TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 04/2017/HCPT NGÀY 28/08/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Trong ngày 28/8/2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 01/2017/TLPT-HC, ngày 13 tháng 7 năm 2017; Về việc Khiếu kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính. Do bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HCST, ngày 30 tháng 5 năm 2017, của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo của người khởi kiện. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2017/QĐPT-HC ngày 08 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Ông Trương Văn K- Sinh năm 1945. Có mặt. Trú tại: Xóm CM, xã HT, huyện ĐH- Thái Nguyên.
Người bị kiện: Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên. Ông Phạm Văn B- Chức vụ: Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trương Văn T, Sinh năm 1957. Có mặt.
2. Bà Chu Thị T(Ủy quyền cho ông K). Vắng mặt.
Cùng trú tại: Xóm CM, xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự, nội dung vụ án như sau:
Hộ gia đình Ông Trương Văn K ở Xóm CM, xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên, quản lý sử dụng hai thửa đất gồm: Thửa 314 diện tích 645m2 và thửa 346 diện tích 429m2, nguồn gốc của hai thửa đất này do gia đình khai phá, quản lý, sử dụng từ năm 1971, ban đầu khi khai phá, sử dụng là đất liền một thửa, đến năm 1984, gia đình ông K cho ông Trương Văn T mượn sử dụng làm đường đi ngang qua thửa đất, để vào nhà ông T ở phía sau thửa đất của hộ ông K, con đường đi tự nhiên chia thửa đất làm hai phần.
Năm 2000, UBND huyện ĐH thực hiện việc đo đạc thiết lập bản đồ địa chính theo đúng hiện trạng của thửa đất, xác định diện tích đất ông K cho ông T mượn làm lối đi là đường giao thông nông thôn, nên tách diện tích đất hộ ông K khai phá ban đầu làm hai thửa, thửa đất số 314 diện tích 645m2 và thửa đất số 346 diện tích 429m2, theo đúng hiện trạnh đã được xác định trong bản đồ địa chính. Hộ gia đình ông K không biết việc diện tích đất gia đình bị tách làm hai thửa theo bản đồ.
Năm 2012, hộ gia đình ông K có nhu cầu quy hoạch diện tích đất trên liền thửa để thuận tiện cho việc canh tác, nên đã yêu cầu ông T trả lại phần đất cho mượn làm đường đi giữa hai thửa đất và gia đình ông K sẽ cho hộ ông T mở lối đi khác trên đất của hộ ông K lui xuống phía dưới cùng của thửa đất, có chiều rộng là 02m.
Hộ gia đình ông T thừa nhận lối đi hiện tại gia đình sử dụng để vào nhà, trước đây mượn đi nhờ qua đất của hộ ông K, nhưng có yêu cầu đồng ý trả lại lối đi với điều kiện hộ ông K phải mở cho lối đi khác, có chiều rộng là 2,5m.
Ngày 10/3/2014, ông K và gia đình tổ chức đào hố tạo ngăn cách, rào đường ngăn không cho gia đình ông T sử dụng lối đi đã mượn của gia đình ông K từ trước. UBND xã HT đã thực hiện công tác giải quyết tranh chấp, hòa giải, vận động hai gia đình nhiều lần nhưng không thành.
Ngày 18/3/2014, UBND xã HT đã lập biên bản vi phạm hành chính số 29/BB-VPHC, đối với ông Trương Văn K, về hành vi vi phạm: “Tự ý đào đất được xác định là đất giao thông theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2000, hiện trạng là lối đi duy nhất vào gia đình ông T, đã làm biến dạng địa hình, giảm khả năng sử dụng vào mục đích sử dụng là đất giao thông, chặt cây của gia đình, đóng cọc làm hàng rào ngăn giữa lối đi, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Các hành vi trên quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 và Điểm b Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.
Căn cứ hành vi vi phạm của Ông Trương Văn K, căn cứ quy định của pháp luật, xét thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã HT, nên UBND xã HT có công văn số 30/UBND-ĐC ngày 18/3/2014, về việc đề nghị Chủ tịch UBND huyện ĐH, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Trương Văn K theo thẩm quyền.
Ngày 19/5/2014, UBND huyện ĐH có công văn số 446/UBND, giao cho UBND xã HT ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Ông Trương Văn K, và tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ rào chắn, trả lại hiện trạng con đường đi vào nhà ông T. Thời gian thực hiện trước ngày 27/5/2014, kết quả báo cáo UBND huyện ĐH.
Ngày 21/5/2014, Chủ tịch UBND xã HT ra Quyết định số 35/QĐ-KPHQ, về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tại điều 2 của quyết định đã ấn định thời gian gia đình ông K phải tự giác thực hiện: “Ông Trương Văn K phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày giao quyết định và phải thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả trước ngày 23/5/2014. Quá thời hạn này nếu ông K cố tình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành”. Do gia đình ông K không tự giác thực hiện, ngày 23/5/2014, Chủ tịch UBND xã HT ban hành quyết định số 36/QĐ-CCK, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các quyết định xử lý vi phạm hành chính đã được UBND xã HT tổ chức giao đến nhà ông K, nhưng ông K không nhận, tổ công tác đã lập biên bản việc không nhận quyết định làm căn cứ giải quyết sự việc.
Ngày 27/5/2014, UBND xã HT đã tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo kế hoạch, san lấp, phá dỡ rào chắn trả lại hiện trạng con đường đi vào gia đình ông T.
Không đồng ý với quyết định cưỡng chế số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014 của Chủ tịch UBND xã HT, ngày 12/6/2014 Ông Trương Văn K đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu:
Đề nghị Tòa hành chính TAND huyện Đồng hỷ, tỉnh Thái Nguyên xem xét các hành vi vi phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính, vi phạm tư cách đạo đức của ông Phạm Văn B- Chủ tịch UBND xã HT, cơ quan UBND xã HT, để trả lại công bằng cho tôi và gia đình.
Ngày 29/7/2014, ông K có đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong đó người khởi kiện bổ sung yêu cầu TAND huyện Đồng Hỷ hủy quyết định hành chính số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014 của Chủ tịch UBND xã HT.
Ngày 22/10/2014, TAND huyện Đông Hỷ ra thông báo số 02/2014/TB- TLVA về việc thụ lý vụ án, xác định yêu cầu khởi kiện:
- Đề nghị TAND huyện Đồng Hỷ hủy quyết định hành chính số 36/QĐ- CCK ngày 23/5/2014 của Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên và thông báo số 75/TB-UBND ngày 30/5/2014 của UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên. TAND huyện Đồng Hỷ tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Ngày 13/10/2015 Tại buổi làm việc với Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Ông Trương Văn K chỉ có yêu cầu:
"Đề nghị TAND huyện ĐHhủy quyết định hành chính số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014 của Chủ tich UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên".
Vụ án được đưa ra xét xử, tại bản án số 02/2015/HCST ngày 25/11/2015 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ đã quyết định:
“1. Bác yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn K đối với Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH về việc hủy quyết định hành chính số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.
Ngày 04/12/2015, Ông Trương Văn K có đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm; Ngày 16/12/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, có quyết định kháng nghị số 14/KN-VKS-HC, đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm số 02/2015/HC-ST ngày 25/11/2015 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, theo hướng hủy Quyết định của Chủ tịch UBND xã HT. Tại bản án Hành chính phúc thẩm số 05/2016/HC- PT ngày 08/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên hủy bản án số 02 ngày 25/11/2015 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ. Do vậy vụ án được Tòa án nhân dân huyện ĐHthụ lý, giải quyết lại.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 30/5/2017, Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn K đối với Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH về việc hủy quyết định hành chính số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Ngoài ra bản án còn tuyên buộc án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông K làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 30/5/2017, của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét về nguồn gốc thửa đất của gia đình ông quản lý sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp, nay do việc thiết lập bản đồ địa chính, nhà nước công nhận con đường đi vào nhà ông T là đường giao thông nông thôn, đã làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của gia đình, việc đo đạc bản đồ địa chính ông không được tham gia, không được ký vào các văn bản giao chỉ giới đất, việc đo đạc bản đồ địa chính không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến việc tách thửa đất của gia đình ông làm hai thửa đất, bởi con đường giao thông nông thôn chỉ để đi vào nhà ông T, việc làm này đã làm xâm hại đến tài sản của gia đình ông. Ông K đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tại phiên tòa phúc thẩm sau khi phát biểu về việc tuân theo pháp luật Tố tụng hành chính của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm; Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:
Căn cứ nguyên tắc xác định, phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, của Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH là không đúng thẩm quyền, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Ông Trương Văn K. Sửa toàn bộ bản án hành chính số 01/2017/HCST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên theo hướng: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của những người tham gia tố tụng, ý kiến đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của ông K làm trong hạn luật định, đơn hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền; đơn khởi kiện được thực hiện trong thời hiệu luật định. Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính được xác định là quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quá trình thụ lý và giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật, và tư cách người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn K: “Đề nghị TAND huyện ĐHxem xét hành vi vi phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính và tư cách đạo đức của ông Phạm Văn Bẩy”. Nội dung khởi kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, ông K đã rút đối với yêu cầu khởi kiện trên nhưng bản án sơ thẩm (lần 1) số 02/2015/HCST ngày 22/10/2015 của TAND huyện ĐH không quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này, Đây là nội dung vi phạm tố tụng hành chính mà Bản án phúc thẩm số 05/2016/HCPT ngày 08/6/2016 của TAND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ rõ. Do ông K đã rút yêu cầu khởi kiện đối với nội dung trên, tại Thông báo thụ lý vụ án (lần 2) số 01/2016/TLST- HC ngày 08/8/2016, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thụ lý để xem xét giải quyết đối với yêu cầu trên là đúng quy định của pháp luật.
Tại đơn kháng cáo ông K đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét:
1. Hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, và thông báo số 75/TB-UBND ngày 30/5/2014 của Chủ tịch UBND xã HT.
2. Yêu cầu địa chính huyện ĐH và UBND huyện ĐH sửa bản đồ địa chính để hợp thửa đất theo đúng theo đúng hiện trạnh ban đầu.
3. Giải quyết theo đơn đề nghị bồi thường thiệt hại.
Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy đơn kháng cáo của ông K viết không đúng quy định của pháp luật, một số yêu cầu kháng cáo vượt quá yêu cầu khởi kiện đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, xử lý ở giai đoạn xác định yêu cầu khởi kiện, xác định đối tượng khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, kiểm tra đơn kháng cáo để yêu cầu người kháng cáo làm lại, hoặc sửa đổi đơn kháng cáo là không đúng quy định tại điều 207 - Luật tố tụng hành chính năm 2015, vấn đề này yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ chấp nhận xem xét đối với yêu cầu kháng cáo, đề nghị hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014.
Tại phiên tòa hôm nay vắng mặt Người bị kiện, nhưng Tòa án đã triệu tập hợp lệ, đại diện người bị kiện có văn bản đề nghị xét xử. Căn cứ điều 157, điều 158 – Luật tố tụng hành chính năm 2015, Tòa án quyết định xét xử vắng mặt Người bị kiện.
[2]. Xem xét tính hợ pháp của quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.(Viết tắt là quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014).
Căn cứ để Chủ tịch UBND xã HT ban hành quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, là quyết định xử lý vi phạm hành chính số 35/QĐ-KPHQ ngày 21/5/2014 của Chủ tịch UBND xã HT, về việc: "Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính". (Viết tắt là quyết định số 35/QĐ-KPHQ ngày 21/5/2014). Đây là quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, do ông K có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ông Trương Văn K có hành vi đào hố tạo ngăn cách, và đóng cọc làm hàng rào trên đường, không cho gia đình ông T đi vào nhà, là hành vi vi phạm hành chính. Căn cứ biên bản vi phạm hành chính số 29/BB-VPHC ngày 18/3/2014, của UBND xã HT, xác định hành vi vi phạm hành chính như sau:
“Tự ý đào đất được xác định là đất giao thông theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2000, hiện trạng là lối đi duy nhất vào gia đình ông T, đã làm biến dạng địa hình, giảm khả năng sử dụng vào mục đích sử dụng là đất giao thông, chặt cây của gia đình, đóng cọc làm hàng rào ngăn giữa lối đi, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Các hành vi trên quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 và Điểm b Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.
Căn cứ điều 10- Nghị định 105/2009/NĐ-CP, ngày 11/11/2009: Huỷ hoại đất.
1. Làm suy giảm chất lượng đất hoặc làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng đã được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ năm trăm nghìn (500.000) đồng đến hai triệu (2.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức một (1);
Căn cứ Điều 11-Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009: Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác
1. Hộ gia đình, cá nhân có hành vi gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì hình thức và mức xử phạt như sau:
b) Phạt tiền từ hai triệu (2.000.000) đồng đến mười triệu (10.000.000) đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ năm triệu (5.000.000) đồng đến ba mươi triệu (30.000.000) đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.”
Căn cứ khoản 1 Điều 38- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;…
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này".
Nay được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ, quy định về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng";
Như vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tich UBND cấp xã tối đa là đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 52- Luật xử lý vi phạm hành chính
"Điều 52. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này…
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt";
Căn cứ các quy định pháp luật viện dẫn nêu trên thì hành vi vi phạm hành chính của Ông Trương Văn K không thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã HT.
Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, UBND xã HT có văn bản số 30/UBND-ĐC ngày 18/3/2014, về việc đề nghị Chủ tịch UBND huyện ĐH ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Trương Văn K theo thẩm quyền. UBND huyện ĐH có văn bản số 466/UBND ngày 19/5/2014, giao cho UBND xã HT ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Ông Trương Văn K.
Chủ tịch UBND xã HT đã ban hành Quyết định số 35/QĐ-KPHQ ngày 21/5/2014, về việc: Quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, là trái pháp luật, thuộc trường hợp không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nên cũng không có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quy định tại khoản 2 Điều 66-Luật XLVP hành chính.
"Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này…, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này…".
Trong trường hợp này, nếu hiểu văn bản số 466 ngày 19/5/2014 của UBND huyện ĐH nêu trên, là văn bản của Chủ tịch UBND huyện ĐH giao quyền xử lý vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Chủ tịch UBND xã HT, thì cũng không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 54- Luật xử lý vi phạm hành chính. Bởi lẽ người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Chủ tịch UBND huyện ĐH) chỉ có thể giao quyền cho cấp Phó (Phó Chủ tịch UBND huyện) chứ không có quyền giao cho Chủ tịch UBND cấp dưới (Chủ tịch UBND xã HT).
“Điều 54. Giao quyền xử phạt
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38... của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định:
“ Như vậy với hành vi vi phạm hành chính nêu trên của Ông Trương Văn K nếu xử phạt tiền đến 5.000.000 đồng thì Chủ tịch UBND xã HT vẫn có thẩm quyền xử lý…".
Nhận định của Tòa án nhân dân huyện ĐHnêu trên, là không đúng quy định của pháp luật, không đúng với quy định tại Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật đã viện dẫn nêu trên. Vi phạm nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Từ những nội dung phân tích trên, có thể thấy: Hành vi đào hố tạo ngăn cách, và đóng cọc làm hàng rào trên đường, không cho gia đình ông T đi vào nhà, là hành vi vi phạm hành chính, nguyên nhân của hành vi trên xuất phát từ việc tranh chấp đất, tranh chấp lối đi. UBND xã HT chỉ tiến hành hòa giải tranh chấp, lập biên bản giữ nguyên hiện trạng và hướng dẫn cho các đương sự giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Việc ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã HT là không đúng thẩm quyền.
Do đó Tòa án ND huyện Đồng Hỷ giải quyết vụ án hành chính, và quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn K là không đúng pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của Ông Trương Văn K, sửa toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 30/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên theo hướng: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông K hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của ông Trương Văn Khánh được Tòa án chấp nhận nên ông K không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm, buộc UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên phải chịu án phí hành chính sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: khoản 2 Điều 241; Điều 348; Điều 349 – Luật tố tụng hành chính năm 2015; Tuyên xử:
1. Chấp nhận đơn kháng cáo của Ông Trương Văn K. Sửa toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 30/5/2017, của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Trương Văn K, hủy quyết định số 36/QĐ-CCK ngày 23/5/2014, của Chủ tịch UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên, Về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp khác, để thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Án phí: Buộc UBND xã HT, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí hành chính sơ thẩm.
Trả lại cho Ông Trương Văn K 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0004964, ngày 16/10/2014, và biên lai số 0015744 ngày 16/6/2017 tại Chi cục THADS huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 04/2017/HCPT ngày 28/08/2017 về khiếu kiện quyết định xử lý vi phạm hành chính
Số hiệu: | 04/2017/HCPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 28/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về