Bản án 03/2020/DS-PT ngày 13/01/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ bơm nước tưới tiêu

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 03/2020/DS-PT NGÀY 13/01/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ BƠM NƯỚC TƯỚI TIÊU

Trong ngày 13/01/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 444/2019/TLPT-DS ngày 03 tháng 12 năm 2019 về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ bơm nước tưới tiêu.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 20/2019/DS-ST ngày 15/10/2019 của Tòa án nhân dân thị xã H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 489/2019/QĐ-PT ngày 26 tháng 12 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Hợp tác xã Nông nghiệp A

Địa chỉ: Ấp M, xã A, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo pháp luật là ông Lâm Văn H- Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Huỳnh Văn T, sinh năm 1964; địa chỉ: Khóm An Thành, phường An Thạnh, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp, (có mặt).

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1975; địa chỉ: Tổ H, khóm A, phường T, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp, (có mặt)

3. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị H - Là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Ông Huỳnh Văn T: Hợp tác xã có phục vụ tưới và tiêu nước cho bà con nông dân để canh tác lúa nằm trong diện ô bao Khu N, Ấp M, xã A, thị xã H với tổng diện tích khoảng 610ha, trong đó có diện tích đất của bà H là 9.288m2. Các bà con nông dân khác ai cũng trả tiền thủy lợi phí cho Hợp tác xã như thỏa thuận, chỉ riêng bà H là không chịu trả tiền thủy lợi phí.

Đối với các vụ từ Hè thu năm 2016 đến vụ Đông xuân năm 2018, Hợp tác xã đã khởi kiện bà H và được Tòa án thị xã H giải quyết bằng Bản án số 38/2018/DS-ST, ngày 02/11/2018 là chấp nhận yêu cầu của Hợp tác xã, buộc bà H phải trả tiền thủy lợi phí và được Tòa án tỉnh Đồng Tháp giải quyết phúc thẩm bằng Bản án số 64/2019/DS-PT ngày 11/4/2019 là giữ nguyên án sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi vụ án được xét xử cho tới nay thì bà H vẫn không trả tiền thủy lợi phí cho Hợp tác xã của các vụ lúa tiếp theo đã canh tác. Nay Hợp tác xã yêu cầu bà H trả tiền thủy lợi phí còn thiếu của các vụ lúa Hè thu năm 2018, Đông xuân năm 2018-2019, Hè thu năm 2019 và tiền bơm rút nước ra vụ Đông xuân năm 2018-2019, tổng cộng là 4.829.000đ (đã làm tròn). Cụ thể: 03 vụ bơm tưới tiêu là Hè thu năm 2018, Đông xuân năm 2018-2019 và Hè thu năm 2019 giá 155.000đ/1.000m2 x 9,288 công x 3vụ = 4.318.920đ; bơm rút nước ra vụ Đông xuân năm 2018-2019 là 55.000đ/1.000m2 x 9,288 công = 510.840đ, không yêu cầu tính lãi. Tại phiên tòa nguyên đơn có sự thay đổi đối với số tiền bơm rút nước ra vụ Đông xuân năm 2018-2019 là 50.000đ/1.000m2 x 9,288 công = 464.000đ. Tổng cộng Hợp tác xã yêu cầu bà H trả tổng số tiền thủy lợi phí còn thiếu là 4.782.000đ (đã làm tròn). Giá này được sự thống nhất của bà con nông dân với Hợp tác xã và có sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã A (Ủy ban xã). Vụ án trước Hợp tác xã có xét giảm một phần tiền cho bà H vì thấy bà H gặp khó khăn, tuy nhiên bà H vẫn không trả tiền cho Hợp tác xã, cho nên trong vụ án này Hợp tác xã không giảm cho bà H nữa, vì khi giảm cho bà H các hộ dân khác khiếu nại, ảnh hưởng tới việc phục vụ, kinh doanh của Hợp tác xã.

- Bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà thống nhất là có canh tác lúa diện tích 9.288m2 trong diện Hợp tác xã phục vụ bơm nước tưới tiêu, đất thuộc diện ô bao Khu N, Ấp M, xã A, thị xã H. Bà biết diện tích đất của mình nằm trong diện Hợp tác xã phục vụ bơm nước tưới tiêu cho bà con nông dân canh tác lúa. Tuy nhiên, bà không có sử dụng dịch vụ bơm nước tưới tiêu từ Hợp tác xã, mà bà canh tác lúa là từ nước thải trong ao nuôi cá của bà Trần Thanh T và nước thải từ từ ruộng của các hộ dân khác thải xuống mương nước (mương phèn) giáp đất bà, còn khi tiêu nước ra thì bà tiêu ra mương phèn vì đây là mương chung của nông dân. Đầu các vụ lúa thì Ủy ban xã có mời bà đến dự họp để bàn việc xuống giống và giá bơm tưới tiêu với Hợp tác xã, nhưng bà cho rằng đất của bà không có sử dụng nước của Hợp tác xã nên bà không tham dự. Giữa bà và Hợp tác xã không có ký kết hợp đồng gì hết, nên bà không thống nhất trả tiền thủy lợi phí.

- Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã H đã quyết định:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hợp tác xã Nông nghiệp A. Buộc bà Nguyễn Thị H phải trả số tiền thủy lợi phí còn thiếu cho Hợp tác xã Nông nghiệp A là 4.728.000đ (Bốn triệu bảy trăm hai mươi tám ngàn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Bà Nguyễn Thị H phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, bà Nguyễn Thị H phải chịu 100.000đ để hoàn trả lại cho Hợp tác xã Nông nghiệp A.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và thời hạn kháng cáo của các đương sự, quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, thời hiệu thi hành án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

- Ngày 08/11/2019, bà Nguyễn Thị H kháng cáo không đồng ý toàn bộ Bản án sơ thẩm 20/2019/DS-ST ngày 15/10/2019 của Tòa án nhân dân thị xã H, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án trên.

- Tại phiên tòa phúc thẩm:

+ Đại diện Hợp tác xã (HTX) trình bày vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về nội dung giải quyết của vụ án, nhưng ông Thành chỉ yêu cầu bà H phải trả tiền thủy lợi phí cho HTX số tiền là 4.000.000đ (giảm cho bà H 728.000đ).

+ Bà H thừa nhận có canh tác lúa trong khu vực đê bao do HTX phục vụ tưới tiêu cho dân sản xuất nhưng do bà không có sử dụng nước của HTX bơm tưới tiêu nên không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến về giải quyết vụ án:

+ Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đều chấp hành đúng quy định.

+ Về nội dung:

Diện tích đất của bà H canh tác nằm trong khu đê bao khép kín do HTX Nông nghiệp A phục vụ bơm tưới tiêu. Đồng thời, theo lời xác nhận do bà H cung cấp thì ông T, ông L và ông H cho rằng bà H canh tác là từ nước xả thải hầm cá của bà T và nước thừa của hộ lân cận. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 28/8/2019 thể hiện đất của bà H ở phía Nam giáp với mương nước của HTX, bà H lấy nước từ mương nước này để canh tác, nhưng bà cho rằng đây là nước xả từ trong ao cá của bà T và nước do các hộ dân khác thải ra. Trong khi đó, bà T xác định việc thải nước từ ao nuôi cá là thải ra mương nước của HTX phục vụ, chứ không xả trực tiếp vào ruộng lúa bà H. Việc xả nước của bà T cũng không thường xuyên, nước xả ra rất ít, không đủ để canh tác lúa. Nguồn nước mà bà H canh tác là do HTX phục vụ, đường nước của HTX giáp đất bà H là vừa tưới, vừa tiêu. Tuy nhiên, các hộ dân có diện tích đất canh tác trong khu ô bao do HTX quản lý thì thực hiện trả tiền thủy lợi phí đầy đủ, chỉ riêng bà H là không trả tiền thủy lợi phí cho HTX. Vì vậy có đủ căn cứ xác định việc bà H canh tác diện tích 9.288m2 là do HTX Nông nghiệp A phục vụ bơm tưới tiêu nên bà H phải trả thủy lợi phí là có căn cứ. Tại phiên tòa, đại diện HTX đã tự nguyện giảm bớt tiền thủy lợi phí còn 4.000.000đ cho bà H.

Do đó đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của bà H, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Bà H kháng cáo trong thời hạn luật định, thủ tục đúng quy định nên chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ. Ông Lâm Văn H đại diện theo pháp luật của HTX ủy quyền cho ông Huỳnh Văn T, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận.

[2] Bà H thừa nhận là có canh tác diện tích 9.288m2 trong đê bao do HTX phục vụ tưới tiêu cho dân sản xuất lúa 02 vụ, nhưng bà không sử dụng nước của HTX phục vụ mà bà lấy nguồn nước do bà T thay nước ao cá xả trực tiếp ra đất ruộng của bà và chặn ngang kênh phèn lấy nguồn nước từ các hộ dân khác canh tác lúa xả bỏ ra kênh, dẫn nước vào ruộng của bà để canh tác. Vì vậy, bà không đồng ý trả tiền thủy lợi phí là không có cơ sở, bởi vì:

Bà H thừa nhận HTX phục vụ tưới tiêu đã có mời bà dự họp để thống nhất việc bơm nước, nhưng bà không đến dự họp để nêu ý kiến cho HTX xem xét giải quyết yêu cầu của bà theo quy định, nhằm bàn bạc thực hiện kế hoạch sản xuất chung của địa phương.

Bà H cho ràng, bà lấy nguồn nước của các chủ đất khác cùng canh tác trong đê bao đã xả bỏ để sử dụng (chặn lấy nước xả ra kênh phèn) là không phù hợp thực tế theo lịch thời vụ canh tác chung trong đê bao. Trên thực tế, vị trí đất của bà H giáp với kênh phèn rất thuận tiện cho việc tưới tiêu. Mặt khác, khi bơm nước tưới tiêu HTX có cử ông Nguyễn Văn Cường (người làm công) đi khai nước vào ruộng của bà H. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H không có chứng cứ chứng minh việc phục vụ bơm nước không đầy đủ hoặc bơm tiêu không bảo đảm, nên bà phải tự bơm nước từ kênh phèn lên để canh tác.

Ông Cường trình bày, khi HTX bơm nước thì ông đi đến từng thửa đất để khai nước vào ruộng lúa trong đó có đất của bà H. Bà T trình bày, đất của bà giáp với đất của bà H nhưng có con mương ranh nhỏ giữa 02 phần đất này, bà chỉ có xả nước (thay nước) từ ao nuôi cá ra con mương ranh để dẫn nước ra kênh phèn (kênh do HTX phục vụ tưới tiêu), việc bà H chặn lấy nước để canh tác lúa thì bà không biết. Bà thực hiện thay nước cho ao nuôi cá là không thường xuyên, rất ít nên không thể đủ để canh tác lúa. Theo bà nghĩ là bà H có đất trong đê bao thì phải trả thủy lợi phí mới phù hợp. Ông T trình bày, đất của bà H có nguồn gốc là của ông và trước đây ông cũng sử dụng nước của HTX phục vụ để sản xuất, vì cá nhân trong khu đê bao thì không thể tự bơm nước để sản xuất riêng được.

Ủy ban nhân dân xã A có ý kiến xác định kênh phèn là đất công, mục đích là sử dụng phục vụ tưới tiêu cho dân canh tác lúa; đồng thời trên thực tế đê bao khép kín nên bà H không thể tự bơm nước canh tác được (Công văn số 351/UBND ngày 13/9/2019).

[3] Tại phiên tòa, ông Thành đồng ý giảm tiền thủy lợi phí cho bà H số tiền là 728.000đ, sự tự nguyện này là phù hợp pháp luật nên chấp nhận.

[4] Đại diện Viện kiểm sát Tỉnh đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà H, sửa một phần quyết định của bản án sơ thẩm là có cơ sở nên chấp nhận.

Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà H, sửa một phần bản án sơ thẩm. Buộc bà H phải trả cho HTX số tiền 4.000.000đ. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

[5] Án phí: Bà H không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 4 Điều 91, Điều 147, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 513, 515, 518, 519 của Bộ luật dân sự 2015; khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30- 12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị H.

Sửa một phần quyết định của bản án dân sự sơ thẩm.

2. Chấp nhận yêu cầu của Hợp tác xã Nông nghiệp A.

Buộc bà Nguyễn Thị H phải trả cho Hợp tác xã Nông nghiệp A số tiền 4.000.000đ.

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án của Hợp tác xã Nông nghiệp A cho đến khi thi hành xong, bà H còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

Hoàn trả cho Hợp tác xã Nông nghiệp A số tiền tạm ứng án phí số tiền là 600.000đ, theo biên lai thu số 0007250 ngày 08/7/2019 và biên lai thu số 0007271 ngày 30/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã H, tỉnh Đồng Tháp.

Bà H phải Chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đ.

Bà H không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm, được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000đ, theo biên lai thu số 0007423 ngày 08/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã H, tỉnh Đồng Tháp.

4. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Bà H phải nộp số tiền 100.000đ để hoàn trả lại cho Hợp tác xã Nông nghiệp A.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

455
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2020/DS-PT ngày 13/01/2020 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ bơm nước tưới tiêu

Số hiệu:03/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về