Bản án 02/2018/HSPT ngày 18/01/2018 về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

 TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 02/2018/HSPT NGÀY 18/01/2018 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI

Trong ngày 18 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 165/2017/HSPT ngày 12/10/2017 đối với các bị cáo Trần Đức Tr, Bùi Quý T do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với bản án hình sự sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bắc Giang.

* Bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Trần Đức Tr, tên gọi khác: Trần Vĩ K, sinh năm 1981 tại xã T, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở: Số 6A, khu phố 4 (hiện nay là khu phố 4B), tổ 24A (hiện nay là tổ 35), phường T, thành phố B, tỉnh Đ; nghề nghiệp: tự do; văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh ; họ tên bố:Trần Đức S - sinh 1950; họ tên mẹ: Phạm Thị X- sinh năm 1950; vợ: Mai Thị G - sinh 1986; con: có 02 con, con lớn sinh năm 2010 và con nhỏ sinh tháng 9/2017; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: năm 2001 bị Tòa án nhân dân huyện T ( nay là huyện Tr), tỉnh Đ xử phạt 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Bùi Quý T, tên gọi khác: không có; sinh năm 1985 tại xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; nơi ĐKNKTT và chỗ ở: thôn N, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: tự do; văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; họ tên bố: Bùi Quý A- sinh 1964; họ tên mẹ: Ngô Thị H- sinh năm 1968; vợ: Phạm Thị N ( đã ly hôn) vợ hiện nay Nguyễn Thị V; có 1 con sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: bị Cơ quan điều tra Công an huyện Đ- Thái Bình khởi tố về tội: “ Cố ý gây thương tích” đến ngày 21/12/2006 Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Thái Bình đình chỉ vụ án, đình chỉ bị cáo đối với T; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

* Người tham gia tố tụng có kháng cáo:

1. Bà Bùi Thị H - sinh năm 1963 là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (anh Nguyễn Hữu H, sinh năm 1988, ông Nguyễn Hữu H1, sinh năm 1966, Trú quán: thôn H 3, xã H, huyện V, tỉnh Bắc Giang ).

Trú quán: thôn H 3, xã H, huyện V, tỉnh Bắc Giang . (Bà H, ông H1 có mặt)

2. Ông Nguyễn Văn H2 - sinh năm 1950 là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1995, Trú quán: Thôn N, Thị trấn N, huyện V, tỉnh Bắc Giang).

Trú quán: Thôn Q, xã Q, huyện V, tỉnh Bắc Giang. (có mặt)

* Những người tham gia tố tụng khác: Vụ án còn có 41 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo và không bị kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng số 04/KSĐT ngày 29/12/2016 của VKSND huyện V và bản án hình sự sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của TAND huyện V, tỉnh Bắc Giang thì nội dung vụ án như sau:

Đầu tháng 3/2016, Trần Đức Tr gặp và làm quen với Bùi Quý T tại Trường cao đẳng nghề Việt- Nhật chi nhánh tỉnh B trong trường hợp T đến phỏng vấn xin việc làm giáo viên của trường. Qua trao đổi, Tr giới thiệu với T, Tr tên là Trần Vĩ K biết tiếng Trung, còn T cho Tr biết T nói và viết tiếng Hàn thành thạo nên T bàn với Tr thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Tr bảo T tìm địa điểm thuê nhà đặt trụ sở còn Tr sẽ lo thủ tục thành lập trung tâm. Giữa tháng 3/2016, Tr và T đã thuê nhà ông Hoắc Công N, sinh năm 1968 ở thôn N, xã Q, huyện V làm trụ sở lấy tên trung tâm là  “Ngoại ngữ Phương Đông” và thuê Trần Thị T, sinh năm 1994, ở thôn T, xã N, huyện T, tỉnh Thái Bình làm kế toán, trông nom quản lý trung tâm. Quá trình chuẩn bị thành lập Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông, Tr liên hệ với Liu X và Shi Zhuan Q ở thành phố N, Trung Quốc chuyên môi giới lao động là chỗ Tr quen biết từ trước, Tr được Liu X và Shi Zhuan Q cho biết một số công ty bên Trung Quốc và Hồng Kông đang cần tuyển lao động làm nấm, ốc vít, gỗ ván ép với mức lương từ 800 - 1000 USD/ tháng, ký hợp đồng lao động 02 năm, gia hạn 01 năm, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, được nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ, tết theo luật lao động nước sở tại, công ty sẽ bố trí chỗ ăn, ở miễn phí, lao động được làm thẻ cư trú (thẻ xanh) 02 năm, cứ đưa người sang lao động Liu X và Shi Zhuan Q sẽ tìm việc và làm thẻ cư trú cho lao động. Tr đã bàn với T: Nếu chỉ dạy ngoại ngữ thu nhập sẽ thấp nên kết hợp tìm người lao động đưa sang Trung Quốc làm thuê, lợi nhuận thu được sẽ chia đôi mỗi người hưởng một nửa hiện Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông chưa được cấp phép hoạt động, không có chức năng xuất khẩu lao động, Tr có Công ty TNHH T, có con dấu nên sẽ sử dụng danh nghĩa Công ty TNHH T để ký hợp đồng với người lao động. Tr, T thống nhất sẽ thu phí đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc là 2000USD/người và phân công: Tr sẽ tìm kiếm đơn hàng đi lao động tại Trung Quốc - Hồng Kông, tư vấn, làm các thủ tục và trực tiếp đưa lao động sang Trung Quốc làm thuê; T làm Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông chịu trách nhiệm quảng cáo, tìm tuyển và tư vấn cho lao động; T làm kế toán, quản lý Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông và thu tiền của các lao động, thực hiện việc thu, chi theo yêu cầu của Tr, T. Tr và T mỗi người góp vốn 15 triệu đồng rồi đi mua trang thiết bị văn phòng, in biển quảng cáo, card visit, tờ rơi quảng cáo; mua các cuốn phiếu thu, phiếu chi tiền giao cho T ghi chép việc thu, chi và thống nhất nếu ai tìm, tuyển được lao động sẽ được chi tiền hoa hồng 100 USD/ người. Sau khi in được tờ rơi quảng cáo, Tr và T đã đem tờ rơi đến khu công nghiệp Q, huyện V phát cho công nhân. Để có thêm người lao động, Tr bàn với T về Thái Bình lập văn phòng và thuê Bùi Mạnh T, sinh năm 1989, ở thôn N, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình làm giám đốc; Phạm Văn K, sinh năm 1967, ở thôn R, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình làm phó giám đốc; Bùi Thị L, sinh năm 1994, ở thôn L, xã B, huyện K, tỉnh Thái Bình và Tống Diệu H, sinh năm 1993, ở thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình làm nhân viên văn phòng.

Từ tháng 3/2016 đến tháng 6/2016, Tr, T và T đã tư vấn tuyển được 29 người đi lao động tại Trung Quốc, thu mỗi người từ 10 triệu đồng đến 72.500.000 đồng được tổng số 1.283.200.000đồng, trong đó 24 người đã được Tr đưa xuất cảnh sang Trung Quốc bằng visa du lịch, cụ thể:

- Chuyến thứ nhất: Khoảng cuối tháng 3/2016, T đến chơi với bạn ở trọ tại nhà Nguyễn Hữu H, sinh năm 1988, ở thôn H 3, xã H, huyện V, T đã giới thiệu cho H biết Thanh làm Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông có thể đưa người đi Hồng Kông lao động làm nấm, ốc vít, gỗ ván ép với mức lương từ 800 - 100 USD/ tháng, chi phí đi 1500 USD trong đó có 300 USD tiền chống trốn, ký hợp đồng lao động 02 năm, công ty sẽ bố trí chỗ ăn, ở miễn phí, được làm thẻ cư trú (thẻ xanh) 02 năm nếu có nhu cầu đi thì đến Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông ở thôn N, xã Q, huyện V để được tư vấn cụ thể. Sau đó H rủ Dương Minh Q, sinh năm 1996, ở thôn V 3, xã V, huyện V đến trung tâm được Tr và T tư vấn đi lao động Hồng Kông làm nấm, ốc vít, gỗ ván ép với mức lương từ 800 - 1000 USD/ tháng, chi phí đi 1500 USD trong đó có 300 USD tiền chống trốn, ký hợp đồng lao động 02 năm, gia hạn 01 năm, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, được nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ, tết theo luật lao động nước sở tại, xuất cảnh sang Hồng Kông theo đường hàng không, công ty sẽ bố trí chỗ ăn, ở miễn phí, lao động được làm thẻ cư trú (thẻ xanh) 02 năm, nếu không đúng mức lương và công việc như đã tư vấn, sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí đi, yêu cầu đặt cọc 10 triệu đồng để xin cấp visa, mua vé máy bay và nếu ai chưa có giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp thì nộp thêm 01 triệu đồng. Đầu tháng 4/2016, Nguyễn Đức T, Nguyễn Văn Th, sinh năm 1985, ở thôn N, xã Q, huyện V thấy biển quảng cáo đi làm việc tại Hồng Kông nên đến trung tâm hỏi thì được Tr tư vấn như tư vấn cho Q và H trước đó, T xin không đón tiền chống trốn được Tr đồng ý. Thời gian ở nhà ông N, Tr đã tư vấn cho Hoàng Thị Hồng U, sinh năm 1995 là con gái ông N đi Hồng Kông lao động chỉ thu phí 10 triệu đồng và hứa sẽ bố trí công việc văn phòng cho U. Tr giao cho Trần Thị T thu tiền của 05 người trên.

Sau khi thu tiền nộp cọc của 05 lao động, Tr liên hệ với Hồ Sỹ H, sinh năm 1985, ở xã T, T, Nghệ An là đối tượng chuyên môi giới xin cấp visa du lịch Trung Quốc để xin cấp visa du lịch Trung Quốc thời hạn 15 ngày cho 05 lao động và Tr, T với giá từ 65-90 USD/1 trường hợp, khi có visa Tr đặt vé máy bay khứ hồi sang Trung Quốc qua đối tượng tên là B, khoảng hơn 20 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa làm nhân viên phòng vé B, tại quận T, TP Hồ Chí Minh cho 05 lao động và Tr, T với giá 465 USD/1 trường hợp. Khi có lịch bay Tr liên lạc với H, Q, T, Th đến nộp số tiền còn lại, ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và thông báo đúng 12h trưa ngày 11/4/2016 có mặt tại Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông, Tr sẽ thuê xe ô tô đưa đi, các lao động đã đóng tổng số tiền 138.080.000 đồng, cụ thể: Q 34.600.000 đồng; H 33.000.000 đồng; T 26.880.000đồng; T 33.600.000đồng và U 10.000.000 đồng. Ngày 11/4/2016, Tr cùng T đưa 05 lao động trên đến sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh, trước khi làm thủ tục Tr dặn các lao động: khi vào làm thủ tục nếu an ninh sân bay hỏi đi đâu phải nói đi du lịch không được nói đi lao động, nếu nói đi lao động họ sẽ không cho xuất cảnh. Tr, T và 05 lao động đã sử dụng visa du lịch quá cảnh sang sân bay Hồng Kông rồi đi tiếp đến sân bay Nam Kinh, Trung Quốc và được môi giới người Trung Quốc tên Liu X và Shi Zhuan Q đưa T, Th, Q, H, U đến công ty làm nấm. Do thấy môi trường làm việc ô nhiễm nên T và Th đã bỏ về Việt Nam, Tr đưa Q và H đến Công ty gỗ ép tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, còn U được đưa đến làm việc tại nơi khác. Ngày 21/6/201 Q, H đã nhờ người phụ nữ không rõ địa chỉ mà chỉ biết tên là Nhung (tên khác là Thủy), khoảng 30 tuổi quê ở Quảng Ninh lấy chồng ở Trung Quốc đưa về nước theo đường mòn khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

- Chuyến thứ hai : Sau khi đưa lao động chuyến thứ nhất sang Trung Quốc lao động, Tr hạch toán bị âm 34 triệu đồng và nếu tiếp tục đưa lao động sang Trung Quốc làm việc thì Liu X sẽ lấy tiền phí môi giới tìm việc cho lao động nên Tr và T thống nhất sẽ tăng tiền phí đi lên 2800 USD, tiếp tục tìm người đưa đi Trung Quốc làm việc.

Khoảng cuối tháng 4/2016, Nguyễn Hữu H1, sinh năm 1966, ở thôn H 3, xã H, huyện V là bố Nguyễn Hữu H đã nói chuyện với Nguyễn Văn K, sinh năm 1977, ở thôn H 2, xã H, huyện V biết việc H đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc, K đã cùng H1 đến Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông để hỏi được Tr và T tư vấn với nội dung: Hiện có đơn hàng đi Hồng Kông làm nấm, ốc vít, gỗ ván ép với mức lương từ 800 - 1000 USD/ tháng, ký hợp đồng lao động 02 năm, gia hạn 01 năm, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, được nghỉ chủ nhật, ngày lễ, tết theo luật lao động nước sở tại, xuất cảnh qua đường hàng không, công ty sẽ bố trí chỗ ăn, ở miễn phí, được làm thẻ cư trú (thẻ xanh) 02 năm nếu không đúng mức lương và công việc như đã tư vấn, sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí đi, đặt cọc trước tiền để xin cấp visa, mua vé máy bay, Tr sẽ thu phí đi lao động của H1 là 1500 USD bằng với phí đi lao động của H, của K là 2800 USD trong đó có 300 USD tiền chống trốn thì K đã xin Tr miễn đóng tiền chống trốn được Tr đồng ý. K về nói chuyện với Đoàn Cảnh Đ, sinh năm 1990, ở thôn H 2, xã H, huyện V là hàng xóm của K và vợ là Nguyễn Thị H, sinh năm 1982 về việc K đi Hồng Kông lao động, H lại nói với mẹ là bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1952, ở thôn Q, xã Q, huyện V và em là Nguyễn Thị N đang lao động tại Singapore việc K chuẩn bị đi Hồng Kông lao động, qua bà T và N thì Tô Thị M, sinh năm 1974, ở thôn Q, xã Q, huyện V; Đào Văn H, sinh năm 1971, ở thôn Q, xã Q, huyện V và Đỗ Hồng N, sinh năm 1991, ở thôn H 3, xã H, huyện V biết chuyện đã đến nhà K hỏi thì K đã điện cho Tr đến nhà tư vấn cho M, H, N, Đ nhưng phải nộp 01 triệu đồng tiền làm giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp, N về rủ chồng là Nguyễn Đình D, sinh năm 1988 đi cùng. Tô Thị M về nói với Đào Thị H, sinh năm 1990; Đào Văn T, sinh năm 1994 và mẹ đẻ của H là Nguyễn Thị N ở thôn Q, xã Q, huyện V việc đi Hồng Kông lao động thì bà N lại nói với Nguyễn Văn M, sinh năm 1985, ở thôn Q, xã Q, huyện V sau đó M, T, H đến Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông được Tr tư vấn đi Hồng Kông lao động như đã tư vấn cho M, Đ, N.

Sau khi 08 lao động trên nộp tiền đặt cọc, Tr liên hệ với H xin cấp visa d lịch Trung Quốc và liên hệ với B đặt vé máy bay cho 08 lao động trên và Tr, T.

Đầu tháng 5/2016, Tr trả T 300 USD tương đương 6.720.000 đồng tiền công T tìm được 02 lao động là Q và H trong chuyến thứ nhất. Khi có visa và vé máy bay Tr liên lạc cho các lao động đến nộp số tiền còn lại và ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài (Trung Quốc) được tổng số 443.160.000  đồng, cụ thể: H 62 triệu đồng, T 62 triệu đồng, M 62 triệu đồng, Đ 63.720.000  đồng, N + D 127.440.000 đồng, H1 22 triệu đồng, K 44 triệu đồng trong đó Nguyễn Văn K đã được giảm trừ 500 USD do qua K thì Tr tuyển được 03 lao động là Đ, N, D, khi đó M, H chưa làm thủ tục đi Trung Quốc lao động. Ngày 20/5/2016, Tr cùng T đưa 08 lao động trên xuất cảnh bằng visa du lịch qua cửa khẩu Nội Bài quá cảnh Hồng Kông sang Trung Quốc lao động. Khi đến thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc thì được Liu X và Shi Zhuan Q đón 08 lao động trên và đưa vào một Công ty sản xuất ván gỗ ép tại thành phố Nam Kinh. Các lao động làm việc ở đây đến ngày 19/6/2016 được chủ trả công tính ra chỉ được khoảng 4 triệu đồng/ tháng, thấy không đúng với tư vấn, hợp đồng đã ký với T và Tr nên các lao động yêu cầu Tr đưa về. Ngày 20/6/2016, Tr đưa 06 lao động của chuyến thứ hai về cùng 11 lao động của chuyến thứ ba về nước.

- Chuyến thứ ba: Do đã đưa 13 lao động sang Trung Quốc lao động không phải sang Hồng Kông nên Tr bàn với T sẽ tư vấn cho lao động là đi Trung Quốc lao động và sẽ thu phí đi lao động là 2000 USD/ người, mức lương lao động được hưởng 4000NDT/tháng.

Đầu tháng 6/2016, Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông tại Thái Bình do Bùi Mạnh T làm Giám đốc đã tuyển được Hoàng Thị T, sinh năm 1980, ở thôn N, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình, thu 20 triệu đồng rồi chuyển cho Trần Đức Tr để làm thủ tục và tổ chức đưa đi Trung Quốc lao động.

Sau khi được Tr và T tư vấn, từ cuối tháng 5/2016 đến đầu tháng 6/2016, Tô Thị M đã nói cho Nguyễn Thị H, sinh năm 1995, ở thôn N, Thị trấn N, huyện V; Nguyễn Thị N, sinh năm 1988, Đào Văn H, sinh năm 1984, Nguyễn Thị T, sinh năm 1960 đều ở thôn Q, xã Q, huyện V việc M được tư vấn đi Trung Quốc lao động, M chuẩn bị cùng chồng là Đào Văn H và con trai là Đào Quốc T, sinh năm 1995 đi Trung Quốc lao động nên T đã về bàn với chồng là Nguyễn Trọng M sang Trung Quốc lao động. N, Đào Vă H, H, Nguyễn Trọng M, cùng vợ chồng M, H đến Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông được Trọng tư vấn đi Trung Quốc lao động.

Đào Thị H, sinh năm 1990, quê ở thôn Q, xã Q, huyện V lấy chồng ở thôn V, xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình  đã nói với  Đinh Văn H, sinh năm 1984, ở cùng thôn và Dương Ngô H, sinh năm 1993, ở Xóm 4, xã V, huyện V là em họ của Đào Thị H về việc đi Trung Quốc lao động nên Đinh Văn H và Dương Ngô H đã tìm đến Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông được Tr tư vấn đi Trung Quốc lao động. Các lao động trên được Tr  tư vấn với nội dung: đi Trung Quốc làm gỗ ván ép với mức lương từ 4000NDT/ tháng, chi phí đi 2000USD/ người, ký hợp đồng lao động 02 năm, gia hạn 01 năm, thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, được nghỉ ngày chủ nhật, ngày lễ, tết theo luật lao động nước sở tại, xuất cảnh sang Trung Quốc theo đường hàng không, công ty sẽ bố trí chỗ ăn, ở miễn phí, lao động sẽ được làm thẻ cư trú (thẻ xanh) 02 năm và cam kết nếu mức lương và công việc không đúng như tư vấn sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí đi. Tr  yêu cầu lao động nộp trước 20 triệu đồng để Tr xin cấp visa, mua vé máy bay và 1 triệu đồng tiền làm giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp. Sau khi thu tiền nộp cọc của các lao động, Tr liên hệ với H để xin cấp visa du lịch Trung Quốc và liên hệ với đối tượng tên B để đặt vé máy bay cho 11 lao động trên và Tr. Khi có visa Tr thông báo cho các lao động ngày đi, và yêu cầu nộp số tiền còn lại theo thỏa thuận và ký hợp đồng. Tr cùng Bùi Quý T và T đã thu tiền của 11 người trên được tổng số 482.460.000 đồng, cụ thể: H 45.800.000 đồng; N + H 91.600.000đồng; T +  M 91.600.000đồng; H 44.800.000đồng;  H 45.800.000 đồng, T 72.500.000đồng, Tô Thị M + Đào Văn Hi + Đào Quốc T 90.360.000 đồng, do qua M thì Tr tuyển được 10 lao động là Đào Thị H, Đào Văn T, Nguyễn Văn M đã đi chuyến thứ hai và Dương Ngô H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Trọng M, Nguyễn Thị H, Đinh Văn H, Nguyễn Thị N, Đào Văn H trong chuyến này Tr  giảm trừ cho M 1.000 USD tiền phí phải nộp. Ngày 17/6/2016, T yêu cầu Tr chia lợi nhuận tạm tính, Tr chia cho T 130 triệu đồng. Ngày 18/6/2016, Tr đưa 11 lao động trên xuất cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu Nội Bài bằng visa du lịch, trước khi làm thủ tục xuất cảnh Tr dặn các lao động nếu an ninh cửa khẩu hỏi về mục đích sang Trung Quốc thì phải trả lời là đi du lịch, nếu trả lời đi lao động thì sẽ không được xuất cảnh. Khi sang đến thành phố Nam Kinh, Trung Quốc các lao động được Liu X đón đưa vào làm việc tại một Công ty sản xuất ván gỗ ép tại thành phố Nam Kinh cùng các lao động Tr đã đưa đi ở chuyến thứ nhất và chuyến thứ hai.

Do các lao động đi chuyến thứ ba được số lao động đi chuyến thứ nhất và chuyến thứ hai cho biết mức lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo, không làm được thẻ cư trú, không đúng như những gì mà Tr và T đã tư vấn nên yêu cầu Tr đưa về Việt Nam. Ngày 20/6/2016, Tr đã đưa 17 lao động trong đó có 11 lao động trong chuyến thứ ba và 06 người sang chuyến thứ hai gồm Đào Thị H, Đào Văn T, Nguyễn Văn M, Đoàn Cảnh Đ, Đỗ Hồng N, Nguyễn Đình D đã hết hạn visa về Việt Nam. Khi về đến Nam Ninh, Trung Quốc, Tr đã bố trí thuê người đưa 06 lao động hết hạn visa vượt biên theo đường mòn khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về Việt Nam còn 11 lao động chuyến thứ ba còn thời hạn thị thực đi cùng Tr về nước qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Ngày 21/6/2016, lao động Nguyễn Hữu H, Dương Minh Q, Nguyễn Hữu H1, Nguyễn Văn K nhờ đối tượng tên N quê ở Quảng Ninh đưa vượt biên về nước qua khu vực cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 01/8/2016, Tr đưa Hoàng Thị Hồng U, lao động cuối cùng về nước theo hình thức vượt biên.

Ngoài việc tổ chức đưa 24 người lao động trên Tr, T đã tư vấn, tuyển 05 người khác là Hoàng Thị L, sinh năm 1977, ở thôn N, xã Q, huyện V; Dương Văn T, sinh năm 1978, ở thôn V 3 (xóm 3), xã V, huyện V ; Hoàng Công D, sinh năm 1988, ở thôn T, xã V, huyện V; Nguyễ Thị H, sinh năm 1975 và Nguyễn Văn H, sinh năm 1997 đều ở thôn Q, xã Q, huyện V sang Trung Quốc lao động và đã thu của 05 người trên được tổng số 216.320.000 đồng, cụ thể: L 10 triệu đồng, T 51 triệu đồng, D 63.720.000 đồng, H 45.800.000đồng, H 45.800.000 đồng. Sau khi thu tiền của 05 người trên Tr đã xin cấp visa cho 04 người là T, D, H, Nguyễn Văn H  và ký hợp đồng đi làm việc tại nước ngoài, bản thỏa thuận với Nguyễn Thị H và Nguyễn Văn H nhưng sau đó 05 người trên đổi ý không đi Trung Quốc lao động.

Sau khi về Việt Nam 22 người đã làm đơn trình báo gửi Công an huyện V và yêu cầu Tr, T trả lại số tiền các lao động đã nộp. Tr, T đã thỏa thuận trừ chi phí đi (Visa, vé máy bay) Tr và T đã trả lại cho 18 người tổng số tiền là 551.960.000 đồng trong đó Tr bỏ ra 349.460.000 đông, T bỏ ra 202.500.000 đồng. 

05 người được tư vấn, thu tiền nhưng không đi đã được trả lại tổng số 171.760.000 đồng cụ  thể: Nguyễn Văn H 31 triệu đồng; Nguyễn Thị H 30 triệu đồng; Hoàng Thị L 5 triệu đồng; Dương Văn T 46.520.000 đồng; Hoàng Công  59.240.000đồng. Còn 06 lao động là Nguyễn Thị H, Đinh Văn H, Dương Minh Q, Nguyễn Hữu H, Nguyễn Hữu H1 và Hoàng Thị Hồng U chưa được Tr, T bồi hoàn số tiền đã thu.

Trần Đức Tr khai thu tiền của 24 người được Tr đưa đi Trung Quốc lao động được 1.066.700.000 đồng, đã chi cho việc làm thủ tục và đưa 24 lao động đi Trung Quốc làm thuê, cụ thể:

- Mua vé may bay 249.968.000đồng;

- Xin cấp visa du lịch Trung Quốc 41.898.000đồng;

- Thuê xe ô tô chở lao động từ Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông đến sân bay Nội Bài 2.400.000 đồng.

- Tiền xe khách bên Trung Quốc bằng 7.209.000 đồng;

- Tiền phí môi giới: 85.120.000đồng;

- Tiền ăn, nghỉ dọc đường: 12 triệu đồng;- Tiền đưa lao động về Việt Nam: 73.700.000đồng;

- Tiền trả cho Liu X làm thẻ cư trú cho 10 người: 112 triệu đồng;

Hết tổng số 584.295.000đồng Trần Đức Tr, Bùi Quý T hưởng lợi 482.405.000đồng. Trần Đức Tr chia cho Bùi Quý T 136.720.000đồng, Trần Đức Tr được hưởng 345.685.000đồng.

* Kết quả giám định:

- Chữ ký, chữ viết mang tên Trần Thị T trên các phiếu thu, phiếu chi là chữ của Trần Thị T viết ra; Chữ ký, chữ viết mang tên Trần Vĩ K trên các phiếu thu, phiếu chi do Trần Đức Tr thực hiện; Chữ ký, chữ viết mang tên Bùi Quý T trên các phiếu thu, phiếu chi là chữ viết  Bùi Quý T;

- Chữ ký, chữ viết mang tên Trần Vĩ K trên các hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, bản thỏa thuận với các lao động: Nguyễn Hữu H, Dương Minh Q, Nguyễn Văn T, Nguyễn Đức T, Nguyễn Thị N, Đào Văn H, Tô Thị M, Đào Văn H, Nguyễn Thị H, Dương Ngô H, Đào Quốc T, Nguyễn Thị T, Nguyễn Trọng M, Đinh Văn H do Trần Đức Tr viết ra.

- Chữ ký, chữ viết mang tên Bùi Quý T trên các hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài của: Đào Thị H, Đào Văn T, Đỗ Hồng N, Nguyễn Đình D, Đoàn Cảnh Đ, Nguyễn Văn K, Nguyễn Văn M do Bùi Quý T viết ra.

* Về trách nhiệm dân sự: Trần Đức Tr đã bỏ ra 349.460.000 đồng, Bùi Quý T bỏ ra 202.500.000 đồng bồi hoàn cho 18 lao động theo thỏa thuận giữa Tr, T với các lao động, nay 18 lao động không yêu cầu Tr và T phải bồi thường gì thêm.

Đối với các anh, chị: Nguyễn Thị H, Đinh Văn H, Dương Minh Q, Nguyễn Hữu H, Nguyễn Hữu H1 và Hoàng Thị Hồng U chưa được Tr, T bồi thường đồng nào, nay những người này yêu cầu Tr và T phải bồi thường toàn bộ số tiền đã thu.

Buộc Trần Đức Tr và Bùi Quý T có trách nhiệm tiếp tục bồi thường số tiền còn lại cho các anh, chị gồm: Nguyễn Văn H 14.800.000 đồng; Nguyễn Thị H 15.800.000 đồng; Hoàng Thị L 5 triệu đồng; Dương Văn T 4.480.000 đồng; Hoàng Công D 4.480.000 đồng.

Tại bản Cáo trạng số 04/KSĐT ngày 29/12/2016 của Viện kiểm sát nhân dân huyện V đã truy tố bị cáo Trần Đức Tr  (tức Trần Vĩ K) và Bùi Quý T về tội “ Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ” theo khoản 2, Điều 275 -  Bộ luật hình sự năm 1999.

Bản án hình sự sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của TAND huyện V, tỉnh Bắc Giang đã xét xử và quyết định:

Tuyên bố: Các bị cáo Trần Đức Tr (tức Trần Vĩ K) và Bùi Quý T phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

* Về áp dụng điều luật và hình phạt:

- Áp dụng khoản 2 điều 275; điểm b, p khoản 1, 2 điều 46; điều 20; điều 53; điều 47; điều 33 - Bộ luật hình sự năm 1999. Áp dụng điểm x khoản 1 điều 51 – Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt: Trần Đức Tr ( tức Trần Vĩ K) 03 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

- Áp dụng khoản 2 điều 275; điểm b, p  khoản 1, khoản 2 điều 46; điều 20, điều 53, điều 47; điều 33 - Bộ luật hình sự, Xử phạt: Bùi Quý T 02 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

* Về biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm a, khoản 1, khoản 3, Điều 41- Bộ luật hình sự. Áp dụng điểm a, điểm c,  điểm đ, khoản 2, Điều 76 – Bộ luật tố tụng hình sự.

- Truy thu 188.960.000 đồng của các bị cáo để sung công quỹ nhà nước. Cụ thể:

+ Trần Đức Tr (tức Trần Vĩ K) 132.000.000 đồng (một trăm ba hai triệu đồng)

+ Bùi Quý T 56.960.000 đồng (năm sáu triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng)

Ngoài ra còn giải quyết xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm xong:

Ngày 28/8/2017  TAND  huyện V nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Trần Đức Tr (đề ngày 20/8, gửi qua dịch vụ bưu chính ngày 23/8/2017), nội dung kháng cáo của bị cáo là mức hình phạt 03 tù là quá nặng, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt (xin được hưởng án treo), xin được thương lượng trả lại tiền cho người lao động.

Ngày 22/8/2017  TAND huyện V nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Bùi Quý T, nội dung kháng cáo của bị cáo là mức hình phạt 02 tù là quá nặng, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 23/8/2017 TAND huyện V nhận được đơn kháng cáo của bà Bùi Thị H (là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Hữu H1, anh Nguyễn Hữu H), nội dung kháng cáo là không chấp nhận việc truy thu số tiền 54.000.000 đồng sung quỹ nhà nước, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét trả lại số tiền trên cho gia đình.

Ngày 23/8/2017 TAND huyện V nhận được đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn H2 (là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H), nội dung kháng cáo là không chấp nhận việc truy thu số tiền 44.800.000 đồng sung quỹ nhà nước, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét trả lại số tiền trên cho gia đình.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Bị cáo Trần Đức Tr giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo, bổ sung kháng cáo đề nghị không truy thu tiền sung quỹ nhà nước, đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo thương lượng trả tiền cho người lao động. Lý do kháng cáo vì bị cáo nhận thức pháp luật hạn chế, tin tưởng đối tác người Trung Quốc nên đã vi phạm, mức án cấp sơ thẩm xử là nghiêm khắc. Đề nghị cho bị cáo được án treo để cải tạo và đi lao động kiếm tiền trả cho người lao động. Quá trình xét xử bị cáo cũng đã chủ động trả tiền cho một số người lao động và họ không có ý kiến gì đòi bồi thường nữa.

- Bị cáo Bùi Quý T giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bổ sung kháng cáo xin được hưởng án treo. Lý do kháng cáo vì mức án sơ thẩm xử phạt nặng, bị cáo nhận thức hiểu biết pháp luật có hạn chế, đã khắc phục hậu quả trả tiền cho người lao động, ngoài số tiền bị cáo nhận được thì bị cáo còn phải bỏ ra thêm gần 100 triệu để trả cho người lao động; hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ốm đau, con nhỏ, bị cáo là lao động chính.

- Bà Bùi Thị H đại diện cho anh Nguyễn Hữu H trình bày giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đề nghị xem xét không truy thu sung quỹ nhà nước số tiền 32 triệu đồng mà anh H đã nộp cho các bị cáo, buộc các bị cáo phải trả cho anh H số tiền này.

- Ông Nguyễn Hữu H1 nhất trí nội dung đơn kháng cáo của bà Bùi Thị H. Tại phiên tòa ông không ủy quyền cho bà H nữa mà tự trình bày quan điểm kháng cáo: đề nghị không truy thu sung quỹ nhà nước số tiền ông đã nộp cho các bị cáo là 22 triệu đồng, buộc các bị cáo phải trả cho ông số tiền này.

- Ông Nguyễn Văn H2 giữ nguyên nội dung kháng cáo, không đồng ý truy thu sung quỹ nhà nước số tiền 44.800.000 đồng chị Nguyễn Thị H đã nộp cho các bị cáo. Nếu truy thu thì phải truy thu toàn bộ của tất cả người lao động khác nữa. Đây là tiền mồ hôi công sức nước mắt của con tôi, phải đi vay mượn để mong muốn có được việc làm.

Tại phiên tòa các bị cáo và ông H1, ông H2, bà H thỏa thuận với nhau việc thanh toán số tiền của người lao động đã nộp, đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận không truy thu sung quỹ nhà nước, tạo điều kiện để các bị cáo trả tiền cho người lao động theo thỏa thuận.

- Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang thực hành quyền công tố tại phiên toà phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Đơn kháng cáo của các bị cáo được nộp cho Tòa án trong hạn 15 ngày sau khi tuyên án sơ thẩm nên là kháng cáo hợp lệ, đề nghị HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo của các bị cáo: Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 355; Điều 356- BLTTHS không chấp nhận kháng cáo xin của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của TAND huyện V, tỉnh Bắc Giang.

Đối với kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị HĐXX chấp nhận không truy thu sung quỹ nhà nước số tiền người lao động đã nộp, công nhận sự thỏa thuận các bị cáo và ông H2, ông H1, bà H về việc trả số tiền người lao động đã nộp cho các bị cáo.

Các quyết định khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 23- Nghị quyết s 326 ngày 30/12/2016 của Quốc hội.

- Phần tranh luận:

+ Bị cáo Tr đề nghị VKS xem xét cho bị cáo đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả trả tiền cho người lao động.

+ Bị cáo Th đề nghị VKS xem xét bị cáo không phải là người có nhân thân xấu vì vụ án cố ý gây thương tích đó bị cáo bị người ta đánh, bị cáo tự vệ, CQĐT khởi tố nhưng sau đó Tòa án đã đình chỉ vụ án đối với bị cáo. Như vậy bị cáo không có tội, không vi phạm pháp luật hình sự. Bị cáo thời gian đi bộ đội đóng quân tại đảo Thổ Chu, gia đình bị cáo có công với cách mạng.

+ Ông H2, ông H1, bà H không có ý kiến tranh luận gì.

+ Đại diện VKS đối đáp: Căn cứ sự thành khẩn, ý thức chấp hành pháp luật, khắc phục hậu quả, vai trò, nhân thân của các bị cáo nên cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo mức hình phạt dưới mức khởi điểm của khung hình phạt VKS truy tố. Như vậy đã thể hiện sự khoan hồng cho các bị cáo. Đối với bị cáo Th Tòa án quyết định đình chỉ vụ án căn cứ Điều 25- BLHS do đó vẫn coi là có vi phạm nên xác định có nhân thân xấu là đúng.

- Bị cáo nói lời sau cùng:

+ Bị cáo Tr: Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hưởng án treo để có điều kiện cải tạo tốt giúp đỡ gia đình và đi làm kiếm tiền trả người lao động.

+ Bị cáo T: Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo là lao động chính, đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc gia đình và đi làm trả tiền người lao động

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của các bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được làm trong thời hạn kháng cáo và gửi đến Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định tại  Điều 231, Điều 233 và Điều 234- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (nay là Điều 331, Điều 332 và Điều 333- BLTTHS năm 2015) nên được coi là đơn kháng cáo hợp pháp. HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo: Từ tháng 3/2016 đến tháng 6/2016, Trần Đức Tr cùng Bùi Quý T đã tư vấn, thu tiền của 29 lao động được1.283.020.000 đồng, tổ chức đưa 03 chuyến 24 lao động xuất cảnh sang Trung  Quốc bằng visa du lịch thời hạn 15 ngày để lao động bất hợp pháp, cụ thể:

- Đối với bị cáo Trần Đức Tr: Biết rõ Việt Nam và Trung Quốc không ký kết hợp tác lao động quốc tế; Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông chưa được cấp phép hoạt động, Công ty TNHH T không có chi nhánh ở số 60, đường Y, phường 8, quận T, thành phố Hồ Chí Minh, không có chức năng xuất khẩu lao động và đã ngừng hoạt động từ năm 2010, nhưng đã chủ động liên hệ với Liu X và Shi Zhuan Q rồi bàn với Bùi Quý T tìm tuyển người trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp dưới hình thức đi du lịch. Từ tháng 3/2016 đến tháng 6/2016, Trần Đức Tr đã cùng Bùi Quý T rủ rê, lôi kéo, thu tiền của 29 lao động được 1.283.020.000 đồng, tổ chức đưa 03 chuyến 24 lao động trốn sang Trung Quốc lao động bằng visa du lịch thời hạn 15 ngày để lao động bất hợp pháp thu lợi 345.685.000 đồng.

- Đối với bị cáo Bùi Quý T: Được Trần Đức Tr cho biết giữa Việt Nam và Trung Quốc không ký kết hợp tác lao động; Trung tâm ngoại ngữ Phương Đông chưa được cấp phép hoạt động, Công ty TNHH T không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng đã cùng Trần Đức Tr rủ rê, lôi kéo tổ chức đưa 03 chuyến 24 lao động trốn sang Trung Quốc lao động bằng visa du lịch, Trong đó Bùi Quý T đã tư vấn cho 10 lao động và cùng Tr trực tiếp đưa 08 lao động trốn sang Trung Quốc lao động bằng visa du lịch và được Trần Đức Tr chia cho 136.720.000đồng.

Từ những nội dung trên án sơ thẩm xét xử các bị cáoTrần Đức Tr, Bùi Quý T về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 2, Điề 275 - Bộ luật hình sự năm1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.

[3] Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo của các bị cáo, HĐXX thấy:

- Về nhân thân của các bị cáo:

+ Đối với bị cáo Trần Đức Tr: là người có nhân thân xấu, năm 2001 đã bị Tòa án kết án về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng lại không chịu cải tạo, tu dưỡng rèn luyện lại tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

+Đối với bị cáo Bùi Quý T: mặc dù năm 2006 bị khởi tố và truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng sau đó đã được Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Thái Bình đình chỉ vụ án, đình chỉ xét xử bị cáo theo Điều 25- BLHS, do đó không coi là bị cáo Thanh có nhân thân xấu để làm bất lợi hơn tình trạng của bị cáo.

- Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Án sơ thẩm xác định các bị cáo  không phải chịu tình tiết tăng nặng tại khoản 1, Điều 48- Bộ luật hình sự là có căn cứ.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

+Đối với bị cáo Trần Đức Tr ( tức Trần Vĩ K): tại cơ quan điều tra và tại phiên toà có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần thiệt hại cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và có trách nhiệm đưa 18 người đã đưa sang lao động về nước. Bị cáo có ông bà nội được nhà nước tặng bảng vàng danh dự. Cấp sơ thẩm áp dụng là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46- Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ.

Ngoài ra bị cáo Trần Đức Tr ( tức Trần Vĩ K) có bố được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhất, huân chương kháng chiến hạng ba, huân chương giải phóng hạng nhì. Theo quy định tại Nghị Quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội. Cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x, khoản 1, Điều 51 – BLHS năm 2015 cho bị cáo là có căn cứ.

+Đối với bị cáo Bùi Quý T: tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và tác động bị cáo Trần Đức Tr có trách nhiệm đưa 18 người đã đưa sang lao động về nước. Bị cáo đã có thời gian nhập ngũ trong quân đội và đóng quân tại đảo Thổ Chu và được tặng chiến sĩ tiên tiến, bị cáo có ông nội được nhà nước tặng huân chương kháng chiến hạng 3, UBND tỉnh Thái Bình tặng Bằng ghi công đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống mỹ cứu nước. Bà nội được nhà nước tặng huân chương kháng chiến hạng ba. Cấp sơ thẩm xác định đây là những tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46  BLHS cho các bị cáo là có căn cứ.

- Từ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vai trò và nhân thân của các bị cáo cũng như tính chất của vụ án, mức độ nguy hiểm của hành vi mà các bị cáo đã thực hiện, cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47- BLHS năm 1999, tuyên xử mức hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo Tr và 02 năm tù đối với bị cáo T là phù hợp quy định của pháp luật, đã có sự chiếu cố, khoan hồng nhất định và đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

- Tại quá trình xét xử phúc thẩm các bị cáo Trần Đức Tr, Bùi Quý T không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó căn cứ đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 355; Điều 356 - BLTTHS không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo của các bị cáo Tr và T, gi nguyên bản án sơ thẩm đã xét xử về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo.

[4] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo Trần Đức Tr và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc không chấp nhận việc truy thu sung quỹ nhà nước số tiền 188.960.000 đồng, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét buộc các bị cáo trả lại số tiền trên cho người lao động, HĐXX thấy:

- Cấp sơ thẩm nhận định đối với số tiền  188.960.000 đồng, trong đó có số tiền nêu trên của hai gia đình bà Bùi Thị H, ông Nguyễn Văn H là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, ngoài ra các lao động cũng có một phần lỗi trong vụ án này. Vì vậy cấp sơ thẩm truy thu số tiền còn lại tổng cộng là của các bị cáo chưa trả các lao động để sung công quỹ nhà nước là có căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 41 – BLHS và điểm a, điểm c, khoản 2, Điều 76 – BLTTHS. Tuy nhiên, qua các tài liệu trong hồ sơ nhận thấy về cơ bản số tiền các bị cáo thu của người lao động đã được các bị cáo và người lao động thỏa thuận trả lại cho nhau, chỉ còn một số ít người nêu trên. Những người lao động cũng chỉ vì hoàn cảnh kinh tế gia đình có khó khăn, không hiểu biết pháp luật nên đã cố gắng vay mượn tiền để mong muốn đi lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống. Do điều kiện lao động bên Trung Quốc không đảm bảo đúng quy định của pháp luật nên người lao động cũng đã phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Do đó HĐXX xét thấy để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho tất cả những người lao động trong quá trình giải quyết vụ án thì không cần thiết phải truy thu của các bị cáo số tiền 188.960.000 đồng để sung quỹ nhà nước.

- Do đó, trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 357- BLTTHS, HĐXX chấp nhận kháng cáo bị cáo Tr và của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc không truy thu tiền đối với các bị cáo để sung quỹ nhà nước, sửa án sơ thẩm về nội dung truy thu số tiền 188.960.000 đồng sung quỹ nhà nước. Số tiền này các bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả cho những người lao động.

- Tại phiên tòa các bị cáo Tr, T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thỏa thuận được với nhau về việc trả tiền nên cần công nhận sự thỏa thuận này, cụ thể:

+ Bị cáo Trần Đức Tr (tên gọi khác: Trần Vĩ K) có trách nhiệm hoàn trả cho ông Nguyễn Hữu H1, anh Nguyễn Hữu H (do bà Bùi Thị H đại diện theo ủy quyền) số tiền tổng cộng là 30.000.000 đồng trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày xét xử phúc thẩm vụ án. Nếu bị cáo Tr không thực hiện đúng thỏa thuận nêu trên thì sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền 54.000.000 đồng cho bố con ông H1, cụ thể trả cho ông Nguyễn Hữu H1 22.000.000 đồng, trả cho anh Nguyễn Hữu H số tiền 32.000.000 đồng.

+ Bị cáo Bùi Quý T có trách nhiệm hoàn trả cho chị Nguyễn Thị H (do ông Nguyễn Văn H2 đại diện theo ủy quyền) số tiền 20.000.000 đồng trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày xét xử phúc thẩm vụ án. Nếu bị cáo T không thực hiện đúng thỏa thuận nêu trên thì sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền 44.800.000 đồng cho chị Nguyễn Thị H.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm:

- Do kháng cáo của bị cáo Bùi Quý T không được chấp nhận nên căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 23- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm 200.000 đồng.

- Kháng cáo của bị cáo Trần Đức Tr và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về áp dụng biện pháp tư pháp được chấp nhận nên căn cứ quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 23- Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án bị cáo Tr, bà H, ông H1, ông H2 không phải chịu án phí phúc thẩm.

[6]  Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 355; Điều 356; khoản 1, Điều 357-Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Đức Tr (tên gọi khác: Trần Vĩ K), Bùi Quý T về việc xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của TAND huyện V, tỉnh Bắc Giang về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo.

- Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Trần Đức Tr ( tên gọi khác: Trần Vĩ K) và Bùi Quý T phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

- Về áp dụng điều luật và hình phạt:

+ Áp dụng khoản 2, Điều 275; điểm b, điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 47; Điều 33 - Bộ luật hình sự năm 1999. Áp dụng điểm x khoả 1 điều 51 – Bộ luật hình sự năm 2015, Xử phạt bị cáo Trần Đức Tr ( tên gọi khác: Trần Vĩ K) 03 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

+ Áp dụng khoản 2, Điều 275; điểm b, điểm p,  khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20, Điều 53, Điều 47; Điều 33 - Bộ luật hình sự năm 1999, Xử phạt bị cáo Bùi Quý T 02 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

[2] Căn cứ khoản 1, Điều 357-Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Đức Tr và bà Bùi Thị H, ông Nguyễn Hữu H1, ông Nguyễn Văn H2. Sửa một phần bản án  hình sự sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày11/8/2017 của TAND huyện V, tỉnh Bắc Giang về áp dụng biện pháp tư pháp và giải quyết nghĩa vụ dân sự.

- Về biện pháp tư pháp: Không áp dụng biện pháp tư pháp truy thu số tiền 188.960.000 đồng của các bị cáo để sung công quỹ nhà nước, cụ thể:

+ Trần Đức Tr (tên gọi khác: Trần Vĩ K) số tiền 132.000.000 đồng (một trăm ba hai triệu đồng).

+ Bùi Quý T số tiền 56.960.000 đồng (năm sáu triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

- Về nghĩa vụ dân sự: Công nhận sự thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền giữa các bị cáo Trần Đức Tr (tên gọi khác: Trần Vĩ K), Bùi Quý T và bà Bùi Thị H, ông Nguyễn Hữu H1, ông Nguyễn Văn H2, cụ thể:

+ Bị cáo Trần Đức Tr (tên gọi khác: Trần Vĩ K) có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Nguyễn Hữu H1, anh Nguyễn Hữu H (do bà Bùi Thị H đại diện theo ủy quyền) số tiền tổng cộng là 30.000.000 đồng trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày xét xử phúc thẩm vụ án (ngày 18/01/2018). Nếu bị cáo Trần Đức Tr không thực hiện đúng thỏa thuận nêu trên thì sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền 54.000.000 đồng cho ông H1, anh H, cụ thể trả cho ông Nguyễn Hữu H1 22.000.000 đồng, trả cho anh Nguyễn Hữu H (do bà Bùi Thị H đại diện theo ủy quyền) số tiền 32.000.000 đồng.

+ Bị cáo Bùi Quý T có nghĩa vụ hoàn trả cho chị Nguyễn Thị H (do ông Nguyễn Văn H2 đại diện theo ủy quyền) số tiền 20.000.000 đồng trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày xét xử phúc thẩm vụ án ( ngày 18/01/2018). Nếu bị cáo Bùi Quý T không thực hiện đúng thỏa thuận nêu trên thì sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền 44.800.000 đồng cho chị Nguyễn Thị H (do ông Nguyễn Văn H2 đại diện theo ủy quyền) .

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ số tiền phải thi hành thì người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468- Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

[3] Về án phí phúc thẩm:

- Áp dụng điểm a, khoản 2, Điều 23- Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, bị cáo Bùi Quý T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

- Áp dụng điểm h, khoản 2, Điều 23- Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, bị cáo Trần Đức Tr, ông Nguyễn Văn H2, bà Bùi Thị H, ông Nguyễn Hữu H1 không phải chịu án phí phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm số 39A/2017/HSST ngày 11/8/2017 của TAND huyện V,  tỉnh Bắc Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1750
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2018/HSPT ngày 18/01/2018 về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

Số hiệu:02/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:18/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!