TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUANG BÌNH, TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 02 /2018/HS-ST NGÀY 10/01/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 10/01/2018 tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 12/2017/ HSST ngày 30/ 11/2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số13/2017/HSST-QĐ ngày 29/12/2017 đối với bị cáo Sùng V, sinh năm 1981, tại huyện XM, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: Lớp 2/12 nay tái mù chữ; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Sùng Ph, sinh năm 1949 và bà Giàng S, sinh năm 1946; vợ: Lù H, sinh năm 1983 và có 02 con: Con thứ nhất sinh năm 2006, con thứ hai sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 27/9/2017 hiện đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện QB, tỉnh Hà Giang; có mặt.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo Sùng V: Ông Sùng D, sinh năm 1974; nơi cư trú: Thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Cán bộ, là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Sùng V: Ông Cao B – Luật sư của Văn phòng luật sư Cao B – Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Bị hại: Anh Vàng P, sinh năm 1993; trú tại: Thôn T, xã P, huyện XM, tỉnh Hà Giang; vắng mặt có lý do.
- Người tham gia tố tụng khác: Người làm chứng:
- Ông Sùng Q, sinh năm 1971; trú tại: Thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Bà Vừ T, sinh năm 1978; trú tại: Thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Ông Sùng C, sinh năm 1973; trú tại: Thôn SN, xã HS, huyện QB, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.
- Bà Vừ P, sinh năm 1971; trú tại: Thôn SN, xã HS, huyện QB, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.
- Ông Vàng S, sinh năm 1950; trú tại: Thôn T, xã P, huyện XM, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.
- Bà Sùng S, sinh năm 1973; trú tại: Thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; vắng mặt.
Người phiên dịch: Ông Vàng M, sinh năm 1965; trú tại: Thôn P, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 28/8/2017, gia đình ông Sùng Q đang ăn sáng ở dưới bếp thì có Sùng V, là em trai của ông Q đến, ông Q lấy cơm để V ngồi ăn một mình tại bàn uống nước trên nhà, một lúc sau ông Q thấy V đang tìm cái gì đó, ông Q bảo V ăn cơm xong thì về đi chăn trâu, lúc này V tỏ thái độ bực tức và nói trước chém một lần không nhớ à, chém thêm lần nữa, ngay sau đó Sùng V đi thẳng xuống bếp lấy 01 con dao tông dài 42,5cm, phần lưỡi dao dài 31cm, bản rộng 06cm. Bà Vừ T thấy V cầm dao trên tay nên gọi “ P ơi, V cầm dao chém người”. Vàng P lúc này vừa ăn cơm xong, trên tay vẫn đang cầm bát đũa đến gần, dùng cánh tay phải tì vào bả vai Sùng V bảo V không được chém người, V xoay người thì bị trượt chân ngã ngửa xuống nền bếp, đồng thời lúc này Vàng P chạy ra ngoài theo hướng cửa bếp thì bị V dùng chân đạp trúng vào chân của P làm anh P ngã dựa vào tường bếp, anh P tiếp tục bỏ chạy thì bị V dùng chân đạp làm P vấp vào thanh chắn cửa và bị ngã ngửa ngay ở cửa ra vào, toàn bộ bên trên thân người của P ngã bên ngoài cửa bếp còn hai chân anh P vẫn ở phía trong cửa bếp, P chưa kịp dậy thì bị V xoay người, dùng con dao tông trên tay phải chém 1 phát ngang từ phải qua trái, trúng vào đống củi dựng ở cạnh bếp, phát thứ hai V chém trúng đầu gối bên trái của anh P, P dùng chân đạp vào người V. Anh Sùng Q đến can ngăn, giật lấy con dao tông trên tay V, ngay sau đó Sùng V đứng dậy bỏ chạy, còn Vàng P bị thương tích được mọi người đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện QB.
Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 82/TgT ngày 11/9/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Hà Giang kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Vàng P do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 17% (mười bảy phần trăm).
Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số: 80/2017/PYTT ngày 09/11/2017 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc kết luận:
“ 1. Sùng V, sinh năm 1981, trú tại: thôn YL, xã YT, huyện QB, tỉnh Hà Giang bị bệnh động kinh có rối loạn tâm thần.
2. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội ngày 28/8/2017 Sùng V bị bệnh động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
3. Hiện tại Sùng V bị bệnh động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Ngày 06/9/2017, Vàng P có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện QB xử lý về hình sự đối với Sùng V về tội Cố ý gây thương tích.
Tại bản cáo trạng số 12/KSĐT-TA ngày 28/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện QB tỉnh Hà Giang truy tố bị cáo Sùng V về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p, n khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Sùng V từ 30 đến 42 tháng tù.
Về vật chứng của vụ án và nghĩa vụ chịu án phí đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.
Lời khai của người bị hại tại cơ quan điều tra và những người làm chứng đều khai tại vị trí ở cửa ra vào của nhà bếp nhà ông Q bị cáo V đã dùng con dao tông dài khoảng 45 cm, bản rộng khoảng 06 cm chém vào đầu gối chân trái của anh P, làm anh P bị thương phải đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện QB.
Người đại diện hợp pháp và người bào chữa cho bị cáo V đều nhất trí với luận tội của đại diện Viện kiểm sát và đều khẳng định ngày 28/8/2017 Sùng V đã dùng dao tông chém vào đầu gối chân trái của anh P, gây thương tích cho anh P nhưng V là người bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; áp dụng khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo, xử phạt bị cáo Sùng V từ 12 đến 18 tháng tù.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra huyện QB, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện QB, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên toà bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của bị cáo một phần phù hợp với lời khai của bị hại, những người làm chứng. Lời khai của người bị hại tại cơ quan điều tra phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bệnh án ngoại khoa và biên bản giám định pháp y. Từ các chứng cứ trên có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 28/8/2017 xuất phát từ việc ông Q bảo bị cáo ăn cơm xong thì đi về nhà chăn trâu nên bị cáo đã đi tìm dao để chém ông Q nhưng anh P lại là người đến ngăn cản không cho V chém Q và V cho rằng P đã trêu V nên V đã sử dụng 01 con dao tông dài 42,5 cm bản rộng 06cm chém 01 phát vào đầu gối chân trái anh P với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 17%. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị cáo Sùng V bị bệnh động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Vì vậy bị cáo không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Hình sự năm 1999, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Con dao bị cáo sử dụng để chém anh P được coi là hung khí nguy hiểm nên hành vi trên của bị cáo V đã phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội Cố ý gây thương tích có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm; khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Cố ý gây thương tích có khung hình phạt từ 2 năm đến 6 năm. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì khi quyết định hình phạt hành vi phạm tội của bị cáo V được xem xét theo hướng có lợi theo quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Luật sư đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 theo hướng có lợi cho bị cáo là có cơ sở nên cần được chấp nhận.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là không có cơ sở vì bị cáo có nhân thân xấu, lười lao động, thường xuyên gây mất an ninh trật tự tại địa phương, hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra tại thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa có hiệu lực pháp luật nên lời đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo không được chấp nhận.
[3] Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền bảo hộ về sức khoẻ của con người, gây ảnh hưởng xấu đến truyền thống đạo đức của dân tộc, gây hoang mang dao động trong quần chúng nhân dân, làm mất trật tự trị an tại địa phương. Bị cáo V và bị hại P, là chú cháu trong gia đình nhưng đã không biết tôn trọng nhau, chỉ vì anh P can ngăn không cho bị cáo cầm dao chém người khác, mà bị cáo đã đã dùng hung khí nguy hiểm là con dao có chiều dài 42,5 cm, lưỡi dao dài 31 cm, bản rộng 06 cm để gây thương tích cho anh P. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bị cáo V là người có nhân thân xấu, ngày 03/6/2011 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện QB, tỉnh Hà Giang xử phạt 03 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, bị cáo đã chấp hành xong hình và đã được xóa án tích nên không bị coi là người có tiền án. Ngoài ra chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú cho biết bị cáo là đối tượng lười lao động, thường xuyên uống rượu say gây mất an ninh trật tự. Vì vậy cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục cải tạo bị cáo thành người công dân có ích cho xã hội đồng thời làm gương cho những người khác.
Song bị cáo là người có trình độ học vấn thấp 2/12 nay tái mù chữ, là người dân tộc thiểu số, tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội ngày 28/8/2017 bị cáo bị bệnh động kinh có rối loạn tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo vì vậy cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo theo quy định tại điểm p, n khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[4] Về trách nhiệm dân sự: Tại giai đoạn điều tra anh P cho rằng giữa anh và bị cáo có mối quan hệ là chú cháu trong gia đình nên anh không yêu cầu bị cáo phải bồi thường phần dân sự. Tại đơn xin xét xử vắng mặt anh P không có đề nghị gì. Vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét đến.
[5] Về vật chứng: 01 con dao tông chuôi bằng sắt có chiều dài 42,5 cm (cả chuôi), phần lưỡi dao dài 31 cm, bản rộng 06 cm, sống dao dày 02 cm đã qua sử dụng. Đây là công cụ phương tiện phạm tội, không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu huỷ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
01 chiếc quần bò màu đen, loại quần nam, giữa ống quần bên trái phần phía trước có 01 vết rách gọn dài 06 cm, quần cũ không còn giá trị sử dụng. Vì vậy cần tịch thu tiêu hủy theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 104; điểm p, n khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Sùng V phạm tội Cố ý gây thương tích.
Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Sùng V 32 (Ba mươi hai) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam ngày 27/9/2017.
Về vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 1, điểm a, đ khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tịch thu tiêu huỷ: + 01 con dao tông chuôi bằng sắt có chiều dài 42,5 cm (cả chuôi), phần lưỡi dao dài 31 cm, bản rộng 06 cm, sống dao dày 02 cm.
+ 01 chiếc quần bò màu đen, loại quần nam, giữa ống quần bên trái phần phía trước có 01 vết rách gọn dài 06 cm,
Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan Công an và Chi cục thi hành án dân sự huyện QB, tỉnh Hà Giang ngày 29/11/2017.
Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Buộc bị cáo Sùng V phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng).
Về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án: Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Ngoài ra, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình thi hành án có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 7b Luật thi hành án dân sự.
Bị cáo, người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết.
Bản án 02/2018/HS-ST ngày 10/01/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 02/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quang Bình - Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về