Bản án 02/2020/DS-PT ngày 04/06/2020 về tranh chấp lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 02/2020/DS-PT NGÀY 04/06/2020 VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Trong các ngày 04/5/2020, ngày 04/6/2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2020/TLPT- LĐ ngày 17/02/2020 về việc "Tranh chấp lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 01/2019/LĐ - ST ngày 28/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2020/QĐ – PT ngày 24 tháng 02 năm 2020, thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 66/TB- TA ngày 12/3/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 02/2020/QĐ – PT ngày 16/4/2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 01/2020/QĐ- PT ngày 04/5/2020 giữa các đương sự:

-Các Đồng nguyên đơn:

1. Ông Hoàng Thế L, sinh năm 1958 (có mặt);

Nơi cư trú: Thôn N, xã C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

2. Ông Bùi Xuân T, sinh năm 1959 (có mặt);

Nơi cư trú: Phố Hoàng H, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

3. Ông Bùi Duy V, sinh năm 1960 (có mặt);

Nơi cư trú: Thôn H, xã C, huyện T, tỉnh Bắc Giang. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T và Ông Bùi Duy V: Luật sư Ngô Thế H và Luật sư Nguyễn Văn T - Văn phòng luật sư TĐ – Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang (có mặt).

-Bị đơn: Ban quản lý Chợ M Địa chỉ: Thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

Do ông Trần Văn T – Phó Trưởng Ban quản lý Chợ M đại diện theo pháp luật (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ban quản lý Chợ Mọc: Luật sư Vy Văn M và Luật sư Vũ Hải L – Công ty luật TNHH E – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Luật sư Vũ Hải L có mặt tại phiên tòa ngày 04/5/2020 vắng mặt tại phiên tòa ngày 04/6/2020, Luật sư Vy Văn M có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang, do ông Phạm Thế D - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện T, tỉnh Bắc Giang đại diện theo uỷ quyền (có mặt);

2. Bảo hiểm xã hội huyện T (vắng mặt) Địa chỉ: Thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

- Tại đơn khởi kiện, các lời khai trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn là các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V trình bày:

Ngày 19/12/2002, các ông ký hợp đồng lao động với Ban Quản lý Chợ M huyện T, tỉnh Bắc Giang (sau đây gọi tắt là Ban quản lý hoặc BQL), với nội dung của Hợp đồng “trông giữ xe đạp và thu lệ phí chợ”, thời hạn hợp đồng là 3 tháng. Sau khi ký hợp đồng làm hết 3 tháng thì lại ký tiếp 3 tháng và ký liên tục đến hết năm 2013, tổng số là 40 lần ký hợp đồng, mỗi hợp đồng có thời hạn 03 tháng. Từ năm 2014 hai bên không ký hợp đồng nữa nhưng các ông vẫn làm việc đến 30/8/2018 thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không được thông báo trước về việc đơn phươg chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời gian ký hợp đồng, các ông chỉ được giao cho 3 bản hợp đồng của 03 quý đầu tiên còn các hợp đồng tiếp theo các ông không được nhận. Các ông có hỏi thì Ban quản lý trả lời các ông có nhận cũng chẳng để làm gì, nội dung các hợp đồng mới không có gì khác so với hợp đồng trước. Chế độ lương hưởng tháng đầu tiên là 210.000 đồng/tháng, trả vào 15 đến 20 hàng tháng. Sau đó lương có tăng dần lên cho đến tháng 8/2018 là 1.500.000đồng/tháng. Nội dung trong hợp đồng có ghi “được hưởng khen thưởng tháng, quý, năm” nhưng trên thực tế thì không được hưởng chế độ nào. Các ông đã có ý kiến ký hợp đồng dài hạn từ năm 2003, nhưng Ban quản lý vẫn chỉ ký hợp đồng 3 tháng một lần cho đến nay. Tại các cuộc họp của Ban quản lý chợ thì ông Nguyễn Văn L lúc đó là Chủ tịch huyện cũng đã hứa sẽ đóng bảo hiểm cho anh em để anh em yên tâm làm việc.

Trong quá trình làm việc, các ông chỉ được hưởng lương cơ bản được ghi trong hợp đồng, ngoài ra được thêm 100.000 đồng/tháng tiền trực đêm và ngày, không được nghỉ ngày lễ, mà chỉ được nghỉ 10 ngày lễ tết âm lịch.

Ngày 30/8/2018, Ban quản lý cho các ông nghỉ việc mà không có quyết định hay văn bản gì.

Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Bùi Duy Vinh khởi kiện với các yêu cầu sau:

- Yêu cầu Toà án công nhận hợp đồng lao động của các ông với Ban Quản lý Chợ M là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

- Buộc Ban Quản lý Chợ M phải trả cho các ông tiền lương còn thiếu so với mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc và tiền lãi của số lương chậm trả tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ.

- Buộc Ban Quản lý Chợ M truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động.

- Buộc Ban Quản lý Chợ M phải tiếp nhận các ông trở lại làm việc do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Riêng Ông Bùi Duy V thì đã tham gia bảo hiểm xã hội ở đơn vị khác, đến năm 2010 được hưởng chế độ hưu trí nên ông không yêu cầu Ban quản lý truy nộp bảo hiểm xã hội cho ông mà yêu cầu Ban quản lý phải trả cho ông các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng.

Tại phiên toà sơ thẩm, các nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện: Yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên các hợp đồng lao động ký giữa Ban Quản lý Chợ M với các nguyên đơn vô hiệu về phần thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội.

- Tại các lời khai và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đại diện của Ban Quản lý Chợ M trình bày: Ban Quản lý Chợ M được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/11/2002 và được thay thế bằng Quyết định số 97/QĐ-UB ngày 20/8/2004 của UBND huyện T. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, ngày 19/12/2002, Ban Quản lý Chợ M ký hợp đồng lao động với các Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V 02 quý, từ 01/01/2003 đến 30/6/2003, sau đó hai bên thỏa thuận miệng. Nội dung thỏa thuận là Ban quản lý “khoán công việc” cho các ông, công việc cụ thể là “trông giữ xe đạp và thu phí vào chợ”. Trong quá trình làm việc, Ban quản lý khoán cho các ông mức thu theo từng thời kỳ khác nhau, ngoài số tiền thu khoán trên, nếu các Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V thu phí vào chợ được nhiều thì sẽ được hưởng số tiền trên lệch, nếu thu được ít thì phải chịu. Thời gian làm việc phụ thuộc theo tính chất công việc, khi làm việc người người lao động được cấp phát trang bị dụng cụ lao động theo tính chất công việc được giao, lương trả vào ngày 15 đến 20 hàng tháng, được nghỉ ngày lễ, việc riêng; hợp đồng thoả thuận không đóng bảo hiểm xã hội. Trong quá trình làm việc, có chế độ thưởng ngày lễ như đi chùa, đi nghỉ mát. Thời gian làm việc do tính chất công việc, các ông tự bố trí, sắp xếp về thời gian làm việc. Tại cuộc họp ngày 30/8/2018, Ban quản lý đã thông báo và cho Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V và đã cho các ông nghỉ việc vào ngày 31/8/2018. Khi họp có ghi vào biên bản cuộc họp chứ không có quyết định thông báo cụ thể. Lý do Ban Quản lý Chợ M cho các ông tạm nghỉ do công việc chưa cần đến số lượng 12 người lao động nên Ban Quản lý Chợ M cho tạm nghỉ 4 người gồm ông L, ông T, ông V, ông K (nhưng ông K giờ đang đi làm).

Đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì Ban Quản lý Chợ M có ý kiến như sau: Do xuất phát từ tính chất công việc là “thuê khoán” nên Ban Quản lý Chợ M không đóng bảo hiểm cho người lao động, và không theo quy định của Bộ luật lao động, khi thực hiện thì các bên nhất trí với nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký và các thỏa thuận bằng miệng thì các bên không có ý kiến gì. Hơn nữa việc thu – chi của Ban Quản lý Chợ M nằm dưới quyền kiểm soát của UBND huyện T, tỉnh Bắc Giang quản lý nên việc Ông Bùi Xuân T, ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Duy V yêu cầu trả tiền lương và bảo hiểm xã hội từ khi ký hợp đồng (19/12/2002) đến khi chấm dứt hợp đồng ngày 30/8/2018 theo quy định của nhà nước và xác định hợp đồng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn là không đúng. Do Ban quản lý chợ không còn nhu cầu sử dụng thêm người nên Ban Quản lý Chợ M không tiếp nhận thêm người làm.

- Uỷ ban nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang trình bày: Ban Quản lý Chợ M được Uỷ ban nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang thành lập tại Quyết định số 97/QĐ-UB ngày 20/8/2004 thay thế Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/11/2002. Ban Quản lý Chợ M là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước huyện. Ban Quản lý Chợ M có 01 Trưởng ban và 01 phó ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định bổ nhiệm có thời hạn. Đối với việc tuyển dụng lao động và các hợp đồng khác thì do Trưởng Ban Quản lý Chợ M quyết định, ký hợp đồng trên cơ sở khối lượng, tính chất công việc và phương án thu chi hàng năm đã được phê duyệt. Nội dung hoạt động và mọi chế độ, chính sách đối với Ban quản lý, cán bộ nhân viên Ban quản lý được thực hiện theo quy định của nhà nước kể từ ngày 01/01/2004. Trưởng ban quản lý quyết định việc ký hợp đồng lao động, tuyển dụng lao động, các hợp đồng khác. Bản chất công việc của các ông L, T và V chỉ làm việc buổi sáng. Ban Quản lý Chợ M trả tiền công cho người lao động theo hình thức khoán, Uỷ ban nhân dân huyện không chỉ đạo, không can thiệp vào việc chi trả tiền công của Ban quản lý đối với người lao động. Do vậy, các yêu cầu khởi kiện của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V về đòi tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc trách nhiệm thẩm quyền giải quyết của Trưởng Ban quản lý Chợ M - Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang trình bày: Các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V không thuộc đói tượng do Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang quản lý. Đề nghị Toà án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là Luật sư Nguyễn Văn T và Luật sư Ngô Thế H trình bày: Các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V, mỗi người đều ký hợp đồng lao động với Ban Quản lý Chợ M hai lần liên tiếp, lần 1 từ 19/12/2002 đến 30/3/2002, lần 2 từ 01/4/2003 đến 30/6/2003, sau đó nhiều lần ký hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng một lần ký cho đến hết năm 2013. Sau đó không ký hợp đồng nhưng các ông vẫn tiếp tục làm việc đến 31/8/2018 thì bị Ban quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động năm 1994 thì hợp đồng lao động có thời hạn của Ban quản lý ký với các Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật lao động năm 1994 quy định, mức lương của người lao động do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Nhưng Ban quản lý trả cho các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc là không đúng pháp luật. Theo Điều 141 Bộ luật lao động năm 1994 quy định: Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 149 của bộ luật này và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất.... Người sử dụng lao động phải đóng 15% tổng quỹ tiền lương và người lao động đóng bằng 5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội nên Ban quản lý phải trích 5% tiền lương theo mức lương tối thiểu của các Ông Bùi Xuân T, Hoàng Thế L để các ông được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đối với Ông Bùi Duy V thì đã tham gia bảo hiểm xã hội rồi nên Ban quản lý phải trả cho Ông Bùi Duy V khoản tiền lẽ ra phải nộp bảo hiểm xã hội. Việc Ban quản lý ký kết hợp đồng lao động với 3 ông có nội dung không tham gia bảo hiểm xã hội là trái pháp luật, yêu cầu Toà án tuyên bố phần thoả thuận này trong hợp đồng lao động vô hiệu. Về thời hiệu khởi kiện về bảo hiểm xã hội và tranh chấp hợp đồng lao động thì quá trình làm việc, 3 ông liên tục đề nghị Ban quản lý nộp bảo hiểm xã hội, đến khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tháng 8/2018 các ông mới biết quyền lợi của mình bị vi phạm nên vẫn còn thời hiệu. Ban quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với 3 ông không có căn cứ, không báo trước nên phải nhận lại 3 ông vào làm việc.

Với nội dung nêu trên, bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2019/LĐ - ST ngày 28/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

Căn cứ điểm a, d khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217; điểm đ khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228; Điều 271; khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 38; khoản 1 Điều 186, Điều 200, Điều 201, khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012. Điều 3, Điều 37 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ; Điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 2; Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội. Điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đối với Ban quản lý Chợ M:

- Buộc Ban Quản lý Chợ M phải tiếp nhận các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V trở lại làm việc.

- Công nhận hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với Ban Quản lý Chợ M có thời hạn làm việc từ ngày 01/01/2003 đến 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. - Tuyên bố các hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với Ban Quản lý Chợ M có thời hạn làm việc từ ngày 01/01/2003 đến 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 vô hiệu về phần bảo hiểm xã hội.

- Buộc Ban Quản lý Chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T.

- Đình chỉ yêu cầu của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V yêu cầu buộc Ban Quản lý Chợ M phải trả tiền lương còn thiếu so với mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc và tiền lãi của số lương chậm trả tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ việc.

- Không chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Duy V buộc Ban Quản lý Chợ M trả cho ông Vinh các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí,chi phí tố tụng, quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, ngày 02/12/2020 Ban Quản lý Chợ M kháng cáo, ngày 13/12/2013 sửa đổi bỏ sung kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do thời hiệu khởi kiện đã hết, phía bị đơn đã yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án sơ thẩm ra bản án; Hợp đồng lao động giữa Ông Hoàng Thế L Ông Bùi Xuân T Ông Bùi Duy V với Ban Quản lý Chợ M là hợp đồng khoán việc dân sự, không phải hợp đồng lao động; Yêu cầu khởi kiện về tiền lương của nguyên đơn chưa được hòa giải theo quy định của pháp luật Lao động nhưng Tòa án đã thụ lý vụ án.

Ngày 27/12/2020 Viên kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang có Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT – VKS- LĐ kháng nghị toàn Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 28/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang.

Đề nghị Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa vụ án nêu trên ra xét xử phúc thẩm theo hướng: Hủy toàn bộ Bản án Lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 28/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Lý do kháng nghị: Bản án sơ thẩm có các vi phạm, thiếu sót:

1.Vi phạm trong việc xác định thiếu quan hệ pháp luật tranh chấp Các nguyên đơn khởi kiện: Yêu cầu Toà án công nhận hợp đồng lao động;

trả cho tiền lương còn thiếu và lãi xuất chậm trả; truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; tiếp nhận các ông trở lại làm việc; tuyên các hợp đồng lao động vô hiệu về phần thỏa thuận bảo hiểm xã hội; Ông Bùi Duy V yêu cầu phải trả cho ông các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng. Nhưng Tòa án chỉ xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động và yêu cầu truy nộp bảo hiểm xã hội” là xác định thiếu quan hệ pháp luật tranh chấp.

2.Vi phạm về việc giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Các nguyên đơn khởi kiện có nội dung yêu cầu Ban Quản lý Chợ M phải truy nộp tiền “bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động”. Tòa án không xem xét, nhận định và giải quyết yêu cầu khởi kiện này.

3.Vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu khởi kiện về “buộc BQL chợ Mọc truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động”.

Tòa án không thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ để nhận định, quyết định truy thu tiền bảo hiểm xã hội căn cứ vào tiền lương hàng tháng hay mức lương tối thiểu vùng; không quyết định ngày tháng cụ thể của năm 2003 và tổng số tiền theo yêu cầu khởi kiện về tiền bảo hiểm xã hội được chấp nhận, làm căn cứ buộc phía bị đơn phải nộp tổng số tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang là giải quyết không rõ ràng, không thi hành án được.

4.Vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của Ông Bùi Duy V về “Buộc BQL chợ M phải trả cho ông V các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm”.

Phần quyết định của bản án có mâu thuẫn nhau, quyết định của bản án chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Xuân T, Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Duy V. “Công nhận hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với Ban Quản lý Chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn” nhưng lại chỉ “Buộc Ban Quản lý Chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T” và “Không chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Duy V buộc Ban Quản lý Chợ M trả cho ông V các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng” là giải quyết không thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ông Bùi Duy V.

Phần nhận định của Bản án xác định Ông Bùi Duy V không cung cấp được tài liệu chứng cứ, không nêu được khoản tiền mà ông V yêu cầu nên Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận. Khi nào có chứng cứ và có yêu cầu, Tòa án sẽ giải quyết bằng vụ án khác. Nhưng phần quyết định lại giải quyết “Không chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Duy V buộc Ban Quản lý Chợ M trả cho Ông Bùi Duy V các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng” là Tòa án đã giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện này của Ông Bùi Duy V, mâu thuẫn với phần nhận định, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông V.

Vi phạm về đưa người tham gia tố tụng: Hồ sơ vụ án thể hiện: Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/11/2002 của UBND huyện T, tỉnh Bắc Giang thể hiện tại Điều 1 “BQL chợ M là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T ” (bút lục 155). Các nguyên đơn bắt đầu làm việc từ năm 2003 thì có 01 năm BQL chợ Mọc trực thuộc Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T, tỉnh Bắc Giang. Tòa án không đưa Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T, tỉnh Bắc Giang tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là thực hiện không đúng quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật TTDS; Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1959 là Trưởng Ban Quản lý Chợ M và là người ký hợp đồng lao động, sử dụng lao động với các nguyên đơn từ năm 2003 đến ngày 01/9/2019 mới nghỉ hưu nhưng Tòa án không đưa ông T tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Về thiếu sót: Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang, do ông Phạm Thế D - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện T đại diện theo ủy quyền có văn bản số 01/CV ngày 18/11/2019 gửi Công ty luật TNHH E, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đề nghị Công ty cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho UBND huyện với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án (bút lục số 433). Tại phiên tòa xét xử ngày 28/11/2019, bà Vũ Hải L là luật sư của Công ty luật TNHH E đồng ý với yêu cầu của ông D (bút lục 486). Bản án không thể hiện tư cách tham gia tố tụng và phần nội dung không có lời trình bày của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND huyện T, tỉnh Bắc Giang.

Tại phiên Toà phúc thẩm, các nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang giữ nguyên kháng nghị, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Tại phiên Tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và ông Trần Văn T đại diện Ban Quản lý Chợ M đều thống nhất trình bày:

Thứ nhất: Bản án sơ thẩm đã công nhận hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với BQL chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và từ ngày 01/4/2003 đến 30/6/2003 là hợp đồng không xác định thời hạn là không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, không đúng với các quy định của pháp luật. Mặc dù hình thức hợp đồng hai bên ký kết có ghi là “Hợp đồng lao động” nhưng bản chất đây là hợp đồng khoán việc dân sự, không phải hợp đồng lao động. Căn cứ vào sổ khoán thu phí cổng các năm bị đơn còn lưu giữ có ghi chi tiết nội dung khoán việc từng ngày tương ứng với từng cổng và số tiền người nhận khoán phải nộp khoán. Vì mỗi cổng chợ có lượng khách ra vào nhiều ít khác nhau nên mức khoán thu cho mỗi cổng cũng khác nhau nhưng đều có điểm chung là tổng mức khoán thu cho cả 04 cổng cộng lại bằng số tiền đều đặn, ổn định trong một thời gian dài. Ví dụ từ ngày 01/01/2004 đến 31/7/2004 mỗi ngày mức khoán thu 04 cổng phải nộp là 210.000đ; Từ ngày 01/8/2004 đến 31/12/2004 mức khoán thu cho mỗi cổng là 255.000đ. Mức khoán thu có thể thay đổi tăng dần mức khoán theo thời gian nhưng hai bên đều thực hiện hợp đồng theo phương thức trên cho đến khi các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V nghỉ việc. Căn cứ chứng minh Ban Quản lý Chợ M đưa ra là 05 cuốn sổ ghi chép việc khoán thu phí cổng chợ các năm 2004, 2006, 2009, 2014, 2017.

Thứ hai: Bản án sơ thẩm tuyên buộc BQL chợ M phải tiếp nhận các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V trở lại làm việc là không đúng với quy định của pháp luật vì tại thời điểm xét xử sơ thẩm Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T đã trên 60 tuổi, Ông Bùi Duy V đã đóng bảo hiểm xã hội ở một đơn vị khác và đã đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Thứ ba: Bản án sơ thẩm tuyên bố các hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với BQL chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và từ ngày 01/4/2003 đến 30/6/2003 vô hiệu về phần bảo hiểm xã hội là không có căn cứ:

Thứ tư: Bản án sơ thẩm tuyên buộc BQL chợ M làm thủ tục truy nộp tiền Bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T là không có căn cứ vì hợp đồng giữa hai bên chỉ là khoán việc dân sự nên không có cơ sở để buộc bị đơn phải đóng bảo hiểm xã hội. Thứ năm: Việc thu thập chứng cứ và chứng minh của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được:

Thứ sáu: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi thụ lý yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn trong khi Nguyên đơn chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật (trước khi khởi kiện các bên tranh chấp chưa hòa giải theo quy định của pháp luật lao động).

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là Luật sư Nguyễn Văn T và Luật sư Ngô Thế H trình bày:

Các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V, mỗi người đều ký hợp đồng lao động với Ban Quản lý Chợ M từ ngày 19/12/2002 có hiệu lực từ ngày 01/01/2003, thời hạn hợp đồng là 03 tháng, hết thời hạn 03 tháng tiếp tục ký hợp đồng có thời hạn 03 tháng tiếp theo, và ký liên tiếp đến hết năm 2013 thì không ký hợp đồng nữa nhưng các ông vẫn tiếp tục làm việc đến tháng 8/2018 thì bị Ban quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động năm 1994 thì hợp đồng lao động có thời hạn của Ban Quản lý Chợ M ký với các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T, Bùi Duy V trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật lao động năm 1994 quy định, mức lương của người lao động do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định. Nhưng Ban quản lý trả mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc là không đúng pháp luật. Theo Điều 141 Bộ luật lao động năm 1994 quy định: Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 149 của bộ luật này và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất.... Người sử dụng lao động phải đóng 15% tổng quỹ tiền lương và người lao động đóng bằng 5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội nên Ban quản lý phải trích 5% tiền lương theo mức lương tối thiểu của các ông Hòng Thế L, Ông Bùi Xuân T để các ông được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đối với Ông Bùi Duy V thì đã tham gia bảo hiểm xã hội rồi nên Ban quản lý phải trả cho Ông Bùi Duy V khoản tiền lẽ ra phải nộp bảo hiểm xã hội. Việc Ban quản lý ký kết hợp đồng lao động với 3 ông có nội dung không tham gia bảo hiểm xã hội là trái pháp luật, yêu cầu Toà án tuyên bố phần thoả thuận này trong hợp đồng lao động vô hiệu. Về thời hiệu khởi kiện về bảo hiểm xã hội và tranh chấp hợp đồng lao động thì quá trình làm việc, 3 ông liên tục đề nghị Ban quản lý nộp bảo hiểm xã hội, đến khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tháng 8/2018 các ông mới biết quyền lợi của mình bị vi phạm nên vẫn còn thời hiệu. Ban quản lý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với 3 ông không có căn cứ, không báo trước nên phải nhận lại 3 ông vào làm việc. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn:

- Công nhận Hợp đồng lao động các nguyên đơn đã ký với Ban Quản lý Chợ M là hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Buộc Ban Quản lý Chợ M phải nhận các ông trở lại làm việc;

Buộc Ban Quản lý Chợ M trả toàn bộ tiền lương tối thiều của 03 nguyên đơn và tiền lãi chậm trả theo chính phủ và ngân hàng nhà nước quy định của 3 ông từ năm 2003 đến ngày xét xử sơ thẩm;

Buộc Ban Quản lý Chợ M phải truy nộp tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đồng thời Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T đồng ý thực hiện nghĩa vụ truy nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo quy định.

Buộc Ban Quản lý Chợ M phải thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động, trả cho 03 nguyên đơn tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến: Việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Giữ nguyên nội dung kháng nghị số 02/QĐKNPT – VKS- LĐ ngày 27/12/2020. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 xử: Hủy toàn bản án sơ thẩm. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Ban Quản lý Chợ M không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến tranh luận tại phiên toà. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang. Hội đồng xét xử nhận định:

[1].Về thủ tục tố tụng: Người đại diện của Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang đã được triệu tập hợp lệ 02 lần nhưng vắng mặt, sự vắng mặt của Bảo hiểm xã hội T, tỉnh Bắc Giang không ảnh hưởng đến việc giải quyết kháng cáo, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người đại diện theo pháp luật của Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2].Về nội dung: Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và kháng cáo của Ban Quản lý Chợ M cùng đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử thấy: Bản án sơ thẩm có những vi phạm thiếu sót sau:

[2.1] Vi phạm về việc giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự:

Tại đơn khởi kiện ghi ngày 15/10/2018 của các Ông Bùi Xuân T, ông Bùi Thế L, Ông Bùi Duy V và đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện của Ông Bùi Duy V ghi ngày 17/01/2019 các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Ban Quản lý Chợ M phải truy nộp tiền “bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động”. Tuy nhiên Tòa án chỉ xem xét, nhận định và giải quyết yêu cầu khởi kiện của các Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V các nội dung về yêu cầu truy Bảo hiểm xã hội mà không giải quyết các nội dung về bảo hiểm thất nghiệp là giải quyết chưa hết yêu cầu khởi kiện của đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2.2] Vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu khởi kiện về “buộc Ban Quản lý Chợ M truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động”:

Quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, các Ông Hoàng Thế L, ông Bùi Xuâ T, Ông Bùi Duy V yêu cầu Ban Quản lý Chợ M phải truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc từ khi ký hợp đồng lao động. Nguyên đơn và bị đơn chỉ cung cấp được chứng cứ là hợp đồng lao động từ 01/01/2003 đến 30/3/2003; 01/4/2003 đến 30/6/2003 và hệ thống bảng lương hợp đồng năm 2018, Tòa án không yêu cầu các nguyên đơn sửa đổi,bổ sung đơn khởi kiện để xác định rõ yêu cầu truy nộp bảo hiểm xã hội từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, số tiền cụ thể là bao nhiêu, không thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ để nhận định, quyết định truy thu tiền bảo hiểm xã hội căn cứ vào tiền lương hàng tháng hay mức lương tối thiểu vùng; không quyết định ngày tháng cụ thể của năm 2003 và tổng số tiền theo yêu cầu khởi kiện về tiền bảo hiểm xã hội được chấp nhận, làm căn cứ buộc Ban Quản lý Chợ M phải nộp tổng số tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện T, tỉnh Bắc Giang. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội không chỉ là nghĩa vụ của người sử dụng lao động mà còn là nghĩa vụ của người lao động. Tòa sơ thẩm không xác định nghĩa vụ truy nộp của người lao động, người sử dụng lao động, mức truy nộp, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2013 ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà chỉ quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn “Buộc Ban Quản lý Chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T ” mà không quyết định số tiền cụ thể là giải quyết không rõ ràng, không thi hành án được.

[2.3] Phần quyết định của bản án có mâu thuẫn nhau. Tại mục 1 phần Quyết định của bản án ghi: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các Ông Bùi Xuân T, Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Duy V “Công nhận hợp đồng lao động của Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T và Bùi Duy V đã ký với Ban Quản lý Chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn” nhưng lại chỉ “Buộc Ban Quản lý Chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho các Ông Hoàng Thế L, Bùi Xuân T” mà không chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Duy V là không bảo đảm được quyền lợi của Ông Bùi Duy V.

[2.4] Phần nhận định của Bản án xác định Ông Bùi Duy V không cung cấp được tài liệu chứng cứ, không nêu được khoản tiền mà ông V yêu cầu nên Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận. Khi nào có chứng cứ và có yêu cầu, Tòa án sẽ giải quyết bằng vụ án khác. Nhưng phần quyết định lại giải quyết “Không chấp nhận yêu cầu của Ông Bùi Duy V buộc Ban Quản lý Chợ M trả cho ông V các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng” là Tòa án đã giải quyết nội dung yêu cầu khởi kiện này của ông V, mâu thuẫn với phần nhận định.

[2.5] Hồ sơ vụ án thể hiện: Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 27/11/2002 của Ủy ban nhân dân huyện Tthể hiện tại Điều 1 “BQL chợ Mọc là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T” (bút lục 155). Thời điểm Ông Bùi Xuân T, Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Duy V bắt đầu làm việc từ năm 2003 thì có 01 năm Ban Quản lý Chợ M trực thuộc Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T, tỉnh Bắc Giang. Tòa án không xác minh, làm rõ yêu cầu của các đương sự để đưa Phòng kinh tế- Hạ tầng nông thôn huyện T, tỉnh Bắc Giang tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là thực hiện không đúng quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2.6] Ông Hoàng Thế L, sinh ngày 16/8/1958, Ông Bùi Xuân T sinh ngày 12/8/1959, Ông Bùi Duy V sinh ngày 27/7/1960. Tại thời điểm khởi kiện ngày 15/10/2018 Ông Hoàng Thế L đã trên 60 tuổi. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 28/11/2019 Ông Bùi Xuân T đã trên 60 tuổi, Ông Bùi Duy V chưa đủ 60 tuổi nhưng đã đóng bảo hiểm xã hội tại một đơn vị khác và đã đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nhưng bản án sơ thẩm quyết định buộc Ban Quản lý Chợ M tiếp nhận Ông Hoàng Thế L, Ông Bùi Xuân T, Ông Bùi Duy V trở lại làm việc là không phù hợp với quy định tại Điều 167, Điều 187 Bộ luật lao động.

Từ nhận định trên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được và có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nên cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và một phần kháng cáo của Ban quản lý chợ M, hủy bản sơ sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại vụ án là cần thiết. Không có căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án như kháng cáo của Ban quản lý Chợ M.

Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Ban Quản lý Chợ M không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 293, khoản 3 Điều 308, Điều 310, khoản 3 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang; chấp nhận một phần kháng cáo của Ban quản lý Chợ M Hủy toàn bộ bản án số 01/2019/LĐ- ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang Giang quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Ban Quản lý Chợ M không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả Ban Quản lý Chợ M 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp ghi tại biên lai số AA/2018/0006107 ngày 13/12/2019.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1240
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2020/DS-PT ngày 04/06/2020 về tranh chấp lao động

Số hiệu:02/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:04/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về