Bản án 03/2019/DS-ST ngày 24/10/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG CHÀ, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 03/2019/DS-ST NGÀY 24/10/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Ngày 18 tháng 10 năm 2019, Tại trụ sở TAND huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 07/2019/TLST-DS ngày 20/3/2019 về việc: Tranh chấp về quyền sử dụng đất, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2019/QĐST-DS ngày 20/9/2019. Giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông L A C (L G C) - Sinh năm: 1973 và bà S T C - Sinh năm: 1979. Người đại diện theo ủy quyền cho bà S T C là ông L G C - Có mặt.

Địa chỉ: Bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

* Bị Đơn: - Ông: G A C- Sinh năm: 1964 và bà T T K - Sinh năm: 1973. Người đại diện theo ủy quyền của bà T T K là ông G A C- Có mặt.

Địa chỉ: Bản H C, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Ông: G G H (G A H) - Sinh năm: 1964 và bà T T S - Sinh năm: 1967. Người đại diện theo ủy quyền của bà T T S là ông G G H - Có mặt.

Địa chỉ: Bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông G A H (G G H) là ông Phùng Việt Hoa - Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên - Có mặt.

* Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà V T S - Sinh năm: 1963; anh C A B - Sinh năm: 1990; anh C A V - Sinh năm: 1995. Cùng địa chỉ: Bản H M, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên - Đều vắng mặt có lý do.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- UBND xã M T H, người đại diện theo pháp luật là ông M A D - Chủ tịch UBND xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Người đại diện theo ủy quyền ông S A M - Phó chủ tịch UBND xã M T H - Có mặt

* Những người làm chứng:

- Các ông H V C; P A T; T V D.

Cùng địa chỉ: Bản H C, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Các ông V A T(V A T); T A C; L A S; S P C; V A S; V A H; L A V; V A S; T K D; V A D; L A N; L A T; và S T S; T T H.

Cùng địa chỉ: Bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Ông C V C - Sinh năm: 1950.

Địa chỉ: Bản H Q 2, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Ông M A G Đơn vị công tác: UBND xã S P P, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

- Ông M A P Địa chỉ: Bản C N, xã S P P, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

- Ông C N D - Sinh năm: 1947.

Địa chỉ: Bản H M, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Ông H A S - Sinh năm: 1962.

Địa chỉ: Bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Những người làm chứng đều vắng mặt có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, bản tự khai, và trong quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm ông L A C và là người đại diện theo ủy quyền cho bà S T C trình bày:

Vợ chồng ông có một mảnh nương với diện tích khoảng 5.000 m 2 ở khu vực dưới mốc B6 cũ thuộc bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Vợ chồng ông canh tác làm nương từ năm 2003 đến năm 2008 sau đó bỏ hoang đến vụ gieo lúa 2017 vợ chồng ông tiếp tục làm đất để gieo lúa thì có vợ chồng ông G A Cvà vợ chồng ông G A H đến tranh chấp, các ông, bà nói đó là nương của các ông, bà; các ông bà thả trâu vào đó vợ chồng ông không làm nương được. Sau khi xảy ra tranh chấp đã được UBND xã M T H giải quyết nhưng ông Cở, bà Khua, ông Hờ, bà Sế không nhất trí trả lại đất cho vợ chồng ông. Mảnh nương hiện đang tranh chấp có các tứ cạnh tiếp giáp: Phía bắc giáp đất nương của Thào A Tủ có chiều dài 69,18 m; Phía nam giáp đất nương của L A N có chiều dài 50,48 m; Phía tây giáp đất nương của L A N có chiều dài 84,76 m; Phía đông giáp nương của ông L A S có chiều dài 84,07 m. Có tổng diện tích là 5.000 m2. Diện tích đất nương đó vợ chồng ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vợ chồng ông chọn cơ quan Tòa án nhân dân huyện Mường Chà là cơ quan giải quyết việc tranh chấp đất giữa vợ chồng ông và ông Cở, bà Khua, ông Hờ, bà Sế. Vợ chồng ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông G A C, bà T T K và ông G A H, bà T T S trả lại cho vợ chồng ông diện tích đất nương hiện các ông, bà đang chiếm giữ.

Trong quá trình giải quyết các bị đơn ông G G H (G A H) và là người đại diện theo ủy quyền của bà T T S, ông G A C và là người đại diện theo ủy quyền cho bà T T K và tại phiên tòa đều trình bày:

Năm 1997 các ông đi vào khu vực bên dưới mốc B6 cũ thì thấy nương của ông Cháng Sìa Chá ở bản Huổi Quang, thuộc xã Mường Mươn cũ, nay là xã M T H (ông Chá canh tác từ năm 1992), chỉ có mỗi mình ông Chá canh tác ở đó ngoài ra không có ai canh tác tại khu vực đó. Sau đó các ông hỏi mua với ông Chá, ông Chá đồng ý bán cho anh em các ông, do không có tiền nên lấy hai con gà đổi lấy với ông Chá, lúc mua bán không làm giấy tờ gì. Sau khi mua được anh em các ông không làm nương mà làm bãi thả trâu. Đến năm 1999 các ông đến UBND xã S P P xin toàn bộ khu vực đất dưới mốc B 6 cũ để làm bãi thả trâu, lúc đó ông M A G làm chủ tịch UBND xã, ông Giàng đồng ý bằng miệng cho anh em các ông làm bãi thả trâu toàn bộ khu vực đó nhưng không được phát làm nương, vì khu vực đó giáp biên giới Việt Nam - Lào. Các ông thả trâu ở đó thì có một số hộ gia đình dân bản Huổi Quang thả trâu vào bãi thả trâu của các ông còn trâu của ai thì các ông không biết rõ, do các ông không rào được và cũng không đuổi trâu ra khỏi khu vực được nên để trâu của dân bản Huổi Quang thả cùng. Dân bản Huổi Quang thả trâu ở đó được một năm sau đó không ai thả nữa, còn các ông vẫn tiếp tục thả trâu ở đó. Đến năm 2003 một số hộ dân bản Huổi Quang mới chuyển từ bên Lào sang không có đất làm nương nên đã tự ý lên bãi thả trâu của các ông phát để làm nương, các ông không cho làm nhưng cố tình làm còn các ông vẫn thả trâu ở đó, do không cho làm nương nên các hộ gia đình dân bản Huổi Quang làm được mấy năm sau thì bỏ không làm nữa, còn các ông vẫn thả trâu ở tại khu vực đó cho đến nay. Diện tích đất đang tranh chấp các ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay xảy ra tranh chấp vợ chồng ông C lựa chọn cơ quan Tòa án là cơ quan giải quyết các ông nhất trí.

Việc vợ chồng ông C và bà C khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh em các ông trả lại đất đang tranh chấp cho vợ chồng ông C là các ông không nhất trí.

Tại bản tự khai của người đại diện theo pháp luật ông M A D và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền ông S A M đều trình bày: Ngày 03/10/2018 UBND xã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà đi kiểm tra tại thực địa đối với khu đất rừng phòng hộ tại khoảnh 4 tiểu khu 525 phát hiện nhân dân trong xã đã phát rừng làm nương, qua xác minh không phát hiện đối tượng phát rừng. Ngày 04/10/2018 UBND xã ra quyết định số: 88/QĐ-UBND về việc đình chỉ ngay việc lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Diện tích đất đang tranh chấp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ rất xung yếu, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, cơ quan tổ chức nào, hiện thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Tại bản tự khai của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà V T S, anh C A V, anh C A B đều trình bày: Diện tích đất hai bên đang tranh chấp ông Cháng Sìa Chá đã bán cho anh em gia đình nhà ông Cở, ông Hờ nay bà Sung, anh bảy, anh Vàng không có quyền lợi, nghĩa vụ gì và cũng không có yêu cầu gì.

Tổng hợp những lời khai của những người làm chứng cho nguyên đơn các ông H V C; P A T; T V D; ông V A T(V A T); T A C; L A S; S P C; V A S; V A H; L A V; V A S; T K D; V A D; L A N; L A T; và S T S; T T H đều khai: Năm 2003 các ông, bà đều biết gia đình ông L A C có được canh tác làm nương ở tại khu vực dưới mốc B 6 cũ, làm bao nhiêu năm thì các ông, bà không biết rõ, đến đầu năm 2017 xảy ra tranh chấp Tổng hợp lời khai của những người làm chứng cho bên bị đơn các ông Chang Vàng Chúng; H A S; C N D đều khai cuối năm 1996 đầu năm 1997 có anh em gia đình nhà ông G A C, G A H có đến hỏi mua đất nương của ông Cháng Sìa Chá ở khu vực dưới mốc B 6 cũ, ông Chá đồng ý bán cho anh em nhà ông Cở, ông Hờ còn bán giá bao nhiêu các ông không biết. Các ông M A G, M A P khai trước đây xã M T H và xã S P P là một xã, lúc đó các ông công tác tại UBND xã S P P cũ, cho đến năm 2007 mới được tách ra thành 02 xã. Năm1999 ông Giàng là chủ tịch UBND xã S P P thì có ông G A Cđến UBND xã xin đất tại khu vực dưới mốc B 6 cũ, bản H Q 1 để làm bãi thả trâu, ông nhất trí nhưng không lập thành văn bản giấy tờ gì, ông Giàng nói chỉ làm bãi thả trâu, không được phát làm nương vì khu vực đó là giáp biên giới Việt nam - Lào. Trong thời gian công tác tại xã S P P ông Giàng và ông Phía thường xuyên xuống địa bàn bản Huổi Quang, các ông vẫn nhìn thấy anh em nhà ông Cở, ông Hờ thả trâu tại khu vực dưới mốc B 6 cũ, ngoài ra không có ai thả trâu tại khu vực đó.

Ngày 17/5/2019 Tòa án nhân dân huyện phối hợp cùng với Viện kiểm sát; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; Phòng tài nguyên môi trường; Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà, UBND xã M T H và trưởng bản H Q 1 cùng với các bên đương sự tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, xác minh tại thực địa diện tích đất đang tranh chấp, xác định được diện tích như sau:

Phía bắc giáp đất nương của L A T có cạnh 1 - 2 dài 69,18 m.

Phía nam giáp đất nương của L A N có cạnh 4 - 3 dài 50,48 m.

Phía tây đất nương của L A N 1 - 4 dài 84,76 m.

Phía đông giáp đất nương của L A S có cạnh 2 - 3 dài 84,07 m.

Tổng diện tích là 5.000 m2 Qua xem xét thẩm định tại thực địa thửa đất không tranh chấp với các hộ liền kề.

Tại công văn số: 45a/CV-TNMT ngày 19 tháng 6 năm 2019 của phòng tài nguyên môi trường huyện Mường Chà khẳng định: Diện tích đất hai bên đang tranh chấp là đất Lâm nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức nào. Hiện thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H, huyện Mường Chà.

Tại công văn số: 146/CV-HKL ngày 23/7/2019 của Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà khẳng định: Diện tích đất đang tranh chấp giữa các đương sự thuộc khoảnh 4 tiểu khu 525 dưới mốc B 6 cũ của bản H Q 1, xã M T H.

Căn cứ vào bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã M T H năm 2008 kèm theo Quyết định số 76/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2020.

Căn cứ vào bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã M T H năm 2018 kèm theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, đính hướng đến năm 2030.

Căn cứ bản đồ giao đất, giao rừng xã M T H năm 2015.

Xác định diện tích đất hai bên đang tranh chấp tại khu vực dưới mốc B 6 cũ thuộc khoảnh 4 tiểu khu 525 xã M T H nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ rất xung yếu.

Theo yêu cầu của nguyên đơn ông L A C thì các đương sự thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng. Ngày 07/5/2019 Tòa án đã ra thông báo số:

08/TB-TA về việc yêu cầu các đương nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng, ngày 08/5/2019 nguyên đơn ông L A C đã nộp 1.000.000 đồng, ngày 08/5/2019 bị đơn ông G A Cđã nộp 1.000.000 đồng tiền tạm ứng chi phí tố tụng cho Tòa án. Số tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà các đương sự nộp cho Tòa án, đã được chi trả cho Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ hết 2.000.000 đồng.

Theo yêu cầu của nguyên đơn ông L A C về việc yêu cầu Tòa án lấy lời khai của những người làm chứng mọi chi phí đi lại việc lấy lời khai của cán bộ thu thập tài liệu, chứng cứ ông sẽ tự nhận chịu toàn bộ và ông C đã nộp cho Tòa án 500.000 đồng. Số tiền 500.000 đồng đã được chi trả cho cán bộ đi xuống dưới cơ sở để lấy lời khai của những người làm chứng.

- Nười bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông G G H là ông Phùng Việt Hoa trình bày: Nguồn gốc đất đang tranh chấp là đất rừng phòng hộ đã được quy hoạch để phát triển rừng. Năm 1997 ông Hờ mua với Cháng Sìa Chá và năm 1999 được sự nhất trí của UBND xã cho ông Hờ làm bãi thả trâu nhưng không được phát làm nương tại khu vực đất dưới mốc B 6 cũ. Ông Hờ sử dụng làm bãi thả trâu, cho đến năm 2003 có một số hộ gia đình chuyển từ bên đất Lào sang Việt nam ở tại bản H Q 1 không có đất canh tác nên tự ý lên bãi thả trâu của ông phát để làm nương, ông không cho làm nhưng cố tình làm được khoảng 3 năm sau đó không làm nữa, còn ông Hờ vẫn thả trâu tại khu vực đó liên tục cho đến nay. Vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Hờ trả lại diện tích đất là không có căn cứ, việc ông Hờ sử dụng diện tích đất đó làm bãi thả trâu không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng, do đó đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tiếp tục cho ông Hờ thả trâu tại khu vực đó. -Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký và các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Căn cứ Khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147 và Điều 157 của Bộ luật tố dụng dân sự. Điều 197; 198 của Bộ luật dân sự. Điều 4; khoản 1, 2 Điều 12; Điều 39; khoản 1 Điều 136; khoản 2 Điều 203 Luật đất đai. Điểm a khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 9; Điều 43 và Điều 74 Luật lâm nghiệp. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Việc ông L A C và bà S T C khởi kiện yêu cầu các bị đơn ông G A C, bà T T K, ông G G H (G A H) và bà T T S trả diện tích đất 5.000 m2 đang tranh chấp theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17/5/2019 tại địa chỉ khu vực dưới mốc B6 cũ, bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà là không có căn cứ, không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, vì diện tích đất đang tranh chấp nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ rất xung yếu thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H, huyện Mường Chà. Diện tích đất đang tranh chấp không thuộc quyền quản lý, sử dụng của các nguyên đơn và các bị đơn.

Kiến nghị UBND xã M T H, huyện Mường Chà cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật, nếu phát hiện vi phạm xử lý theo quy định pháp luật.

Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Do yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn không được chấp nhận nên các nguyên đơn phải chịu toàn bộ số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông L A C và bà S T C.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đòng xứt xử nhận định

 [1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn, bị đơn đều có hộ khẩu thường trú tại xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và diện tích đất đang tranh chấp thuộc bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Diện tích đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên nguyên đơn chọn Tòa án là Cơ quan giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất và bị đơn đồng ý. Áp dụng khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm b khoản 2 Điều 203 Luật đất đai và Bộ luật dân sự để giải quyết. Như vậy yêu cầu khởi kiện của đương sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà theo quy định.

[2] Về xác định tư cách của các đương sự: Căn cứ vào Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự xác định L A C và bà S T C là nguyên đơn, ông G A Cvà bà T T K và ông G G H (G A H) và T T S là bị đơn. UBND xã M T H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bà V T S, anh C A B, anh C A V là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều đề nghị xét xử vắng mặt; Những người làm chứng đều đã có lời khai đều đề nghị xét xử vắng mặt. Do đó căn cứ vào khoản 1 Điều 228 và khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng theo quy định của pháp luật.

[3]. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông L A C và bà S T C, Hội đồng xét xử xét thấy như sau:

Xét lời khai của nguyên đơn nguồn gốc diện tích đất 5.000 m2 đang tranh chấp giữa hai bên là đất rừng năm 2003 đi khai hoang phát để làm nương sử dụng đến năm 2008 bỏ hoang lúc canh tác không xảy ra tranh chấp, đến đầu năm 2017 tiếp tục canh tác thì các ông Cở, ông Hờ đến tranh chấp. Diện tích đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó yêu cầu Tòa án giải quyết buộc các ông Cở, ông Hờ trả lại diện tích 5.000 m2 đất đang tranh chấp cho vợ chồng ông.

Xét lời khai của các bị đơn nguồn gốc đất đang tranh chấp là do các ông mua với ông Cháng Sìa Chá từ năm 1997, và đã được sự nhất chí của UBND xã đồng ý cho các ông làm bãi thả trâu từ năm 1999 không được phát làm nương, các ông sử dụng làm bãi thả trâu liên tục, ổn định từ năm 1997. Đến năm 2003 có một số hộ dân ở Huổi Quang chuyển từ bên đất Lào sang Việt nam không có đất canh tác sau đó đến khai hoang làm nương các ông không nhất trí nhưng vẫn cố tình làm được khoảng 04 năm sau đó bỏ không làm nữa, còn các ông vẫn thả trâu tại khu vực đó cho đến ngày xảy ra tranh chấp. Diện tích đất đang tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Nay nguyên đơn yêu cầu trả lại diện tích đất đang tranh chấp là các ông không nhất trí.

[4] Xét lời khai của người đại diện theo theo pháp luật và lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Diện tích đất đang tranh chấp thuộc khoảnh 4 tiểu khu 525 đã nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ rất xung yếu. Hiện thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H. Việc nhân dân trong xã tự ý đi phát làm nương UBND xã M T H đã ra quyết định số: 88/QĐ-UBND ngày 04/10/2018 về việc đình chỉ ngay về việc lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Do đó đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

[5] Xét lời khai của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận diện tích đất hiện hai bên đang tranh chấp là do ông Cháng Sìa Chá canh tác từ trước năm 1997 sau đó ông Chá bán cho các ông Cở, ông Hờ. Nay không có yêu cầu gì. Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Xét lời khai của những người làm chứng (Người có đất liền kề thửa đất) cho bên nguyên đơn cho thấy diện tích đất hiện đang tranh chấp. Năm 2003 ông L A C đến phát làm nương cho đến năm 2008 thì bỏ hoang không làm nữa. Đối với những người làm chứng cho bên bị đơn khẳng định các ông Cở, ông Hờ sử dụng dùng diện tích đất hai bên đang tranh chấp làm bãi thả trâu từ năm 1997 và đã được sự nhất trí của UBND xã S P P cũ cho đến ngày xảy ra tranh chấp, đất giáp biên giới Việt nam - Lào nên UBND xã không cho phát làm nương mà chỉ được thả trâu. [7] Qua xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17/5/2019, xác minh tại thực địa diện tích đất đang tranh chấp, xác định được các cạnh tiếp giáp như sau:

Phía bắc giáp đất nương của L A T có cạnh 1 - 2 dài 69,18 m. Phía nam giáp đất nương của L A N có cạnh 4 - 3 dài 50,48 m. Phía tây đất nương của L A N 1 - 4 dài 84,76 m. Phía đông giáp đất nương của L A S có cạnh 2 - 3 dài 84,07 m.

Tổng diện tích là 5.000 m2 Diện tích hai bên đang tranh chấp không tranh chấp với các hộ liền kề.

[8] Xét công văn số: 45a/CV-TNMT ngày 19/6/2019 của phòng tài nguyên môi trường huyện Mường Chà khẳng định: Diện tích đất hai bên đang tranh chấp là đất Lâm Nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức nào. Hiện thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H. Như vậy diện tích đất đang tranh chấp các nguyên đơn và các bị đơn đều chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[9] Xét công văn số: 146/CV-HKL ngày 23/7/2019 của Hạt kiểm lâm huyện Mường Chà khẳng định. Diện tích đất đang tranh chấp giữa các đương sự thuộc khoảnh 4 tiểu khu 525 dưới mốc B 6 cũ của bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà.

Căn cứ vào bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã M T H năm 2008 kèm theo Quyết định số 76/QĐ-UBND ngày 14/01/2008 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2020.

Căn cứ vào bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã M T H năm 2018 kèm theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, đính hướng đến năm 2030.

Căn cứ bản đồ giao đất, giao rừng xã M T H năm 2015.

Xác định diện tích đất hai bên đang tranh chấp tại khu vực dưới mốc B 6 cũ thuộc khoảnh 4 tiểu khu 525 xã M T H nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ rất xung yếu. Như vậy diện tích đất đang tranh chấp đã được nhà nước quy hoạch để phát triển rừng phòng hộ.

[10] Xét ý kiến của kiểm sát viên tham gia phiên tòa nhận xét và có quan điểm: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký và các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật; Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên tại phiên tòa phù hợp với quan điểm giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử sơ thẩm.

[11] Xét lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hờ. Nguồn gốc đất đang tranh chấp là đất rừng phòng hộ đã được quy hoạch để phát triển rừng. Sau khi trao đổi được với ông Chá và được sự nhất trí của UBND xã ông Hờ làm bãi thả trâu từ năm năm 1997 sử dụng ổn định liên tục cho đến nay, việc ông Hờ sử dụng diện tích đất đó làm bãi thả trâu không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng, do đó đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tiếp tục cho ông Hờ thả trâu tại khu vực đó.

[12] Từ những căn cứ phân tích trên, HĐXX có đủ cơ sở xác định diện tích 5.000 m2 đất đang tranh chấp không thuộc quyền quản lý của nguyên đơn ông L A C và bà S T C và các bị đơn ông G A Cvà bà T T K và ông G G H (G A H), T T S. Đó là đất đã được quy hoạch để phát triền rừng phòng hộ rất xung yếu, thuộc quyền quản lý của UBND xã M T H, huyện Mường Chà. Là đất đai do nhà nước quản lý, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định tại Điều 4, Điều 39, Điều 136 Luật đất đai; Điều 197; 198 Bộ luật dân sự và điểm a khoản 1 Điều 7 Luật lâm nghiệp. Việc ông L A C và bà S T C cho rằng diện tích đất đang tranh chấp là đất nương của ông C, bà C là không có căn cứ. Việc các bị đơn làm bãi thả trâu diện tích đất trên không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của rừng. Như vậy cần bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nếu các đương sự cố tình có hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

[13] Xét số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình giải quyết tranh chấp nguyên đơn ông L A C yêu cầu Tòa án đi xem xét thẩm định tại chỗ. Tòa án đã ra thông báo số: 08/TB-TA ngày 07/5/2019 về việc yêu cầu các đương nộp tiền tạm ứng xem xét thẩm định tại chỗ. Nguyên đơn ông L A C đã nộp 1.000.000đ, bị đơn ông G A Cnộp 1.000.000 đồng tiền tạm ứng xem xét thẩm định tại chỗ. Tổng cộng là 2.000.000 đồng. Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ đã tiến hành xem xét tại thực địa đối với diện tích đất đang tranh chấp. Số tiền 2.000.000 đồng đã được chi trả hết cho Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ. Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận vậy ông L A C và bà S T C phải chịu toàn bộ số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 157 và Điều 158 của Bộ luật tố tụng dân sự, được khấu trừ số tiến 1.000.000 đồng ông C đã nộp tạm ứng xem xét thẩm định tại chỗ ngày 08/5/2019. Ông C, bà C phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 1.000.000 đồng cho ông G A Cđã nộp tiền xem xét thẩm định tại chỗ ngày 08/5/2019.

Đối với số tiền 500.000 đồng ông C nộp cho Tòa án để Tòa án xuống dưới cơ sở tiến hành lấy lời khai của những người làm chứng theo yêu cầu của ông C. Số tiền 500.000 đồng đã được chi trả cho cán bộ Tòa án đi xuống cơ sở lấy lời khai của những người làm chứng.

Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận theo quy định thì nguyên đơn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên xét ông L A C và bà S T C là đồng bào dân tộc thiểu số, ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 11; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 về án phí và lệ phí Tòa án cần miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông L A C và bà S T C.

[14] Từ những phân tích trên đề nghị UBND xã M T H, huyện Mường Chà cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật theo quy định tại Điều 25; Điều 43 và Điều 74 Luật lâm nghiệp.

Vì các lẽ trên!

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

 - Khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 157 và 158 của Bộ luật tố dụng dân sự.

- Điều 4; khoản 1, 2 Điều 12; Điều 39; khoản 1 Điều 136; khoản 2 Điều 203 Luật đất đai.

- Điểm a khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 9; Điều 25; Điều 43 và Điều 74 Luật lâm nghiệp.

- Các Điều 197; 198 của Bộ luật dân sự.

- Khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên ông L A C và bà S T C. Không chấp nhận việc ông L A C và bà S T C yêu cầu các bị đơn ông G A C, bà T T K - Cùng địa chỉ: Bản H C, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và ông G G H (G A H) và bà T T S - Cùng địa chỉ: Bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên trả diện tích đất 5.000 m2 đang tranh chấp theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17/5/2019 và sơ đồ trích đo thửa đất. Tại địa chỉ: Thuộc khu vực dưới mốc B 6 cũ, bản H Q 1, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Kiến nghị: UBND xã M T H, huyện Mường Chà cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng đã được quy hoạch, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật, nếu phát hiện vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Về chi phí đi xem xét thẩm định tại chỗ: Buộc ông L A C và bà S T C phải chịu 2.000.000 đồng tiền xem xét thẩm định tại chỗ, được khấu trừ 1.000.000 đồng đã nộp ngày 08/5/2019. Ông L A C và bà S T C phải có trách nhiệm trả lại số tiền 1.000.000 đồng cho ông G A C- Sinh năm: 1964 - Địa chỉ: Bản H C, xã M T H, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên mà ông Cở đã nộp tiền tạm ứng khi đi xem xét thẩm định tại chỗ ngày 07/5/2019.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành án khoản tiền trên thì người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi số tiền chậm trả theo lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông L A C và bà S T C. Áp dụng Điều 271; Điều 273 của Bộ Luật tố tụng dân sự các đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 24/10/2019). Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

231
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/DS-ST ngày 24/10/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:03/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mường Chà - Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về