Bản án 02/2021/HS-ST ngày 11/03/2021 về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐĂK GLEI, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 02/2021/HS-ST NGÀY 11/03/2021 VỀ TỘI SỬ DỤNG CON DẤU HOẶC TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 11 tháng 03 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 03/2021/TLST – HS ngày 28 tháng 01 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số: 02/2021/QĐXXST – HS ngày 26 tháng 02 năm 2021 đối với bị cáo.

A T; tên gọi khác; Kring T; sinh năm 1979 tại huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn Đ, xã Đăk K, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Cán bộ công chức; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Dẻ; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam, con ông A G (Đã chết) và bà Y G, bị cáo có vợ là Y C và 02 con, con lớn nhất sinh năm 1998, con nhỏ nhất sinh năm 2004.

Tiền án, tiền sự: Không, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 18/11/2020 đến nay (Có mặt tại phiên tòa).

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Đỗ Hoàng S; sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn A, xã Q, huyện T, tỉnh Hải Dương (Vắng mặt tại phiên tòa).

+ Nguyễn Văn V; sinh năm 1982; hiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum (Vắng mặt tại phiên tòa).

+ Nguyễn Xuân C; sinh năm 1985; nơi cư trú: Tổ dân phố 5, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng tháng 11 năm 2011, A T là Phó Chủ tịch HĐND xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum nói chuyện với Nguyễn Xuân C lúc đó là cán bộ trinh sát Đội công tác 392 đóng quân tại xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Đăk Glei về việc A T không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, C nói với A T về việc Nguyễn Văn V; sinh năm 1982, trú tại: Tổ dân phố 5 thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum là anh trai ruột của C có thể giúp được A T làm giả bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau đó, C đưa cho A T số điện thoại của V để hai bên trực tiếp liên lạc, trao đổi công việc. Khi gặp nhau, A T nói với V cần làm bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả thì V đồng ý làm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả cho A T với số tiền là 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng). Đồng thời, V yêu cầu A T phô tô học bạ, giấy chứng minh nhân dân, hình thẻ đưa cho V. Chuẩn bị xong giấy tờ A T một mình đi xuống huyện Đăk Hà để giao cho V ở một quán cà phê (không nhớ rõ địa chỉ). Sau đó, Nguyễn Văn V đã liên hệ và gửi giấy tờ cho Đỗ Hoàng S; sinh năm 1982, trú tại: Thôn A, xã Q, huyện T, tỉnh Hải Dương là anh em họ hàng để nhờ S làm bằng tốt nghiệp THPT (Hệ bổ túc) giả cho A T thì S đồng ý làm bằng với giá 4.500.000 đồng. Đỗ Hoàng Stiếp tục liên hệ với một người đàn ông tên T (không rõ nhân thân, lai lịch) S quen trong một lần đi xin việc làm tại thành phố Hải Dương (do biết T có thể làm giả bằng tốt nghiệp THCS, THPT) nên S đã nhờ làm bằng tốt nghiệp giả cho A T thì T đồng ý làm với giá 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng). Sau khi làm xong bằng tốt nghiệp THPT cho A T, T gọi điện hẹn S đến một quán nước ở thành phố Hải Dương nhận bằng từ T rồi gửi cho V qua đường bưu điện, V gọi điện thoại hẹn A T đi xuống huyện Đăk Hà để gặp V ở một quán cà phê (không rõ địa chỉ), V đưa bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả cho A Tvà A T đưa cho V số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) như đã thỏa thuận từ trước. Sau đó, V gửi cho Stiền làm bằng là 4.500.000 đồng (Bốn triệu năm trăm ngàn đồng) qua tài khoản ngân hàng, còn V giữ lại tiền công môi giới là 500.000 đồng (Năm trăm ngàn đồng).

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh tại Trung tâm giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, xác định: Từ năm 2005 đến năm 2008, Trung tâm có tổ chức thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, mượn Hội đồng thi và điểm thi Trường THCS Chu Văn An, huyện Đăk Hà để tổ chức thi; A Tcó đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc tại trung tâm chính trị huyện Đăk Glei, sau đó tập trung thi tại Hội đồng thi Trường THCS Chu Văn An huyện Đăk Hà vào năm học 2005 - 2006 nhưng không đậu tốt nghiệp.

Tiến hành xác minh tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, xác định:

Thông tin mang tên A T trên bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, số hiệu 3971965/BTPT không có tên trong danh sách được công nhận tốt nghiệp THPT tại Kon Tum, bởi vì kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008, khóa thi ngày 25/5/2008 tại tỉnh Kon Tum không có Hội đồng thi TTGDTX tỉnh Kon Tum và A T không có tên trong hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT ngày 28/5/2008.

Quá trình điều tra, A T khai nhận đã sao y Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả số hiệu 3971965/BTPT từ bằng tốt nghiệp giả để sử dụng vào các việc sau:

Năm 2013, A T sử dụng bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả để học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 32, năm học 2013 – 2014 do Trường chính trị tỉnh Kon Tum mở tại huyện Đăk Glei.

Năm 2019, A T sử dụng Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả để đăng ký, nhập học chuyên ngành Luật, khóa 26, lớp LH26.3B1PKT củA Ttâm đào tạo thường xuyên, trực thuộc Trường Đại học Đà Nẵng mở tại Kon Tum vào năm 2019 thì phát hiện là bằng giả.

Quá trình điều tra đã xác định Nguyễn Văn V và Đỗ Hoàng S đã thu lợi bất chính trong việc làm bằng giả cho bị can A Tvới số tiền mỗi người là 500.000 đồng. Hiện tại, Nguyễn Văn V đã nộp lại số tiền 500.000 đồng cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

Ngày 07/08/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Glei ra quyết định trưng cầu giám định số 18, trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum tiến hành giám định Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu 3971965/BTPT mang tên A T, cấp ngày 01/12/2008 có hình dấu tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Tỉnh Kon Tum – Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Sỹ Thư.

Kết luận giám định số: 157/KLGĐ-PC09, ngày 12/8/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum kết luận Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu 3971965/BTPT mang tên A T cấp ngày 01/12/2008 có hình dấu tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - tỉnh Kon Tum – Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Sỹ Thư là giả.

Cáo trạng số: 03/CT - VKS ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố bị can A T về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 341, điểm t, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo A T từ 08 (tám) đến12 (mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 16 (mười sáu) đến 24 (hai mươi bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Về xử lý vật chứng Đề nghị Hội đồng xét xử xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận với bản luận tội của Đại diện Viện kiểm sát công bố tại phiên tòa, công nhận quyết định truy tố bị cáo là đúng, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, biên bản thu giữ vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định: Do không thi đậu tốt nghiệp Trung học phổ thông nên vào khoảng tháng 11 năm 2011 A T có nhu cầu có bằng tốt nghiệp THPT giả (hệ bổ túc) để tham gia học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ công tác của cá nhân nên thông qua mối quan hệ với Nguyễn Xuân C, A Tbiết được Nguyễn Văn V có khả năng làm được bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả nên A Tđi xuống huyện Đăk Hà gặp V để nhờ V làm bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả mang tên A T. Sau đó, V đã liên hệ với Đỗ Hoàng S để Sthông qua một người đàn ông tên T (không rõ nhân thân, lai lịch, chỉ biết ở thành phố Hải Dương) làm giả bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) cho A T với giá 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng). Sau khi có bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả A T đã phô tô, chứng thực sao y bản chính bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả để nộp và học lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 32, năm học 2013 – 2014 do Trường Chính trị Kon Tum mở tại huyện Đăk Glei. Hành vi này của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. (Tuy nhiên, Căn cứ khoản 2 Điều 27 của Bộ luật hình sự, hành vi này của A T đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự). Đến năm 2019 A Tđăng ký, nhập học chuyên ngành Luật, khóa 26, lớp LH26.3B1PKT của Trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Đại học Đà Nẵng mở tại Kon Tum thì bị phát hiện là bằng giả. Như vậy, hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả để đăng ký và nhập học chuyên ngành luật khóa 26, lớp LH26.3B1PKT của Trung tâm giáo dục thường xuyên, trực thuộc Đại học Đà Nẵng mở tại Kon Tum vào năm 2019 của A T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glei truy tố bị cáo về tội danh và điều luật nêu trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3]. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý hành chính của Nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính được pháp luật hình sự bảo vệ. Xét bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông là loại giấy chứng nhận trình độ học vấn của cá nhân, là một trong những điều kiện để được học các lớp chuyên môn, lý luận chính trị và là cơ sở để bố trí công tác, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và biết rõ hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo gây ra. Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử phạt bị cáo với mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

[4]. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Về nhân thân: Bị cáo không có tiền án, tiền sự Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, trong giai đoạn điều tra bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc quá trình giải quyết vụ án, bị cáo có mẹ được tặng huy chương kháng C hạng nhì, gia đình có hai bác ruột là liệt sỹ, trong quá trình công tác bị cáo đã có nhiều thành tích xuất sắc (đã được chính quyền và các đoàn thể tặng nhiều Giấy khen) nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xét thấy bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án vẫn đảm bảo việc giáo dục, cải tạo riêng đối với bị cáo cũng như phòng ngừa chung.

[5]. Về xử lý vật chứng: Trong quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei đã thu giữ 01(Một) Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu 3971965/BTPT mang tên A T, cấp ngày 01/12/2008 có dấu hình tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – tỉnh Kon Tum- Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Sỹ Thư (theo biên bản giao, nhận lại đối tượng giám định ngày 14/8/2020 giữa Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), xét thấy cần tịch thu vật chứng này lưu hồ sơ vụ án; đối với số tiền 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) do Nguyễn Văn V giao nộp, xét thấy đây là số tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.

[6]. Đối với hành vi của Nguyễn Văn V và Đỗ Hoàng S: Hành vi làm giả Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu 3971965/BTPT cấp ngày 01/12/2008 có dấu hình tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – tỉnh Kon Tum- Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Sỹ T, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn V và Đỗ Hoàng S thực hiện vào tháng 11 năm 2011 và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi của Nguyễn Văn V và Đỗ Hoàng S đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

[7]. Đối với hành vi của Nguyễn Xuân C: Do có quen biết với A T khi nghe A Tnói chuyện về việc tham gia kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở huyện Đăk Hà nhưng không đậu nên cần làm bằng Tốt nghiệp trung học phổ thông giả, nên Nguyễn Xuân C đã giới thiệu A T và cho số điện thoại của Nguyễn Văn V cho A Tđể A T liên lạc, trao đổi về quá trình làm bằng giả. Do đó, hành vi của Nguyễn Xuân C là đồng phạm với Nguyễn Văn V và Đỗ Hoàng S về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân C thực hiện vào tháng 11 năm 2011 và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi của Nguyễn Xuân C đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

[8]. Đối với đối tượng tên T: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không xác định được đối tượng tên T hiện đang ở đâu. Do đó, Cơ quan điều tra đã chuyển tin báo đến Công an tỉnh Hải Dương để theo dõi, xác minh và xử lý khi phát hiện đối tượng.

[9]. Về án phí: Bị cáo A T bị kết án nên phải nộp tiền án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo A T phạm tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” Áp dụng: Khoản 1 Điều 341; các điểm t, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo A T; tên gọi khác: Kring T 12 (mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) mà Nguyễn Văn V đã nộp theo Giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 04/02/2021.

Tịch thu 01 (Một) Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc), số hiệu 3971965/BTPT mang tên A T, cấp ngày 01/12/2008 có dấu hình tròn Quốc huy nội dung “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – tỉnh Kon Tum - Sở Giáo dục và Đào tạo” và chữ ký đứng tên Nguyễn Sỹ T (theo biên bản giao, nhận lại đối tượng giám định ngày 14/8/2020 giữa Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei chuyển giao 01 (một) Bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) giả mang tên A Tđể Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei lưu theo hồ sơ vụ án.

(Vật chứng có đặc điểm nhận giạng như tại Biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Glei và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei ngày 04/02/2021)

Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo A T phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Căn cứ các Điều 331, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự; bị cáo có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 11/03/2021). Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án được tống đạt hợp lệ, hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

273
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2021/HS-ST ngày 11/03/2021 về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:02/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Glei - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về