Công ty cổ phần T – Bị đơn. (các đương sự có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, Tại đơn khởi kiện, bản tự khai và trình bày tại phiên tòa của nguyên đơn:

Theo Quyết định số 284 ngày 24/01/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sát nhập Xí nghiệp Dâu tằm tơ ĐD, Xí nghiệp Dâu tằm tơ LA và Xí nghiệp Dâu tằm tơ DL thành Công ty Dâu tằm tơ B. Năm 2007 Công ty Dâu tằm tơ B cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần T.

Tại Biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 14/9/2006 Công ty Dâu tằm tơ B (nay là Công ty cổ phần T) Qua đối chiếu xác nhận nợ Tổng công ty D (nay là Công ty cổ phần Tổng Công ty D) còn nợ Công ty Dâu tằm tơ B số tiền 1.238.636.730 đồng là khoản tiền phát sinh từ họat động kinh doanh, phía Công ty Dâu tằm tơ B còn nợ Tổng công ty D số tiền 6.543.152.513 đồng, khoản nợ này phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của Xí nghiệp Dâu tằm tơ ĐD, Xí nghiệp Dâu tằm tơ LA và Xí nghiệp Dâu tằm tơ DL nhận nợ từ việc Tổng công ty D điều chuyển thiết bị máy móc, nhà xưởng, trụ sở làm việc. Các số liệu nợ này được thể hiện đầy đủ tại các biên bản đối chiếu công nợ các năm giữa hai đơn vị với nhau và được thể hiện tại Phụ lục 12 và Phụ lục 14 do Công ty kiểm toán và kế toán Hà Nội lập trong hồ sơ xác định giá trị của Công ty Dâu tằm tơ B ngày 30/9/2006 để thực hiện cổ phần hóa Công ty Dâu tằm tơ B thành Công ty cổ phần T hiện nay.

Vào năm 2005 trước khi làm thủ tục phá sản Công ty Dâu tằm tơ B, phía Tổng công ty D ban hành Quyết định số 71 ngày 14/7/2005 và Quyết định số 86 ngày 02/8/2005 điều chuyển lại tài sản từ Công ty Dâu tằm tơ B về lại Tổng công ty nhưng Tòa án tỉnh Lâm Đồng đang thụ lý hồ sơ xin mở thủ tục phá sản của Công ty Dâu tằm tơ B không chấp nhận việc điều chuyển ngược lại này nên Tổng công ty vẫn để lại các tài sản này cho Công ty Dâu tằm tơ B sử dụng, sau đó hai bên tiến hành đối chiếu xác định nợ giữa Tổng công ty D là chủ nợ và Công ty Dâu tằm tơ B là con nợ tại các biên bản đối chiếu nợ năm 2004 – 2005.

Công ty cổ phần T cho rằng khi điều chuyển tài có sự nâng khống giá trị tài sản là không đúng, vì việc điều chuyển các tài sản là máy móc thiết bị ươm tơ từ năm 1995 khi các Xí nghiệp DTT là đơn vị thành viên của Liên hiệp các Xí nghiệp DTT (sau đó chuyển thành Tổng công ty D) đồng thời tại các báo cáo quyết toán hàng năm của xí nghiệp ĐD đều thể hiện các khoản nợ, giá trị tài sản theo quy định. Về hồ sơ gốc tài sản điều chuyển thì đây là trách nhiệm giữa đơn vị bàn giao và đơn vị nhận bàn giao chứ không thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần Tổng công ty D.

Sau khi đối trừ nợ hai khoản nợ đã được các bên xác nhận thì Công ty cổ phần T còn nợ Công ty cổ phần Tổng công ty D số tiền 5.304.515.483 đồng. Yêu cầu Công ty cổ phần T có nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc nói trên.

Bị đơn Công ty cổ phần T do ông Trần Trọng Đ đại diện trình bày:

Theo biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 14/9/2006, Công ty Dâu tằm tơ B nợ Tổng công ty D là 6.543.152.513 đồng, khoản nợ này phát sinh trên cơ sở phía Tổng công ty đầu tư máy móc thiết bị từ những năm 1993-1995 gồm 02 dãy ươm tơ tự động, 01 nồi hơi, 01 máy nấu kén tự động, 01 máy sấy kén. Cụ thể như sau: theo Quyết định số 262/DTT/QĐ ngày 05/5/1995 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT điều động 02 dãy ươm tơ tự động trị giá quy thành tiền là 7.048.477.618 đồng; Quyết định số 068/DTT/QĐ ngày 16/7/1995 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT điều động 01 máy nấu kén (Kyunggi) trị giá quy thành tiền là 2.939.614.177 đồng và Quyết định số 572/DTT/QĐ/TSCĐ ngày 15/11/1993 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT điều động 01 máy sấy kén trị giá quy thành tiền là 3.609.992.448 đồng. Toàn bộ giá trị tài sản trên do Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT tự định giá ghi luôn vào trong quyết định chứ hoàn toàn không có chứng từ hồ sơ pháp lý đính kèm. Tuy nhiên, tại thời điểm điều chuyển tài sản thì những tài sản trên đã cũ nên máy móc không đồng bộ và không thể đưa vào sử dụng, giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị điều chuyển. Trên thực tế giá trị tài sản điều chuyển chỉ ghi số tiền trên các quyết định, chứ không có chứng từ hải quan nhập khẩu và các máy móc trên đều do Hàn Quốc sản xuất từ những năm 1970. Tại thời điểm đối chiếu nợ phía Công ty đã đề nghị cung cấp hồ sơ thể hiện giá trị điều chuyển nhưng không được đáp ứng. Sau đó cũng đã nhiều lần khiếu nại việc nâng khống giá trị tài sản từ Tổng công ty nhưng không được giải quyết triệt để.

Tại thời điểm đối chiếu nợ thì phía Công ty Dâu tằm tơ B bị Tổng công ty D cho vào diện phá sản và để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khôi phục sản xuất và để chuyển đổi hình thức hoạt động của Công ty sang công ty cổ phần nên phía Công ty Dâu tằm tơ B buộc phải ký vào biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 14/9/2006.

Nay với yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Tổng công ty D yêu cầu Công ty cổ phần T trả số tiền 5.304.515.483 đồng thì phía Công ty không đồng ý. Bởi vì giá trị các tài sản điều chuyển xuống Công ty thấp hơn nhiều so với giá trị ghi trên giấy tờ khi điều chuyển và hiện nay các tài sản này vẫn còn và không còn giá trị sử dụng. Từ khi nhận tài sản năm 1995 đến nay cũng không sử dụng gì và do máy móc thiết bị không đồng bộ nên không chạy được và cũng không có biên bản bàn giao để xác định tình trạng hoạt động của các máy móc thiết bị điều chuyển.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2014/DS-ST ngày 22/12/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng đã tuyên xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Tổng công ty D. Buộc Công ty cổ phần T trả cho Công ty cổ phần Tổng công ty D số tiền 5.304.515.483 đồng (Năm tỷ, ba trăm lẻ bốn triệu, năm trăm mười lăm nghìn, bốn trăm tám mươi ba đồng).

2/ Về án phí: Buộc Công ty cổ phần T phải chịu 113.304.515 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho Công ty cổ phần Tổng công ty D 56.652.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000175 ngày 01/7/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên quyền kháng cáo và trách nhiệm thi hành án cho các đương sự.

Ngày 26/12/2014, bị đơn Công ty cổ phần T có đơn kháng cáo với nội dung không chấp nhận việc điều chuyển tài sản từ Liên hiệp các xí nghiệp DTT (nay là Công ty cổ phần Tổng công ty D) giá trị tài sản quá lớn, không có giá trị sử dụng, không có biên bản giao máy móc thiết bị, không có hồ sơ gốc chứng minh giá trị tài sản, tài sản trên không được đưa vào hoạt động, máy móc cũ, không đồng bộ. Giá trị điều chuyển tài sản không hợp lý cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực tế của tài sản.

Tại phiên tòa hôm nay:

Nguyên đơn Công ty cổ phần Tổng công ty D vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử (sau đây viết tắt là HĐXX) bác đơn kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn Công ty cổ phần T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu kháng cáo, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về việc Thẩm phán và các đương sự đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, đồng thời đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn Cty cổ phần T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến trình bày của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, nội dung kháng cáo của bị đơn Cty cổ phần T, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng xét xử tại Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2014/DS-ST ngày 22/12/2014. Ngày 26/12/2014, bị đơn Cty cổ phần T có đơn kháng cáo với nội dung không chấp nhận việc điều chuyển tài sản từ Liên hiệp các xí nghiệp DTT. Tại Bản án phúc thẩm số 13/2015/KDTM-PT ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2014/DS-ST ngày 22/12/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng và đình chỉ giải quyết vụ án “Đòi lại tài sản” giữa nguyên đơn Công ty cổ phần Tổng công ty D với bị đơn Công ty cổ phần T. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 44/2017/KDTM-GĐT ngày 16/9/2017 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy Bản án Kinh doanh thương mại phúc thẩm số 13/2015/KDTM-PT ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và giao Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết lại vụ án. Vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng thụ lý vụ án dân sự phúc thẩm số 116/2017/TLDS-PT ngày 24/10/2017.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn Công ty cổ phần Tổng công ty D yêu cầu bị đơn Cty cổ phần T trả khoản tiền 6.543.152.513 đồng, khoản nợ này có nguồn gốc từ quan hệ điều chuyển tài sản thiết bị máy móc phục vụ sản xuất trong ngành dâu tằm tơ vào năm 1995 theo quan hệ giữa đơn vị chủ quản đối với các đơn vị thành viên cụ thể là việc điều chuyển thiết bị sản xuất ngành dâu tằm theo các quyết định điều chuyển tài sản cụ thể như Quyết định số 572/DDT/QĐ/TSCĐ ngày 15/11/1993 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT chuyển giao tài sản cố định là máy sấy kén về Xí nghiệp Dâu tằm tơ ĐD; Quyết định số 262/DTT/QĐ ngày 05/05/1995 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT, điều động tài sản là 02 dãy máy ươm tơ tự động 400 mối Đông Á Silk từ Công ty tơ VY sang Xí nghiệp DTT ĐD; Quyết định số 068/DTT/QĐ ngày 16/7/1995 của Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp DTT, điều động tài sản là 01 máy nấu kén (Kyunggi) từ Xí nghiệp chế biến tơ tằm BL sang Xí nghiệp DTT ĐD. Sau đó giữa Liên hiệp các Xí nghiệp DTT và các đơn vị thành viên đối chiếu thanh toán cho nhau thông qua hoạt động trao đổi mua bán kén, tơ tằm để trừ vào giá trị tài sản trang thiết bị nhận nợ giữa đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị nhận tài sản điều chuyển. Như vậy các bên không phát sinh quan hệ hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay hợp đồng mua bán hàng hóa thiết bị máy móc phục vụ sản xuất mà giữa các đơn vị thành viên trong Liên hiện các Xí nghiệp DTT phát sinh quan hệ giao nhận tài sản trên cơ sở điều động tài sản của đơn vị chủ quan là Liên hiệp các Xí nghiệp DTT thông qua hạch toán độc lập và nhận nợ bằng giá trị của tài sản được điều động, nhằm đảm bảo cho hoạt động của toàn ngành dâu tằm tơ Việt Nam tại thời điểm năm 1993-1995. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp dân sự đòi lại tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Đối với nội dung kháng cáo của bị đơn Cty cổ phần T, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

- Về quyền và nghĩa vụ thừa kế khoản phải thu và khoản phải trả:

+ Công ty Dâu tằm tơ B được sáp nhập từ Xí nghiệp Dâu tằm tơ ĐD, Xí nghiệp Dâu tằm tơ DL và Xí nghiệp Dâu tằm tơ LA. Năm 2005 Công ty Dâu tằm tơ B mở thủ tục phá sản theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau đó tại Hội nghị các chủ nợ, các chủ nợ đồng ý cho Công ty Dâu tằm tơ B được khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và cam kết trả các khoản nợ đã đối chiếu với các chủ nợ trong đó có bản đối chiếu nợ giữa Công ty Dâu tằm tơ B và Đại diện Tổng công ty D (nay là Công ty cổ phần Tổng công ty D) tại Biên bản đối chiếu xác nhận nợ số 28/BB-ĐCXNN ngày 14/9/2006 do Tổ Thẩm phán giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản và Tổ Quản lý thanh lý tài sản của Công ty Dâu tằm tơ B lập, theo đó Công ty Dâu tằm tơ B còn nợ Tổng công ty D số tiền 6.543.152.513đ và Tổng công ty D còn nợ lại Công ty Dâu tằm tơ B số tiền 1.238.636.730đ (bl 151).

Sau khi khôi phục hoạt động sản xuất, ngày 20/3/2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã bàn giao doanh nghiệp nhà nước Công ty Dâu tằm tơ B cho tập thể người lao động trong công ty theo Quyết định số 4073/QĐ- BNN-ĐMDN ngày 29/12/2006 về việc Giao doanh nghiệp nhà nước Công ty Dâu tằm tơ B cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (căn cứ vào Hợp đồng giao doanh nghiệp công ty Dâu tằm tơ B cho tập thể người lao động số 01/2007/HĐ-DTT-ĐMDN ngày 08/3/2007 giữa Tổng Công ty D và Tập thể người lao động do ông Nguyễn Tiến C đại diện ký) (bl 153-161, 21).

Theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp của Công ty DTT B tại thời điểm ngày 30/9/2006 (bl 444) đã thể hiện giá trị khoản nợ phải thu xác định lại đối với Tổng công ty D và khoản nợ phải trả xác định lại của Tổng công ty D đúng với số nợ nói trên không thay đổi.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Nghị Định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ quy định về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước, thì người nhận giao công ty có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ phải thu, khoản nợ phải trả của công ty sau khi được xử lý. Như vậy, theo tinh thần chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước thì Công ty DTT Bđược chuyển đổi thành Công ty cổ phần T theo Quyết định số 524/QĐ-BNN- ĐMDN ngày 28/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số doanh nghiệp 5800001153 ngày 04/6/2007 nên Công ty cổ phần T phải có nghĩa vụ kế thừa các khoản nợ phải thu, khoản nợ phải trả nói trên.

+ Về nguồn gốc của khoản nợ 1.238.636.730đ Tổng công ty D nợ Công ty Dâu tằm tơ B xuất phát từ các hợp đồng mua bán hàng hóa từ trước ngày 14/9/2006 và nguồn gốc khoản nợ 6.543.152.513đ của Công ty Dâu tằm tơ B nợ Tổng công ty D xuất phát từ quan hệ điều chuyển tài sản giữa Liên hiệp các Xí nghiệp DTT là cơ quan chủ quản đối với các Xí nghiệp DTT trong đó có Xí nghiệp Dâu tằm tơ ĐD. Như vậy khoản nợ Tổng công ty D (nay là Công ty cổ phần Tổng công ty D) là khoản nợ từ hợp đồng mua bán hàng hóa, còn khoản nợ của Công ty DTT B (nay là Công ty cổ phần T) là khoản nợ do quan hệ điều chuyển tài sản theo cơ chế điều chuyển tài sản trong nội bộ Liên hiệp các Xí nghiệp DTT, thực tế Liên hiệp các Xí nghiệp DTT đã điều chuyển rất nhiều tài sản như nhà xưởng, đất đai, trụ sở làm việc và các trang thiết bị sản xuất ngành dâu tằm cho các xí nghiệp dâu tằm trực thuộc để đảm bảo năng lực sản xuất chung trong ngành dâu tằm thông qua cơ chế nhận nợ. Khoản nợ đã được xác lập, bên được điều chuyển tài sản đã nhận tài sản quản lý trong nhiều năm dài và đã đối chiếu xác nhận nợ nên đã phát sinh nghĩa vụ thanh toán nợ theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn đã tự nguyện đối trừ nghĩa vụ của mình đối với khoản nợ của bị đơn yêu bị đơn thanh toán số tiền 5.304.515.483đ. Cấp sơ thẩm xác định đúng tính chất của vụ án, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn có nghĩa vụ thanh toán số tiền gốc là 5.304.515.483đ sau khi đã đối trừ nghĩa vụ nợ của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật. Do vậy HĐXX phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu các kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng.

Về án phí: Đương sự phải chịu tiền án dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Đồng thời do không chấp nhận yêu cầu kháng cáo nên người kháng cáo phải chịu tiền án phí phúc thẩm theo quy định tại Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 19/2/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Nhưng do cơ quan Thi hành án dân sự đã trả lại cho bị đơn sau khi có Bản án Kinh doanh thương mại phúc thẩm số 13/2015/KDTM-PT ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng trước đây, nên cần buộc bị đơn phải nộp lại án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Tại phiên tòa Phúc thẩm đại diện nguyên đơn trình bày sau khi xét xử phúc thẩm theo Bản án Kinh doanh thương mại phúc thẩm số 13/2015/KDTM-PT ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng trước đây, phía nguyên đơn đã được Chi cục Thi hành án huyện Đức Trọng hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí là 56.653.000đ theo Biên lai thu số AA/2013/0000175 ngày 01/7/2014 nên HĐXX không xét đến.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 19/2/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam quy định về mức thu, miễn, giảm,thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án .

-Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần T đối với nguyên đơn Công ty cổ phần Tổng công ty D. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm Số 109/2014/DS-ST ngày 22/12/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng.

Xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Tổng công ty D. Buộc Công ty cổ phần T trả cho Công ty cổ phần Tổng công ty D số tiền 5.304.515.483đ (Năm tỷ, ba trăm lẻ bốn triệu, năm trăm mười lăm nghìn, bốn trăm tám mươi ba đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2/ Về án phí: Buộc Công ty cổ phần T phải chịu 113.304.515đ (Một trăm mười ba triệu, ba trăm lẻ bốn ngàn, năm trăm mười lăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm và 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí dân sự phúc thẩm. Tổng cộng Công ty cổ phần T phải nộp 113.504.515đ (Một trăm mười ba triệu, năm trăm lẻ bốn ngàn, năm trăm mười lăm đồng)

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

677
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/DS-PT ngày 15/01/2018 về đòi tài sản

Số hiệu:04/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:đang cập nhật
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về