Bản án 03/2019/DS-PT ngày 10/01/2019 về tranh chấp ngõ đi chung

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 03/2019/DS-PT NGÀY 10/01/2019 VỀ TRANH CHẤP NGÕ ĐI CHUNG

Trong các ngày 26 tháng 11 năm 2018 và ngày 10 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 13/2018/TLPT-DS ngày 12 tháng 6 năm 2018 về tranh chấp ngõ đi chung.

Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2944/2018/QĐ-PT ngày 12 tháng 9 năm 2018 và Thông báo về thời gian mở phiên tòa số 3420/TB-TA ngày 06/11/2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trần Thị A, sinh năm 1948; nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn:

1. Ông Trần Ngọc E, sinh năm 1964;

2. Bà Mai Thị G, sinh năm 1968;

Cùng nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; đều có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Trần Ngọc E: Ông Trần Văn H và ông Phạm Ngọc I - Luật sư Công ty Luật hợp danh K thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; ông H có mặt; ông I vắng mặt.

- Người làm chứng: Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người kháng cáo: Ông Trần Ngọc E là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn bà Trần Thị A trình bày: Bố mẹ bà là cụ Trần Văn M và cụ Trần Thị N dâng lập thửa đất tại Xóm Trại, Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng từ năm 1965. Thửa đất có lối đi vào từ đường trục xã rộng 2,2m. Năm 1987, ông Trần Văn L (là con trai lớn) có gia đình riêng nên được vợ chồng cụ M cắt cho phần diện tích đất phía ngoài, chia thành hai thửa giáp hai bên lối đi. Một thửa ông L xây nhà ở (nay là thửa số 38); 01 thửa là vườn, ao (thửa số 39). Phần diện tích đất phía trong vợ chồng cụ M và những người con khác sinh sống nên dành một phần diện tích là lối đi chung cho gia đình cụ M và gia đình ông L. Năm 1991, do có chỗ ở khác nên ông L đã chuyển nhượng lại phần diện tích đất nêu trên cho bà A sử dụng. Việc này cụ M biết và không có ý kiến gì. Kể từ khi về ở trên thửa đất mua của ông L gia đình bà A và gia đình cụ M vẫn sử dụng chung lối đi ra đó. Năm 2001, nhà nước tiến hành đo đạc để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nêu trên, cụ M đã trực tiếp hướng dẫn việc đo đạc; ký giáp ranh và thừa nhận lối đi chung là của gia đình bà A và gia đình cụ M. Tháng 11 năm 2003, hộ cụ M và hộ bà A đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có thể hiện phần lối đi chung vào các thửa đất nêu trên; giáp thửa đất số 38 dài 16,7m và giáp thửa đất số 39 dài 19,6m đều thuộc quyền sử dụng của bà A.

Năm 2003, cụ N chết. Năm 2014, cụ M chết. Thửa đất của các cụ được vợ chồng ông E, bà G quản lý, sử dụng. Năm 2015, ông E có công khai văn bản “Bản phân chia vườn” và cho rằng đó là di chúc của cụ M.

Ngày 02-12-2015, ông E, bà G đã tự ý xây tường bao và cổng tiếp giáp với thửa đất số 39 và một phần diện tích lối đi chung nên bà A không đi vào thửa đất số 39 được. Như vậy ông E, bà G đã chiếm dụng một phần diện tích lối đi chung có chiều dài khoảng 13m và chiều rộng 2,2m. Bà A đã nhiều lần can ngăn việc ông E xây cổng nhưng ông E không nghe nên đã làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã C giải quyết. Ủy ban nhân dân xã C đã tiến hành hòa giải, đề nghị vợ chồng ông E tạm dừng việc xây dựng, tháo dỡ nhưng vợ chồng ông E không chấp hành. Nay bà A khởi kiện, yêu cầu: Ông E, bà G phải phá dỡ phần tường bao, công trình đã xây dựng chặn lối đi chung vào khu đất số 39 thuộc quyền sử dụng của bà A; không được gây khó khăn cho bà A trong việc sử dụng lối đi chung sau này.

Tại bản tự khai ngày 12/7/2017 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm bị đơn - ông Trần Ngọc E và bà Mai Thị G trình bày:

Nguồn gốc thửa đất tại Thôn B, xã C, huyện D là của cụ Trần Văn M khai phá và đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền sử dụng là của cụ M. Thửa đất có ngõ đi riêng rộng 2,9m và chiều dài 20m là của cụ M, không phải ngõ xóm và cũng không phải ngõ đi chung của cụ M và gia đình bà A. Năm 1987, vợ chồng cụ M đã thống nhất cắt một phần diện tích đất ở phía ngoài chia thành hai thửa cho ông Trần Văn L (ghi trong bản phân chia vườn ngày 16-8-2005 do cụ M viết). Tại bản phân chia vườn ngày 16-8-2005, cụ M không nói cho ông L ngõ đi riêng hay đi chung ngõ nên lối đi chỉ thuộc quyền sử dụng của cụ M. Ngày 16-8-2005, cụ M có viết “Bản phân chia vườn ngày 16-8-2005”. Theo đó, cụ M có cắt cho ông L một phần diện tích đất nay đã chuyển nhượng cho bà A. Phần diện tích đất còn lại, cụ M có ý nguyện để lại nửa sào để làm nhà thờ tổ tiên và diện tích còn lại cho ông E sử dụng. Khi còn sống cụ M có làm cổng sát phần sân diện tích đất cụ M quản lý, sử dụng. Năm 2015, vợ chồng ông E làm lại cổng, chuyển cổng ra phía ngoài hết phần ao mà ông L đã trả lại cho cụ M (ao này trước đây cụ M đã cắt chia cho ông L, nhưng khi ông L bán cho bà A đã trả lại cho cụ M). Việc ông E chuyển cổng ra phía ngoài trên phần diện tích là lối đi thuộc diện tích đất của cụ M, không phải là lối đi chung nên ông E, bà G không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A.

Với nội dung như trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 04-5-2018, Tòa án nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào Điều 155, Điều 160, Điều 174, Điều 175, Điều 176, Điều 248, Điều 254 của Bộ luật Dân sự; Điều 12, Điều 166, Điều 170 của Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc, xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị A: Buộc vợ chồng ông Trần Ngọc E và bà Mai Thị G phải tháo dỡ phần xây dựng trên diện tích 28,728m2 để trả lại nguyên trạng lối đi chung gồm: Tường bao phía Đông Nam giáp đất, ao (thửa đất số 39) của bà A có tường bao xây 110 có bổ trụ cao 0,8m, dài 11,4m; phía Tây Nam giáp phần lối đi ra đường trục xã rộng 2,52m có 02 trụ cổng xây gạch chỉ kích thước dài 0,86m x rộng 0,43m x cao 2,5m mái cổng bê tông cốt thép rộng 1,4m dài 3,3m lợp ngói mũi, cổng song gỗ tạp gồm 02 cánh; phía trên phần lối đi tranh chấp dựng dàn cây thép hộp dài 10,6m rộng 3,1m gồm 08 thanh ngang 02 thanh dọc kích thước hộp thép 5x2,5m. Toàn bộ chi phí tháo dỡ, vợ chồng ông E phải chịu.

Diện tích lối đi chung 28,728m2, có sơ đồ kèm theo.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí; tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17-5-2018, ông E kháng cáo toàn bộ nội dung bản án với lý do quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không khách quan, không tôn trọng sự thật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn - bà A giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và trình bày: Nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc bị đơn - ông E, bà G phải tháo dỡ cổng để trả lại phần diện tích đất là lối đi chung như trước đây vào thửa đất của cụ M và hai thửa đất số 38, 39 của gia đình bà A đã được được Ủy ban nhân dân huyện D cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Giao dịch tặng cho quyền sử dụng diện tích đất tại thửa đất số 38, 39 giữa cụ M và bà A là không đúng thủ tục nên việc Ủy ban nhân dân huyện D cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà A tại thửa đất số 38,39 là không đúng quy định của pháp luật. Ngõ đi chung hiện gia đình ông E và bà G đang đi chung là ngõ riêng của cụ M, không phải ngõ xóm và cũng không phải là ngõ đi chung của cụ M và bà A. Hiện ông E đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án Hành chính giải quyết yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 90539/QSDĐ/H do Ủy ban nhân dân huyện D đã cấp cho bà A, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra Quyết định định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết của vụ án hành chính.

Bị đơn - ông E, bà G giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và nhất trí với lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Phần diện tích đất là ngõ đi có nguồn gốc là đất của cụ M. Tuy nhiên, cụ M đã đồng ý để làm ngõ đi chung cho hộ cụ M và hộ ông L từ khi cắt chia đất cho ông L. Điều này được chứng minh tại bản đồ giải thửa năm 1997 và đến năm 2003, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ M đã đồng ý ký ráp gianh và có đơn đồng ý cho bà A được quyền sử dụng đất thửa đất số 38,39. Như vậy, cụ M đã thừa nhận ngõ đi chung là của hai gia đình và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; mặt khác các bên đã sử dụng ngõ đi chung trong một thời gian rất dài, không có tranh chấp. Nay ông E cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà A không đúng là không có cơ sở. Nguyên đơn yêu cầu vợ chồng ông E phải tháo dỡ cổng và tường bao là có căn cứ và đúng quy định tại Điều 210, 218 của Bộ luật Dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm. Việc giải quyết vụ án hành chính không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp về ngõ đi chung nên không chấp nhận đề nghị của ông E về việc tạm đình chỉ vụ án. Bản án dân sự số 02/2018/DS-ST ngày 04-5-2018, Tòa án nhân dân huyện D chưa ghi nhận nội dung về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án theo nên cần bổ sung nội dung này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Quan hệ tranh chấp trong vụ án là về tranh chấp ngõ đi chung quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do vụ án có kháng cáo, nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Xét kháng cáo của bị đơn:

[2] Về quan hệ giữa các đương sự: Ông L, bà A, ông E là con đẻ của cụ Trần Văn M (chết năm 2014) và cụ Trần Thị N (chết năm 2003). Ông Trần Văn L, ông Trần Ngọc E và bà Trần Thị A có quan hệ là anh em ruột.

[3] Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp: Nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của các đương sự xác định được: Diện tích đất 1084m2 thổ cư, tại tờ bản đồ số 4, thửa đất số 517 tại Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng mang tên cụ M (theo sổ mục kê năm 1972, bản đồ giải thửa năm 1972; hiệu chỉnh năm 1985-1987). Năm 1987, cụ M và cụ N đã cắt chia cho ông Trần Văn L diện tích đất ở phía ngoài chia thành hai thửa hai bên lối đi chung của gia đình cụ M và gia đình ông L. Đến năm 1991, do có chỗ ở khác nên ông L đã trả lại phần diện tích đất ao cho cụ M và cụ N, phần diện tích đất còn lại chuyển nhượng cho bà A. Do vậy, tại bản đồ giải thửa năm 1997, tờ bản đồ số 11, phần diện tích đất của cụ M được chia thành 04 thửa: Thửa số 41: Diện tích 912m2 đất thổ cư; thửa số 40: Diện tích 171m2 đất ao đều mang tên tên cụ M; thửa số 38: Diện tích 205 m2, đất thổ cư và thửa số 39: Diện tích 252m2 đất ao đều mang tên bà A. Năm 2003, cụ M và bà A được Ủy ban nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00511QSDĐ/H do Ủy ban nhân dân huyện D cấp ngày 29/11/2003 cho hộ ông Trần Văn M; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00539QSDĐ/H do Ủy ban nhân dân huyện D cấp ngày 29/11/2003 cho hộ bà Trần Thị Lọng (Lộng). Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ cụ M và bà A đều thể hiện lối đi chung của hai gia đình. Sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ M và bà A, Ủy ban nhân dân xã C cũng như Ủy ban nhân dân huyện D không nhận được đơn khiếu nại về việc cấp các giấy chứng nhận nêu trên. Các đương sự đều xác nhận cổng cũ của gia đình cụ M sát với sân của thửa đất số 41.

[4] Ngày 31/7/2017, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với toàn bộ diện tích đất hiện gia đình ông E đang quản lý sử dụng (thửa đất cụ M được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); thửa đất số 39 hiện gia đình bà A đang quản lý; diện tích lối đi các bên đang tranh chấp phần diện tích ông E, bà G đã xây tường bao và cổng năm 2015, thì xác định được như sau: Hiện trạng diện tích đất của cụ M tại thửa số 40, 41 bao gồm 980m2 đất ở và đất vườn, diện tích đất ao là 158m2, tổng cộng: 1.138m2 đất; diện tích đất thuộc quyền sử dụng của bà A tại thửa số 39 là 236,0m2 đất; diện tích lối đi hiện đang tranh chấp là 35m2. Như vậy nếu cộng cả diện tích đất lối đi hiện các bên đang tranh chấp thì diện tích của cụ M thực tế đang sử dụng sẽ là: 1.173m2 đất, thừa so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 90m2. Năm 1991 khi bà A nhận chuyển nhượng phần đất của ông L, ông L đã trả lại phần diện tích đất ao cho cụ M và cụ N thì các cụ vẫn không rời cổng mà cụ M đã làm sát sân của thửa đất số 41. Năm 2003, gia đình cụ M và gia đình bà A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện phần ngõ đi chung của hai gia đình cụ M và bà A. Cho đến thời điểm cụ M chết (năm 2014) cụ M không khiếu nại gì về việc này và các bên không có tranh chấp gì về phần diện tích lối đi chung. Như vậy, căn cứ lời khai của các đương sự, người làm chứng - ông L; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cụ M, bà A và kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 31/7/2018 có cơ sở để xác định lối đi nối từ thửa đất của cụ M đến đường trục xã có nguồn gốc là đất của cụ M nằm trong diện tích đất 1084m2. Năm 1987, khi chia cắt đất cho ông E thì cụ M đã đồng ý để một phần diện tích làm lối đi chung của hai gia đình. Ngõ đi này đã tồn tại kể từ thời điểm cụ M cắt chia đất cho ông L và được thể hiện tại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ cụ M và hộ bà A. Năm 2015, ông E chuyển cổng ra phía ngoài, cách cổng cũ 11m là đã xây vào phần diện tích đất thuộc lối đi chung của hai gia đình; phần diện tích đất này, đo vẽ xác định là 35m2 nên tòa án cấp sơ thẩm buộc ông E phải trả phá dỡ cổng, tường bao để trả lại phần diện tích đất là lối đi chung là có cơ sở và phù hợp với quy định tại các Điều 174, Điều 175, Điều 176, Điều 248 của Bộ luật Dân sự; khoản 1, khoản 10 Điều 12; khoản 1, khoản 5 Điều 170 của Luật Đất đai nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

[5] Tại phiên tòa, ông E trình bày đã nộp đơn khởi kiện về hành chính và làm thủ tục để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của ông E yêu cầu Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sổ 00539QSDĐ/H do Ủy ban nhân dân huyện D cấp ngày 29/11/2003 cho hộ bà Trần Thị Lọng (Lộng) với lý do phần diện tích đất là lối đi chung thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ngõ xóm là không đúng mà phải là ngõ của cụ M và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà A không đúng trình tự thủ tục. Vì vậy, ông E đề nghị Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết của vụ án hành chính. Hội đồng xét xử xét thấy, nội dung các bên đương sự tranh chấp trong vụ án này chỉ là lối đi chung hay là lối đi riêng, không liên quan đến phần diện tích đất mà bà A đã được Ủy ban nhân dân huyện D cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ có cơ sở xác định là lối đi chung nên việc ông E đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà A không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án này nên không chấp nhận đề nghị của ông E.

- Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ; định giá tài sản:

[6] Tại giai đoạn sơ thẩm, nguyên đơn bà A đã nộp 3.000.000 đồng, bà A tự nguyện chịu, không yêu cầu xem xét nên không đặt ra vấn đề giải quyết.

[7] Tại giai đoạn phúc thẩm, ông E đề nghị Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ lại đã nộp chi phí thẩm định nhưng không yêu cầu tòa án xem xét nên không đặt ra vấn đề giải quyết.

[8] Bà A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm - quy định tại Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[9] Bị đơn - ông E và bà G phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật - quy định Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

[10] Ông E phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật - khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào Điều 174, Điều 175; Điều 176, Điều 248 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào khoản 1, khoản 10 Điều 12; khoản 1, khoản 5 Điều 170 của Luật Đất đai;

Căn cứ Điều 147, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1, khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn - ông Trần Ngọc E; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị A.

1. Buộc ông Trần Ngọc E và bà Mai Thị G phải tháo dỡ tường bao, cổng và các vật kiến trúc khác để trả lại phần diện tích đất là lối đi chung của hộ cụ Trần Văn M (hiện tại ông Trần Ngọc E đang quản lý, sử dụng) và gia đình bà Trần Thị A có diện tích 35m2. Kích thước cụ thể gồm các điểm: 1,2,3,4. (có sơ đồ kèm theo)

2. Về án phí:

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Trần Thị A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại bà Trần Thị A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 2893 ngày 12-6-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, thành phố Hải Phòng.

Ông Trần Ngọc E phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Về án phí dân sự phúc thẩm:

Ông Trần Ngọc E phải chịu 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đông tại Biên lai thu sô 11200 ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, thành phố Hải Phòng. Ông Trần Ngọc E đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1383
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/DS-PT ngày 10/01/2019 về tranh chấp ngõ đi chung

Số hiệu:03/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về