Bản án 02/2019/HS-PT ngày 14/01/2019 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 02/2019/HS-PT NGÀY 14/01/2019 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Từ ngày 09 đến ngày 14 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 188/2018/TLPT-HS ngày 13/11/2018 đối với bị cáo Võ Thị Bích H do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 26/2018/HSST ngày 20 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Khánh Hòa.

- Bị cáo có kháng cáo: Võ Thị Bích H, sinh ngày 17/5/1983 tại Tỉnh P; nơi ĐKNKTT: Tổ dân phố M, thị trấn V, huyện N, tỉnh Khánh Hòa; nghề nghiệp: Nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N; trình độ văn hóa: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Võ Tấn H và bà Đào Thị Kim Y; chồng: Ngô Quang Đ (đã ly hôn); có 02 con, lớn S năm 2007, nhỏ S năm 2011; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Văn Ph và Luật sư Đỗ Thị Ngọc M - Công ty Luật TNHH Khánh Hòa thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của bị cáo. Có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại: Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N; địa chỉ: Số 473 đường Hùng Vương, thị trấn V, huyện N, tỉnh Khánh Hòa.

Do ông Nguyễn Trường S – Giám đốc Trung tâm làm đại diện. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 5/2014 đến ngày 07/01/2016, Võ Thị Bích H được phân công làm thủ quỹ của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N, tỉnh Khánh Hòa. Tổng số quỹ tiền mặt của Trung tâm Phát triển quỹ đất cho đến ngày 05/01/2016 là 758.600.872 đồng để trong két sắt tại cơ quan. Đây là tiền Nhà nước do Ủy ban nhân dân huyện N giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N quản lý để thực hiện việc đền bù giải tỏa cho các hộ dân trên địa bàn huyện N bị ảnh hưởng do thi công các công trình: Dự án mở rộng Quốc lộ 1A (nguồn vốn BOT và vốn trái phiếu Chính phủ); Dự án mở rộng đường A, thị trấn V; Dự án Hầm đường bộ qua Đèo C và tiền chi thường xuyên của các dự án trên. Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 05/01/2016, có ông Nguyễn Trí T đến nhận tiền bồi thường giải tỏa mở rộng đường A, thị trấn V nên H mở két sắt để tại Phòng kế toán lấy tiền đem qua Phòng Phát triển quỹ đất (nơi H làm việc) và giao cho ông Nguyễn Trí T số tiền 20.117.000 đồng. Sau khi chi tiền xong, H đem số tiền còn lại cất vào két sắt, khóa két sắt lại và để chùm chìa khóa trên nóc két sắt. Khoảng 11 giờ 15 phút cùng ngày, H bấm khóa cửa phòng làm việc của kế toán là nơi để két sắt và ra về. Đến 13 giờ 45 phút cùng ngày, H đi làm, khi đến cơ quan gặp chị Nguyễn Thị Thu K là Kế toán của Trung tâm Phát triển quỹ đất, H hỏi mượn chìa khóa của chị K để mở cửa vào phòng thì phát hiện cửa két sắt đã mở, tiền trong két sắt bị mất. Sau khi kiểm tra chỉ còn lại số tiền 1.502.500 đồng nên H báo cáo sự việc cho lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Nhận được tin báo, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiến hành xem xét xung quanh Trung tâm và các phòng Giám đốc, Phòng Hành chính – R vụ, Phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất, không phát hiện dấu vế nghi vấn. Toàn bộ mặt chính của két sắt không có dấu hiệu bị cạy phá và biến dạng. Qua khám nghiệm phát hiện: 01 dấu vết đường vân trên tay cầm của chìa khóa có số hiệu “0101” là dấu vân tay ngón trỏ phải của Võ Thị Bích H, không có dấu hiệu trộm cắp tài sản xẩy ra tại Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Quá trình điều tra, H khai nhận trong số tiền 758.600.872 đồng thì trước đó H lấy sang phòng làm việc của H chi trả tiền cho dân và để quên trong tủ đựng giấy vụn hai cọc tiền, một cọc là 260.000.000 đồng và một cọc là 87.472.000 đồng. Ngoài ra, trước khi bàn giao quỹ lại cho H, chị Trần Thị Tuyết Tr có làm thất thoát 8.000.000 đồng, chị Nguyễn Hạnh Đ làm thát thoát 17.000.000 đồng; H chi tạm ứng cho các nhân viên trong cơ quan gồm: anh Lê Xuân B 12.000.000 đồng, chị Nguyễn Thị Thu K 10.000.000 đồng; H tự ý tạm ứng 10.000.000 đồng để tiêu xài cá nhân mà không có giấy tờ tạm ứng, không được sự đồng ý phê duyệt của lãnh đạo đơn vị.

Tổng các khoản tiền: H để quên trong tủ; số tiền còn lại trong két sắt; tiền chị Tr, chị Đ làm thất thoát; tiền anh B, chị K tạm ứng là 395.974.000 đồng. Số tiền còn lại là 362.626.372 đồng, gồm 10.000.000 đồng H tự tạm ứng và 352.626.372 đồng thất thoát.

Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2018/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện N đã quyết định: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 353; điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Võ Thị Bích H. Xử phạt bị cáo Võ Thị Bích H 07 (bảy) năm tù. Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 01/10/2018, bị cáo Võ Thị Bích H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

+ Tại phiên tòa, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

+ Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa: Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ. Vì bị cáo H làm thủ quỹ, bị cáo được giao két sắt để quản lý tiền, chỉ một mình bị cáo biết mật mã két sắt. Cơ quan điều tra đã khám nghiệm hiện trường, xác định không có dấu vết đột nhập; dấu vân tay thu được tại chìa khóa két sắt là dấu vân tay của bị cáo; chị K ra về khi bị cáo vào phòng lấy tiền; buổi trưa Cơ quan có bảo vệ và bảo vệ ngồi cách phòng kế toán không xa, nên có đủ cơ sở khẳng định không có dấu hiệu trộm cắp. Cấp sơ thẩm đã chứng minh không có vụ trộm cắp xảy ra, thì chính bị cáo là người chiếm đoạt số tiền 362.626.372 đồng. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

+ Bị cáo trình bày: Bị cáo không chiếm đoạt số tiền như bản án sơ thẩm đã tuyên. Số tiền này bị mất, bị cáo cũng không biết ai lấy, nhưng trách nhiệm của bị cáo làm thủ quỹ, quản lý tiền của Trung tâm phát triển quỹ đất mà để xảy ra mất tiền, nên bị cáo nghĩ mình phải có trách nhiệm đền bù.

Bị cáo không nói chị K lấy số tiền này, nhưng chị K cũng giữ 2 chìa khóa két, nên cũng có thể có người sao chép chìa khóa này. Hơn nữa, bảo vệ cơ quan trưa hôm đó nhà có đám giỗ, biết đâu trong ca trực cũng có thể ngủ; cửa hông phía sau cơ quan lại mở. Bị cáo lấy tiền để làm gì, để trong một thời gian ngắn phải bán hết tài sản để đền bù số tiền bị mất.

Hiện trường thu giữ được 3 dấu đường vân, nhưng mới tìm thấy 01 đường vân, còn 02 dấu vân tay còn lại không xác định được của ai. Vậy tại sao Viện kiểm sát lại quy kết bị cáo tham ô, chỉ vì cho rằng bị cáo là người giữ tiền mà tiền bị mất, tức là bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này là oan ức cho bị cáo.

+ Luật sư Đỗ Thị Ngọc M bào chữa cho bị cáo trình bày:

- Quá trình điều tra và xét xử ở cấp sơ thẩm vẫn chưa làm rõ được ý thức chiếm đoạt tài sản của bị cáo.

- Mật mã khóa két để tiền không thay đổi từ khi anh R và chị Tr còn làm thủ quỹ của Trung tâm phát triển quỹ đất đến khi bị cáo làm thủ quỹ, điều này đã được ông Nguyễn Tấn D (Giám đốc Trung tâm) xác nhận tại phiên tòa và chìa khóa két có 2 bộ, chị K và bị cáo H đều có (mỗi người giữ một bộ).

- Khám nghiệm hiện trường, có 3 dấu vết đường vân, nhưng chỉ làm rõ được 01 dấu vết vân tay trên chìa khóa theo giám định, 02 dấu vết đường vân còn lại không thể xác định được.

- Số tiền bị thất thoát đối chiếu giữa bị cáo và kế toán còn chưa chính xác; số tiền chi sai, chi nhầm đã được thu về chưa, thể hiện trên chứng từ nào. Nên cần phải giám định tài chính để xác định chính xác số tiền bị thất thoát. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

+ Luật sư Nguyễn Văn Ph bào chữa cho bị cáo trình bày: Biên bản phiên tòa và Bản án sơ thẩm đã hư cấu quá nhiều, phản ánh không đúng sự thật.

- Kết luận điều tra và Cáo trạng xác định bị cáo tạo hiện trường giả, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát đã rút bỏ cáo buộc này, Bản án sơ thẩm không đề cập đến nội dung này, điều đó đồng nghĩa đây là hiện trường thật, vậy ai là người mở khóa két. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác định và chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo, nhưng lại quy kết bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”, đây là sự suy đoán không có căn cứ.

- Xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo là dấu hiệu bắt buộc của tội “Tham ô tài sản”. Nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được bị cáo sửa chữa chứng từ, sổ sách, tài liệu mà chỉ căn cứ vào việc đối chiếu sổ sách kế toán để kế tội bị cáo Tham ô tài sản là không phù hợp với ý thức chủ quan của bị cáo. Trong khi việc bàn giao sổ sách rất sơ sài, bị cáo không mở sổ sách theo dõi.

- Cơ quan điều tra thu giữ 02 chùm chìa khóa két; có sự mâu thuẫn trong lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Thu K về việc giao nộp 2 chìa khóa két này (sau đó chùm chìa khóa này đã bị mất) thể hiện sự khuất tất, không rõ ràng.

- Ngày 05/01/2016, trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 11 giờ 15 phút cửa phòng để két sắt không khóa vì chị K đã ra về, còn bị cáo H thì ngồi ở phòng làm việc bên cạnh. Từ 11 giờ 15 phút bị cáo H và mọi người ở tầng trệt đã về, 11 giờ 30 phút bảo vệ cơ quan mới đến trực. Như vậy, có khoảng 30 phút phòng để két sắt không ai quản lý thì việc trộm có thể xảy ra không thể loại trừ vì K cũng có chìa khóa két sắt. Ngoài ra, mã số két sắt 2 thủ quỹ cũ là anh R và chị Tr cũng biết.

- Bị cáo làm thủ quỹ nhưng két sắt lại để ở phòng kế toán, chìa khóa két thì kế toán cũng có. Trong giờ làm việc bị cáo chỉ khóa chìa, không khóa số để tiện lấy tiền chi đền bù. Vậy đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát tài sản hay không, vấn đề này cũng chưa được làm rõ.

- Số tiền 10 triệu đồng bị cáo khai là mượn sử dụng sau đó sẽ trả lại, bị cáo không sửa chữa chứng từ sổ sách, tức bị cáo không có ý thức, không có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Bản giải trình bị cáo ghi năm 2016, nhưng không có ngày, tháng. Chứng cứ này không biết xuất hiện từ đâu, không có chữ ký xác nhận của cán bộ điều tra là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự, nên không thể sử dụng để làm chứng cứ.

- Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Hội đồng xét xử sơ thẩm không cho bị cáo trình bày việc tự bào chữa mà kết tội bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Hành vi của bị cáo không mở sổ sách theo dõi số tiền quỹ của Trung tâm, bị cáo có trách nhiệm quản lý quỹ tiền mặt nhưng đã để thất thoát. Do vậy hành vi của bị cáo chỉ có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp”.

- Việc bàn giao sổ sách rất sơ sài, không mở sổ sách theo dõi đối chiếu; các khoản chi chưa rõ ràng, một số chứng từ chưa được thu thập đầy đủ. Về số tiền thất thoát, cấp sơ thẩm căn cứ vào số liệu của kế toán chốt sổ mà không đối chiếu chứng từ kế toán với thủ quỹ là thiếu khách quan. Vì vậy, cần phải có kết luận của giám định tài chính về số tiền thất thoát. Do đó, cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

+ Ý kiến của đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện N, ông Nguyễn Trường S trình bày: Bị cáo H làm nhiệm vụ thủ quỹ của Trung tâm đã để xảy ra việc thất thoát tài sản, sau đó bị cáo đã khắc phục đền bù toàn bộ số tiền bị mất. Hiện tại hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn, đã ly hôn lại nuôi hai con nhỏ, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo hình phạt nhẹ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

* Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo còn trong thời hạn, nên xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

* Về nội dung kháng cáo: Bị cáo vẫn cho rằng bị cáo không phạm tội “Tham ô tài sản” vì bị cáo không chiếm đoạt số tiền 362.626.372 đồng.

[1] Nhận thấy: Bị cáo được giao làm nhiệm vụ thủ quỹ tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N từ tháng 5 năm 2014. Ngày 05/01/2016, khi bị cáo và chị K đến cơ quan, bị cáo đã mượn chìa khóa của chị K để mở cửa phòng, khi bị cáo cùng chị K vào phòng thì phát hiện tủ két sắt bị mở, số tiền quỹ của Trung tâm đã bị mất chỉ còn lại số tiền 1.502.500 đồng. Qua việc đối chiếu sổ sách, chứng từ kế toán, xác định số tiền bị mất là 362.626.372 đồng, trong đó có 10.000.000 đồng bị cáo tự ý lấy sử dụng. Cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền này và xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản”.

[2] Hội đồng xét xử xét thấy: Việc cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt toàn bộ số tiền 362.626.372 đồng là chưa đủ sở pháp lý (trừ số tiền 10.000.000 đồng bị cáo tự ý lấy sử dụng cho cá nhân), vì những lý do sau:

- Khi nhận nhiệm vụ làm thủ quỹ bị cáo được bàn giao quản lý 01 tủ két sắt để tiền, nhưng tủ két sắt này lại được đặt trong phòng kế toán, trong khi bị cáo ngồi làm việc ở phòng phát triền quỹ đất gần bên. Chiếc tủ két sắt ngoài việc khóa bằng khóa số có mật mã, còn có hai ổ khóa chìa. Nhưng 2 chìa khóa này không chỉ mình bị cáo có, mà kế toán Nguyễn Thị Thu K cũng có 2 chìa khóa mở được 02 ổ khóa két sắt này. Ngoài ra, bị cáo khai ngày 05/01/2016, sau khi mở tủ lấy tiền để chi trả cho hộ dân, bị cáo chỉ dùng khóa chìa để khóa két (không dùng khóa số để khóa két).

- Chị H khai ra về lúc 10 giờ 55, bị cáo khai “khi mở tủ lấy tiền thì chị K cũng vừa ra về” (BL 49). Như vậy, chị K ra về trước bị cáo. Sau khi chi trả tiền xong, bị cáo về phòng làm việc đến 11 giờ 15 phút thì đi qua phòng kế toán (phòng chị K) để đóng cửa ra về và đã để quên chìa khóa két trên nóc tủ két. Đến 11 giờ 30 phút, anh Vũ Ngọc X là bảo vệ cơ quan đến nhận ca trực đã xác định cơ quan chỉ còn anh Lê Xuân B đang làm việc ở tầng 1. Khoảng 12 giờ kém anh B ra về, anh X đi kiểm tra xung quanh và đóng cửa ra vào ở phía sau cơ quan rồi khép cửa cổng chính. Như vậy, có khoảng 15 phút Cơ quan không có người bảo vệ và cửa hông phía sau cơ quan không đóng cửa.

- Khám nghiệm hiện trường tại phòng kế toán (nơi đặt két tiền), thể hiện: Hiện trường đã bị xáo trộn do sự đi lại của nhân viên trong Trung tâm; dấu vết để lại tại hiện trường chỉ thu được 03 dấu vết đường vân: 01 dấu vết đường vân trên tay cầm của chìa khóa; 01 dấu vết đường vân trên tay cầm của két sắt; 01 dấu vết đường vân phía ngoài trên tay nắm cửa ra vào. Hệ thống khóa cửa phòng kế toán không phát hiện dấu vết biến dạng, cạy phá.

- Kết quả giám định 03 dấu vết đường vân nói trên, chỉ xác định được 01 dấu vết đường vân trên tay cầm của chìa khóa có số hiệu “0101’ là dấu vân tay ngón trỏ phải của bị cáo H, còn 02 dấu vết đường vân còn lại “không đủ cơ sở để tiến hành giám định do số lượng đặc điểm ít, một số đường vân bị mờ, nhòe”.

Vậy chùm chì khóa thu được tại hiện trường (trên nóc tủ) là của bị cáo do bị cáo sử dụng và bỏ quên (chị K là người thấy và xác nhận điều này) nên dấu vân tay đương nhiên là của bị cáo. Tuy nhiên, chị K cũng có 2 chìa khóa mở két giống như của bị cáo. Tại hiện trường còn thu được 2 dấu vết đường vân khác trên tay cầm của két sắt và tay nắm cửa ra vào, nhưng lại không xác định được dấu vân tay này vì không giám định được.

Như vậy, với kết quả khám nghiệm hiện trường và kết luận giám định nêu trên chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định bị cáo chiếm đoạt số tiền 352.626.372 đồng, vì cấp sơ thẩm chưa chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Việc cấp sơ thẩm xác định bị cáo chiếm đoạt số tiền bị mất chỉ vì bị cáo là người có trách nhiệm quản lý tiền mặt và căn cứ vào kết quả đối chiếu sổ sách kế toán xác định số tiền bị thất thoát, từ đó quy kết bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” là chưa phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, chưa thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.

Mặt khác, Kết luận điều tra và Cáo trạng trước đó đã xác định “bị cáo đã tạo dựng hiện trường giả vụ mất trộm tài sản nhằm che giấu hành vi phạm tội chiếm đoạt số tiền 352.626.327 đồng”. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã không còn đề cập đến cáo buộc này. Điều đó có nghĩa đây là hiện trường thật. Vậy ai là người đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (vào phòng mở két lấy tiền). Vấn đề này, cấp sơ thẩm chưa chứng minh được ý thức chủ quan và hành vi khách quan của bị cáo, mà quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền trên là chưa đủ cơ sở pháp lý.

[3] Riêng đối với số tiền 10.000.000 đồng: Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai “chiếm đoạt số tiền này để sử dụng cho mục đích cá nhân”, nhưng sau đó bị cáo lại khai rằng số tiền này bị cáo chỉ mượn để sử dụng.

Xét thấy: Việc bị cáo khai mượn số tiền này để sử dụng, nhưng bị cáo lại không cung cấp được giấy tờ, tài liệu nào khác để chứng minh. Tại phiên tòa ông Nguyễn Tấn D - Giám đốc Trung tâm cũng xác định không biết gì về việc này. Trong khi bị cáo là thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tài sản (quỹ tiền mặt của Trung tâm), việc bị cáo tự ý lấy tiền do mình có trách nhiệm quản lý để sử dụng cho mục đích cá nhân mà không báo cáo hoặc làm thủ tục tạm ứng, ở đây có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản. Do vậy, đối với số tiền 10.000.000 đồng mà bị cáo tự ý lấy sử dụng đã cấu thành tội “Tham ô tài sản”.

[4] Đối với số tiền bị thất thoát 352.626.327 đồng, mặc dù cấp sơ thẩm chưa chứng minh được bị cáo chiếm đoạt số tiền này, nhưng thực tế số tiền này đã bị mất. Trong khi đó, bị cáo là thủ quỹ của Trung tâm Phát triển quỹ đất, có trách nhiệm quản lý số tiền này, nhưng bị cáo đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình: Không mở sổ theo dõi quỹ tiền mặt theo quy định, không ghi chép đầy đủ các khoản tiền đã nhận và đã chi để đối chiếu số liệu với kế toán; nguồn tiền quỹ để lại Trung tâm rất lớn nhưng không gửi Kho bạc Nhà nước theo quy định; quản lý khóa két sắt không cẩn thận; không làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài sản của Nhà nước để thất thoát. Hành vi này của bị cáo có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp” theo Điều 179 Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, hành vi của bị cáo có dấu hiệu cấu thành một tội phạm khác, ngoài tội “Tham ô tài sản”đối với số tiền 10.000.000 đồng. Đây là điều bất lợi, làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, nên cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm. Vì vậy, cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại.

[5] Ngoài ra, quá trình điều tra và xét xử cấp sơ thẩm còn có một số vi phạm tố tụng khác như sau:

- Không thu giữ 02 chùm chìa khóa két sắt của bị cáo và kế toán Nguyễn Thị Thu K giữ. Vì đây là vật chứng của vụ án.

- Không khám xét phòng làm việc của bị cáo để thu giữ những vật chứng tài liệu có liên quan đến việc chứng minh tội phạm.

- Xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng: Cấp sơ thẩm đã xác định UBND huyện N là bị hại là không đúng. Vì trong vụ án này Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N có đầy đủ tư cách pháp nhân, nên phải xác định Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện N là bị hại. Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất không có ý kiến hay khiếu nại gì về việc không được tham gia ở phiên tòa sơ thẩm, nên Hội đồng xét xử chỉ rút kinh nghiệm về nội dung này.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm a khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 26/2018/HSST ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện N. Chuyên hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện N để điều tra, truy tố và xét xử lại.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

758
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/HS-PT ngày 14/01/2019 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:02/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:14/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về