TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
BẢN ÁN 02/2021/KDTM-PT NGÀY 23/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Trong ngày 23 tháng 9 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2021/TLPT-KDTM ngày 04 tháng 6 năm 2021 về Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 83/2021/QĐ-PT ngày 10 tháng 9 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Công nghiệp P Địa chỉ trụ sở chính: Số 192/19 phố T, phường L, quận Đ, Hà Nội.
Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đình Đ1 - Chủ tịch Hội đồng thành viên; Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Đ2; Địa chỉ: Tầng 14&16 tòa nhà Plaschem, 562 Nguyễn Văn C, quận L3, Hà Nội; Có đơn xin xét xử vắng mặt
- Bị đơn: Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 Địa chỉ: Tổ 21, phường Đ5, thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
Đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Thanh H5 - Giám đốc; Vắng mặt.
Đại diện theo ủy quyền: Công ty luật M, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Tầng 02, số 22 ngõ 18 phố Y, tổ 25, phường Y, quận G, thành phố Hà Nội; Văn phòng giao dịch: Phòng 1602A, Tòa nhà Gemek Tower II, KĐT Hai bên đường Lê Trọng T0, xã K, huyện H0, thành phố Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đắc Th – Giám đốc; Có đơn xin xét xử vắng mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Phùng Văn C0 - Công ty luật M, Đ1 luật sư thành phố Hà Nội; Có mặt Th.
- Người kháng cáo: Đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Nguyễn Đắc
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn trình bày: Từ tháng 06 đến tháng 11 năm 2017 Công ty TNHH Công nghiệp P (Công ty P) và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng H2 (Công ty H2) đã ký 08 Hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: (1) Hợp đồng số 1706 H2/PTI-17 ký ngày 13/6/2017; (2) Hợp đồng số: 1734 H2/PTI-17 ký ngày 10/7/2017; (3) Hợp đồng số 1735/H2/PTI-17 ký ngày 10/7/2017; (4) Hợp đồng số 1741/H2/PTI-17 ký ngày 10/8/2017; (5) Hợp đồng số 1786/H2/PTI-17 ký ngày 06/10/2017; (6) Hợp đồng số 1813 H2/PTI-17 ký ngày 03/11/2017; (7) Hợp đồng số 1815/H2/PTI-17 ký ngày 15/8/2017; (8) Hợp đồng số 1816H2/PTI-17 ký ngày 15/9/2017.
Do Công ty H2 không thanh toán tiền cho Công ty P theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng nên ngày 24/7/2020 Công ty P đã khởi kiện yêu cầu Công ty H2 thanh toán tiền nợ gốc là 2.460.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tạm tính đến ngày 14/7/2020 là 1.706.442.849 đồng theo mức lãi suất là 10%/năm.
Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng thụ lý vụ án, do có sự hợp tác của Công ty H2 trong quá trình giải quyết công nợ nên ngày 01/9/2020 Công ty P đã có Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty H2 thanh toán cho Công ty P số tiền nợ gốc còn lại chưa thanh toán là 100.000.000 đồng theo Hợp đồng số 1813/ H2/PTI-17 ký ngày 03/11/2017 và tiền lãi tạm tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020 là 1.730.946.959 đồng theo mức lãi suất là 10%/năm, cụ thể:
S T T | HỢP ĐỒNG | Ngày ký | GIÁ TRỊ HỢP ĐỒNG | NỢ GỐC (VND) | LÃI QUÁ HẠN 10%/năm (VND) |
1 | 1706 H2/PTI-17 | 13/06/2017 | 1.630.000.000 | 0 | 78.240.000 |
2 | 1734 H2/PTI-17 | 10/07/2017 | 3.056.000.000 | 0 | 74.993.123 |
3 | 1735 H2/PTI-17 | 10/07/2017 | 1.600.000.000 | 0 | 71.802.740 |
4 | 1741 H2/PTI-17 | 10/08/2017 | 1.600.000.000 | 0 | 65.434.110 |
5 | 1815 H2/PTI-17 | 15/08/2017 | 5.100.000.000 | 0 | 237.063.014 |
6 | 1816 H2/PTI-17 | 15/09/2017 | 5.100.000.000 | 0 | 383.068.493 |
7 | 1786 H2/PTI-17 | 06/10/2017 | 1.600.000.000 | 0 | 263.863.014 |
8 | 1813 H2/PTI-17 | 03/11/2017 | 7.200.000.000 | 100.000.000 | 556.542.466 |
Tổng cộng | 100.000.000 | 1.730.946.959 |
Căn cứ tính lãi: Mặc dù 8 hợp đồng không quy định nhưng căn cứ Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 306 Luật Thương mại 2005; mục 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn trình bày: Đối với số tiền gốc bị đơn nhất trí còn nợ nguyên đơn 100 triệu đồng. Từ trước đến nay Công ty H2 luôn có thiện chí thanh toán cho Công ty P nhưng không thấy Công ty P đề cập đến lãi suất chậm trả. Hơn nữa, do máy móc Công ty P bán cho Công ty H2 có giá trị lớn và bị hỏng khiến Công ty H2 không thể đưa máy móc vào hoạt động, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của Công ty H2 nên Công ty H2 không nhất trí thanh toán tiền lãi chậm trả cho Công ty P.
Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn không có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Tòa án đã yêu cầu hai bên đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh việc sửa chữa máy móc bị hỏng (bao gồm cả máy móc bị hỏng trong thời hạn bảo hành và ngoài thời hạn bảo hành), Tòa án đã thu thập chứng cứ về lãi suất quá hạn trung bình của ba ngân hàng thương mại có chi nhánh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Ngày 18/01/2021 Công ty TNHH Công nghiệp P có đơn khởi kiện bổ sung, điều chỉnh mức lãi suất chậm trả yêu cầu từ 10%/năm xuống còn 8,4%/năm.
Tại phiên tòa:
Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Trong 08 hợp đồng mua bán hàng hóa có 03 hợp đồng (Hợp đồng 1706 H2/PTI-17, 1735 H2/PTI-17, 1741 H2/PTI-17) có Thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với thời hạn bảo lãnh là 14 tháng kể từ ngày phát hành (ngày 01/9/2017). Khi đến hạn, Công ty P đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng thanh toán nhưng Công ty H2 đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng không thực hiện thanh toán với lý do máy móc của Công ty P không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, sau hiệu chỉnh xong Công ty H2 cam kết và khẳng định sẽ thanh toán cho Công ty P đúng theo các hợp đồng đã ký kết. Do đó, Công ty P không được Ngân hàng thanh toán theo yêu cầu.
Sau khi ký kết Hợp đồng, Công ty P bàn giao máy móc đúng chủng loại, số lượng, chất lượng theo thỏa thuận trong Hợp đồng. Sau khi nhận máy và chứng từ, Công ty H2 đã làm thủ tục thế chấp vay vốn tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Hà và thế chấp vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Thăng Long. Tuy nhiên, sau đó, Công ty H2 vẫn liên tục trì hoãn và xin khất thanh toán. Nay Công ty P yêu cầu Công ty H2 thanh toán cho Công ty P số tiền nợ gốc là 100.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả với mức lãi suất là 8,4%/năm.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày ý kiến: chỉ nhất trí thanh toán nợ gốc là 100.000.000 đồng và không nhất trí thanh toán tiền lãi với lý do:
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán 08 máy, Công ty P đã có hành vi lừa dối khách hàng về chất lượng của máy, khi tư vấn bán hàng thì nói hàng có xuất xứ tại Mỹ nhưng khi giao hàng thì giao hàng có xuất xứ tại Trung Quốc, Nhật Bản.
- Không bàn giao hóa đơn và các chứng từ đúng thời hạn nên phía Công ty H2 không làm được thủ tục vay ngân hàng, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán của Công ty H2.
- Công ty P không làm hết trách nhiệm khi thực hiện bảo hành máy.
Căn cứ các lỗi trên, Công ty H2 được quyền ngừng thanh toán theo Điều 51 Luật Thương mại 2005. Do đó, Công ty H2 không có trách nhiệm thanh toán tiền lãi chậm trả cho Công ty P.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày luận cứ: Công ty H2 được Công ty P chào hàng và tiếp thị hàng hóa nhưng khi giao hàng thì chất lượng hàng hóa không đúng như tiếp thị và hợp đồng đã ký. Khi đưa máy móc vào sản xuất liên tục gặp vấn đề, Công ty H2 đã liên hệ, trao đổi với Công ty P nhưng thời gian sửa chữa kéo dài, gây thiệt hại lớn cho Công ty H2, Công ty H2 đã phải thuê máy ngoài để đảm bảo tiến độ thi công.
Công ty H2 sẵn sàng thanh toán cho Công ty P số tiền nợ gốc còn lại là 100.000.000 đồng và khoản tiền lãi của số tiền này nếu Công ty P đồng ý rút đơn khởi kiện.
Khi tham gia đối đáp, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có ý kiến: Công ty P hoàn toàn không lừa dối khách hàng, ông Nguyễn Thanh H5 là người đại diện theo pháp luật của Công ty H2, có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật dân sự nên buộc phải biết khi ký hợp đồng. Trong 08 hợp đồng mua bán thì chỉ có 01 hợp đồng có thỏa thuận xuất xứ hàng hóa là Mỹ, 07 hợp đồng còn lại không thỏa thuận về xuất xứ hàng hóa. Do đó, Công ty P đã nhập khẩu máy ở nước gần nhất nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển cho khách hàng và đảm bảo tiến độ thi công cho Công ty H2.
Các máy trước khi bàn giao đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra, thẩm định và khẳng định đạt tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng cho các công trình xây dựng tại Việt Nam. Công ty P đã bàn giao máy móc đúng chủng loại, số lượng, chất lượng như được mô tả trong Điều 1 của các Hợp đồng. Công ty H2 cũng đã sử dụng máy và thi công công trình suốt quãng thời gian hơn 1 năm cho nhiều hạng mục khác nhau và không có ý kiến gì, cho đến ngày 30/7/2018 Công ty H2 có Công văn số 02/VB-H2 ngày 30/7/2018 yêu cầu hiệu chỉnh lại máy theo 04 Hợp đồng: Hợp đồng 1706H2/PTI-17, Hợp đồng 1735 H2/PTI-17, Hợp đồng 1741H2/PTI-17, Hợp đồng 1786H2/PTI-17 thì chỉ còn Hợp đồng 1786H2/PTI-17 là còn thời gian bảo hành là hơn 02 tháng, còn các hợp đồng còn lại, Công ty P đã không còn nghĩa vụ phải bảo hành. Mặc dù vậy, Công ty P vẫn hỗ trợ sửa chữa, nhằm mục đích sớm thu hồi công nợ xấu kéo dài từ công ty H2 và thể hiện thiện chí trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Về lý do Công ty H2 chậm thanh toán đã được chính thức đưa ra tại Công văn số 01/VB-H2 ngày 12/3/2019 với nội dung “vì lý do tiến độ thi công không đạt được như kế hoạch đã đề ra, một phần là do thời tiết, phần lớn là do máy móc đầu tư lớn nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch thanh toán”. Lý do này một lần nữa được xác nhận tại Văn bản số 02/VB-H2 ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Công ty H2 gửi Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng.
Như vậy, không có việc Công ty P lừa dối khách hàng hay giao hàng không phù hợp với hợp đồng nên không có căn cứ để Công ty H2 ngừng thanh toán theo Điều 51 Luật Thương mại năm 2005.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã:
- Căn cứ Điều 4, Điều 24, Điều 50, Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005;- Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, Điều 227, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Áp dụng khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;
- Áp dụng Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Công nghiệp P: Buộc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải thanh toán cho Công ty TNHH Công nghiệp P số tiền là 1.555.946.087 đồng (một tỷ năm trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng), trong đó nợ gốc là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán là 1.455.946.087 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về án phí sơ thẩm:
Công ty TNHH Công nghiệp P không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn trả cho Công ty TNHH Công nghiệp P số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 64.322.000 đồng (sáu mươi tư triệu ba trăm hai mươi hai nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2018/0000812 ngày 11 tháng 8 năm 2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải chịu 58.678.382 đồng (năm mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi tám nghìn ba trăm tám mươi hai đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm để sung công quỹ nhà nước.
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/3/2021 Tòa án nhận được đơn kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Nguyễn Đắc Th, kháng cáo bản án sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, đề nghị xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu tính lãi chậm trả.
Lý do kháng cáo:
- Thứ nhất,trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán máy, công ty P có hành vi lừa dối khách hàng, cố tình đưa ra thông tin không trung thực trong hợp đồng mua bán, cố ý không ghi xuất xứ hàng hóa trong hợp đồng nhằm mục đích bán hàng hóa có xuất xứ không đúng theo thỏa thuận mua bán giữa các bên nên công ty H2 thực hiện việc ngừng thanh toán theo quy định của Luật thương mại năm 2005;
- Thứ hai, Khi mua bán, công ty P không giao hóa đơn gốc cho công ty H2 nên chúng tôi không thể thế chấp máy móc, thiết bị để vay Ngân hàng khiến cho việc trả nợ gặp nhiều khó khăn, do đó công ty P là bên vi phạm nghĩa vụ, không có quyền đòi tiền lãi đối với số tiền chưa thanh toán;
- Thứ ba, khi bàn giao máy móc, thiết bị công ty P không bàn giao giấy chứng nhận kiểm định an toàn chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho công ty H2, thậm chí có những giấy chứng nhận đã hết hạn khi Công ty P bàn giao máy, do đó công ty H2 không đăng ký được máy móc, thiết bị nêu trên, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho công ty H2 vì không thể vay vốn ngân hàng.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Nguyễn Đắc Th có đơn xin xét xử vắng mặt đề ngày 21 tháng 9 năm 2021.
Tại đơn đề nghị về việc xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm đề ngày 16/9/2021 nguyên đơn không nhất trí với yêu cầu kháng cáo của bị đơn, đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn luật sư Phùng Văn C0 phát biểu ý kiến: Công ty P không thực hiện theo sự thỏa thuận, đưa ra thông tin sai sự thật cho phía bị đơn, trong hợp đồng mua bán không ghi rõ ràng, Khi thỏa thuận trong hợp đồng ghi rõ nguồn gốc xuất xứ tại Mỹ, nhưng chỉ có 01 hợp đồng là ghi cụ thể, còn các hợp đồng khác lại không ghi rõ nơi xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra thời gian giao máy móc cũng không thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng. Như vậy công ty P đã vi phạm hợp đồng. Do đó phía công ty H2 không chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của công ty P đối với phần tính lãi chậm trả cho phía nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm. Về đường lối và quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại số 01/2021 ngày11 tháng 03 năm 2021của Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự, ý kiến phát biểu của kiểm sát viên và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện và tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong việc thụ lý, xác định thẩm quyền, quan hệ pháp luật tranh chấp, xác định tư cách người tham gia tố tụng, thu thập và giao nộp chúng cứ, trình tự và thủ tục phiên tòa sơ thẩm. Đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn nộp trong thời hạn luật định, nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo và các căn cứ kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Công nghiệp P: Buộc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải thanh toán cho Công ty TNHH Công nghiệp P số tiền là 1.555.946.087 đồng (một tỷ năm trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng), trong đó nợ gốc là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán là 1.455.946.087 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng). Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 chỉ nhất trí thanh toán nợ gốc 100.000.000đ (một trăm triệu đồng), không nhất trí thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán số tiền là 1.455.946.087 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng). Đối với nội dung kháng cáo của bị đơn.
Thứ nhất: Công ty H2 cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán máy, công ty P có hành vi lừa dối khách hàng, cố tình đưa ra thông tin không trung thực trong hợp đồng mua bán, cố ý không ghi xuất xứ hàng hóa trong hợp đồng mua bán nhằm mục đích bán hàng hóa có xuất xứ không đúng theo thỏa thuận mua bán giữa các bên nên công ty H2 thực hiện việc ngừng thanh toán theo quy định của Luật thương mại năm 2005. HĐXX xét thấy trong 08 hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ có 01 hợp đồng quy định về xuất xứ hàng hóa máy móc là tại Mỹ và thực tế Công ty P đã giao cho Công ty H2 đúng hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, 07 hợp đồng còn lại không có điều khoản quy định về xuất xứ hàng hóa. Sau khi nhận bàn giao máy để đưa vào sản xuất kinh doanh, Công ty H2 cũng không có ý kiến gì về xuất xứ hàng hóa, hơn nữa người ký hợp đồng mua bán hàng hóa có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ năng lực hành vi, trước khi ký hợp đồng đã được xem xét kỹ hợp đồng mua bán. Do đó, không có cơ sở kết luận Công ty P đã lừa dối Công ty H2 về xuất xứ hàng hóa.
Thứ hai: Công ty H2 cho rằng khi mua bán, công ty P không giao hóa đơn gốc cho công ty H2 nên không thể thế chấp máy móc, thiết bị để vay Ngân hàng, khiến cho việc trả nợ gặp nhiều khó khăn, do đó công ty P là bên vi phạm nghĩa vụ, không có quyền đòi tiền lãi đối với số tiền chưa thanh toán. HĐXX xét thấy: Tại Điều 4 Hợp đồng mua bán quy định: “Các chứng từ bên A sẽ cung cấp cho bên B trong vòng 10 ngày sau khi nhận được thanh toán đợt 1 và chứng thư bảo lãnh: Hóa đơn VAT bản gốc; Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) bản gốc; Chứng chỉ chất lượng (C/Q) do nhà sản xuất cấp, bản gốc; Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu bản gốc”. Tuy nhiên, do công ty H2 không cung cấp chứng thư bảo lãnh như đã thỏa thuận đối với 05 hợp đồng mua bán máy nên Công ty P không bàn giao hóa đơn VAT theo thỏa thuận. Nên có thể thấy, lỗi thuộc về công ty H2 không thực hiện đúng thỏa thuận của hợp đồng trước.
Thứ ba, công ty H2 cho rằng khi bàn giao máy móc, thiết bị công ty P không bàn giao giấy chứng nhận kiểm định an toàn chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho công ty H2, thậm chí có những giấy chứng nhận đã hết hạn khi Công ty P bàn giao máy, do đó công ty H2 không đăng ký được máy móc, thiết bị nêu trên, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho công ty H2 vì không thể vay vốn ngân hàng. HĐXX xét thấy do công ty H2 không cung cấp chứng thư bảo lãnh nên công ty P không bàn giao các giấy chứng nhận kiểm định an toàn chất lượng ký thuật và bảo vệ môi trường cho công ty H2. Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng Công ty P đã bàn giao máy móc đúng chủng loại, số lượng, chất lượng như được mô tả trong Điều 1 của các Hợp đồng. Công ty H2 cũng đã sử dụng máy và thi công công trình suốt quãng thời gian hơn 1 năm cho nhiều hạng mục khác nhau và không có ý kiến gì, cho đến ngày 30/7/2018 Công ty H2 có Công văn số 02/VB-H2 ngày 30/7/2018 yêu cầu hiệu chỉnh lại máy theo 04 Hợp đồng: Hợp đồng 1706H2/PTI-17, Hợp đồng 1735 H2/PTI-17, Hợp đồng 1741H2/PTI-17, Hợp đồng 1786H2/PTI-17 thì chỉ còn Hợp đồng 1786H2/PTI-17 là còn thời gian bảo hành là hơn 02 tháng, còn các hợp đồng còn lại, Công ty P đã không còn nghĩa vụ phải bảo hành. Tuy nhiên, công ty P cũng đã hỗ trợ công ty H2 hiệu chỉnh lại máy móc theo yêu cầu của H2.
Ngoài ra, Về lý do Công ty H2 chậm thanh toán đã được chính thức đưa ra tại Công văn số 01/VB-H2 ngày 12/3/2019 với nội dung “vì lý do tiến độ thi công không đạt được như kế hoạch đã đề ra, một phần là do thời tiết, phần lớn là do máy móc đầu tư lớn nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch thanh toán”. Lý do này một lần nữa được xác nhận tại Văn bản số 02/VB- H2 ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Công ty H2 gửi Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng. Như vậy, không có căn cứ đề chấp nhận lý do là Công ty P vi phạm hợp đồng để Công ty H2 ngừng thanh toán theo quy định tại Điều 51 Luật Thương Mại năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Mặc dù tại 08 hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty P và công Ty H2 không có điều khoản quy định, nhưng 08 hợp đồng này đều ghi rõ từng mốc thời gian và số tiền cụ thể bên mua phải thanh toán cho bên bán. Do đó, căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005: “Bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả” có đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả trên số tiền chậm trả trong mỗi hợp đồng mua bán hàng hóa là có cơ sở.
Về mức lãi suất chậm trả theo yêu cầu của nguyên đơn: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập chứng cứ về mức lãi suất nợ quá hạn trung bình tại ba ngân hàng thương mại có chi nhánh tại tỉnh Cao Bằng đối với khoản vay trung hạn, cụ thể: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Cao Bằng lãi suất quá hạn là 15% đến 15,75%/năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Cao Bằng là 14,25% đến 16,35%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng là 16,5% đến 18%/năm. Lãi suất nợ quá hạn trung bình của ba ngân hàng nêu trên là 15,25% đến 16,7%/năm.
Tại đơn khởi kiện và quá trình hòa giải nguyên đơn yêu cầu áp dụng mức lãi suất quá hạn là 10%/năm, tuy nhiên, tại Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 18/01/2021 và tại phiên tòa nguyên đơn thay đổi mức lãi suất từ 10%/năm xuống còn 8,4%/năm. Xét thấy mức lãi suất quá hạn nguyên đơn yêu cầu áp dụng hoàn toàn tự nguyện và thấp hơn mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ba ngân hàng là đã có lợi cho bị đơn nên cần ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn. Xét việc cấp sơ thẩm chấp nhận mức lãi xuất quá hạn với số tiền là 1.455.946,087 đ (Một tỷ bốn trăm năm mươi năm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy nghìn) là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì để chứng minh cho nội dung kháng cáo.
Từ những phân tích và nhận định như trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[3] Về án phí: Do kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 308; điều 148 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ điều 4 ,điều 24, điều 50 điều 306 Luật Thương mại năm 2005;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
- Áp dụng điều 13 nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật về lãi, lãi xuất, phạt vi phạm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Không chấp nhận đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Công nghiệp P: Buộc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải thanh toán cho Công ty TNHH Công nghiệp P (địa chỉ trụ sở: số 192/19 Phố T, phường L, Quận Đ, Thành Phố Hà Nội) ) số tiền là 1.555.946.087 đồng (một tỷ năm trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng), trong đó nợ gốc là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán là 1.455.946.087 đồng (một tỷ bốn trăm năm mươi lăm triệu chín trăm bốn mươi sáu nghìn không trăm tám mươi bảy đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2.Về án phí:
- Công ty TNHH Công nghiệp P không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn trả cho Công ty TNHH Công nghiệp P số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 64.322.000 đồng (sáu mươi tư triệu ba trăm hai mươi hai nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2018/0000812 ngày 11 tháng 8 năm 2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
- Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải chịu 58.678.382 đồng (năm mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi tám nghìn ba trăm tám mươi hai đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm để sung công quỹ nhà nước.
- Công ty TNHH đầu tư và xây dựng H2 phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm số tiền là 2.000.000đ (hai triệu đồng chẵn) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000đ (hai triệu đồng chẵn) theo biên lai số AA/2018/0001017 ngày 16/4/2021 tại chi cục thi hành án dân sự thành phố Cao Bằng.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được thực hiện tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Bản án 02/2021/KDTM-PT ngày 23/09/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 02/2021/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cao Bằng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 23/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về