Bản án 03/2018/KDTMST ngày 13/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN HIỆP, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 03/2018/KDTMST NGÀY 13/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Ngày 12 và 13 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2018/TLST-KDTM ngày 22 tháng 6 năm 2018 về tranh chấp “Hợp đồng mua bán tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2018/QĐXXST-KDTM ngày 23 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty V

Địa chỉ: số 242, ấp H, xã N, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Việt T – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty V (có mặt).

- Bị đơn: Công ty N

Địa chỉ: số 99, ấp K1, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Văn O - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Công ty N (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

 * Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các lời khai tại Tòa án, người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn Công ty V ông Trần Việt T trình bày:

Vào ngày 24/01/2014, giữa Công ty V do ông Trần Việt T làm giám đốc và Công ty N do ông Huỳnh Văn O làm giám đốc có ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản là chẹt sắt có gồm máy cơ giới Kobe (số khung LP3548, số máy 948252) với giá thỏa thuận là 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng). Phương thức thanh toán là tiền mặt một lần. Sau khi hai bên quyết toán cấn trừ nợ trước đó thì Công ty N giao tiền cọc 100.000.000đ, còn nợ lại của Công ty V số tiền là 190.000.000đ, hẹn sau 30 ngày sẽ trả hết.

Đến hẹn thì Công ty N không thực hiện việc trả nợ, trong lúc này ông O mang phương tiện đi hoạt động tại nông trường Sông Hậu. Khi ông T tìm đến nơi thì được biết ông O đang sửa chữa chẹt đ mang phương tiện đi bán, trong khi chưa thanh toán hết nợ cho Công ty V. Công ty V đã yêu cầu cơ quan Công an xã T và cơ quan Công an huyện G can thiệp. Khi cơ quan công an đến làm việc thì ông O tiếp tục khấu trừ nợ của Công ty V với Công ty L, với số tiền là 80.000.000đ mà Công ty L còn nợ của Công ty N. Như vậy, số tiền Công ty N còn nợ của Công ty V là 110.000.000đ. Ngày 05/05/2014, tại Công an nhân dân huyện G, ông O làm cam kết với ông T là sẽ trả số tiền nợ 110.000.000đ cho Công ty V vào ngày 05/6/2014. Sau khi hai cơ quan công an thống nhất với nhau thì đã cho ông O nhận lại phương tiện là chẹt sắt và máy Kobe. Nhưng đến nay Công ty N không thực hiện đúng cam kết và chưa trả nợ cho Công ty V.

Tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của Công ty V là ông Trần Việt T yêu cầu Công ty N phải trả cho Công ty V số tiền là 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng) và không yêu cầu t nh lãi.

* Theo bản tự khai và các lời trình bày tại Tòa án, người đại diện theo pháp luật của b đơn Công ty N ông Huỳnh V n trình bày:

Nguyên vào năm 2013, Công ty N do ông là Huỳnh Văn O, chức vụ: Giám đốc là người đại điện theo pháp luật và Công ty V do ông Trần Việt T, chức vụ: Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, thực hiện việc ký kết hợp đồng thi công đổ bê tông với nội dung là Công ty V giao cho Công ty N công việc đổ bê tông lộ nông thôn ngang 2.5m, dày 0.8cm, dài 800m - đường vào bãi rác H1, huyện G, tỉnh Kiên Giang. Sau khi hoàn thành công trình thì Công ty V và Công ty N đã tất toán hợp đồng, theo đó Công ty V còn nợ của Công ty N số tiền là 210.000.000đ (Hai trăm mười triệu đồng). Sau đó đại diện hai bên là ông Huỳnh Văn O và ông Trần Việt T có làm biên bản với nội dung là Công ty V hẹn ngày 02/01/2014 sẽ thanh toán dứt đi m số tiền còn nợ là 210.000.000đ cho Công ty N. Nhưng đến ngày 02/01/2014 thì Công ty V không có khả năng trả số nợ trên cho Công ty N. Do đó, giữa hai Công ty đã ký Hợp đồng kinh tế ngày 24/01/2014, với nội dung là Công ty V sẽ chuyển nhượng cho Công ty N một chẹt sắt rộng 4m, dài 13m, số khung LP 3518, số máy 948252, với số tiền là 500.000.000đ, nhằm cấn trừ số nợ mà Công ty V còn nợ của Công ty N. Khi đó, ông O đã đưa tiền cọc cho ông T với số tiền là 100.000.000đ. Như vậy, Công ty N còn nợ của Công ty V số tiền là 500.000.000đ – (100.000.000đ + 210.000.000đ) = 190.000.000đ. Đồng thời, hai bên thỏa thuận miệng là 2 tháng sau, Công ty N mà ông O làm đại diện sẽ trả cho Công ty V do ông T là đại diện số tiền còn lại là 190.000.000đ.

Tuy nhiên khi mua chẹt và máy về thì chẹt hư, máy hư nên ông Huỳnh Văn O phải bỏ tiền ra sửa chữa khoảng 100.000.000đ. Trong thời gian chờ sửa chữa chẹt vào tháng 4/2014 tại cơ sở sửa chẹt H2 của ông Trần Văn C thuộc ấp DA, xã T, huyện V, thành phố Cần Thơ thì ông T tiếp tục đòi tiền, ông Huỳnh Văn O có hẹn với ông T là để khi nào ông sửa chữa xong, ông mang máy đi làm có tiền sẽ trả cho Công ty V. Nhưng ông T không đồng ý và báo với Công an xã T, huyện V, thành phố Cần Thơ, ông T nói là Công ty N mua máy của Công ty V không trả tiền và đem đi giấu. Do đó, sau khoảng 15 ngày, chẹt và máy đã sửa chữa xong nhưng ông C là chủ cơ sở sửa chữa không cho ông O lấy, nói là phải báo với Công an xã T, khi nào Công an xã cho lấy thì ông O mới được lấy chẹt đi. Vào ngày 05/5/2014, Công an nhân dân huyện G có mời ông O lên làm việc và ông có làm cam kết với ông T tại Công an nhân dân huyện G là đến ngày 05/6/2014 thì Công ty N sẽ trả cho Công ty V số nợ còn lại là 110.000.000đ, sau khi hai bên đã thống nhất khấu trừ số nợ 80.000.000đ mà Công ty L còn thiếu của Công ty N vào số nợ của Công ty V, để Công ty V yêu cầu Công ty L trả số nợ 80.000.000đ đó. Sau đó, khi ông O xuống làm việc với Công an xã T thì ông T không có mặt. Khi đó, qua trao đổi điện thoại thì Công an xã T đồng ý để ông O lấy máy đi làm ăn. Tính đến khi ông lấy được chẹt và máy là phải mất thêm 30 ngày nữa k từ khi được sửa xong. Trong khoảng thời gian đó, Công ty N có ký hợp đồng với người ta để nạo vét kinh mương, nhưng Công an xã T giữ chẹt và máy hết 35 ngày khiến ông không th mang máy đi làm được, do đó Công ty phải bồi thường thiệt hại hợp đồng cho người ta với mức phạt là 5.000.000đ/ngày. Vì vậy mà Công ty N bị thiệt hại một số tiền lớn và sau cùng là phải bán chẹt và máy, nên chưa có khả năng trả nợ cho Công ty V. Từ đó đến nay ông T cũng không liên lạc gì với Công ty của ông và nay lại khởi kiện Công ty N ra Tòa án.

Tại phiên tòa, người đại diện theo pháp luật của Công ty N ông Huỳnh Văn O xác nhận là Công ty N còn nợ của Công ty V số tiền là 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng), nhưng do thiệt hại từ việc ông T là người đại diện của Công ty T yêu cầu Công an xã T giữ máy và chẹt của Công ty N, nên ông không đồng ý trả nợ cho Công ty V. Ông O yêu cầu Công ty V phải bồi thường tiền thiệt hại do việc giữ chẹt và máy, dẫn đến Công ty N phải bồi thường tiền hợp đồng cho người ta 5.000.000đ/ngày trong 35 ngày, với số tiền là 175.000.000đ (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).

* Phát biểu của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Hiệp tham gia phiên tòa:

- Ý kiến của Viện Kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng:

+ Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với việc thụ lý vụ án, xác định tư cách tham gia tố tụng, tiến hành hòa giải, xác minh, thu thập và giao nhận chứng cứ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn chuẩn bị xét xử chưa được thực hiện đúng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

+ Việc tuân theo pháp luật tố tụng tại phiên tòa của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Ý kiến của Viện Kiểm sát về việc giải quyết vụ án:

+ Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty V.

+ Đề nghị Hội đồng xét xử buộc Công ty N phải trả cho Công ty V số tiền là 110.000.000đ. Đối với yêu cầu về lãi suất, do tại phiên tòa phía nguyên đơn không có yêu cầu nên miễn xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Quan hệ pháp luật tranh chấp xảy ra giữa Công ty V và Công ty N là tranh chấp “Hợp đồng mua bán tài sản” theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về thủ tục tố tụng:

Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty V được quy định tại khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Tân Hiệp.

- Về nội dung tranh chấp:

[1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Xét thấy các bên đều thừa nhận là vào ngày 24/01/2014 giữa Công ty V và Công ty N có ký kết Hợp đồng Kinh tế về việc chuyển nhượng tài sản, theo đó Công ty V bán cho Công ty N 01 Chẹt sắt, kết cấu rộng 4m, dài 13m, kèm theo phương tiện là 01 Động cơ Ki A 25, cơ giới Kobe, đời máy 89 cần 05, số khung: LP 3518, số máy: 948252, với giá 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng). Xét thấy Hợp đồng Kinh tế về việc chuyển nhượng tài sản ngày 24/01/2014 nói trên được hai bên ký kết hoàn toàn tự nguyện, đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử thống nhất công nhận đây là hợp đồng hợp pháp.

[2] Trong quá trình mua bán, Công ty V đã giao tài sản cho Công ty N vào ngày 24/01/2014 và sau khi đã thỏa thuận cấn trừ các khoản nợ với nhau thì hai bên đều xác nhận là hiện Công ty N chỉ còn nợ Công ty V số tiền là 110.000.000đ. Căn cứ vào các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 50 Luật Thương mại năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017) thì bên mua đã nhận hàng của bên bán phải có nghĩa thanh toán tiền mua hàng cho bên bán theo phương thức thanh toán, trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc Công ty V yêu cầu Công ty N trả số tiền 110.000.000đ là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.

[3] Về lãi suất: Do nguyên đơn Công ty V không yêu cầu nên Hội đồng xét xử miễn xét.

[4] Xét yêu cầu của bị đơn Công ty N yêu cầu Công ty V bồi thường thiệt hại với số tiền là 175.000.000đ (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty N có làm đơn yêu cầu phản tố và Tòa án đã có Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí giao cho Công ty N, nhưng phía bị đơn không nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Do đó, Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét. Nếu sau này Công ty N có yêu cầu Công ty V bồi thường thì sẽ khởi kiện thành một vụ kiện khác.

[5] Từ những nhận định trên, căn cứ vào Điều 24, Điều 50 và Điều 55 Luật Thương mại năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017), Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty V về việc yêu cầu Công ty N phải thanh toán số tiền gốc là 110.000.000đ và không yêu cầu tính lãi.

- Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Yêu cầu của Công ty V được chấp nhận nên Công ty V không phải chịu án phí. Buộc Công ty N phải nộp án phí là: 110.000.000đ x 5% = 5.500.000đ (Năm triệu năm trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 - Căn cứ khoản 1 Điều 147, Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 430 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 24, Điều 34, Điều 35, Điều 50 và Điều 55 Luật Thương mại năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017);

- Căn cứ Điều 9 và khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty V về việc tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đối với Công ty N.

2. Buộc Công ty N phải trả cho Công ty V số tiền là 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng).

K từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc k từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch: Công ty N phải nộp số tiền là 110.000.000đ x 5% = 5.500.000đ (Năm triệu năm trăm nghìn đồng).

Trả lại tiền tạm ứng án ph cho Công ty V số tiền là 2.750.000đ (Hai triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) theo biên lai số 0005043 ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện T, tỉnh Kiên Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Báo cho các đương sự biết có quyền kháng cáo trong hạn luật định là 15 ngày k từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

578
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2018/KDTMST ngày 13/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

Số hiệu:03/2018/KDTMST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Hiệp - Kiên Giang
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:13/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về