TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 03/2018/DS-PT NGÀY 04/01/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN
Ngày 04/01/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý 106/2017/TLPT-DS ngày 22/11/2017 về: “Tranh chấp đòi tài sản”.
Do bản án Dân sự sơ thẩm số 36/2017/DSST ngày 28/9/2017 của Toà án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 120/2017/QĐ-PT ngày 14/12/2017 giữa:
Đồng Nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Văn Ph, sinh năm 1943- đã chết ngày 25/8/2017 (âm lịch) tức ngày 14/10/2017.
2. Bà Đào Thị V, sinh năm 1952- Vợ ông Ph- (có mặt).
Địa chỉ tại: Xóm B, thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn:
Luật sư Giáp Quang Kh và Luật sư Bùi Thị Th -Công ty luật TNHH N thuộc đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang- (đều có mặt).
Đồng Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Khắc C, sinh năm 1961- vắng mặt- ủy quyền cho bà Bình;
2. Bà Đào Thị B, sinh năm 1965-Vợ ông C, (có mặt).
Đều địa chỉ tại: Xóm C, thôn Song K, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Bị đơn:
Luật sư Nguyễn Văn H1 - Văn phòng Luật sư Hải và cộng sự, đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. UBND xã S, thành phố B.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Quang V - Công chức địa chính UBND xã S, (có mặt).
2. UBND thành phố B.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Văn H2 – Phó Trưởng phòng
Tài nguyên và Môi trường (có đơn xin xét xử vắng mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tòa án không triệu tập phiên tòa:
1. Chị Nguyễn Thị Th, sinh năm 1975- Con ông Ph và bà V;
Địa chỉ: Xóm B, thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
2. Chị Nguyễn Thị X, sinh năm 1978- Con ông Ph và bà V;
Địa chỉ: Tổ dân phố G, phường D, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
3. Anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1979 - Con ông Ph và bà V;
Địa chỉ: Xóm B, thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
4. Chị Nguyễn Thị Ánh V, sinh năm 1987- Con ông Ph và bà V;
Địa chỉ: Thôn S, xã Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
5. Chị Nguyễn Thị Y, sinh năm 1983- Con ông B và bà C;
6. Chị Nguyễn Thị T1, sinh năm 1985 - Con ông B và bà C;
7. Anh Nguyễn Khắc T2, sinh năm 1990 - Con ông Bình và bà C;
Đều cư trú tại: Thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V do bà V trình bày: Bà là vợ ông Nguyễn Văn Ph. Vợ chồng bà và vợ chồng ông Nguyễn Khắc C, bà Đào Thị B có quan hệ họ hàng. Năm 1992, hộ gia đình bà được Nhà nước chia cho thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng Chuôm, trước đây thuộc huyện Yên Dũng, nay thuộc xã Song Khê, thành phố B, tỉnh Bắc Giang, thời hạn sử dụng đất đến năm 2013. Sau khi nhận đất, gia đình bà canh tác bình thường trên thửa đất đó. Cuối năm 1998, bà đã giao đất ruộng này cho vợ chồng ông C, bà B. Hai bên đã thỏa thuận bằng miệng là bà bàn giao đất cho vợ chồng ông C, bà B để vợ chồng ông C canh tác đến năm 2013 thì vợ chồng ông C phải trả ruộng cho bà.
Vợ chồng ông C, bà B sẽ phải có nghĩa vụ trả cho bà số tiền là 350.000đ. Vợ chồng ông C, bà B cũng đã thanh toán số tiền trên cho bà nhưng quá thời hạn giao kết mà vợ chồng ông C, bà B không trả lại ruộng cho vợ chồng bà. Năm 1999, vợ chồng bà đi Miền nam không có mặt tại địa phương, Nhà nước có đợt cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ thì vợ chồng ông C, bà B đã tự ý kê khai đề nghị UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất của hộ gia đình bà mà không được sự đồng ý của vợ chồng bà. Ngày 14/6/1999, vợ chồng ông C đã được UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; sổ số: 00395.QSDĐ/176/QĐ-UB-H. Sau 1 thời gian, thì Nhà nước có dự án thu hồi đất ruộng, giải phóng mặt bằng để làm khu công nghiệp. Toàn bộ diện tích của thửa ruộng này cũng đã bị Nhà nước thu hồi và đền bù với số tiền là: 129.705.960đ, ngoài ra Nhà nước còn hỗ trợ việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho các hộ dân với số tiền là 4.200.000đ. Do có Giấy chứng nhận QSDĐ nên vợ chồng ông C, bà B đã tự kê khai để được nhận số tiền đền bù trên. Nay, vợ chồng bà yêu cầu vợ chồng ông C, bà B phải trả lại cho vợ chồng bà số tiền mà Nhà nước bồi thường do đã thu hồi thửa đất trên là: 129.705.960đ. Đối với số tiền 4.200.000đ là tiền Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề thì vợ chồng bà không yêu cầu.
Bị đơn là bà Đào Thị B và ông Nguyễn Khắc C, do bà B đại diện trình bày: Ông bà thừa nhận là hàng xóm của vợ chồng bà V, ông Ph. Ông bà cũng thừa nhận nguồn gốc của thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, nay thuộc xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang là do gia đình bà V được Nhà nước chia từ năm 1992. Hộ gia đình bà V canh tác trên thửa đất đó vài vụ thì bà V đã chuyển nhượng lại cho bà toàn bộ diện tích thửa đất nêu trên với giá 1.200.000đ. Hai bên không lập Hợp đồng chuyển nhượng mà chỉ giao kết bằng miệng. Thời gian chuyển nhượng thì bà không nhớ rõ vì sự việc đã xảy ra từ lâu. Sau khi thỏa thuận bằng miệng, hai bên đã ra UBND xã S để đề nghị cán bộ địa chính của UBND xã S xác nhận vào sổ địa chính về việc bà V đã chuyển nhượng cho bà để bà nộp thuế đất ruộng thay cho bà V. Từ khi nhận ruộng, vợ chồng bà đã canh tác trên diện tích này mà không xẩy ra tranh chấp. Năm 1999, vợ chồng bà đã kê khai và thửa đất trên đã được UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có dự án giải phóng mặt bằng để làm khu công nghiệp. Nhà nước đã có Quyết định thu hồi đối với toàn bộ diện tích đất của thửa đất này. Vợ chồng bà được bồi thường số tiền: 129.705.960đ và 4.200.000đ tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề. Nay vợ chồng bà V, ông Ph yêu cầu vợ chồng bà trả số tiền 129.705.960đ thì bà không đồng ý.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
*Chị Nguyễn Thị T, chị Nguyễn Thị X, anh Nguyễn Văn Đ và chị Nguyễn Thị Ánh V là con đẻ của ông Ph và bà V đều trình bầy: Các anh chị đều đã xây dựng gia đình. Tại thời điểm năm 1992, hộ gia đình các anh chị được HTX giao đất nông nghiệp thửa đất tranh chấp nói trên, thời hạn sử dụng đất đến năm 2013. Khi giao thửa đất này thì các anh chị cũng có định suất trong đó. Quy định cụ thể về định suất ruộng như thế nào thì các anh chị không nhớ rõ. Nay, bố mẹ các anh chị khởi kiện đòi ông C và bà B số tiền Nhà nước bồi thường do đã thu hồi thửa đất trên là: 129.705.960đ mà ông C, bà B đã tự ý kê khai bồi thường mà không được sự đồng ý của gia đình. Nay, các anh chị đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Ph và bà V, về số tiền bồi thường nếu yêu cầu của ông Ph và bà V được chấp nhận thì các anh chị không có ý kiến gì, đồng ý để cho ông Ph và bà V được toàn quyền quản lý, sử dụng, sở hữu số tiền đó. Các anh, các chị đều đề nghị được vắng mặt khi Toà án tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết vụ án.
*Chị Nguyễn Thị Y, chị Nguyễn Thị T1 và anh Nguyễn Khắc T2 đều là con đẻ của ông C và bà bà B và đều trình bầy: Các anh, các chị đều đã xây dựng gia đình. Thửa đất nông nghiệp tranh chấp nói trên do ông C và bà B là bố mẹ của các anh chị đã mua lại của vợ chồng ông Ph và bà V. Từ khi mua đến nay thì gia đình các anh chị đã canh tác suốt từ đó đến nay mà không ai cản trở gì. Năm 1999, bố mẹ các anh chị đã kê khai và thửa đất trên đã được UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nhà nước đã có quyết định thu hồi đối với toàn bộ diện tích thửa đất này. Khi thu hồi thửa đất bố mẹ các anh chị đã được bồi thường: 129.705.960đ và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề 4.200.000đ. Về số tiền này thì các anh chị đều không có ý kiến gì. Các anh chị đều đồng ý để cho ông C và bà B được toàn quyền quản lý, sử dụng, sở hữu số tiền đó. Các anh chị đều đề nghị được vắng mặt khi Toà án tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết vụ án.
*Đại diện UBND xã S xác định: Nguồn gốc thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B, được Nhà nước giao cho hộ gia đình ông Ph sử dụng. Năm 1999, hộ gia đình ông C kê khai và đã được UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, hiện nay UBND xã không còn lưu giữ tài liệu về việc đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình ông C. Nay, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
*Đại diện UBND thành phố B xác định: Theo tài liệu xác định, nguồn gốc thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B, được Nhà nước giao cho hộ gia đình ông Ph sử dụng. Năm 1999, hộ gia đình ông C kê khai và đã được UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nay thuộc quyền quản lý của UBND thành phố B. Tài liệu lưu giữ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố B chỉ có “Đơn xin cấp đăng ký QSDĐ” của ông Nguyễn Khắc C và bà Đào thị B. Nay, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Do có nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số 36/2017/DSSngày 28/9/2017 của Toà án nhân dân thành phố B đã áp dụng Khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 105, Điều164, Điều 166 và khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Ph và bà ĐàoThị V đối với ông Nguyễn Khắc C và bà Đào Thị B;
2. Buộc ông Nguyễn Khắc C và bà Đào Thị B phải trả lại cho ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V số tiền 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng). Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo, lãi suất chậm thi hành án và quyền thi hành án cho các bên đương sự. Ngày 10/10/2017, bà Đào Thị B kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm đã xử.
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bà Đào Thị B vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Bà B trình bầy: Gia đình bà sử dụng thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng Chuôm từ năm 1998 đến nay là hợp pháp vì hộ gia đình bà đã được UBND huyện Yên Dũng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Bà không nhất trí trả lại số tiền 80.000.000đ cho vợ chồng bà V. Phần đất tranh chấp này bà đã nhận chuyển nhượng của bà V và bà phải trả cho bà V 02 lần tiền, mỗi lần là 600.000đ.
Bà V trình bầy: Phần đất tranh chấp này là đất nông nghiệp do HTX cấp cho hộ gia đình bà từ năm 1992. Bà không chuyển nhượng đất cho bà B mà chỉ cho bà B canh tác và sử dụng đến năm 2013 nhưng bà B phải trả cho bà 350.000đ. Bà đã nhận số tiền này và đã giao ruộng cho bà Bình nhưng sau năm 2013 thì bà B không trả lại ruộng cho bà mà bà B còn tự ý kê khai đề nghị Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mà không được sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình bà. Bà không đồng ý với kháng cáo của bà B.
Đại diện cho UBND xã S do ông Bùi Quang V trình bầy: Nguồn gốc của thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C trước đây là định suất ruộng của hộ gia đình bà V ở xóm Bãi. Phần đất này do HTX Nông nghiệp giao cho hộ bà V từ năm 1992. Năm 1992, các hộ gia đình đều được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất nông nghiệp. Năm 1999, UBND có chủ trương cấp đổi lại Giấy chứng nhận QSDĐ và hủy Giấy chứng nhận QSDĐ cũ. Cả 2 hộ gia đình bà V và bà Bình đều được cấp đổi lại Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng hiện tại UBND xã Song Khê không lưu trữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ gia đình bà B và ông C đối với phần đất tranh chấp này. Theo thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ gia đình bà Bình là được sử dụng đến năm 2013. Theo quy định của Luật Đất đai mới thì sau khi hết thời hạn sử dụng ghi trong Giấy chứng nhận QSDĐ thì các hộ gia đình có quyền đến UBND để gia hạn trong thời hạn là 50 năm. Nhưng do Nhà nước có chủ trương thu hồi đất từ năm 2008 nên các hộ gia đình đều không thực hiện việc gia hạn này.
Những người làm chứng trình bầy:
1-Ông Đào Xuân Đ nguyên trưởng thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang năm 1995-2000 trình bầy: Giữa bà B và và V có chuyển nhượng đất như thế nào thì ông không biết, ông chỉ biết bà V và bà B có đến gặp ông và đề nghị ông ghi vào sổ về việc chuyển phần diện tích đất tranh chấp này về xóm Chùa để nhập vào phần diện tích của bà B để bà B nộp thuế với Nhà nước.2-Ông Nguyễn Khắc Ng trình bầy: Ông là hàng xóm với bà B, vào khoảng năm 1998, bà B đã rủ ông mua chung đất của bà V nhưng ông không mua. Còn việc 2 bên chuyển nhượng đất như thế nào thì ông không biết.
Luật sư Nguyễn Văn H trình bầy: Bà B đã nhận chuyển nhượng QSDĐ của bà V đối với thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng Chuôm. Tại Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai bà V đã thừa nhận chuyển nhượng QSDĐ cho bà B. Lời khai của của bà B được những người làm chứng là ông Nguyễn Văn Đ nguyên trưởng thôn và ông Nguyễn Văn Ng là hàng xóm với 2 bên đương sự thừa nhận. Việc sử dụng đất của bà B đối với thửa đất tranh chấp này là hợp pháp vì hộ bà B đã đượcUBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Nay, Nhà nước thu hồi đất và đã đền bù cho bà Bình khoản tiền trên, bà V khởi kiện đòi tiền của bà B là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B, sửa bản án sơ thẩm đã xử theo hướng: Bác yêu cầu khởi kiện của bà V. Luật sư Giáp Quang Kh và Luật sư Bùi Thị Th đều đề nghị:
- Thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V;
- Không có việc chuyển nhượng phần đất tranh chấp giữa hộ gia đình ông Ph với hộ gia đình ông C như phía bà Bình trình bầy;
-Theo quy định của pháp luật thì việc chuyển nhượng QSDĐ phải được lập thành văn bản và đăng ký tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới hợp pháp.Bà B cũng không xuất trình được các chứng cứ về việc nhận chuyển nhượng phần đất tranh chấp của bà V.
- Việc UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình ông C và việc Nhà nước chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho hộ gia đình ông C là không đúng đối tượng;
- Bà B đã nhận số tiền đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước là 129.705.960đ nhưng Bản án sơ thẩm phải buộc bà B phải trả cho bà V số tiền 80.000.000đ là không đúng nhưng bà V lại không kháng cáo.
Nay, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà B, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
+ Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu:
- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đương sự đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS.
- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của bà B, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:
Phía ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V do bà V trình bầy: Năm 1992 hộ gia đình ông Ph và bà V được Nhà nước chia cho thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang, thời hạn sử dụng là đến năm 2013. Năm 1999, gia đình ông Ph bà V có giao đất cho vợ chồng ông C, bà B để canh tác, hai bên thỏa thuận bằng miệng là đến năm 2013 thì trả lại đất cho gia đình bà V và ông Ph. Năm 1999, UBND huyện Y cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; vào sổ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số: 00395. QSDĐ/176/QĐ-UB-H ngày 14/6/1999, cho hộ gia đình ông C, bà B. Khi có dự án giải phóng mặt bằng để làm khu Công nghiệp. Ngày 06/10/2015, UBND thành phố B đã có Quyết định số 3537/QĐ-UB thu hồi toàn bộ diện tích của thửa đất này, (BL 127-128). Khi thu hồi thửa đất này, vợ chồng ông C, bà B đã tự kê khai để được bồi thường số tiền: 129.705.960đ và 4.200.000đ tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề. Toàn bộ số tiền trên thì ông C, bà B đã được nhận tại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang, (BL 08).
Nay, bà V và ông Ph khởi kiện yêu cầu ông C, bà B phải trả lại cho vợ chồng bà tổng số tiền bồi thường là: 129.705.960đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của bà V buộc vợ chồng bà B phải trả cho vợ chồng bà V 80.000.000đ.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bà B kháng cáo không đồng ý trả tiền cho bà V. Xét yêu cầu kháng cáo của bà B, Hội đồng xét xử thấy:
Nguồn gốc đất của thửa đất tranh chấp này thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình bà V và ông Ph. Điều này, đã được phía Đồng Bị đơn là vợ chồng bà B và ông C thừa nhận và được chính quyền địa phương xác nhận.
Phía Bị đơn là: Ông C bà B và các con ông C, bà Bình là các anh chị Nguyễn Thị Y; Nguyễn Thị T1; Nguyễn Khắc T2 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cho rằng: Năm 1998, bà B đã nhận chuyển nhượng phần diện tích đất này của bà V và thời hạn chuyển nhượng là vĩnh viễn. Bà B đã giao tiền cho bà V, hộ gia đình bà B cũng đã nhận đất và canh tác từ đó đến nay nhưng lời khai này không được bà V thừa nhận.
Tại Biên bản lấy lời khai ngày 17/3/2017, bà B trình bầy: “ Năm 1992, gia đình bà V được Nhà nước chia cho thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng Chuôm, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang. Sau đó bà V canh tác trên đất đó vài vụ thì bán lại cho vợ chồng tôi toàn bộ diện tích đất nêu trên với giá 1.200.000đ. Thời gian mua bán cụ thể thì tôi không nhớ rõ. Việc mua bán chúng tôi không có giấy tờ chỉ có mua bán bằng miệng”, (BL68);
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/8/2017, bà B lại trình bầy: Nguồn gốc của thửa đất tranh chấp là của bà V bán cho bà với giá 600.000đ. Hai bên có viết giấy tờ mua bán và bà đã nộp cho ông Trưởng thôn xã Song Khê. Hiện tại giấy tờ mua bán này thì bà cũng không có để nộp cho Tòa án, (Bl 170).
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà B lại trình bầy: Bà phải trả cho bà V 02 lần tiền nhận chuyển nhượng đất của bà V, mỗi lần là 600.000đ.
Bà V chỉ thừa nhận đã nhận 350.000đ và cho rằng khoản tiền này là tiền khoán ruộng mà bà V đã cho bà B đấu thầu ruộng của hộ gia đình bà V đến năm 2013. Bà V không thừa nhận đã chuyển nhượng vĩnh viễn thửa đất này cho bà Bình.Tại Biên bản hòa giải việc tranh châp đất đai của UBND xã S ngày 19/01/2016, bà V cũng đã trình bầy: “Năm 1998, gia đình bà đã thống nhất bán ruộng cho bà B- ông C với giá 550.000đ, số diện tích 504m2 với thời hạn từ năm1992-2013”, (BL 15).
Ông Đào Xuân Đ nguyên trưởng thôn S, xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang trong các năm 1995-2000 và ông Nguyễn Khắc Ng là những người làm chứng tại phiên tòa đều trình bầy: “Việc 2 bên chuyển nhượng đất như thế nào thì các ông không biết”.
Như vậy, bà B cho rằng bà đã nhận chuyển nhượng vĩnh viễn phần đất tranh chấp này của bà V nhưng bà B cũng không đưa ra được các căn cứ chứng minh.
Hơn nữa, lời khai của bà B cũng mâu thuẫn với nhau về số tiền mà bà đã trả cho bà V và về hình thức của Hợp đồng chuyển nhượng. Nếu có việc bà B đã nhận chuyển nhượng phần đất này của bà V thì việc chuyển nhượng này cũng chưa hợp pháp bởi:
-Theo quy định tại Điều 5 của Luật đất đai năm 1993 thì Nhà nước nghiêm cấm việc mua bán, lấn chiếm đất đai.
- Khi Luật đất đai năm 2003 ra đời thì việc chuyển nhượng QSDĐ phải lập thành văn bản và phải được công chứng chứng thực và đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi chuyển nhượng QSDĐ các bên phải tuân thủ các quy định của BLDS.
Theo Điều 688, Điều 692 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 46 của Luật đất đai năm 2003 và khoản 4 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/11/2004 của Chính Phủ về thi hành Luật đất đai thì “Hợp đồng chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; Hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất”.
Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLDS năm 2005 thì việc định đoạt tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở nên đồng ý. Phần đất nông nghiệp này thuộc quyền quản lý sử dụng của hộ gia đình bà V, bà V cũng chưa được ông C và các con của bà V ủy quyền chuyển nhượng phần đất này cho bà B nên nếu có việc bà V tự ý định đoạt về việc chuyển nhượng đất ruộng này cho bà B thì cũng vi phạm về quy định tại khoản 2 Điều 109 BLDS năm 2005 như đã viện dẫn ở trên.
Từ sự phân tích ở trên thì phải xác định: Phần đất ruộng là thửa đất nông nghiệp số 24, diện tích 504 m2 tại xứ Đồng C, trước đây thuộc huyện Y, nay thuộc xã S, thành phố B, tỉnh Bắc Giang vẫn thuộc quyền quản lý sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà V và ông Ph đến trước thời điểm mà UBND thành phố B có Quyết định thu hồi.
Tuy nhiên, các bên không tranh chấp về Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ mà chỉ tranh chấp về khoản tiền 129.705.960đ do Nhà nước đã đền bù khi giải phóng mặt bằng.
Hội đồng xét xử xét thấy: Theo sự phân tích ở trên thì số tiền 129.705.960đ do Nhà nước đền bù khi Nhà nước thu hồi phần đất ruộng nói trên thì lẽ ra các thành viên trong hộ gia đình bà V phải được hưởng, nhưng vợ chồng bà B đã được nhận số tiền trên do Nhà nước đã cấp sai đối tượng. Nay, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc vợ chồng bà B phải trả tiền cho bà V là có căn cứ. Kháng cáo của bà B không đồng ý trả tiền cho bà V là không có sơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận 1phần yêu cầu khởi kiện của bà V, buộc vợ chồng bà B chỉ phải trả cho ông Ph và bà V 80.000.000đ là không đúng nhưng phía bà V không kháng cáo nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Khoản 1 Điều 308 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của bàĐào Thị B, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử.
Áp dụng: Khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 105, Điều164, Điều 166 và khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Ph và bà ĐàoThị V đối với ông Nguyễn Khắc C và bà Đào Thị B;
2. Buộc ông Nguyễn Khắc C và bà Đào Thị B phải trả lại cho ông Nguyễn Văn Ph và bà Đào Thị V số tiền 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng).
3. Án phí DSST: Ông Nguyễn Khắc C và bà Đào Thị B phải nộp 4.000.000đ (bốn triệu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
4. Án phí DSPT: Bà Đào Thị B phải nộp 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) tiền án phí dân phúc thẩm. Xác nhận bà B đã nộp đủ 300.000đ tại Biên lai thu tiền số AA/2012/06356 ngày 10/10/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy đinh tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Lụât Thi hành án dân sự; thời hiêụ thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
Bản án 03/2018/DS-PT ngày 04/01/2018 về tranh chấp đòi tài sản
Số hiệu: | 03/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 04/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về