Bản án 03/2018/KDTM-PT ngày 21/06/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 03/2018/KDTM-PT NGÀY 21/06/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, THẾ CHẤP TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lý số 02/2018/KDTM-PT ngày 15/3/2018 về "Tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản”. Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 28/12/2017 của Toà án nhân dân huyện N bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 03/2018/QĐXX-PT ngày 04/6/2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng P.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Ngọc K, Chủ tịch Hội đồng thành viên. Trụ sở: Phường C, quận B, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Xuân T, chức vụ: Giám đốc chi nhánh Ngân hàng P huyện N (theo giấy ủy quyền số 512/QĐ-HĐTV-PC ngày 19/6/2014);

Người được ủy quyền lại: Bà Lê Thị Hồng D, chức vụ: Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh (theo giấy ủy quyền số 27/NHNo-NS ngày 30/8/2017). Địa chỉ: Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Ông Lê Xuân A, sinh năm 1973 và bà Vũ Thị H, sinh năm 1975 (là vợ). Đều có địa chỉ: Xã E, huyện N, tỉnh Hải Dương. (Bà H ủy quyền cho ông A tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền ngày 09/5/2018).

Có mặt bà D, ông A; vắng mặt bà H.

3. Người kháng cáo: Ông Lê Xuân A, sinh năm 1973 và bà Vũ Thị H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày28/12/2017 của Toà án nhân dân (viết tắt: TAND) huyện N, vụ án có nội dung tómtắt như sau:

Theo Nguyên đơn: Ngân hàng P (Viết tắt: Ngân hàng) trình bày: Ngày07/6/2012, Ngân hàng P Phòng giao dịch Thanh Quang thuộc chi nhánh huyện N với ông Lê Xuân A và bà Vũ Thị H thỏa thuận ký Hợp đồng tín dụng số 12150019/HĐTD và phụ lục hợp đồng (viết tắt: HĐTD). Theo đó, ông A, bà H vay Ngân hàng 700.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, mục đích vay vốn kinh doanh (hàng tạp hóa, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ điện dân dụng), lãi suất là 17.5%/năm và trả lãi theo tháng, lãi quá hạn là 26.25%/năm.

Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, cùng ngày 07/6/2012, Ngân hàng và vợ chồng ông A, bà H thỏa thuận ký Hợp đồng thế chấp tài sản (Viết tắt: HĐTC) số 12150019, tài sản thế chấp là tài sản chung vợ chồng tại xã E, huyện N, tỉnh Hải Dương, gồm: Toàn bộ quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 517908 ngày 18/8/2008 mang tên ông A, bà H và bất động sản trên đất (nhà xây 02 tầng), định giá tại thời điểm xác lập giao dịch là 951.200.000 đồng. Hợp đồng lập tại Văn phòng công chứng huyện N, được đăng ký thế chấp ngày 07/6/2012 tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất - Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện N, tỉnh Hải Dương.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông A, bà H đã trả lãi đến hết ngày 05/4/2013; từ sau đó không trả nợ theo HĐTD. Dư nợ gốc đến hết ngày 31/7/2017 là 700.000.000 đồng; về lãi suất: Từ 07/6/2012 - 16/5/2012 áp dụng lãi suất là 17,5%/năm; từ 17/5/2012 - 05/4/2013 là 15%/năm; từ 06/4/2013 - 12/5/2013 là 14%/năm; từ13/5/2013 - 17/3/2014 là 13%/năm; từ 18/3/2014 - 28/10/2014 là 10.5%/năm; từ 29/10/2014 - 09/01/2015 là 10%/năm; từ 10/01/2015 áp dụng lãi suất là 9.5%/năm). Ngày 15/8/2017, Tổng Giám đốc Ngân hàng P ban hành văn bản số 6626/NHNo-TD hướng dẫn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro, cụ thể: Áp dụng lãi suất ngắn hạn trong hạn là 8%, lãi suất quá hạn là 0%). Nên, nợ lãi tính đến hết ngày 28/12/2017 (ngày xét xử sơ thẩm) là 268.800.000 đồng; tổng cả gốc và lãi bằng 968.800.000 đồng. Trường hợp ông A và bà H không trả nợ, Ngân hàng được quyền đề nghị Cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ thanh toán nợ thì ông A, bà H tiếp tục có nghĩa vụ trả hết khoản nợ theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng đã ký.

Theo Bị đơn là ông Lê Xuân A và bà Vũ Thị H trình bày: Vợ chồng ông bà vay Ngân hàng theo HĐTD ngày 07/6/2012 như phía Ngân hàng trình bày là đúng. Sau khi ký hợp đồng, phía Ngân hàng đã giải ngân và ông bà đã nhận nợ 700.000.000 đồng. Để đảm bảo khoản vay trên, ông bà đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là tài sản chung vợ chồng như Ngân hàng trình bày. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông bà đã trả lãi đến ngày 05/4/2013. Sau đó, do làm ăn khó khăn, không có điều kiện trả nợ. Hiện tại, ông bà còn nợ Ngân hàng: Tiền gốc là 700.000.000 đồng và tiền lãi tính đến hết ngày 31/8/2017 là 250.288.889 đồng. Ông bà đề nghị Ngân hàng miễn toàn bộ tiền lãi vì hiện nay điều kiện kinh tế khó khăn; đề nghị Ngân hàng xử lý TSTC để đối trừ nợ. Nếu tiền bán TSTC không đủ trả nợ thì đề nghị Ngân hàng cho miễn giảm vì hiện nay ông bà không còn tài sản nào khác.

Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày28/12/2017, TAND huyện N đã áp dụng các Điều 342, 343, 344, 348, 349, 350, 351, 355, 715, 716, 721, 290 Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 463, 465, 466, 470, 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 147, Điều 227, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng; Án lệ số 08/2016/AL theo Quyết định 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án:

Xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng.

Buộc ông Lê Xuân A và bà Vũ Thị H phải trả cho Ngân hàng theo HĐTD số 12150019/HĐTD ngày 07/6/2012: Tiền gốc 700.000.000 đồng và lãi tính đến hết ngày 28/12/2017 bằng 268.800.000 đồng (lãi trong hạn); tổng là 968.800.000 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, ông A, bà H phải tiếp tục chịu lãi suất theo mức lãi suất thỏa thuận trong HĐTD trên số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán hết nợ gốc.

Khi án có hiệu lực pháp luật, nếu ông A, bà H không trả nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án phát mại tài sản bảo đảm theo HĐTC số 12150019 ngày 07/6/2012 đã ký giữa các bên theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/01/2018, TAND huyện N giao bản án cho ông A, bà H thông qua ông Lê Xuân Đ (là cha). Ngày 16/01/2018, ông A và bà H kháng cáo bản án, nội dung: Đề nghị Tòa án xử theo đúng theo HĐTD và HĐTC quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã ký ngày 07/6/2012.

Giai đoạn phúc thẩm, ông A khai ngày 09/11/2016, Ngân hàng đã kê biên tài sản thế chấp nhưng không thấy xử lý, đồng thời giao nộp “Biên bản kê biên, bàn giao tài sản để thu hồi nợ” nội dung thể hiện việc Ngân hàng kê biên tài sản thế chấp, nhưng không có chữ ký của những người tham ra ngoài ý kiến ông A tự ghi.

Tại phiên tòa: Ông A trình bày không đồng ý trả nợ lãi 268.800.000 đồng vì theo HĐTD, đến hạn trả nợ, ông bà không trả được nợ và đồng ý bàn giao TSTC để phát mại nhưng Ngân hàng đã kéo dài không phát mại. Ngân hàng trình bày liên quan đến ý kiến của ông A; xác nhận ngày 09/11/2016, có nội dung như ông A khai nhưng tại buổi làm việc chính ông A đã không hợp tác vì cho rằng khi ông bàn giao TSTC coi như đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ nên buổi làm việc không có kết quả. Tiền lãi như bản án sơ thẩm tuyên là Ngân hàng đã xem xét áp dụng mức lãi suất theo hướng dẫn tại văn bản số 6626/NHNo-TD ngày 15/8/2017 của Tổng Giám đốc Ngân hàng P hướng dẫn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro (áp dụng lãi suất ngắn hạn trong hạn là 8%, lãi suất quá hạn là 0%). Đề nghị áp dụng mức lãi xuất 8%/năm từ sau ngày tuyên án sơ thẩm đối với nợ gốc chưa thi hành và không áp dụng lãi suất chậm trả theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với khoản tiền lãi 268.800.000 đồng như bản án sơ thẩm tuyên. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật Tố tụng dân sự của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận ý kiến của Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn trả lãi mức 8%/ năm đối với nợ gốc chưa thanh toán.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Giai đoạn sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm khi tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (viết tắt: BLTTDS).

[2]. Xét kháng cáo của Bị đơn:

- Hợp đồng tín dụng số 12150019/HĐTD ký ngày 07/6/2012 giữa Ngân hàng và vợ chồng ông A, bà H là tự nguyện, phù hợp pháp luật. Theo đó, ông A, bà H đã nhận nợ 700.000.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông bà đã trả lãi đến ngày 05/4/2013, từ sau đó đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Các bên xác nhận nợ gốc chưathanh toán là 700.000.000 đồng.

- Về tiền lãi: Theo HĐTD thì lãi suất vay thỏa thuận 17.5%/năm, lãi quá hạn là 26.25%/năm. Từ sau đó, lãi suất có sự thay đổi theo hướng giảm và đến thời điểm 10/01/2015 mức lãi suất ngân hàng áp dụng là 9.5%/năm. Tuy nhiên, ngày 15/8/2017, Tổng Giám đốc Ngân hàng P ban hành văn bản 6626/NHNo-TD hướng dẫn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro và áp dụng lãi suất ngắn hạn trong hạn là 8%, lãi suất quá hạn là 0%. Khoản vay của ông A, bà H, Ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất 8%/năm và không áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo hướng dẫn của Ngân hàng cấp trên. Nên, tính đến hết ngày 28/12/2017 (ngày xét xử sơ thẩm), tiền lãi xác định 268.800.000 đồng là có căn cứ, cần chấp nhận.

Trình bày của ông A cho rằng theo HĐTD nếu ông bà không trả nợ thì Ngân hàng phải kê biên phát mại TSTC để thu hồi nợ; vợ chồng ông bà đã giao tài sản thế chấp và Ngân hàng đã kê biên nhưng không xử lý nên ông bà không đồng ý trả lãi. Lý giải đó của ông A là không phù hợp với quy định pháp luật về xử lý tài sản đảm bảo. Mặt khác, ngày 09/11/2016 khi Ngân hàng đã kê biên TSTC như ông A khai nhưng theo trình bày từ phía Ngân hàng thì có căn cứ xác định ông không có thiện trí; phù hợp với trình bày của ông tại phiên tòa cũng như ý của ông ghi tại văn bản đề ngày 09/11/2016 “Tôi bàn giao tài sản đã thế chấp ….. để chấm dứt hợp đồng vay vốn ngân hàng”. Văn bản không có chữ ký của các thành viên tham ra ngoài ý kiến của ông A tự ghi. Nên ông A không thể dựa vào đó để từ chối nghĩa vụ trả lãi như bản án sơ thẩm đã tuyên. Do vậy, kháng cáo của Bị đơn không có căn cứ chấp nhận.

[3]. Đối với nghĩa vụ chậm thi hành theo quy định của Bộ luật Dân sự (viết tắt: BLDS) liên quan tới khoản tiền 268.800.000 đồng mà ông A, bà H có nghĩa vụ thực hiện, Ngân hàng không yêu cầu nên HĐXX không xét.

[4]. Đối với tiền lãi trên số nợ gốc 700.000.000 đồng chưa thanh toán kể từ sau khi tuyên án sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Án lệ số 08/2016/AL về “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng” được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 và được công bố theo Quyết định 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để buộc bị đơn phải tiếp tục chịu lãi suất theo mức lãi suất thỏa thuận trong HĐTD cho đến khi thanh toán hết nợ gốc là có căn cứ. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Nguyên đơn đề nghị áp dụng văn bản 6626/NHNo-TD của Ngân hàng cấp trên để buộc ông A, bà H phải chịu lãi suất 8%/năm trên nợ gốc kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm (28/12/2017) cho đến khi trả hết nợ gốc. Đề nghị này là phù hợp cần chấp nhận nên cấp phúc thẩm sửa bản án về nội dung này.

Như vậy, cần buộc ông A và bà H phải thanh toán tiền nợ gốc, lãi đối với Nguyên đơn là 968.800.000 đồng. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm (28/12/2017), ông A và bà H phải tiếp tục chịu lãi suất theo mức 8%/năm trên nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán hết nợ gốc. Số tiền này được bảo đảm bằng trị giá tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 12150019 ngày 07/6/2012 được lập tại Văn phòng Công chứng N. Trường hợp số tiền thu được từ việc phát mại tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ông A và bà H tiếp tục phải thanh toán số tiền còn thiếu cho Ngân hàng cho đến khi thanh toán xong.

[5]. Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên ông A, bà H không phải chịu án phí phúc thẩm.

[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, HĐXX không xét và đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Tuy nhiên, để thuận lợi trong công tác thi hành án dân sự, cấp phúc thẩm tuyên lại phần quyết định bản án theo hướng nhận định trên.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn. Sửa bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 28/12/2017 của TAND huyện N về lãi suất kể từ sau ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 342, 343, 344, 348, 349, 350, 351, 355, 715, 716, 721, 290 Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 463, 465, 466, 470, 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 147, Điều 227, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng; Luật phí và lệ phí; khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng P.

Buộc ông Lê Xuân A và bà Vũ Thị H phải trả cho Ngân hàng P số tiền theo Hợp đồng tín dụng số 12150019/HĐTD ký ngày 07/6/2012 tính đến ngày 28/12/2017 là 700.000.000 đồng tiền gốc và 268.800.000 đồng lãi trong hạn, tổng là 968.800.000 đồng (Chín trăm sáu mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm (28/12/2017), ông A, bà H phải tiếp tục chịu lãi theo mức lãi suất 8%/năm đối với số nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán hết nợ gốc.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu ông A, bà H không trả nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, phát mại toàn bộ tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 12150019 ngày 07/6/2012 giữa Ngân hàng và ông Lê Xuân A, bà Vũ Thị H (quyền sử dụng đất 170m2 và bất động sản trên đất tại thửa số 705, tờ bản đồ 04 mang tên ông A, bà H có địa chỉ thôn L, xã E, huyện N, tỉnh Hải Dương) để thu hồi nợ theo quy định pháp luật. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được dùng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của ông A, bà H đối với Ngân hàng P. Nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán hết khoản nợ thì ông A, bà H tiếp tục phải có nghĩa vụ trả hết khoản nợ cho Ngân hàng theo quy định.

Về án phí: Ông Lê Xuân A và bà Vũ Thị H phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 41.064.000 đồng (bốn mươi mốt triệu không trăm sáu mươi tư nghìn đồng); hoàn trả ông A, bà H 2.000.000đ (hai triệu đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2016/0002149 ngày 29/01/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, nhưng đối trừ ông A và bà H còn phải chịu 39.064.000 đồng (ba mươi chín triệu không trăm sáu mươi tư nghìn đồng).

Hoàn trả Ngân hàng P tiền tạm ứng án phí đã nộp là 20.200.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số AA/2016/0002069 ngày 19/10/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ngày 21/6/2018./.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

825
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2018/KDTM-PT ngày 21/06/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản

Số hiệu:03/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:21/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về