Bản án 02/2018/KDTM-PT ngày 24/01/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 02/2018/KDTM-PT NGÀY 24/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 24 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 11/TLPT-KDTM ngày 01 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2017/KDTM-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2017/QĐ-PT ngày 20 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng A Địa chỉ: Đường L, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Văn T – Chủ tich Hội đồng quản trị; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Trung K, Giám đốc Ngân hàng A – chi nhánh tỉnh Bạc Liêu (theo văn bản ủy quyền số 48/2016/UQ-CT.HĐQT ngày 02/11/2016); Người được ông K ủy quyền lại là ông Nguyễn Trung H – Chuyên viên thu hồi nợ; Địa chỉ: Đường T, khóm X, phường Y, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (theo văn bản ủy quyền ngày 09/6/2017).

-Bị đơn: Doanh nghiệp tư nhân T do bà Trịnh Khởi N là chủ Doanh nghiệp làm đại diện. Địa chỉ: ấp A, thị trấn G, huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng N Địa chỉ: Đường C, quận Đ, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Bá H – Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Tương L, Giám đốc Chi nhánh khu vực M (theo văn bản ủy quyền số 1967 ngày 16/8/2017); Người được ông L ủy quyền lại là ông Nguyễn Văn C – Phó Giám đốc Chi nhánh khu vực M; Địa chỉ: Đường A, phường 7, thành phố C, tỉnh Cà Mau (theo văn bản ủy quyền số 675 ngày 12/9/2017). Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng N: Ông Trần Dân Q – Luật sư của Văn phòng luật sư C thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Ngân hàng N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

(Đại diện nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật sư có mặt; bị đơn có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ngân hàng A là ông Nguyễn Trung H trình bày:

Ngày 17/9/2010, Ngân hàng A chi nhánh Bạc Liêu (sau đây gọi tắt là Ngân hàng A) đã ký kết hợp đồng tín dụng số 048.10.00492 với Doanh nghiệp tư nhân T do bà Trịnh Khởi N làm đại diện ký kết, theo nội dung hợp đồng các bên thỏa thuận: DNTN T vay của Ngân hàng A số tiền vốn là 1.000.000.000 đồng; mục đích vay là sản xuất chế biến cá khô; phương thức vay: từng lần; trả nợ gốc: cuối kỳ; trả nợ lãi: định kỳ vào ngày 22 hàng tháng; lãi suất vay 1,3%/tháng, áp dụng lãi suất cố định trong thời gian 03 tháng đầu, các tháng tiếp theo được áp dụng theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm 06 tháng với biên độ 0,45%/tháng, lãi suất quá hạn 150% lãi suất vay trong hạn; thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày 22/9/2010 đến ngày 22/9/2011.

Bảo đảm cho khoản vay là Hợp đồng bảo lãnh vay vốn số 17/2010/NHPT.MHA-BL ngày 20/9/2010 của Ngân hàng N – Chi nhánh khu vực M bảo lãnh cho DNTN T vay vốn. Quá trình thực hiện hợp đồng, DNTN T có trả nợ gốc được 100.000.000 đồng thì ngưng trả vốn và lãi đúng theo thỏa thuận nên phát sinh tranh chấp. Nay Ngân hàng A khởi kiện yêu cầu DNTN T trả nợ: vốn 900.000.000 đồng và tiền lãi suất tính đến nay là 1.779.487.656 đồng. Trường hợp DNTN T không có khả năng trả nợ thì yêu cầu Ngân hàng N trả nợ thay theo Hợp đồng bảo lãnh

- Bị đơn DNTN T do bà Trịnh Khởi N đại diện trình bày: Ngày 17/9/2010 DNTN T có vay của Ngân hàng A số tiền vốn là 1.000.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng số 048.10.00492; mục đích vay là sản xuất chế biến cá khô. Để bảo đảm cho khoản vay thì Ngân hàng N – Chi nhánh khu vực M bảo lãnh cho DNTN T vay vốn. Quá trình thực hiện Hợp đồng, bà có trả được nợ gốc 100.000.000 đồng thì ngưng với lý do Ngân hàng A yêu cầu Công an điều tra xử lý việc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bà nên bà không tiếp tục trả nợ. Nay Ngân hàng A khởi kiện yêu cầu bà thanh toán số nợ 900.000.000 đồng bà đồng ý, tuy nhiên hiện nay bà không còn khả năng và tài sản để trả nên yêu cầu trả dần.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng N do ông Nguyễn Văn C trình bày: Ngày 05/9/2010 DNTN T do bà Trịnh Khởi N là Giám đốc có đề nghị Ngân hàng N – Chi nhánh khu vực M bảo lãnh vay vốn Ngân hàng A với số vốn 1.000.000.000 đồng theo phương án sản xuất kinh doanh cá đỏ dạ. Ngày 20/9/2010 Ngân hàng N- Chi nhánh kh vự M ký Hợp đồng bảo lãnh số 17/2010/NHPT.MHA-BLPA, hợp đồng nhận nợ nguyên tắc số 17/2010/NHPT.MHA-NNBL và Ngân hàng N - Chi nhánh khu vực M đã phát hành chứng thư bảo lãnh số 792/NHPT.MHA – CTBL ngày 20/9/2010 cho DNTN T vay vốn tại Ngân hàng A chi nhánh tỉnh Bạc Liêu với số tiền vay 1.000.000.000 đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, DNTN T không thực hiện đúng các thỏa thuận hợp đồng nên Ngân hàng A gửi Thông báo đề nghị Ngân hàng N trả nợ thay cho DNTN T. Sau khi kiểm tra hồ sơ, đối chiếu số liệu thống kê các chứng từ giải ngân và hàng tồn kho của DNTN T thì thấy rằng giữa Ngân hàng A và DNTN T không thực hiện đúng quy định, quy chế bảo lãnh. Cụ thể hợp đồng bảo lãnh cho DNTN T sử dụng phương án kinh doanh cá đỏ dạ, tuy nhiên khi giải ngân thì DNTN T sử dụng vốn vay vào sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng khác. Nay Ngân hàng A yêu cầu Ngân hàng N thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho DNTN T thì Ngân hàng N không đồng ý.

Từ nội dung trên tại bản án số 02/2017/KDTM-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A. Buộc bà Trịnh Khởi N là chủ DNTN T có nghĩa vụ phải trả số tiền vốn là 900.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh đến 22/9/2017 là 1.779.487.656 đồng, tổng cộng vốn và lãi là 2.679.487.656. Đồng thời phải trả tiền lãi nợ quá hạn phát sinh từ ngày 22/9/2017 đối với số tiền vốn 900.000.000 đồng (theo hợp đồng vay vốn số 048.10.00492 ngày 17/9/2010).

Trường hợp bà Trịnh Khởi N đại diện DNTN T không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đầy đủ thì buộc Ngân hàng N (Ngân hàng N chi nhánh khu vực M) phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền trên cho Ngân hàng A.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 06/10/2017 Ngân hàng N kháng cáo đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm đối với việc buộc Ngân hàng N thực hiện thanh toán toàn bộ số nợ của DNTN T. Yêu cầu xem xét các chứng cứ do Ngân hàng N cung cấp để tuyên bố Chứng thư bảo lãnh 792 ngày 20/9/2010 hết hiệu lực và miễn trách nhiệm trả nợ thay vì DNTN T sử dụng vốn không đúng mục đích.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Ngân hàng N giữ nguyên kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng N trình bày: Tòa án sơ thẩm chưa xem xét toàn diện chứng cứ theo quy định của pháp luật, Ngân hàng N bảo lãnh cho DNTN T thực hiện phương án sản xuất kinh doanh mặt hàng cá khô đỏ dạ, Ngân hàng tiến hành các thủ tục thẩm định và các thủ tục khác đúng quy trình thực hiện bảo lãnh theo quy định pháp luật; Ngân hàng A thực hiện chưa hết trách nhiệm trong việc giải ngân nguồn vốn, không theo dõi quá trình sử dụng vốn đúng mục đích và quá trình đầu ra sản phẩm cũng không được theo dỏi chặt chẽ. Từ khi Ngân hàng N từ chối bảo lãnh năm 2011 đến năm 2017 Ngân hàng A không có bất kỳ động thái nào để thu hồi nợ. Đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng N, sửa một phần án sơ thẩm, không buộc Ngân hàng N thực hiện bảo lãnh cho DNTN T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý phúc thẩm đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án và đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và Viện kiểm sát đúng theo quy định.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án kinh doanh thương mại số 02/2017/KDTM-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ; hủy Hợp đồng bảo lãnh của Ngân hàng N đối với DNTN T; không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng A buộc Ngân hàng N thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho DNTN T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, nghe ý kiến đề xuất của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[2] Đủ căn cứ xác định thực tế giữa Ngân hàng A với DNTN T có ký kết hợp đồng tín dụng số 048.10.00492 ngày 17/9/2010, nội dung: DNTN T vay của Ngân hàng A số tiền vốn 1.000.000.000 đồng; mục đích vay sản xuất kinh doanh chế biến cá khô; thời hạn cho vay 24 tháng tính từ ngày 22/9/2010 đến ngày 22/9/2011; lãi suất vay 1,3%/tháng, lãi suất quá hạn 150% lãi suất vay trong hạn. Ngân hàng A và DNTN T thống nhất DNTN T còn nợ Ngân hàng A số tiền vốn vay là 900.000.000 đồng và tiền lãi suất tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.779.487.656 đồng.

[3] Các đương sự không ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị đối với số tiền gốc và lãi theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm buộc DNTN T thanh toán cho Ngân hàng A nên cấp phúc thẩm không đặt ra xem xét, giải quyết phần này.

[4] Xét kháng cáo của Ngân N: Tòa án xét thấy giữa Ngân hàng N và DNTN T có ký kết Hợp đồng bảo lãnh số 17/2010/NHPT.MHA-BLPA ngày 20/9/2010 theo đó Ngân hàng N bảo lãnh cho DNTN T trong phạm vi bảo lãnh là nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi vay phát sinh trên số nợ gốc được bảo lãnh theo Hợp đồng tín dụng với số nợ gốc là 1.000.000.000 đồng. Liên quan đến giao dịch bảo lãnh này thì giữa Ngân hàng N và DNTN T còn ký kết Hợp đồng nhận nợ nguyên tắc số 17/2010/NHPT.MHA-HĐNT-NNBL ngày 20/9/2010 và Ngân hàng N còn phát hành Chứng thư bảo lãnh số 792/NHPT.MHA-CTBL ngày 20/9/2010 gửi Ngân hàng A – Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu.

[5] DNTN T đã gửi cho Ngân hàng N Giấy đề nghị bảo lãnh vay vốn để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh số 10/DNTNTH ngày 05/9/2010 và kèm theo hồ sơ trong đó có bao gồm Phương án sản xuất kinh doanh đề nghị bảo lãnh vay vốn ngày 01/9/2010 nêu rất cụ thể phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy mục đích vay vốn là để sản xuất kinh doanh chế biến cá khô nhưng phương án chi tiết để thực hiện mục đích này là sản xuất kinh doanh loại sản phẩm cá đỏ dạ, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo bởi Hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT ngày 01/8/2010 đã ký kết giữa DNTN T với Công ty TNHH H.

[6] Ngân hàng N đã thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh và có Báo cáo kết quả thẩm định tổng hợp số 133/NHPT.MHA ngày 15/9/2010 thể hiện tại mục 2 “Thông tin cơ bản về phương án SXKD” chi phí nguyên vật liệu để thực hiện phương án là 1.443.240.000 đồng, chi phí này trùng khớp với số liệu chi phí nguyên vật liệu được DNTN T nêu rõ cụ thể trong Phương án sản xuất kinh doanh ngày 01/9/2010 và nguyên liệu để sản xuất kinh doanh chính là Cá đỏ dạ.

[7] Như vậy, Ngân hàng A thực hiện việc bảo lãnh cho DNTN T là căn cứ vào kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh của doanh nghiệp với phương án sản xuất kinh doanh loại sản phẩm cá đỏ dạ. Toàn bộ trình tự thủ tục thực hiện bảo lãnh của Ngân hàng N đối với DNTN T đã được tiến hành đúng quy định pháp luật, đúng theo hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh của Ngân hàng.

[8] Tuy nhiên, căn cứ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại đã quy định: “Bên bảo lãnh có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích.”

[8] Trên thực tế, sau khi Ngân hàng A có văn bản đề nghị Ngân hàng N thanh toán theo chứng thư bảo lãnh thì Ngân hàng N đã trả hồ sơ yêu cầu thực hiện bảo lãnh và đã có văn bản số 1112/NHPT.MHA ngày 06/12/2011 từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (BL 141) với lý do bên nhận bảo lãnh (Ngân hàng A) đã giải ngân vốn vay không đúng phương án sản xuất kinh doanh đã được Ngân hàng N thẩm định phát hành chứng thư bảo lãnh và nguồn vốn vay đó sử dụng không đúng mục đích, chứng minh cho lý do trên là các chứng từ mua hàng sau khi được giải ngân của DNTN T với nguyên liệu hàng hóa là ruốt khô, ruốt chua mà không phải là cá đỏ dạ. Từ khi Ngân hàng N từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đến ngày Ngân hàng A khởi kiện thì Ngân hàng A không có ý kiến gì về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ của Ngân hàng N.

[9] Ngoài ra, trong Báo cáo thẩm định của Ngân hàng N – Chi nhánh khu vực M còn thể hiện đã thẩm định đối với đầu ra của sản phẩm là Hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT ngày 01/8/2010 đã ký kết giữa DNTN T với Công ty TNHH H, có thẩm định rất nhiều vấn đề liên quan đến Công ty TNHH H để thể hiện tính khả thi của Phương án sản xuất kinh doanh của DNTN T. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả tại Biên bản làm việc ngày 23/10/2017 (BL 343) giữa Công ty TNHH H và đại diện Chi nhánh N khu vực M đã thể hiện giữa Công ty TNHH H và DNTN T đã không thực hiện Hợp đồng mua bán số 07 ngày 01/8/2010 và hai bên chỉ mua bán mặt hàng là ruốt khô, không mua bán cá đỏ dạ theo thỏa thuận.

[10] Như vậy, nguồn vốn vay của DNTN T đã sử dụng không đúng mục đích theo Phương án sản xuất kinh doanh đã được thẩm định làm căn cứ bảo lãnh, nguồn ra sản phẩm cũng không được thực hiện theo kết quả thẩm định của Ngân hàng N.

[11] Mặt khác, tuy Ngân hàng A có thực hiện việc kiểm tra sử dụng vốn vay thể hiện thông qua các Biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay (từ BL 176 đến 225) nhưng các hàng hóa đầu vào của DNTN T thu mua không đúng loại hàng hóa cá đỏ dạ như phương án sản xuất kinh doanh được thẩm định. Ngân hàng A cũng không có sự kiểm tra tiến trình thực hiện Hợp đồng kinh tế số 07 giữa DNTN T với Công ty TNHH H nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng thanh toán vốn vay của DNTN T. Đây là trách nhiệm của Ngân hàng A là Ngân hàng thương mại và là bên nhận bảo lãnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại và khoản 3 Điều 3 Thông tư số 12/2009/TT-NHNN ngày 28/5/2009 của Ngân hàng Nhà nước.

[12] Từ những nhận định trên, đủ cơ sở xác định ý kiến của Ngân hàng N về việc từ chối bảo lãnh là có căn cứ, chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng N.

[13] Xét nhận định của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa và đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án kinh doanh thương mại số 02/2017/KDTM-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu, chấp nhận việc từ chối bảo lãnh của Ngân hàng N là có căn cứ nên được chấp nhận toàn bộ.

[14] Án phí kinh doanh thương mại: Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm các đương sự không phải chịu, Ngân hàng N đã dự nộp được hoàn lại toàn bộ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng N, sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.

Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng, Điều 361 Bộ luật dân sự; Quyết định số 14, ngày 21/01/2009 và Quyết định số 60, ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế bảo lãnh cho Doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A đối với Doanh nghiệp tư nhân T.

2/. Buộc bà Trịnh Khởi N là chủ Doanh nghiệp tư nhân T có nghĩa vụ phải thanh toán cho Ngân hàng A (do Ngân hàng A – chi nhánh Bạc Liêu nhận thay theo Hợp đồng vay vốn đã ký kết) tổng cộng số tiền là 2.679.487.656 đồng (trong đó bao gồm số tiền vốn vay là 900.000.000 đồng và tiền lãi suất phát sinh tính đến ngày 22/9/2017 là 1.779.487.656 đồng).

3/ Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm bà N (chủ DNTN T) còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà bà N (chủ DNTN T) phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

4/ Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng A yêu cầu Ngân hàng N trả nợ thay cho DNTN T theo Hợp đồng bảo lãnh số 17/2010/NHPT.MHA-BL ngày 20/9/2010.

5/ Hủy Hợp đồng bảo lãnh số 17/2010/NHPT.MHA-BL ngày 20/9/2010 giữa Ngân hàng N - chi nhánh khu vực M với Doanh nghiệp tư nhân T và hủy Chứng thư bảo lãnh ngày 20/9/2010 của Ngân hàng N tại Ngân hàng A - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu.

6/ Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bà Trịnh Khởi N đại diện DNTN T phải chịu 85.589.753 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.Ngân hàng A không phải chịu án phí, Ngân hàng A đã dự nộp tạm ứng án phí 41.989.822 đồng tại biên lai thu số 0006612 ngày 01/8/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu được hoàn lại toàn bộ.

- Án phí phúc thẩm Ngân hàng N không phải chịu. Ngân hàng N đã dự nộp 2.000.000 đồng tại biên lai thu số 0006721 ngày 06 tháng 10 năm 2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ được hoàn lại toàn bộ.

7/ Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2, Điều 26 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

717
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2018/KDTM-PT ngày 24/01/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:02/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:24/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về