TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 02/2021/LĐ-ST NGÀY 25/01/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 25 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 63/2020/TLST- LĐ ngày 04 tháng 12 năm 2020 theo về việc tranh chấp: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 38/2020/QĐXX- ST ngày 23 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị Ngọc Đ, sinh năm 1986 Địa chỉ: Ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Võ Hoài Phong, sinh năm 1988. Địa chỉ: Ấp Bàu Trai Thượng, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 27 tháng 11 năm 2020) (vắng mặt).
2.Bị đơn: Công ty TNHH S Việt Nam, Long An Địa chỉ: Ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Người đại diện theo pháp luật: ông Kim Sung Hoon, giám đốc (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 27 tháng 11 năm 2020 do Trần Thị Ngọc Đ ký tên và các lời khai tiếp theo tại Tòa án do ông Võ Hoài Phong đại diện cho bà Trần Thị Ngọc Đ trình bày như sau: bà Đ vào công ty TNHH S Việt Nam, Long An (gọi tắt là công ty S) làm việc theo Hợp đồng lao động số 877/HĐLĐ/2016 ngày 07/11/2016 với mức lương là 3.700.000 đồng (Ba triệu bảy trăm ngàn đồng). Thời hạn lao động là 01 năm. Ngày 07/11/2017, bà Đ ký thêm với công ty S 01 hợp đồng lao động số 647/HDLD/2N/2017 xác định thời hạn 01 năm với mức lương là 3.980.000 đồng/tháng. Đến tháng 11/2019, bà Đ có ký với công ty S hợp đồng lao động không xác định thời hạn với mức lương là 4.445.000 đồng/tháng, mức lương cuối cùng bà Đ làm việc tại công ty S là 4.695.000 đồng/tháng. Vào cuối tháng 8/2020, bà Đ được bộ phận nhân sự thông báo miệng sẽ cho bà nghỉ việc vào ngày 31/8/2020 nhưng không rõ lý do. Đến ngày 31/8/2020 công ty S ban hành quyết định số 82/QĐCDHĐLĐ/2020 chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Đ. Nhận thấy việc công ty S đơn phương chấ dứt hợp đồng lao động đối với bà Đ là trái luật nên ông đại diện bà Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
1/ Buộc công ty S có nghĩa vụ nộp bổ sung các chế độ theo quy định của Pháp luật cho bà Đ (Bảo hiểm xã hội, bảo hiể y tế, bảo hiểm thất nghiệp) cho khoản thời gian từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 3.028.275 đồng.
2/ Tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày bà Đ không được làm việc từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 14.085.000 đồng.
3/ Bồi thường hai tháng tiền lương theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động là 9.390.000 đồng.
4/ Bồi thường thêm hai tháng tiền lươngtheo khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động là 3.390.000 đồng.
5/ Bồi thường tiền lương vi phạm thời gian báo trước là 7.042.500 đồng. Tổng cộng các khoản là 42.935.775 đồng.
Bị đơn Công ty TNHH S Việt Nam, Long An: đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt không phản hồi ý kiến gì về việc giải quyết vụ án cho Tòa án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Qua yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Ngọc Đ với bên công ty S, Hội đồng xét xử xét thấy quan hệ pháp luật cần giải quyết là: tranh chấp “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, bà Trần Thị Ngọc Đ cho rằng bà bị công ty S xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp nên bà có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa theo quy định tại Điều 35, 184 Bộ luật TTDS. Đối với Công ty công ty S vắng mặt đã được triệu tập hợp lệ nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt công ty S. Ông Võ Hoài Phong đại diện cho Trần Thị Ngọc Đ có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông Phong theo quy định tại Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ và lời trình bày của ông Võ Hoài Phong đại diện cho bà Trần Thị Ngọc Đ trình bày có trong hồ sơ thì thấy rằng giữa bà Đ và công ty S có ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn tháng 11/2019 với mức lương 4.695.000 đồng/tháng. Đến ngày 31/8/2020, công ty S cho bà Đ nghỉ việc nhưng không nêu rõ lý do là thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm các Điều 38 và 41 Bộ luật lao động. Do đó phía Công ty công ty S phải bồi thường các khoản theo quy định tại Điều 42 bộ luật lao động cho Đ. Số tiền bồi thường theo yêu cầu bà Đ là phù hợp Điều 42 Bộ luật lao động và có lợi cho công ty công ty S. Do đó cần buộc công ty S bồi thường cho bà Đ các khoản sau:
2.1/ Buộc công ty S có nghĩa vụ nộp bổ sung các chế độ theo quy định của Pháp luật cho bà Đ (Bảo hiểm xã hội, bảo hiể y tế, bảo hiểm thất nghiệp) cho khoản thời gian từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 3.028.275 đồng.
2.2/ Tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày bà Đ không được làm việc từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 14.085.000 đồng.
2.3/ Bồi thường hai tháng tiền lương theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động là 9.390.000 đồng.
2.4/ Bồi thường thêm hai tháng tiền lương theo khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động là 3.390.000 đồng.
2.5/ Bồi thường tiền lương vi phạm thời gian báo trước là 7.042.500 đồng.
[3] Về án phí:Bà Đ không phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Công ty S phải chịu án phí theo quy định
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 35, Điều 184, Điều 186, Điều 227, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 39, Điều 41, Điều 42 Bộ luật lao động và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1/Chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị Ngọc Đ do ông Võ Hoài Phong đại diện tranh chấp “Yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” đối với công ty TNHH S Việt Nam, Long An.
Buộc công ty TNHH S Việt Nam, Long An phải bồi thường cho bà Trần Thị Ngọc Đ các khoản:
1.1/ Đóng bổ sung tiền bảo hiểm gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiể y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong khoản thời gian từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 3.028.275 đồng.
1.2/ Tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày bà Đ không được làm việc từ ngày 01/9/2020 đến ngày 30/11/2020 là 14.085.000 đồng.
1.3/ Bồi thường hai tháng tiền lương theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động là 9.390.000 đồng.
1.4/ Bồi thường thêm hai tháng tiền lươngtheo khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động là 3.390.000 đồng.
1.5/ Bồi thường tiền lương vi phạm thời gian báo trước là 7.042.500 đồng. Áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự tính lãi chậm thi hành.
2/ Án phí: Bà Trần Thị Ngọc Đ không phải chịu án phí. Buộc công ty TNHH S Việt Nam, Long An phải đong1.288.073 đồng án phí lao động sơ thẩm sung vào ngân sách Nhà nước.
Các đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết hợp lệ.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưởng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.
Bản án 02/2021/LĐ-ST ngày 25/01/2021 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 02/2021/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đức Hòa - Long An |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 25/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về