Bản án 02/2019/DS-PT ngày 23/01/2019 về tranh chấp khám bệnh, chữa bệnh

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 02/2019/DS-PT NGÀY 23/01/2019 VỀ TRANH CHẤP KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Ngày 23 tháng 01 năm 2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 43/2018/TLPT-DS ngày 14 tháng 12 năm 2018 về “Tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 25/10/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2019/QĐPT-DS ngày 09/01/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Đặng Văn L; Trú tại: xã Y T, thị xã Đ T, tỉnh Q N (là người đại diện hợp pháp của cháu Đặng Công T), có đơn xin xử vắng mặt.

2. Bị đơn: Bệnh viện V N - T Đ; địa chỉ: phường T S, thành phố U B, tỉnh Q N.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Trung K, chức vụ: Trưởng khoa cấp cứu, kiêm Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện V N - T Đ; có mặt.

Ông Hoàng Văn H, chức vụ: Trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện V N - T Đ; có mặt.  

 (theo văn bản uỷ quyền số 84/UQ-BV ngày 08/01/2019 của Giám đốc Bệnh viện V N- T Đ). mặt

3. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Chị Nguyễn Thị A (vợ anh L); trú tại: xã Y T, thị xã Đ T, tỉnh Q N; vắng

- Bà Nguyễn Thị Thu H: Bác sĩ công tác tại Bệnh viện V N – T Đ; có đơn xin vắng mặt.

- Ông Nguyễn Đức Q: Bác sĩ công tác tại Bệnh viện V N – T Đ; có đơn xin vắng mặt.

- Bà Trần Thị P: Bác sĩ công tác tại Bệnh viện V N – T Đ; có đơn xin vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn anh Đặng Văn L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 10/7/2015, thai phụ Nguyễn Thị A vào nhập Bệnh viện V N - T Đ do Trung tâm y tế Than M K, thị xã Đ T, tỉnh Quảng Ninh chuyển đến với chẩn đoán: Thai 37 tuần chuyển dạ đẻ lần 2/vết mổ đẻ cũ. Sau khi khám, chẩn đoán, mổ đẻ và điều trị cho thai phụ, ngày 05/8/2015 chị Nguyễn Thị A ra viện cùng con (cháu Đặng Công T). Ngày 07/8/2015, chị A quay lại Bệnh viện V N - T Đ khám mắt, kết quả bình thường và không khám lại. Ngày 03/11/2015, cháu Đặng Công T đến khám mắt lần đầu tiên tại Bệnh viện V N - T Đ và được chuyển đến Bệnh viện mắt trung ương vào ngày 04/11/2015. Bệnh viện mắt trung ương kết luận: Cháu T bị Glocom bẩm sinh, viêm màng bồ đào phôi thai (bệnh về mắt) và tiếp tục phải điều trị cho đến nay. Sau khi sự việc xảy ra, anh L có đơn khiếu nại gửi Bệnh viện V N - T Đ đề nghị Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khoẻ cho cháu T. Bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở và đã làm việc trực tiếp đồng thời đến gia đình anh L, chị A thăm hỏi, hỗ trợ gia đình số tiền 10.000.000 đồng, anh L nhận tiền nhưng sau đó từ chối và đã đem trả lại cho Bệnh viện.

Quan điểm của nguyên đơn - anh Đặng Văn L: Bệnh viện V N - T Đ có lỗi trong việc khám và điều trị cho cháu T (con anh L), dẫn đến cháu T bị hỏng 01 bên mắt, đến nay vẫn phải điều trị, làm thiệt hại đến kinh tế gia đình mình. Cụ thể: Bệnh viện V N - T Đ chăm sóc chưa đến nơi đến chốn cho vợ anh; tình trạng vợ anh có dấu hiệu đẻ non, được Bệnh viện thông báo bị cao huyết áp, tiền sản giật, không chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường của vợ anh làm ảnh hưởng đến bệnh mắt của con. Sau khi vợ anh sinh con Bệnh viện cũng không cho con anh đi khám lại, không sàng lọc lại sau khi sinh. Anh khởi kiện yêu cầu đòi Bệnh viện V N - T Đ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cháu T là 85.494.066đ (tám mươi lăm triệu, bốn trăm chín mươi bốn nghìn, không trăm sáu mươi sáu đồng) và hỗ trợ hàng tháng cho cháu Đặng Công T số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng) kể từ tháng 12/2017 cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi.

Quan điểm của bị đơn - Bệnh viện V N - T Đ: Tại Công văn số: 272/BV ngày 08/02/2018, Bệnh viện V N - T Đ trả lời Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh như sau: 

Quá trình khám, chữa bệnh cho chị Nguyễn Thị A (vợ anh Đặng Văn L) và cháu Đặng Công T: Chị Nguyễn Thị A, sinh năm 1985, địa chỉ: thôn Y L 2, xã Y T, thị xã Đ T, tỉnh Q N vào viện lúc 23h30 ngày 10/7/2015, lý do vào viện: Thai 8,5 tháng, đau bụng hạ vị, ra dịch hồng âm đạo.

- Bệnh sử: Người bệnh có thai lần 2, lần 1 mổ đẻ năm 2011. Ngày 10/7/2015, đau bụng hạ vị tăng dần, ra dịch hồng ở âm đạo, người bệnh đến phòng khám khu vực M K khám và được chuyển đến bệnh viện VN-TĐ .

- Khám toàn thân: Người bệnh tỉnh, không sốt, mạch 88 l/phút, huyết áp 160/100mmHg, da bình thường, niêm mạc hồng, phù 2 chi dưới .

- Khám sản: Bụng có vết sẹo mổ đẻ cũ, hình dạng tử cung hình trứng, tư thế trung gian, chiều cao tử cung 29, vòng bụng 117 cm; tim thai 150-160, cơn co tử cung thưa. Khám trong: Chỉ số Bishop 3 điểm; âm hộ, âm đạo và tầng sinh môn bình thường; cổ tử cung 1 cm, ối phồng, ngôi đầu, thế trái, độ lọt cao.

- Khám tim, phổi và các bộ phận khác chưa thấy dấu hiệu bệnh lý.

- Xét nghiệm hóa sinh máu: Protein 62 g/l; albumin 32g/l; glucose 6,4mmol/l, lần 2 ngày 16/7/2015: 5,8mmol/l; xét nghiệm HbA1C; 6,1%, nghiệm pháp dung nạp đường huyết: mẫu 1: 5,4 mmol/l, mẫu 2: 10,5 mmol/l, mẫu 3: 8,0 mmol/l; các chỉ số khác (Ure, creatinin, GOT, GPT, uric, điện giải đồ) trong giới hạn bình thường. Xét nghiệm hóa sinh nước tiểu: Glucose âm tính, albumin âm tính, hồng cầu (3+), bạch cầu (3+).

- Siêu âm thai ngày 10/7/2015: Trong lượng thai ước 2350 + 200gr, ngôi đầu, tim thai 132 l/ph, rau bám mặt trước; siêu âm ngày 16/7/2015: Trọng lượng thai ước 2700 gr.

- Chẩn đoán lúc vào viện: Theo dõi tiền sản giật trên sản phụ thai 8,5 tháng, có mổ đẻ cũ.

- Người bệnh được điều trị giữ thai 1 tuần và được mổ lấy thai ngày 17/7/2015 lấy ra một bé trai, cân nặng 2.800gr, Apgar phút đầu 9 điểm, 5 phút sau 10 điểm, không có dị tật ngoài. Quá trình phẫu thuật diễn biến bình thường.

- Người bệnh và trẻ sơ sinh điều trị, chăm sóc, theo dõi sau mổ tại bệnh viện, ra viện ngày 05/8/2015, tình trạng sức khỏe của mẹ ổn định, con không thấy dấu hiệu bệnh lý.

- Theo thông tin từ gia đình người bệnh, sau khi ra viện 3 tháng, ngày 04/11/2015, gia đình phát hiện trẻ (họ tên: Đặng Công T) không bình thường đã đưa trẻ đến Bệnh viện V N - T Đ khám được phát hiện trẻ bị bệnh Glocom bẩm sinh và chuyển Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị. Bệnh viện Mắt Trung ương khám chẩn đoán: 2 mắt Glocom bẩm sinh thứ phát - dính bít đồng tử, nguyên nhân: bệnh bẩm sinh (theo dõi do viêm màng bồ đào phôi thai). Người bệnh được điều trị phẫu thuật 3 lần tại bệnh viện Mắt trung ương (có tóm tắt bệnh án kèm theo).

Sau khi có khiếu nại của anh Đặng Văn L, Bệnh viện V N - T Đ đã thành lập Hội đồng chuyên môn và tiến hành họp ngày 02/8/2017 và kết luận:

Người bệnh Nguyễn Thị A vào viện lúc 23 giờ 30 phút ngày 10/7/2015 do Trung tâm y tế than M K chuyển đến với chẩn đoán: Thai 37 tuần chuyển dạ đẻ lần 2/vết mổ đẻ cũ.

1. Chẩn đoán lúc vào viện: Theo dõi tiền sản giật/vết mổ đẻ cũ/thai 8,5 tháng (tương đương 37 tuần) là phù hợp.

2. Người bệnh khi vào viện huyết áp 160/110 mmHg, phù 2 chân, xét nghiệm đường máu lần 1: 6,4 mmol/l, lần 2 ngày 16/7/2015: 5,8 mmol/l. Người bệnh được làm thêm các xét nghiệm HbALC: 6,1%; nghiệm pháp dung nạp đường huyết: mẫu 1: 5,4 mmol/l, mẫu 2: 10,5 mmol/l, mẫu 3: 8,0 mmol/l. Người bệnh được điều trị, chăm sóc và chế độ ăn trước và sau phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh.

3. Người bệnh vào viện được điều trị giữ thai 1 tuần, khi có dấu hiệu chuyển dạ được chỉ định và phẫu thuật lấy thai là đúng chỉ định. Quá trình phẫu thuật lấy thai bình thường và chẩn đoán trước phẫu thuật: Theo dõi tiền sản giật/thai 9 tháng lần 2 ối vỡ sớm/vết mổ đẻ cũ là phù hợp.

4. Trẻ đã được bác sỹ và nữ hộ sinh thăm khám, chăm sóc đúng quy định về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo Quyết định số: 4673/QĐ-BYT ngày 10/11/2014 và trẻ không có chỉ định bắt buộc khám sàng lọc phát hiện các bệnh về mắt theo Quyết định số: 2582/QĐ-BYT ngày 25/7/2012 của Bộ trưởng Bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn chăm sóc trẻ đẻ non, khám sàng lọc, điều trị và theo dõi bệnh võng mạc trẻ đẻ non.

Bệnh viện V N - T Đ không tham gia (mua) bảo hiểm đối với người khám, chữa bệnh (các nhân viên y tế của Bệnh viện) và người bệnh trong thời gian chị A và cháu T được khám và điều trị. Chỉ đến tháng 12 năm 2017 Bệnh viện mới mua bảo hiểm cho các nhân viên y tế của Bệnh viện của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Long. Vì vậy, Công ty bảo hiểm không phải bồi thường và cũng không liên quan đến vụ việc này.

Do đó, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án - chị Đặng Thị A (vợ của anh L) có lời khai thống nhất với quan điểm của anh L và không có yêu cầu độc lập.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (các Bác sỹ trực tiếp khám và điều trị cho chị A và cháu T - bà Nguyễn Thị Thu Hg, ông Nguyễn Đức Q và bà Trần Thị P) đều có lời khai: Quá trình khám, điều trị cho sản phụ Nguyễn Thị A và cháu Đặng Công T bản thân mình đã thực hiện đúng các quy trình về chuyên môn, kỹ thuật, quy định của Bệnh viện nơi công tác và quy định của Bộ y tế và Luật khám, chữa bệnh trong thời gian thai phụ Nguyễn Thị A đến sinh mổ, khám và điều trị nên đều thống nhất với quan điểm của bị đơn không đồng ý bồi thường và không có yêu cầu độc lập.

Sau khi Toà án thành phố Uông Bí có quyết định trưng cầu giám định, tại

Công văn số 3748/BYT-BM-TE ngày 29/6/2018 của Bộ y tế gửi cho Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí thông báo ý kiến của Hội đồng chuyên môn cấp Bộ của Bộ y tế như sau:

1/ Toàn bộ quán trình theo dõi, chăm sóc và điều trị cho sản phụ Nguyễn Thị A và cháu Đặng Công T từ khi nhập viện ngày 10/7 (thai 37 tuần) đến khi ra viện ngày 05/8/2015 (sau mổ lấy thai đủ 38 tuần), bệnh viện đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng các quy chế chuyên môn và quy trình kỹ thuật về chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Cụ thể: Bệnh viện không vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; không vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; không xâm phạm quyền của người bệnh; không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.

2/ Đối với bệnh mắt của cháu Đặng Công T:

Cháu T được mổ lấy thai lúc thai nhi đã đủ tháng (38 tuần), không phải trẻ sơ sinh nhẹ cân (2.800gram), non tháng nên không thuộc đối tượng cần chỉ định đánh giá sàng lọc về bệnh võng mạc mắt ở trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân (theo Quyết định số: 2582/QĐ-BYT ngày 25/7/2012 của Bộ trưởng Bộ y tế). Vì vậy, Bệnh viện V N – T Đ không thực hiện sàng lọc bệnh mắt trẻ sơ sinh là đúng quy định chuyên môn.

Cháu T được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng bồ đào phôi thai, là bệnh bẩm sinh rất khó phát hiện và chẩn đoán sớm. Việc xử trí điều trị viêm màng bồ đào phôi thai cũng rất khó khăn, ngay cả khi bệnh nhi đến bệnh viện sớm hay muộn, có tăng nhãn áp hay chưa thì khả năng phục hồi thị giác, khả năng nhìn thấy của mắt đều rất kém; đa số bệnh nhi đều bị mù hoặc thị lực rất thấp mặc dù được điều trị, phẫu thuật.

3/ Bệnh tiểu đường thai nghén của chị A không gây hậu quả đến bệnh mắt của cháu Đặng Công T.

Tại Công văn số 4447/BYT-BM-TE ngày 02/8/2018 của Bộ y tế gửi cho Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí trả lời bổ sung cho Toà án được biết: Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc và thực hiện họp của Hội đồng chuyên môn cấp Bộ (Bộ y tế) đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và của Bộ y tế.

Với nội dung trên, Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí đã căn cứ vào Điều 186, điểm b khoản 2 Điều 189, các khoản 2 và 3 Điều 68, khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 184, Điều 185, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 21, khoản 1 Điều 136, Điều 74, Điều 149, khoản 3 Điều 150, Điều 588, khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 73, các điểm a và b khoản 2 Điều 74, khoản 5 Điều 75, khoản 3 Điều 76 Luật khám  bệnh, chữa bệnh năm 2009, quyết định:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - anh Đặng Văn L về việc: Yêu cầu Bệnh Viện V N - T Đ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cháu Đặng Công T là 85.494.066đ (tám mươi lăm triệu, bốn trăm chín mươi bốn nghìn, không trăm sáu mươi sáu đồng) và yêu cầu Bệnh Viện V N - T Đ hỗ trợ hàng tháng cho cháu Đặng Công T số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng) kể từ tháng 12 năm 2017 cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi.

Ngày 07/11/2018, anh Đặng Văn L làm đơn kháng cáo với nội dung:

- Xác định quan hệ là tranh chấp bồi thường thiệt hại liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

- Buộc Bệnh viện V N - T Đ phải bồi thường hỗ trợ theo nội dung khởi kiện. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là anh Đặng Văn L có đơn xin xét xử vắng mặt và thể hiện quan điểm giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Quan điểm của Bệnh viện V N - T Đ: Giữ nguyên quan điểm như đã trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm, khẳng định các y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình về chuyên môn và quy định của ngành. Cháu Đặng Công T được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng bồ đào phôi thai, là bệnh bẩm sinh rất khó phát hiện sớm và khắc phục, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn anh Đặng Văn L. Còn việc hỗ trợ nếu gia đình anh L có đơn đề nghị thì bệnh viện sẽ vận động cán bộ nhân viên quyên góp để hỗ trợ.

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh có quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự chấp hành đúng pháp luật.

Về nội dung: Không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn anh Đặng Văn L. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn là anh Đặng Văn L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt, riêng đối với chị A là vợ anh L đã được tống đạt giấy triệu tập hợp lệ và không có kháng cáo, nên căn cứ khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án vẫn xét xử vụ án.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của anh Đặng Văn L:

[2.1] Đối với nội dung yêu cầu xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp bồi thường thiệt hại liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh:

Anh Lưu khởi kiện cho rằng Bệnh viện V N - T Đ có hành vi và có lỗi trong việc khám, chữa bệnh cho chị Nguyễn Thị A và cháu Đặng Công T và đòi bồi thường thiệt hại. Ban đầu thụ lý, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ tranh chấp là “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, nhưng sau đó đã xác định tại Bản án sơ thẩm là “Tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh” và áp dụng các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh để giải quyết là đúng quy định.

[2.2] Đối với nội dung yêu cầu Bệnh viện V N– T Đ phải bồi thường, hỗ trợ theo yêu cầu khởi kiện:

Tại Công văn số 3748/BYT-BM-TE ngày 29/6/2018 của Bộ y tế thông báo ý kiến của Hội đồng chuyên môn cấp Bộ của Bộ y tế kết luận:

1/ Toàn bộ quá trình theo dõi, chăm sóc và điều trị cho sản phụ Nguyễn Thị A và cháu Đặng Công T từ khi nhập viện đến khi ra viện, Bệnh viện V N – T Đ đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng các quy chế chuyên môn và quy trình kỹ thuật về chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh.

2/ Đối với bệnh mắt của cháu Đặng Công T:

Cháu T được mổ lấy thai lúc thai nhi đã đủ tháng (38 tuần), không phải trẻ sơ sinh nhẹ cân (2.800gram), non tháng nên không thuộc đối tượng cần chỉ định đánh giá sàng lọc về bệnh võng mạc mắt ở trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân (theo Quyết định số: 2582/QĐ-BYT ngày 25/7/2012 của Bộ trưởng Bộ y tế). Vì vậy, Bệnh viện V N- T Đ không thực hiện sàng lọc bệnh mắt trẻ sơ sinh là đúng quy định chuyên môn.

Cháu T được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng bồ đào phôi thai, là bệnh bẩm sinh rất khó phát hiện và chẩn đoán sớm. Việ c xử trí điều trị viêm màng bồ đào phôi thai cũng rất khó khăn, ngay cả khi bệnh nhi đến bệnh viện sớm hay muộn, có tăng nhãn áp hay chưa thì khả năng phục hồi thị giác, khả năng nhìn thấy của mắt đều rất kém; đa số bệnh nhi đều bị mù hoặc thị lực rất thấp mặc dù được điều trị, phẫu thuật.

3/ Bệnh tiểu đường thai nghén của chị A không gây hậu quả đến bệnh mắt của cháu Đặng Công T.

Khoản 5 Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định: ...“Kết luận của Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập quy định tại điểm b khoản 2 Điều 74 của Luật này là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật”.

Điều 73 Luật khám chữa bệnh quy định:

1. Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định đã có một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;

c) Xâm phạm quyền của người bệnh. 

Điều 76 Luật khám chữa bệnh quy định:

1.Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Trường hợp sơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng chuyên môn cấp Bộ của Bộ Y tế và các quy định của Luật khám khám chữa bệnh cho thấy trong quá trình theo dõi, chăm sóc và điều trị cho chị A và cháu T, các nhân viên của Bệnh viện V N – T Đ đã thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, kỹ thuật, không có lỗi hay bất cứ hành vi nào trực tiếp gây thiệt hại đến sức khỏe của cháu T. Bệnh mắt của cháu T là do “Bẩm sinh”. Kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ y tế là khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật và là kết luận cuối cùng. Do đó, không có cơ sở buộc Bệnh viện V N – T Đ phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho cháu T. Hơn nữa, bản thân anh L kháng cáo nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của anh Đặng Văn L.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Đặng Văn L. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng Điều 73; Điều 74; Điều 75; Điều 76 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - anh Đặng Văn L về việc: Buộc Bệnh viện V N – T Đ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cháu Đặng Công T là 85.494.066đ (tám mươi lăm triệu, bốn trăm chín mươi bốn nghìn, không trăm sáu mươi sáu đồng) và yêu cầu Bệnh Viện V N - T Đ hỗ trợ hàng tháng cho cháu Đặng Công T số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng) kể từ tháng 12 năm 2017 cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi.

2. Về án phí: Các đương sự không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2347
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/DS-PT ngày 23/01/2019 về tranh chấp khám bệnh, chữa bệnh

Số hiệu:02/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:23/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về