Bản án 04/2017/DS-ST ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 04/2017/DS-ST NGÀY 22/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 9 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2017/TLST- DS ngày 22 tháng 3 năm 2017 về tranh chấp Hợp đồng vay tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2017/QĐXXST-DS ngày 07 tháng 9 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Ông Vũ Kim Q, sinh năm 1963.

- Bà Vũ Thị La, sinh năm 1967.

Địa chỉ: Thôn H, xã N, huyện N, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện hợp pháp của bà La: Ông Vũ Kim Q. (Có mặt tại phiên tòa).

2. Bị đơn:

- Ông Vũ Đình T, sinh năm 1957.

- Bà Vũ Thị C, sinh năm 1960.

Địa chỉ: Thôn H, xã N, huyện N, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện hợp pháp của bà C: Ông Vũ Đình T. (Có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 01/3/2017, tại các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, nguyên đơn là ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị L trình bày:

Ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị L có cho vợ chồng ông Vũ Đình T và bà VũThị C vay tiền cụ thể sự việc như sau:

Vào năm 2010, ông Q và bà L có cho vợ chồng ông T, bà C vay tiền mấy lần, mỗi lần vay bao nhiêu tiền cụ thể thì ông không nhớ.

Mục đích vay: Để sử dụng vào việc riêng của gia đình ông T.

Lãi suất cho vay: Những lần vay này đều có thỏa thuận trả lãi theo mức lãi suất cho vay ra của Quỹ tín dụng N.

Mỗi lần vay đều có lập giấy tờ ghi nhận việc cho vay và vợ chồng ông Q giữ giấy tờ đó.

Nhưng do lập nhiều giấy vay, ở các thời điểm khác nhau là không tiện cho việc theo dõi trả nợ, nên đến ngày 01/01/2011 âm lịch (tức 03/02/2011 dương lịch) tại nhà ông Q, vợ chồng ông Q và vợ chồng ông T thống nhất chốt lại số nợ, xác định: tổng số nợ gốc mà ông T và bà C còn nợ vợ chồng ông đến ngày 01/01/2011 (âm lịch) là 775.000.000 đồng. Còn lãi hàng tháng từ khi vay đến ngày 01/01/2011 (âm lịch) thì ông T, bà C đã trả xong. Hai bên thống nhất tiếp tục tính lãi kể từ ngày đó trở đi. Lãi suất cho vay được thỏa thuận bằng mức lãi suất quỹ tín dụng xã N cho vay ra trên tháng. Hai bên đã lập giấy nhận nợ và vợ chồng ông T, bà C ký vào.

- Ngoài ra, ngày 01/01/2012 dương lịch (tức ngày 08/12/2011 âm lịch), bà Vũ Thị C và vợ chồng ông có thỏa thuận vay tiền, theo đó: Bà C và ông T vay của vợ chồng ông số tiền 23.446.000 (hai mươi ba triệu bốn trăm bốn mươi sáu nghìn ) đồng, không thỏa thuận trả lãi và thời hạn trả. Mục đích vay để sử dụng vào việc gia đình ông T. Hai bên lập giấy nhận nợ, bà C ký vào và một vài ngày sau thì ông T cũng ký xác nhận vào giấy này. Ông Q đã giao đủ số tiền vay 23.446.000đ cho bà C nhận đủ.

Quá trình Thực hiện hợp đồng về phía ông T, bà C.

Về phía ông C và bà T, sau khi vay tiền thì đã trả nợ làm nhiều đợt, đợt cuối cùng là ngày 06/01/2017 âm lịch, với tổng số tiền đã trả là 68.800.000 đồng, toàn bộ số tiền trên là trả vào nợ gốc của hợp đồng vay 775 triệu đồng.

Ngoài việc trả gốc nêu trên, thì hàng tháng kể từ khi vay số tiền 775 triệu đồng cho đến trước tháng 01/2012 dương lịch, vợ chồng ông T, bà C vẫn trả ông Q đủ tiền lãi của hợp đồng vay 775 triệu đồng theo lãi suất tương đương lãi suất của quỹ tín dụng N cho vay ra theo tháng .

Bắt đầu từ tháng 01/2012 dương lịch, vợ chồng ông T không trả thêm khoản tiền lãi nào nữa, mặc dù ông Q vẫn đòi lãi. Ông T chỉ trả thêm các khoản gốc như ông Q nêu ở trên mà thôi.

Trong quá trình đòi nợ, ngày 20/01/2013 dương lịch vợ chồng ông T có viết giấy khất nợ với nội dung xác nhận việc vay vợ chồng ông Q số tiền 775 triệu đồng và hứa là hàng năm sẽ trả mỗi năm khoảng 50-70 triệu đồng tiền gốc.

Ông Q xác định cho đến thời điểm hiện tại, ông T, bà C mới chỉ trả vợ chồng ông số tiền nợ gốc của hợp đồng vay 775.000.000 đồng là 68.800.000 đồng và còn nợ lại số tiền gốc là 706.2010.00 đồng, cùng với toàn bộ số tiền gốc của hợp đồng vay 23.446.000 đồng. Tiền lãi chưa trả tính từ tháng 01/2012 dương lịch cho ngày xét xử sơ thẩm, của hợp đồng vay 775 triệu đồng là 706.200.000 đồng tiền gốc x 0,8% x (68 tháng, 22 ngày) = 388.315.000 đồng. Giải thích cách tính lãi như sau: Số nợ gốc tính lãi đáng lẽ nhiều hơn, nhưng chỉ tính bằng số tiền 706.200.000 đồng (tức là số tiền gốc còn nợ tính đến thời điểm ông T trả gốc lần cuối, ngày 06/01/2017 ). Còn lãi suất 0.8%/tháng là tính bình quân của lãi suất quỹ tín dụng N cho vay ra theo tháng. 68 tháng 22 ngày là số tháng chưa trả lãi tính từ tháng 01/2012 đến hết ngày xét xử sơ thẩm 22/9/2017.

Vì vậy, ông Q và bà L khởi kiện, yêu cầu ông T, bà C phải trả :

- Nợ gốc: 706.200.00 đồng và 23.446.000 đồng.

- Tiền lãi tính đến hết ngày xét xử sơ thẩm 22/9/2017: 388.315.000 đồng Tổng cộng là:  1.117.961.000 đồng.

Về tiền lãi chậm trả của khoản vay 23.446.000 đồng, ông Q và bà L tự nguyện không yêu cầu ông T, bà C phải trả.

Trong bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, bị đơn đồng thời là người đại diện cho bà C, là ông T trình bày.

Do cần tiền để cho người khác vay lại, bà Vũ Thị C đã vay của vợ chồng ông Q, bà L tiền với các lần vay như sau:

- Ngày 01/01/2011 âm lịch , ông Q, bà L cho bà C vay số tiền 455.000.000đ (bốn trăm năm mươi lăm triệu đồng).

- Ngày 25/3/2011 dương lịch, ông Q, bà L cho bà C vay  số  tiền130.000.000đ (một trăm ba mươi triệu đồng).

- Ngày 03/11/2011 âm lịch, ông Q, bà L cho vợ tôi vay số tiền 100.000.000đ(Một trăm triệu đồng).

-  Ngày 15/11/2011 dương lịch, ông Q, bà L cho bà C vay số tiền 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng).

Tổng số 4 đợt vay là 765.000.000đ (bảy trăm sáu mươi lăm triệu đồng). BàC đã nhận đủ số tiền vay trên từ ông Q.

Đối với 4 lần vay này, giữa bà C và ông Q chỉ viết giấy nhận nợ (tổng cộng 4 tờ giấy nhận nợ) và coi đó là giấy tờ ghi nhận việc bà C có vay tiền và sẽ phải có trách nhiệm trả nợ cho ông Q. Ngoài giấy nhận nợ, thì giữa hai bên không hề lập biên bản riêng về việc giao nhận tiền cho vay.

Sau khi vay tiền xong, bà C đã cho người khác vay lại số tiền. Việc bà C vay tiền ông Q và cho vay lại thì ban đầu ông T không biết. Sau đó, khi ông Q gặp vợ chồng ông đòi tiền cho vay, ông T mới biết việc bà C vay tiền và biết thêm bà C hàng tháng vẫn phải trả lãi cho ông Q, với lãi suất cao tới 1000 đồng, thậm chí là 2000 đồng/1.000.000 đồng/ngày, một tháng trả lãi lên tới vài chục triệu đồng.

Sau đó ngày 20/01/2013 âm lịch, ông Q và vợ chồng ông T cùng thống nhất xác định lại số nợ mà bà C đã vay của vợ chồng ông Q nên vợ chồng ông đã viết giấy khất nợ với nội dung: Vợ chồng ông T có vay của ông bà Q- L với tổng số tiền là 775.000.000 đ (số tiền này là ghi chuyển từ các giấy nhận nợ mà bà C đã vay 4 lần của vợ chồng ông Q). Vợ chồng ông T sẽ trả dần số tiền nợ nêu trên làm nhiều năm, cụ thể là: từ năm 2013 dương lịch một năm trả cho ông Q, bà Là 50.000.000 đ đến 70.000.000 đ. Trả đến khi nào  hết số tiền gốc thì thôi. Sau đóông Q cũng  đưa ra 4 tờ giấy nhận nợ, của 4 lần cho bà C vay tiền và đã có sẵn chữ ký của bà C, ông Q bảo ông T ký xác nhận vào các tờ giấy nhận nợ trên. Khi đó ông T mới ký vào 4 tờ giấy nhận nợ nêu trên.

Mặc dù tổng số nợ của 4 tờ giấy vay nợ là 765.000.000 đồng, nhưng tại phiên tòa ông T vẫn thừa nhận số nợ là 775.000.000 đồng.

Về việc trả nợ cho vợ chồng ông Q, ông T khai từ năm 2012 đến năm 2017, đã trả tổng số 73.100.000 đồng, đều là trả vào gốc. Ngoài ra chưa trả thêm khoản nào khác.

Ngoài khoản tiền vay ông Q, bà L như đã khai ở trên ông T không thừa nhận việc vay vợ chồng ông Q khoản tiền 23.446.000 đồng. Ông thừa nhận việc bà C và ông có ký vào giấy nhận nợ khoản tiền này mà ông Q đã xuất trình, song ông lý giải đó là khoản tiền lãi của một tháng nào đó của số tiền 775.000.000 đồng , với lãi suất cao, mà bà C trong một tháng nào đó không trả được kịp thời, nên ông Q đã bắt bà C phải ký giấy nhận nợ. Mặt khác, Ông cũng khẳng định thêm là không ai lại đi cho nhau vay số tiền lẻ đến 6 nghìn như vậy cả. Sau đó ông Q lại đem giấy này đi kiện, coi như là khoản vay gốc. Ông không chấp nhận vì cho rằng, số tiền lãi đó thì đã trả cho ông Q rồi, nhưng không thu hồi lại giấy nhận nợ đã ký từ ông Q.

Về tờ giấy nhận nợ ngày 01/01/2011 âm lịch với số nợ ghi là 775.000.000đồng, ông T có giải thích một số nội dung của giấy này như sau :

Về nội dung hẹn ngày trả hết nợ gốc vào ngày 01/12/2015, ông T cho rằng hai bên không hề  thỏa thuận nội dung này, mà do ông Q đánh máy sẵn, ông không đọc kỹ, nên không biết mà vẫn ký vào giấy.

Về nội dung: “Cho vay với mức lãi suất áp dụng theo quỹ tín dụng xã N cho vay ra trên tháng, trên năm làm mức giá sàn” ông cũng không thừa nhận.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm:

Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đủ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét sơ thẩm.

Về nội dung vụ án:

Căn cứ vào các Điều 121; Điều 471; khoản 1, 4 Điều 474; Điều 477 Bộ luật dân sự 2005; khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị La.

Buộc ông Vũ Đình T và bà Vũ Thị C phải liên đới trả ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị L số tiền nợ gốc và lãi là : 1.117.961.000 đồng, chia theo phần, ông T, bà C mỗi người phải trả ½ số nợ trên = 558.980.500 đồng.

Về án phí: Ông T và bà C phải chịu tổng số tiền án phí dân sự sơ thẩm là: 45.538.800 đồng, tương ứng ông T, bà C mỗi người phải chịu:  22.769.400 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại ông Q tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn, bị đơn đều có mặt tại phiên tòa, nên HĐXX tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Về việc xác lập quan hệ vay tiền giữa hai bên:

[2.1.1]. Về hợp đồng vay số tiền 775.000.000 đồng.

Mặc dù ông T cung cấp 4 giấy nhận nợ, với tổng số nợ là 765.000.000 đồng, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Ông T thừa nhận việc vợ chồng ông có vay 775.000.000 đồng của vợ chồng ông Q. Sự thừa nhận của ông T hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với nội dung giấy khất nợ ông tự viết, nên có đủ cơ sở xác định: Vợ chồng ông T vay vợ chồng ông Q số tiền 775.000.000 đồng và đã nhận đủ số tiền trên từ ông Q. Căn cứ vào trình bày của các bên, thì có cơ sở xác định thời điểm cho vay là vào trước năm 2012 (vì ông T khai các lần vay vào năm 2011, còn ông Q lại khẳng định các lần vay vào năm 2010).

Mục đích của việc vay tiền là sử dụng vào việc riêng của gia đình ông T.

Về lãi suất cho vay, ông Q và ông T đều thừa nhận việc hai bên có thỏa thuận về lãi , nhưng không thống nhất về lãi suất. Lời khai của nguyên đơn, bị đơn thống nhất ở việc hàng tháng có việc bà C trả lãi.

Như vậy, có đủ căn cứ kết luận: Giữa ông Q, bà L với vợ chồng ông T, bà C đã xác lập quan hệ vay tiền, với số tiền vay tổng cộng là 775.000.000 đồng, thời điểm vay trước năm 2012. Mục đích của việc vay tiền là phục vụ việc riêng của gia đình ông T. Hợp đồng vay có lãi, trả theo tháng, nhưng có tranh chấp về lãi suất.

Về thời hạn trả nợ gốc:

Trong giấy nhận nợ ghi ngày 01/01/2011 âm lịch giữa hai bên, có nội dung hẹn đến tháng 12/2015 phải trả hết nợ gốc. Tuy nhiên, ông Q khai rằng, do ông T chây ì trả nợ lãi, nên đã ép ông phải ghi như thế, chứ ông không muốn ghi như vậy, do vậy, trên thực tế ông Q vẫn đòi nợ gốc kể từ năm 2012 và ông T vẫn trả nợ gốc kể từ năm 2012. Tại phiên tòa ông T cũng không thừa nhận hai bên có thỏa thuận về thời hạn trả nợ như vậy. Do đó, có đủ cơ sở khẳng định phần nội dung ghi hạn trả tiền vay là tháng 12/2015, là không thể hiện đúng ý chí của hai bên khi xác lập hợp đồng vay tiền ban đầu, nên không có hiệu lực, không làm thay đổi tính chất không thời hạn của hợp đồng vay tiền ban đầu.

Về quan điểm của ông T còn cho rằng: Vào năm 2013, bằng việc ông viết giấy khất nợ, hai bên đã thỏa thuận thống nhất với nhau về lộ trình trả nợ là 50-70 triệu đồng mỗi năm từ năm 2013, trả đến khi nào hết nợ gốc thì thôi và bên vay không phải tiếp tục trả lãi. Tuy nhiên, khi xem xét nội dung giấy khất nợ thấy rằng nội dung giấy này do ông T tự viết, thừa nhận việc có nợ tiền 775.000.000 đồng và hứa trả mỗi năm từ 50-70 triệu đồng nợ gốc, trả đến khi nào hết thì thôi. Phần cuối giấy này, ông Q có viết dòng chữ có nội dung đề nghị vợ chồng ông T cố gắng trả nhiều hơn số tiền cam kết trong giấy khất nợ. Hội đồng xét xử xác định về mặt hình thức văn bản, đây là giấy khất nợ, chứ không phải là một văn bản thỏa thuận. Về nội dung, trong giấy khất nợ này, không có bất cứ từ nào thể hiện ý chí tự nguyện của ông Q thỏa thuận, thống nhất với ông T về lộ trình trả nợ, cũng như chỉ đòi gốc như quan điểm của ông T. Xét về ý chí của ông Q cho vay tiền từ năm 2010, có lãi và đã được trả lãi hàng tháng, không xác định thời hạn, thì không thể có việc ông Q lại chấp nhận lộ trình trả nợ như vậy (nếu theo lộ trình này, phải đến năm 2023 mới hết nợ) và lại không đòi lãi như suy diễn của ông T. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của ông T chỉ từ việc ông Q ký vào văn bản có nội dung như vậy, để cho rằng có sự thỏa thuận, thống nhất của hai bên, mà xác định giấy khất nợ chỉ phản ánh ý chí đơn phương của ông T về việc đưa ra lộ trình trả nợ có lợi cho ông T mà thôi.

Như vậy, có đủ cơ sở xác định hai không có bất cứ thỏa thuận nào làm thay đổi tính chất không thời hạn của khoản vay ban đầu.

Xét hai bên xác lập hợp đồng vay là hoàn toàn tự nguyện, nội dung, mục đích của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên theo quy định tại Điều 121; Điều 471 của Bộ luật dân sự 2005, thì Hợp đồng có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo thỏa thuận của hợp đồng và theo quy định của pháp luật.

[2.1.2] . Về việc vay số tiền 23.446.000 đồng.

Ông T cho rằng, trong giấy khất nợ hai bên đã thỏa thuận vào năm 2013, không hề có nội dung về số nợ 23.446.000 đồng, nên chứng tỏ ông Q đã thừa nhận vợ chồng ông T không nợ số tiền gốc này.

Tuy nhiên, Ông T thừa nhận mình có ký vào giấy nhận nợ đối với số tiền này, nhưng khẳng định đó là tiền lãi của một tháng của số tiền 775.000.000 đồng, mà bà C đã phải trả do phải chịu lãi suất cao, nhưng ông T không chứng minh được việc trả khoản lãi này. Mặc dù ông Q không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc giao số tiền này (khi cho vay tiền) cho bà C, ông T, nhưng căn cứ vào vào cách hai bên ghi nhận, phản ánh quan hệ vay nợ tiền chỉ đơn giản bằng giấy nhận nợ mà không cần lập giấy biên nhận riêng rẽ về việc giao nhận tiền vay (lặp lại đến 4 lần như vậy của số tiền vay 775.000.000 đồng),  có đủ cơ sở khẳng định Giấy nhận nợ của khoản vay 23.446.000 đồng cũng chính là căn cứ xác định việc hai bên đã có việc giao dịch cho vay tiền, đã giao nhận tiền vay cho nhau. Như vậy, giữa hai bên đã xác lập hợp đồng vay không có thời hạn và không có lãi vì trong giấy nhận nợ số tiền này không có nội dung về thời hạn trả và thỏa thuận lãi.

Xét hai bên xác lập hợp đồng vay là hoàn toàn tự nguyện, nội dung, mục đích của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên theo quy định tại Điều 121; Điều 471 của Bộ luật dân sự 2005, thì Hợp đồng có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo thỏa thuận của hợp đồng và theo quy định của pháp luật.

[2.2] . Về thực hiện hợp đồng vay tiền giữa hai bên:

- Về phía ông Q, bà L đã giao đủ tiền của hai khoản vay trên.

- Về phía vợ chồng ông T: Ông T khai đã trả tổng số tiền nợ gốc là73.100.000 đồng, tuy nhiên,  có hai khoản ông Q không chấp nhận, đó là khoản1.000.000 đồng, theo ông T là trả vào ngày 24/8/2012; khoản 3.300.000 đồng, trả vào ngày 30/12/2014. Các chứng cứ giao nộp của ông T không có chứng cứ nào chứng minh việc trả 2 khoản này), nên chỉ có căn cứ xác đinh ông T đã trả tổng số nợ gốc là 68.800.000 đồng, như ông Q thừa nhận. Toàn bộ số tiền này là trả cho nợ gốc hợp đồng vay 775.000.000 đồng. Như vậy, còn lại 706.200.000 đồng nợ gốc (của hợp đồng vay 775.000.000 đồng) và nợ gốc 23.466.000 đồng chưa trả.

[2.3] . Về yêu cầu đòi nợ của ông Q.

- Về yêu cầu đòi nợ gốc:

Hai khoản vay trên đều là vay không có thời hạn trả, nên căn cứ vào điều 477 của bộ luật dân sự 2005, ông Q có quyền yêu cầu trả bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý. Việc ông Q đã đòi từ năm 2012, nên được coi là đã yêu cầu trả nợ trong thời gian hợp lý, do vậy, ông T và bà C có nghĩa vụ phải trả toàn bộ nợ gốc còn lại của hai hợp đồng.

- Về yêu cầu trả tiền lãi:

Ông Q xác định lãi suất hợp đồng vay 775.000.000 đồng là lãi suất bằng lãi suất cho vay ra của Quỹ tín dụng N, với mức bình quân là 0.8%/tháng và yêu cầu ông T trả lãi theo mức lãi suất này.

Ông T không đồng ý trả lãi. Tuy nhiên, căn cứ vào giấy nhận nợ ghi ngày01/01/2011 âm lịch, thì có đủ căn cứ xác định lãi suất cho vay hai bên đã thỏa thuận là bằng lãi suất cho vay ra của Quỹ tín dụng N. Căn cứ vào kết quả xác minh lãi suất cho vay ra tại Quỹ tín dụng N cung cấp thì lãi suất cho vay ngắn hạn theo tháng tại Quỹ tín dụng N, từ tháng 01/2012 đến thời điểm hiện tại, có biến đổi theo từng thời điểm song đều lớn hơn mức 0.8%/tháng. Xét thấy mức lãi suất yêu cầu của ông Q (0.8%) là thấp hơn mức lãi suất theo tháng của quỹ tín dụng N, nên Hội đồng xét xử chấp nhận mức lãi suất này để làm căn cứ tính lãi buộc ông T phải trả.

Do vậy, đối với số nợ gốc còn lại là 706.200.000 đồng , thời gian chịu lãi là: Từ 01/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm 22/9/2017 = 68 tháng 22 ngày thì số lãi ông T, bà C phải trả là: 706.200.000 x 0.8% x (68 +22/30) = 388.315.000 đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm, tổng số tiền phải trả gồm cả gốc, lãi của hai khoản vay là: 706.200.000 đồng + 388.315.000 đồng + 23.446.000 đồng = 1.117.961.000 đồng. Do vậy, cần buộc ông T, bà C phải liên đới trả cho ông Q, bà L số tiền trên.

Đối với số tiền 23.446.000 đồng, ông Q đã đòi, song ông T và bà C không trả, nên theo quy định của Bộ luật Dân sự thì ông T, bà C phải chịu lãi chậm trả nhưng do ông Q tự nguyện không yêu cầu ông T, bà C trả khoản này, nên cần chấp nhận sự tự nguyện của ông Q.

[2.4]. Về án phí:

Yêu cầu khởi kiện của ông Q và bà L được chấp nhận, nên ông Q và bà L không phải chịu án phí, hoàn trả lại ông Q tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Ông T, bà C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 121; Điều 471; khoản 1, 4 Điều 474; Điều 477 ; Khoản 1 Điều 288, khoản 1 Điều 289 Bộ luật dân sự 2005; khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí tòa án.

Xử:

1. Về việc trả nợ:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị La. Buộc ông Vũ Đình T và bà Vũ Thị C phải liên đới trả ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị La:

- Tiền nợ gốc: 729.646.000 (Bảy trăm hai mươi chín triệu, sáu trăm bốn mươi sáu nghìn) đồng.

- Tiền lãi tính từ tháng 01/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm: 388.315.000 (batrăm ba mươi tám triệu ba trăm mười lăm nghìn)đồng

Tổng số tiền nợ gốc và lãi phải trả là: 1.117.961.000 (Một tỷ một trăm mười bảy triệu, chín trăm sáu mươi mốt nghìn) đồng, chia theo phần, ông T, bà C mỗi người phải trả 558.980.500 (Năm trăm năm mươi tám triệu chín trăm tám mươi nghìn năm trăm) đồng.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Q, bà L không yêu cầu ông T, bà C phải trả khoản tiền lãi do chậm trả số tiền nợ gốc 23.446.000 đồng.

Kể từ ngày ông Q hoặc bà L có đơn đề nghị thi hành án cho đến khi thi hành án xong về khoản tiền trên, hàng tháng ông T, bà C còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.

2. Về án phí:

Ông Vũ Đình T và bà Vũ Thị C phải chịu tổng số tiền án phí dân sự sơ thẩm là: 45.538.800 (bốn mươi lăm triệu năm trăm ba mươi tám nghìn, tám trăm) đồng, tương ứng ông T, bà C mỗi người phải chịu: 22.769.400 (hai mươi hai triệu bảy trăm sáu mươi chín nghìn bốn trăm ) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Vũ Kim Q và bà Vũ Thị L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho ông Vũ Kim Q số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 22.386.000 (hai mươi hai triệu ba trăm tám mươi sáu nghìn) đồng, theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/0002242 ngày 22/3/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Giang.

Đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

229
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2017/DS-ST ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:04/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Giang - Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về