TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TAM ĐIỆP, TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 03/2018/KDTM-ST NGÀY 23/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 23 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2018/TLST- KDTM ngày 20 tháng 7 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2018/QĐXX-ST ngày 11 tháng 10 năm 2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 03/2018/QĐST-KDTM ngày 30/10/2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP X Việt Nam. Địa chỉ: Tháp B, số C, đường D, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đức T - Chức vụ Tổng Giám đốcNgân hàng TMCP X Việt Nam.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Văn T - Chức vụ Giám đốc Ngân hàng TMCP X Việt Nam - Chi nhánh T.
Người đại diện theo ủy quyền lại: Ông Phạm Thanh T - Chức vụ Trưởng phòng Ngân hàng TMCP X Việt Nam-Chi nhánh T. (Văn bản ủy quyền ngày 01/7/2018).
Địa chỉ: Ngân hàng TMCP X Việt Nam - Chi nhánh T: số A, đường E, tổ H, phường B, thành phố T, tỉnh Ninh Bình.
2. Bị đơn:
2.1. Ông Phạm Đức T, sinh năm 1958.
2.2. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1962.
Cùng địa chỉ: Số nhà C, tổ A, phường T, thành phố T, tỉnh Ninh Bình.
Tại phiên tòa: ông Phạm Thanh T, bà Phạm Thị L có mặt. Ông Phạm Đức T vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Ngân hàng TMCP X Việt Nam, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Ngân hàng TMCP X Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) ký kết với ông Phạm Đức T, bà Phạm Thị L hợp đồng tín dụng số 10664/16/6320465/HĐTD ngày 06/12/2016 (sau đây gọi tắt là hợp đồng tín dụng) với nội dung chính là Ngân hàng cho ông T, bà L vay số tiền gốc là 590.000.000 đồng; mục đích vay là kinh doanh vật liệu xây dựng; thời hạn vay 11 tháng, kể từ ngày rút vốn vay lần đầu; lãi suất cho vay trong hạn là 9,85%/năm, lãi trả hàng tháng.
Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho ông T, bà L vay số tiền 590.000.000 đồng vào ngày 09/12/2016.
Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng, ông T, bà L đã thế chấp tài sản theo Hợp đồng thế chấp bất động sản số 10387/14/6320465/HĐBĐ được ký kết ngày 09/6/2014 giữa Ngân hàng với ông T, bà L (sau đây gọi tắt là hợp đồng thế chấp), trong đó tài sản thế chấp là giá trị quyền sử dụng 179 m2 đất và tài sản gắn liền trên đất là nhà ở tại tổ A, phường T, thành phố T, tỉnh Ninh Bình. Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 474487 do Uỷ ban nhân dân thị xã Tam Điệp cấp ngày 26/5/2014 mang tên ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L. Việc thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ và hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng.
Quá trình kiểm tra sử dụng vốn vay, ông T, bà L đã sử dụng vốn vay đúng mục đích. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh của vợ chồng ông T, bà L gặp nhiều khó khăn dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không trả được gốc, lãi cho Ngân hàng. Ngày 09/11/2017, Ngân hàng đã chuyển toàn bộ số dư nợ gốc của ông T bà L sang nợ quá hạn và tính lãi suất vay quá hạn. Sau khi chuyển nợ quá hạn, Ngân hàng nhiều lần đôn đốc vợ chồng ông T, bà L thực hiện trách nhiệm trả nợ nhưng ông T, bà L chưa thực hiện trả nợ cho Ngân hàng.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Ngân hàng đề nghị Tòa án buộc ông T, bà L trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng, tính đến hết ngày 23/11/2018 số tiền vợ chồng ông T, bà L chưa trả nợ Ngân hàng là 701.467.799 đồng, trong đó: nợ gốc là: 590.000.000 đồng, nợ lãi là: 111.467.799 đồng (cụ thể: lãi trong hạn là 80.876.709 đồng, lãi quá hạn là 30.591.090 đồng). Kể từ ngày 24/11/2018, ông T và bà L còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc nêu trên. Trường hợp trong Hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng thì lãi suất mà ông T và bà L phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng. Trường hợp ông T và bà L không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng thì Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của ông T và bà L để thu hồi nợ.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn là bà Phạm Thị L trình bày:
Vợ chồng bà có ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng, số tiền vợ chồng bà vay Ngân hàng là 590.000.000 đồng. Để bảo đảm cho khoản vay trên, vợ chồng bà có tài sản bảo đảm là nhà và đất theo hợp đồng thế chấp. Khi ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp thì vợ chồng bà hoàn toàn tự nguyện, không bị ai đe dọa, lừa dối hay ép buộc. Tài sản đảm bảo cho số tiền vay tại Ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng bà, không có liên quan đến người thứ ba. Kể từ khi thế chấp tài sản đến nay vợ chồng bà không sửa chữa, cải tạo gì đối với tài sản thế chấp, không có sự biến động gì về tài sản, không mua bán chuyển nhượng gì liên quan đến tài sản thế chấp. Do làm ăn kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng bà chưa trả gốc và lãi theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết. Vợ chồng bà chưa trả tiền gốc lần nào; vợ chồng bà đã trả cho Ngân hàng một vài tháng tiền lãi, cụ thể đã trả số tiền lãi như thế nào thì bà không nhớ. Trường hợp Ngân hàng và vợ chồng bà không hòa giải được thì bà đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập bị đơn là ông Phạm Đức T đến Tòa án để lấy lời khai, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng ông T vẫn không đến Tòa án. Ngày 30/10/2018 bà L có giao nộp đơn đề ngày 21/10/2018 của ông T, trong đơn ông T trình bày xin trả nợ cho Ngân hàng vào tháng 11 và tháng 12 dương lịch là 200.000.000 đồng và tiền lãi tồn đọng, số tiền còn lại ông xin trả vào tháng 01 và tháng 02 năm 2019.
*. Tại phiên tòa, người đại diện của Ngân hàng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Tiền lãi trong hạn tính từ ngày 10/7/2017, lãi quá hạn tính từ ngày 09/11/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm và lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
*. Tại phiên tòa, bà L đề nghị: Vợ chồng bà xin trả nợ cho Ngân hàng vào tháng 11 và tháng 12 năm 2018 là 200.000.000 đồng và tiền lãi, số tiền còn lại vợ chồng bà xin trả vào tháng 01 và tháng 02 năm 2019.
*. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án là đúng; việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng cơ bản đã thực hiện đúng pháp luật. Quan điểm về việc giải quyết nội dung vụ án: áp dụng khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 117, 292, 317, 318, 319, 320, 321, 322, 323, 463, 466, 688 Bộ luật dân sự năm 2015, điểm g khoản 1 Điều 179 Luật đất đai; khoản 2 Điều 91 và khoản 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng; buộc ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L phải trả nợ cho Ngân hàng số tiền: 701.467.799 đồng, trong đó: nợ gốc là: 590.000.000 đồng, nợ lãi là: 111.467.799 đồng (Trong đó: Lãi trong hạn tính đến ngày 23/11/2018 là: 80.876.709 đồng; lãi quá hạn: 30.591.090 đồng). Kể từ ngày 24/11/2018 ông T và bà L còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi trong hạn, lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc nêu trên. Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn ông Phạm Đức T – sinh ngày 26/8/1958 thuộc trường hợp được miễn án phí. Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, bị đơn không nộp đơn xin miễn án phí. Do vậy không có cơ sở xem xét, giải quyết; căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; ông T và bà L phải nộp 32.058.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả lại cho Ngân hàng số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 15.327.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng.
Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về tranh chấp hợp đồng tín dụng. Bị đơn có nơi cư trú tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.
Theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng với bị đơn thể hiện ông Phạm Đức T có nơi cư trú tại địa chỉ phường T, thị xã T (nay là thành phố T), tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ông T đã thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú mới thì được coi là cố tình giấu địa chỉ, Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục chung là phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tại phiên tòa ngày 30/10/2018, đại diện Ngân hàng, bà L có mặt; ông Phạm Đức T với tư cách là bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt không có lý do, Tòa án quyết định hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa ngày 23/11/2018, đại diện Ngân hàng, bà L có mặt; ông Phạm Đức T với tư cách là bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng, thông báo để đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng ông T không có ý kiến phản hồi hay cung cấp tài liệu, chứng cứ gì, không thể hiện ý kiến, quan điểm của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đến ngày 30/10/2018 bà L có giao nộp đơn đề ngày 21/10/2018 của ông T. Do đó, Tòa án xem xét đánh giá tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung vụ án.
Hợp đồng tín dụng số 10664/16/6320465/HĐTD ngày 06/12/2016 giữa Ngân hàng với bị đơn được ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự về việc cho vay tài sản. Do đó hợp đồng tín dụng có hiệu lực thi hành đối với các bên tham gia nên Tòa án căn cứ vào các nội dung trong hợp đồng tín dụng để xem xét, giải quyết.
Tại phiên tòa, bà L trình bày ý kiến và tại đơn đề ngày 21/10/2018 của ông T đều thể hiện quan điểm ông bà xin trả nợ cho Ngân hàng vào tháng 11 và tháng 12 dương lịch là 200.000.000 đồng và tiền lãi tồn đọng, số tiền còn lại ông bà xin trả vào tháng 01 và tháng 02 năm 2019. Tuy nhiên, phương án trả nợ nêu trên của bà L ông T không được người đại diện của Ngân hàng đồng ý, do đó Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Xét yêu cầu của nguyên đơn đối với khoản nợ gốc:
Ngân hàng cho bị đơn vay số tiền là 590.000.000 đồng; mục đích vay là kinh doanh vật liệu xây dựng; thời hạn vay 11 tháng; lãi suất cho vay trong hạn là9,85%/năm, lãi trả hàng tháng.
Ngày 09/12/2016, Ngân hàng đã giải ngân cho ông Phạm Đức T, bà Phạm Thị L vay số tiền 590.000.000 đồng.
Bà L thừa nhận vợ chồng bà chưa trả khoản tiền gốc nào cho Ngân hàng nên hiện nay vợ chồng bà còn nợ Ngân hàng số tiền gốc là 590.000.000 đồng.
Căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền gốc 590.000.000 đồng là đúng pháp luật.
Xét yêu cầu của nguyên đơn về trả tiền lãi:
Tại mục 4 của hợp đồng tín dụng, các bên thỏa thuận: Lãi suất trong hạn là 9,85%/năm. Lãi suất có thể được thay đổi khi Ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay theo các quy định thay đổi lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng. Lãi suất nợ quá hạn là 150% lãi suất trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Trường hợp lãi suất trong hạn được điều chỉnh thì lãi suất nợ quá hạn sẽ tính theo mức lãi suất trong hạn đã được điều chỉnh.
Ông T, bà L nhận số tiền 590.000.000 đồng của Ngân hàng vào ngày 09/12/2016 nên trước ngày 09/11/2017 ông T, bà L phải có trách nhiệm trả toàn bộ nợ cho Ngân hàng. Tiền lãi trong hạn của bị đơn chưa trả, tính từ ngày 10/7/2017 đến ngày 23/11/2018 (tức 501 ngày), cụ thể: 590.000.000 đồng x 501 ngày x 9,85%/360 ngày = 80.876.709 đồng. Tiền lãi quá hạn: Từ ngày 09/11/2017 đến ngày 23/11/2018 (tức 379 ngày), bị đơn phải chịu lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Cụ thể: 590.000.000 đồng x 379 ngày x (9,85%/năm: 360 ngày:2) = 30.591.090 đồng. Tổng cộng tiền lãi: 80.876.709 đồng + 30.591.090 đồng = 111.467.799 đồng. Như vậy, tính đến ngày 23/11/2018 ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L phải trả cho Ngân hàng số tiền là: 590.000.000 đồng tiền gốc + 111.467.799 đồng tiền lãi = 701.467.799 đồng. Căn cứ vào Điều 463, Điều 466, Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 91, Điều 95 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017); án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm; Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả tiền nợ gốc và lãi cho Ngân hàng tính đến ngày 23/11/2018 là 701.467.799 đồng; trong đó, nợ gốc là 590.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 80.876.709 đồng, lãi quá hạn là 30.591.090 đồng. Kể từ ngày 24/11/2018, ông T và bà L còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc nêu trên.
Trường hợp trong Hợp đồng tín dụng số 10664/16/6320465/HĐTD ngày 06/12/2016, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng thì lãi suất mà ông T và bà L phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng.
Về tài sản đảm bảo cho khoản vay của ông T bà L:
Tại thời điểm tham gia giao kết hợp đồng thế chấp, Ngân hàng có đầy đủ tư cách pháp nhân, ông T và bà L có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; các bên tham gia giao kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, không bị ai lừa dối, ép buộc. Tài sản bảo đảm thể hiện rõ ý chí của vợ chồng ông T bà L đồng ý dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của bị đơn đối với Ngân hàng. Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 474487 do Uỷ ban nhân dân thị xã Tam Điệp cấp ngày 26/5/2014 thể hiện tài sản thế chấp thuộc quyền sử dụng của ông T bà L. Các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 117, Điều 292, Điều 317, Điều 319, Điều 320, Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa án xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật, là căn cứ pháp lý phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng.
Hiện nay tài sản thế chấp đang do vợ chồng ông T, bà Lanh quản lý, sử dụng. Hiện trạng của tài sản thế chấp không thay đổi, biến động gì so với thời điểm bị đơn thế chấp tài sản.
Trường hợp ông T và bà L không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng thì Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của ông T và bà L để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, cụ thể tài sản sau: Nhà ở và quyền sử dụng 179 m2 đất, tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 06 lập năm 2005, địa chỉ thửa đất: tổ A, phường T, thị xã T, tỉnh Ninh Bình. Đất đã được Uỷ ban nhân dân thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 474487 ngày 26/5/2014 mang tên ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L. (Thể hiện tại Hợp đồng thế chấp bất động sản số 10387/14/6320465/HĐBĐ ngày 09/6/2014).
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:
Do yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nên Ngân hàng không phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã yêu cầu ông T giao nộp tài liệu, chứng cứ theo Thông báo số 01/TB-TA ngày 24/8/2018 có nội dung: Tại Giấy chứng minh nhân dân, ông Phạm Đức T, sinh ngày 26/8/1958, thuộc trường hợp người cao tuổi được miễn nộp án phí Tòa án nếu ông T nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn nộp án phí Tòa án theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, ông T vẫn không giao nộp đơn đề nghị miễn nộp án phí Tòa án cho Tòa án, do đó Tòa án giải quyết án phí theo quy định của pháp luật.
Bị đơn phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, cụ thể: 20.000.000 đồng + 4% x 301.467.799 đồng = 32.058.711 đồng, làm tròn 32.058.000 đồng.
Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào
Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.Điều 117, Điều 292, Điều 317, Điều 319, Điều 320, Điều 323, Điều 463, Điều 466, Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 91, Điều 95 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Điểm g khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai. Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L.
Buộc ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền tính đến ngày 23/11/2018 là 701.467.799 đồng (Bảy trăm linh một triệu, bốn trăm sáu mươi bảy nghìn, bảy trăm chín mươi chín đồng), trong đó: nợ gốc là: 590.000.000 đồng, nợ lãi là: 111.467.799 đồng (lãi trong hạn là 80.876.709 đồng, lãi quá hạn là 30.591.090 đồng).
Kể từ ngày 24/11/2018, ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc nêu trên. Trường hợp trong Hợp đồng tín dụng số 10664/16/6320465/HĐTD ngày 06/12/2016, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng thì lãi suất mà ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng.
Trường hợp ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng thì Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, cụ thể tài sản sau: Nhà ở và quyền sử dụng 179 m2 đất, tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 06 lập năm 2005, địa chỉ thửa đất: tổ A, phường T, thị xã T, tỉnh Ninh Bình. Đất đã được Uỷ ban nhân dân thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP 474487 ngày 26/5/2014 mang tên ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L. (Thể hiện tại Hợp đồng thế chấp bất động sản số 10387/14/6320465/HĐBĐ ngày 09/6/2014).
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Ngân hàng không phải nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả lại cho Ngân hàng – Chi nhánh T 15.327.000đồng (Mười lăm triệu, ba trăm hai mươi bẩy nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2016/0001298 ngày 20/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Điệp.
- Ông Phạm Đức T và bà Phạm Thị L phải nộp 32.058.000 đồng (Ba mươi hai triệu, không trăm năm mươi tám nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại.
3. Ngân hàng, bà Phạm Thị L có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Ông Phạm Đức T vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án 03/2018/KDTM-ST ngày 23/11/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 03/2018/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Tam Điệp - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 23/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về