Bản án 03/2019/LĐ-PT ngày 19/06/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 03/2019/LĐ-PT NGÀY 19/06/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 20 tháng 5 và ngày 19 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 03/2019/TLPT-LĐ ngày 21 tháng 01 năm 2019 về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 17/2018/LĐ-ST ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2019/QĐ-PT ngày 22/3/2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 02/2019/QĐ-PT ngày 19/4/2019 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 01/2019/QĐPT-LĐ ngày 20/5/2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1977; thường trú: Số V đường L, phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú: Số A, khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Có mặt ngày 20/5/2019 vắng mặt ngày 19/6/2019.

Người đại diện hợp pháp:

+ Ông Nguyễn Hồng N, sinh năm 1979; địa chỉ: E4 khu biệt thự L, đường P, phường H, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 04/10/2018. Có mặt.

+ Ông Lê Văn Th, sinh năm 1994; địa chỉ: Tầng G, số R đường P, Phường T, Quận V, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 13/12/2018. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Phạm Văn T: Ông Lê Ngọc L và bà Võ Thị Anh L là Luật sư Công ty Luật TNHH C – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng địa chỉ: Tầng G, số R đường P, Phường T, Quận V, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Tập đoàn H; trụ sở: Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Ông Huỳnh Thanh Tr, sinh năm 1980, thường trú: Ấp N, xã Đ, huyện B, tỉnh Bến Tre; địa chỉ liên hệ: Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương là người đại diện ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 21/8/2018. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Ông Lê Văn V, sinh năm 1982; địa chỉ: Xã L, huyện B, tỉnh Bến Tre. Địa chỉ liên lạc: Số V đường L, phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt.

2/ Ông Trần Quốc Tr1, sinh năm 1979; địa chỉ: Công ty Cổ phần Tập đoàn H; trụ sở: Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Vắng mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phạm Văn T và bị đơn Công ty Cổ phần Tập đoàn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 06/4/2012, đơn khởi kiện bổ sung ngày 10/5/2012, ngày 19/7/2012, lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Phạm Văn T và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng N thống nhất trình bày: Thống nhất với Công ty cổ phần Tập đoàn H (sau đây gọi tắt là Công ty) về thời gian bắt đầu làm việc của ông T là ngày 08/8/2001. Đến ngày 01/01/2005, hai bên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Các công việc của ông T đã từng đảm nhiệm tại Công ty là: Trợ lý Tổng Giám đốc, Giám đốc nhập khẩu, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh kiêm thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tôn H, thành viên Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng H, Phó Tổng

Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn H, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tôn H, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vật liệu xây dựng H, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhựa H, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật kiêm thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn H. Vì lý do cá nhân, ngày 18/4/2011 ông T nộp đơn xin thôi việc và thông báo ngày bắt đầu thôi việc là ngày 30/9/2011. Sau khi nộp đơn, ông T vẫn tiếp tục đi làm và đếnngày 29/4/2011 thì ông T nộp đơn xin nghỉ phép từ ngày 29/4/2011 đến ngày 09/5/2011. Ngày 29/4/2011, Công ty đã niêm phong phòng làm việc của ông T tại văn phòng đại diện ở số C đường T, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 07/5/2011, Công ty có thông báo số 51 gửi ông T yêu cầu ông T trở lại làm việc bình thường kể từ ngày 10/5/2011 tại địa điểm làm việc Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Ông T đã chấp hành theo đúng nội dung thông báo trên. Tuy nhiên, khi ông T vào Công ty tại Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương, ông T không được bố Tr1 công việc, phòng làm việc nên không có việc gì làm. Ông T vẫn tiếp tục đi làm cho đến hết ngày 30/6/2011 thì nhận được Thông báo số 53/TB/TGĐ/11 ngày 10/5/2011 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông T kể từ ngày 01/7/2011, thời gian đi làm này không được Công ty chấm công. Vì vậy, từ ngày01/7/2011 ông T không đi làm nữa. Trước khi nghỉ việc, ông T đang hưởng lương Tổng Giám đốc 100.000.000 đồng/tháng và mức thù lao Hội đồng quản trị là 8.000.000 đồng/tháng. Mức lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là 88.187.667 đồng. Ông T xác định Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật nên ông T khởi kiện yêu cầu thanh toán các khoản sau:

+ Trả lương đợt 2 của tháng 4, lương tháng 5 và 6/2011 chưa thanh toán là: 67.247.845đ + 108.000.000đ + 108.000.000đ = 259.247.845 đồng.

+ Trả tiền lương và phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian không được làm việc tại công ty từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2012 (13 tháng), căn cứ vào bình quân 06 tháng tiền lương và phụ cấp kiêm nhiệm liền kề là 88.187.667 đồng, thành tiền: 88.187.667đ x 13 tháng = 1.146.439.667 đồng;

+ Bồi thường 02 tháng do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là: 88.187.667đ x 02 tháng = 176.375.334 đồng;

+ Trả tiền trợ cấp thôi việc từ ngày 16/4/2001 đến hết ngày 31/12/2008 (tương đương 08 năm, mỗi năm làm việc bằng nửa tháng lương và tính trên bình quân 06 tháng liền kề) là: 88.187.667đ x 08 năm x ½ tháng/năm = 352.750.667 đồng;

+ Trả tiền lương chi bù lần 3 cho 4 ngày thứ 7 của tháng 9/2010 theo Thông báo số 46/TB/TGĐ/11 với số tiền là: 9.056.909 đồng.

Tổng cộng 1.967.870.421 đồng.

Đối với các yêu cầu phản tố của Công ty về việc yêu cầu ông T bồi thường và hoàn trả tổng số tiền 1.698.964.222 đồng. Người đại diện theo ủy quyền của ông T có ý kiến như sau:

Ông T đồng ý hoàn trả hoàn số tiền 13.398.000 đồng tương đương trị giá máy tính xách tay hiệu Dell Vostro 1014C943T mà hai bên đã thỏa thuận thống nhất về giá trị và đồng ý hoàn trả tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2010 do Công ty đã nộp cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương thay cho ông T là 65.019.380 đồng.

Đối với số tiền còn lại là 1.620.546.842 đồng ông T không đồng ý vì ông T không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty mà chính Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông T theo nội dung như đơn khởi kiện. Ông T xác định vào ngày 06/02/2010 đã tạm ứng 50.000.000 đồng, ngày 06/10/2010 tạm ứng 200.000.000 đồng, ngày 24/01/2011 tạm ứng 200.000.000 đồng, ngày 29/01/2011 tạm ứng 50.000.000 đồng, tổng số tiền ông T đã tạm ứng là 500.000.000 đồng. Tuy nhiên, ông T đã hoàn ứng số tiền này. Về chứng từ liên quan đến hoàn ứng ông T đã lưu giữ trong phòng làm việc nhưng sau đó Công ty đã niêm phong phòng làm việc của ông T và cho đến nay ông T vẫn không được nhận lại các chứng từ này. Ông T không đồng ý thanh toán số tiền này vì theo Thông báo số 92 ngày 16/10/2009 của Công ty ban hành thì việc ứng tiền cũng như hoàn ứng đã có quy định của Công ty, ông T đã hoàn ứng rồi nên sổ sách kế toán có bảo lưu đầy đủ. Thực tế, Công ty có sổ sách kếtoán chi tiết, sổ tạm ứng hay sổ tiền mặt chi thanh toán hay không thì ông T không biết. Đối với số tiền ông Tr1 và ông V tạm ứng 720.000.000 đồng, ông T không đồng ý trả vì ông T không có chỉ đạo ông Tr1 và ông V tạm ứng số tiền này.

Theo bản tự khai ngày 25/5/2017, đơn phản tố ngày 14/6/2012, đơn phản tố bổ sung ngày 25/12/2014 ngày 25/5/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Công ty thống nhất ông T ngày vào làm việc là ngày 08/8/2001. Theo hồ sơ quản lý lao động của Công ty, quan hệ lao động của ông T chỉ còn lưu giữ hợp đồng lao động kể từ ngày 01/5/2004. Quá trình làm việc tại Công ty, ông T được bổ nhiệm nhiều chức danh khác nhau như lời trình bày của ông T là đúng. Ngày 18/3/2011, ông T được bổ nhiệm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật kể từ ngày 01/4/2011. Sau khi được bổ nhiệm, có nhiều phản ánh về việc làm sai trái của ông T trong quá trình điều hành Công ty trước đó. Khi Công ty biết được sự việc này thì ông T làm đơn xin thôi việc và nộp vào ngày 18/4/2011, ngay sau khi nộp đơn ông T không đi làm nữa. Thời điểm này, ông T là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, chủ tài khoản của Công ty, khi ông T nghỉ việc mà không bàn giao công việc nên Công ty phải ra các quyết định thôi nhiệm các chức danh và bổ nhiệm người khác thay thế để điều hành hoạt động của Công ty. Công ty yêu cầu ông T vào làm việc để bàn giao công việc, tuy nhiên ông T không thực hiện nên ngày 07/5/2011, Công ty H mới ban hành Thông báo số 51/TB/TGĐ/11 yêu cầu ông T vào làm việc kể từ ngày 10/5/2011 tại Số I, Đại lộ N, khu công nghiệp S, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, ông T không vào nên ngày 10/5/2011, Công ty ban hành Thông báo 53/TB/TGĐ/11 với nội dung chấp nhận đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động của ông T và đề nghị thời gian chấm dứt vào ngày 01/7/2011 thay vì ngày 30/9/2011 như ông T đề nghị và yêu cầu ông T vào Công ty để bàn giao công việc. Ngày 09/6/2011, Công ty ban hành Thông báo 64/TB/TGĐ/11 mời ông T vào Công ty để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, ông T đã nhận được thông báo và xin hẹn lại ngày 17/6/2011 nhưng ông T không đến Công ty nên hai bên chưa thỏa thuận được việc chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi nộp đơn xin thôi việc, ông T có đơn xin nghỉ phép liên tục thể hiện bằng các đơn từ ngày 25/4/2011 đến ngày 09/5/2011, từ ngày 11/5/2011 đến ngày 14/5/2011, từ ngày 16/5/2011 đến ngày 26/5/2011, từ ngày 27/5/2011 đến ngày 27/6/2011, từ ngày 28/6/2011 đến ngày 20/7/2011, từ ngày 21/7/2011 đến ngày 20/8/2011, từ ngày 22/8/2011 đến ngày 30/9/2011. Tất cả các đơn nghỉ phép của ông T đều không có sự phê duyệt của lãnh đạo Công ty. Công ty không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông T cũng không xử lý kỷ luật ông T. Việc Công ty thôi nhiệm các chức danh quản lý của ông T là để giải quyết kịp thời các vấn đề điều hành của Công ty. Ngày 29/4/2011, Công ty niêm phong phòng làm việc của ông T là do ông T không vào làm việc để tránh mất tài sản. Ông T đã tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian báo trước, ông T xin nghỉ vào ngày 30/9/2011 nhưng đã nghỉ việc từ ngày 19/4/2011, điều đó thể hiện việc ông T đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, vi phạm thời hạn báo trước. Do đó, Công ty không đồng ý trả lương cho ông T trong những ngày ông T không làm việc, không đồng ý bồi thường và không thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc theo yêu cầu khởi kiện của ông T, Công ty chỉ đồng ý trả cho ông T số tiền 36.346.308 đồng, bao gồm những khoản sau:

+ Tiền lương đợt 2 của tháng 4/2011 là 7.692.308đ (cho 02 ngày làm việc là ngày 16 và 18 tháng 4/2011, ngày 17/4/2011 là ngày chủ nhật nên không tính, mức lương là 100.000.000đ/tháng kể từ ngày 01/4/2011);

+ Bù lương đợt 1 tháng 4/2011 số tiền 20.500.000 đồng (mức lương cũ là 59.000.000 đồng);

+ Thù lao thành viên Hội đồng quản trị (nửa tháng 4/2011) là 4.000.000 đồng;

+ Bù lương cho các ngày thứ bảy của tháng 9/2010 (do chỉ làm việc 04 buổi sáng thứ bảy nên quy đổi 02 ngày làm việc, mức lương là 54.000.000đ): 54.000.000đ/26 ngày x 2 ngày = 4.154.000 đồng.

Công ty yêu cầu ông T bồi thường và hoàn trả cho Công ty tổng số tiền 1.698.964.222 đồng (mức lương làm căn cứ bồi thường là 58.105.167 đồng) bao gồm các khoản sau:

+ Bồi thường nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương là 29.052.583 đồng;

+ Bồi thường tiền lương trong những ngày không báo trước là: 58.105.167 đồng x 5,3 tháng = 307.957.385 đồng.

+ Trả tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2010 do Công ty đã nộp cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương thay cho ông T là 65.019.380 đồng;

+ Trả giá trị máy vi tính hiệu Dell Vostro 1014C943T là 13.398.000 đồng;

+ Trả tiền tạm ứng trong quá trình làm việc là 1.220.000.000 đồng;

+ Trả tiền ông T mua hàng của Công ty là 30.536.874 đồng;

+ Trả tiền đăng quảng cáo trên báo đầu tư là 33.000.000 đồng.

Tại bản tự khai ngày 16/3/2012, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Quốc Tr1 trình bày: Ngày 26/01/2011, ông T nhờ ông Tr1 ứng dùm số tiền 500.000.000 đồng tại bộ phận kế toán của Công ty. Sau khi ứng dùm số tiền trên, ông Tr1 đã đưa cho ông T 500.000.000 đồng tại văn phòng làm việc của ông T tại số C đường T, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh, việc giao tiền không có biên bản giao nhận, sau đó ông T đã đưa số tiền mà ông Tr1 đã ứng dùm cho cô Huỳnh Nhuận B. Ông Tr1 đã nhiều lần yêu cầu ông T thanh toán số tiền này lại cho Công ty để giúp ông Tr1 hoàn thành thủ tục hoàn ứng nhưng ông T chưa thực hiện. Ông Tr1 có ý kiến yêu cầu ông T hoàn trả số tiền này cho Công ty vì thực tế ông Tr1 là người ứng tiền theo sự chỉ đạo của ông T. Ông Tr1 từ chối đối chất và có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Tại bản tự khai ngày 13/9/2018 và bản tường trình ngày 12/3/2012, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn V trình bày: Ngày 20/12/2010, ông Lê Văn V có tạm ứng số tiền 220.000.000 đồng để trả thù lao cho Luật sư trong một vụ việc của Công ty. Ông T đã nhờ ông V ứng dùm số tiền 220.000.000 đồng tại bộ phận kế toán của Công ty. Sau khi ứng dùm số tiền trên, ngày 21/12/2010 ông V đã đưa cho ông T 220.000.000 đồng, tuy nhiên việc đưa tiền không có biên bản giao nhận. Ý kiến của ông V trước yêu cầu của Công ty về việc buộc ông T thanh toán số tiền này là yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông Lê Văn V từ chối đối chất và có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Bản án sơ thẩm số 17/2018/LĐ-ST ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã D đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 32, Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào các Điều 27, 37, 40, 42, 43, 55, 59 và 167 Bộ luật Lao động năm 1994Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2006Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2007; Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ; Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc thanh toán tiền lương trong những ngày đã làm việc và tiền trợ cấp thôi việc.

Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Phạm Văn T số tiền 496.383.219 đồng trong đó bao gồm tiền lương trong những ngày đã làm việc là 114.844.760 đồng và tiền trợ cấp thôi việc là 381.538.459 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số tiền: 1.471.487.202 đồng.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H đối với ông Phạm Văn T về việc yêu cầu ông Phạm Văn T hoàn trả tiền tạm ứng, hoàn trả tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2010 và hoàn trả giá trị máy vi tính hiệu Dell Vostro 1014C943T.

Buộc ông Phạm Văn T có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cổ phần Tập đoàn H số tiền 578.417.380 đồng trong đó bao gồm: Tiền nợ thuế thu nhập cá nhân năm 2010 là 65.019.380 đồng, tiền giá trị máy vi tính hiệu Dell Vostro1014C943T là 13.398.000 đồng và số tiền tạm ứng trong ngày 06/02/2010, ngày 06/10/2010, ngày 24/01/2011 và ngày 29/01/2011 chưa hoàn ứng là 500.000.000 đồng. 

4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H đối với ông Phạm Văn T về việc buộc ông Phạm Văn T bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; buộc thanh toán tiền mua hàng, tiền đăng quảng cáo trên báo đầu tư và tiền ông Lê Văn V và ông Trần Quốc Tr1 đã tạm ứng tổng cộng là 1.120.546.842 đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và trách nhiệm chậm thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 27/11/2018 người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Cổ phần Tập đoàn H - ông Huỳnh Thanh Tr kháng cáo không đồng ý một phần bản án sơ thẩm về các nội dung sau:

(1). Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H phải thanh toán cho ông Phạm Văn T các khoản: Tiền lương đợt 2 của tháng 4/2011 chưa thanh toán là 50.000.000 đồng; tiền lương 08 ngày làm việc tháng 5/2011 (từ 01/5 đến 10/5) là 30.769.224 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị tháng 4/2011 là 8.000.000 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị 08 ngày làm việc của tháng 5/2011 là 2.461.536 đồng; trợ cấp thôi việc 381.538.456 đồng. Tổng cộng 472.769.219 đồng.

(2). Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc đòi ông T bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương là 29.052.538 đồng và bồi thường do vi phạm thời gian báo trước là 307.536.874 đồng.

(3). Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc đòi ông T hoàn trả tiền mua hàng 30.536.874 đồng.

(4). Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc đòi ông T hoàn trả 33.000.000 đồng chi phí quảng cáo.

(5). Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc đòi ông T hoàn trả tiền tạm ứng (do ông Trần Quốc Tr1 và ông Lê Văn V nhận ứng thay ông T) tổng cộng là 720.000.000 đồng.

Ngày 03/12/2018, nguyên đơn ông Phạm Văn T kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, không đồng ý hoàn trả cho Công ty Cổ phần Tập đoàn H số tiền tạm ứng 500.000.000 đồng. Ngày 20/3/2019 người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - ông Lê Văn Th bổ sung kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định lại số ngày làm việc của ông T từ ngày 18/4/2011 đến ngày 01/7/2011, buộc bị đơn phải trả số tiền lương đợt 2 của tháng 4, lương tháng 5 và tháng 6 năm 2011 tương ứng: 67.247.845 đồng + 108.000.000 đồng + 108.000.000 đồng = 259.247.845 đồng và không chấp nhận yêu cầu buộc ông T phải hoàn trả số tiền tạm ứng 500.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo. Riêng người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn T bổ sung thêm yêu cầu: Xác định lại số ngày làm việc của ông T từ ngày 18/4/2011 đến ngày 01/7/2011, buộc bị đơn phải trả số tiền lương đợt 2 của tháng 4, lương tháng 5 và tháng 6 năm 2011 tương ứng: 67.247.845 đồng

+ 108.000.000 đồng + 108.000.000 đồng = 259.247.845 đồng. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn T về việc đòi bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo như đơn khởi kiện ban đầu của ông T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phạm Văn T có ý kiến: Các yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn T là có cơ sở chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn T; không chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của Công ty H.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Qua xem xét hồ sơ vụ án nhận thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm về phần số ngày làm việc của nguyên đơn, số ngày nghỉ phép năm 2011, số ngày hưởng phụ cấp hội đồng quản trị, thời gian áp dụng mức lương 100.000.000 đồng làm căn cứ tính bồi thường.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về tính hợp lệ của kháng cáo: Ngày 19/11/2018, Tòa án nhân dân thị xã D xét xử vụ án, ngày 27/11/2018 đại diện bị đơn có đơn kháng cáo một phần bản án, ngày 03/12/2018 nguyên đơn có đơn kháng cáo một phần bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã kháng cáo trong thời hạn luật định.

[1.2] Về phạm vi kháng cáo của đương sự: Ông Lê Văn Th được ông Phạm Văn T ủy quyền tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm từ ngày 13/12/2018, không được ủy quyền tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm và cũng không được ủy quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 20/3/2019 người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - ông Lê Văn Th bổ sung kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định lại số ngày làm việc của ông T từ ngày 18/4/2011 đến ngày 01/7/2011, buộc bị đơn phải trả số tiền lương đợt 2 của tháng 4, lương tháng 5 và tháng 6 năm 2011 tương ứng: 67.247.845 đồng + 108.000.000 đồng + 108.000.000 đồng = 259.247.845 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn còn yêu cầu kháng cáo bổ sung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn T về việc đòi bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo như đơn khởi kiện ban đầu của ông T.

Xét thấy, việc người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo nêu trên nhưng đã hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự là vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu. Tại bản tường trình đề ngày 29/3/2019, ông Lê Văn Th trình bày về việc kháng cáo quá hạn của ông T là do sự nhầm lẫn và do ông T bận đi công tác không phải là lý do chính đáng và không thuộc trường hợp trở ngại bất khả kháng. Do vậy, căn cứ khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án không xem xét yêu cầu kháng cáo bổ sung của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

[1.3] Về sự vắng mặt của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn V và ông Trần Quốc Tr1, xét thấy các đương sự này đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt. Hơn nữa, quá trình tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm, các đương sự này đã có lời khai rõ ràng và có văn bản đề nghị được vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng. Căn cứ vào khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự này.

[2] Xét các kháng cáo của bị đơn:

[2.1]. Về nội dung buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H phải thanh toán cho ông Phạm Văn T các khoản: Tiền lương đợt 2 của tháng 4/2011 chưa thanh toán là 50.000.000 đồng; tiền lương 08 ngày làm việc tháng 5/2011 (từ 01/5 đến 10/5) là 30.769.224 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị tháng 4/2011 là 8.000.000 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị 08 ngày làm việc của tháng 5/2011 là 2.461.536 đồng; trợ cấp thôi việc 381.538.456 đồng. Tổng cộng 472.769.219 đồng với các lý do: Sau ngày 19/4/2011 ông T đã không vào công ty làm việc, vi phạm thời hạn báo trước, việc ông T xin nghỉ không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Xét thấy, sau ngày 19/4/2011, Công ty H chưa thanh toán cho ông T tiền lương, tiền thù lao, các khoản trợ cấp. Quan hệ hợp đồng giữa ông T và Công ty H là hợp đồng lao động không xác định thời hạn do vậy trường hợp nghỉ việc ông T được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và báo trước ít nhất là 45 ngày. Ngày 18/4/2011 ông T có đơn xin thôi việc và báo trước thời gian thôi việc kể từ ngày 30/9/2011 là phù hợp pháp luật lao động. Thời gian từ ngày 18/4/2011 đến ngày 30/9/2011 giữa ông T và Công ty H vẫn tồn tại quan hệ lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết. Từ ngày 25/4/2011 đến ngày 30/9/2011 ông T có đơn xin nghỉ phép năm (15 ngày) từ ngày 25/4/2011 đến ngày 09/5/2011, các đơn xin nghỉ việc riêng không lương từ ngày 11/5/2011 đến ngày 14/5/2011, từ ngày 16/5/2011 đến ngày 26/5/2011, từ ngày 27/5/2011 đến ngày 27/6/2011, từ ngày 28/6/2011 đến ngày 20/7/2011, từ ngày 21/7/2011 đến ngày 20/8/2011, từ ngày 22/8/2011 đến ngày 30/9/2011.

Ngày 07/5/2011 Công ty ban hành Thông báo số 51/TB/TGĐ/11 với nội dung yêu cầu ông T trở lại làm việc sau thời gian nghỉ phép kể từ ngày 10/5/2011. Ngày 10/5/2011 Công ty ban hành Thông báo số 53/TB/TGĐ/11 với nội dung chấm dứt hợp đồng lao động với ông T kể từ ngày 01/7/2011. Ngày 09/6/2011, Công ty ban hành Thông báo số 64/TB/HSG/2011 mời ông T vào ngày 11/6/2011 đến Công ty để thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng lao động. Ông T đã nhận được thông báo và hẹn lại thời gian làm việc vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/6/2011 nhưng ông T không đến. Sau đó, Công ty không ban hành thông báo, quyết định nào khác giải quyết việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa hai bên.

Từ diễn biến trên có căn cứ xác định: Quan hệ lao động giữa ông T và Công ty bắt đầu chấm dứt kể từ ngày 30/9/2011 theo đề nghị ban đầu của ông T và phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động. Ông T có đơn xin nghỉ việc không hưởng lương nếu Công ty không chấp thuận cho nghỉ việc nhưng ông T vẫn nghỉ thì Công ty có quyền xử lý kỷ luật lao động với ông T chứ không phải là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty nhận các đơn xin nghỉ phép của ông T, không thông báo cho ông T về việc không chấp nhận cho ông T nghỉ phép nhưng không xử lý kỷ luật ông T và kể từ sau ngày 01/7/2011 Công ty cũng không ban hành bất kỳ quyết định nào chấm dứt hợp đồng lao động với ông T cũng như chưa giải quyết bất kỳ quyền lợi gì về tiền lương cũng như trợ cấp thôi việc cho ông T mà lại tiếp tục nhận các đơn xin nghỉ phép không hưởng lương của ông T đến ngày 30/9/2011. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định giữa ông T và Công ty H không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, không chấp nhận yêu cầu bồi thường do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của nguyên đơn và bị đơn đưa ra là có căn cứ.

Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn: Tiền lương đợt 2 của tháng 4/2011 chưa thanh toán là 50.000.000 đồng; tiền lương 08 ngày làm việc tháng 5/2011 (từ 01/5 đến 10/5) là 30.769.224 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị tháng 4/2011 là 8.000.000 đồng; tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị 08 ngày làm việc của tháng 5/2011 là 2.461.536 đồng là phù hợp với các đơn xin nghỉ phép của ông T, phù hợp Thông báo số 51/TB/TGĐ/11 ngày 07/5/2011 của Công ty, phù hợp với mức lương được xác định làm căn cứ để giải quyết chế độ là 100.000.000 đồng/tháng.

Về tiền trợ cấp thôi việc của ông T: Do ông T đơn phương chấm dứt hợp đồng phù hợp pháp luật nên bị đơn phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông T. Căn cứ Điều 42 Bộ luật Lao động năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007, Điều 15 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, xác định mức lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi ông T nghỉ việc là 101.743.589 đồng (trong đó tháng 4/2011 là 108.000.000 đồng, tháng 5/2011 là 102.461.536 đồng, tháng 6, 7, 8, 9/2011 là 100.000.000 đồng). Thờigian làm việc được các bên thống nhất xác định từ ngày 08/8/2001 đến ngày 31/12/2008 là 07 năm 06 tháng. Theo đó, trợ cấp thôi việc của ông T đã được Tòa án cấp sơ thẩm tính: 101.743.589 đồng x 7,5 năm x ½ = 381.538.459 đồng là phù hợp quy định của pháp luật.

[2.2]. Như phân tích nêu trên, do không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật của nguyên đơn cũng như bị đơn nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn về việc chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty H về việc đòi ông T bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương là 29.052.538 đồng và bồi thường do vi phạm thời gian báo trước là 307.536.874 đồng.

[2.3]. Xét kháng cáo của bị đơn về việc bản án sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty H đòi ông T hoàn trả tiền mua hàng 30.536.874 đồng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét hóa đơn giá trị gia tăng số 0107291 ngày 22/10/2010 (bút lục 502) do Công ty cung cấp thể hiện: Tại nội dung “người mua hàng” của hóa đơn có ký nhận thông tin là “bán hàng qua điện thoại” không có chữ ký và chữ viết họ và tên của ông Phạm Văn T; ông T cũng không thừa nhận có mua hàng theo hóa đơn này nên quyết định của cấp sơ thẩm là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, Công ty H cũng không cung cấp được chứng cứ nào khác.

[2.4]. Xét kháng cáo của bị đơn về việc bản án sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty H đòi ông T hoàn trả 33.000.000 đồng chi phí quảng cáo:

Hợp đồng quảng cáo số 3184 ngày 11/4/2011 (bút lục 579) không chứng minh được việc quảng cáo phục vụ cho nhu cầu cá nhân ông T; ông T ký hợp đồng quảng cáo số 3184 với tư cách là người đại diện của Công ty H. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng pháp luật.

[2.5]. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn về việc không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty H về việc yêu cầu ông T hoàn trả tiền tạm ứng (do ông Trần Quốc Tr1 và ông Lê Văn V nhận ứng thay ông T) tổng cộng là 720.000.000 đồng:

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không có căn cứ xác định tổng số tiền 720.000.000 đồng ông Trần Quốc Tr1 và ông Lê Văn V nhận ứng thay cho ông T. Ông Tr1, ông V trình bày đã giao số tiền trên cho ông T nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh. Các đương sự này cũng từ chối đối chất. Ông T không thừa nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định không có việc giao nhận tiền giữa các bên, không chấp nhận các yêu cầu phản tố này của bị đơn là phù hợp. Bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu phản tố của mình nên không có căn cứ chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc không đồng ý hoàn trả số tiền tạm ứng 500.000.000 đồng, thì thấy rằng:

Căn cứ các phiếu chi tạm ứng: Phiếu chi ngày 06/10/2010 số CM10100066 tạm ứng 200.000.000 đồng chi tạm ứng tiền phí công tác; Phiếu chi ngày 24/01/2011 số CM11010178 tạm ứng 200.000.000 đồng tạm ứng tiền phí công tác; Phiếu chi ngày 29/01/2011 số CM 11010241 tạm ứng 50.000.000 đồng tạm ứng tiền phí công tác; Phiếu chi ngày 06/02/2010 số CM10020088 tạm ứng 50.000.000 đồng tạm ứng lương. Bị đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn hoàn trả tổng số tiền 500.000.000 đồng nguyên đơn đã tạm ứng của bị đơn nhưng chưa được nguyên đơn hoàn ứng. Xét các phiếu chi nêu trên đều có chữ ký và ghi tên Phạm Văn T, nguyên đơn cũng thừa nhận đã tạm ứng các khoản tiền nêu trên. Vì vậy, có căn cứ xác định nguyên đơn có tạm ứng của bị đơn số tiền 500.000.000 đồng theo các phiếu chi tạm ứng do bị đơn cung cấp.

Xét thấy, lời khai của người đại diện nguyên đơn tại cấp phúc thẩm cho rằng đã hoàn ứng cho bị đơn số tiền 500.000.000 đồng, trong đó hoàn ứng bằng tiền mặt 50.000.000 đồng, khoản tiền còn lại 450.000.000 đồng đã có phiếu thu và các hóa đơn chứng từ hoàn ứng nộp cho kế toán của công ty, nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Các phiếu thu và bản kê chứng từ hoàn ứng được nguyên đơn để trong phòng làm việc và bị bị đơn niêm phong nên không cung cấp được cho Tòa án. Tuy nhiên, biên bản bàn giao ngày 22/6/2011 (bút lục 73) giữa nguyên đơn ông Phạm Văn T với Công ty H không thể hiện có các phiếu thu và bản kê nêu trên nên không có căn cứ xác định nguyên đơn đã hoàn ứng cho bị đơn tổng số tiền 500.000.000 đồng.

Phía nguyên đơn còn cho rằng, theo Thông báo số 92/TB/TGĐ/09 ngày 16/10/2009 của Công ty H thì trước khi ứng khoản mới phải hoàn ứng khoản tiền trước, nếu chưa hoàn ứng khoản tạm ứng trước thì ông T không thể ứng tiếp được. Từ các căn cứ trên nguyên đơn không đồng ý yêu cầu phản tố hoàn trả số tiền 500.000.000 đồng cho bị đơn vì cho rằng đã hoàn ứng cho bị đơn. Việc nguyên đơn căn cứ Thông báo số 92/TB/TGĐ/09 ngày 16/10/2009 của Công ty H để chứng minh mọi khoản tạm ứng của ông T đều đã được hoàn ứng trước khi tạm ứng khoản mới chỉ mang tính suy đoán, không có giá trị chứng cứ chứng minh. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tài liệu do Công ty H cung cấp như các báo cáo tài chính, sổ quỹ, sổ chi tiết công nợ nhưng không thể hiện nội dung đã hoàn ứng khoản tiền trên.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã có quyết định yêu cầu Công ty TNHH K là đơn vị kiểm toán của Công ty H cung cấp thông tin về việc hoàn ứng các khoản tiền nêu trên, nhưng đơn vị kiểm toán trả lời không cung cấp thông tin được vì không tham gia kiểm toán sau ngày 30/9/2010. Khi mở phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cũng đã cẩn trọng cho tạm ngừng phiên tòa theo yêu cầu của người đại diện của Công ty H để chờ xác nhận của đơn vị kiểm toán, nhưng theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH K là đơn vị kiểm toán giữa niên độ cho Công ty H kỳ 6 tháng kết thúc ngày 31/3/2019 cũng chỉ thể hiện khoản phải thu ngắn hạn khác, trong đó có khoản tạm ứng người lao động nói chung là 46.277.950.133 đồng, không có bản diễn giải chi tiết từng khoản tạm ứng của từng người lao động kèm theo.

Hội đồng xét xử đã hướng dẫn các bên có thể yêu cầu kiểm toán riêng nội dung khoản tạm ứng của ông Phạm Văn T, nhưng các bên đương sự đều không yêu cầu Tòa án trưng cầu kiểm toán. Các đương sự cũng không yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ bổ sung. 

Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc ông Phạm Văn T phải trả số tiền tạm ứng 500.000.000 đồng cho Công ty H là phù hợp tài liệu, chứng cứ đã thu thập được. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn đối với khoản tiền buộc phải hoàn trả 500.000.000 đồng.

[4]. Từ những phân tích nêu trên, xét thấy nguyên đơn và bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng đề nghị về việc sửa bản án sơ thẩm theo hướng nêu trên là không phù hợp theo các phân tích tại Mục [2.1]. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tiền lương và tiền trợ cấp thôi việc cho ông T để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.

[5]. Những phần còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6]. Về án phí: Án phí sơ thẩm, đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật. Về án phí phúc thẩm, do kháng cáo của các bên đương sự không được chấp nhận nên đương sự phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào các Điều: 27, 37, 40, 42, 43, 55, 59 và 167 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007); Điều 15 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.

Căn cứ Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn T về việc buộc ông T thanh toán khoản tiền tạm ứng 500.000.000 đồng. Giữ nguyên bản án Bản án lao động sơ thẩm số 17/2018/LĐ-ST ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã D về khoản tiền này như sau:

Buộc ông Phạm Văn T thanh toán cho Công ty Cổ phần Tập đoàn H các khoản tiền tạm ứng trong ngày 06/02/2010, ngày 06/10/2010, ngày 24/01/2011 và ngày 29/01/2011 chưa hoàn ứng là 500.000.000 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn H về tiền lương của ông Phạm Văn T trong những ngày đã làm việc, về tiền trợ cấp thôi việc, về yêu cầu ông Phạm Văn T bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán tiền mua hàng, tiền đăng quảng cáo trên báo và những khoản tiền ông Lê Văn V và ông Trần Quốc Tr1 ký tạm ứng thay. Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 17/2018/LĐ-ST ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã D về các nội dung như sau:

- Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Phạm Văn T tiền lương trong những ngày đã làm việc:

1/ Tiền lương đợt 2 của tháng 4/2011 là: 50.000.000 đồng;

2/ Tiền lương 08 ngày làm việc của tháng 5/2011: Từ ngày 01/5/2011 đến ngày 10/5/2011 là: 100.000.000đ/26 ngày x 08 ngày = 30.769.224 đồng;

3/ Tiền thù lao Hội đồng quản trị tháng 4/2011 là 8.000.000 đồng;

4/ Tiền thù lao Hội đồng quản trị 08 ngày làm việc trong tháng 5/2011: 2.461.536 đồng.

Cộng các khoản trên: 91.230.760 đồng.

- Buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Phạm Văn T trợ cấp thôi việc 381.538.456 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Tập đoàn H đối với ông Phạm Văn T về việc buộc ông Phạm Văn T bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; buộc thanh toán tiền mua hàng, tiền đăng quảng cáo trên Báo Đầu tư và tiền ông Lê Văn V và ông Trần Quốc Tr1 đã tạm ứng tổng cộng là 1.120.546.842 đồng.

4. Những phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, cụ thể là tiền nợ thuế thu nhập cá nhân năm 2010: 65.019.380 đồng; tiền giá trị máy vi tính hiệu Dell Vostro 1014C943T: 13.398.000 đồng; trả bù lương đợt 1 tháng 4/2011: 20.500.000 đồng; trả bù lương ngày thứ 7 tháng 9/2010: 3.114.000 đồng; Việc Tòa án nhân dân thị xã D không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn H về việc buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn H bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số tiền: 1.471.487.202 đồng đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án. Riêng đối với tiền lương trong những ngày đã làm việc nếu chậm thanh toán thì phải chịu theo mức lãi suất quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012.

5. Về án phí:

5.1. Về án phí sơ thẩm:

- Công ty Cổ phần Tập đoàn H phải chịu 36.338.601 đồng được khấu trừ 23.419.400 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005532 ngày 26/12/2014 và 02576 ngày 25/6/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D (Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D đã thực hiện thủ tục khấu trừ 8.584.000 đồng theo Biên lai số 02576 ngày 25/6/2012 tại Công văn số717/CCTHADS ngày 22/12/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D). Công ty Cổ phần Tập đoàn H còn phải nộp 12.919.201 đồng.

- Ông Phạm Văn T phải chịu 15.568.348 đồng.

5.2. Về án phí phúc thẩm:

- Ông Phạm Văn T phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ 300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0020472 ngày 03/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D.

- Công ty Cổ phần Tập đoàn H phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0020440 ngày 27/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã D.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều: 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án bản án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1037
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/LĐ-PT ngày 19/06/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:03/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 19/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về