Bản án 03/2019/KDTM-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 03/2019/KDTM-PT NGÀY 25/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH

Trong các ngày 18/4/2019 và 25/4/2019 và tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2019/TLPT-KDTM ngày 07/01/2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh”

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 31/08/2018 của Tòa án nhân dân Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 05/2019/QĐ-PT ngày 15/3/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2019/QĐ-PT ngày 28/3/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty C, địa chỉ: Số 270-272 L, Phường k, Quận h, TP. Hồ Chí Minh

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Phương Ch, chức vụ: Tổng giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Phúc Th , sinh năm: 1990 - Nhân viên công ty, địa chỉ: Khu phố T, thị trấn , huyện Đ, Bình Phước (theo văn bản ủy quyền của Tổng giám đốc ngày 18/3/2019, có mặt)

2. Bị đơn: Công ty H, địa chỉ: Ấp 2, xã L, huyện N, tỉnh Bình Phước

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Đình Tr, sinh năm: 1975, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc (có mặt)

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (tại cấp sơ thẩm) là ông Hoàng Xuân Đ và Ông Lê Phúc Th (tại cấp phúc thẩm) trình bày:

Do có nhu cầu đầu tư liên kết trồng cây cao su ở tỉnh Đắk Lắk và được biết Công ty H (sau đây gọi tắt là Công ty H) đang có dự án trồng cây cao su tại tiểu khu 119, xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk nên ngày 27/10/2011, Công ty C (sau đây gọi tắt là Công ty C) cùng Công ty H đã ký kết 02 hợp đồng gồm: Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/HĐ-LDLK về việc đầu tư thực hiện dự án phát triển Nông Lâm - Nghiệp tại tiểu khu 119 xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk và Hợp đồng thỏa thuận số 19/HĐ-GVĐT về việc kế thừa những số liệu và thành quả của dự án phát triển Nông Lâm-Nghiệp tại tiểu khu 119 xã Ea Tir, huyện Ea HLeo, tỉnh Đắk Lắk.

Theo nội dung hai hợp đồng thì Công ty H đồng ý liên doanh liên kết với Công ty C để thực hiện dự án khai hoang trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng với diện tích là 928 ha tại Tiểu khu 119, xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk. Tại hợp đồng số 19 còn quy định Công ty H có trách nhiệm đảm bảo thủ tục và giao đất thực địa để Công ty C tiến hành khai hoang chậm nhất là ngày 15/02/2012, Công ty C có trách nhiệm trả lại tiền chi phí đầu tư mà Công ty H đã bỏ ra để hoàn thiện thủ tục đầu tư là 30.000.000.000 đồng (Ba mươi tỷ đồng) tương ứng với 982 ha. Số tiền 30 tỷ này được Công ty C chuyển khoản cho Công ty H thành bốn đợt, mỗi đợt tương ứng với quyền và nghĩa vụ mà các bên đã quy định trong hợp đồng. Sau khi hợp đồng được ký kết, ngày 31/10/2011 Công ty C đã thanh toán cho Công ty H số tiền đợt 1 là 6.000.000.000 đồng (sáu tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 15/02/2012, Công ty H đã không hoàn tất thủ tục và giao đất thực địa cho Công ty C theo đúng như thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng.

Tại biên bản họp số 02/BB.CS-BCRC/2012 ngày 28/02/2012 giữa Công ty H và Công ty C , Công ty H đã đề nghị Công ty C cho Công ty H được hoàn tất thủ tục giao đất trễ hai tháng (từ ngày 15/02/2012 đến ngày 15/4/2012) với lý do có khó khăn trong việc thẩm định tác động môi trường tại Bộ tài nguyên môi trường. Với lý do trên, Công ty H đã đề nghị Công ty C ứng tiền trước một số tiền đợt hai để hoàn tất thủ tục giao đất đúng thời hạn. Vì vậy, Công ty C đã ứng tiền cho Công ty H lần lượt vào các ngày: Ngày 28/3/2012 là 200.000.000 đồng; Ngày 17/5/2012 là 100.000.000 đồng; Ngày 31/5/2012 là 500.000.000 đồng; Ngày 27/8/2012 là 200.000. 000 đồng; Ngày 09/11/2012 là 300.000.000 đồng và ngày 20/12/2012 là 20.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty C đã chuyển cho Công ty H là 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng).

Tại cuộc họp ngày 29/8/2013, Công ty H tiếp tục cam kết sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục pháp lý của Dự án trên vào ngày 31/12/2013. Đồng thời, Công ty H cũng xác nhận các phần thực hiện không đúng thuộc về lỗi và trách nhiệm của Công ty H , Công ty H sẽ chịu mọi trách nhiệm về mọi thiệt hại do vi phạm của Công ty H đối với dự án.

Mặc dù, đã được Công ty C tạo mọi điều kiện cả về thời gian lẫn tiền bạc nhưng đến hết ngày 31/12/2013, Công ty H vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình và đưa ra hết lý do này, lý do khác không chịu thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án và giao đất cho Công ty C như hợp đồng đã ký kết. Không những vậy, Công ty H còn tiếp tục đề nghị Công ty C chi thêm tiền để thực hiện dự án, trong khi Công ty C đã chi ra hơn bảy tỷ đồng mà chưa nhận được kết quả nào từ phía Công ty H .

Ngày 24/3/2015, Công ty C tổ chức họp với Công ty H để bàn về việc thực hiện hai hợp đồng số 18 và số 19 mà hai bên đã ký kết. Tại cuộc họp hai bên thống nhất Công ty H sẽ thành lập pháp nhân mới với Công ty Thuần Mẫn, thời hạn là 30/6/2015. Sau khi có pháp nhân mới, Công ty H sẽ chuyển nhượng cổ phần của mình cho Công ty C theo số liệu và diện tích cụ thể của Dự án được giao. Nhưng một lần nữa, đến hết ngày 30/6/2015, Công ty H tiếp tục không thực hiện cam kết của mình. Nhận thấy, không thể chờ đợi thêm được nữa nên đến các ngày 13/7/2015, ngày 16/9/2015, Công ty C đã gửi Công văn số 14/CV-BCRC/2015 và Văn bản số 18/VB-BCRC cho Công ty H nói rõ về việc Công ty C quyết định không tiếp tục thực hiện liên doanh liên kết trồng cây cao su với Công ty H và đề nghị tiến hành thanh lý hai hợp đồng số 18 và số 19 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 15/7/2015 theo quy định pháp luật.

Đến ngày 20/6/2016, Công ty C đã ra Thông báo số 04/2016/TB-BCRC gửi đến Công ty H về việc thanh lý hai hợp đồng nói trên và yêu cầu giải quyết số tiền 7.320.000.000 đồng mà Công ty H đã nhận của Công ty C.

Ngày 27/6/2016, Công ty C và Công ty H tổ chức họp, theo đó Công ty C yêu cầu thanh lý hai hợp đồng số 18 và số 19 vì Công ty H không giao đất đúng hạn. Tuy nhiên, Công ty H mong muốn vẫn tiếp tục thực hiện hai hợp đồng nói trên và cam kết đến hạn cuối là ngày 31/12/2016 sẽ hoàn tất việc thành lập pháp nhân mới để chuyển nhượng cổ phần cho Công ty C như hai bên đã cam kết tại buổi họp ngày 24/3/2015 trước đây.

Đến nay, đã quá thời hạn nhưng phía Công ty H vẫn không có động thái nào để thực hiện cam kết của mình. Từ những trình bày trên cho thấy Công ty H đã cố tình vi phạm hợp đồng, không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình mặc dù Công ty C đã hết sức tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Vì vậy, Công ty C yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/HĐ-LDLK và Hợp đồng thỏa thuận số 19/HĐ-GVĐT ngày 27/10/2011 giữa Công ty C với Công ty H.

- Buộc Công ty H phải hoàn trả lại cho Công ty C số tiền là 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng).

- Buộc Công ty H phải thanh toán lãi suất 9%/năm (0,75%/tháng) theo quy định pháp luật đối với số tiền 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng) với thời gian là 76 tháng (từ ngày 15/4/2012 đến 15/8/2018) là: 7.320.000.000 đồng x 0,75% x 76 tháng = 4.172.400.000đ (Bốn tỷ một trăm bảy mươi hai triệu bốn trăm ngàn đồng)

- Buộc Công ty H phải bồi thường cho Công ty C số tiền là 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng) do vi phạm hợp đồng theo như thỏa thuận.

Người đại diện theo pháp luật của bị đơn là Ông Hoàng Đình Tr trình bày:

Ông Trung thống nhất lời trình bày trên của người đại diện theo ủy quyền về thời gian ký kết hai hợp đồng, nội dung thỏa thuận trong hai hợp đồng và về tổng số tiền mà Công ty H đã nhận. Tuy nhiên, Công ty H không vi phạm hợp đồng, bởi các lẽ sau:

- Theo Công văn số 7090/UBND-NN&MT ngày 30/9/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk và Công văn số 1597/SNNNT-CCLN ngày 16/10/2014 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thì hai Công văn trên đã cho Công ty H triển khai dự án, thể hiện tính phù hợp của dự án, do đó Công ty H đã hoàn thành về các thủ tục đầu tư theo hợp đồng số 18 và số 19.

- Sau khi có 02 Công văn trên, Công ty H đã nhiều lần đề nghị (qua văn bản và điện thoại) Công ty C nhận thực địa nhưng phía Công ty C không nhận thực địa.

- Ngày 24/3/2015, Công ty C và Công ty H tổ chức cuộc họp, trong biên bản cuộc họp đã căn cứ vào hợp đồng số 18 và số 19, chứng minh hợp đồng số 18 và số 19 vẫn còn hiệu lực, đồng thời Công ty C đề nghị Công ty H thành lập pháp nhân mới theo Công văn 1597 ngày 16/10/2014 của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, nội dung Công văn này là Công văn hướng dẫn của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và theo đúng nội dung công văn này thì Công ty H đã thực hiện đúng theo nội dung hướng dẫn của Công văn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 16/10/2014, sau đó gọi điện đề nghị Công ty C lên nhận thực địa theo nội dung hợp đồng số 18 và số 19. Tại biên bản cuộc họp ngày 24/3/2015 thì Công ty H đã thực hiện theo đúng nội dung biên bản cuộc họp. Theo biên bản họp ngày 24/3/2015 thì mục 1 biên bản họp đã thực hiện xong theo hướng dẫn của Công văn 1597 ngày 16/10/2014, còn mục 2 của biên bản họp ngày 24/3/2015 là thừa kế nội dung mục 1 của biên bản họp ngày 24/3/2015. Mặt khác, biên bản cuộc họp ngày 27/6/2016 cũng kế thừa biên bản họp ngày 24/3/2015.

- Sau cuộc họp ngày 24/3/2015, Công ty H đã đề nghị tạm ứng 1.000.000.000 đồng để Công ty H lo các thủ tục pháp lý thành lập pháp nhân mới nhưng Công ty C không thực hiện, chứng minh Công ty C đã vi phạm biên bản cuộc họp ngày 24/3/2015

Mặt khác, Công ty H không giao đất đúng thời hạn như đã thỏa thuận là do khách quan bởi do quy định của các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Văn bản số 578/SNN-KHĐT ngày 04/5/2013 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về việc đề nghị xem xét bổ sung diện tích quy hoạch phát triển cao su tại xã Ea Tir, huyện Ea Hleo; Văn bản số 1748/BNN-TCLN ngày 28/5/2013 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn Tây Nguyên theo Chỉ thị 1685; Văn bản số 5284/VPCP-KTN ngày 30/6/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát các dự án chuyển đổi rừng trên địa bàn Tây Nguyên theo Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, việc Công ty C khởi kiện cho rằng Công ty H vi phạm hợp đồng và yêu cầu Công ty H hoàn trả số tiền là 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng); tiền lãi 4.172.400.000 đồng (Bốn tỷ một trăm bảy mươi hai triệu bốn trăm ngàn đồng) và bồi thường 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng) là hoàn toàn không có căn cứ vì người vi phạm hợp đồng là Công ty C, không phải là Công ty H. Do đó, Công ty H không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện trên của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện N quyết định:

1/Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty C

- Hủy hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/HĐ-LDLK và Hợp đồng thỏa thuận số 19/HĐ-GVĐT ngày 27/10/2011 được ký kết giữa Công ty C với Công ty H.

- Buộc Công ty H phải hoàn trả lại cho Công ty C số tiền là 7.320.000.000 (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng).

2/Không chấp nhận yêu cầu của Công ty C về việc buộc Công ty H phải bồi thường số tiền là 7.320.000.000 đồng (Bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng) và yêu cầu buộc Công ty H phải trả lãi suất với số tiền 4.172.400.000đ (Bốn tỷ một trăm bảy mươi hai triệu bốn trăm ngàn đồng)

Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/9/2018, nguyên đơn Công ty C có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn Công ty C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu mà nguyên đơn đã trình bày tại phiên tòa sơ thẩm.

- Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:

Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử: Kể từ ngày thụ lý vụ án và tại phiên tòa Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, tuyên xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Công ty C (sau đây viết tắt: Công ty C), thấy rằng:

[2] Tại phiên tòa, các bên đương sự đều thống nhất trình bày: Vào ngày 27/10/2011, Công ty C và Công ty H (sau đây viết tắt: Công ty H ) ký kết với nhau Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/HĐ-LDLK về việc đầu tư thực hiện dự án phát triển Nông Lâm-Nghiệp tại tiểu khu 119 xã Ea Tir, huyện Ea HLeo, tỉnh Đắk Lắk và Hợp đồng thỏa thuận số 19/HĐ-GVĐT về việc kế thừa những số liệu và thành quả của dự án phát triển Nông Lâm - Nghiệp tại tiểu khu 119 xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk. Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18 có nội dung cơ bản: Công ty C phải chịu 100% chi phí để Công ty H tiến hành thủ tục khảo sát, phúc tra, thẩm định kết quả hiện trạng, xây dựng dự án đầu tư, lập dự toán thiết kế khai hoang, thiết kế trồng mới, chăm sóc cây cao su trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để Công ty H được phép đầu tư thực hiện dự án khai hoang trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên diện tích 982ha tại Tiểu khu 119, xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk; Sau khi Công ty H phê duyệt thi công Dự án thì Công ty H có trách nhiệm bàn giao diện tích thực địa 982ha trên cho Công ty C; Công ty C có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất không để người dân xâm canh, lấn chiếm, khai thác lâm sản trái phép và phải chịu trách nhiệm thuê phương tiện, máy móc, nhân công để trồng cây và khoanh nuôi QLBVR đúng theo hướng dẫn của Nhà nước; Khi có sản phẩm khai thác đối với diện tích trồng cao su, sau khi trừ đi các khoản thuế, khấu hao cuối giai đoạn thiết kế cơ bản, chi phí QLBVR và chi phí khai thác hai bên sẽ phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ Công ty C hưởng 80%. Công ty H hưởng 20%. Hợp đồng thỏa thuận số 19 có nội dung cơ bản: Do Công ty H đã bỏ ra nhiều chi phí để hoàn thiện thủ tục đầu tư nên Công ty C đồng ý hoàn trả lại tiền chi phí đầu tư cho Công ty H số tiền 30.000.000.000đồng (Ba mươi tỷ đồng) tương ứng với 982ha. Số tiền này Công ty C có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty H vào các đợt: Đợt 1: Giao 6.000.000.000đồng trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng; Đợt 2: Giao 9.000.000.000đồng trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty H có đầy đủ thủ tục pháp lý dự án và bàn giao hiện trạng đất cho Công ty C; Đợt 3: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày Công ty C tiến hành trồng cao su (tháng 5/2012) thì Công ty C phải thanh toán dứt điểm cho Công ty H phần diện tích 500ha (+1-5%), số tiền 3.000.000.000đồng. Công ty H sẽ lo hồ sơ pháp lý thành lập pháp nhân riêng để thực hiện dự án (pháp nhân mới được kế thừa dự án 982ha), theo đó Công ty H góp 20% vốn, Công ty C góp 80% vốn; Đợt 4: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Công ty H hoàn chỉnh thủ tục chuyển đổi diện tích 482ha còn lại trồng cao su thì Công ty C thanh toán cho Công ty H 12.000.000.000đồng (+/-5%). Tổng các đợt thanh toán là 30.000.000.000đồng thì coi như Công ty C đã đầu tư và được toàn quyền sử dụng toàn bộ dự án, được thừa kế những số liệu và những thành quả của dự án và được đúng chủ quyền dự án. Công ty H phải giao cho Công ty C 500ha đất (+1-5%) chậm nhất là ngày 15/2/2012, trường hợp Công ty H giao trễ hạn từ ngày thứ 31 đến ngày thứ 60 phải bồi thường 0,34%/ngày số tiền đã nhận đợt 1. Sau khi ký hợp đồng Công ty C đã giao cho Công ty H 7 lần với tổng số tiền 7.320.000.000đồng vào các lần như Công ty C đã trình bày.

[3] Các bên cũng xác nhận bản chất của hai Hợp đồng trên là sự thỏa thuận của hai công ty về việc Công ty C có trách nhiệm đầu tư 100% vốn để Công ty H thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm mục đích để Công ty H được phép đầu tư thực hiện Dự án khai hoang trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên diện tích 982ha tại Tiểu khu 119, xã Ea Tir, huyện EaH Leo, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi Công ty H được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk (viết tắt là: UBND tỉnh Đắk Lắk) cho phép đầu tư thực hiện dự án thì Công ty H có trách nhiệm thực hiện hồ sơ pháp lý thành lập pháp nhân riêng, pháp nhân mới được kế thừa thực hiện dự án và sau khi giao đủ các khoản tiền như trên thì Công ty H chuyển nhượng cổ phần cho Công ty C , Công ty C được kế thừa những số liệu, thành quả của dự án mà Công ty H đã làm.

[4] Xét thấy, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên là không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực thi hành. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng giữa các bên không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết là không phù hợp.

[5] Xét về lỗi dẫn đến hợp đồng giữa các bên không thực hiện được, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo nguyên đơn thì việc Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18 và Hợp đồng thỏa thuận số 19 không thực hiện được là do Công ty H đã đưa ra hết lý do này lý do khác không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình là hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án và giao đất cho Công ty C theo hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, Công ty H còn tiếp tục đề nghị Công ty C chi thêm tiền để thực hiện dự án, trong khi Công ty C đã chi hơn 07 tỷ đồng nhưng không nhận được kết quả gì từ dự án. Còn Công ty H thì cho rằng hợp đồng không thực hiện được là do Công ty C vi phạm hợp đồng là không chịu nhận thực địa theo yêu cầu của Hoàng Thiên. Hội đồng xét xử xét:

[6] Về lỗi dẫn đến hợp đồng bị chậm thực hiện: Xét thấy, cả Công ty C và Công ty H đều có một phần lỗi trong việc để hợp đồng bị chậm được thực hiện theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận. Bởi lẽ, trước khi ký hợp đồng các bên đã không tìm hiểu kỹ các quy định về chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương liên quan đến thực hiện dự án. Do đó, khi ký hợp đồng các bên không nắm được việc thời điểm này Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, trong đó Thủ tướng đã chỉ đạo: “Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2006 đến nay...” dẫn đến Dự án phát triển Nông-Lâm nghiệp tại Tiểu khu 119 có phần chậm được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt cho phép đầu tư thực hiện.

[7] Về lỗi dẫn đến hợp đồng không thực hiện được: Xét thấy, mặc dù vào ngày 30/9/2014 Công ty H đã được UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản số 7090/UBND-NN&MT (bút lục 91) về việc đồng ý cho phép triển khai thực hiện Dự án liên kết trồng cao su và chăn nuôi bò thịt. Nhưng việc Công ty H cho rằng vào ngày 09/01/2015 Công ty H đã có văn bản số 01/2015/ĐĐN gửi Công ty C về việc “Đề nghị thực hiện nhận thực địa và thanh toán dứt điểm, đúng các điều khoản trong hợp đồng số 18/HĐ-LDLK và Hợp đồng số 19/HĐ-GVĐT... ” nhưng Công ty C không đồng ý nhận thực địa là hoàn toàn có lỗi khiến hợp đồng không thực hiện được là không phù hợp. Bởi lẽ, thời điểm này Công ty H không cung cấp được cho Công ty C các văn bản giấy tờ thể hiện Công ty H đã được Nhà nước giao đất để trồng cây cao su; bên cạnh đó, Dự án do Công ty H liên kết cùng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn (viết tắt: Công ty Thuần Mẫn) nhưng thời điểm này Công ty H và Công ty Thuần Mẫn chưa thực hiện ký hợp đồng liên kết để xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên theo hướng dẫn của Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Lắk. Nên việc Công ty C không nhận đất vào thời điểm này đồng thời yêu cầu Công ty H phải tiến hành các thủ tục để Công ty H có được hồ sơ pháp lý về Dự án rồi mới bàn giao cho Công ty C là phù hợp với Điều II của hợp đồng. Hơn nữa, tại cuộc họp ngày 24/3/2015 hai bên đã thống nhất: “Công ty H sẽ thành lập pháp nhân mới với Công ty Thuần Mẫn (theo Văn bản số 1597/CNNNT-CCLN ngày 16/10/2014 của Sở NN & PTNT tỉnh Đắc Lắc), thời hạn ngày 20/6/2015. Sau khi có thành lập pháp nhân mới, Công ty H sẽ chuyển nhượng cổ phần của mình cho Công ty C theo số liệu và diện tích cụ thể Dự án được giao" (bút lục 64). Mặc dù, đến ngày 17/5/2016 Công ty H mới được thành lập pháp nhân mới với Công ty Thuần Mẫn theo Quyết định số 1365/QĐ-UBND UBND tỉnh Đắk Lắk và tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của Công ty H xác nhận là ngày UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định này thì Công ty H cũng nhận được quyết định. Nhưng, tại Biên bản cuộc họp ngày 27/6/2016 (bút lục 140) - sau 01 tháng 10 ngày kể từ ngày Công ty H nhận được quyết định số 1365 trên, Công ty H vẫn đề nghị Công ty C cho thực hiện theo nội dung Biên bản họp ngày 24/3/2015 và cam kết “Công ty H sẽ hoàn tất việc thành lập pháp nhân mới với Công ty Thuần Mẫn, hạn cuối là ngày 31/12/2016”. Cũng tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của bị đơn Công ty H thừa nhận mặc dù Công ty H đã nhận được quyết định của UBND tỉnh về việc cho phép chuyển đổi doanh nghiệp (thành lập pháp nhân mới) nhưng tại cuộc họp ngày 27/6/2016 Công ty H vẫn đề nghị gia hạn đến ngày 31/12/2016 là vì muốn Công ty C cho ứng thêm 1.000.000.000đồng mà trước đó Công ty H đã đề nghị được ứng nhưng Công ty C không đồng ý cho ứng. Như vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định mặc dù Công ty H đã được thành lập pháp nhân mới nhưng đã không trung thực thông báo cho Công ty C để cùng tiếp tục thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng cũng như thực hiện những nội dung mà hai bên nhất trí tại Biên bản họp ngày 24/3/2015 khiến Công ty C không đồng ý tiếp tục hợp đồng. Mặt khác, tại Biên bản họp ngày 19/8/2013, chính Công ty H đã tự xác nhận “... các phần thực hiện không đúng thuộc về lỗi và trách nhiệm của Công ty H, do đó Hoàng Thiên cam kết sẽ chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do vi phạm của Hoàng Thiên đối với Dự án” (bút lục 25).

[8] Xét yêu cầu của Công ty C về việc Công ty C yêu cầu Tòa tuyên hủy Hợp đồng kinh tế số 18 và Hợp đồng thỏa thuận số 19, yêu cầu Công ty H phải hoàn trả số tiền 7.320.000.000đồng mà Công ty C đã giao và phải trả lãi suất với mức 9%/năm (tương ứng 0,75%/tháng) của số tiền 7.320.000.000đồng từ ngày 15/4/2012 đến ngày 15/8/2018 đồng thời yêu cầu buộc Công ty H phải bồi thường cho Công ty C số tiền 7.320.000.000đ do Công ty H vi phạm hợp đồng, Hội đồng xét xử xét thấy:

[9] Do đến nay Công ty C không đồng ý tiếp tục hợp đồng nên việc tuyên hủy các hợp đồng kinh tế mà các bên đã ký kết là phù hợp. Do Công ty C có một phần lỗi khiến hợp đồng bị chậm thực hiện, Công ty H cũng có lỗi dẫn đến việc hợp đồng bị chậm thực hiện và không thực hiện được như đã phân tích ở trên nên khi tuyên hủy hợp đồng, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ buộc Công ty H có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty C số tiền 7.320.000.000đ mà Công ty H đã nhận là phù hợp. Về yêu cầu buộc Công ty H phải bồi thường số tiền 7.320.000.000đồng, do Công ty C cũng có lỗi nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này.

[10] Về yêu cầu tính lãi suất: tại Điều VI của Hợp đồng thỏa thuận số 19 các bên có thỏa thuận: “Bên A (Công ty H -HĐXX) cam kết chịu trách nhiệm bồi thường cho bên B (Công ty C -HĐXX) nếu bên A giao đất không đúng thời hạn thỏa thuận 500ha (+/-5%) chậm nhất là ngày 15/2/2012 như sau: Trễ hạn từ ngày thứ 31 đến ngày thứ 60 phải bồi thường 0,34%/ngày số tiền đã nhận đợt 1”. Tại phiên tòa, các bên cũng xác nhận số tiền đợt 1 mà Công ty C giao cho Công ty H là 6.000.000.000 đồng và có nhận tiếp của Công ty C 06 lần khác với tổng số tiền 1.320.000.000 đồng vào các ngày 28/3/2012 (200 triệu), 17/5/2012 (100 triệu), ngày 31/5/2012 (500 triệu), 27/8/2012 (200 triệu), 09/11/2012 (300 triệu) và 20/12/2012 (20 triệu). Do Công ty H có lỗi dẫn đến hợp đồng giữa các bên không thực hiện được và hiện Công ty H là người đang được thụ hưởng những thành quả mà các bên đã hợp tác thực hiện, để bảo đảm quyền lợi của Công ty C cần chấp nhận một phần yêu cầu tính lãi suất của Công ty C. Do số tiền 7.320.000.000đồng được giao làm nhiều lần, các bên thỏa thuận nếu Công ty H vi phạm thời hạn giao đất thì sẽ phải chịu mức lãi 0,34%/ngày của số tiền giao đợt 1 và tại Biên bản họp ngày 19/8/2013 Công ty H cũng cam kết chịu mọi thiệt hại đối với Công ty C. Tại phiên tòa, nguyên đơn chỉ yêu cầu Công ty H phải tính lãi với mức 0,75%/tháng là thấp hơn so với thỏa thuận các bên ký kết trong hợp đồng và không trái quy định của pháp luật nên cần chấp nhận. Vì vậy, tiền lãi cần buộc Công ty H phải thanh toán cho Công ty C được tính như sau:

[11] Tiền lãi của số tiền 6.000.000.000đ từ ngày 15/4/2012 đến ngày 15/8/2018 là: 6.000.000.000đồng x 0,75%/tháng x 76 tháng = 3.420.000.000đồng.

Tiền lãi của số tiền 1.320.000.000đ từ ngày 21/12/2012 (tính từ sau khi Công ty C giao khoản tiền 20 triệu cuối cùng vào ngày 20/12/2012) đến ngày 15/8/2018 là: 1.320.000.000đồng x 0,75%/tháng x 67 tháng 24 ngày = 671.220.000đồng

Tổng cộng: 4.091.220.000đồng.

[12] Như vậy, số tiền Công ty H có trách nhiệm thanh toán cho Công ty C là: 7.320.000. 000đ đã nhận và 4.091.220.000đồng tiền lãi, tổng cộng: 11.411.220.000đồng. Do đó, kháng cáo của nguyên đơn Công ty C được chấp nhận một phần, cần sửa bản án sơ thẩm cho phù hợp.

[13] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ một phần nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

[14] Án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty C phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận [7.320.000.000đ + (4.172.400.000đồng - 4.091.220.000đồng) = 7.401.180.000đồng] là 112.000.000đồng + (3.401.180.000đồng x 0,1%) = 115.401.180đồng; Công ty H phải chịu 112.000.000đồng + {(11.411.220.000đồng - 4.000.000.000đồng) x 0,1%} = 119.411.220đồng.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Công ty C.

Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 31/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bình Phước.

Căn cứ khoản 16 Điều 3, khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư năm 2005; các Điều 11, 300, 301, 306 và 312 Luật thương mại năm 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng Án phí và Lệ phí Tòa án;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty C:

- Tuyên hủy Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 18/HĐ-LDLK và Hợp đồng thỏa thuận số 19/HĐ-GVĐT Công ty C với Công ty H đã ký kết ngày 27/10/2011.

- Buộc Công ty H phải hoàn trả cho Công ty C số tiền là 7.320.000.000đồng (bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng) và phải thanh toán cho Công ty C số tiền 4.091.220.000đồng (bốn tỷ không trăm chín mươi mốt triệu hai trăm hai mươi nghìn đồng) tiền lãi suất, tổng cộng: 11.411.220.000đồng (mười một tỷ bốn trăm mười một triệu hai trăm hai mươi nghìn đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu của Công ty C về việc buộc Công ty H phải bồi thường cho Công ty C số tiền là 7.320.000.000đồng (bảy tỷ ba trăm hai mươi triệu đồng).

Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty C phải chịu 115.401.180đồng (Một trăm mười lăm triệu bốn trăm linh một nghìn một trăm tám mươi đồng). Khấu trừ số tiền 62.994.450đồng tạm ứng án phí Công ty đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng số 0014720 ngày 26/6/2017 thì Công ty C còn phải nộp 52.406.730đồng (Năm mươi hai triệu bốn trăm linh sáu nghìn bảy trăm ba mươi đồng); Công ty H phải chịu 119.411.220đồng (Một trăm mười chín triệu bốn trăm mười một nghìn hai trăm hai mươi đồng).

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty C không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Ninh hoàn trả cho Công ty C số tiền 2.000.000đồng (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí Công ty đã nộp theo biên lai thu số 0006179 ngày 27/9/2018.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra Quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền) nếu bên phải thi hành chậm thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1206
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/KDTM-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh

Số hiệu:03/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về