Bản án 03/2017/HC-PT ngày 18/08/2017 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 03/2017/HC-PT NGÀY 18/08/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ RỪNG

Trong ngày 18/8/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 04/2017/TLPT-HC ngày 12/6/2017 về việc “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2017/QĐ-PT ngày 04/7/2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 03/2017/QĐPT-HC ngày 19/7/2017, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: bà Lê Thị H, sinh năm 1971;
Địa chỉ: thị trấn P, huyện N, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).

Người đại diện hợp pháp của người khởi kiện: Ông Lê Văn H, sinh năm 1974. Địa chỉ: đường D, phường A, Quận B, thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Ông Đỗ Hiền N - Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn N - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Người bị kiện: Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T, tỉnh Ninh Thuận.
Địa chỉ: xã P, huyện T, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển T.
Địa chỉ: xã P, huyện T, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).

4. Người kháng cáo: bà Lê Thị H, sinh năm 1971 (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người khởi kiện - bà Lê Thị H, đại diện theo ủy quyền - ông Lê Văn H, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp - ông Đỗ Hiền N, trình bày:

Bà H yêu cầu hủy Quyết định số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T về xử phạt vi phạm hành chính (gọi tắt là Quyết định số 1162). Lý do:

Về thẩm quyền: Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T không có quyền xử phạt vi phạm hành chính trên khu đất của UBND xã P2 quản lý và đã ra quyết định xử phạt ông Lê Văn T (sinh năm sinh năm 1963, địa chỉ: thị trấn P, huyện N, tỉnh Ninh Thuận; anh bà H) Về hành vi cất chòi trái phép. Do đó, Quyết định số 1162 vi phạm Điều 9 Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ. Khoản 3 Điều 43 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về khả năng xử phạt chứ không phải quy định thẩm quyền xử phạt, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm áp dụng quy định này để xử phạt bà là không đúng thẩm quyền.

Về thời hiệu: Hạt kiểm lâm T lập biên bản vi phạm hành chính không kịp thời, can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính, kéo dài thời hạn xử phạt nên vi phạm điểm b khoản 1 Điều 6, khoản 7, 8 Điều 12, khoản 1 Điều 58, Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Về trình tự, thủ tục: Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T chưa thực hiện việc xác định rừng bị phá, chưa có tờ bản đồ mô tả màu sắc, chú thích khu rừng bị phá là không đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Bà H có hành vi nhổ cây nhưng Hạt kiểm lâm không buộc chấm dứt hành vi vi phạm mà đã xử phạt là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Về nội dung: Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển T trồng sai địa điểm được phê duyệt tại Quyết định số 1873/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Ninh Thuận nên khu đất của ông T anh bà H do UBND xã P2 quản lý, không liên quan đến dự án trồng rừng. Bên cạnh đó, Ban quản lý rừng trồng cây trên đất ông T mà không xuất trình giấy tờ gì chứng minh là sai pháp luật. Bà H có hành vi nhổ cây để bảo vệ đất hợp pháp của bà L chứ không dùng cưa, dao chặt cây nên không phải là hành vi phá rừng. Diện tích cây phi lao Ban quản lý rừng cho rằng bị phá vệt sơn đỏ ban đầu 1.1 ha là không đúng, thực tế diện tích chỉ khoảng 1.500m2. Số lượng cây trồng theo tiêu chuẩn tính ra cũng không đến 500 cây. Biên bản hiện trường ghi bà H nhổ cây là đúng nhưng về số người có mặt và số người lập biên bản không đúng thực tế.

Người bị kiện - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T trình bày:

Căn cứ vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính, lời thừa nhận có hành vi nhổ cây của bà H và kết quả giám định diện tích đất trồng rừng bị nhổ xác định bà H có nhổ khoảng 20 cây phi lao trên diện tích 2.718m2 mà Ban quản lý rừng đã trồng, đủ căn cứ xử phạt bà H theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ.

Thẩm quyền, trình tự xử phạt là thuộc trường hợp có lập biên bản vi phạm hành chính, xác định hành vi hành chính qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, vụ việc có tính chất phức tạp nên thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày đúng theo quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Đất do UBND xã P2 quản lý, nằm trong dự án trồng rừng. Ông T cất chòi trái phép thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND xã P2. Còn hành vi phá rừng trái phép của bà H là thuộc thẩm quyền xử phạt của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T.

Căn cứ xử phạt: điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP; Mục 1 Điều 9 Thông tư số 34 ngày 10/6/2009 của Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn xác định: đây là cây trồng chưa thành rừng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển T trình bày:

Căn cứ vào các tài liệu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển T trình bày:

Ban quản lý rừng phát hiện các đối tượng phá rừng tại khu vực xã P2 nên đã quay phim, lập biên bản việc phá hoại rừng và chuyển hồ sơ vi phạm cho Hạt kiểm lâm T xử lý theo thẩm quyền. Sau khi Hạt kiểm lâm xác minh, ngày 06/01/2017, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T đã ra Quyết định số 1162 xử phạt bà H về hành vi phá rừng là đúng.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017, Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 115, điểm a khoản 2 Điều 116, Điều 193, khoản 1 Điều 348 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP; khoản 3 Điều 43; khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H về yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và báo quyền kháng cáo.

Ngày 09/5/2017, bà Lê Thị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bà H giữ nguyên các quan điểm đã trình bày và cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà; 01 Thẩm phán xét xử 04 vụ án tương tự giống nhau là không đảm bảo khách quan; 01 ngày nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử 02 vụ án; quá trình xét xử Tòa án không triệu tập Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà nên Luật sư không tham gia phiên tòa nhưng Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án. Bà H yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm:

- Sửa một phần Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam;

- Đình chỉ thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1162/QĐ- XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T;

- Hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển T vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 157 Luật Tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo bà Lê Thị H gửi đến Tòa án trong hạn luật định, hình thức phù hợp Điều 205 và Điều 206 Luật Tố tụng hành chính nên được chấp nhận.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện không rút đơn khởi kiện. Người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về sửa một phần Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam; đình chỉ thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T và hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T.

Các đương sự không đối thoại được với nhau về việc giải quyết vụ án. Các đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới.

Ý kiến của người bị kiện: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bà Lê Thị H; giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng: khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, bác kháng cáo của bà Lê Thị H, giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày và tranh luận của các đương sự, Luật sư; phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[3] Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính:” là có căn cứ, đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm xác định lại quan hệ pháp luật của vụ án cho cụ thể hơn là “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng”.

Xét yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị H:

[4] Về thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm:

- Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Lê Thị H thì ngày 15/02/2017 bà đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm cho bà rút yêu cầu này (bút lục số 58), nay bà kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà là không có cơ sở chấp nhận;

- Đối với nội dung bà H cho rằng 01 Thẩm phán xét xử 04 vụ án tương tự giống nhau là không đảm bảo khách quan, nội dung kháng cáo này cũng không có căn cứ vì không thuộc trường hợp Thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi được quy định tại Điều 46 Luật Tố tụng hành chính;

- Đối với nội dung 01 ngày nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử 02 vụ án, xét thấy, Luật Tố tụng hành chính không quy định 01 ngày Thẩm phán được hoặc phải xét xử bao nhiêu vụ án nên bà H kháng cáo nội dung này là không có căn cứ chấp nhận;

- Đối với nội dung bà H cho rằng quá trình xét xử Tòa án không triệu tập Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà nên Luật sư không tham gia phiên tòa nhưng Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án. Xét thấy, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vắng mặt Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện nhưng khi Hội đồng xét xử hỏi ý kiến của người khởi kiện, người đại diện của người khởi kiện tất cả đều đồng ý và đề nghị Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử là phù hợp Điều 157 Luật Tố tụng hành chính. Do đó, yêu cầu kháng cáo này cũng không được chấp nhận.

Về Quyết định số 1162:

[5] - Về hình thức của Quyết định số 1162:

Thẩm quyền: Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T ban hành Quyết định số 1162 ngày 06/01/2017 về xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị H về hành vi phá rừng trái phép là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 81 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

Trình tự, thủ tục ban hành:

Ngày 15/12/2016, Hạt kiểm lâm T lập Biên bản vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản số 546/BB-VPHC nội dung xác định bà Lê Thị H đã có hành vi phá rừng trái pháp luật.
Ngày 06/01/2017, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T ban hành Quyết định số 1162 về xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị H về hành vi phá rừng pháp luật.

Như vậy, Quyết định số 1162 có hình thức phù hợp quy định tại Điều 6, Điều 58, Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

[6] - Về nội dung của Quyết định số 1162:

Quyết định số 1162 ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T xử phạt bà Lê Thị H về hành vi phá rừng trái phép thuộc khu vực đồi cát Mũi Dinh, xã P2: Phạt chính 7.500.000 đồng; biện pháp khắc phục hậu quả: buộc trồng lại rừng diện tích 2.718m2, số lượng cây phi lao trồng lại là 20 cây.

Khu vực Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T xử phạt bà H về hành vi nhổ cây phi lao thuộc địa phận xã P2, huyện T. Đây là khu vực nằm ngoài khu đo vẽ bản đồ địa chính xã P2, hiện trạng không có dấu hiệu canh tác, là đồi núi chưa sử dụng do UBND xã P2 quản lý và hiện nay chưa có cơ quan nào lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích sử dụng đất khác theo quy định tại Điều 29 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ T trồng phi lao tại khu vực đồi cát Mũi Dinh, xã P2 là đúng theo Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt dự án trồng mới, phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển thuộc địa bàn huyện T (trong đó có xã P2) giai đoạn 2015-2020 và đúng theo Quyết định số 491b/QĐ-SNNPTNT ngày 24/11/2015 của Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng phi lao tại xã P2, huyện T năm 2015.
Như vậy, khu vực đồi cát Mũi Dinh, xã P2 là đất lâm nghiệp có trồng rừng phi lao. Bà H cho rằng khu đất là của ông Lê Văn T (anh bà H) nhưng không đưa ra được giấy tờ gì hợp pháp chứng minh khu đất thuộc quyền sử dụng của ông T. Mặt khác, khu đất không phải của bà H, quyền lợi hợp pháp của bà H không bị xâm phạm nhưng bà H lại có hành vi nhổ cây phi lao do Ban quản lý rừng phòng hộ T trồng rõ ràng là trái pháp luật. Bà H thừa nhận có nhổ 20 cây phi lao, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T xác định bà H có hành vi nhổ 20 cây phi lao trên diện tích 2.718m2 tại khu vực đồi cát Mũi Dinh, xã P2 là hành vi phá rừng là có căn cứ. Số cây phi lao là cây trồng chưa thành rừng đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

[7] Quyết định số 1162 ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 546/BB-VPHC ngày 15/12/2016; căn cứ theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ:

Điều 20. Người có hành vi chặt phá cây rừng mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xử phạt như sau:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng 1c từ 1.500 m2 đến 5.000 m2.
Như vậy, Quyết định số 1162 có nội dung phù hợp quy định của pháp luật.

[8] Từ các nội dung trên, xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm về phần thủ tục tố tụng đã đảm bảo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính; Quyết định số 1162 ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm T được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung phù hợp quy định của pháp luật. Yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị H về việc sửa bản án sơ thẩm, đình chỉ thi hành Quyết định số 1162 và hủy Quyết định số 1162 là không có cơ sở chấp nhận. Bản án sơ thẩm không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của bà H là có căn cứ.

Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, bà H phải chịu án phí hành chính theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: Khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tuyên xử:

Bác kháng cáo của bà Lê Thị H; giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 04/2017/HC-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 115, điểm a khoản 2 Điều 116, khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193, khoản 1 Điều 348, khoản 1 Điều 349 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;
- Khoản 3 Điều 43, Điều 6, Điều 58, Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 81 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

- Điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ; khoản 1 Điều 9 Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:
1. Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H về việc đình chỉ thi hành Quyết định số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện T, tỉnh Ninh Thuận về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị H.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị H về việc hủy Quyết định số 1162/QĐ-XPHC ngày 06/01/2017 của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện T, tỉnh Ninh Thuận về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị H.

Về án phí:

Bà Lê Thị H phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí hành chính sơ thẩm nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu số 5696 ngày 15/02/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Ninh Thuận.

Bà Lê Thị H phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí hành Chính phúc thẩm nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu số 10949 ngày 09/5/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Ninh Thuận.

Bà Lê Thị H đã nộp đủ án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành Chính phúc thẩm.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 18/8/2017./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1123
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2017/HC-PT ngày 18/08/2017 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng

Số hiệu:03/2017/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 18/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về