TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ, TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 03/2019/DS-ST NGÀY 07/11/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU DI DỜI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Ngày 07/11/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2019/TLST-DS ngày 06/3/2019 về Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu di dời tài sản trên đất, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/QĐXX-ST ngày 18/10/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 05/QĐST-DS ngày 05/11/2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Chu Văn L, sinh năm 1976; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lương Thị Hương L – Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn, có mặt.
- Bị đơn:
1. Bà Chu Thị D, sinh năm 1964; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
2. Ông Bế Văn Đ, sinh năm 1990; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
3. Bà Trần Thị H, sinh năm 1983; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
4. Bà Chu Thị L, sinh năm 1966; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
5. Bà Chu Thị Đ, sinh năm 1973; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
6. Bà Chu Thị T, sinh năm 1959; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
7. Bà Triệu Thanh L, sinh năm 1992; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
8. Bà Bế Thị C, sinh năm 1983; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
9. Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn M, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Chu Văn H, sinh năm 1969; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
2. Bà Vi Thị S, sinh năm 1973; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
3. Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1983; trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
4. Ông Nông Văn N (bố chồng Triệu Thanh L); trú tại: Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 15/02/2019, các bản tự khai và lời trình bày tại phiên tòa nguyên đơn ông Chu Văn L trình bày như sau:
Năm 1997 ông Chu Văn U là bố của Chu Văn L được Ủy ban nhân dân huyện Đ giao quyền quản lý, sử dụng 97 ha, trong đó có 78 ha đồi trọc, 19 ha là đất rừng, tại K, thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Đối với 78 ha đất đồi trọc, năm 2006 một số hộ dân trong thôn đã tiến hành trồng thông và gia đình ông L cũng đã trồng thông trên diện tích đất đồi trọc khoảng 1,5 ha. Toàn bộ diện tích đất đồi 78 ha gia đình ông Chu Văn L không có ý kiến gì. Đối với 19 ha đất rừng, năm 2015 gia đình ông Chu Văn L đã phát để trồng keo khoảng 03 ha, thời điểm đó 09 người gồm: Chu Thị D, Chu Thị L, Chu Thị T, Bế Văn Đ, Chu Thị Đ, Trần Thị H, Bế Thị C, Nguyễn Văn B, Triệu Thanh L đã đi vào chuẩn bị phát thì gia đình ông L phát hiện và đã vận động, can ngăn không cho phát, những người đó đã dừng lại và không phát nữa. Đến ngày 15/4/2018 thì 09 người này tiếp tục vào phát lấn chiếm đất rừng của gia đình ông Chu Văn L, cụ thể như sau: Bà Chu Thị D đã phát lấn chiếm 7836 m2, trên đất tranh chấp đã trồng 3000 cây keo từ tháng 7/2018; bà Chu Thị L đã phát lấn chiếm 6708 m2, trên đất tranh chấp đã trồng 2500 cây keo từ tháng 7/2018; bà Chu Thị T đã phát lấn chiếm 3006 m2, phần đất lấn chiếm hiện nay đã phát nhưng chưa trồng cây; ông Bế Văn Đ phát lấn chiếm 6164 m2, trên đất tranh chấp đã trồng 1800 cây keo từ tháng 7/2018; bà Triệu Thanh L phát lấn chiếm 5839 m2, phần đất lấn chiếm hiện nay đã phát nhưng chưa trồng cây. Các bà Chu Thị Đ, Bế Thị C và Trần Thị H phát chung nhau đã lấn chiếm 7928m2, trên đất tranh chấp đã trồng 2800 cây keo từ tháng tháng 7/2018; ông Nguyễn Văn B phát lấn chiếm 2248 m2, trên đất tranh chấp chưa trồng cây. Ông Chu Văn L yêu cầu Tòa án giải quyết buộc 09 bị đơn tranh chấp trả lại toàn bộ diện tích đất đã phát và yêu cầu những người đã trồng cây di dời cây trên đất để gia đình ông quản lý, sử dụng. Tại biên bản hòa giải ngày 16/10/2019 ông Chu Văn L trình bày nếu các bị đơn chấp nhận hòa giải thì gia đình ông sẽ mua lại cây keo và hỗ trợ tiền công phát với giá thỏa thuận.
Tại bản khai ngày 20/3/2019 và biên bản lấy lời khai ngày 18/6/2019 bị đơn bà Chu Thị D trình bày: Vào khoảng tháng 4/2018 bà Chu Thị D đã đến khu đất ở K, thôn B, xã T để phát nương cũ với mục đích trồng rừng. Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp là nương cũ của gia đình bà D do bố mẹ chồng để lại cho vợ chồng bà quản lý, sử dụng từ năm 1988 đến năm 2006. Từ năm 2006 đến tháng 4/2018 gia đình không canh tác trên thửa đất nhưng vẫn quản lý thửa đất, hiện nay trên đất vẫn còn một số cây sắn và cây củ mài. Tổng diện tích đã phát khoảng 1050 m2, trên đất tranh chấp hiện nay đã trồng 3.000 cây keo, hiện nay còn khoảng 350 m2 đất nương cũ của gia đình chưa phát. Bà Chu Thị D không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn L về việc trả lại đất và di dời cây trên đất. Bà Chu Thị D yêu cầu được tiếp tục quản lý sử dụng diện tích đất tranh chấp.
Tại bản khai ngày 20/3/2019 và biên bản lấy lời khai ngày 18/6/2019 bị đơn ông Bế Văn Đ trình bày: Diện tích đất hiện nay đang tranh chấp là đất do ông cha của ông Bế Văn Đ khai phá và canh tác từ năm 1980 đến năm 1995 thì dừng canh tác trên thửa đất này. Năm 2018, ông Bế Văn Đ đi phát lại để trồng keo và sau khi phát đã trồng 1.800 cây keo. Việc cấp sổ cho ông Chu Văn L đối với thửa đất tranh chấp Bế Văn Đ không được biết. Ông Bế Văn Đ không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn L về việc trả lại đất và di dời cây trên đất. Ông Bế Văn Đ yêu cầu được tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp.
Tại bản khai ngày 20/3/2019 và biên bản lấy lời khai ngày 19/6/2019 bị đơn bà Chu Thị Đ trình bày: Tháng 4 năm 2018 bà Chu Thị Đ, bà Trần Thị H và bà Bế Thị C đã cùng nhau đi phát chung thửa đất tại K, thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Về nguồn gốc của thửa đất là của ông Hoàng Trọng Đ và bà Vi Thị S là bố mẹ chồng của bà Đ, H, C để lại cho ba người con là Hoàng Văn T (chồng chị Chu Thị Đ), Hoàng Văn C (chồng của Trần Thị H), Hoàng Văn S (chồng Bế Thị C) với diện tích là 06 ha. Từ năm 2015 -2018 thấy gia đình ông Chu Văn L thuê người phát tại khu rừng K, và phát sát vào đất của gia đình bà. Diện tích hiện nay ba chị em đã phát khoảng 0,6 ha. Sau khi phát xong vào khoảng đầu tháng 6 năm 2018 trồng 1.000 cây keo. Việc cấp sổ cho ông Chu Văn L thì gia đình bà không được biết, đến khi xảy ra tranh chấp thì mới phát hiện thửa đất gia đình bà đã nằm trong sổ của gia đình ông L. Bà không nhất trí với yêu cầu của ông Chu Văn L về việc yêu cầu gia đình bà trả lại đất và di dời cây trên đất, vì đất của ông cha để lại nên gia đình bà vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng.
Lời trình bày của bà Trần Thị H, Bế Thị C cũng tương tự như phần trình bày của bà Chu Thị Đ, không nhất trí trả lại đất cho gia đình ông Chu Văn L.
Tại bản khai ngày 20/3/2019 và biên bản lấy lời khai ngày 18/6/2019 bị đơn bà Chu Thị L trình bày: Đối với thửa đất tranh chấp với ông Chu Văn L ở K, thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc là đất của ông Nguyễn Văn C (đã mất) và bà Vi Thị M, sinh năm 1936 là bố mẹ chồng của bà khai phá để trồng cây lương thực. Năm 1993 đến 1996 bà L trồng lương thực, từ năm 1996 đến nay bà không còn canh tác trên thửa đất đó nữa. Vì quá trình khai thác sử dụng đất đã lâu nên đất đã bị cằn cỗi nên gia đình bà bỏ một thời gian để khôi phục lại đất. Năm 2015 gia đình ông Chu Văn L thuê người đi phát gia đình bà phát hiện và đã ngăn cản. Đến khoảng tháng 4/2018 bà đã đi phát để trồng ngô và trồng keo. Diện tích bà L đã phát được khoảng 1.800 m2, sau đó trồng 2.200 cây keo trên thửa đất này. Bà Chu Thị L không chấp nhận yêu cầu của ông Chu Văn L về việc yêu cầu bà trả lại đất và cây vì thửa đất này là đất của ông cha để lại, bà sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất này.
Tại bản khai ngày 20/3/2019 và biên bản lấy lời khai ngày 18/6/2019 bị đơn bà Chu Thị T trình bày: Đối với thửa đất tranh chấp ông Chu Văn L khởi kiện bà ở K, thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc là đất của ông Nguyễn Minh K, sinh năm 1952; trú tại Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn là chồng bà T khai phá từ năm 1989 với diện tích khoảng 1000 m2. Từ năm 1989 đến năm 2005 gia đình bà canh tác, sử dụng để trồng các cây lương thực ngắn ngày, ban đầu trồng lúa nương sau đó chuyển sang trồng ngô, khoai, sắn. Từ năm 2005 – 2018 gia đình bà không còn canh tác trên thửa đất này vì thửa đất ở xa nhà và bận nhiều công việc nên không có thời gian để canh tác. Tháng 4 năm 2018 gia đình bà mới lại tiếp tục phát thửa đất này để trồng keo, diện tích đã phát được khoảng 1.000 m2. Sau khi phát xong chưa trồng cây trên thửa đất này. Bà Chu Thị T không chấp nhận yêu cầu của ông Chu Văn L về việc yêu cầu bà trả lại đất.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 19/6/2019 và biên bản hòa giải, ông Nông Văn N trình bày: Diện tích đất tranh chấp mà ông Chu Văn L khởi kiện có nguồn gốc do bố đẻ ông N tên là Nông Văn N1 (đã chết 2010) và mẹ đẻ là Hà Thị B (sinh năm 1926 hiện nay vẫn còn sống) và do vợ chồng ông khai phá từ năm 1975 để trồng lúa nương, sau đó trồng khoai sọ và trồng sắn. Đến khoảng năm 2005 hoặc 2006 thì bỏ hoang không canh tác trên diện tích đất này nữa. Diện tích đất này đến năm 2016 ông Chu Văn L đến phát cây trên đất gần hết diện tích đất, sau đó ông L trồng cây keo, đến năm 2017 tiếp tục trồng. Còn một phần diện tích ông L đã phát từ năm 2016 nhưng chưa trồng cây, đến năm 2018 ông L tiếp tục phát và định trồng cây nhưng ông N ngăn cản, không cho trồng cây, nên diện tích đất này vẫn bỏ không.
Diện tích đất này gia đình ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không được Nhà nước giao đất, cũng chưa bao giờ đi kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng do khai phá nên vẫn quản lý ổn định từ khi khai phá cho đến năm 2016 khi ông L vào phát rừng mới xảy ra tranh chấp. Việc không đi kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do ông N không biết quy định của pháp luật. Ông cũng không biết ông L đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp. Năm 2018 khi xảy ra tranh chấp thì mới biết. Quá trình từ khi khai phá đến khi ông L sang lấn chiếm đều do vợ chồng ông canh tác chứ chị L và anh T chưa canh tác. Ông cũng chưa chuyển nhượng diện tích đất này cho chị L và anh T. Nay ông không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông L, ông N yêu cầu được sử dụng diện tích đất đang tranh chấp Theo các biên bản, lời khai và trình bày tại phiên tòa: Ông Chu Văn H, Bà Vi Thị S, Bà Hoàng Thị H đều nhất trí với yêu cầu của ông Chu Văn L, đồng thời đề nghị Tòa án giải quyết giao toàn bộ đất và tài sản trên đất có tranh chấp cho ông Chu Văn L quản L với tư cách là người quản L di sản của ông Chu Văn U, sau này anh em trong nhà sẽ tự chia nhau sử dụng.
Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 02/10/2019 như sau:
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và bà Chu Thị L là 6708 m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T; trên đất gồm 2500 cây keo, 11 cây sắn, cây sắn trồng từ năm 1993 (theo lời khai của bà L). Bà Chu Thị L cho rằng ngoài phần đất đang tranh chấp còn một phần đất thuộc nương cũ trước đây gia đình bà vẫn quản L sử dụng có diện tích là 1361 m2 chưa phát.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và bà Chu Thị D có diện tích là 7836 m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Tài sản trên đất gồm 3.000 cây keo, toàn bộ số cây đều có đường kính gốc dưới 05cm, cây trồng từ tháng 7 năm 2018, 02 cây sắn và 02 cây củ mài. Ngoài phần đất tranh chấp hiện nay gia đình bà Chu Thị D đã phát trồng cây keo còn một phần diện tích bà Chu Thị D cho rằng là nương cũ ngày xưa của gia đình bà hiện nay chưa phát có diện tích là 5884 m2.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và ông Nguyễn Văn B có diện tích là 2248 m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 63 tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Đất tranh chấp hiện nay đã phát nhưng chưa trồng cây, phần đất trên đỉnh tiếp giáp với đồi thông còn một số cây tự nhiên có đường kính từ 15cm -50cm.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và bà Chu Thị Đ, Bế Thị C, Trần Thị H phát chung nhau có diện tích là 7928m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 63, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Tài sản trên đất gồm 2.800 cây keo. Ngoài diện tích đất đang tranh chấp, bà Đ, bà C, bà H cho rằng còn một phần đất chung nhau nhưng chưa phát có diện tích là 10830 m2.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và bà Chu Thị T hiện nay đang quản lý, sử dụng có diện tích là 3006m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Trên đất tranh chấp hiện nay đã phát nhưng chưa trồng cây, phần tiếp giáp với rừng thông phía trên đỉnh đồi còn một số cây tự nhiên.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và ông Bế Văn Đ có diện tích là 6164 m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Tài sản trên đất gồm 1.800 cây keo. Ngoài phần đất tranh chấp hiện nay gia đình ông Bế Văn Đ đã phát trồng cây keo, còn một phần diện tích ông Bế Văn Đ cho rằng là nương cũ ngày xưa hiện nay chưa phát có diện tích là 1650 m2.
Diện tích đất tranh chấp giữa gia đình ông Chu Văn L và ông Nông Văn Ng (bố chồng bà Triệu Thanh L) hiện nay đã phát có diện tích là 5839 m2, diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T. Trên đất tranh chấp hiện nay đã phát nhưng chưa trồng cây, phần diện tích tiếp giáp với rừng thông trên đỉnh đồi còn một số cây tự nhiên có đường kính 10 cm, 40 cm, 45 cm và 70 cm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày ý kiến: Ông Chu Văn L có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh hộ gia đình ông L đã được giao quyền quản lý và sử dụng đất rừng. Các bị đơn lấy cớ đất nương của ông cha để lại, tự ý phát để lấn chiếm, nguyên đơn đã thực hiện trách nhiệm của người sử dụng đất, đã báo Cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng các bị đơn vẫn cố tình lấn chiếm đất và trồng cây trái phép. Căn cứ các Điều 163; 164 Bộ luật Dân sự, Căn cứ các Điều 166; 202; 203 Luật Đất đai đề nghị: Buộc các bị đơn chấm dứt các hành vi tranh chấp quyền sử dụng 3,9 ha đất của hộ gia đình ông Chu Văn L. Đề nghị công nhận sự tự nguyện của ông Chu Văn L mua lại toàn bộ cây keo đã trồng trên đất tranh chấp với giá là 5.000 đồng/cây và hỗ trợ tiền công phát cho các bị đơn theo giá 1.000 đồng/m2, với tổng số tiền là 92.730.000 (chín mươi hai triệu bảy trăm ba mươi nghìn) đồng. Nếu các bị đơn không nhận đề nghị buộc các bị đơn di dời toàn bộ cây đã trồng ra khỏi đất tranh chấp để trả đất cho ông Chu Văn L.
Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:
Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, xác định đúng thẩm quyền giải quyết, quan hệ tranh chấp, tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng nguyên tắc xét xử theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng. Các bị đơn không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng.
Về nội dung: Căn cứ các Điều 166; 203 Bộ luật Đất đai 2013. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn L, buộc 09 bị đơn phải trả đất tranh chấp tại K thuộc thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn và buộc các bị đơn di dời tài sản trên đất là những cây keo mà các bị đơn đã trồng. Trường hợp các bị đơn không di dời thì ghi nhận sự tự nguyện của ông Chu Văn L thanh toán tiền cây keo và công phát cho các bị đơn. Không chấp nhận yêu cầu của các bị đơn đòi quản lý sử dụng đất có tranh chấp. Về án phí, chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tình tiết, sự kiện không phải chứng minh: Diện tích đất tranh chấp thuộc thửa đất số 63 và thửa đất số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, đã được cấp Hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng (sổ bìa xanh) cho ông Chu Văn U, theo Quyết định giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng số 460/UB-QĐ ngày 18/11/1997 của Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Các bị đơn không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Các tình tiết trên được thể hiện trong quyết định của UBND huyện Đ, quyết định đang có hiệu lực pháp luật, được các bên đương sự thừa nhận nên căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự không phải chứng minh.
Tình tiết sự kiện phải chứng minh: Quá trình giải quyết vụ án các bị đơn cho rằng đất tranh chấp có nguồn gốc từ ông cha để lại hoặc đã làm nương sau đó bỏ hoang, nay thấy hộ gia đình ông Chu Văn L phát trồng keo thì cũng đi phát để trồng và không thừa nhận việc nhà nước cấp sổ bìa xanh cho hộ ông Chu Văn L. Ông Chu Văn L xác định diện tích đất tranh chấp do gia đình Chu Văn L, quản lý sử dụng thường xuyên, liên tục cho đến khi xảy ra tranh chấp. Về chứng cứ các bị đơn đều thừa nhận không có tài liệu, chứng cứ chứng minh về nguồn gốc, quá trình quản L, sử dụng diện tích đất tranh chấp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn ông Chu Văn L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc 09 bị đơn tranh chấp trả lại toàn bộ diện tích đất đã phát và yêu cầu các bị đơn đã trồng cây di dời cây trên đất để gia đình ông quản lý, sử dụng. Đây là quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời cây trên đất. Theo quy định tại các Điều 202, 203 Luật Đất đai năm 2013; các khoản 2, 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
2] Về tố tụng: Tại phiên tòa cả 09 bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt. Căn cứ các Điều 227; 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[3] Về nguồn gốc: Đất tranh chấp có địa danh là K, thuộc thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1997 ông Chu Văn U là bố của Chu Văn L được Ủy ban nhân dân huyện Đ giao quyền quản lý, sử dụng 97 ha, trong đó có 78 ha đất đồi trọc, 19 ha là đất rừng, tại K. Đối với 78 ha đất đồi trọc, năm 2006 một số hộ trong thôn B đã trồng thông và gia đình ông L cũng đã tiến hành trồng thông trên diện tích đất đồi trọc, khoảng 1,5 ha. Toàn bộ diện tích đất đồi 78 ha gia đình ông Chu Văn L không có tranh chấp. Riêng với 19 ha là đất rừng sản xuất, trước đây là rừng tự nhiên, một số hộ dân thôn B đã phát làm nương từ những năm 1975 đến 1995 sau đó bỏ hoang. Đến năm 1997 ông Chu Văn U (bố ông Chu Văn L) được UBND huyện Đ giao cho quản lý, sử dụng. Gia đình ông Chu Văn U đã quản lý, sử dụng thường xuyên, liên tục từ đó cho đến khi xảy ra tranh chấp.
[4] Lời đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn tại phiên tòa về quyền quản lý, sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản trên đất của nguyên đơn là có căn cứ, cần chấp nhận.
[5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, nên được chấp nhận.
[6] Xét yêu cầu của ông Chu Văn L: Về quá trình sử dụng đất thì gia đình ông Chu Văn L được cấp Hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng theo Quyết định số 460/UB-QĐ ngày 18/11/1997 của Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn từ năm 1997 diện tích được giao sử dụng là 97 ha, trong đó có 78 ha đồi trọc, 19 ha là đất rừng, tại K, xã T, huyện Đ. Việc giao đất là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991; Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Theo các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án thấy rằng đất của ông Chu Văn L được bố là Chu Văn U để lại cho tại K, thôn B, xã T, huyện Đ, có diện tích 19 ha thuộc các thửa số 63; 72 tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn, các tình tiết này phù hợp với nội dung Báo cáo số 79/BC-TNMT ngày 18/10/2018 của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đ, qua đối chiếu với Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, bản đồ và các tài liệu có trong hồ sơ, việc ông Chu Văn L khẳng định như trên là đúng. Do đó chấp nhận yêu cầu của ông Chu Văn L, ông Chu Văn L được quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất có tranh chấp là 39.720 m2 thuộc thửa số 63, thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
[7] Xét yêu cầu của nguyên đơn về di dời cây keo do các bị đơn trồng trên đất tranh chấp thấy rằng: Khi đang xảy ra tranh chấp các bị đơn vẫn cố tình trồng cây, việc trồng cây trên đất đã được nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng cho người khác là trái pháp luật cần buộc phải di dời. Yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Do cây được trồng từ năm 2018 nay đã phát triển tốt có đường kính trung bình là 0,5cm, cao từ 1,5m đến 02m, nếu di dời cây sẽ không đảm bảo sống và chi phí rất cao, do đó nay ông Chu Văn L đề nghị được sở hữu toàn bộ cây keo trên đất đang tranh chấp đồng thời tự nguyện thanh toán tiền cây và hỗ trợ tiền công phát cho các bị đơn không di dời cây ra khỏi đất của ông L. Yêu cầu của ông Chu Văn L là chính đáng, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự nên được chấp nhận. Công nhận sự tự nguyện của ông Chu Văn L thanh toán cho các bị đơn giá trị tài sản trên đất là 10.100 cây keo, với đơn giá từ 5.000 đồng/cây đến 6.000 đồng/cây, hỗ trợ công phát dọn với đơn giá là 1.000 đồng/m2.
[8] Đối với yêu cầu của các bị đơn: Thấy rằng quá trình giải quyết vụ án các bị đơn cho rằng là đất được cha ông khai phá làm nương, được quản lý sử dụng đất thường xuyên, nhưng không có tài liệu gì chứng minh cho việc đã sử dụng thường xuyên, liên tục. Hơn nữa tại các biên bản, lời khai tại Tòa án, các bị đơn thừa nhận đã bỏ hoang diện tích đất tranh chấp nhiều năm, trên đất có cây sắn, cây củ mài cho rằng trồng từ năm 1997 vẫn còn cho đến nay là không phù hợp vì trên thực địa chỉ là mầm sắn, không được coi là tài sản trên đất. Tình tiết này phù hợp với hiện trạng khi xem xét thẩm định tại chỗ, các bị đơn phải bỏ nhiều công phát dọn mới trồng keo được. Phần liền kề chưa phát là rừng tái sinh rất rậm rạp, cây tạp có đường kính từ 10 cm đến 70 cm. Các bị đơn đều thừa nhận chưa kê khai đăng ký nên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất có tranh chấp. Các bị đơn chưa thực hiện kê khai đối với diện tích đất đang tranh chấp. Nay các bị đơn đòi quyền quản lý và sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất là không có căn cứ, bởi vì đất tranh chấp đã được cấp sổ bìa xanh cho ông Chu Văn U nay là hộ ông Chu Văn L nên không thể chấp nhận. Về tài sản trên đất là cây keo do các bị đơn cố tình trồng khi sảy ra tranh chấp do đó phải tự di dời ra khỏi diện tích đất của ông Chu Văn L. Nếu không muốn di dời thì giao lại cho ông Chu Văn L sở hữu để được nhận tiền cây và tiền hỗ trợ.
[9] Đối với yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phía nguyên đơn: Ông Chu Văn H, Bà Vi Thị S, Bà Hoàng Thị H đều thống nhất với ý kiến của nguyên đơn, không có yêu cầu độc lập do vậy đã được xem xét và được chấp nhận.
[10] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Tổng chi phí cho việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá ngày 02/10/2019 là 18.863.000 đồng. Căn cứ Điều 157 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu của các bị đơn không được Tòa án chấp nhận, các bị đơn phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản.
[11] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn ông Chu Văn L được chấp nhận, nên ông L không phải chịu án phí. Các bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giái ngạch vì yêu cầu không được Tòa án chấp nhận và quan hệ tranh chấp được giải quyết là quyền sử dụng đất, không xem xét giá trị.
[12] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2, khoản 9 Điều 26; 186 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các Điều 115; 164; khoản 5 Điều 221; Điều 357; khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các Điều 2; 40 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991. Các Điều 3; 20; 73 khoản 3 Điều 76 Luật Đất đai năm 1993. Khoản 5 Điều 166; các Điều 100; 202; 203 Luật Đất đai 2013.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 147; Điều 150; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 158; khoản 1 Điều 165; khoản 1 Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự. Khoản 2 Điều 24; khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn L đòi trả lại toàn bộ diện tích đất tranh chấp cụ thể như sau: Ông Chu Văn L (Người quản lý di sản của ông Chu Văn U đã chết) được quản lý sử dụng diện tích đất tranh chấp là 39.720 m2 tại K, thuộc Thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn, thuộc các thửa số 63; 72 tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn (được nhà nước giao đất theo Quyết định số 460/UB-QĐ ngày 18/11/1997 của Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn giao cho ông Chu Văn U), (Có sơ đồ kèm theo).
Buộc các bị đơn: Chu Thị D di dời tài sản trên đất gồm 3.000 cây keo. Chu Thị L di dời tài sản trên đất gồm 2.500 cây keo. Chu Thị Đ, Bế Thị C, Trần Thị H di dời tài sản trên đất gồm 2.800 cây keo. Bế Văn Đ di dời tài sản trên đất gồm 1.800 cây keo.
Trường hợp các bị đơn không di dời tài sản trên đất thì xử lý như sau: Ông Chu Văn L được quản lý sử dụng tài sản trên đất là 10.100 cây keo.
Công nhận sự tự nguyện của ông Chu Văn L thanh toán tiền công khai phá diện tích đất là 39.720 m2 và giá trị 10.100 cây keo cho các bị đơn, cụ thể như sau:
Thanh toán cho bà Chu Thị D công khai phá là 7.836.000 (bẩy triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn) đồng; giá trị cây trên đất là: 15.000.000 (mười năm triệu) đồng. Tổng cộng: 22.836.000 (hai mươi hai triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn) đồng.
Thanh toán cho bà Chu Thị L công khai phá là 6.708.000 (sáu triệu bẩy trăm linh tám nghìn) đồng; giá trị cây trên đất là: 15.000.000 (mười năm triệu) đồng. Tổng cộng: 21.708.000 (hai mươi mốt triệu bảy trăm linh tám nghìn) đồng.
Thanh toán cho các bà Chu Thị Đ, Bế Thị C, Trần Thị H công khai phá là 7.928.000 (bẩy triệu chín trăm hai mươi tám nghìn) đồng; giá trị cây trên đất là: 14.000.000 (mười bốn triệu) đồng. Tổng cộng: 21.928.000 (hai mươi mốt triệu chín trăm hai mươi tám nghìn) đồng.
Thanh toán cho ông Bế Văn Đ công khai phá là 6.164.000 (sáu triệu một trăm sáu mươi tư nghìn) đồng; giá trị cây trên đất là: 9.000.000 (chín triệu) đồng. Tổng cộng: 15.164.000 (mười lăm triệu một trăm sáu mươi tư nghìn) đồng.
Thanh toán cho ông Nguyễn Văn B công khai phá là 2.248.000 (hai triệu hai trăm bốn mươi tám nghìn) đồng.
Thanh toán cho bà Triệu Thanh L công khai phá là 5.839.000 (năm triệu tám trăm ba mươi chín nghìn) đồng.
Thanh toán cho bà Chu Thị T công khai phá là 3.006.000 (ba triệu không trăm linh sáu nghìn) đồng.
Tổng số tiền ông Chu Văn L tự nguyện thanh toán là: 92.729.000 (chín mươi hai triệu bảy trăm hai mươi chín nghìn) đồng. 2. Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 7.836 m2 đất và 3.000 cây keo trên đất tại thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của bà Chu Thị D.
Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 6.708 m2 đất và 2.500 cây keo trên đất tại thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của bà Chu Thị L.
Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 7.928 m2 đất và 2.800 cây keo trên đất tại thửa số 63, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của các bà Chu Thị Đ, Bế Thị C, Trần Thị H.
Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 6.164 m2 đất và 1.800 cây keo trên đất tại thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của ông Bế Văn Đ.
Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 2.248 m2 đất tại thửa số 63, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của ông Nguyễn Văn B.
Không chấp nhận yêu cầu được quản L, sử dụng diện tích 5.839 m2 đất tại thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của bà Triệu Thanh L và ông Nông Văn N.
Không chấp nhận yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 3.006 m2 đất tại thửa số 72, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính đất Lâm nghiệp xã T, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn của bà Chu Thị T.
3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Tổng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 18.863.000 (mười tám triệu tám trăm sáu mươi ba nghìn) đồng. Các bị đơn: Bà Chu Thị D, bà Chu Thị L, bà Chu Thị Đ, bà Bế Thị C, bà Trần Thị H, ông Bế Văn Đ, ông Nguyễn Văn B, bà Triệu Thanh L, bà Chu Thị T. Mỗi người phải chịu 2.095.000 (hai triệu không trăm chín mươi năm nghìn) đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Ông chu Văn L đã nộp tạm ứng đủ các khoản chi phí, do đó các bị đơn phải hoàn trả cho ông Chu Văn L.
4. Về án phí:
4.1. Ông Chu Văn L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận ông Chu Văn L đã nộp 600.000 đồng theo biên lai thu số AA/2012/04234 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Ông Chu Văn L được hoàn trả số tiền đã nộp.
Các bị đơn: Bà Chu Thị D, bà Chu Thị L, bà Chu Thị Đ, bà Bế Thị C, bà Trần Thị H, ông Bế Văn Đ, ông Nguyễn Văn B, bà Triệu Thanh L, bà Chu Thị T. Mỗi người phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch nộp vào ngân sách Nhà nước.
Báo cho nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.
Bản án 03/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu di dời tài sản trên đất
Số hiệu: | 03/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đình Lập - Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về