Bản án 02/2019/KDTM-PT ngày 09/04/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 02/2019/KDTM-PT NGÀY 09/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 09 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2018/TLPT-KDTM ngày 22 tháng 10 năm 2018 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 10/2018/KDTM-ST ngày 06/09/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2019/QĐ-PT ngày 22/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Ngô Thị L, sinh năm: 1970 (Có mặt).

Cư trú tại: Ấp T, xã Đ, thị xã C, tỉnh Sóc Trăng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Sơn Thị P, Luật sư của Văn phòng luật sư VT, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).

- Bị đơn: Bà Lâm Thị P, sinh năm: 1976 (Vắng mặt).

Cư trú tại: Khóm N, phường H, thị xã C, tỉnh Sóc Trăng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Võ Tuấn Huân, cư trú tại: Số nhà 95, đường Phan Chu Trinh, khóm 3, phường 1, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 25/10/2018). Ông Huân có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Bạch Sỹ C, Luật sư của Văn phòng luật sư BC, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lâm Văn I, sinh năm 1966 (Có mặt).

Cư trú tại: Ấp T, xã Đ, thị xã C, tỉnh Sóc Trăng.

2. Ông Phan Văn H, sinh năm 1970 (Vắng mặt).

Cư trú tại: Ấp C, xã T, huyện Đ, tỉnh Sóc Trăng.

Người đại diện hợp pháp của ông Hào: Ông Võ Tuấn N, cư trú tại: khóm O, phường K, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 19/11/2018). Ông N có mặt tại phiên tòa.

- Người kháng cáo: Bà Ngô Thị L là nguyên đơn.

- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Trong đơn khởi kiện ngày 09/11/2017, các biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa nguyên đơn bà Ngô Thị L trình bày:

Năm 2014, bà có hợp đồng mua bán tôm với bà Lâm Thị P với hình thức là bà trực tiếp đến ao nuôi tôm của người nuôi để mua và bán lại cho bà P để hưởng giá chênh lệch một ký lô gam từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng. Hai bên thỏa thuận bằng miệng và không có làm hợp đồng bằng văn bản. Trong quá trình mua bán tôm, bà P còn nợ bà 03 hóa đơn, cụ thể: Hóa đơn ngày 28/10/2014 với số tiền là 474.050.000 đồng, hóa đơn ngày 10/11/2014 với số tiền là 157.619.000 đồng và hóa đơn ngày 02/12/2014 với số tiền là 300.000.000 đồng, tổng cộng số tiền còn nợ là 931.669.000 đồng. Bà nhiều lần yêu cầu bà P thanh toán số tiền nêu trên, bà P hứa nhưng vẫn không thanh toán. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà L yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà P phải trả cho bà số tiền còn nợ là 931.669.000 đồng.

- Tại các biên bản ghi lời khai cũng như tại phiên tòa bị đơn bà Lâm Thị P trình bày:

Bà có hợp đồng mua bán tôm với bà Ngô Thị L vào năm 2015, còn thời gian cụ thể không nhớ. Hình thức mua bán là mua đứt bán đoạn, không có làm hợp đồng bằng văn bản. Mỗi lần mua tôm do bà L mang lại bán, bà đều trả tiền đầy đủ theo từng hóa đơn cho bà L. Hiện nay hai bên không còn mua bán với nhau nữa và bà không có nợ tiền của bà L. Còn các hóa đơn mua tôm do bà L cung cấp đúng là của cơ sở thu mua tôm của bà, nhưng có tờ thì bà P ghi. Cụ thể: Hóa đơn ngày 28/10/2014 chữ “Chế Lý” và dòng chữ “còn tiền thiếu chế lý 674,05000” bằng mực đỏ là do bà L ghi, còn dòng chữ “trả còn lại” và số tiền “2000000 và 474.050000” bằng mực xanh là do bà ghi; các hóa đơn ngày 10/11/2014 và 02/12/2014 toàn bộ nội dung ghi trong hóa đơn không phải chữ viết của bà. Nguyên nhân là bà P thuê chỗ thu mua tôm nơi khác (Nhà ông G) và do cẩu thả đã vứt bỏ các hóa đơn cũ lung tung tại kho HM đã thuê trước đó. Sau đó, bà L tiếp tục thuê lại kho HM để thu mua tôm, từ đó bà L mới có các hóa đơn nêu trên. Bà L là người rất khó tính, nếu các hóa đơn còn thiếu thì phải yêu cầu bà ký tên và không để đến thời điểm này mới khởi kiện. Khoảng 02 năm nay, bà L không có gặp bà và cũng không có đề cập đến việc nợ tiền mua tôm. Đồng thời, các hóa đơn do bà L cung cấp mặc dù là của cơ sở thu mua tôm của bà, nhưng bà cho rằng không có chữ ký của bà và không phải do bà viết. Do đó, bà Ngô Thị L khởi kiện yêu cầu bà phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn nợ là 931.669.000 đồng bà không đồng ý. Vì bà không còn nợ tiền của bà L. 

Sự việc được Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số: 10/2018/KDTM-ST ngày 06/9/2018 đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 144, 146, 147, 161 và 162; khoản 2 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ các Điều 24, 34, 35, 37, 50, 55 Luật Thương mại năm 2005; căn cứ khoản 1 Điều 275; các Điều 280, 385, 398 Bộ luật Dân sự năm 2015; căn cứ khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ngô Thị L đối với bị đơn bà Lâm Thị P về việc yêu cầu thanh toán số tiền 931.669.000 đồng (Chín trăm ba mươi mốt triệu sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng). Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 19/9/2018, nguyên đơn bà Ngô Thị L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét buộc bà Lâm Thị P phải trả cho bà số tiền còn thiếu là 931.669.000 đồng (Theo 03 hóa đơn, hóa đơn ngày 28/10/2014 số tiền 474.050.000 đồng, hóa đơn ngày 10/11/2014 số tiền 157.619.000 đồng, hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng).

Ngày 21/9/2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu ban hành Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS-KDTM về việc kháng nghị một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 10/2018/KDTM-ST ngày 06 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị L đối với 02 hóa đơn ngày 28/10/2014 và ngày 10/11/2014 để buộc bà Lâm Thị P thanh toán cho bà L số tiền 631.669.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Ngô Thị L không rút đơn khởi kiện, nhưng rút một phần nội dung đơn đơn kháng cáo đối với hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng và bà cho rằng ngay sau khi bà P chuyển sang địa điểm kinh doanh khác thì bà có thuê lại địa điểm kinh doanh cũ mà bà P đã thuê trước đây, còn đối với hóa đơn bà P trả 200.000.000 đồng là sau khi ra hóa đơn từ 10 đến 15 ngày. Ngoài ra, bà không yêu cầu ông Phan Văn H cùng có nghĩa vụ liên đới với bà Lâm Thị P trả nợ cho bà, bà chỉ yêu cầu một mình bà P trả nợ; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị HĐXX căn cứ vào kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng để làm căn cứ giải quyết vụ án, vì không có căn cử để trưng cầu giám định lại theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; từ đó đề nghị xác định bà P có thiếu bà L đối với 02 hóa đơn ngày 28/10/2014 và hóa đơn ngày 10/11/2014, để buộc bà P trả cho bà L số tiền 631.669.000 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng tính đến ngày nguyên đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết, nên đề nghị HĐXX áp dụng thời hiệu. Ngoài ra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng chỉ dựa vào kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Sóc Trăng là không có tính thuyết phục, vì lần đầu chỉ có 01 giám định viên thực hiện và là đơn vị cấp dưới, còn việc giám định lần hai là do 02 giám định viên và là đơn vị cấp trên, nên độ chính xác cao hơn nhiều. Đồng thời, các hóa đơn bà L kiện và cung cấp cho Tòa án là không rõ ràng, không đầy đủ, không có ghi người nhận nợ và lời trình bày của nguyên đơn còn nhiều mâu thuẫn trước sau không thống nhất, không chứng minh được các hóa đơn bà L kiện là do bà P ghi nợ cho bà L vì bà L mua bán với bà P là từ tháng 3/2015 chứ không phải năm 2014 và căn cứ vào kết luận giám định lần hai, đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của bà L và bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng là trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật về tố tụng. Về nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cụ thể là kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng, không có căn cứ để trưng cầu giám định lại theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng Tòa án trưng cầu giám định lại là không đúng và qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa, căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu và chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà L, áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu theo hướng buộc bà P có trách nhiệm trả cho bà L số tiền 631.669.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:

[1] Tại phiên tòa, bị đơn bà Lâm Thị P và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Văn H vắng mặt, nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa. HĐXX căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2] Về người kháng cáo, kháng nghị; nội dung, hình thức đơn kháng cáo, kháng nghị và thời hạn kháng cáo, kháng nghị của nguyên đơn bà Ngô Thị L và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu là đúng quy định tại Điều 271, Điều 272 và khoản 1 Điều 273, 278 và khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, được Tòa án chấp nhận và tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bà Ngô Thị L về việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét buộc bà Lâm Thị P phải trả cho bà số tiền còn thiếu là 931.669.000 đồng. Thấy rằng, để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bà là có căn cứ và hợp pháp, phía bà L có cung cấp 03 hóa đơn với tổng số tiền 931.669.000 đồng, nhưng phía bà P không đồng ý với các hóa đơn này. Ngoài ra, theo nội dung đơn khởi kiện bà L cho rằng bà với bà P có hợp đồng mua bán tôm xú với nhau từ năm 2014, còn bà P thì xác định từ khoảng tháng 3 năm 2015; nhưng tại biên bản lấy khai người làm chứng ông Lê Út L, ông Trần Tài X, ông Thạch Quang M xác định việc mua bán tôm giữa bà L với bà P là khoảng từ tháng 3/2015 âm lịch (Tức là khoảng tháng 4 - 5/2015 dương lịch), nhưng ông L có mối quan hệ bà con với bà P, còn ông X, ông M là người làm công cho bà P, nên lời khai của những người này chưa đảm bảo tính xác thực, vì vậy chưa đủ căn cứ xác định giữa bà L với bà P có hợp đồng mua bán tôm xú chính xác là thời gian nào.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Ngô Thị L rút một phần nội dung đơn kháng cáo đối với hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng. Xét thấy, việc rút một phần đơn kháng cáo của bà L là hoàn toàn tự nguyện, không trái với quy định của pháp luật, nên HĐXX căn cứ khoản 3 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần nội dung kháng cáo của bà L đối với hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

[5] Xét hóa đơn ngày 28/10/2014, số tiền 474.050.000 đồng, theo kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng xác định chữ “Chế L”, “chế L 647,05000”, “P” và “ngày 28/10/2014” so với mẫu của bà P do cùng một người viết ra; còn theo kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận là không đủ cơ sở kết luận chữ “L” tại cột họ tên, chữ “L” ở dòng chữ còn tiền thiếu chế l, chữ “P” tại cột thành tiền và số “28, 10, 14” tại mục ngày 28/10/2014 so với mẫu của bà P là có phải do cùng một người viết ra hay không. Như vậy, cả hai lần giám định có kết luận khác nhau, nhưng theo văn bản giải thích kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh xác định khi tiến hành nghiên cứu, phân tích, so sánh, đánh giá, tổng hợp các đặc điểm của chữ ký, chữ viết trên tài liệu cần giám định và các đặc điểm của chữ ký, chữ viết dùng làm mẫu so sánh cho thấy chữ ký, chữ viết cần giám định có ít đặc điểm cá biệt, ổn định nên không đủ cơ sở kết luận; kết luận của Phân viện khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở khoa học và ứng dụng trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, vì vậy đảm bảo tính khách quan, khoa học và chính xác. Do đó, tuy bà P thừa nhận bà có ghi trả 2,000000, còn lại 474,050000, nhưng không có nghĩa là bà P trả cho bà L và còn nợ lại số tiền này, vì chữ “L” ở cột họ tên và chữ “L” ở dòng chữ còn tiền thiếu chế lý và chữ “P” phía dưới không đủ cơ sở kết luận là do bà P ghi, nên không đủ căn cứ xác định hóa đơn ngày 28/10/2014 là do bà P ghi nợ đối với bà L. Mặt khác, giữa bà L với bà P có hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vào ngày 23/01/2015 (Tức là sau khi có hóa đơn ngày 28/10/2014 gần 03 tháng và sau khi có hóa đơn ngày 02/12/2014 là 21 ngày) để bà P vay của bà L số tiền 500.000.000 đồng thì được làm bằng văn bản rõ ràng và được công chứng hợp pháp (Bút lục số 259, 260, 261, 262, 263), điều đó thể hiện tính cẩn thận và tỉ mỉ của bà L, thì không cớ gì lại chấp nhận cho bà P thiếu với số tiền rất lớn như vậy nhưng nội dung ghi quá sơ sài, các con số ghi không đầy đủ, không rõ ràng, có ghi thêm số 0 ở cuối mỗi dãy số và không có người ký nhận nợ. Ngoài ra, theo đơn khởi kiện (Bút lục số 25) bà L xác định đối với hóa đơn này bà P trả cho bà được 200.000.000 đồng và tại phiên tòa phúc thẩm bà L xác định bà P trả sau ngày ra hóa đơn từ 10 đến 15 ngày, nhưng tại biên bản lấy khai ngày 11/01/2018 (Bút lục số 04) bà L xác định bà P đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cầm cố cho bà để vay 500.000.000 đồng, nhưng bà trừ ngang 200.000.000 đồng chứ không phải trả tiền mặt; lời trình bày trước sau có mâu thuẫn, vì việc thế chấp vay tiền là gần 03 tháng sau chứ không phải vào ngày 28/12/2014 hoặc sau đó từ 10 đến 15 ngày để trừ 200.000.000 đồng để ghi vào hóa đơn nêu trên. Chính vì vậy, hóa đơn nêu trên là không đủ cơ sở xác thực việc bà P ghi nợ đối với bà L.

[6] Xét hóa đơn ngày 10/11/2014 số tiền 157.619.000 đồng, theo kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng xác định chữ “Chế L” và ngày “10/11/2014” so sánh với mẫu của bà P là do cùng một người viết ra; còn theo kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận là không đủ cơ sở kết luận chữ “L” và số “10, 11, 14” tại mục ngày 10/11/2014 so với mẫu của bà P là có phải do cùng một người viết ra hay không. Tuy nhiên, hóa đơn này chỉ thể hiện số lượng sú, thẻ, thành tiền nhưng không ghi nhận nợ và cũng không có người ký nhận nợ, nên không đủ cơ sở xác thực việc bà P ghi nợ đối với bà L về số tiền ghi trong hóa đơn này.

[7] Ngoài ra, tại đơn kháng cáo (Bút lục số 154) bà L xác định đến năm 2016 bà P đem tiền đến chuộc lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thấy bà P có tiền nên bà đòi nợ, bà P hẹn lần hẹn lựa không trả nên đến năm 2017 bà mới khởi kiện, nhưng thực chất đến ngày 23/01/2018 bà P mới trả tiền vay cho bà L để chuộc lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có làm hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thế chấp nêu trên được công chứng hợp pháp và bà L mới trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà P (Bút lục số 256, 257, 258). Bên cạnh, tại biên bản lấy khai ngày 11/5/2018 (Bút lục số 09) bà L xác định đối với hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng là do bà mua tôm của bà A 1.750kg, còn 2.915kg bà mua của người dân khác bà không nhớ tên, nhưng khi kháng cáo bà L tường trình bổ sung gửi kèm theo (Bút lục số 158) xác định số lượng 2.915kg là do bà xổ tôm nhà; từ đó cho thấy lời trình bày của bà L không mang tính khách quan, không có sự việc thật, nên không có tính thuyết phục. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm bà L thừa nhận là ngay sau khi bà P chuyển sang địa điểm kinh doanh khác thì bà L có thuê lại địa điểm kinh doanh cũ mà bà P đã thuê trước đây, nên việc bà P trình bày khi chuyển sang địa điểm kinh doanh khác thì các hóa đơn nêu trên bà đã bỏ lại vựa không đem về là có cơ sở và sau khi nhặt được các hóa đơn trên bà L khởi kiện bà P để yêu cầu trả tiền là không có căn cứ để chấp nhận. Điều này được khẳng định từ việc bà L có cung cấp kèm theo 02 hóa đơn của cơ sở thu mua thủy sản Phương nhưng không ghi họ tên ai, không có ngày tháng năm, nội dung hóa đơn không rõ ràng, đây cũng có thể là những hóa đơn do bà P đã vứt bỏ tại vựa, nhưng có đánh dấu “S” tức là trả xong nên không kiện được đối với 02 hóa đơn này. Ngoài ra, bà L cho rằng bà P đưa cho bà 02 hóa đơn này, nhưng không phù hợp với lẽ thường tình, vì bao giờ người trả tiền cũng giữ lại hóa đơn để làm cơ sở. Mặt khác, bà L không chứng minh được các hóa đơn bà khởi kiện là do bà P đưa cho bà.

[8] Từ những phân tích nêu trên, toàn bộ kháng cáo của bà Ngô Thị L đối với hóa đơn ngày 28/10/2014, số tiền 474.050.000 đồng và hóa đơn ngày 10/11/2014 số tiền 157.619.000 đồng, tổng cộng số tiền 631.669.000 đồng là không có căn cứ để HĐXX chấp nhận, nên căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, để giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu.

[9] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu về việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa một phần bản án kinh doang thương mại sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị L đối với 02 hóa đơn ngày 28/10/2014 và ngày 10/11/2014 để buộc bà Lâm Thị P thanh toán cho bà L số tiền 631.669.000 đồng. Xét thấy, kháng nghị nêu trên là không có cơ sở như vừa nhận định, nên không được HĐXX chấp nhận.

[10] Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị HĐXX căn cứ vào kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng để làm căn cứ giải quyết vụ án, vì không có căn cử để trưng cầu giám định lại theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; từ đó đề nghị xác định bà P có thiếu bà L đối với 02 hóa đơn ngày 28/10/2014 và hóa đơn ngày 10/11/2014, để buộc bà P trả cho bà L số tiền 631.669.000 đồng. Thấy rằng, ở cấp sơ thẩm tuy bà P không có yêu cầu giám định lại và giám định bổ sung, nhưng đến cấp phúc thẩm thì bà P có yêu cầu giám định lại và giám định bổ sung, đây là quyền yêu cầu của đương sự và xét thấy cần thiết theo quy định tại khoản 4 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên Tòa án chấp nhận yêu cầu giám định bổ sung. Mặt khác, thấy rằng kết luận giám định lần hai là do cơ quan cấp trên, do nhiều giám định viên thực hiện, nên độ chính xác cao hơn; vì vậy, không thể chỉ căn cứ duy nhất vào kết luận giám định lần đầu để làm căn cứ giải quyết vụ án, như thế sẽ không khách quan và toàn diện. Vì vậy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị căn cứ vào kết luận giám định lần đầu để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận như vừa nhận định.

[11] Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng tính đến ngày nguyên đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết, nên đề nghị HĐXX áp dụng thời hiệu. Xét thấy, đối với 02 hóa đơn ngày 28/10/2014 và hóa đơn ngày 10/11/2014 đến ngày Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu nhận đơn khởi kiện là ngày 15/11/2017 thì thời hiệu khởi kiện đã hết, nhưng Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng yêu cầu này phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm, nên không được HĐXX chấp nhận. Ngoài ra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng chỉ dựa vào kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Sóc Trăng là không có tính thuyết phục, vì lần đầu chỉ có 01 giám định viên thực hiện và là đơn vị cấp dưới, còn việc giám định lần hai là do 02 giám định viên thực hiện và là đơn vị cấp trên, nên độ chính xác cao hơn nhiều. Đồng thời, các hóa đơn bà L kiện và cung cấp cho Tòa án là không rõ ràng, không đầy đủ, không có ghi người nhận nợ và lời trình bày của bà L còn nhiều mâu thuẫn trước sau không thống nhất, không chứng minh được các hóa đơn bà L kiện là do bà P ghi nợ cho bà L vì bà L mua bán với bà P là từ tháng 3/2015 chứ không phải năm 2014 và căn cứ vào kết luận giám định lần hai, đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của bà L và bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu. Xét thấy, đề nghị trên là có căn cứ chấp nhận như vừa nhận định.

[12] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do kháng cáo của bà L không được chấp nhận nên bà L phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[13] Chi phí giám định: Chi phí giám định lần 2 số tiền 2.674.000 đồng, do kháng cáo của bà L không được chấp nhận, nên bà L phải chịu theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, số tiền này bà P đã nộp tạm ứng trước, nên bà L có nghĩa vụ trả cho bà P số tiền 2.674.000 đồng.

[14] Đối với lời trình bày của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để trưng cầu giám định lại theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành trưng cầu giám định lại là không đúng, nên đề nghị căn cứ vào kết luận giám định lần đầu của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng để chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu và chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà L, áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu theo hướng buộc bà P có trách nhiệm trả cho bà L số tiền 631.669.000 đồng là chưa có tính thuyết phục, nên không được HĐXX chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 6 Điều 313 và khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 161, khoản 3 Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần nội kháng cáo của nguyên đơn bà Ngô Thị L đối với hóa đơn ngày 02/12/2014 số tiền 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

2. Không chấp nhận đối với Quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS- KDTM ngày 21/9/2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Vĩnh Châu về việc kháng nghị một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 10/2018/KDTM-ST ngày 06 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu.

3. Không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà Ngô Thị L đối với hóa đơn ngày 28/10/2014 và hóa đơn ngày 10/11/2014, với tổng số tiền 631.669.000 đồng (Sáu trăm ba mươi mốt triệu sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng).

4. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 10/2018/KDTM-ST ngày 06/9/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Án tuyên như sau:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ngô Thị L đối với bị đơn bà Lâm Thị P về việc yêu cầu thanh toán số tiền 931.669.000 đồng (Chín trăm ba mươi mốt triệu sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng).

5. Chi phí giám định ở giai đoạn phúc thẩm: Bà Ngô Thị L phải chịu số tiền 2.674.000 đồng, do bà Lâm Thị P đã nộp tạm ứng trước, nên bà L có nghĩa vụ trả lại cho bà P số tiền 2.674.000 đồng (Hai triệu sáu trăm bảy mươi bốn nghìn đồng).

6. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Nguyên đơn bà Ngô Thị L phải chịu số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền bà L đã nộp tạm ứng theo các biên lai thu số 0003959 ngày 21/9/2018 và biên lai thu số 0003990 ngày 17/10/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Xem như bà L nộp đủ tiền án phí phúc thẩm.

7. Các phần khác của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm (Tại số 2 và 3 trong phần tuyên xử) không có kháng cáo, kháng nghị, không ghi trong phần quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

8. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì những người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

503
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/KDTM-PT ngày 09/04/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:02/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 09/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về